Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: "Bến đàn bà" - Nguyễn Mạnh Hùng

27-07-2011 05:09:59 PM

VanVN.Net - Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1973. Tốt nghiệp khóa VIII khoa Sáng tác lý luận phê bình (Trường ĐH Văn Hóa HN). Hiện nay đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tập truyện ngắn đã tin: Khói chiều cay mắt (NXB QDND)...

Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng

 

BẾN ĐÀN BÀ

Khi chị ra được bờ sông thì trời đã về đêm. Lưỡng lự một chút, chị đứng lại xác định phương hướng rồi quả quyết bước tiếp về phía trước. Bóng tối, thời gian làm cho cảnh sắc xoay vần khiến chị không đủ tự tin để tiếp tục cuộc hành trình như ý định. Chị đã không thể tìm thấy phà Gù- cái ảo tưởng cuối cùng mà chị vẫn bấu víu - nhằm biện minh cho sự quên lãng của mình. Nén tiếng thở dài, chị đặt túi xách xuống và vặn lưng mấy cái cho đỡ mỏi rồi đưa mắt nhìn quanh. “Giờ thì phải kiếm một chỗ ngủ, sáng mai sẽ tiếp tục tìm.” Ở giữa một nơi vắng vẻ thế này, hy vọng kiếm một nhà trọ chắc chắn là một điều không tưởng. Phía trước, hình như  có sáng đèn. Chị bước nhanh về phía ấy. Hóa ra, đó chỉ là một chiếc lều vó với một bà cụ già  khoảng bảy mươi tuổi đang ngồi đan giỏ. Sau lời ngỏ ý muốn xin nghỉ lại, bà cụ nhìn chị một lượt từ đầu tới chân rồi gật đầu. Mới được vài câu xã giao, hai mắt chị đã ríu lại, chực sụp xuống. Chị đưa tay khẽ đấm đấm cái lưng đau như rần vì suốt một ngày, một đêm chen chúc trên xe khách chật như nêm và  xin phép bà cụ đi ngủ trước. Bà cụ kéo tấm liếp. Những chấm sáng của chiếc đèn bão lọt qua khe in lên vách lều lấm tấm hệt những chấm hoa. Chị nhắm mắt lại và thiếp đi…

*

Không rõ chị đã ngủ được bao lâu, chỉ biết rằng khi chị thức giấc thì vẫn thấy những chấm hoa in trên vách lều. Không thấy bà cụ đâu, chị bước ra ngoài.  Ánh đèn hoi hóp dãi bóng chị dập dềnh trên mặt sông, với tay lấy cái Thời đang đan dở, chị cầm nắm nan giộng giộng xuống đất và bắt đầu tỉ mẩn gài từng chiếc một…

 “Ũm”. Chiếc Thời tuột khỏi tay rồi từ từ lăn xuống nước khe khẽ vọng trong đêm. Chị đứng dậy cố nén một tiếng thở dài… Tiếng nước tóc tóc chảy khan qua mắt vó dội vào đêm buồn thấu ruột. Một con cá chưa xuống lách ngược trên miệng  Đam nghe lạch sạch.

Đêm quánh đen. Tiếng côn trùng đột nhiên nín lặng rồi từ từ ri rỉ và rộ lên. Đầu chị lại ong ong rồi trở nên buốt ngược như những ngạnh trê đang thách vào. Chị bước xuống thuyền. Cảm giác lành lạnh từ mặt sông khiến chị lịm dần... Ơ kìa! Xuân, Hạ, Thu…  Lũ quỷ sứ! Hi. Hi. Đông! Qua bên này kì lưng cho tao với. Da tao mịn như da trẻ con í chứ con Thu ấy à? Mới chưa đến mười tám tuổi mà lưng gì toàn mụn như bà già tám mươi! Á a! Chị Xuân dám nói xấu em hả? Em thì em lột xác chị đấy! Thôi thôi cho tôi xin, đừng có mà nói đến trẻ con mà làm tôi thèm rỏ rãi đây này. Bằng tuổi tôi á, ở nhà ối đứa chồng con đuề huề rồi. Ừ, chẳng biết bao giờ mới hết chiến tranh để còn về lo chuyện chồng con nhỉ? Hm…Nếu mai sau hòa bình, cả bốn đứa mà còn sống, bọn mình sẽ đẻ một lũ con rồi thông gia với nhau nhé! Khi ấy, con cháu chúng ta sẽ là con chung và “Tứ Quý – Tứ Quỷ” vẫn tụ với nhau như thế này thì thích nhỉ!  Con Thu mông to thế kia, chắc đẻ con gái rồi – Con Hạ ngực săn lắm, chắc đẻ con trai. Còn con Xuân, tao cho mày chọn đấy! Em không đẻ con gái – Con Thu hét toáng lên. Con gái như u em í, vất vả lắm! Lúc nào cũng thấy mang nặng đẻ đau, chăm bẵm con cái, làm lụng cáng đáng tất công việc nhà chồng! Đẻ con trai, như bố em sướng hơn. Cứ biền biệt, mỗi lần về gửi  lại mẹ em một đứa rồi lại đi! Thôi thôi! Cho mày đẻ con trai – Con Hạ cười – Báu ngọc gì, chỉ tổ nghịch như quỷ sứ! Suốt ngày rát cổ bỏng họng! Con gái xinh đẹp, hiền, ngoan…  Nhìn cái mặt con Hạ đang ngất ngây kìa! Ha! Ha! Ha! Mày cứ ngất ngây đi! Rồi mai sau mày sẽ đẻ một lũ, một lĩ con gái khiến cho lão chồng mày phải đi kiếm một thằng quý tử để nối dõi, khi ấy mày mới sáng mắt ra chứ cứ ở đó mà mơ màng xinh đẹp hiền ngoan à! Ôi dào, tao cho thoải mái! Cá vào ao nhà ai, người ấy được. Càng đỡ phải mang nặng đẻ đau. Xí! Mày cứ ở đấy mà to mồm “Cá vào ao nhà ai người ấy được!” Chả không lồng thách lên ấy à. Ha. Ha. Thôi! Thôi! Con xin các mẹ! Tắm nhanh lên rồi còn về! Máy bay nó mà ập xuống đây thì cứ đứng đấy mà đẻ với đái…

 Oẵng...Oẵng... Tiếng con cá vật đẻ phía đám Trà làm chị chợt tỉnh. Giật mình ngơ ngơ ngác, hóa ra, chị vẫn đang ngồi ở dưới thuyền. Những hình ảnh vừa rồi chỉ là những kí ức gặp không gian và tâm trạng thì ùa ra vây bủa mà thôi. Dạo này, những hình ảnh như thế xuất hiện thường xuyên trong cái bộ óc vốn đã cứ u u, mê mê của chị...

*

Chị vừa bơi, vừa thò cả bàn tay đang cầm dầm xuống nước. Br...r...rừ...Gao!...Gao! Tiếng gao vọng từ con đường dẫn vào làng. Đêm tình yêu của của hai con mèo đã kết thúc. Mấy giờ đêm? Chị không rõ. Từ ngày nghỉ làm ở bệnh viện phụ sản đến giờ, hầu như chị ít để ý đến thời gian. Thời gian của chị bây giờ là thời gian quay ngược… Quay về phà Gù của bốn cô gái thanh niên xung phong Xuân, Hạ, Thu, Đông  -  Bốn cô gái nổi tiếng xinh đẹp mang cái tên của bốn mùa ngẫu nhiên  ở với nhau nên cánh lái xe vẫn gọi là Tứ Quý…Tứ Quỷ mỹ nhân… Quay về với hài nhi không rõ hình hài… Quay về với nỗi ám ảnh của thai nhi bầm nát...

Sau bao năm mòn mỏi chữa trị chứng vô sinh. Khi ánh sáng vừa lóe lên thì cũng là lúc bóng tối sầm sập ập xuống … Ác nghiệt thay, cái giây phút vợ chồng chị tưởng chừng sẽ vỡ òa hạnh phúc ấy, lại là giây phút đau đớn nhất, buốt xót nhất. Khi người hộ lý ngập ngừng bế đứa con đến trước mặt. Ngơ ngác, chị không dám tin. Chị đã nhéo vào đùi mình đến thâm tím không biết đến lần thứ bao nhiêu để mong đó chỉ là một ám ảnh trong giấc mơ, một ảo giác... Không phải một thằng bé kháu khỉnh nghịch như quỷ sứ… Không phải một đứa con gái xinh đẹp, hiền ngoan…  Trước mắt, chỉ là một khối thịt đỏ hỏn hình ngôi sao năm cánh tua… Con trai. Cái tua thứ năm, cái cánh sao thứ năm nhỏ hơn chính là dấu hiệu con trai của nó! Mặc cho chị chăm bẵm, mặc chị cưng nựng, hài nhi, cái khối thịt đỏ hình ngôi sao năm cánh tua ấy cuối cùng cũng bỏ ra đi… Những ngày sau đó, sữa ở hai bầu vú lúc nào cũng căng tức, chảy tràn. Nó tiết ra không biết để làm gì, không còn biết chảy vào đâu… Nó khứa mạnh làm cho nỗi đau trong lòng chị càng thêm nhói buốt… Nước mắt hết ướt đầm rồi lại khô khốc… Chị đã đi xét nghiệm… Đã có kết quả dương tính với chất độc da cam… Vậy là từ nay, giấc mơ về những đứa con đã trở nên một thứ vô cùng xa xỉ. Chưa hết thời gian nghỉ theo chế độ, chị xin đi làm sớm mong công việc sẽ giúp vợi quên nỗi đau đang cào xé trong lòng… Thật trớ trêu, ca trực hôm đầu tiên đi làm ấy lại là một ca hút thai… Chị đã định xin bác sĩ thay người nhưng hôm ấy bệnh viện y sĩ trực chỉ còn mỗi chị. Người mẹ thai nhi ấy, chỉ mới khoảng mười bảy, mười tám tuổi. Nét mặt ngây thơ, con bé bước vào phòng. Ngơ ngác. Nó nhìn quanh sợ sệt. Hình như ánh mắt nào nó chạm phải cũng giống như gặp tia sét giữa đêm đen. Con bé co rúm người lại, nem nép tựa vào tường. “Qua bên kia!” Tiếng quát cộc lốc của cô y tá khiến đôi chân nó chỉ chực sụm xuống. Con bé líu ríu vòng sang phía bên kia bàn, đôi mắt cụp xuống, hai tay luống cuống không biết để vào đâu, chân di di trên nền nhà… “Không biết lối mà trèo lên bàn à!”. Bây giờ thì con bé hoảng thật sự, nó lập cập trèo lên rồi nằm xuống , hai bàn tay đan chéo vào nhau, mắt nhắm nghiền lại. “Rạng chân ra! Cái lúc ấy, ai bảo đâu sao mà rạng nhanh thế!”. Trong phòng chỉ còn thi thoảng là tiếng gắt gỏng của y tá, tiếng lách cách chuẩn bị dụng cụ và tiếng u u của máy điều hòa nhiệt độ.  “Thai mấy tuần?” Nó giật mình mở choàng mắt vì câu hỏi bất ngờ của bác sĩ  “Dạ... Cháu… Cháu… Cháu  không biết…”  “Sao lại không biết! Nếu không biết thì về!”. Con bé sợ hãi co rúm người lại, nước mắt chực sẵn ở mí mắt. “Con không thấy kinh từ khi nào vậy?” Chị khẽ cúi xuống nó hỏi nhẹ.  “Dạ. Hình như ba bốn tháng gì đấy ạ…” Khẽ thở dài, chị nhìn lên màn hình chiếu. Thai nhi nằm ngủ một cách bình yên trong tư thế của một thiên thần… Không biết có phải ảo giác không, nhưng trong một tíc tắc, chị nhìn thấy hình như thai nhi kia chớp mắt rồi nhoẻn miệng cười với chị… Hạ ơi! Đó là một thai nhi gái! Một thai nhi gái lành lặn, xinh đẹp, hiền ngoan… Con bé nằm trên bàn bỗng liếc nhanh một lượt như muốn tìm kiếm người thân, như muốn bấu víu vào một ánh nhìn an ủi... Ánh mắt của nó dừng lại trên khuôn mặt chị, con bé bỗng òa khóc, nó bíu lấy tay chị nức nở: Hu. Hu. Mẹ ơi! Con sợ lắm! Con sợ lắm! Nhìn đôi mắt ngơ ngác thất thần ràn rụa nước mắt của đứa con gái, lòng chị thắt quặn. Hạ ơi! Con gái xinh đẹp, hiền ngoan… Trong đầu chị  bỗng lóe lên một ý nghĩ… Chị vuốt tóc nó khẽ nựng nựng vỗ về… “Con gái ơi… Hay là đừng phá nữa… Cứ để lại, nếu con không muốn, đẻ xong cô sẽ nuôi cho…” “Không! Đứa con gái thét lên sợ hãi. Cháu van bác sĩ! cháu xin bác sĩ…”  “Bây giờ thì nó chỉ muốn tống khứ cái của nợ ấy ra ngoài càng nhanh càng tốt để rồi còn tiếp tục lại đú đởn nữa chứ!” Ông bác sĩ khẽ lầm bầm rồi lại gắt lên “Há mồm ra mà thở cho đều. Lúc sướng thì sao không thấy kêu với khóc”.

“Lấy cho tôi ít iốt”. Sau tiếng nhắc của  ông bác sĩ,  như linh cảm thấy điều chẳng lành, thai nhi khẽ rúc cái đầu vào hai cánh tay nhỏ bé yếu ớt của mình… Đó cũng là hình ảnh cuối cùng của thai nhi mà chị bắt gặp. “Nào! Ráng chịu nhé em ơi!” Chị đã thì thầm những tiếng như thế vào tai con bé trước khi sự tước đoạt mầm sống kia sắp sửa bắt đầu… Con bé đã nhoẻn miệng cười đầy vẻ hàm ơn… Ngày xưa, khi Thu đang cong mình chịu đựng những cơn đau dữ dội của mảnh bom đang nằm trong ổ bụng trên chiếc giường tạm của bệnh xá dã chiến để cho bác sĩ chuẩn bị mổ trong một ca mà chắc đến chín mươi chín phần trăm thất bại, chị cũng đã ghé vào tai Thu thì thầm như thế “Nào, ráng chịu nhé em ơi!” Hôm ấy, Thu đã nắm chặt lấy tay chị, gương mặt nhợt nhạt cố chịu đựng sự đau đớn khẽ nhoẻn cười. Nụ cười nhợt nhạt ấy biết rằng mình chỉ có một phần trăm sự sống nhưng vẫn lóe lên tia hy  vọng, lóe lên khao khát về một sự thần kì…Trong cái nhoẻn cười ấy, Thu đã gửi gắm bao điều nhắn nhủ. Và chị, đã cứ đinh ninh rằng, trong đó có một lời nhắn nhủ về một đứa con… Con bé nằm trên chiếc bàn kia cũng nhoẻn miệng cười, một nụ cười cầu thị. “Cô ơi, cháu sợ lắm! Cô làm nhanh nhanh cho cháu với!”. “Hay là thôi…?”. Cái ý định ban đầu mong cứu vớt thai nhi kia lại trở lại trong chị khi bắt gặp cái cười ngơ ngác của con bé. Lướt qua trong đầu chị là một đứa trẻ bụ bẫm chập chững cười toe toét rồi bập bẹ: Mẹ, mẹ … “Cháu sẽ về ở với cô đến khi nào sinh xong thì để đứa bé lại cho cô nuôi rồi cháu trở về với bố mẹ. Cô sẽ đến nói chuyện với bố mẹ cháu và giữ kín chuyện này cho...” Chị ngập ngừng nhắc lại ý muốn lúc nãy cố vớt vát tia hy vọng mong manh. “Không! Không! Cháu van cô. Hãy giúp cháu ngay bây giờ! Hãy giúp cháu ngay đi!”

…Những que inox tiệt trùng lạnh tanh bắt đầu  được ấn vào để nong rộng cổ tử cung. Con bé đau quá. Nó gồng mình, ưỡn mông nhưng không dám hét. Gương mặt con bé nhợt nhạt, trắng bệch ra, miệng sệch xạc… Ngày xưa, trên chiếc bàn mổ dã chiến, Thu cũng trẻ như thế… Cũng mười tám tuổi, cũng cong người chịu đựng đau đớn khi chiếc dao mổ bằng kim loại lạnh tanh chạm vào da thịt mình... Gương mặt Thu cũng trắng bệnh ra, nhợt nhạt, cố gắng chịu đựng để tống khứ mảnh bom tử thần đang trú ngụ trong ổ bụng mình mong tìm đến một sự sống mỏng manh... Bây giờ, con bé kia cũng đang đau đớn như thế, cũng muốn tống khứ một vật trong ổ bụng mình ra như thế… Nhưng cái sự tống khứ kia là sự tống khứ sự sống, tống khứ một sinh linh bé bỏng… Nỗi buốt xót bỗng dội ngược từ trái tim lên đỉnh đầu. Nước mắt chị chắt ứa ra lăn xuống khóe miệng mặn mặn…

“ Bật công tắc máy lên Đông ơi!” Tiếng ông bác sĩ khẽ gằn. Hoảng hốt. Tai chị bỗng ù đặc. Đôi tay trở nên luống cuống, vụng về. Thay vì đưa tay bật công tắc điện ở chiếc máy ngay trước mặt, chị lại quơ quơ lên bàn khiến mấy chiếc banh, kéo, kìm rơi xuống đất kêu loảng xoảng… Ông bác sĩ nổi tiếng nóng tính ở bệnh viện trừng mắt định gắt câu gì đó nhưng kịp dừng lại… Ánh mắt dịu xuống, không nói gì, ông lặng lẽ nhoài người với tay ấn vào công tắc… Tiếng máy hút thai nổ  sình sịch. Tất cả trước mắt bỗng tối sầm. Sình sịch. Sình sịch. Âm thanh kia không phải là tiếng động cơ nổ trong phòng máy lạnh im ắng mà là tiếng nổ của chiếc ca nô cao tốc ở phà Gù gió phần phật thổi... Nước sông đỏ sậm bởi ráng chiều tà đang tắt dần hắt lên từ phía đằng Tây, người Hạ và Xuân cũng nhuốm sậm một màu đồng hun như thế. Cả đại đội lặng đi trong giây phút truy điệu sống cho đội cảm tử trước khi họ bước xuống chiếc ca nô cao tốc để phóng hết tốc lực phá những quả thủy lôi trôi theo dòng nước cuộn chảy đang nằm im dưới lòng sông  đảm bảo an toàn cho một đoàn gần ba mươi cháu nhỏ chuẩn bị qua phà gấp.  Không ai khóc. Lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật.  Bài Quốc ca trầm lan trên những cuộn nước…

“Ối! Chết mất mẹ ơi!” Tiếng rên đau đớn của con bé làm chị sực tỉnh. Sình sịch…Trước mặt chị, chiếc máy hút thai vẫn đang làm việc. Tràn ngập căn phòng là cảm giác lạnh lẽo. Sình sịch… Rùng mình. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống... Trước mắt chị, từng mảnh thân thể đỏ hồng của thai nhi đang trôi trôi trong ống hút của chiếc máy… Chị loạng choạng bíu vội lấy cạnh bàn, tất cả bỗng tối sầm. Chị hét lên một tiếng rồi đổ sập xuống bất tỉnh…

*

Chiếc dầm bơi cứng ngắc trong tay, thuyền từ từ dừng lại rồi bắt đầu xoay tròn. Đêm cuối tháng, trăng mờ mờ phía đằng Tây như một mảnh sành vỡ. Chân trời xuất hiện những đụn mây  hình người  quấn xiết lấy nhau, chúng thục mạnh vào kí ức làm bật ra những hình ảnh ở một miền thăm thẳm trong tâm hồn… Cái miệng con Hạ kìa! Cười mới xinh làm sao khi cùng Xuân bước xuống ca nô máy để phá thủy lôi. Tao cao số lắm! Không chết được đâu. Mà giả dụ tao có chết, đứa nào còn sống thì cho tao gửi một đứa để mai sau nó nhang khói cho tao nhé! Đừng có mà gở cái mồm! Về mà đẻ chứ ai hộ mày được hử! Chị đã quát lên với nó như thế rồi ba đứa ôm chặt lấy nhau. Hôm ấy, chị đã phải cố ghìm những giọt nước mắt cứ trực trào ra. Ngồi vào khoang lái, như sực nhớ ra, Xuân vội vã tháo chiếc cặp tóc có hình những chấm hoa trắng trên nền đen rất đẹp mà người yêu mới tặng xoay đi xoay lại ngắm nghía rồi đưa cho chị nháy mắt: Nói dại nếu tao có làm sao, mày mà  đẻ con gái hãy đưa cho nó cái này. Coi như tín ước nhận nó làm con của tao nhé…

Chiếc ca nô từ từ tăng tốc lao vùn vụt trên sông… Uỳnh! Uỳnh!  Từng cột nước đỏ ngầu lẫn cả bùn đất dựng đứng của thủy lôi từ trường  bị kích nổ đuổi theo sau đuôi chiếc ca nô đang phóng hết tốc lực…  Vòng thứ nhất…vòng thứ hai… Uỳnh! Uỳnh!  Đôi bàn tay của gã tử thần với những cú chụp giật sống sít như đã bắt đầu thấm mệt, đã bắt đầu rã rời, đã bắt đầu chán nản. Gã cảm thấy thực sự bất lực và đang muốn buông xuôi trước sự dũng cảm  và nhanh nhẹn của hai cô gái… Trên mặt sông, không còn những tiếng nổ, cột nước đục ngầu bùn đất… Những cuộn sóng tung bọt trắng  bắt đầu đuổi nhau phía sau ca nô… Trên bờ, đã có vài tiếng thở phào… Cố lên Xuân ơi! Hạ ơi! Vòng cuối rồi! Ba mươi mét… Hai mươi lăm… Hai mươi… Chị đã nhắm mắt cầu trời khấn phật…  Nhưng rồi một tiếng nổ kinh hoàng. Một cột nước đỏ ngầu cuộn trùm nuốt chửng lấy chiếc ca nô, hất tung nó lên cao khi nó chỉ còn cách bờ chưa đến mười lăm mét… Tất cả bỗng lặng đi đau đớn… Mấy ngày sau, đồng đội và bà con hai bên bờ sông mới tìm được xác của hai người bị trôi dạt cách bến phà hai cây số trong tư thế vòng tay vẫn ôm chặt lấy chiếc vô lăng… Chị đã khóc rất nhiều… Hồi ấy, đêm nào chị cũng thấy họ hiện về trò chuyện cùng chị. Có một đêm, họ cười và bảo với chị rằng: Ba đứa chúng tao đã hy sinh hết rồi. Chỉ còn mày! Phải cố mà sống. Sống để mai sau còn đẻ hộ chúng tao mỗi đứa một đứa con nhé! Nhóm tứ thời chỉ còn lại Đông… Chỉ còn lại mùa đông buốt lạnh. Trong những trận bom sau đó, cũng không biết trời xui đất khiến thế nào mà vào những  thời khắc khi cái chết và sự sống chỉ cách nhau trong gang tấc, chị đã lách qua khe hở ấy một cách tài tình mà chính chị nhiều khi cũng không sao tin được…

*

Cơn gió mồ côi trong đêm vuốt nhẹ theo sống lưng, chị bỗng thấy lành lạnh. Hóa ra, người chị đã đẫm mồ hôi từ lúc nào mà không hề biết. Cái cảm giác lành lạnh ấy, chính là do cơn gió đang lau khô dần giúp chị. Con thuyền bấp bênh nhẹ trôi trên dòng. Không có sự điều khiển, nó quay dần mũi theo quỹ đạo tròn. Kịch. Những gợn sóng lăn tăn do thuyền vừa va phải làm gọng vó duềnh chúi xuống  ánh lên màu bạc xỉn... Kịch. Kịch. Hai cú va liên tiếp. Nhưng lần này là cái đầu của chị va phải tóp vó. Những đàn đom đóm thi nhau túa ra nhảy múa. Nước từ ngoài sông ào vào thuyền lênh láng. Gập thấp người, chị vội vã quạt nước bơi ra xa bởi sau cú nẩy ra, thuyền sẽ trôi lại và cái tóp vó sẽ tiếp tục nện vào gáy chị những cú chí tử khác. Cầm lấy chiếc bát tát nước, chị cúi xuống lòng thuyền. Trong ánh trăng mờ mờ, bóng chị nhệch dưới đáy thuyền lênh loang rồi vỡ vụn. Trong đầu chị lại hiện lên hình ảnh thai nhi tan vụn trôi trôi… Suốt một thời gian dài, chỉ cần bắt gặp mùi hăng hắc của cồn hay nhìn thấy chiếc áo blu trắng, chiếc bàn mổ, panh, gạc, xi lanh, cái hình ảnh ấy lại trở về hành hạ chị một cách dữ dội… Chị đã phải xin nghỉ hưu sớm và trở về quê với mong muốn sự yên bình của kí ức tuổi thơ sẽ làm dịu đi những ám ảnh ấy…

Chợt nhớ đến những tiếng kẹt kẹt của cây vó, chị bơi lại dùng tay té té nước lên nạnh. Tóc... tóc... rào. Tóc ... tóc... rào. Những giọt nước nhỏ li ti rơi xuống tạo nên một màn mỏng trắng mờ mềm như bông.  Trong những giấc mơ, chị cũng hay bắt gặp chập chờn trong cái màn mỏng mờ ấy là hai đóa sen … Hai ấu hồn nhẹ như sương khói. Chị tắm cho chúng bằng hương của những loài hoa dại, cho chúng ăn những giọt sương tinh khôi đọng trên cành lá. Chúng nhảy nhót, vui đùa. Chúng hát. Chúng gọi chị là mẹ và kể chuyện cho chị nghe, hỏi chị những câu làm lòng chị như quặn lại. Mẹ ơi! Sao chúng con lại không có hình hài con người hả mẹ? Ôi! Những ấu hồn đáng thương... Chị muốn chúng sẽ mãi mãi, mãi mãi tồn tại trong thế giới không có tuổi…

Phía bờ bên kia, những lùm cây in vào màn đêm tạo nên vô vàn những hình thù bất động như đám người đang lô nhô đứng ngồi....“Đông ơi!” tiếng gọi cất lên nghe nhẹ như tiếng chiếc dầm trong một  khoảnh khắc ngắn ngủi khẽ va nhẹ xuống mặt nước. Thuyền dập dềnh... Đêm lễnh loãng trôi. “ Đông  ơi!”... Nước lóc bóc… Những bóng trắng chao chao. Tròng trành. Nghiêng ngả. Hơi thở con gái hầm hập.  “ Đông ơi! Sao bây giờ mày mới đến thăm chúng tao? ” “Thì tao bận quá!” Câu trả của chị bỗng  rơi tõm như một hạt nước đọng ở mũi thuyền rơi xuống mặt sông. Chị bỗng cảm thấy ân hận bởi câu trả lời vừa buột ra của mình – Câu trả lời biện minh của thói quen vô cảm, bàng quang ở một tâm hồn chai lì… Câu trả lời của cuộc sống hối hả, gấp gáp đầy những toan tính thực dụng cuốn xoáy khiến cho người ta quên bẵng đi những giá trị khác về tình cảm… “Bận.

Bây giờ có ai mà không bận… Nếu mày bận thì chúng tao đi đây”. “Kìa! Xuân ơi! Hạ ơi! Thu ơi! Tao xin lỗi! Tại tao quen mồm!  Ở lại với tao đã chứ!” “Bận…Bọn tao cũng bận…” Chị đưa tay chới với, những bóng trắng cứ mờ dần cho đến khi chỉ còn lại trong đầu chị những ảnh hình mơ hồ, chập chờn trong thứ ánh sáng liêu trai với màu nhờ nhợ như phết một lớp nhọ nồi mỏng trong không khí …

*

“Bà ơi! Hôm nay có cá ngon không vậy?”. “Có mớ cá đen trong giỏ ấy, đổ ra xem có lấy được không, tôi bán cho”. “Trông thì ngon thật đấy, nhưng mà toàn cá có trứng thế này, gầy giơ xương khó bán lắm – Ba chục nhé!” “Trả thêm cho tôi năm nghìn nữa. Được thì lấy”. Thoảng qua tiếng của người mua cá và bà lão kéo vó bè vọng vào lều. Hóa ra, những gì mà chị đã trải qua khi đêm chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ pha trộn rất nhiều những hình ảnh thật và những điều tưởng tượng của quá khứ, hiện tại… Một giấc mơ của những gam màu ngược: Quá khứ và những ham muốn, khao khát trong trẻo, hiện tại là sự ruồng rẫy, rũ bỏ và quên lãng… Những điều ấy, đã và đang diễn ra ngay trước mắt và ngay chính trong con người chị… “Bận. Tao bận quá!”. Cái sự bận ấy của chị đã diễn ra mấy chục năm nay, và  nếu như những cú xốc kia không giáng xuống cuộc đời chị, thì đến khi nào, cái sự bận kia mới hết để  chị có thể nằm ở đây, ở cái lều vó này của bà cụ già - chỗ mà ngày xưa, chắc là rất gần chỗ mà bốn chị em đã từng sống những ngày bom đạn ác liệt để mà mơ giấc mơ về những người đồng đội cũ?

Sự quên lãng được ẩn giấu kĩ sau những lí do biện minh nghe qua có vẻ rất hợp lí khi bị đối mặt chợt lộ diện làm dậy trong chị một cảm giác bẽ bàng, tê tái. Chị nằm im, nhìn trân trân lên khoảng không mờ mờ trên nóc lều như muốn tìm ở đó sự giải thoát cho nỗi đau đang dội ngược…Chẳng có sự giải thoát nào ở trên đấy cả. Trái lại, cái khoảng không mờ mờ ấy càng dẫn chị đi xa hơn trong cái thế giới u u, mê mê mà chị đang phải chịu đựng. Cái thế giới nhờ nhờ tối ấy đè cứng lấy chị, làm chị không thể nào cựa quậy, không thể nào vùng vẫy. Có ai không? Hãy động vào tôi đi! Hãy gọi tôi một tiếng! Có ai không? Chị muốn hét thật to lên, kêu toáng lên nhưng kết quả chỉ là những tiếng ú ớ không sao thoát ra khỏi lồng ngực… 

 Có tiếng chuông. Ngân và vang xa. Chậm rãi và thật nhẹ... Rồi chị thấy gương mặt phúc hậu của bà cụ đang ghé sát mặt mình. Đôi bàn tay răn reo kiên trì lay lay nhẹ người chị. “Dậy… Dậy cô ơi!”. Chị ngồi dậy, ngượng nghịu dụi mắt cười. “Tối hôm qua cô sảng ghê quá! Cả đêm cứ ú ớ suốt. Gần sáng lại bị bóng đè nữa”. “Vâng. Cảm ơn bà. Hôm qua con đi đường xa mệt nên đặt lưng xuống là ngủ như chết… Bà ơi! Bà kéo vó ở đây đã được lâu chưa ạ?” “Dễ cũng có đến hơn chục năm rồi. Thì tôi cũng là ở đây vừa làm cái vó này, vừa nhang khói cho đền thờ Hai Cô”. “Đền Hai Cô?” Câu hỏi của chị thốt ra hầu như đồng thời với câu trả lời vừa rồi của bà cụ. Chị bỗng nhớ đến tiếng chuông mơ hồ khi sáng và những gì mình đã trải qua trong giấc mơ... Bà cụ đưa tay lên bắt dây vó không nhìn chị. “ Là hai cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh khi phá thủy lôi để bảo đảm an toàn cho một đoàn ba mươi em nhỏ qua sông… Bà cụ ngừng lai một chút rồi tiếp.

Hồi còn chiến tranh, có một cái phà ở chỗ dưới kia, nhưng rồi hòa bình, khi nó cũ nát, người ta không sử dụng nữa… Bến phà bị bỏ hoang, một thời gian sau người dân ở đây xây đền Hai Cô. Bữa tối, khi cô đến, tôi đã thấy gương mặt cô rất nặng âm khí. Đêm cô lại mê sảng dữ quá nên tờ mờ sáng tôi ra đền thỉnh chuông kêu cầu Hai Cô phù hộ…” “Dạ con cảm ơn bà… Trước đây, con cũng đã từng chiến đấu ở đây…” “Ừ. Tôi cũng đoán thế… Hôm nay là ngày rằm. Tôi đã mua hương hoa để sẵn trong thúng để chút xuống dưới đền. Tiện cô đi cùng chứ?”. “Dạ”.  Chị khẽ cúi xuống đáp lời bà cụ.

 

ĐỢI NGÂU

Tháng bảy. Nó ngồi buồn so. Vẫn chỉ những sợi mây mỏng sạch như bông. Ánh mắt nó sục sạo phía chân trời. Vẫn chỉ ráng chiều vàng chói.

" Ráng vàng thì gió - ráng đỏ thì mưa". Nó buột tiếng thở dài sườn sượt nhìn cuốn tập vừa tô còn óng mực. Có lẽ, nó sẽ bật khóc nếu không có bóng bà tất tả ngoài ngõ. Đòn gánh kĩu kịt oằn còng trên vai.

- A! Bà đã về! Nó bật dậy lót tót chạy ra.

- Dép guốc mày vứt đâu rồi mà  xỡm nỡm thế kia hả con ranh! Đêm nay ra mà nằm với con êu ngoài hè nhé!!Con cứ lên nằm với bà cơ!

Nó nhanh nhẩu chạy vào trong nhà xách ra cái quạt điện. Ý nghĩ lúc nãy vẫn ong ong. Nó ngước mắt nhìn lại trời lần nữa rồi bâng quơ:

- Sao mãi không thấy mưa bà nhỉ?

- Cha bố cô chứ! Mong mưa để ra dầm nghịch hả!

Nó không cãi. Trong đầu nó còn mải nghĩ những chuyện ở đẩu ở đâu.       

*

Mẹ đi lấy chồng đúng vào mùa ngâu.

Trời mưa. Bong bóng vỡ phập phùng.

Cỗ ở nhà. Nó ăn rất nhiều căng cả bụng. Chiều mưa tạnh. Mối bay đầy trời. Cánh mối rơi lả tả. Nó thích chí nhặt những con gẫy cánh béo căng mầm mẫm bò lổm ngổm trên mặt đất. Những con mối này lũ gà thích phải biết. Bọn trẻ trong xóm đi nhặt mối cũng rất đông. Thấy nó, chúng tụm lại xì xào. Chúng chỉ chỏ. Chúng cười, đồng thanh hát:

Trời mưa bong bóng phập phùng.

Mẹ lấy chồng Đài con ở với ai?

Con ở với ngoại tháng giêng

Tháng năm với chú, tháng mười với cô…

Những con mối mầm mẫm vẫn vô tư chui vào túi nó. Bọn chúng chụm đầu lần nữa. Lần này, chúng tiến lại gần nó. Từng cặp từng cặp đập tay vào nhau đồng thanh:

Vuốt ve em thân yêu em ở với ai?

Em ở với bà.

Bà gì? Bà ngoại. Ngoại gì ngoại xâm... Ha..ha...ha.

 

- Ê ê ê! Có đứa mẹ đi lấy chồng Đài Loan!

Bây giờ thì nó biết bọn chúng ám chỉ ai. Nó lờ mờ đoán ra bữa tiệc trưa nay. Hơ hớt chạy. Nghiêng ngả. Gió thốc tháo táp trên mặt. Nó hỏi không ra hơi:

- Bà ơi, mẹ cháu đi lấy chồng Đài Loan hở bà? Trưa nay, là đám dạm của mẹ cháu đúng không?

Bà ghì chặt nó vào lòng, Nước mắt rơi nhoà mặt. Người run lên, nó bật oà nức nở:

- Co...ó… đu ...úng khô...ông hả bà?

Nó vùng chạy vào giường sấp mặt xuống chiếc gối. Nỗi giận dữ trào cuộn trong lòng. Tiếng mẹ hôm nào vẫn còn ong ong: Ừ mẹ sẽ không đi đâu cả. Suốt đời này mẹ sẽ ở với con. Mẹ nó đã lừa dối nó! Mẹ đi lấy chống Tây! Oán hận ngụt trong lòng. Nó thấy lờm lợm. Những thứ ăn trưa nay ngon bao nhiêu bây giờ nó kinh tởm bấy nhiêu. Nó muốn nôn mửa. Nó muốn tống hết những thứ bẩn thỉu trong bụng ra ngoài. Nó vùng chạy ra sau nhà đưa tay móc vào cổ họng. Oẹ. Oẹ. Nước mắt nước mũi giàn rụa ướt hết mặt. Chỉ có ít dớt dãi chảy ra. Nó thọc cả bàn tay vào móc tiếp. Thêm được ít bột trắng nhờ nhờ. Nó cúi xuống vớ luôn cọng khoai dại đưa vào mồm. Ngứa. Cả bàn tay gãi muốn toạc cuống họng. Bây giờ thì nó bắt đầu oẹ. Oẹ liên hồi. Bao nhiêu thứ nhêu nhểu máu nhây nhưa trên đất. Gan mật muốn trào lộn. Nó sung sướng nhìn  đống lầy nhầy mình vừa nôn ra. Những thứ bẩn thỉu trong bụng đã tống được ra ngoài. Bây giờ, nó không cần gì hết. Không muốn gặp ai hết. Thoáng thấy bóng bà. Nó nhủi ra sau rồi chui tọt qua lỗ thủng trên cánh liếp. Bên ngoài, tiếng bà nó hớt hải gọi cứ xa dần, xa dần ngoài ngõ...

Nó lau nước mắt bỗng thấy cồn cào nhớ cha. Nó lẩm nhẩm trong miệng những lời nũng nịu. Rồi nó khẽ gọi: Cha ơi! Nó thấy cha quần áo lấm lem bùn đất cọ cọ những chiếc râu cằm vào má nó.  Rồi nó thấy  được đi ra chỗ đầm tôm của cha. Nước sóng sánh. Những cánh quạt khoả nước quay tít mù. Cha bận suốt ngày nhưng vẫn chiều chuộng nó. Nó chạy tung tăng hồi hộp nhìn cha rình bắt cho nó những con chuồn chuồn ớt màu đỏ. Những con chuồn chuồn ngô vằn vện màu vàng to như ngón tay út. Cha nướng những con cá, con tôm bắt dưới đầm cho nó ăn. Mùi cá, tôm thơm lựng khiến miệng nó tứa nước miếng. Cha nựng nựng nó trong lòng. Nó đã rất quen và cảm thấy thích thú cái mùi bùn nồng nồng, mùi cá tanh tanh chẳng bao giờ hết trên người cha cả. Cha bảo: Mai sau lớn con phải cố gắng học giỏi rồi làm kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn cho cha nuôi tôm, nuôi cá nhé...

*

Nó ú ớ gọi mẹ rồi tỉnh giấc.

Bóng đêm màu mực tàu. 

Tiếng run dế, côn trùng ri rỉ  não nề như kèn đưa ma. Trước mắt nó bỗng hiện lên vô vàn những hình ảnh quái dị chập chờn. Bất giác, nó sợ hãi khẽ cong người lại như con tôm. Ngày xưa, mỗi khi như thế, nó thường quắp chặt rồi rúc vào nách mẹ. Nhưng từ hồi ở với bà, nó không bao giờ làm như thế. Bao nhiêu đồ chơi  mẹ mua gửi về, nó nhét hết vào xó bếp. Mạng nhện, bồ hóng phủ đầy. Nó căm ghét chúng như thể chính chúng là nguyên nhân khiến nó và mẹ phải xa nhau...

Nó lầm lũi. Những ý nghĩ bị nhốt chặt trong đầu. Có buột ra ngoài cũng chỉ cho mình. Ít khi nó chơi với bọn trẻ con ở xóm. Bọn trẻ càng ngày càng xa lánh nó. Không buồn chút nào. Trái lại, nó càng thích thú. Nó không muốn bất cứ ai, kể cả bà xâm phạm thế giới riêng của nó. Cô Tấm, ông Bụt, ông Ngâu, bà Ngâu. Cây bút thần của Lê Mã Lương... Chỉ của riêng nó, không chia sẻ cho ai hết cả... Nó bắt đầu vẽ. Những cây cầu nối hai phía chân trời... Những con đường chạy qua ngàn vạn dặm... Và cả những cánh chim nữa. Giá như, mình có cây bút thần kia nhỉ? Không biết bao lần nó ngồi bần thần cả buổi với cái ước mơ ấy... Nó mỉm cười tưởng tượng ra bao điều từ những gì vẽ ra đang hiển hiện thành sự thật trước mắt.

Mẹ đi lấy chồng. Những ý nghĩ của nó cứ hay vỡ như bong bóng. Đang nghĩ cái này, tự nhiên chuyển sang cái kia. Nó chợt nghĩ đến lá thư mà mẹ nó vừa gửi. Mẹ bảo nhớ quê hương, nhớ nó lắm. Những lúc rỗi không có việc gì làm, mẹ lại ra ngoài sân đứng ngóng. Xứ người thăm thẳm mịt mù, Chẳng biết ngóng về phương nào. Mẹ phải nhờ những con chim đi tránh rét bay về phương Nam để đoán. Chỉ cần bắt gặp hai từ “Viet Nam” trên tờ báo gói thực phẩm, một hộp đựng gia vị bên cạnh những chữ xa lạ thôi cũng khiến mẹ rưng rưng ứa nước mắt. Những lúc ấy, mẹ chỉ muốn vứt bỏ hết để ào về với nó mặc kệ cuộc đời muốn ra sao thì ra.... Mẹ bảo mẹ nhớ cái đận nó còn be bé. Một lần ra đường thấy lũ trẻ mút sữa. Nó nhìn chằm chặp, lúc về nhà nó bảo: Mẹ không mua sữa cho con uống nên con mới còi cọc, không lớn được. Rồi cái đận nó bị sốt cao phải nằm bệnh viện nữa. Ai cũng phải mủi lòng khi nó nhìn hoa quả, sữa rồi thịt trứng mà mẹ mang vào rồi ứa nước mắt bảo: Lúc con khoẻ ăn được mẹ chẳng chịu mua cho con ăn. Bây giờ con ốm không ăn được thì mẹ lại mua bao nhiêu thứ thế này để làm gì? Mẹ bảo hồi ấy mẹ rất thương nó và muốn nó được ăn mặc đủ đầy nhưng vì gia đình nợ đầm đìa đến ăn no còn chẳng đủ nên nó phải chịu thiệt thòi. Bây giờ, nó thích ăn gì cứ bảo bà mua cho mà ăn.

Mẹ còn viết trong thư, mang tiếng là vợ người ta nhưng mẹ như tù giam lỏng, chẳng bao giờ được phép ra ngoài. Quần quật làm suốt ngày từ sáng đến tối để phục vụ cái đại gia đình nhà chồng từ ông bố chồng nằm liệt giường liệt chiếu ỉa di đái dắt đến lũ cháu lóc nhóc đến cả chục đứa láo hỗn như ranh. Mẹ bảo, mươi năm trả nghĩa người ta xong, mẹ sẽ xin ông ta được về hẳn với nó... Những tấm ảnh mẹ gửi về đứng cạnh "lão Đài hói" trước một ngôi nhà rất lớn, có bể tắm, có cả chiếc ô tô. Những tấm hình ấy, nó xé làm đôi rồi đem hình của lão đi đốt. Nó viết thư trả lời: Sữa uống béo bệu bệu bều, chỉ tổ hay ốm vặt. Ti vi bảo ăn thịt cá hay mắc bệnh tim mạch, ăn rau dưa là tốt nhất! Bây giờ nó chẳng thích uống sữa, ăn thịt cá một tẹo nào cả. Nó chỉ thích ăn cơm với rau thôi. Mẹ mau về với nó... 

Trong đầu nó, bỗng hiện con chim non mới ra ràng hôm nào. Chộn rộn. Chập chững... Đôi cánh yếu ớt đập đập, chuyền từ cành nhãn sang cành tre. Mỗi khi chúi xuống, chim bố, chim mẹ lại hoảng hốt ríu vào nhau để cho chim con tựa. Nó thèm thuồng ngắm niềm hạnh phúc của gia đình nhà chim cho đến khi không còn nghe được cả tiếng líc tíc của chúng phía rặng tre nhà thằng Đức mới hùi hụi tiếc đi vào nhà. Thế mà... Buổi chiều, bắt gặp  chim bố mẹ vừa bay vừa kêu thảng thốt trở về, nó đã lờ mờ đoán ra sự chẳng lành. Hốt hoảng, nó luồn qua bụi tre bất chấp những chiếc gai khô nhọn hơn đinh xuyên qua lần dép nhói ở gan bàn chân và những vết cào xước trên má, trên tay. Mắt bỗng nhoè đi. Dưới chân, con chim nhỏ cứng đờ lạnh ngắt. Lũ kiến xúm đen, xúm đỏ chỗ vệt máu đã thẫm lại trên đầu... Hình ảnh thằng Đức khi sáng cầm giàn thun nghiêng ngó lướt qua... Nó bặm môi, cố ghìm tiếng nấc đã ầng ậc ở cổ. Nước mắt thầm thĩ chảy xuống từ khoé mắt. Ngay cả khóc, bao giờ cũng chỉ có những giọt nước âm thầm rơi xuống, không bao giờ nó để tiếng khóc bật ra ngoài...  Một hộp giấy. Vài bông dâm bụt đỏ. Một ít tơ hồng vàng ươm. Hai bông cúc trắng hái trộm trước vườn nhà ông điên. Nó đào hố chôn con chim non dưới bụi dứa dại ngoài bờ ao. Trên cây, tiếng kêu thảm thiết của đôi chim bố mẹ mất con bào gan ruột nó. Nó chợt nghĩ, giả sử mình bị chết, không biết có được như con chim non này không...Tủi thân, nó oà lên nức nở. Đêm hôm ấy, nó mơ thấy cây cầu Ô Thước do lũ quạ kết thành. Thấy cha dắt tay nó đi. Bên kia cầu, mẹ đang ngơ ngác nhìn tứ phía tìm cha con nó. Nó hét to: Mẹ ơi! Con ở hướng này cơ mà! Nhưng mẹ chẳng nghe thấy gì cả. Nó cuống cuồng giãy đạp, gào lên khi thấy bóng mẹ cứ xa dần, xa dần: Mẹ ơi! Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ! Con đang ở hướng những con chim đang kết thành cầu ấy!... Nó tiếc hùi hụi khi bà lay nó thức dậy bởi nó la hét, khóc lóc dữ quá. Từ ấy, niềm tin về lũ quạ sẽ bắc cây cầu Ô Thước để đón cha mẹ về đoàn tụ ngày càng bắt rễ sâu trong tâm hồn nó. Đến nỗi, nhiều lúc nó giật mình tưởng đã nhìn thấy cây cầu kia. Nó bắt đầu vẽ. Nó sẽ vẽ một đàn quạ thật đông, chín mươi chín con. Để khi mùa ngâu đến, chúng sẽ bay lên kết cầu Ô Thước...

Một.. Hai... Ba. Ý nghĩ của nó quay về cuốn tập vẽ... Hồi đầu mới vẽ, nó lấy dao khoét một lỗ nhỏ phía đít con lợn đất khều mấy lần mới đủ tiền để đi mua hộp mầu. Những bức tranh khiến con lợn tiết kiệm gầy nhẳng đi, nhẹ bẫng. Vậy mà chỉ được một thời gian, chúng bay màu, trông chả ra hình thù gì cả. Tuyệt vọng. Nó ngồi khóc một mình gần cả buổi. Một hôm, tình cờ nó được bà kể chuyện nhuộm răng thời con gái. Đầu tiên, phải nhuộm đỏ bằng nước của cây chay. Sau một tuần, tiếp tục nhuộm đen bằng than cây trọng đũa lọc với nước vôi và nhân cau giã nhỏ. Sau nửa tháng, hàm răng sẽ đen bóng, không bao giờ bị phai hoặc ố. Nó nhìn hàm răng của bà rồi nhảy quớ lên. Nó sẽ làm như bà để tô những bức tranh quạ của mình. Khổ nỗi, cây trọng đũa chỉ có mỗi ở góc vườn của lão điên. Khu vườn ấy, nó còn chẳng dám nhìn huống hồ đi sang bên ấy. Đã mấy lần, nó dợm bước ra cửa nhưng vừa thò xuống dưới hè, tự dưng chân rụt phắt lại. Có lần, thu hết can đảm, nó tiến đến bờ rào nhà lão. Trống ngực đổ dồn. Nó hồng hộc thở. Bỗng... có vật trăng trắng đứng ở góc vườn như đang đung đưa. Hồn xiêu phách tán, ba chân bốn cẳng nó phóng một mạch về nhà trong tiếng bước chân thình thình của ai đó đuổi theo sau lưng. Về nghĩ lại, hoá ra chỉ là cái thằng bù nhìn trông đỗ. Hôm sau, nó đánh liều xé rào chui qua. Vừa bẻ được mấy cành thì lão điên lù lù xuất hiện. Sợ quá, nó nhảy phốc xuống. Đít đánh bệt xuống đất nhức đến tận óc. Mấy cành trọng đũa vừa bẻ đâm vào mạng sườn đau nhói. Nó tập tễnh cắm đầu cắm cổ chạy một mạch. Về đến nhà rồi mà tim vẫn còn đập thình thịch. Nó bắt đầu tỉ mẫn tô từng con một. Khi bà nó hỏi nó vẽ để làm gì, nó bảo:  Bao giờ cháu vẽ đủ chín chín con quạ, chúng sẽ bay lên trời, khi đó cháu sẽ đón cha và mẹ về ở với bà cháu mình. Bà có thích không? Chẳng biết bà có tin  không, nhưng nó thấy bà ngây người quay đi hướng khác. Khi bà quay lại. Bà gật đầu miệng mỉm cười. Mắt vẫn còn ngân ngấn.... Khi ấy, nó sung sướng lắm.

*

Lũ quạ bay qua giấc mơ của nó ngày càng nhiều. Bà bảo: Đêm qua mày mơ thấy cái gì mà cứ đập chân đập tay rồi cười khành khạch thế? Nó tủm tỉm không trả lời. Niềm tin  choán hết tâm trí nó.

Tô gần đủ thì hết mực. Nó quýnh quáng khi nghe bà nhìn trời bảo: Ngâu rồi, tháng này lại mưa dầm đây! Nó đi ra hàng rào và ngó qua nhà lão điên. Bên ấy, dạo này đêm nào cũng chập chập, cheng cheng ở cái điện thờ mới xây chỗ góc vườn. Nó bỗng thấy rờn rợn. Gai ốc nổi đầy trên cánh tay. Nhắm mắt lại xua hết những hình ảnh quái dị đang chuẩn bị nhảy ra trong đầu. Nó hít một hơi dài lấy can đảm rồi lẻn sang. Sững người. Hoá ra cây trọng đũa đã bị chặt mất. Chỗ cũ bây giờ đã mọc lên một khóm hoa mẫu đơn mới trồng. Gốc còn ẩm nước tưới khi sáng. Nó suýt bật khóc. May mà còn mấy cành vứt ở bờ dậu. Nó hối hả bẻ lấy bẻ để rồi ù té chạy về....

*

Trăng đêm hè bao giờ cũng đẹp. Trăng trải vàng trên con đường vốn gồ ghề, bụi bặm trước cổng, trên ngọn cây cau cao tít, dưới những bụi luầng quầng đầy gai bên bờ tường. Trăng dắt tay  bọn trẻ con tụ tập trước sân nhà nô đùa ầm ĩ.

 Càng về đêm trăng càng sáng, những cơn gió nồm hây hẩy mơn man mềm như bánh sôcôla. Khi ấy, người ta sẽ chẳng bao giờ cúi đầu xuống  nhìn cái bóng của mình, thậm chí người ta còn chẳng bao giờ để ý nó có tồn tại hay không, đó là thứ hết sức vô nghĩa. Vậy nhưng, nó không nghĩ thế. Với nó, cái bóng bao giờ cũng là người bạn thân thiết: Này! cậu không được ăn gian đâu nhé! Đã bắt được rồi sao cậu lại còn cứ chạy? Nó ngồi xuống, ngửa cổ ngắm trăng giả bộ dằn dỗi rồi bật dậy reo lên: A, phải rồi! Bây giờ mình nắm tay lộn tùng phèo cô mười bảy chị mười ba nhé!

Nó cứ mê mải chơi như thế quên hết cả chị Hằng đang xịu mặt vì không được đoái hoài, quên cả sương đêm đã bắt đầu xuống lành lạnh trên vai. Quên cả một người lưng còng rạp xuống đứng  ngắm cái bóng đổ dài đang nhảy nhót trên sân và đứa bé gầy gò, mỏng manh sáng trong như một thiên thần. Mấy lần người ấy dợm chân định bước ra nhưng lại sợ phá vỡ mất giây phút hạnh phúc hiếm hoi của nó, sợ hình ảnh đẹp đẽ kia sẽ tan biến mất... Cuối cùng, không nén được nữa, bà rón rén bước đến phía sau khẽ đặt bàn tay lên vai nó:

- Cho bà chơi với nào!

Nó quay lại:

- Ô kìa bà! Nhưng đây là trò chơi trẻ con cơ mà! Bà già thế này rồi thì còn chơi làm sao được?

Bà cười giọng nghèn nghẹt:

- Già cũng vẫn chơi được cháu ạ! Nào, bà cháu mình cùng chơi nhé!

 Nó cười ngượng nghịu rồi hát “Thả đỉa ba ba, chớ bắt liền bà....” Ấy! Sao không rủ hai cái bóng cùng chơi cho vui hả bà? Cháu vẫn chơi với nó suốt đấy! Tiếng cười lánh lót của đứa trẻ lên mười xoắn quyện cùng tiếng cười trầm sâu của bà cụ già đồng vọng dưới ánh trăng trong đêm tĩnh lặng. Đứa bé ngước nhìn bà nó rồi buột miệng khẽ gọi: Mẹ ơi!

*

Đã giữa tháng bảy.

Trời vẫn xanh ngăn ngắt.

Nó ngồi nhìn trời thở dài. Ngày mẹ nó đi. Nó nằm ba ngày ba đêm trong xó tối. Trong đầu lúc nào cũng rần giật lửa. Nó hận mẹ. Nhớ cha. Những con kiến lửa nhay thịt nó nhoi nhói. Muỗi tu ừng ực máu trong người đến đỏ vầng da. Kệ. Trong nó, chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Bây giờ không còn ai thương yêu nó hết. Nó là kẻ khốn khổ, bất hạnh nhất trên thế gian này...

 Khi bà tìm thấy, người nó vầng như phát ban bởi những vết kiến và muỗi cắn. Lử lả. Hai ngày liền, nó chẳng nói chẳng rằng, chẳng ăn chẳng uống. Bà rất yêu nó. Nhưng tình thương của bà không lấp được khoảng rỗng tình mẫu tử. Chỉ có nó với thế giới riêng của nó...

Thả đỉa ba ba.

Chớ bắt liền bà.

Phải tội liền ông.

Tay nó thõng rơi trong không khí. Nó thừ người. Bà ơi, bà đừng bỏ cháu đi nữa nhé! Ý nghĩ trong đầu buột thành lời. Ý nghĩ vẫn hay như thế. Cứ tuồn tuột trôi ra miệng. Nước mắt nhoà lặng trên má. Không khóc! Mình sẽ chơi tiếp.

 

Đổ mắm đổ muối.

Đổ niêu cứt gà.

Đổ phải nhà nào.

Nhà ấy là đỉa

Bao giờ từ “đỉa” của câu đồng dao cũng rơi vào đầu nó. Niêu cứt gà đã đổ vào nhà nó. Chẳng thể nào hót đi được... Nỗi đau trong lòng bỗng hiện lên mồm một. Làng nó xôn xao khi được tin xã chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa chuyển sang nuôi tôm để thực hiện cánh đồng năm mươi triệu.  Cha là người hào hứng nhất. Lầm lụi hùng hục đào bới. Vườn cũng thành ao. Ruộng cũng thành ao. Cha thầu tất cả những nơi có thể thầu được. Nước mắt mẹ không cản được cha. Ánh nhìn lo lắng của bà cũng không làm cha chùn bước. Cha thế chấp cho ngân hàng tất cả những gì có thể để lấy tiền. Cha bảo: Chúng ta rồi sẽ thành tỉ phú.  sẽ là ông chủ của cả vùng này. Không có máu liều, mạt kiếp làm sao ngóc đầu lên được? Mộng tỉ phú, mộng ông chủ của cha như quả bóng xì hơi xẹp dần theo những con tôm chết trắng. Người cha rũ xuống, gầy sọp đi. Kỹ sư thuỷ sản về lắc đầu quầy quậy: Đồng đất vùng mình không hợp với con tôm. Cả làng buồn như đưa đám.  Râu ria mọc tua tủa. Hai hố mắt trũng sâu. Cha bắt đầu uống rượu. Hay bẳn gắt vô cớ. Cha bán tống táng tất cả những gì còn lại của giấc mộng tỉ phú  lao vào lô đề hy vọng lật ngược thế cờ trong chốc lát. Xác tôm chưa hết, nhà nó đã trắng xoá cáp đề. Mẹ khóc lóc lạy lục. Cha hầm hầm: Đừng có cản tao! Còn manh chiếu tao cũng đánh. Đánh đến khi nào dỡ được ngôi nhà mấy tầng của chúng nó về làm chuồng xí nhà mình mới được! Cho đến một ngày, chủ đề đến tịch thu đồ đạc. Ngân hàng niêm phong nhà, lúc đó cha mới ôm nó vào lòng miệng méo sệch: Nhà ta sắp phải đi ăn mày rồi con ơi! Cha khóc. Mẹ khóc. Nó cũng oà khóc. Mẹ và nó  về ngoại ở. Cha bỏ đi với một toán người cùng cảnh như cha. Nó nghe phong thanh cha đi đào vàng ở một nơi xa lắm để lấy tiền trả nợ. Rồi nhà nó nhận được tin dữ: Cha bị sập hầm và không bao giờ về nữa... Nó đã không tin, như bây giờ nó vẫn không tin rằng cha đã chết. Chắc chắn, một ngày kia, cha sẽ trở về với nó... 

*

Đã gần hết tháng bảy.

Trời vẫn trong văn vắt.

Nó đã hoàn thành xong bức vẽ cuối cùng. Chả nhẽ hai ông bà ngâu đã không còn thèm nhìn mặt nhau nữa sao? Nếu đúng như vậy, đứa con của ông bà ấy có ở với ngoại như nó không nhỉ?  Ý nghĩ ấy dằn vặt nó cả buổi. Tối. Được lưng bát, nó quăng đũa đứng dậy leo lên giường nằm vật xuống. Hôm nay mày ăn uống làm sao thế hả? Bà lo lắng nhìn rồi đưa tay lên trán nó sờ thử. Nó quay lại, mắt mơ màng: Cháu không sao cả. Đêm nay bà kể lại câu chuyên ông Ngâu bà Ngâu nhé!

…"Đến lưng chừng trời, hai cha con giở cơm đặt lên mặt trống để ăn. Lúc ấy, có một đàn quạ bay qua...". Câu chuyện cổ tích của bà chìm nghỉm vào đêm. Nó cố chống hai mi mắt. Đêm trôi tuồn tuột. "Đêm nay trời sẽ mưa". Nó tự nhủ.

Có tiếng rì rào. Trời bắt đầu dở, bầu trời trong xanh cao vút biến thành màu chì sà thấp hẳn xuống tưởng giơ tay lên là có thể với tới được. Gió lành lạnh. Những con chuồn chuồn ớt lượn vòng lưng lửng ngay trên đầu. Bà nó thở dài lẩm nhẩm: Dở rồi. Mọi năm giờ thì ngâu đã thối đường thối đất. Lại mất cả tháng ăn không ngồi rồi đây. Nó quớ lên, nhảy tâng tâng. Mưa rồi! Trong lòng nó bật lên tiếng reo vui khôn xiết. Đúng là trời bắt đầu mưa. Những hạt mưa trắng nhẹ man mát trên mặt. Nước mắt sung sướng của nó hoà với dòng nước mắt đoàn tụ của gia đình ông bà Ngâu! Nó chạy vào cầm tập tranh ra ngoài. Cũng như những bức vẽ của anh Lê Mã Lương, những con quạ của nó đều chưa vẽ mắt. Nó ngửa cổ lên trời chờ đợi. Phép màu của giấc mơ hình như không hiệu nghiệm. Mắt nó ầng ậc nước.

Mưa bắt đầu nặng hạt. Bong bóng vỡ toé trên mặt sân. Nó run run trải những bức tranh quạ ra đầu hè. Mắt quạ rỗng thô lố. Nước mưa nhỏ từ trời xuống trần gian màu trắng. Đức tin nó chắt từ người đọng trên mắt quạ màu đỏ. Không có cây bút của anh Mã Lương. Nó dùng chính máu từ trong tim của mình để nhỏ vào mắt quạ. Từng giọt. Từng giọt. Lũ quạ bắt đầu hồng lên...Rừng rực. Chúng càng đỏ rực lên bao nhiêu, người nó càng nhợt nhạt bấy nhiêu. Từng con, từng con. Cựa quậy, vỗ vỗ đôi cánh. Chúng lượn vòng. Lượn vòng và bay vào không trung. Trên bầu trời, trong màn mưa giăng trắng  bỗng xuất hiện chiếc cầu Ô Thước. Bên này, nó nhìn thấy cha trở về dắt tay nó bước lên cầu... Phía bên kia là mẹ nó. Nhưng không hiểu sao, mẹ dẫm tới đâu, lũ quạ bỗng rơi lả tả như những chiếc lá úa cuối đông bị đập. Chiếc cầu cứ cụt dần, cụt dần...

Nó mở choàng mắt. Trời đã sáng bạch. Hoá ra vừa rồi chỉ là một giấc mơ. Nó chạy ra ngoài ngước đôi mắt trong veo khát khao nhìn lên bầu trời.

 

HOA DÀNH DÀNH TRẮNG

Đoàn  tàu rùng rùng văng mình vào đêm. Sắp đến ga cuối nên các toa đều vắng. Vài ba người uể oải ngáp, đờ đẫn lật mí mắt rồi lệt xệt chuẩn bị xuống ga. Tụ thu mình khẽ nén tiếng thở dài. Chuyến công tác này, hai ngày nữa đoàn mới khởi hành nhưng anh xin giám đốc cho đi trước để xuống thăm đơn vị cũ và thắp cho Khải nén nhang. Đã sáu năm, từ ngày Tụ chuyển ngành ra Hà nội, anh chưa có dịp nào trở lại mảnh đất ấy. Khi bước chân lên tàu, Tụ cứ tưởng mình sẽ ngập trong những kỷ niệm. Vậy mà... Rỗng rễnh. Một cảm giác lạc lõng, cô độc ngập tràn. Đã một thời, tiếng còi hú... Ánh đèn mù mờ. Bao giờ tâm cảm anh cũng căng rung như sợi dây đàn. Chiếc loa đầu toa khẽ khọt khẹt. "Tàu sắp chuẩn bị vào ga Sài gòn. Đề nghị quý khách chuẩn bị hành lý... " Một chút gì- hệt như chậu nước vôi trong bị chiếc lá khô rơi nhẹ vào - khẽ vẩn lên..."Tàu sắp vào ga Sài gòn..." Tiếng loa lại khoan xoáy vào vùng ký ức lãng quên. Tụ bỗng thấy cồn cồn. Ra trường, năm mươi thằng vào Nam. Xuống dọc đường về các đơn vị nhận công tác, chuyến xe cuối cùng kết thúc cuộc hành trình "xuyên Việt" vỏn vẹn còn hai...

 Trời tối dần. Những bụi cây bên đường bị bóng đêm phù phép  biến dạng thành vô vàn hình khối kì dị lịm ngắt ngắc ngư. Cơn gió Tây khốc khô thốc hằn học vào mặt. Chút kí ức tàn sót bỗng dội lên. Có gì đăng đắng sục nhốt nhát trong lòng. Tụ như nghe tiếng tanh tách từ miền băng lạnh cảm xúc đang vỡ. Những âm bản phim quá khứ bị xới tung rồi tráng dọi qua miền hồi tưởng ban đầu còn mờ nhoà, lộn xộn cứ rõ dần...rõ dần và khuôn vào từng đoạn....

*

Cánh đồng cằn cỗi mùa khô...Cát. Gió. Đảo lắc giữa không trung khô nóng, sự đằm mịn bị vắt kiệt dưới cái nắng, từng đám vãi toé quật rát mặt. Hai thằng trìu trĩu ba lô lầm lầm bước. Ngột ngạt. Ắng lặng. Không tường bao, hào sâu, chỉ có cỏ tranh xém quạch ngụt lút đầu. Những dãy nhà thấp lợp bờ rô xi măng bạc phếch nắng. Xốc lại ba lô, Khải nhìn Tụ mặt cố chun lại pha trò. Này! Bây giờ tao mới phát hiện rơi tự do theo phương nằm ngang mày ạ. Thấy Tụ không có phản ứng gì, Khải tiếp. Gia tốc sáu mươi ki lô mét trên giờ - Vãi qua ánh đèn thành phố. Vãi triền miên qua tháng ngày lượn bay trên núi rừng biên cương tới nơi vùng biên. Tụ phì cười trước câu pha trò của Khải và trệu trệu lưỡi đẩy những hạt cát ra ngoài miệng.

Đêm đầu tiên, cán bộ tiểu đoàn bận tập huấn chưa giao nhiệm vụ. Gió vẫn quằm quặm. Cát rơi rặm mặt. Hai thằng nhao ra ngoài. Trời nhức nhối sao...Soạt. Soạt...Tiếng con thú trong bãi cỏ tranh bịt bùng giật mình vụt chạy. Tụ! chặn đầu mau! Khải rối rít. Khà...Khà... Mẹ mày! Có thêm món trải chiếu kê chân giường rồi!  Vừa nói, Khải vừa rón rén định tập hậu phía sau. Thằng nào? Muốn mất xác hay sao mà liệng vào đấy hả? Tụ giật mình. Một dáng người gù gù trông như con gấu ở ngay sau lưng, lúc sau anh mới biết đó là tiểu đoàn phó chính trị của mình vừa đi tập huấn về. Con thỏ to lắm anh ạ! To cái con từu! Của hồi môn của Mĩ đấy! Cỏ tranh mọc trên bãi mìn đấy em ạ! Tụ rùng mình. Cảm giác nhờn nhợn ngay dưới mũi bàn chân. Hèn nào. Bây giờ thì Tụ hiểu tại sao người ta lại dùng nó thay cho hàng rào bao quanh đơn vị. Gió xào xào lau khô những giọt mồ hôi vừa rịn sau gáy lành lạnh. Thôi! qua ngoài kia "trinh sát" xem có gì không mày - Khải nhìn đám cỏ tranh lôi Tụ đi giọng tiếc hùi hụi - Chỉ còn một bước chân nữa là tao tóm được nó. Sợ quái gì. Sống chết có số. Lúc chiều, tao để ý thấy có quán " bánh canh Diễm" ngay bên ngoài. Ra thử xem cái món ấy nó thế nào mày!

Qua khỏi đám cỏ tranh, chiếc quán lúp xúp lợp bằng lá đề biển "bánh canh Diễm" bỗng hiện ra. Tụ sững người. Bên kia, ánh sáng đỏ quạch ụp xuống một đứa bé đứng chôn chân trong vòng lằn trên cát. Đôi mắt bất động trân trân... Trần truồng. Ánh điện mờ mờ hun nó thành pho tượng vừa tô. Những vết roi vằn dọc ngang thân thể tím bầm. Trong nhà, đám đàn bà đang đánh bài cười ré lên như tiếng những mảnh sành, sứ vỡ. Một mái tóc ép buông thả trên đôi bờ vai trần chợt hiện trên khung cửa. Sống mũi hơi cao càng làm cho gương mặt thêm khêu gợi. Hai bầu vú nhưng nhức như muốn chui tọt ra khỏi chiếc áo hai dây màu đen trễ nải. Cặp đùi nhễ nhại trắng trong chiếc váy cũn cỡn liền áo. Một vệt đen sì, bóng người đàn bà trùm lên người nó. Bờ môi mỏng mềm ướt rượt tô son bỗng xé toạc khuôn mặt diễm lệ bằng một thứ âm xoe xoé như xé vải: Mầy hổng phải đứng ưỡn L. như zdậy! Rồi tao sẽ cho mầy mần việc ấy! Lần này là thứ bao nhiêu mày trốn việc đi chơi! Hả? - người đàn bà bước xuống hè lại gần. Ngón tay sơn đỏ xoè ra, dứ dứ chĩa vào mặt đứa bé như những lưỡi lê. Đốp. Đốp. Như nhát búa đập  đá, những cái tát nổ toé trên mặt khiến nó quay như một con cù. Nó bằm môi. Ráo hoảnh và vô cảm.... Đốp. Đốp. Đốp. Nó loạng choạng trấn chân cố giữ người không vượt qua mép vạch. Mồm nó hình như ri rỉ máu. Mái tóc tơ nhàu nát bất ngờ bị vặn xoắn rồi giật ngược về sau. Lần này thì cái thân hình rẻ rách của nó không còn trụ lại được nữa. Nó phệt xuống cát. Những lưỡi lê xốc dựng đứng nó lên. Con ranh! Đừng có cà chớn! Xì! nhìn cái mặt thấy ghê. Bữa nay, bước khỏi vòng nhừ  xác với tao!...

 Đồ xúc vật! Cằm bạnh như rắn hổ sắp phì, Khải bật ra tiếng rủa rồi dập mạnh chân xuống đất định bước qua. Hốt hoảng, Tụ kéo tay Khải lại. Mắt Khải ngùn ngụt lửa rát bỏng trên mặt Tụ. Mày sợ à! để nó hành hạ con bé đến chết sao? Tao không sợ - lúc ấy, không ngờ Tụ bình tĩnh đến thế - mày mà xuất hiện thì chỉ tổ làm cho sự ác độc cuộn thêm thôi. Càng tội cho con bé ấy. Về thôi mày. Khải hằn học dứt một chiếc lá bồ đà cho lên miệng miễn cưỡng đi theo đà kéo của Tụ. Hình như, miệng Khải tê dại trong cảm giác chát đắng khi lá bồ đà bị nghiến nát nhừ.

 Người đàn bà đó là Diễm lai. Người ta kể, mẹ Diễm là me đầm. Cha Diễm chết trong bãi mìn khi từ nhà người tình về trước hôm lính Mĩ tháo chạy. Chồng Diễm trước buôn bán ma tuý mắc nghiệt bệnh rồi chết sau khi đã truyền sang cho vợ. Người đẹp sẵn sàng chiều chuộng không lấy tiền bất cứ người đàn ông nào để đổ bệnh trả thù nên Diễm còn một cái tên nữa là Diễm si đa...Con bé hôm ấy tên Linh. Mẹ nó trước cũng là gái làm tiền, ngày đi đào những trái đạn còn lén lút dấu mình dưới đất về cưa bán thuốc nổ, đêm cõng hàng lậu thuê qua biên giới. Một buổi trưa, từ phía ngôi nhà ấy vang lên tiếng nổ âm lạnh. Hôm sau, chiếc xe nhà táng đen lầm lụi trườn trên cát. Nó lóp ngóp lặn ngụp vành tang trắng rã rượi trên đầu. Đám người theo sau mắt ráo hoảnh không một tiếng hờ đi về phía nghĩa địa. Từ đấy, nó trở thành bồ côi bồ cút ở với Diễm si đa...

*

Chiếc taxi lướt trên đường. Buồng xe mờ tối. Sự êm ái của nệm xe  khiến Tụ khó chịu. Anh liên tục ngọ nguậy thay đổi tư thế. Trời mưa nặng hạt. Những giọt to tướng lao đập vào đèn xe toé ra xung quanh những ánh vàng kim lấp loáng. Mùa mưa. Nhất là những đêm mưa bao giờ cũng là những đêm đi của Khải. Có bữa, bừng bừng lửa giận, Tụ thụi Khải một trận ra trò: Con Diễm siđa nó bỏ bùa mê thuốc lú cho mày phải không? Một ổ lậu! Một ổ ết trong đấy đấy! Tao không ngờ mày lại khốn nạn, bệnh hoạn đến vậy! Rồi đâu lại đóng đấy. Không ít lần, Tụ gặp Khải chở Diễm phóng lầm cát trên đường trong đêm. Có thời điểm, một tuần đến ba bốn lần và bao giờ cũng vào lúc hoàng hôn lịm đi rồi trở về đơn vị trong trạng thái phờ phạc, vật vờ như cá ươn trước khi bình minh. Người Khải xác như ve, đã có những lời ra tiếng vào cho Khải lây nghiệt bệnh. Những món nợ đầy dần, đầy dần. Đến độ, chẳng bao giờ Khải được cầm đồng lương từ tài vụ. Tình cảm hai thằng cứ hao hót đi. Tụ đã không thể nào lí giải sao Khải bỗng dưng đổ đốn ra như vậy...

Hồi ấy sau khi nhận công tác, hai thằng cùng về đại đội vệ binh. Cổng gác mà trung đội Khải đảm nhiệm án ngữ con đường duy nhất vượt qua bãi mìn. Thường thì, cứ khoảng ba bốn giờ chiều, khi ánh nắng mặt trời rang bụi cát đến khô rong róc, như một ống bễ lò rèn, gió cào cào từng vụm ném thành những cột xoáy mù mịt soi mói đến từng ngóc ngách nhỏ nhất.  Lúc ấy,  chẳng ai ló mặt ra ngoài trừ Khải. Đó là quãng thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày để với cái thú vẽ vời, Khải có thể lang thang các ngõ ngách xó xỉnh tìm cảm hứng cho những bức tranh của mình. Con bé Linh, trên tay cầm những quả dành dành chín vàng, lầm lụi giữ một khoảng cách theo sau. Nó mê mải nhìn Khải vẽ, rồi cũng tô tô xoá xoá trên tờ giấy nhàu nát, chán lại ngửa cổ lên trời như muốn thổi thi với gió viên đất tròn nhỏ xíu lập lừ bay từ ống cuống hoa dành dành. Phải mất một thời gian dài, Khải mới bắt quen được với nó. Từ đó, nó theo sát Khải như hình với bóng. Những bức vẽ của Khải, Tụ đã được xem. Nó có thể không đẹp nhưng có một cái gì đó rất lạ khiến người ta có cảm giác đang đứng giữa không gian của miền đất khô nóng này...

 Chiếc xe chồm lên giật mạnh làm Tụ mở choàng mắt thoát khỏi dòng kí ức. Hàng triệu luồng sáng đập vào tấm kính cửa rồi khúc xạ vào mắt chói loà. Hoá ra mưa đã tạnh. Bầu trời đêm sâu thẳm chi chít tinh tú nhấp nháy. Đến rồi anh ơi- tiếng bác tài - đoạn này xe không vào được, anh chịu khó đi bộ nhé. Tụ bước xuống rút ví trả tiền rồi lững thững thả bộ. Những vết lở lói gặm hoẳm qua tim đường, những bãi phân trâu bò được bóng đêm lấp đầy như những chiếc bẫy vô hình khiến Tụ giật mình. Nhép...nhép...Đám muỗi túa ra cùng với mùi khăm khẳm. Đồ khốn! Anh rủa thành tiếng khi chiếc giày của mình ngập trong bãi phân nhầy nhụa. Tụ thở dài dò dẫm bước xuống suối khoả chân. Bên kia, vẫn là đám bồ đà thẫm đen. Diễm si đa trồng loại cây này vừa dùng cho các cô gái làm tiền hút vừa để trộn với thức ăn của gà, lợn để chúng nghiện ăn và sạch giun sán. Đến bây giờ Tụ cũng không hiểu nổi tại sao Khải lại chết mê chết mệt thứ đồ ăn nhão nhoét giống như sợi bún nhưng lại to như chiếc đũa nổi lều phều trên mặt tô với thứ nước dùng trong lẻo nhìn rõ đến tận đáy ấy. Đã có lần Tụ nghĩ hay Diễm siđa cũng trộn Lá Bồ Đà trong thứ đồ ăn đó cho Khải giống như  vẫn làm cho lũ gà lợn của mình?

Bây giờ, Khải đã nằm dưới tấm bia đá câm lặng bợt bạt vì mưa nắng. Đêm cuối cùng, hai thằng ngồi với nhau ngay chân chiếc cầu bắc ngang qua suối. Hơi chếch phía trước, một đám cỏ tranh được cạo sạch sẽ. Trong khoảng mấy chục mét vuông ấy, công binh đã dò mìn xong. Sáng mai, trung đội của Khải sẽ đảm nhiệm việc đào bới  tìm hài cốt một người lính Mĩ bàn giao cho bộ phận MIA. Còn Tụ, đã phải mệt nhoài chỉ huy trung đội làm nhiệm vụ canh gác bảo đảm an toàn gần như hai bốn trên hai bốn. Mấy hôm nay, Tiểu đoàn phó chính trị đã không ngớt quán triệt vấn đề nhân đạo tìm hài cốt lính Mĩ tử trận ở Việt nam và tầm quan trọng của nó trong việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Đây cũng là một nhiệm vụ tuyệt đối không được để xảy ra bất cứ một sai xót đáng tiếc nào.

 Phải. Gương mặt hôm ấy của Khải bỗng sáng lên dưới ánh sao! Vị trí cần đào hơi lệch một chút so với lúc sáng đã xác định. Khải cuộn tấm bản đồ rồi đút chiếc địa bàn vào túi. Nghe nói lính Mĩ tử trận trong chiến tranh nếu không tìm thấy xác thì vẫn được ăn lương theo cấp bậc, quân hàm niên hạn thì phải, nếu đúng vậy, bộ xương này có lẽ phải lên cấp Tướng chứ chẳng chơi! Ừ tao cũng nghe nói vậy - Tụ góp chuyện mắt lướt qua vùng trống trơn như đám lông gà bị vặt trụi nhang nháng trắng - Khiếp thật! Ngày xưa lính Mĩ gài bãi mìn này không biết bao nhiêu tầng mà Công binh dò đến hai ba lần rồi mà vẫn nhiều như lợn con ấy! Thấy bảo đoàn MIA có cả một lão ở bang Caliphocnia trước là lính cựu ở đây. Lão kể trước khi rút chạy khỏi căn cứ này, lính Mĩ đã hoang mang đến cực điểm. Ngay ở phòng mày có một thằng treo cổ tự tử. Còn lão này hình như là cha của Diễm, ra nhà người tình, uống rượu say loạng quạng thế nào lại chui vào đây mà chết. Tao sợ xương cốt lão mủn hết rồi cũng nên. Chỗ cây bồ đề kia, như có dớp ấy- Khải nén tiếng thở ra - Bé Linh cũng bị ở đó. Tao chỉ tiếc mấy cây dành dành. Đang độ ra hoa, cứ trắng mịn như da con gái thành phố ấy! Thế mà phải chặt đi... Bố tao ngày xưa cũng chiến đấu ở vùng này. Mẹ tao bảo mộ trong nghĩa trang chỉ có cái gáo dừa. Xương cốt gì đâu và cũng chẳng biết hy sinh ngày nào. Giọng Khải buồn buồn. Mẹ tao vẫn lấy ngày hai bẩy tháng bẩy hàng năm để làm giỗ... Khải đứng dậy vươn vai, cong mình vặn lưng răng rắc. Con bé Linh phải chuyển lên viện thành phố. Nó bồ côi, bồ cút, bây giờ lại như thế. Tao tính xong vụ này sẽ nghỉ phép để lên đấy xem thế nào...

 Nghe nhắc đến con bé Linh, Tụ bỗng lặng đi. Chuyện ấy xảy ra cũng đã mấy tháng. Đêm ấy, đội tăng cường do Khải làm đội trưởng, Tụ đội phó phối hợp cùng biên phòng truy quét bọn buôn lậu qua biên giới. Trăng cuối tháng cứa lẹm vào nền trời như một vệt máu khô. Từ phía xa, đám người vác hàng thuê như một đàn kiến đen chạy bão lầm lụi vượt qua cánh đồng. Gió lặng phắc. Bóng người sền sệt quăng quật. Vệt pháo hiệu đỏ lừ găm vào nền trời. Hiệu lệnh bắt đầu đợt truy quét. Đàn kiến đen vỡ tứ tán.  Họ túa vào các bụi cây, vào đám cỏ tranh để dấu hàng. Nhào vào những bộ quân phục là những gương mặt đàn ông đàn bà hung hãn gậy gộc trên tay chống trả quyết liệt. Bụp...Bụp...Keng...Keng...Tiếng gậy gộc đập vào thân thể, va vào vũ khí nhức nhối. Tổ của Khải bị một toán người vây cản không cho họ tiếp cận một tốp đang cố sống cố chết vác hàng chạy thục mạng phía sau. Cây AK trong tay Khải rung lên khạc vào không khí những tiếng nổ đanh sắc. Bóng một đứa bé thần hồn nát thần tính sau loạt chỉ thiên lao vào đám cỏ tranh. Bùm...Một cột khói cuộn lên. Tụ rúng động. Con bé Linh! Ánh mắt của nó bỗng bợt bạt như trăng đêm nguyệt thực. Ánh mắt ấy đem vẹn nguyên nỗi kinh hoàng, đớn đau cứ tối dần, tối dần đi. Lịm dần, lịm dần...Chiếc áo hoa cà đẫm đỏ. Máu nhỏ thành giọt tong tong suốt từ gốc cây bồ đề trong bãi cỏ tranh ra đến tận phía ngoài. Thân hình nhỏ nhoi cong giật trên tay Khải như con tôm búng nước...

Chớp phía chân trời giật loé dội lằn giữa những đám mây đen. Phía nghĩa trang, lập loè nhang đang cháy. Cát đằm ươn ướt dưới chân. Tụ nghe được cả tiếng thở của mình trượt trong đêm. Đến khi xuống dưới mồ, Khải vẫn phải mang  án kỷ luật cảnh cáo trước sư đoàn vì tội buôn lậu chưa kịp đọc. Nỗi buồn ứ ngẹn... Như những giọt rượu nặng đang chưng cất chảy, dòng hồi ức cứ cay cháy trong người...

Sáng ấy, nắng chói chóp ngọn bồ đề cụt. Bóng người cùn cũn quật quật trên mặt cát bong bỏng...Mồ hôi xèo xèo rơi... Khói hương ngầt ngật toả...Tất cả đã bị xới tung lên. Đào kỹ đến từng xăng ti mét mà vẫn không thấy bộ hài cốt đâu. Mày, mặt bạc phếch. Mắt quầng thâm. Tao biết mày mệt mỏi bởi tối qua mày lại trốn ra chỗ con Diễm. Chiếc cuốc chim lê lết trên mặt đất hướng phía cây bồ đề đang âm âm đứng. Tao nghĩ có khi cái cây này đã mọc trùm lên. Giọng mày méo xệch trong tiếng ngáp ngoác  tận mang tai. Có khi phải bật mẹ nó lên mất. Một cái gì đó lạnh như nước đá chạy ngược lên đầu khi tao nghe mày nói vậy... Cụp. Cụp. Cụp. Cây bồ đề rung chằm chặp. Cụp. Cụp. Cụp. Nắng vẫn choi chói trên ngọn cụt.  Mồ hôi cay xè  mắt, tao chợt thấy nó giống như con ác điểu như đang động cựa, mắt chiếu tia tàn sát xuống đám người nhễ nhại dưới gốc... Chiếc rễ cây bật lên trong tay mày. Hình như mày đã phát hiện ra nó - hai bàn tay mày run run bơi đất...Bùm...Một nháng lửa rạch nát không gian, rạch nỗi kinh hoàng vào lòng tất cả mọi người. Cái chết  hình cầu đã chán ngán trò chơi trốn tìm một cách vô vị trong lòng đất. Nó đã ẩn nấp khá kỹ dưới rễ cây, lẩn trốn chiếc máy dò mìn. Nó thèm khát mùi máu thịt con người. Nó muốn tái hiện những di ảnh của mảnh đất này. Nó muốn được hả hê chứng kiến nỗi khiếp sợ... Vài mảnh xương nát vương trên đất...Ba người bị thương. Còn mày. Máu nhuộm đỏ người mày và người tao. Một khoảng ngực mày nát bấy rách toang. Mày không nói được gì trước khi lịm đi. Nhưng ánh mắt, hình như có một điều gì đó khẩn thiết muốn giãi bầy, muốn gửi gắm... Về sau mỗi lần nỗi đau ấy về cào xé, bao giờ tao cũng gặp ánh mắt ấy của mày. Giá như, hôm ấy mày gọi công binh... Giá như đêm trước mày không đi nữa... Có lẽ... mà thôi, bây giờ chẳng còn cơ hội để cho hai từ giá như ấy nữa... Lần đầu tiên tao thấy nhiều vòng tang trắng đến thế. Tao bắt gặp không ít những ánh mắt sẫm tối, những tiếng xầm xì dành cho mày khi Diễm siđa đội vành tang trắng lầm lụi hoá đá bên huyệt mộ. Điếu thuốc đang hút tắt lịm trong cảm giác bỏng rát khi nó nát nhừ trong tay tao. Nỗi đau hoá kiếp nỗi đau. Phía sau, chiếc trực thăng phành phạch quạt cát mịt mù bốc theo hài cốt của người lính Mĩ tử trận năm nào...

 Những ngày ấy, Tụ thường hay uống rượu. Rượu chảy ồng ộc vào dạ dày, chảy đến từng mao mạch cứ rần rật mà vẫn chỉ thấy cay tái cay tê đầu lưỡi. Càng uống càng tỉnh...Càng uống càng nhớ...Càng day nỗi đau trong lòng. Có cái gì đăng đắng thấm sũng trong hồn cốt Tụ. Nhiều lúc, anh không thể phân biệt được giữa thực và mơ. Tất cả cứ lẫn lộn, nháo nhào. Có một giấc mơ đêm nào cũng trở đi trở lại dày vò. Một giấc mơ không trọn vẹn. Không nội dung. Không đối thoại. Một giấc mơ chỉ có hai màu trắng đỏ. Trắng loá cười...Trắng đục sương. Trắng rờn rợn của mười mấy vòng hoa tang cứ loá lên trong những vòng tròn đỏ nhức nhối. Không. Nó không phải là ảnh hình của những giấc mơ mà là ảnh hình thường trực trong tâm thức Tụ....

*

Hình như có cái gì đó chạm tâm linh dẫn Tụ đi như người mộng du. Bây giờ thì anh đã nhận ra, đó chính là mùi hương trầm. Ánh sáng lập loè khi trước đã ở ngay trước mặt. Trước mắt anh là mộ Khải! Hôm nay đúng ngày chính giỗ. Thế mà anh lại quên. Mà sáu năm qua, đã bao giờ Tụ nhớ đâu?

 Có bóng người đang ngồi trước mộ. Ngây mê. Tụ hoang mang không hiểu đây là thật hay mơ. Anh hoàn toàn không có cảm giác sợ hãi. Nếu đúng thật Khải linh thiêng. Anh sẽ nói chuyện như hai người bạn xa cách lâu ngày không gặp. Và nếu là người, chắc sẽ không bao giờ là kẻ xấu. Người đàn bà trước mộ - Tụ nhận ra nhờ mái tóc thả dài trên thân hình thon thả - kéo vạt áo đứng dậy. Tụ sững sờ. Hình như...  Diễm si đa! Con người ấy, còn sống hay đã chết? Một thoáng lạnh, Tụ định quay gót trở lại. Ủa! ...Anh?...  anh Tụ? Anh Tụ hả?  Người đàn bà bật lên tiếng kêu ngạc nhiên. Anh vô bao giờ zdậy? Thấy Tụ lúng túng, người đàn bà tiếp. Em, Diễm. Diễm bánh canh nè. Anh quên rồi sao? À… à… cô Diễm à. Tôi vừa đến. Định ra thắp cho Khải nén hương rồi vào đơn vị cũ. Giọng Tụ gường gượng. Sao anh ra mộ mà chẳng có đèn nhang gì vậy? Diễm mở giỏ lấy mấy nén nhang đưa cho Tụ. Anh thắp cho ảnh đi rồi mình cùng về.

Sương đêm lành lạnh. Diễm im lặng đi. Tụ nghe rõ bước chân hai người xào xạo trên cát. Hình như đã gần đến chỗ rẽ. Cô Diễm dạo này thế nào? Khải đã mất được mấy năm rồi mà sao cô còn nặng lòng thế? Tụ hỏi một câu xã giao cho khỏi đớ khi chia tay. Nhà em bây giờ ở ngoài kia - Diễm chỉ tay về phía khi nãy Khải vừa xuống xe. Sau khi anh Khải mất, anh Tụ chuyển ra Hà nội luôn nên chắc không rõ chuyện kỷ luật của anh Khải đúng không? Tụ khẽ gật đầu. Im lặng một chút Diễm tiếp. Em biết, anh khinh em lắm. Ngày ấy, sau khi con Linh bị vướng mìn, ngay sau hôm đưa nó lên viện, anh Khải có ra gặp em...Em đã đuổi về...Mấy hôm sau, anh ấy lại ra. Lần này để hỏi vay một số tiền khá lớn...Một sự toan tính loé trong đầu. Em đồng ý. Lãi xuất mười phần trăm và phải hoàn trả đủ trong một tháng. Em biết, anh ấy là sĩ quan, có quen biết với một số bộ đội biên phòng và công an nên nếu anh ấy chạy xe lậu lên thành phố cho em thì sẽ cực kì hanh thông...

Diễm ngừng kể, hai người dừng ở lối rẽ. Bây giờ hãy còn sớm, qua em chơi chút rồi hãy ghé đơn vị? Một chút ngại ngần, cuối cùng, Tụ gật đầu rồi rảo bước theo Diễm. Anh muốn nghe nốt đoạn kết câu chuyện. Tiếng lạch cạch tra chìa vào ổ. Căn phòng bỗng bừng sáng. Trên bàn thờ, chân dung của Khải lồng trang trọng trong khung kính vẫn phảng phất mùi nhang. Anh ngồi chơi nghen. Chờ em hâm lại  nước cho nóng chút xíu. Diễm bước xuống bếp. Tụ thắp cho Khải nén nhang rồi lững thững bước quanh nhà. Cửa buồng để ngỏ. Ngay đầu giường ngủ treo bức tranh vẽ một cô gái khoả thân. Anh sững sờ, người đàn bà ấy chính là Diễm. Bức vẽ rất có hồn. Bông dành dành trắng trễ nải trước ngực cứ trắng lên...Loá lên...Nó làm sáng bừng khuôn mặt và thân hình cô. Gột rửa hết tất cả những bụi bặm, phong sương của người đàn bà làng chơi phóng đãng để lắng lại nguyên vẹn tất cả những gì trong sáng, đằm mịn nhất của Diễm. Anh đã ăn gì chưa để em nấu? Tụ giật mình như người ăn vụng bị bắt quả tang. Tôi ăn rồi - Tụ ngượng nghịu trả lời rồi quay lại ghế ngồi. Không biết con bé Linh ở với cô nên chẳng có quà gì cho nó cả. Dạ. Nó cũng có ở nhà đâu anh. Diễm ngồi xuống ghế, bình trà nóng bốc hơi nghi ngút trên tay. Bức tranh treo trong buồng kia, không ngờ là bức vẽ cuối cùng của anh Khải - Diễm chợt lặng đi. Hồi ấy, thi thoảng có chuyến, em đi cùng anh ấy để thanh toán, bao giờ anh ấy cũng ghé chỗ con Linh rồi mới cùng em đến nhà chủ hàng. Trong mắt em, việc của anh ấy làm cho con Linh không đáng một xu. Em ghét cay ghét đắng khi thấy ánh mắt thương yêu mà anh ấy dành cho con Linh. Em thấy nó giả dối. Giả dối vô cùng. Ở đời này, làm gì có khái niệm tình thương? Chỉ có tiền. Tiền là giá trị vĩnh hằng. Nó là lẽ sống của em hồi đó. Trong em, cồn lên ý nghĩ phải biến anh ấy trở thành một kẻ đàng điếm. Đàng điếm hơn cả lũ đàn ông vẫn đến chỗ em. Có lẽ, do sự ác cảm của anh ấy đối với em quá lớn nên  những ngón nghề của em đem ra thi thố đều thất bại. Em quyết định thay đổi kế hoạch. Diễm ngừng lời ngước mắt về phía bức tranh rồi tiếp. Bức tranh kia...Quà sinh nhật mà em nhờ anh ấy vẽ... Đó là đòn cuối cùng để hạ gục anh ấy...Diễm khẽ chớt chớt mắt như hồi tưởng, như để nó ngọt ngào thấm sũng vào hồn. 

Trên bàn thờ, những tàn nhang cháy hết cuộn lại ôm quyện vào nhau. Diễm đứng dậy đốt thêm mấy nén cắm lên đó. Con Linh về giỗ mới đi hồi chiều. Suốt ngày cha Khải. Sau khi anh Khải mất, bệnh viện hầu như miễn chi phí chữa bệnh cho nó. Nó sống khép kín, chỉ mở lòng với bức ảnh thờ của anh Khải. Có lần, nửa đêm tỉnh dậy, em bắt gặp nó đang ngồi bó gối trước bàn thờ nói chuyện với anh ấy: Con phải học thật giỏi để có giấy khen về khoe với cha Khải kẻo cha buồn, cha không yêu nữa. Bây giờ, hễ em về là nó lại kiếm cớ để lên chỗ trọ. Diễm thở dài. Em với nó cứ như mặt trăng, mặt trời ấy. Hồi học gần nhà, có bữa nó về máu me đầy mặt. Gọi không nói, hỏi không thưa, cứ lầm lầm, lì lì. Mãi sau mới biết nó đánh nhau với bọn con trai chỉ vì tội bọn nó dám chửi cha Khải nó. Em cứ nghĩ, nếu không có bức ảnh của anh Khải trên ban kia, có lẽ nó bỏ em đi lâu rồi. Hồi nó mới ở bệnh viện về, rất nhiều đêm nó đi lang thang. Sáng ra, người ta bắt gặp mắt nó vẫn còn  mọng nước ôm lấy mộ anh ấy mà ngủ. Mãi khi em xin được tấm ảnh này, phóng to đặt trên bàn thờ, nó mới bỏ thói quen ấy...Tụ chợt thấy rưng rưng. Anh hắng giọng để nén những cảm xúc đang dâng trong lòng..Thế còn Diễm...Tụ buột miệng hỏi. Như hiểu ý, Diễm cười buồn buồn: Đời em bụi bặm két quá dày mất rồi. Gột cả đời này cũng không hết anh ơi! Sẽ chẳng còn người thứ hai như anh  Khải nữa đâu. Lỡ rồi…

Tụ khẽ nén tiếng thở dài. Một nỗi buồn trườn tới, mênh mang trong hồn...

*

Đêm nay sẽ là đêm cuối cùng Tụ ở lại với kí ức của mình. Mai, anh sẽ phải trở lên Sài gòn cùng đoàn công tác. Tích tắc... Tích tắc...Chiếc đồng hồ đều đều, mỏi mệt khua đêm. Chỉ còn một chút nữa ba chiếc kim cần mẫn kia sẽ chập vào làm một. Cuộc sống của Tụ rồi lại trở về với vòng tròn đơn điệu như những chiếc kim đồng hồ kia. Con dế trên bàn rù rù lập lừ thứ ánh sáng ma quái. Tụ bấm máy. Alô. Về Sài gòn zdui zdẻ với các em đi Tụ ơi. Đầy đoạ mình ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy làm gì. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt mày... Tụ tắt máy, khẽ thở nhẹ rồi bước ra ngoài. Trước mắt anh, những bông hoa dành dành trắng mịn màng khẽ lay động giữa một vùng cỏ tranh xém quạch lút đầu.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...