Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Ba Vì xanh sông Hồng chảy trong anh

Nguyễn Trác - 27-04-2012 01:24:48 PM

Mùa xuân không ngủ được vì hương cần hăng hắc

Bây giờ đang là mùa xuân, mùa sinh sôi phát triển của muôn loài và tôi cũng mới ở Sơn Tây xứ Đoài về. Mùi hương cần hăng hắc bay lên từ những mặt nước nơi tôi vừa qua như cũng theo về. Và chắc đêm nay không chỉ mùa xuân mà tôi cũng sẽ không ngủ được.

Sơn Tây và cả xứ Đoài giờ đã đổi thay, khác xa nhiều so với mấy chục năm về trước khi mới ở miền Nam ra tôi lần đầu tiên lên ra mắt ông bà nhạc để được nhận là rể.

Có vui có buồn, thậm chí có những đổi thay khiến tôi giận dữ. Nhân danh tôn tạo, làm mới một di tích lịch sử hay một công trình văn hóa cổ có lúc có nơi người ta đã “cưỡng bức” cả văn hóa, làm sai lệch đi lịch sử và phá vỡ mất linh hồn quá khứ.

Mấy ngày trước khi viết bài này tôi cũng có dịp theo bạn bè về Hội đình làng Hạ Mỗ nơi thờ quan phụ chính Tô Hiến Thành. Một con người khiến đời sau phải suy nghĩ nhiều về nhân cách và trách nhiệm người làm quan.

Ôi cái xứ Đoài oai linh và huyền bí, vùng đất cổ nối liền với Thăng Long-Hà Nội, nơi Ba Vì được suy tôn là núi Chủ trên có Bà Chúa thượng ngàn trị vì gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của người Việt. Nơi có Hát Môn -cửa sông Hát- nay gọi là sông Đáy gắn liền với sự tuẫn tiết của Hai Bà Trưng sau cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán những năm đầu công nguyên.

Ba Vì xanh sông Hồng chảy trong tôi

Đó là câu thơ của một người con xứ Đoài, nhà thơ Khuất Bình Nguyên.

Nhưng câu thơ ấy Khuất Bình Nguyên đâu chỉ viết về sông núi mà là viết về chính cuộc đời ông, về sự tri ân xứ sở đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Giản dị như một triết lý sống nó vừa có phần tĩnh phần động, phần nền tảng và phần phát triển…

Yêu thơ và thích làm thơ từ nhỏ nên hết cấp III anh học trò Khuất Văn Nga (tên thật của Khuất Bình Nguyên) đã thi vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bản luận án tốt nghiệp năm 1972 của ông “Những tìm tòi nghệ thuật của thi ca Việt Nam hiện đại 1932-1970” do giáo sư Lê Đình Kỵ hướng dẫn đã được Hội đồng khoa văn của Trường cho điểm xuất sắc.

Con đường văn chương hay ít nhất là nghiên cứu văn chương tưởng đã mở ra trước mặt chàng trai tuổi Dần (1950) thì phải tạm đóng để ngoặt sang một hướng khác. Bố ông muốn ông theo ngành Luật. Và sau đó với tấm bằng cử nhân rồi Tiến sĩ Luật ông trở thành cán bộ một cơ quan lớn ở Hà Nội.

 Nhưng mấy chục năm xa thơ không làm ông quên thơ. Bản tính thi sĩ vẫn tiềm ẩn trong một nhà tư pháp và trong con người công chức hàng ngày tận tụy của ông. Song những lúc “công đường” rảnh rỗi tôi tin tâm hồn ông vẫn bay về xứ Đoài, về với những bức tường đá ong âm thầm dấu tích nghìn xưa và về với “trời xanh không thấy bóng Ba Vì” trong thơ Quang Dũng.

Rồi vận hội đến. Cuộc thi thơ nhân 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2008-2010) do Báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam và Đài Phát thanh -Truyền hình Hà Nội tổ chức đã trao giải Nhì cho hai bài “Về Nhị Khê nhớ Nguyễn Trãi” và “Thị xã Sơn Tây” của ông gửi dự thi.

Tập thơ "Bỏ quên trong rừng thu" của nhà thơ Khất Bình Nguyên

Vào dịp ấy Phúc Thọ quê ông cùng với cả Sơn Tây xứ Đoài đã sát nhập về Hà Nội và ông cũng vừa nhận quyết định nghỉ hưu.

Nhờ tác động của cuộc thi, chàng thi sĩ trong ông không những chỉ tỉnh thức mà còn vươn vai đứng dậy bước những bước dài. Và như dư luận bạn đọc đánh giá Khuất Bình Nguyên đã bứt phá một cách ngoạn mục.

Liên tiếp trong vòng hơn 3 năm ông xuất bản liền 6 tập thơ, trong đó có 4 tập thơ riêng mà tập nào cũng chững chạc và dày dặn. Để lại nhiều ấn tượng nhất trong tôi là hai tập Nơi thời gian trở về (2010) mà trong đó có hai bài được giải và Bỏ quên trong rừng thu (2012).

Năm 2011, cuộc đời ông có thêm một sự kiện mới. Ông chính thức trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam với bút danh Khuất Bình Nguyên. Tôi cũng chưa có dịp hỏi tại sao ông lại lấy bút danh ấy khi mà nó rất gần với bút danh nhà thơ lớn nước Sở Trung Hoa Khuất Nguyên. Người có những lý tưởng cao đẹp và tinh thần bất khuất hiếm gặp. Phải chăng ông tìm thấy ở Khuất Nguyên những điều đồng cảm?

Mùa xuân không ngủ được vì hương cần hăng hắc

Ôi một loài rau tha hương từ xứ lạnh đến nhưng thời gian đã dần dần biến nó thành loài rau có mùi hương rất đặc trưng trên những ruộng nước của người Việt.

Đọc Khuất Bình Nguyên có lúc tôi đã sững sờ trước những phát hiện tinh tế và sâu sắc của ông về cái đẹp. Không gian trong câu thơ trên là một không gian hoàn toàn tĩnh lặng nhưng căng đầy cảm xúc. Cảm xúc trước một mùi hương, cảm xúc về một sự gắn bó, cảm xúc với một niềm thao thức.

Khuất Bình Nguyên nói ông hay nhớ quê, cả lúc đi công tác nước ngoài lẫn đêm đêm ngủ dưới mái nhà mình tại Hà Nội. Ông nhớ quê ngay cả khi đã ở quê. Và với khả năng hình tượng hóa được những cảm xúc ấy, chuyển tải nó đến được bạn đọc ông đã chứng tỏ được được phẩm chất thi sĩ của mình. Ông đã là thi sĩ trong thẳm sâu một đời sống cá thể ngay từ trước khi in tập thơ riêng đầu tiên.

 

Lang thang mây trắng xứ Đoài

Chưa ra ngoài ngõ đã vài trăm năm

(Hoa mảnh bát ơi - Cành tục ngữ hóa đá)

 

Ông là thi sĩ, một thi sĩ thuần Việt ngay cả khi bắt gặp mùa thu xứ khác:

 

                              Tôi sợ chiều thu rơi hết lá

                              Còn đâu vàng nữa để bâng khuâng

                              (Mùa thu ở Nam bán cầu - Nơi thời gian trở về)

 

Nhưng điều quan trọng nhất của thơ ông, phần gửi gắm lớn nhất của ông lại không nằm ở đấy. Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du ông rút ra cho mình một bài học :

 

Văn thiêng đâu cậy ngôn từ mà cốt ở tấm lòng và nỗi đau nhân thế

(Cảm tưởng khi đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du - Bỏ quên trong rừng thu)

 

Học tập Nguyễn Du ông viết:

 

                              Tôi ước mơ viết được câu lục bát quê mùa

                              Giấu trong gấu áo đồng bào tôi nồng mùi rơm rạ

                              (Thơ và Thi nhân II-Bỏ quên trong rừng thu)

 

Khuất Bình Nguyên sinh ra trong một dòng họ có truyền thống thi thư và cách mạng mà ông tổ ở Sơn Tây là Khuất Quỳnh Cửu từng đỗ tiến sĩ, làm Thượng thư Bộ Lễ thời Lê (đầu thế kỷ XVI) và hai lần đi sứ Trung Hoa (*) Người anh họ ông là Khuất Duy Tiến, một cựu tù Côn Đảo, bí thư tỉnh ủy Nam Định năm 1930 và từng cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi đại diện giới trí thức tham gia Quốc dân đại hội Tân Trào. Ở quận Thanh Xuân hiện có đường Khuất Duy Tiến ghi nhớ những năm đồng chí làm Chủ tịch Hà Nội…

Hôm ấy, một buổi chiều sau Tết Nhâm Thìn, trong một quán cà phê vắng trước hồ Thiền Quang chúng tôi ngồi uống nước với nhau. Ngoài trời khá lạnh mà trong quán thì chỉ có hai chúng tôi là khách. Một chậu cây sống đời đặt sát tường ra hoa đỏ rực. Bức tranh phong cảnh mùa thu. Chiếc ti vi treo cao trên giá đang phát chương trình gì đó mà bà chủ quán rất say sưa nên thỉnh thoảng lại mở loa to lên khiến tôi phải chạy ra nhờ văn nhỏ lại. Trong cái không gian nhiều tương phản ấy Khuất Bình Nguyên bất ngờ tâm sự với tôi về tuổi thơ, về các thầy Khoa Văn Tổng hợp như Lê Đình Kị, Hà Minh Đức… và về mấy chục năm trong chốn quan trường. Chính những câu chuyện hôm đó đã giúp tôi phần nào hiểu ông và nhìn được sâu hơn vào cõi thơ ông.

Bao nhiêu vui buồn bao nhiêu ngang trái bao nhiêu nỗi đau con người đã gặp trong đời giờ đây ông muốn xẻ chia và đòi được tri âm, dẫu bản thân ông là người thành đạt.

Xuống xe vạch đất làm thơ

Trời mênh mông gió bên bờ thời gian

(Giọt thiền –Bỏ quên trong rừng thu)

 

Bàn về thơ Khuất Bình Nguyên nghĩ ngợi :

 

Đường chữ của Thi Nhân dài hơn đường đời của họ

(Thơ và thi nhân-Bỏ quên trong rừng thu)

 

Còn Octavi Opaz, nhà thơ lớn México Trung Mỹ lại đã từng viết: “Các nhà thơ không có tiểu sử. Tác phẩm họ là tiểu sử của họ.”

Đường chữ Khuất Bình Nguyên, tiểu sử trong tác phẩm của ông đầy những ưu tư trăn trở. Đó là hình ảnh xa xưa về người cha :

 

                              Cha nghẹn cơm giữa chiều

                              Ngàn ngạt mùa gió thổi

                              Từ làng ra đồng đã hết tám mươi năm

                              (Cánh đồng-Bỏ quên trong rừng thu)

 

Là số phận con người luôn luôn bị phân biệt :

 

                              Nấm mộ nào được đội đầu ngọn cỏ

                              Còn bao nhiêu chìm dưới đất bùn

                              (Cánh đồng-Bỏ quên trong rừng thu)

 

Là những đắng cay trước nhân tình thế thái :

 

Nhạt đời cần muối giải oan

Biển khơi cuộn sóng vạn ngàn hư không

Chỉ năm xu muối mặn lòng

Cả đời làm nắng trên đồng lúa phơi

(Hạt muối-Nơi thời gian trở về )

 

Và một cảm thức day dứt về thời gian luôn trở đi trở lại. Ông từng tự nhận mình là “người lữ hành thời gian” (**) :

 

Cuối xuân hoa nở rơi đầy

Có người đến nhặt gió lay bạc đầu

(Màu thời xưa-Bỏ quên trong rừng thu ).

 

Ở “Bỏ quên trong rừng thu” còn một tiểu chủ đề - những số phận bị quên lãng-Đó là người chém vè (***) Nửa thế kỷ rồi còn ở dưới mênh mông/ Không biết chiến tranh ngừng chưa trên mặt nước/ Cứ đội hoài bèo hoa tím lời nguyện ước/ Hỏi hòa bình chưa?dọc các triền sông.

Một bài thơ ngắn, giản dị mà đọc xong tôi cứ thấy nhói lòng.

 Đó là Có một thành phố nhỏ/ Sợ loài người bỏ quên/ Giữa rừng Thu lá đổ.

(Bỏ quên trong rừng thu).

Đó là Mùa Thu quên chút hanh vàng ngõ vắng/ Nón trắng ngày xưa e thẹn một mình (Nón trắng)

“Quên” đang là một căn bệnh của thế kỷ, nhất là ở nước ta sau mấy thập niên dài chiến tranh và nghèo đói. Bước vào kinh tế thị trường, mải mê làm giàu, bất chấp để làm giàu nhiều người dễ dàng quên đi bao điều tốt đẹp mà xưa từng là niềm tự hào, là lẽ sống là đạo lý. Mải mê đuổi theo những cầu kì bế tắc bệnh hoạn có nhà thơ đã quên đi bạn đọc.

Và để chống lại căn bệnh đó Khuất Bình Nguyên muốn thức tỉnh sự “nhớ” trong mỗi con người. Từ hình ảnh thân thương “mẹ già chải tóc bằng tay quên cả lược” đến chùm hoa mảnh bát khuất trong lá và một dấu huyền chìm trong giọng nói Sơn Tây.

Tất cả các tập thơ Khuất Bình Nguyên đã xuất bản đều ra đời ngay trước sau cái năm bản lề của cuộc đời ông, năm về hưu. Ở tuổi ấy con người thường  đã từng trải. Bởi vậy, nếu với các tác giả trẻ, lộ diện ở những tập thơ đầu thường là một cái gì tươi mát nguyên sơ thì ở Khuất Bình Nguyên lại là sự sâu lắng trầm tĩnh của tư tưởng cảm xúc và phong phú của đời sống. Thơ ông cũng không thuộc tạng chạy theo những tìm tòi thuần túy hình thức hay “nạp” đầy những câu chữ hình ảnh siêu thực mô-đéc. Nó dễ đọc và bình dị như con người ông, dù không thiếu những câu chữ tài hoa và hiện đại.

Tôi nhớ hồi trẻ có đọc được ở đâu đó ý kiến của một nhà thơ Xô Viết. Đại ý nếu việc tìm ra những chữ mới từ mới hay nghĩa mới cho một từ ngữ cũ có thể đưa thơ tiến lên phía trước vài đề-xi-mét thì việc tìm ra những ý nghĩa mới của đời sống, những vấn đề mới của xã hội có thể đưa thơ tiến lên hàng mét “.

Sau mấy chục năm lang thang trong cuộc mưu sinh Khuất Bình Nguyên mới nhập tịch vào làng thơ và đã được chấp nhận giữa một thời buổi thơ ca đang nở rộ với nhiều người viết, nhiều nỗ lực cách tân đổi mới nhưng cũng nhiều nhộn nhạo.

Có người nói thơ Việt Nam hôm nay nếu ngắt cái mũ ở mỗi bài đi (ý nói xóa tên tác giả) thì nhìn từ cổ xuống tất cả đều giống nhau. Tôi không đồng ý với nhận định trên, một nhận định có phần chủ quan và cực đoan. Thơ hôm nay chưa có đỉnh cao thuyết phục nhưng đa dạng hơn về giọng điệu ngôn ngữ cách tiếp cận đời sống và nội dung chuyển tải. Nhất là phía các nhà thơ trẻ.

Khuất Bình Nguyên nhập tịch vào làng thơ với quan niệm rõ ràng “Văn chương đâu cậy ngôn từ mà cốt ở tấm lòng và nỗi đau nhân thế”. Thực ra nếu chỉ với quan niệm ấy vẫn chưa đủ để tạo nên một giọng điệu riêng nhưng với ông như thế cũng đã làm nên một khác biệt.

Thơ ca dù không cậy ở ngôn từ mà cốt ở tấm lòng và nỗi đau nhân thế

hay cậy nhờ cả hai thì mỗi bài mỗi tác phẩm theo tôi đều phải có được một thông điệp nào đó gửi người đọc. Muốn có được thông điệp, không cách nào khác là nó phải gắn với xã hội, phải vì con người và mở ra một cánh cửa trước đồng loại.

Thơ Khuất Bình Nguyên được làng thơ chấp nhận và bạn đọc yêu mến chính vì nó chứa những thông điệp nhân văn của một tấm lòng đầy trăn trở, xót xa và trách nhiệm trước cuộc đời trong những tháng năm :

 

                              Bao nhiêu gieo trồng

                              Bao nhiêu gặt hái

                              Bao nhiêu gió thổi

                              Bao nhiêu con người

                              Bao nhiêu mặt trời

 

Long Biên 3. 2012

-----------

(*) Theo Đại Việt sử ký Lê Qúi Đôn

(**) Tên tập thơ Khuất Bình Nguyên xuất bản năm 2009

(***) Chém vè: Động tác ẩn mình dưới nước trước khi chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ thời chiến tranh trước 1975

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...