Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn của Nguyễn Phú

06-05-2011 01:36:59 PM

VanVN.Net - Nguyễn Phú, một cây bút gần đây được bạn đọc biết đến với những điều “mặc định” như: một chiến sĩ biên phòng đóng quân nơi địa đầu tổ quốc vẫn đều đặn viết văn; tác giả đoạt giải cao nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội (2009 – 2010); một giảng viên Học viện Biên phòng nghiêm cẩn cả trên giảng đường và trong trang viết… Những truyện ngắn mang hơi thở của núi, của đá, của niềm tin nguyên sơ trong trẻo, của tình yêu hồn nhiên như sương như nắng…đã gắn người viết vào một miền “đất lạ thành quen”. Miền đất ấy là Hà Giang, nơi Nguyễn Phú đã có 5 năm đóng quân ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng...

Nguyễn Văn Phú

Hoa pằng nảng rơi rơi

- Dúa ơi, Dúa à, mày lại đi đâu rồi?

Biết là tiếng mẹ nhưng Dúa vẫn không trả lời. Mẹ cũng biết Dúa ra đấy mà vẫn cứ gọi thôi. Phía sau Dúa không xa bọn con trai, con gái Tày, Nùng say sưa trong hội tung còn. Bọn nó cười đùa thật vui, chẳng như Dúa đang héo từng khúc ruột. Mấy mùa xuân rồi Dúa cứ đứng như thế. Mẹ Dúa rối bời ruột gan nhưng chẳng can được Dúa, chỉ có con Súa, em gái Dúa, cứ ra kéo Dúa về. Bao giờ nó cũng lúng búng trong miệng: “Chị à, phải thương mẹ chứ, đi về thôi!”.

Bây giờ đang là mùa xuân. Ở cái bản Há Già heo hút này người ta tổ chức hội xuân vui lắm. Bọn con trai con gái hát iếu, hát cọi, thổi khèn, kèn lá... rồi từng đôi từng đôi dắt nhau đi chơi. Người già, người trẻ, cả trẻ con nữa đều có thể uống rượu. Hoa đào hoa mận hoa lê nở bừng lên. Lũ chim rừng líu lo gọi bạn tình. Nhưng dường như Dúa không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì. Lòng Dúa đang nghĩ về một nơi xa lắm, ở đó có Phừ. Tết này Phù có thổi khèn nữa không nhỉ? Phừ không thổi khèn thì thật tiếc, nơi đó sẽ không có mùa xuân...

Gốc pằng nảng nơi Dúa đang đứng đây bao năm Phừ và Dúa đã ngồi. Phừ đã bảo: “Bao giờ cây pằng nảng này không còn nở hoa thì Phừ mới không thổi khèn, không ngồi với Dúa nữa”. Cây pằng nảng to đến mấy người ôm không hết. Mỗi dịp xuân về cây như một người khổng lồ với hàng trăm cánh tay thô ráp, khô gầy đang cầm những đốm lửa nho nhỏ vươn lên cùng mây trời. Như khao khát dâng hiến sức xuân, sắc xuân cho đất trời. Những nhành cây nho nhỏ giống hàng ngàn ngón tay như muốn kéo tuột những đám mây đang lơ lửng trên cao xuống đất. Những bông hoa có một sắc đỏ đến mê hoặc lòng người. Hoa lìa cành về với đất vẫn da diết, tươi roi rói một màu máu. Có người bảo đó là nước mắt, là máu trong tim của những người đàn bà... Người già nhất ở bản này cũng không ai biết nó có từ khi nào. Dúa chỉ nghe kể rằng những người Tày đến đây đầu tiên, họ thấy cây pằng nảng và khoảng đất đẹp nên dừng lại lập bản. Người Tày lập bản thì người Nùng, người Mông cùng về quần tụ. Ba dân tộc rất yêu thương nhau, coi nhau như anh em một nhà. Ngày tết mọi người kéo đến nhà nhau uống rượu đến say mới thôi. Dúa lặng nhìn về phía dãy núi Pư Khảo. Những đám mây trắng muốt mỏng tang đang như ôm ấp ve vuốt những đỉnh núi nhọn hoắt. Một bông pằng nảng rơi trúng Dúa, không làm Dúa thấy đau mà êm êm ở đỉnh đầu. Ngước mắt nhìn lên Dúa gặp một vầng đỏ chói ngời, càng nhức nhối trong lòng Dúa những kỷ niệm...

Ngày ngày tháng tháng năm năm. Đời nối đời... Dưới gốc cây pằng nảng này đã có biết bao nhiêu người phải đứng như Dúa nhỉ? Dúa đâu có thể biết được. Có lẽ chỉ cây pằng nảng biết và những ngọn núi kia biết...

Người đàn bà có nước da trắng mịn màng, đôi mắt u sầu bế đứa con chưa đầy ba tháng tuổi trên tay. Làn da người đàn bà đã chuyển thành tái xám vì mưa lạnh hay vì nỗi đau trong lòng. Nước mắt người đàn bà đang chảy vào trong. Đứa con trên tay cứ khóc ngằn ngặt. Nhưng mẹ nó dường như không biết đến điều đó. Bố nó vừa bị người nhà quan châu bắt đi rồi. Bao người dân ở cái vùng cao này như bầy ngựa trong chuồng nhà quan châu thôi, họ bắt đi lúc nào chả được. Đã mấy mùa hoa nở người đàn bà đứng dưới gốc pằng nảng này nhìn về phía dãy núi Pư Khảo mà chẳng thấy gì nữa, chỉ thấy mắt mình cứ mờ đi, mái đầu thêm bạc. Người ta bảo chồng bà đi mở đường cho quan châu đã bị rơi xuống vực. Người đàn bà trở về ôm đứa con gái bé nhỏ và ru nó bằng những lời ứa máu. Người đàn bà đó là cụ ngoại Dúa.

Mùa xuân ấy bản Há Già thật nhộn nhịp. Nhộn nhịp bước chân người già. Hối hả bước chân thanh niên. Cuống cuồng, líu ríu bước chân phụ nữ. Bản ngập tràn bóng áo xanh bộ đội. Người ta lấy Há Già làm nơi đưa tiễn những chàng trai ở tất cả các bản quanh đó lên đường đi chiến đấu. Bản Há Già đi đông nhất, những năm người. Bản tổ chức uống rượu, thổi khèn, hát iếu, hát cọi thâu đêm suốt sáng. Có đến hai đêm liền như thế. Đến sáng ngày thứ ba thì các anh bộ đội rời bản. Người già trong bản lo thì lo lắm nhưng vẫn vui vẻ để con cháu lên đường. Cuộc đưa tiễn có không biết bao nhiêu nước mắt đàn bà. Nước mắt hòa vào triệu triệu hạt mưa, thấm xuống đất, tan cùng nước suối trôi đi. Đoàn bộ đội đi rồi, có một người đàn bà địu đứa con sau lưng ra đứng dưới gốc pằng nảng nhìn theo bóng họ khuất sau dãy núi. Người đàn bà không nhớ ra đấy đứng ngồi mong đợi đã mấy mùa xuân. Chỉ biết đã ngồi mòn cả một hòn đá đợi cho đến ngày những người đàn ông năm đó trở về. Nhưng trong số ba người trở về không có người đàn ông của bà. Những đêm đông người đàn bà ôm đứa con gái bé bỏng vào lòng ru nó bằng những lời ru ứa máu. Người đàn bà đó là bà ngoại  Dúa.

Vào một buổi chiều xuân hơn mười năm trước cũng có một người đàn bà đứng dưới gốc pằng nảng này tiễn chồng. Chồng bà cùng một người bạn dắt hai con ngựa thồ mang mật ong, tam thất, thớt nghiến... xuống chợ vùng xuôi để bán, hẹn gần tết sẽ về mua thật nhiều quần áo đẹp cho vợ và hai đứa con gái. Gần tết, qua tết... người đàn bà chẳng thấy gì ngoài những đám  mây cứ tan ra theo gió bay mất hút sau dãy núi. Hai người đàn ông đó không trở về. Có người cùng bản đi chợ vùng xuôi nói họ đã đi theo hai người đàn bà khác. Người đàn bà không tin điều đó là sự thật nhưng thời gian và sự bặt tin của người chồng đã bào mòn niềm tin, sự hy vọng và mùa xuân sau bà không ra ngóng nữa. Những đêm dài tê tái bà ôm hai đứa con nhỏ vào lòng, nước mắt thấm ướt cả tóc chúng nó. Bà lo sợ cho tương lai của những đứa con. Năm tháng cứ trôi đi cùng với sự lo lắng. Người đàn bà đó là mẹ Dúa...

Dúa và Phừ quen nhau thật tình cờ. Chiều hôm ấy nghỉ học, đi cắt cỏ ngựa về qua đám nương nhà mình Dúa thấy hai con trâu nhà ai đó to như hai tảng đá lớn, đen bóng hùng hục ăn những cây ngô non mơn mởn. Bụng chúng đã no năng vậy mà khi Dúa lên tiếng đuổi chúng vẫn lì lợm không chịu đi. Tức quá! Giận quá! Sợ cặp sừng cong, nhọn hoắt của con trâu đực nhưng Dúa vẫn xông đến tóm lấy đoạn dây thừng ở cổ nó. Dúa dồn hết sức hai con trâu mới chịu nhích từng bước. Kéo chúng đi được một đoạn Dúa quá mệt. Dúa định ngồi nghỉ một lúc thì có một người chạy từ đằng xa đến. Thì ra là Phừ học ở lớp 5 cùng khối với Dúa do cô Thơm chủ nhiệm. Nhà cậu ta ở bản bên.Dúa ngúng nguẩy, lườm Phừ một cái rồi cúi gằm mặt dắt trâu đi, kệ cho Phừ năn nỉ. Biết mình sai nên cậu ta không dám làm già, đôi mắt cậu như có nước. Không biết vì sợ Dúa bắt trâu hay ân hận vì đã mải chơi. Nhưng không phải Phừ mải chơi. Phừ bảo bài toán nó làm Phừ quên hai con trâu, rồi đưa ra trước mặt Dúa một cuốn sách. Hai con trâu như hiểu tình cảnh của chủ nó, được nước không chịu nhích thêm một bước. À, thì ra chủ và trâu nhà các người cứ lì ra phải không? Mắt Dúa lại gặp mắt Phừ. Dúa thấy tồi tội. Dúa cũng không dắt được trâu đi đành phải thả cho Phừ. Nhưng Dúa xót công sức của bà, của mẹ nên vẫn còn thấy ghét đứa để trâu ăn ngô... Vậy mà những ngày sau hai đứa lại thân nhau.

Thỉnh thoảng Dúa đi cắt cỏ ngựa lại gặp Phừ đi chăn trâu, lần nào Phừ cũng mang sách đi học. Phừ chăm học thật đấy. Dúa thấy mên mến Phừ vì Phừ thật hiền. Có lúc Phừ xin đi cắt cỏ giúp Dúa. Nhiều ngày Dúa thả đôi ngựa non, rất đẹp nơi Phừ chăn trâu. Phừ thấy đôi ngựa bảo: “Vợ chồng nó đẹp đôi nhỉ, thích thật đấy. Ước gì mình với Dúa sau cũng được thế này”. Dúa chưa hiểu vợ chồng là gì nhưng nghĩ được gần gũi với Phừ suốt ngày như đôi ngựa thì thấy thinh thích. Năm học đó Phừ và Dúa cùng lên lớp 6. Hai đứa đi học chung trường và lại được xếp vào một lớp, càng thân nhau hơn. Đến trường Phừ phải đi qua nhà Dúa nên hôm nào Phừ cũng đến gọi và chờ Dúa cùng đi. Hai đứa vừa đi vừa ríu ra ríu rít như đôi chim non. Buổi được nghỉ học Dúa đi cắt cỏ ngựa, Phừ chăn trâu. Hai đứa mang vở đi học chung. Được Phừ chỉ giúp những bài toán khó, khi nghĩ về cái chữ, cái số Dúa không thấy ong ong ở đầu nữa mà thấy chúng biến hóa kì ảo, thật thích.

Phừ hay động viên Dúa:

- Dúa học giỏi sau này hai đứa mình cùng xuống huyện học nhé!

- Xuống huyện thì xa lắm, nhớ bản, nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ cái Súa lắm! Nhưng có Phừ cùng đi thì Dúa sẽ đi.

Năm cuối cấp hai. Phừ vẫn đến rủ Dúa đi học nhưng hai đứa không còn nắm tay nhau nữa và thường đi cách nhau một khoảng. Có lúc Dúa thấy má mình nóng bừng lên khi Phừ nhìn. Cái nhìn của Phừ lạ lắm! Tại sao thế nhỉ, tại sao Dúa không còn dám nhìn lại Phừ như trước kia nữa? Mắt Phừ cứ như có lửa, có rượu ấy.

Gần hết năm học đó, bà Dúa ốm nặng, suốt ngày bà chỉ nằm trên giường kêu rên. Rồi ho. Nhiều đêm những cơn ho của bà kéo dài đến sáng. Ho như xé phổi. Ho như rách cả cuống họng. Mấy mẹ con Dúa sợ lắm. Cô y tá xã đến phát thuốc và tiêm cho bà. Bà vẫn không khỏi ho. Bà nằm nguyên như thế một chỗ, không thể đi lại được. Bà như một chiếc lá treo trên cành cây rừng sắp về với đất rồi. Hình như vẫn còn một chút nhựa nào đó nên chiếc lá vẫn dính lại một cách mong manh, chưa chịu lìa cành. Mẹ Dúa suốt ngày đêm phục dịch bên bà nên người mẹ gầy rộc đi. Nhìn bà, nhìn mẹ, lòng Dúa đau lắm. Con Súa em Dúa còn bé chưa biết gì, chưa làm được gì. Mà nó lại là đứa bé hay nũng nịu, nó thích cái gì là đòi bằng được.  Có lẽ Dúa phải nghỉ học giúp mẹ chăm bà thôi. Hôm Dúa bỏ học ở nhà mẹ đã khóc không cho Dúa làm thế. Hôm sau cô giáo chủ nhiệm và Phừ đến. Thế là Dúa lại đi học. Thôi, Dúa cứ đi để học xong lớp 9 này.

Cái bệnh vẫn mãi bám theo bà như con ma nhập vào người. Cô y tá bảo không phải ma đâu. Bà Dúa bị liệt, người già thường hay bị thế. Năm học mới đến rồi nhưng Dúa sẽ không thể đi học trường huyện cùng Phừ được. Dúa đi rồi ai sẽ lo cho bà, ai sẽ giúp mẹ đi nương, giúp mẹ nuôi ngựa nuôi lợn nuôi gà đây. Cô giáo và Phừ lại đến động viên, cả bác trưởng bản cũng đến bảo Dúa đi học mà Dúa đã quyết thế rồi.

Những ngày Phừ chuẩn bị xuống huyện học trăng sáng quá. Trăng như muốn dẫn đường cho Phừ đến nhà Dúa được dễ hơn. Không đêm nào Phừ không đến. Hai đứa lại rủ nhau ra gốc cây pằng nảng ngồi. Dúa mang những sợi lanh ra tước từng sợi từng sợi nhỏ tí. Phừ ngắm trăng rồi Phừ thổi khèn. Phừ thổi khèn hay lắm. Tiếng khèn của Phừ làm những đêm liên hoan văn nghệ ở trường vui nhộn mà mênh mang, mung lung, kì ảo. Bao đêm Dúa nghe thấy tiếng khèn của Phừ tha thiết, chập chờn trong giấc ngủ. Nhưng lúc này Dúa đang buồn. Dúa sắp phải xa Phừ rồi. Ông trăng như ngơ ngẩn bởi tiếng khèn của Phừ. Trên mặt Dúa trăng rười rượi. Những giọt trăng đọng lại thành từng dòng trong mắt Dúa, trào ra lăn trên má, mằn mặn ở môi. Phừ không khèn nữa, đau đáu nhìn vào mắt Dúa. Phừ thấy nhói lên từ trong sâu thẳm lòng mình. Ngồi xích lại Dúa, Phừ nắm lấy bàn tay trắng muốt, thon nhỏ, mềm mại của Dúa. Dúa để yên tay mình trong bàn tay chai sần, nóng hổi của Phừ. Bất ngờ Phừ ôm, hôn lên má Dúa. Dúa thấy người nóng ran nhưng vội đẩy Phừ ra. Phừ lấy áo lau nước mắt cho Dúa. Xong rồi, Phừ thì thầm:

- Dúa à, đừng buồn nữa! Phừ đi học rồi tuần nào Phừ cũng về với Dúa mà.

Dúa im lặng, Dúa tin lời Phừ lắm vì đã bao giờ Phừ nói dối đâu. Nhưng tại sao lòng Dúa thấy thắc thỏm và lo sợ thế này. Dúa không thể hiểu được!

Phừ xuống huyện học được nửa năm thì bà Dúa mất. Hàng tuần Phừ đều về bản và qua nhà Dúa. Hai đứa ríu rít bên nhau. Nhiều đêm hai đứa ra gốc pằng nảng ngắm trăng, thổi khèn, tước lanh.

Những ngày xuân là ngày vui nhất ở bản này và là những ngày vui nhất của Dúa. Đó là thời gian Dúa được cùng Phừ đi chơi khắp bản, đi vào rừng hái hoa, nghe tiếng chim, tiếng suối. Phừ đã trở thành một chàng trai cao lớn vạm vỡ. Tấm lưng của Phừ to, vững chắc như cây lim, cây nghiến. Bắp tay cuồn cuộn. Ngực gồ lên như thớt gỗ tốt. Đôi mắt Phừ lúc nào cũng như có lửa. Và Phừ có một bộ râu rất đẹp, dù đã được cạo nhưng nó vẫn xanh đen, thi nhau đâm ra tua tủa. Nhiều cô gái mơ ước được Phừ cầm tay dắt đi chơi. Mọi người bảo Phừ đi bên Dúa rất đẹp đôi. Ai cũng biết Dúa đẹp, dịu dàng nhất bản này, nhất vùng này. Thân hình Dúa chắc lẳn, thon thả. Dúa bước đi mềm mại như cây lanh đong đưa trong gió. Mái tóc dài đen mượt có ủ trăm mùi hương mê hoặc. Đôi mắt đen lay láy, trong veo như có hai giọt nước ở trong. Môi đỏ thắm như màu đỏ của những bông pằng nảng. Biết Phừ và Dúa quý nhau nhưng nhiều chàng trai Mông, chàng trai Tày vẫn ngày đêm tơ tưởng. Nhiều gia đình nhờ người đến nói chuyện với mẹ Dúa, mong được mang rượu trắng, gà trống thiến và bạc trắng đến nhà Dúa. Mẹ vẫn chưa dám nhận lời của ai. Mẹ cũng thương Dúa và Phừ lắm. Có lần mẹ bảo với Phừ: “Phừ à, mày có thương con gái ta thì bảo bố mẹ nhờ người đến đây. Bằng tuổi con Dúa mấy đứa con gái ở bản này có chồng con cả rồi”. Phừ ngượng nghịu, đỏ bừng mặt, rứt đầu rứt tai trông đến là thương. Phừ nói với mẹ Dúa: “Bác ơi, cháu và Dúa thương nhau thật mà. Nhưng bố mẹ bảo cháu phải học cái chữ cho thật giỏi đã. Cháu muốn học để đi làm sau này Dúa không phải sống với cái khổ, cái đói. Nhất định bố mẹ cháu sẽ mang rượu trắng, gà trống thiến đến nhà ta”. Năm đó cả Phừ và Dúa đều đã mười tám tuổi. Phừ sắp hết lớp 12...

Gia đình Phừ đột ngột chuyển về thị xã, nghe nói bố Phừ đi làm ăn xa đã mua được nhà ở dưới đó. Nhà Phừ thành người phố rồi. Đường về bản thành xa rồi. Lẽ ra phải vui cho Phừ nhưng sao lòng Dúa thấy trống rỗng như căn nhà hoang bị gió đông dồn thổi thế này.

Xuân năm đó Phừ lên thăm lại bản và gặp Dúa. Phừ thực sự đã trở thành một chàng trai phố. Cái quần bò Phừ  mặc nhăn nhúm, hai cái túi to tướng trước vế đùi, có đính cái xích sắt kêu lẻng xẻng theo bước đi. Tóc Phừ chải từng chỏm bết lại, dựng ngược. Dúa chưa nhìn thấy trai bản để tóc như vậy bao giờ... Dúa thấy hơi là lạ với người mình yêu nhưng cái nhớ, cái thương, cái tình yêu trong Dúa bùng lên mạnh mẽ. Nó như ngọn lửa đốt hết những cái lạ lẫm nơi Phừ. Nơi trái tim Dúa, trong mắt Dúa, Phừ vẫn là Phừ của ngày nào. Hai đứa dắt nhau đi vào khe núi Pư Khảo tâm tình. Suối réo rắt, chim gọi bạn tình từng hồi thao thiết, thúc giục, hương hoa rừng như xui khiến, mời gọi. Phừ dắt tay rồi đặt Dúa ngồi lên một thảm cỏ mượt như nhung. Phừ nhìn Dúa. Cái nhìn như muốn thiêu, muốn đốt Dúa thành tro tàn, muốn xé Dúa thành trăm mảnh... Như một con mãnh hổ đói Phừ chồm lên Dúa. Cánh tay Dúa yếu ớt rồi trở nên mềm mại, xoắn xuýt lấy tấm lưng, thân thể Phừ như những sợi dây leo quấn quanh thân cây nghiến cổ thụ. Núi như chao đảo. Cây rừng như ngả như nghiêng... Dúa bật kêu bởi một nhịp sóng quá mạnh của Phừ. Thảm cỏ in dấu. Dãy núi ghi lại tiếng kêu chấm dứt đời con gái của Dúa... Dúa thành đàn bà như bao cô gái trên cao nguyên sau những mùa tình. Nhưng chỉ khác sau đó không lâu gia đình chàng trai ấy sẽ mang lễ vật đến nhà cô gái. Còn Dúa, Phừ bảo Dúa cứ chờ. Học xong trường sư phạm Phừ sẽ quay trở lại bản Há Già này dạy học,  khi đó sẽ mang rượu trắng, gà trống thiến đến nhà Dúa. Rồi Phừ đi...

Mỗi buổi chiều tàn, tiếng gió núi như vón thành từng cục đá lạnh toát bắn vào tai, vào sâu trong tim. Mẹ thường nhìn Dúa bằng đôi mắt xám bạc, buồn hoang dại. Đêm đêm mấy chàng trai vẫn bền bỉ đứng bên hàng rào đá nhà Dúa thổi khèn, kèn lá. Những lời tỏ tình da diết, cháy bỏng... Dúa không thể nghĩ đến một chàng trai nào khác nữa rồi nên Dúa chỉ biết chờ, biết hy vọng thôi. Nhiều đêm Dúa không ngủ được, mẹ cũng trằn trọc, lăn đi lăn lại theo nhịp thở nặng nhọc, não nuột. Hai mẹ con ôm nhau mà trong lòng lạnh buốt. Chiếc giường nhỏ tí, một người ngủ thì vừa, hai người nằm thì chật. Mẹ bảo ông bà ngoại lấy nhau thì đóng cái giường này. Phong tục người Mông thế. Vợ chồng phải ngủ chung trên một cái giường chật không phải vì thiếu tre, thiếu gỗ mà để khi ngủ phải ôm nhau, nếu không ôm nhau thì sẽ rơi xuống đất. Vợ chồng giận nhau vẫn phải ôm nhau mà ngủ. Cái giường làm cho cái giận hờn mau qua, vợ chồng mau làm lành. Ông bà, bố mẹ Dúa đều đã nằm trên cái giường này. Cái cảm giác nơi khe núi lại xâm chiếm lấy toàn thân Dúa, đè ụp lên người Dúa. Dúa mong mỏi một ngày không xa trên chiếc giường này Dúa sẽ được nằm gọn trong cánh tay chắc khỏe của Phừ và mơ về những đứa con xinh đẹp. Dúa ấp mặt vào ngực mẹ. Đôi bầu ngực đã nuôi lớn chị em Dúa, giờ đây teo tóp như hai quả mướp khô trên giàn. Nước mắt Dúa thấm qua làn áo mỏng của mẹ. Nước mắt mẹ chảy tràn, ướt cả mớ tóc dài đen mượt của Dúa.

Mùa đông trên cao nguyên đá này thường đến sớm nên mùa xuân cũng đến sớm. Đã ba mùa xuân rồi, Phừ không về bản Há Già nữa. Ba mùa xuân. Không biết bao ngày Dúa ra gốc pằng nảng này đứng nhìn về phía dãy núi Pư Khảo. Không biết bao nhiêu nước mắt Dúa đã thấm những vạt cỏ ở đó. Giờ nhà chỉ có hai mẹ con, Dúa thấy thương mẹ lắm. Dáng mẹ đã cong cong khi đi trên nương, tóc mẹ đã bạc nhiều rồi. Đám con trai ngày trước hay săn đón giờ không còn ai đến thổi khèn bên hàng rào đá nhà Dúa nữa. Có lúc Dúa thấy mình như bị vứt xuống một vực sâu hun hút, mịt mờ. Dúa vẫn cứ chờ, vẫn cứ hy vọng. Dúa không thể tin những lời người ta nói. Họ bảo Phừ đi dạy học ở một xã biên giới phía Tây của tỉnh, một lần đi xe máy xuống bản Phừ đã chết vì bị rơi xuống vực. Người thì bảo Phừ bỏ dạy học đi đào vàng mãi tận bên tỉnh Sơn La, Lai Châu gì đó. Rồi có người lại bảo bây giờ nhà Phừ giàu lắm. Phừ dạy học ngay thị xã và đã lấy một cô giáo người Kinh rất xinh. Lại có người nói Phừ đang yêu một ai đó học ở trường nội trú… Dúa không tin là Phừ đã chết hay Phừ không còn nhớ đến mình nữa. Không! Không! Dúa không tin! Mẹ thường bảo người Mông  ta trọng lời hứa lắm, Phừ sẽ không lừa dối Dúa đâu. Dúa đã từng hứa sẽ đợi chờ Phừ đến khi nào Phừ nói không còn yêu Dúa, Dúa mới thôi đợi. Vậy tại sao Phừ không về bản, cũng không gửi lấy một chữ? Những câu hỏi này cứ cứa vào tim Dúa chảy ra thành những giọt nước mắt mặn đắng thấm vào bầu ngực khô của mẹ suốt mấy mùa. Mẹ ôm chặt Dúa vào lòng. Trái tim tê buốt của mẹ bật lên thành những lời hát nghe não nuột:

... Người đàn bà Mông ta khổ hơn con trâu, con ngựa

Trâu ngựa được vui khắp suối, khắp đồi

Đàn bà Mông chỉ đau khổ với những thương cùng nhớ

Ra cửa nhớ cái buồng mình nằm

Ra chân núi nhớ cái nhà mình ở

Ra đường cúi mặt không dám nhìn người đàn ông khác

Sợ nhìn có lỗi với chồng...

...

...Trời, chim “cư cứ” giữ vùng tháng giêng, coi vùng tháng hai

Chim thấy người yêu ta, chồng ta nay ở đâu...?

Mỗi lần cho ngựa ăn Dúa chỉ mong mình và Phừ được như đôi ngựa cùng tợp tợp ăn cỏ trong một cái máng. Đôi ngựa này thay cho đôi ngựa ngày Dúa còn bé dễ cũng được mấy năm rồi. Mẹ bảo từ ngày Dúa sinh ra đến nay nhà đã thay hai đời ngựa. Đôi ngựa đầu cha Dúa mang đi con đực. Mẹ chờ. Con ngựa cái chờ. Mẹ không chờ được nữa. Mẹ thay con ngựa cái, mong nó có bạn khi đến tay chủ mới. Đôi ngựa thứ hai là đôi ngựa Dúa hay chăn ngày bé. Chúng đang quấn quýt bên nhau như hình với bóng thì cái rét năm đó tràn đến. Con đực bị trượt chân xuống vực trong một buổi leo núi tìm cỏ. Mẹ đành cho trai bản khiêng nó ra chợ. Nhiều đêm con cái hí vang, lồng lộn. Một buổi sáng sương giăng mù bản, gió rít buốt óc, mẹ ra chuồng lấy cỏ cho nó ăn. Nó đã chết. Không biết nó chết vì lạnh hay vì nhớ...

Hai tháng nay Dúa thấy sợ khi ra chuồng ngựa. Sợ phải nhìn con ngựa cái già. Sao đôi mắt mờ đục của nó nhìn Dúa như cảm thông, như chua xót? Hình như có lần nó khóc! Con ngựa đực nhà Dúa biến mất tăm vào một buổi chiều, cứ tưởng nó trở về như những lần trước nhưng lần này thì không. Nó đã đi. Đi mãi... Nó là một con đực sung mãn và đầy kiêu hãnh với một thân hình vạm vỡ, cường tráng. Cái bờm dài chạy đến giữa lưng lông rủ xuống mềm mượt. Ức gồ lên như tảng đá. Mông săn chắc nây đều... Một lần dắt nó xuống chợ, nó đứt dây cương lồng vụt đi khi nhìn thấy một con cái non đằng xa, làm Dúa ngã dúi dụi.

Con ngựa cái sinh mấy lứa con rồi, nó lại toàn sinh nở vào những ngày đông giá nên giờ tiều tụy, cặp mông vồng căng đã xẹp lép, teo tóp. Cái bụng chảy xệ, những cái núm vú dài nhăng nhẳng, đen xì, tong teo. Và bốn vó nó mới thật thương, thật xót.  Đó là những đoạn củi khô khúc khủyu, gân guốc cứ run run như không muốn làm bốn cái trụ đỡ cho thân thể cũng không còn mấy nặng nề nữa. Nhưng đến mùa động dục cái bản năng giống cái khao khát được sinh sôi nảy nở vẫn thiêu đốt thân thể còm nhom, ốm nhách của nó. Nó quằn quại. Nó lồng lộn. Nó dứt dây cương. Nó đá móng cộp cộp vào cột gỗ. Nó hí lên những tiếng vang xa nghe nhói lòng... Dúa không ngủ được bởi những tiếng hí ấy. Dúa kìm nén mà không kìm nén nổi. Tiếng kêu rên ở cái buổi tại khe núi Pư Khảo bật lên giữa đêm giá lạnh cao nguyên. Đôi bầu ngực còn xuân mẩy căng cứng, nhưng nhức như mưng mủ. Giữa đêm mưa lạnh mà mồ hôi Dúa đầm đìa... Có những đêm con ngựa cái không lồng lộn, hí vang thì Dúa chìm dần được vào giấc ngủ. Dúa mơ thấy mình biến thành những sợi bông pằng nảng bay đi theo gió để tìm Phừ. Mỗi bông pằng nảng mang theo một hạt mầm. Mỗi hạt mầm là một giọt nước mắt Dúa đã thấm vào gốc pằng nảng...

Đêm qua là một đêm xuân, con Súa ào về nhà từ chiều, nó hát ríu ran. Người trong bản bảo chị em Dúa giống nhau như hai giọt nước. Nó đang ở cái tuổi mười tám của Dúa ngày xưa. Nó có một mùa xuân ở phía trước. Nó cũng sắp trở thành người phố rồi. Nó đi học dưới đó đã gần ba năm. Bây giờ về nhà nó không còn muốn đi lên nương nữa. Nó sợ phải leo dốc. Nó sợ mùi phân trâu, phân ngựa... Về đến nhà nó kêu chân tay mỏi nhừ rồi nằm vật ra ngủ. Có lúc Dúa thấy thương nó quá, chắc ở dưới đó học hành vất vả. Nó mơ ước sang năm sẽ thi đỗ vào trường sư phạm tỉnh. Đêm hai chị em ôm nhau ngủ trên chiếc giường thường ngày mẹ và Dúa vẫn nằm. Nó ôm ngang lưng Dúa thì thầm:

- Chị Dúa à, thương mẹ, thương em thì chị lấy chồng đi, đừng chờ đợi nữa!

- Chị già và xấu rồi không ai muốn mang rượu trắng, gà trống thiến đến nhà mình nữa đâu. Nước mắt Dúa chảy nóng hôi hổi trên má, thấm vào tóc con Súa.

Con Súa thổn thức, nước mắt của nó thấm vào làn áo mỏng của Dúa lành lạnh. Ô, nước mắt cũng khác nhau vậy sao?

Buổi sáng. Mặt trời vừa ló rạng sau dãy núi Pư Khảo thì Dúa tỉnh dậy. Không thấy con Súa đâu, có lẽ nó đã đi cho kịp chuyến xe về thị xã. Chắc nó chưa kịp ăn gì. Tội nghiệp! Mấy thứ mẹ sắm cho nó hôm qua nó đã mang theo. Mẹ đi cõng nước rồi. Dúa mệt mỏi quay vào thu dọn lại chăn gối đêm qua hai chị em ngủ. Sao con Súa vội gì mà bỏ quên túi xách thế này? Dúa mở túi ra xem em quên những gì rồi để gửi xuống cho nó. Dúa không tin vào mắt mình nữa. Hai người ôm nhau ngồi trên ghế đá trong tấm ảnh chả là con Súa với Phừ đây sao? Tại sao lại thế này?

Một cơn gió thốc mạnh buốt đến tận buồng trong. Đôi mắt nhạt nhòa Dúa vội nhìn ra trước nhà. Một trận mưa hoa với hàng ngàn bông hoa pằng nảng đỏ tươi như máu, xoay tít, rơi rơi...

Cao nguyên đá, đông 2007

 

Trăng non treo đỉnh núi

Vậy là một mùa xuân nữa lại về. Hoa đào đã lấm tấm đỏ. Mấy cây lê, cây mận quanh nhà như những cây tuyết trắng muốt. Rừng sa mộc trên đồi đội triệu triệu hạt sương, đứng im lìm thành đội quân trùng điệp. Mưa xuân bay bay ngoài mái hiên. Từng đợi gió âm ấm tràn về…Sáng nay chỉ còn mình Mây ở nhà. Mây phải trông vạc rượu Tết cho bố. Năm nào nhà Mây cũng nấu hai vạc rượu. Rượu ngô ủ men lá thơm lừng, chảy suốt một ngày một đêm mới cạn. Lũ em đi học. Bố mẹ dắt ngựa sang bên ngoại từ sớm. Bên ấy, nhà ông bà đã thịt lợn Tết. Ở đây, người ta ăn Tết sớm. Đầu tháng Chạp đã có nhà thịt lợn. Mỗi nhà một con, không nhà ai chung nhau. Như thế năm mới sẽ được no đủ, may mắn. Chỉ có ngày thịt lợn thì gọi anh em, con cháu đến ăn một bữa. Nhiều nhà thịt treo chật trên giàn bếp, mỡ đầy hai chum ăn quanh năm, đến khi thịt con lợn của năm sau vẫn chưa hết…

Mây ngắm những đám mây bay ra từ khe núi. Đám mây mỏng mảnh như chiếc khăn trắng, uốn lượn, rồi tan theo gió, mất hút. Mây ước mình biến thành đám Mây ấy được tự do giữa núi rừng này. Đã hai mùa xuân, Mây không còn cái cảm giác nôn nao mong ngóng Tết đến nữa. Mỗi cái Tết qua đi là ngày Mây phải về nhà Ban càng gần. Mây sẽ không được ở cùng với bố mẹ, với lũ em. Mây phải về nhà người ta, làm con trâu nhà người ta. Đời làm dâu, lại là dâu gán nợ thì tủi cực lắm. Mây thấy sợ nên Mây không mong mùa xuân đến, không mong cái Tết về. Nghĩ đến những ngày tháng phía trước của mình, nước mắt Mây cứ trào ra.

 - Con Chẳm…Con Chẳm…

Mây giật mình bởi tiếng kêu dưới chân cầu thang. Sao Răm lại hốt hoảng thế này? Không lẽ có chuyện gì sao? Nó nhắc đến con Chẳm. Thì vừa hôm trước cả bọn đưa nó về nhà thằng Sính bên Pờ Ly Ngài mà. Chắc chưa quen chồng, nhớ nhà rồi trốn về với bố mẹ đẻ thôi!? Răm vẫn trân trân nhìn Mây. Rồi nó lao lên trên sàn ôm ghì lấy Mây thổn thức.

- Con Chẳm…

- Nó có chuyện gì? - Giọng Mây run run.

- Nó …chết rồi!

  Mây chết lặng. Trời ơi, sao có thể thế được!? Mới hôm trước nó còn đẹp như một bông hoa. Chiếc áo chàm nó mặc bó sát người, hàng cúc bạc hình hoa mua lấp lánh, kiềng bạc sáng choang. Nó ngồi trên lưng con ngựa bạch. Thằng Sính dắt ngựa tít mắt cười. Sao nó lại chết?! Chẳm ơi, sao mày lại bỏ mày đi? Hay con ma rừng bắt mày, con ma núi bắt mày?

Mây ôm Răm, hai đứa cùng nức nở. Hai đôi vai thon rung lên từng nhịp. Vậy là con bạn thân, đẹp như con chim quý trên rừng đã chết…

Lũ con gái ở bản Tà Chải này cái tuổi con gái mau qua, cái phận đàn bà mau tới. Cha mẹ nhận đồ sêu của người ta khi mới chín, mười tuổi. Đến mười lăm, mười sáu ăn chưa biết no, nghĩ chưa biết khôn đã về làm dâu nhà người. Rồi suốt một đời ru rú trong xó buồng nhà chồng, không dám bước qua ngưỡng cửa nhà chồng. Đẻ cho nhà chồng một lũ con như gà như vịt. Bầu vú chưa căng chín tròn đã nhàu nhĩ bởi tay chồng. Hai cái đầu vú thì nhằng nhằng sứt sẹo vì răng của cả đống con nghiến, rứt. Suốt ngày cắm mặt trong nhà, trong bếp nấu rượu cho chồng uống, lùi lũi trong chuồng băm cỏ cho trâu bò dê ngựa nhà chồng ăn…

Bao đời nay cái phận đàn bà như thế rồi. Không khác được. Có đau, có buồn cứ lấy cái gương mẹ chồng, chị dâu ra mà nhìn. Rồi thành quen. Chưa người đàn bà nào dám bước qua ngưỡng cửa nhà chồng để về nhà mẹ đẻ. Khổ quá thì cứ cố cắn răng mà chịu. Nhục quá thì làm nắm lá ngón. Chết cũng phải ở nhà chồng, làm ma nhà chồng.

Sao con Chẳm phải chết cơ chứ? Nó là đứa con gái đẹp và ngoan nhất nhì bản này. Người trong vùng bảo Tà Chải có hai bông hoa đẹp, hai con chim quý. Trai Tà Chải suốt ngày uống rượu ngô, không chịu làm ăn gì, chắc không giữ nổi hoa đẹp, chim quý. Trai bản khác sẽ đến hái hoa, bắt chim đi thôi. Không có bàn tay lạ hái hoa thì hoa đẹp cũng tự héo. Không có bàn tay lạ bắt chim thì tự chim quý nó cũng bay đi. Hai bông hoa đẹp, hai con chim quý  ấy là Mây và Chẳm. Vậy mà Chẳm chết. Mây thấy tim mình như có lũ ong đất hàng nghìn con đang bu vào. Những giọt nước mắt cứ tràn ra, giàn giụa.

Bố mẹ Chẳm nhận bạc nhà thằng Sính từ năm Chẳm mười tuổi. Pờ Ly Ngài có nghề chạm bạc nổi tiếng ở vùng này. Những chiếc vòng dầy, sáng lấp lánh mê hoặc bố mẹ lũ con gái trong vùng. Khuyên tai bạc làm loá mắt con gái đẹp. Thằng Sính hơn Chẳm một tuổi, nhưng nó bé, đen, thấp hơn Chẳm một cái đầu. Có lần nó đến nhà Chẳm cùng bố mẹ nó, Chẳm trốn biệt không thèm gặp. Mẹ đi tìm Chẳm, bảo: “Con gái ngoan, mày phải nghe bố mẹ chứ. Lấy chồng Pờ Ly Ngài chỉ đẻ và nuôi con. Sướng lắm con gái à. Bố mẹ thương mày mới nhận bạc của người ta…”.

Chẳm không thích thằng Sính. Đến năm nó mười tám tuổi rồi, có lớn người mà tính vẫn như thằng trẻ con. Một lần, Chẳm cùng lũ con gái bản kéo nhau xuống chợ Ngàm Bảng, vừa đến đầu chợ thấy đám người xúm xít lại. Cả lũ kéo nhau vào xem. Một đám thanh niên đang dùng chân tay, gậy gộc đánh liên tiếp vào hai thanh niên khác. Chẳm không tin vào mắt mình. Một trong hai kẻ bị đánh là Sính. Sính cố vùng vẫy nhưng không thoát thân, đành chịu trận, tơi tả không khác gì mớ giẻ. Tự dưng Chẳm thấy thương nó. Chẳm xông vào ngăn lũ người lại. Chúng tản ra, cười hô hố. Trông man rợ và nham hiểm. “A, thì ra là chồng của Chẳm đấy à?”. “Người đẹp như mày mà lấy nó cho phí cái đẹp đi”. “Thôi đưa nó về mà chăm không thì mang lên rừng mà chôn”. Mấy thằng thanh niên ấy ở bản Nhùng. Cái bản giàu nhất trong vùng.  Có lần chúng đã đến bản Chẳm rủ lũ con gái đi chơi. Chúng lại hô hố cười bỏ lại Chẳm bệt xuống bên Sính. Mấy đứa bạn hãi quá dạt vào quán thắng cố của lão Xèng chột. Sính nằm dài ra đất nắm tay Chẳm, trán nó rớm máu. Mấy người đàn bà đi qua liếc nhìn, ngoáy cái mông làm cho chiếc váy xúng xính: “Cho cái thằng xấu bụng chết”. Họ ném lại câu nói rồi bỏ đi.

Thì ra, Sính và thằng bạn tức bọn thanh niên bản Nhùng thường hay đến Pờ Ly Ngài ve vãn lũ gái bản. Xuống chợ, thấy ngựa của bọn nó hai thằng lấy dây dù buộc đuôi hai con ngựa, lại lấy cứt ngựa nhét vào quẩy tấu trên lưng ngựa. Bọn thanh niên bản Nhùng uống rượu trong quán nhìn thấy. Cơn sôi máu cùng với cái nóng của rượu làm Sính và thằng bạn ăn trận đòn tả tơi.

“Cái bụng xấu thế, nó đánh cho là phải thôi”. Chẳm vùng vằng bỏ đi vì xấu hổ. Chẳm không thấy thương thằng Sính như lúc nhìn thấy nó bị đánh nữa, mà thấy ghét.

- Mây ơi, tao sắp phải về nhà Sính rồi. Bố tao đã nhận con lợn đen, can rượu nếp nhà Sính mang đến. Nhận cả bạc nữa.

- Cứ về với nó đi. Nó cũng yêu mày mà!

- Nhưng nó trẻ con quá, có sửa được không?

- Sửa được mà. Nó thành đàn ông, thành bố trẻ con là nó khắc người lớn ra thôi. Có vợ nó mới không lêu lổng cùng lũ trai bản.

- Nhưng tao sợ nó lắm. Hôm trước nó nói nó phải nhanh cưới tao, không để cho bọn con trai bản mình, bản khác nhòm ngó.

Mây nhìn thấy mắt Chẳm như mắt con nai trên rừng đang bị lũ người săn đuổi. Chẳm bồn chồn lo lắng là đúng lắm. Lần Mây cùng Chẳm đi hái rau lợn bên suối Huổm, Sính từ đâu đi tới giật lấy tay Chẳm, nói: “Mày là vợ tao rồi, không được đi chơi với thằng nào, tao cấm!”. Thì ra nó ghen. Biết Chẳm, Mây đẹp bọn con trai các bản ngày đêm đến Tà Chải ve vãn. Chẳm vùng tay bỏ về, mắt thằng Sính ngầu đỏ. Mây nhìn cũng thấy sợ.

- Con Chẳm nó chết thật rồi. Nó ăn lá ngón tự tử. Tao sợ lắm! - Răm lại nấc lên.

Vừa chiều hai hôm trước, Mây, Răm cùng lũ bạn trong bản và mấy người nhà đưa Chẳm về nhà chồng. Ai cũng thấy vui vì Sính trông có vẻ hiền, tỏ ra quan tâm, chăm sóc vợ. Nó yêu Chẳm quá nên hay ghen đấy thôi. Nó lấy được Chẳm nó sẽ yêu, sẽ tốt với Chẳm. Từ Tà Chải sang Pờ Ly Ngài đi hai lần con ngựa dừng chân. Giờ chân Mây vẫn còn mỏi. Vậy mà Chẳm chết rồi…

Người nhà con Chẳm bảo thằng Sính đã giết vợ. Đêm trước, khi mọi người nhà Chẳm về hết, họ nhà nó còn đang ăn uống tất trên sàn, Sính mò vào buồng đòi Chẳm cởi váy áo cho nó ngủ. Từ trước đến nay, ở vùng này chưa người đàn ông nào đòi ngủ với vợ ngay đêm đầu tiên. Có người còn cho cả bạn gái của vợ ở lại với vợ hai ba ngày. Chẳm chưa hết lạ lẫm, chưa hết buồn vậy mà nó đã đòi với Chẳm ngay lúc đấy. Chẳm co rúm người lại, ép sát hai đùi vào nhau, lùi sâu vào trong góc giường. Thằng Sính chồm lên, xé váy áo, cắn chảy máu môi Chẳm. Đau quá, tức quá, Chẳm co chân đạp vào bụng Sính. Nó hộc lên, tát bốm bốp vào mặt, vào đầu Chẳm. Ngoài nhà thấy vậy, mẹ chồng chạy vào: “Con dâu ngoan à, mày phải chiều chồng mày chứ. Lấy chồng ai cũng phải như thế thôi. Rồi sẽ quen mà!”. Thằng Sính vùng vằng bỏ ra ngoài uống rượu tiếp. Đêm ấy Sính không mò vào nữa. Nó ngủ lăn ngủ lóc ra sàn trong cơn say. Chẳm không chợp mắt được. Những giọt nước mắt cứ tràn trên gối. Chẳm thấy mình như sống trong một thế giới xa lạ. Không có tiếng cười của bọn bạn. Không có tiếng bước chân của bố mẹ. Không có tiếng cạc cạc của lũ vịt bầu…Đêm đầu tiên ở nhà người yên tĩnh đến rợn người. Yên tĩnh như trong khu rừng ma. Chẳm vục dậy nhìn đêm qua cửa sổ. Vầng trăng non cong cong treo đầu núi, lơ lửng, mỏng manh như sắp rụng xuống cánh rừng u tối. Trăng đầu tháng sáng leo lét, lạnh lẽo. Làn sương mỏng mảnh bao phủ trên đỉnh núi nhọn hoắt - dãy núi cao nhất quê Chẳm - tựa làn khói từ cõi âm ti. Chẳm rùng mình.

Sáng. Mẹ chồng kéo Chẳm vào góc buồng, đưa cho nắm lá gì đó, bảo nhai. Chẳm làm theo. Đắng đến thụt lưỡi, Chẳm định nhè ra. Mẹ chồng lấy tay bịt mồm Chẳm. “Mày cố mà nhai, ngày xưa mẹ chồng cũng cho tao ăn cái này, bảo không thấy sợ, sẽ yêu chồng hơn”. Chẳm nhắm mắt nuốt, miếng bã lá trôi hết vào bụng, Chẳm thấy ngòn ngọt ở đầu lưỡi. Người Chẳm nóng ran, cứ ngất nga ngất ngư như say rượu. Vú thì căng đến rách da rách thịt…Cả ngày như thế. Chẳm vật vã trong buồng. Chẳm chờ mà không thấy Sính vào…

Đêm đổ ập xuống. Sính vào nhìn Chẳm như con hổ nhìn con nai rừng. Trải tấm vải trắng xuống giường, vật Chẳm ra. Chẳm cuốn theo từng cử động, từng nhịp sóng của Sính. Chẳm thấy như bồng bềnh trên đám mây buổi sớm. Rồi nhói buốt, buốt lên đến tận óc. Sính nằm vật ra thở. Một lúc sau, nó vùng lên, giật tung tấm vải. Nó soi lên mặt. Tấm vải vẫn trắng tinh, nhàu nát. Nó vứt tấm vải vào mặt Chẳm, hộc lên : “Con chó cái, mày đã cho thằng nào?...”. Chẳm thấy nhục quá, đau quá. Vậy là nó nghi ngờ Chẳm vì không thấy dấu vết. Cái dấu vết mà đàn ông vùng này luôn được bố chỉ bảo từ khi mới lên mười, mười một. Nó còn rít lên bao tiếng chửi rủa. Chẳm biết làm gì, biết nói gì bây giờ? Nhưng Chẳm đã cùng ai bao giờ đâu. Sao nó cứ muốn Chẳm, bắt Chẳm phải có cái ấy. Ngày mai nó sẽ đem trả Chẳm, rồi bắt đền! Thế thì nhục lắm, con gái ở đây mà bị thế thì chỉ có nhảy xuống vực hay ăn lá ngón mà chết. Chẳm lao ra cánh rừng thâm u. Vầng trăng non như một nét mày sơn nữ chiếu sáng mờ ảo. Tiếng dế kêu ri ri lẫn trong tiếng thì thào của cỏ nghe thành tiếng nấc uất nghẹn.

Người đi làm nương sớm thấy Chẳm cứng đờ trên vạt cỏ. Hai má sưng vù, tím màu quả sim chín, miệng còn ngậm một cái lá.

Kể xong, con Răm lại nấc lên từng hồi.

Mây thấy lạnh toát cả sống lưng. Mây sợ. Rồi Mây cũng phải về nhà chồng thôi. Bố mẹ Mây đã ăn nhiều gà béo, uống nhiều rượu thơm của người ta rồi. Nhà Ban ở trong bản này. Mây không ưng cái bụng mỗi khi nghĩ sẽ phải lấy Ban. Ban không đen, không xấu nhưng nó kém Mây ba tuổi, chỉ bé bằng thằng em Mây. Vậy mà Mây phải làm vợ nó sao? Sao bố mẹ lại nhận gà, nhận rượu nhà Ban chứ? Có lần Mây khóc hỏi mẹ, mẹ chỉ gạt nước mắt. Không hỏi được mẹ, Mây vùng vằng bảo sẽ trốn đi, không ở bản này nữa. Mây không lấy thằng Ban đâu! Mẹ hốt hoảng nhìn Mây, rồi quỳ thụp xuống chân Mây. Bố mẹ Mây đã nợ nhà Ban ba con trâu mộng từ ngày bố mẹ lấy nhau và ngày ông nội Mây chết. Nhưng đã nhận gả con cho nhau thì vẫn được nhận gà, nhận rượu vào ngày Tết và rằm tháng Bảy. Mây không lấy Ban thì nhà Mây phải trả sáu con. Lệ bản này thế rồi, ai nuốt lời nói là bị phạt. Rồi bao nhiêu gà, rượu của người ta bố mẹ Mây đã nhận từ lâu, tính làm sao mà trả được. Mây phải lấy Ban thôi. Đàn bà bản này bao nhiêu người vợ già hơn chồng có sao đâu. Mây cũng sẽ như họ. Về nhà người ta làm từ sáng đến đêm năm này qua năm khác; đẻ con, nuôi con, nuôi cháu mấy chục năm rồi sẽ quen hết, quên hết thôi…

Đã qua Tết. Cái Tết năm nay qua nhanh thật. Mây chỉ quẩn quanh trong nhà, không đi chơi chợ, chơi hội lồng tồng. Xác hoa đào rụng tả tơi quanh vườn, khắp các lối đi trong bản. Cứ mỗi một làn gió đi qua là trăm ngàn cánh hoa hồng tươi trên cành chao liệng xuống đất, rồi trắng bệch, nhàu nhĩ, hoà vào trong bùn đất. Mây hay ngắm những cánh hoa ấy, rồi lại nghĩ đến Chẳm, đến mình. Đã mấy lần buồn, nhớ Chẳm, Mây lén uống rượu một mình. Rồi ngủ thiếp đi. Mây hay mơ trong giấc men say. Mây thấy mình biến thành những dải mây trắng bồng bềnh. Những dải mây trắng muốt theo gió đi khắp núi đồi và đến một nơi thật xa lạ. Chưa bao giờ Mây thấy hay hình dung ra. Ở đấy có cánh đồng bằng phẳng chạy tới chân trời, những con đường thênh thang, mềm mại và những ngôi nhà mái đỏ au…Nhưng có lần Mây thấy mình bị vứt xuống một cái hang sâu đen kịt, thăm thẳm. Mây rơi mãi, rơi mãi… Mây mụ mị không còn biết gì. Và rồi Mây thấy tim mình nhói buốt bởi những bàn tay đầy móng vuốt đang cấu xé, đầu óc quay cuồng trước những cái mặt ghớm ghiếc nhe răng ra cười… Mây bừng tỉnh, mồ hôi đầm đìa. Mây ngập lún trong cái cảm giác lạnh toát, run rẩy.

Gần hết tháng Giêng, các cuộc vui chơi của người già, thanh niên, con trẻ giờ mới thực sự chấm dứt. Gió xuân ấm áp. Những sợi nắng vàng rải xuống núi đồi, nương ruộng ngày càng nhiều hơn. Cỏ mơn mởn cong lên chờ mưa. Lá cây rừng mỡ màng, căng tràn sức xuân. Nhà nhà chuẩn bị vào mùa đốt nương tra hạt. Nhưng cũng mấy ngày nữa nhà Mây mới bắt đầu vào mùa nên hàng ngày Mây đi cắt rau lợn và chăn đàn dê. Đàn dê nhà Mây hơn chục con. Mây ghét tiếng lũ dê vào buổi sáng. Ghét nhất là tiếng be be của con dê đực già. Sáng sớm khi mọi người con đang ngủ, nó đã kêu be be, lồng lộn trong chuồng để dồn đuổi lũ dê cái và húc những con dê đực non. Có lần với cặp sừng nhọn, sắc như mũi dao nó đã húc lòi ruột một con đực non khi thấy con dê đó đang ve vãn một con cái trong đàn. Bố Mây đã phải dùng dao gọt đầu sừng nó. Mây thấy ngại ngùng, pha chút bực tức mỗi lần ra mở cửa chuồng dê. Con đực già luôn đứng chặn ngang giữa cửa. Nó giương cặp mắt hau háu nhìn khắp chuồng. Nó hếch chiếc mõm lên lộ ra mấy chiếc răng trắng, to, bộ râu dài dưới cằm rung rung thật đáng ghét. Không một con cái nào có thể qua cửa nếu không cho nó cưỡi lên lưng. Mây nóng bừng mặt trước hành động của con đực già. Mây vung chiếc roi quất tới tấp vào đầu, vào lưng nó như cố xua đi cái hình ảnh ấy khỏi đầu. Vậy mà suốt cả buổi cái hình ảnh ấy nó lại không chịu ra khỏi đầu Mây. Mây thấy một cảm giác lạ, rồi thấy xấu hổ. Mây càng ghét tiếng be be của con đực già mỗi buổi sáng.

Ngôi trường bên bản Nậm Dế người ta sắp xây xong. Từ nay lũ em Mây không phải đi học xa nữa. Từ Tà Chải sang Nậm Dế chỉ phải qua một quả đồi. Giá ngày xưa Mây và lũ bạn có trường gần như thế để đi học thì chắc Mây cũng sẽ học giỏi, học được lên cao, rồi được xuống thị xã, thành phố dưới xuôi như lũ con gái thị trấn. Nhưng ở bản Mây chả đứa nào đi học hết cấp hai. Cô giáo đến bảo bố mẹ cho đi học. Bố mẹ nói: “Nó như cái cây trong rừng, không thể có chân mà đi được. Nó như hòn đá trên núi, không có cánh mà bay đi xa được. Có học cũng thế thôi. Ở nhà giúp bố mẹ, rồi dệt váy áo và gối cho nhà chồng là vừa”. Cô giáo đến nhà nào bố mẹ cũng nói thế. Vậy là bọn Mây phải nghỉ học. Dáng đi mỗi ngày thêm chúi về trước vì cái quẩy tấu sau lưng mỗi ngày thêm cao lên.

Chiều tắt nắng. Màn đêm lân la mò về. Mây mang váy áo ra suối giặt. Con suối cuối bản Mây đến lạ, quanh năm nước ấm nóng như có người đun. Mây giật mình khi nhìn thấy một thân thể đàn ông. Người đó trắng trẻo, vâm váp quá. Những bắp thịt cuồn cuộn lên theo mỗi nhịp chân tay. Mây chưa nhìn thấy một người đàn ông nào có thân hình đẹp như thế. Con trai, đàn ông trong bản Mây và mấy bản bên quanh năm chỉ vùi mình trong rượu ngô, rượu sắn, có người vẫn lén lút hút thuốc phiện nên chân tay như cành củi khô, đầu tóc rối xù, người thì hôi như cú. Có mấy khi họ tắm giặt. Đột nhiên Mây lại như nghe thấy tiếng be be và cái cảnh con dê đực già đứng trước của chuồng mỗi sáng hiện lên. Mây nóng ran cả người, toan chạy về. Nhưng không hiểu sao Mây cứ đứng chôn chân không nhích đi được. Người đàn ông đã mặc chiếc áo lót vào. Anh ta ngoảnh lại. Hai tia mắt chạm vào nhau. Anh ta tiến đến hỏi Mây ở bản nào. Mây đỏ bừng mặt, chẳng nói được câu gì. Anh ta trông thật đẹp trai. Không giống con trai ở bản này. Anh ta nói đang làm công trình trường học bên Nậm Dế…

Chiếc áo trôi đi một quãng xa mà Mây mới biết. Hình ảnh khi Mây mới ra suối cứ choán hết tâm trí Mây. Dòng nước chảy qua các mỏm đá phát ra những tiếng như đang cười Mây. Mây tỉnh ra thì trăng đã lên cao. Vầng trăng non nằm nghiêng nghiêng trên đỉnh núi. Những ngôi sao như hàng ngàn mảnh bạc li ti, sáng lấp lánh mà người thợ bạc Pờ Ly Ngài nào đó vãi lên trời.

Đêm ấy Mây mơ. Giấc mơ làm sáng ra Mây đỏ mặt. Cả ngày Mây không làm gì được. Đầu óc cứ để đi đâu. Mây làm vỡ mấy cái bát khi mang đi rửa. Mẹ mắng: “Con gái vụng rồi về nhà người ta bố mẹ lại phải nghe chửi. Phải cẩn thận chứ!”.

Chiều về. Mây lại thấy nao nao. Có ngày không có váy áo để giặt Mây cũng đem một cái áo ra suối. Mây đã thấy trong người như có men rượu khi nhìn người ấy. Đàn bà trong bản thường nói với nhau: “Con gái mà cứ thích nhìn đàn ông tắm là con gái hư”. Thế là Mây hư thật rồi. Mây đã nấp sau tảng đá to ngắm người ấy nhiều lần. Nhiều đêm Mây lại mơ. Những giấc mơ từ ngày bé Mây chưa gặp.

- Mây đẹp thật! Con trai bản này chắc nhiều người mê lắm đây.

Mây giật mình. Thì ra là anh ta. Sao anh ta lại biết tên Mây. Nắm cỏ rơi khỏi tay Mây. Mây lúng túng. Nhưng rồi ánh mắt thật hiền của anh ta làm Mây trấn tĩnh lại. Anh ta tên là Hùng, người mãi tận vùng xuôi. Hùng bảo làm xong công trình này sẽ sang các bản quanh đây làm công trình khác. Hùng hỏi Mây nhiều thứ lắm, Mây chẳng nhớ hết, cũng không nhớ Mây đã nói những gì. Hùng nói thật nhiều. Những lời mà cái tai Mây thích nghe. Mây chưa thấy con trai ở đây nói với Mây như thế bao giờ.

- Mai tôi đến nhà Mây nhé!

- Không được đâu. Mây có chồng rồi, người trong bản nhìn thấy cười cho.

- Thế thì tôi đến thăm bố mẹ Mây.

- Tuỳ anh Hùng thôi. Đừng để người bản cười Mây.

Mây sợ Hùng đến nhưng Hùng đã đến thật. Hùng đi xe máy, phi thẳng vào chân cầu thang. Con chó đen nhà Mây lao ra nhe hàm răng trắng ởn cắn ông ổng. Lũ vịt bầu chạy toán loại lao cả vào cột dưới sàn kêu cạc cạc. Lũ dê cái hiền thế tự dưng kêu be be… “Không phải đến thăm Mây, tôi đến mua dê cho công nhân. Tôi thích món tiết canh dê và rượu tiết dê”. - Hùng nói vừa chỉ tay vào con dê đực non. Bố mẹ Mây nhìn Hùng từ đầu đến chân. Đàn ông ở đây, nhất là con trai không ai dám ăn tiết canh và uống rượu tiết dê, mà lại là dê đực. Cái tục kiêng ấy gắn với một câu chuyện đau lòng từ xa xưa, Mây đã loáng thoáng nghe người già nói với lũ con trai mới lớn. Mây không tin vì thấy có lần lũ trai bản lấy trộm tiết dê pha rượu uống rồi có sao đâu! Mây lại đỏ bừng mặt, quay đi khi Hùng nhìn. Bố mẹ Mây vui cả buổi tối khi bán được con dê gầy với giá cao. Còn Mây thì ngất ngây trong cái bụng. Hình như có lúc Mây hát. Trái tim Mây đang hát thật. Hát rất khẽ, rất êm.

- Mây đẹp lắm, con trai bản này chắc nhiều người khổ vì Mây.

- Không, anh Hùng nói sai rồi. Mây xấu lắm, con gái vùng xuôi mới đẹp.

- Mây đẹp thật mà. Tôi cũng khổ vì Mây đây này. Tôi muốn ở lại đây, Mây có đồng ý không?

- Ở đây khổ, nghèo, người xuôi có bao giờ ở lại đây đâu.

- Nhưng tôi muốn ở lại thật mà. Từ khi gặp Mây là tôi muốn ở lại. Thật đấy, nói sai tôi bị thú rừng ăn thịt, đá núi đè chết…

Mây ngỡ ngàng trước chiếc vòng bạc Hùng đưa lên trước mặt. Chiếc vòng bạc đẹp quá, đẹp hơn tất cả những chiếc vòng Mây đã nhìn thấy. Hùng bảo hôm qua  phải sang tận Pờ Ly Ngài để mua. Chiếc vòng  vừa xinh, cứ như làm để cho riêng Mây. ánh mắt Mây chứa cả bầu trời sao lung linh, đựng cả một biển rượu men lá sóng sánh sóng sánh. Mây như bay lên…

Hùng bế Mây lên gốc thông bên tảng đá. Cả hai đê mê, lăn theo tiếng thông reo. Hùng sẽ trả hết nợ cho bố mẹ Mây. Hùng sẽ ở đây. Rồi Mây sinh cho Hùng những đứa trẻ đẹp như những chú bê non. Hàng tháng mẹ con Mây chờ Hùng đi làm các công trình trở về…

Gốc thông đã nghe những thanh âm tột cùng sung sướng trong đớn đau của Mây. Nhiều đêm, Mây muốn được Hùng cứ ôm mãi mà ngắm vành trăng non manh mảnh treo trên đỉnh núi, rồi ngủ thiếp đi trong cánh tay rắn chắc ấy cho đến sáng.

Hơn hai tuần rồi Hùng không sang. Mây cồn cào gan ruột. Cả ngày chả muốn làm gì.

Buổi sáng Mây thấy muốn nôn. Mây nôn thốc nôn tháo. Mẹ hốt hoảng nhìn Mây. Mẹ chạy ra ôm Mây. Bất ngờ, mẹ lật áo Mây lên. Mẹ ngã vật ra. Thôi thế là con này hỏng rồi! Mẹ khóc như trong nhà có người chết. Mây lạy mẹ, van mẹ mà bà vẫn chưa thôi khóc.

Chiều, Mây vượt dốc sang bên Nậm Dế. Mấy phòng học đã xong. Không một bóng người. Vài đứa trẻ từ đâu chạy ùa ra nghịch những cát sỏi, bê tông vương vãi. “Đi lâu rồi”. Mây nghe không hết câu trả lời của lũ trẻ. Cái bản Hùng sẽ đi xây tiếp ở đâu, là bản nào, bản nào? Sao lúc ấy Mây không hỏi rõ?

 Mây lao nhanh xuống dốc.

Trăng non đã lên. Những bầu ngực núi phía tây đang ưỡn lên gọi trăng.

Hà Giang, tháng 9 năm 2008

 

Rau cay

Mỗi gia đình người Mông thường có năm, sáu người. Gia đình Páo chỉ có hai cha con. Khi Páo nhận ra trong “căn nhà” của mình thiếu một người đàn bà, Páo hỏi cha: “Mẹ đâu?”. Cha nói mẹ Páo đi xa lắm, đi khi nào mỏi chân thì về.

Páo là cái cây bám sâu vào đá núi khô cằn là cha, để uống mạch nước còn âm ỉ chảy. Cây dần lớn lên và đất thêm cằn cỗi, già nua mỗi ngày. Páo hồn nhiên sống như bao đứa trẻ trên cao nguyên.

Páo lớn lên, không nhớ đã bước bao nhiêu bước sau cha. Cha con Páo đi dọc dòng sông Nho Quế, đến nơi đất dồn đuổi những mỏm đá xám co lại thành từng cụm, ở chỗ ấy có thể trồng được cái để ăn. Páo biết cha đã đi như thế từ lâu lắm rồi, từ ngày cha còn trẻ. Đó là tất cả những gì Páo biết về việc đang làm của hai cha con.

Tháng năm sống đời du canh. Ở đám nương này vài ba năm lại đi đám nương khác. Trên đám nương ấy cha con Páo dựng lều. Ngôi nhà nhỏ ở bản cũ vẫn ngóng trông cha con Páo từng ngày.

Cha con Páo trồng ngô trên những đám nương tự khai phá. Đi đến đâu hai cha con mang theo hạt ngô, cõng phù sa, cõng nước từ dòng sông lên đổ thêm vào những hốc đá để trồng được nhiều ngô. Hai cha  Páo chỉ thu một phần đủ ăn, một phần để bán đi mua những thứ cần cho sinh hoạt, phần còn lại cứ để vậy đợi chờ.

Những nương ngô, đậu của các nhà khác trong vùng không thể thiếu cây lanh, cây chàm. Vì nhà họ có đàn bà con gái. Nương ngô nhà Páo không có một chiếc lá nào của loại cây ấy, chỉ gieo cải quanh năm. Loại cải bẹ to, lá xanh, hoa vàng, càng sương, rét cây cải càng lên nhanh. Cải là loại rau ăn quanh năm của cha con Páo. Những lứa cải không ăn kịp lên ngồng. Cái ngồng đầu tiên bị hái đi lại chồi lên năm bảy cái ngồng khác. Hái càng đau, ngồng lên càng nhiều. Những cái ngồng mập mạp, tua tủa nụ, chần qua nước sôi ăn đắng ngắt, cay xè, hơi cay xộc lên tận óc. Ăn được một cái ngồng thì nước mắt nước mũi tứa ra, giàn giụa. Cha nói ngày xưa mẹ Páo thích loại rau này. Mẹ gọi là rau cay. Cha Páo yêu mẹ nên thích rau cay. Từ nhỏ Páo ăn được rau cay vì Páo là con họ...

Người ta ít thấy cha con Páo xuống chợ. Có hai cha con nên chẳng cần nhiều thứ trong chiếc lều nhốt ba con trâu không vừa. Xuống chợ cha luôn cho Páo đi cùng. Cha thường đứng tần ngần hồi lâu trước những chiếc khăn, áo, sợi chỉ xanh đỏ...mà đám đàn bà con gái đang xúm xít mua. Có lần cha tiến lại đống khăn áo đó cầm lên một chiếc khăn rồi hững hờ bỏ xuống, bước vội đi. Cha đến hàng thắng cố, không ăn thắng cố chỉ rót rượu hết bát nọ đến bát kia. Rượu cũng cay như rau cay nên mắt cha tứa nước. Páo quen hơi rượu rồi biết uống rượu từ những lần xuống chợ.

Nhiều đêm cha ngồi như một mỏm núi chênh vênh, im lìm đợi gió gào cho thêm tê tái, cho thêm trơ lì. Và cũng nhiều đêm cha ôm Páo vào lòng. Páo thấy toàn thân cha nóng rực, căng lên. Cha trằn trọc, nén những tiếng thở dài...

Páo đã mơ, giấc mơ của thằng con trai ria mép còn lún phún lông măng. Trong mơ Páo gặp những đứa con gái có bắp chân tròn lẳn, ngực căng như hai quả bầu đẫy đà.   Sau những buổi sáng, bước ra từ cơn mơ Páo thấy lâng lâng. Páo xấu hổ khi chợt nhận ra những vết loang lổ ở đũng quần. Cha bắt gặp sự lúng túng của Páo. Cha nhìn lảng đi nơi khác. Ánh mắt của cha vừa vụt sáng rồi tối sẫm lại, đầy lo âu. «Con gà trống biết gáy rồi đấy. Họ Sùng có con trai lớn rồi !». Một buổi sáng cha nói vậy khi Páo đến ngồi bên cha...

Những đêm đông giấc mơ đến với Páo nhiều hơn. Páo thấy cha thở dài, như tiếng thở của con trâu sau buổi cày nương. Và Páo dần hiểu ra tiếng thở dài của cha là vì sao. Páo lại hỏi : «Mẹ đâu, sao đi mãi không mỏi chân à ?».  Câu hỏi  Páo đã hỏi cha rất nhiều lần, lần nào Páo cũng nhận được câu trả lời : “Cái chân chưa mỏi đâu. Phải đợi thôi!”. Nói rồi cha nhìn xuống dòng Nho Quế, không nhìn Páo.

Một năm...hai năm…Páo không muốn hỏi cha nữa. Páo thấy hình như dòng Nho Quế sau một năm lại cạn dần đi.  Páo nhìn dòng sông đầy nghi hoặc, lo lắng.

Hiếm lắm mới có bàn chân một người đàn bà, một đứa con gái đặt trên đám nương nhà Páo. Páo bẻ ngô, hái cải cho bất kì một người đàn bà nào qua đám nương nhà Páo. Páo mong họ. Nhiều người đã đến. Trong số ấy một vài người đàn bà chết chồng. Ánh mắt họ lạ lắm khi nhìn cha Páo. Con gà trống thấy con gà mái thì gáy, Páo mong cha nói với họ một câu, cười với họ một tiếng. Nhưng cha chỉ lùi lũi làm như con gà trống vừa bị thiến vừa bị sợi tóc rối mắc trong cổ. Những người đàn bà ấy dần ít qua nương nhà Páo... Và khi cha con Páo chuyển nương đi nơi khác, Páo không gặp lại họ.

Cha càng trở nên lầm lì. Đêm càng dài đối với hai cha con. Páo hay nhắc đến những người đàn bà hai cha con từng gặp. Páo giận dỗi nói với cha: « Đàn ông phải có đàn bà. Không có đàn bà thì cái chân bước sẽ mỏi, cái đầu nghĩ sẽ tối. Cha phải lấy vợ thôi. Mẹ đi nhiều cái chân quên lối về đất họ Sùng, cái đầu quên nghĩ về người họ Sùng rồi ».  « Không, không phải đâu. Vợ tao đã là ma họ Sùng. Đi hết núi, hết rừng cũng phải về mà. Tao không lấy người khác đâu».  Páo hét lên :  «Người già mà nói dối thế à ? Mẹ không về, mẹ quên đường về rồi!». Páo khóc rống lên nghe thành tiếng con lợn bị chọc tiết, khi nhớ đến một người trong bản từng nói mẹ Páo chết từ lâu rồi...

Cha ôm đầu, những sợi tóc ngả màu loà xoà trên đầu gối. Páo nghe giọng cha như tiếng từng giọt nước khó nhọc nứt ra từ đá. Những giọt nước tuôn thành một dòng sông đưa cha con Páo về lại tháng ngày xa cũ...

Sùng Mí Dùng là con trai độc nhất của dòng họ Sùng ở Lùng Chín Thượng. Người trong bản bảo ông trời thường công bằng. Họ Sùng có nhiều đất, có nhiều vàng bạc, trâu ngựa nên nhà họ Sùng hiếm con. Bố Sùng lấy ba vợ chỉ được mụn con trai duy nhất là Dùng.

Lớn lên Dùng lấy vợ như con chim, con thú phải có đôi. Ba năm về nhà chồng vợ Dùng đẻ một thằng con trai. Dùng được bỏ chữ «Mí» trong họ tên, thay bằng chữ khác, được làm người lớn. Đàn ông lấy vợ không làm cho vợ đẻ được con, có giết ba con trâu để làm lễ đổi tên người ta cũng không đến. Phải có đứa con thì mới đổi tên được, mới thành người lớn được. Không đổi được thì chết vẫn là trẻ con và bị người ta khinh miệt. Dùng được đổi tên làm người lớn nhưng vợ Dùng tịt không đẻ nữa. Cha mẹ Dùng chờ mòn con mắt vợ Dùng vẫn cứ như bông pằng nảng rừng rực cháy quanh năm mà không đậu được quả nào. Cha mẹ Dùng lại bán trâu ngựa, bạc trắng, những đám nương tốt và làm mọi cách để con dâu đẻ thêm đứa con nhưng không được. Tuổi già đang kéo họ gần đến ngày về với tổ tiên ông bà. Họ hoảng sợ đến ngày ấy mà đứa con dâu kia vẫn không đẻ được thêm một đứa con trai... Một thằng con thì biết đâu đấy. Không thể yên cái bụng được.  «Có người thì có cả núi cả rừng, không có người là không có gì cả». Họ trở nên cay nghiệt. Đứa con dâu bị ruồng rẫy, hắt hủi.

Dùng thương vợ nhưng Dùng không thể làm gì. Đàn bà Mông khi lấy chồng thì như thắng cố đã sôi trong chảo, mặn nhạt, đắng cay, sống chín…là do tay nhà chồng. Vợ Dùng không có lỗi. Đêm nào cha mẹ chửi vợ, Dùng chỉ biết lảng đi chỗ khác. Cha mẹ thôi chửi Dùng mới lặng lẽ vào ôm vợ. Người đàn bà của Dùng buồn tủi, khổ đau sao vẫn căng mọng, hừng hực? Tất cả là tại Dùng, tại Dùng…

Vợ bỏ đi vì thương Dùng, thương và sợ cha mẹ chồng…

Páo trở về sau những ngày lang thang khắp cao nguyên. Núi đá trùng điệp, cây rừng trùng điệp… Không tìm được mẹ cho cha, Páo phải về...

Chiều. Cha ngồi lặng phắc bên dòng Nho Quế. Sương trắng thả những sợi khói lượn trên mái đầu cha. Đôi mắt cha xoáy cái nhìn vào dòng sông. Con sông nơi cha đã sinh ra, lớn lên và cha nhìn vào nó mỗi ngày.

 - Con về cha à.

Cha nhìn Páo. Cái nhìn như đón chờ như không. Nhưng Páo biết trong đôi mắt cha là tình yêu thương nhiều hơn đá núi, dài hơn sông Nho Quế. Páo lại gần cha, hai cha con ngồi bên nhau thành hai tảng đá như bao buổi chiều khác. Lặng phắc. Đau đáu. Đợi chờ…

Cha không hỏi gì thêm. Cha sợ câu trả lời của Páo!…

Cha con Páo tiếp tục những ngày tháng lầm lụi, miệt mài, xa bản, xa ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất tổ tiên họ Sùng. Mỗi lần trở về bản cũ đôi chân Páo càng thấy lạ lẫm với những lối mòn.

Rừng đã bị phá nhiều. Cha cố tình để thêm nhiều ngô lại sau mỗi vụ thu hoạch mà không có con thú lớn nào tìm đến ăn. Duy chỉ có loài chuột. Nhưng loài chuột không phải là loài cha Páo mong đợi. Cha ghét loài chuột và đặt những chiếc bẫy chỉ loài chuột mới có thể bị sập. Chúng không dám đến nữa. Mưa xuống bắp ngô trên xác cây oải ra. Hạt ngô trơ ra thô lố. Những cái mầm nảy trên bắp ngô. Cha nhìn những bắp ngô tua tủa mầm xanh như đang nhìn vào vết thương...

Cha con Páo lại tiến sâu vào trong rừng, tiến dần lên đỉnh núi. Páo nhận ra hai cha con đang cách xa cuộc sống con người. Mỗi khi bắt gặp một đứa con gái, cái bụng Páo rạo rực, máu trong người sôi lên. Páo muốn chạy theo nó. Nhưng Páo không biết thổi khèn, không biết nói những lời một đứa con gái thích nghe.

Nhiều khi Páo thấy cuộc sống thật tẻ nhạt, nhàm chán. Tháng năm cứ nối tiếp những cuộc ra đi, làm những công việc lầm lụi... và chờ và đợi. Đã mấy lần chuyển nương rồi. Páo mệt mỏi. Páo muốn về nhà, để không còn cảm thấy thèm một bóng người mỗi khi nhìn con chim bay về rừng nữa. Páo mong được như lũ trai bản dắt ngựa xuống chợ không mua gì, chỉ uống rượu rồi ngắm lũ con gái cho no con mắt. Páo thèm bóng dáng một đứa con gái. Páo thèm được nghe một người nào đó gọi tên...

Những bông hoa cải vẫn nở theo bước chân cha con Páo mỗi lần chuyển nương. Có lẽ càng tiến sâu vào rừng, lên đỉnh núi cao sương gió nhiều nên mỗi mùa cải lên ngồng, Páo lại thấy món rau cay như cay hơn, đắng hơn. Cha con Páo vẫn nhấm nháp vị cay của ngồng cải mỗi mùa. Bữa cơm giàn giụa nước mắt vì cay...

 « Cha à ! Ta về đám nương nhà họ Sùng, gần ngôi nhà họ Sùng thôi. Chính quyền không cho đi như thế này nữa đâu !». Páo nói với cha khi chính quyền cho người gọi cha con Páo về trụ sở xã. Cha Páo không về, Páo phải đến gặp họ. Hai ngày đường về với cha, Páo gặp một đứa con gái. Páo không biết nó ở đâu, tên gì. Nhưng khi Páo nhìn nó, nó nhìn lại Páo. Nó lao xuống dốc để lại tiếng cười làm con tim Páo muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Páo không đuổi kịp nó. «Cha đợi lũ khỉ ấy làm gì. Người ta đã bắn hết khỉ rồi. Cha đừng tìm nữa cha à ! ». Câu nói của Páo làm lửa trong cha bùng lên. Cha vùng đến, hai tay xiết chặt hai vai Páo. Cha hét lên : «Cái đầu mày tối như đầu con trâu trong góc chuồng. Tao phải chờ. Bầy khỉ không bị giết. Rồi nó sẽ về thôi !». Páo run rẩy trước hành động quá bất ngờ của cha. Đôi mắt cha vằn những tia đỏ ngầu. Rồi cha rũ xuống khóc rưng rức. Lần đầu tiên cha Páo khóc như thế. Páo đứng như cây sa mộc chết lặng. Páo thấy thương cha, thấy cái miệng Páo như cái miệng con rắn xanh rồi.

Cha ngẩng lên, gương mặt đanh lại, không còn một giọt nước nào trên khoé mắt. Cha nhìn Páo đáu đáu, xám bạc một màu đá. «Hổ ăn thịt người thì ngủ say. Người làm chuyện ác thì ngủ không được. Mày lớn thật rồi Páo à. Tao phải nói cho mày biết để mày không làm chuyện ác nữa”.

...Ngày trẻ Dùng là tay săn thiện xạ. Dùng có khả năng hơn người bởi Dùng có thể phân biệt được tiếng bước chân, tiếng thở của từng con thú khi chưa nhìn thấy chúng. Những cuộc đi săn của đàn ông con trai trong bản không thể thiếu Dùng. Con thú nào gặp Dùng sẽ không bao giờ được về với rừng nữa. Nhưng một lần đi săn cùng phường Dùng đã bắn nhầm con khỉ có chửa.

Hình ảnh con khỉ con mắt mở trừng trừng, nằm gọn trong bụng con khỉ mẹ bị rạch một đường từ cổ tới đuôi làm Dùng không dám nhớ đến lời đàn bà thường dặn đàn ông trước khi xách súng vào rừng : “Đừng giết khỉ có chửa mà gặp nghiệp báo!”. Không người đàn ông nào nhớ lời vợ dặn khi qua cửa rừng vì họ không tin. Nhưng hình như chưa người đàn ông nào ở bản Hồ Thầu giết khỉ có chửa.

Dùng không dám kể với cha mẹ buổi đi săn ấy. Dùng cũng không trả lời cha mẹ tại sao không đi săn nữa.

Đó là lần đi săn cuối cùng trong đời Dùng.

Vợ Dùng là cô gái đẹp nhất vùng Tản Kha Van. Đẻ một đứa con vợ Dùng càng đẹp.  Dùng yêu vợ cuồng nhiệt hơn gió quất cây rừng, nước xiết trên ghềnh đá. Hằng đêm Dùng sờ vào bụng vợ, bàn tay nóng hôi hổi. Chả thấy gì. Dùng lại áp tai vào bụng vợ nghe ngóng, hồi hộp chờ đợi. Bụng vợ Dùng vẫn phẳng lì, mềm mại và ấm. Hàng tháng, vợ Dùng vẫn phải ăn thật nhiều hạt tiêu rừng để được gần chồng nhiều hơn. Nhiều đêm Dùng lại mơ thấy con khỉ mẹ nằm ngửa với cái bụng bị rạch toang hoác, con khỉ con nằm bên trong đôi mắt mở to kì lạ, trừng trợn. Dùng hoảng hốt, tiếng hét của Dùng làm vợ Dùng tỉnh giấc. Sáng ra, khi vợ nhìn, Dùng không dám ngước lên. Gặp đàn bà chửa Dùng không dám nhìn.

Cha mẹ Dùng đã dắt về nhà một đứa con gái. Người nó căng tròn, đôi bầu ngực thây lẩy. Đêm đó, Dùng uống rượu nhà một người trong bản, rồi về lần vào buồng với vợ. Dùng đổ ụp xuống tấm thân nằm nghiêng nghiêng trên giường. Dùng khựng lại. Lâng lâng say nhưng Dùng vẫn phát hiện ra cái mùi này không phải mùi vợ. Dùng lao ra ngoài. Dùng ngửi thấy trong gió còn mùi vợ. Đêm đó Dùng không tìm được vợ.

Hơn một năm Dùng đến Tản Kha Van hàng trăm lần. Con ngựa chở Dùng quá chán nản với đoạn đường quen thuộc. Người nhà họ Vàng, người trong vùng biết mười mươi vợ Dùng đã bỏ đi vì không biết đẻ. Họ dần quên vì con gái họ Vàng đã thành người họ Sùng. Sống hay chết thì cũng ở nhà họ Sùng.

Riêng Dùng thì không quên. Chỉ nhớ và đau thêm. Dùng nghe ngóng và hễ có tin gì là Dùng lại dắt ngựa đi. Những cuộc đi lần sau dài hơn lần trước. Dùng còn tin, còn hi vọng. Sức lực cha mẹ Dùng như nước trong quả bầu khô, sắp cạn kiệt. Họ cố chắt từng giọt, từng g iọt để chờ. Họ đã không được thấy thêm đứa cháu trai của họ Sùng. Cha mẹ oán trách Dùng. Người đàn bà bố mẹ Dùng dắt về cũng không thể hoá đá chờ người đàn ông không bao giờ đụng vào người mình. Người đàn bà ấy lặng lẽ ra đi khi chưa thực sự được làm đàn bà.

Đã mấy năm người Lùng Chín Thượng không thấy Dùng dắt ngựa đi xa. Hay chân người và chân ngựa đã mỏi? Người trong vùng lại thấy Dùng hùng hục cõng phù sa ở dòng Nho Quế lên trồng ngô, hết đám nương ở vùng này lại sang phát đám nương ở vùng khác.

Một lần tìm vợ ở vùng xuôi, Dùng nghe được một bài thuốc chữa bệnh cho những đôi vợ chồng không có con. Bài thuốc ấy lại liên quan đến một lời nguyền về loài khỉ nên Dùng càng tin. Dùng mang một niềm tin mãnh liệt vào bài thuốc và công việc ấy sẽ làm cho lòng Dùng đỡ day dứt ân hận hơn. Dùng cũng tin sẽ có ngày vợ Dùng trở về.

Loài tầm gửi trên thân cây kim lăng trong những cánh rừng thâm u không quá khó tìm đối với Dùng. Nhưng bầy khỉ thì không dễ tìm. Chúng ngày càng ít xuất hiện hơn. Thú rừng bị săn nhiều nên chúng ngày càng xa lánh con người. Dùng không thể vào rừng để tìm lũ khỉ. Thứ Dùng cần lấy ở lũ khỉ chỉ có thể tìm thấy ở trên đá. Chỉ trên đá thứ ấy mới chữa được bệnh. Dùng dựng lều cho hai cha con ngày ngày bền bỉ cõng những quẩy tấu chất đầy phù sa, những ống chứa đầy nước đổ vào từng hốc đá, từng gốc cây. Dùng quần quật khuân những tảng đá bằng phẳng đặt rải rác trên nương. Dùng chờ đợi…

Dùng không phải đợi lâu. Đám nương đầu tiên Dùng khai phá ngô chín căng nứt bẹ, nhe những chiếc răng trắng như răng ngựa non. Lũ khỉ đến. Nhiều khỉ cái đuôi nhèm nhẹp máu ngồi trên đá. Nhưng chúng không để lại gì.

Một buổi sáng, tim Dùng như muốn vỡ tung. Trước mắt Dùng, trên một vết lõm bằng ngón tay ở tảng đá trắng đầy tràn thứ chất lỏng màu nâu đen. Huyết lình! Huyết lình thật rồi! Dùng như không tin vào mắt mình, chỉ thấy nước mắt cứ từ từ bò ra, lăn trên đôi gò má sạm đi vì sương gió. Dùng lấy một chiếc muỗng nhỏ tí tự làm để lấy huyết lình. Sau lớp màng nâu là thứ chất sền sệt đỏ rực như mào gà trống.

Nhiều người đàn bà tìm đến Dùng. Dùng không còn mơ thấy con khỉ cái tội nghiệp ấy nữa. Dùng không sợ nhìn đàn bà chửa. Dùng mong những người đàn bà Dùng cho thuốc đến với cái bụng nặng nề nhưng khuôn mặt thì nhẹ nhàng, thanh thản, ánh mắt mãn nguyện nói với Dùng họ sắp có con, dòng họ nhà chồng đã có người nối. Họ về mang cả niềm vui của Dùng đi theo…

Có nhiều đêm Dùng thấy thân thể mình căng lên. Dùng nhớ mùi vợ, nhớ tấm thân tròn lẳn của vợ. Dùng vật vã. Dùng lao xuống dòng Nho Quế. Thân người Dùng thì nóng, dòng nước thì lạnh nhưng trong lòng cả hai cùng lồng lộn, bạo liệt…

 “Vì tao làm chuyện ác nên họ Sùng bị trời phạt. Tao phải chuộc tội với thần rừng, với họ hàng nhà khỉ.  Cải lên ngồng, cải chết mấy mươi lần rồi. Mẹ mày không về rồi, Páo ơi!”. - Cha ôm mặt khóc tu tu…

 

Cha con Páo lại đi. Páo sẽ cùng cha chuộc tội với thần rừng, với loài khỉ. Páo muốn cha được yên cái bụng. Lại những mùa rau cay. Páo cũng đi tìm mẹ vài lần nhưng vô vọng. Cha không cho Páo đi nữa…Cha sợ Páo đi xa. Nhìn vào mắt cha, Páo biết.

 Cha con Páo không thể trở về bản Hồ Thầu được nữa. Lũ quét, núi lở cả bản đã chuyển đi nơi khác rồi. Ngôi nhà nhỏ và mảnh đất nhà họ Sùng cũng không còn. Cha con Páo về đó để nhìn cái buồn, cái đau à? Cuộc sống con người càng xa với  hai cha con.

Một buổi có hai người đàn ông lạ vác súng vào rừng. Cha Páo ngăn họ nhưng không được. Một thằng chửi cha: “Cái thằng Sùng Mí Dùng kia, mày vẫn là thằng trẻ con thôi. Mày có quyền gì mà cản chúng tao, rừng là của chung, tao thích thì tao vào!”. Cha lao vào hai cái thằng đó. Páo cũng vọt ra như một con thú, hai thằng đó lủi mất. Cha ngồi bệt trên đá khóc, khóc ồ ồ như tiếng nước chảy. Páo nhìn cha, tim Páo bị một bàn tay nào đó bóp nghẹt. Páo nghi ngờ cha vì Páo vẫn chưa quên câu chửi của thằng đó. “Nó là con rắn độc, con hổ dữ, mày đừng tin! Tao đẻ ra mày, tao không phải mang chữ “Mí”!”. Páo chỉ có cha. Páo không tin cha thì tin ai? Nhưng nọc của con rắn độc ngấm vào Páo, càng làm Páo đau mỗi ngày, Páo lại phải nghĩ về câu chửi của nó…

Hình như cha đã nghe được những tiếng thở dài của Páo. Páo đã mơ từng đêm, thở dài từng đêm…Nhiều đêm Páo giật mình bởi tiếng một đứa con gái gọi tên Páo. Páo tỉnh dậy thì chỉ là tiếng lá rên rỉ, tiếng oằn oại vọng lên từ dòng sông.  Cha càng lùi lũi như con ngựa già. Hai con mắt muốn tụt vào tận sâu. Cái nhìn thì xa vời vợi, mênh mang. Khi cha ngồi trên nương, hướng về dòng sông đang quằn quại vượt ghềnh đá Páo thấy như không phải cha đang ngồi đó. Hồn cha như đã bay theo đám mây, trôi theo dòng nước. Bên Páo chỉ là sự hiển hiện của mỏm đá vô hồn. Mọi cái vui, cái buồn không còn trên mặt cha.

Mới vào mùa đông mà cỏ đã chết trắng trong những hốc đá vì hai tháng không có mưa. Những cây cải cũng héo quắt, chút nước cha con Páo cõng lên từ sông không làm cho nó hết khát. Mắt cha rân rấn khi nhìn những cây cải. Cải cứ nhẳng ra, ngồng thì lại lên nhanh. Những cái ngồng của mùa khô hạn ăn càng cay hơn. Cha con Páo vẫn hái ngồng cải làm rau cay…    

 Một đêm hai cha con nằm nghe tiếng thở của nhau cho đến sáng. Cha dậy, Páo cũng chui ra khỏi chăn. Cha trân trân nhìn bếp lửa rừng rực cháy, đôi bàn tay vân vê những sợi thuốc. Những sợi thuốc vê đi vê lại tròn vo. Mấy lần điếu thuốc tuột khỏi tay cha. Cha làm lại điếu khác, chiếc tẩu sắp rơi khỏi miệng. Rồi cha bỏ cả tẩu và thuốc. Cha rân rấn nhìn Páo. Soi vào mắt cha, Páo biết cha đang cảm thấy khó khăn khi sắp nói ra một điều gì cất sâu lắm trong bụng. Đám lửa như chui vào bụng Páo. Cha tránh đôi mắt chờ đợi của Páo. Cha nhìn vào lửa, mong lửa làm cho lòng cha ấm lên! Cha nuốt khan một cách khó nhọc.

- Páo à ! Mày đi tìm cha đẻ mày đi ! Tao không đẻ ra mày. Mày không phải họ Sùng đâu. Tao chưa được làm người lớn. Tao không thể giữ mày. Mày phải tìm cha đẻ, nhận lại họ. Xong rồi đi tìm người đàn bà của đời mày. Tao không đi đâu được nữa. Tao phải ở lại rừng. Phải trả món nợ...

Người cha run run nhưng từng lời từng câu sao rõ thế. Páo thấy đầu Páo như bị ai lấy đá đập vào. Và trong Páo dòng sông đang cạn dần, khô khốc, trơ ra những mỏm đá như mũi chông và mắt lũ cá trợn lên, trắng dại.

 - Cha, cha già nên nói lẫn rồi à ? Con...c...o...n... ! Cổ họng Páo ắng lại. Ở đó có một cục đá hay một cái gai chẹn ngang. Mắt Páo tối sầm.

- Mày phải nghe tao chứ. Không đẻ được một thằng con như mày nên vợ tao mới phải bỏ nhà họ Sùng đi. Mày ngã xuống sông, cái đầu mày quên nên tao đã nói sai với mày. Tao phải nói thế, tao sợ mày bỏ đi… Nhưng bây giờ mày như con chim đủ lông đủ cánh rồi, tao không giữ chân mày được. Tao không được lấy họ của mày. Lấy họ mày là làm chuyện ác . Họ nào sinh ra mày, mày phải trở về họ đó. Mày nghe, nhớ lấy, rồi đi đi...

  ....

- Một buổi sáng có thằng đàn ông mang một thằng trẻ con mới đẻ đến gặp tao. Nó đã tìm tao mấy ngày. Vợ nó ngày trước tao cho thuốc. Nó không tin thuốc của tao. Nó không tin vợ nó. Nó bảo thằng trẻ con không phải con nó. Vợ nó chết vì bị nó chửi. Nó để lại thằng trẻ con cho tao rồi bỏ đi không bao giờ quay lại nữa...

 Cha nhìn vào mắt Páo. Páo thấy trong hai hõm mắt trũng sâu có thứ nước đặc sệt rịn ra.

- Thằng trẻ con là mày, Páo à. - Giọng cha Páo lạc đi.

Páo ôm cha. Nước mắt Páo rơi vào những sợi tóc bạc đổ gục trên đầu cha xơ xác.

Páo nói với cha Páo không đi đâu. Páo không đi tìm cái người bỏ Páo. Páo là người họ Sùng! Chỉ có cha là cha của Páo thôi. Cha câm lặng mấy ngày, Páo hỏi câu gì cũng không nói. Núi cao, rừng cây thế này, Páo biết đi đâu. Nhưng đêm về Páo thấy một nỗi khát thèm. Páo cố nén lại để ở bên cha, nhưng càng nén người Páo càng muốn nổ tung. Páo thấy thèm một đứa con gái…

Bữa cơm tiễn Páo đi, cha hái những cái ngồng héo quắt vì hạn làm rau cay. Những chiếc ngồng cải ngâm trong nồi nước xôi vẫn xanh ngắt, cay xè nơi đầu lưỡi, cay lên mũi, lên mắt.

Cha gắp thêm một cái ngồng cải cho Páo, nói:

- Ăn đi để nhớ! Như lũ dê nhớ túi muối treo cửa chuồng, đi khắp núi đồi vẫn biết tìm đường mà về, con trai à!

Làm sao Páo có thể quên cha, quên ngôi nhà đã chở che Páo, quên những lối mòn về bản Hồ Thầu, nơi ngày xưa có ngôi nhà nhỏ và mảnh đất của họ Sùng. Cọng rau ứ lại trong cổ họng Páo nghẹn ngào, cay cay.

Páo đứng trước bàn thờ tổ tiên họ Sùng thắp hương vái lạy. Cúi chào cha. Páo đi, đi thật…

Bước chân nặng trĩu, không biết là do đá dưới chân hay tiếng thở dài phía sau. Páo nhìn tất cả đều nhoà đi và nghe có tiếng mưa. Tiếng mưa âm thầm trong bụng thằng trai Mông hơn hai mươi tuổi. Páo cũng không biết là sẽ đi đâu. Chân Páo dẫm lên những mỏm đá sắc nhọn, nhói đau…

Páo ngoái đầu lại, không thấy bóng cha đâu. Chỉ còn bạt ngàn ngồng cải đang rũ rượi, khô héo trong gió rét.



Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...