Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Những truyện ngắn hay của nhà văn Thanh Tịnh

12-12-2011 07:37:36 AM

VanVN.Net – “Nghề văn là một nghề lao nhọc nhất trong các nghề lao nhọc. Lao nhọc và khổ trí tinh thần. Đọc nhiều, đi nhiều, chắt lọc những điều tai nghe, mắt thấy, suy nghĩ và suy nghĩ. Nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, tạo được bản lĩnh, bản sắc bên trong. Yêu nước, yêu quê hương, yêu con người và đặc biệt là nhân hậu. Lao động nghệ thuật phải là lao động thật cần cù và nghiêm túc. Sau cùng là đánh vật với chữ nghĩa thật dữ sao cho thật đẹp, chính xác đúng với điều cần diễn đạt, sao cho đạt được sự trong sáng, giản dị dễ hiểu mà không tầm thường, nôm na, dễ dãi. Tôi tâm niệm một điều, điều mà tôi thấy có thể bổ ích cho anh em cầm bút trẻ: Người cầm bút cần vất vả nhọc công, hao tâm tốn lực thì độc giả càng thoải mái. Còn ngược lại, mình thoải mái dễ dãi với mình và văn chương thì độc giả khổ sở chết được… - Đó là những tâm sự về nghề viết của nhà văn Thanh Tịnh. Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Thanh Tịnh (12/12/1911 - 12/12/2011) và 70 năm ra đời tác phẩm "Tôi đi học", VanVN.Net xin trân trọng đăng tải những truyện ngắn tiêu biểu của ông.

 

Tôi Ði Học

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.

Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chìa ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:

– Mẹ đưa bút thước cho con cầm.

Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:

– Thôi để mẹ nắm cũng được.

Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.

Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.

Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.

Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.

Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:

– Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa ? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại.)

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.

Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:

– Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.

Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.

Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.

– Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.

Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật.

Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.

Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật.

Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:

Bài tập viết: Tôi đi học!

 

 

Quê Mẹ

Chiều chiều ra đứng cửa sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều

(Ca dao)

Cô Thảo ra lấy chồng đã ba năm. Anh Vận chồng cô hiện làm Hương-thơ ở làng Mỹ-Lý. Anh Vận trước kia có theo học chữ quốc ngữ, nhưng đã hai năm thi Yếu-lược không đậu nên anh ta lại thôi. Qua năm sau dân trong xóm bầu anh ta lên làm hương thơ trong làng. Ngày nào anh ta cũng đi nhà này qua nhà khác phát thư, rồi chiều đến lại phải ra tận đình để lấy hòm thư đem lên huyện.

Công việc của anh tuy vất vả, nhưng lương tháng - hay nói cho đúng lương năm - của anh trông ít quá. Làng chỉ trích cho anh ta ba mẫu ruộng và năm đồng bạc làm tiền lộ phí. Nhưng năm đồng ấy thì không bao giờ anh nhận được. Vì các viên chức đã khéo léo trừ với món tiền phải đóng sưu này thuế khác gần hết.

Nhưng ở vùng quê, được một chức nghiệp như thế, anh Vận cũng cho là danh giá lắm. Và bà Lại, mẹ anh Vận, lúc nói chuyện với những người quen, cũng không quên tự hào được một người con ra đảm đương việc làng việc nước.

Cô Thảo ra lấy chồng vốn liếng không có nên không đi buôn bán gì hết. Cả nhà chỉ trông vào sáu mẫu ruộng tranh và ba mẫu ruộng làng để sống năm này tháng khác.

Chiều hôm ấy lúc thoáng thấy bóng chồng đi về đến cổng, cô Thảo liền vội vàng ẵm con ra sân để đón. Thấy anh Vận ra dáng mệt nhọc nên cô ta chưa dám hỏi gì hết. Vào tới sân, anh Vận liền đến ngồi trên cái chõng. Cô Thảo để con ngồi một bên chồng rồi đột ngột chỉ cây thanh-trà bên bờ hè nói khẽ:

- Cây thanh-trà mới đấy mà đã có trái rồi cậu ạ.

Anh Vận để con ngồi trên chân, rồi cúi đầu xuống nhìn mặt con dịu lời đáp:

- Thế à, cây thanh-trà ấy trông dáng khô khan không ngờ lại giống tốt.

Cô Thảo ghé ngồi một bên chồng nói tiếp:

- Cây thanh-trà ấy tôi đem từ bên nhà qua đây. Mới hai năm đã có trái ăn được kể cũng nhanh thật.

Anh Vận như sực nhớ một việc gì, nhìn vợ hỏi vội:

- Tôi nhớ ra rồi. Hôm ấy là ngày giỗ ông bên mợ. Mợ về làng ăn giỗ rồi đem cây thanh-trà ấy qua cho tôi. Tôi cũng quên lúc ấy mợ đã có thằng Lụn chưa?

- Rồi, nhưng nó mới được ba tháng.

- Mà tôi quên giỗ ông nhằm ngày mấy?

Cô Thảo nhìn chồng mỉm cười:

- Được vài ông rể quý như cậu thì ngày giỗ của nhà tôi cũng không khỏi hương tàn bàn lạnh. Giỗ ông nhằm một ngày dễ nhớ nhất mà cậu cũng quên.

Anh Vận như nhớ lại được, gật đầu lia lịa:

- Thôi tôi nhớ được rồi. Giỗ ông vào tiết Trung-thu phải không mợ?

- Không phải, ngày rằm tháng tám.

Anh Vận lớn tiếng cười vang làm cho thằng Lụn cũng phải ngẩng mặt lên nhìn ngơ ngác.

- Rõ ngớ ngẩn như đàn bà. Tiết Trung-thu hay rằm tháng tám có khác gì nhau. Có khác là người hay chữ họ thường gọi tiết Trung-thu, còn người... ít hay chữ thì gọi rằm tháng tám...

Cô Thảo nhìn chồng cười mỉm:

- Người hay chữ với lại người ít hay chữ! Thì cậu cứ nói người dốt với người thông có được không.

Thật ra thì anh Vận cũng có ý nói người hay chữ với người dốt, nhưng lại sợ làm mếch lòng vợ.

Anh Vận nhìn ra trước cổng yên lặng. Thằng Lụn cũng muốn tụt xuống đất đùa với đàn gà con đang đi qua gần đấy. Cô Thảo vào nhà thắp đèn rồi lại trở ra ngồi chỗ cũ. Mảnh trăng trong lúc ấy đã bắt đầu giọi ánh sáng dìu dịu qua hàng tre trước cổng. Trông thấy ánh trăng anh Vận quay lại hỏi vợ:

- Hôm nay là mấy rồi mà trăng sáng quá?

- Ngày mười ba.

Anh Vận thả hai chân xuống chõng nhìn vợ ngơ ngác:

- Thế ngày mốt là ngày giỗ ông rồi à? Và ngày mai là ngày mợ phải về làng.

Cô Thảo cúi đầu nhìn xuống đất đáp khẽ.

- Phải.

Anh Vận đưa tay lên gãi đầu:

- Thật tôi vô tình quá. Ngày kỵ đã gần đến mà cũng quên.

Cô Thảo ngồi yên lặng không đáp. Thật ra tối hôm ấy cô muốn xin chồng về làng giỗ ông, nhưng cô không muốn nói thẳng. Cô tự nghĩ nhắc chồng ngày giỗ ở nhà mình là một việc chướng lắm. Thật tự nhiên để cho chồng nhớ lại thì tốt hơn. Nhưng mãi đến chiều cũng không nghe chồng nói gì, nên cô phải mượn đến chuyện cây thanh-trà để nhắc xa xôi cho chồng nhớ.

Tối hôm ấy, cơm nước xong xuôi, anh Vận liền đến xin mẹ cho vợ về làng ăn giỗ.

Bà Lại nhìn cô Thảo đang ẵm con đứng tựa bên cột bảo khẽ:

- Ừ về thì về. Nhưng bên nhà ngày mai giỗ ai mà tôi cũng quên phắt đi rồi.

- Thưa mẹ, giỗ ông con.

- Thế à.

Nghĩ một lát bà ta nói tiếp:

- Mai mợ chắc phải về làng sớm. Lúc ấy có lẽ tôi cũng chưa dậy. Vậy tối nay mợ ra ngoài vườn cắt một buồng chuối mật - buồng chuối gần bên cái giếng ấy - để về giỗ ông. Năm nay tôi bận việc nhà quá, chắc qua không được. Thôi nhờ trời năm khác.

Nói xong bà Lại lách bàn tay vào túi yếm lấy ra một hào xu rồi đưa cho cô Thảo.

- Thôi cho mợ một hào để đi đò. Và nhớ chớ để em nhìn xuống mặt nước.

Cô Thảo vội vàng đỡ con xuống, đưa hai tay nhận tiền tỏ ra vẻ sung sướng lắm.

Trước khi đi ngủ anh Vận cũng chạy quanh xóm mượn chỗ này chỗ khác cho cô Thảo thêm bốn hào nữa.

Tối hôm ấy cô Thảo không đi ngủ sớm. Cô đặt con ngủ yên bên chồng xong lại lật đật xách dao ra sau vườn chuối. Loay hoay một lúc lâu cô mới đem được buồng chuối mật vào nhà. Cô đem để vào một góc thật kín vì cô sợ nửa đêm chuột đến khới. Xong rồi cô mới qua bên nhà cô Thị mượn đôi hoa tai vàng và cái nón lá mới. Sắp đặt đâu đó xong xuôi cô mới lên giường nằm ngủ.

Trời tờ mờ sáng cô Thảo đã trở dậy sắm sửa đi về làng. Làng cô ở cách xa làng Mỹ-Lý hơn mười lăm cây số. Vì vậy nên mỗi năm cô chỉ được về làng chừng hai ba lượt là nhiều. Xưa kia cô từng qua lại làng Mỹ-Lý ngày một để bán gạo, nhưng sau lúc cô ra lấy chồng thì quê nhà đối với cô đã là nơi xa lạ.

Qua những con đường mòn chạy nấp theo bờ ruộng, cô lại nhớ đến quãng đời bán gạo của cô ngày trước. Trong trí cô hiện ra lần lần hình ảnh của cô Thu, cô Nguyệt, cô Hương, những cô bạn mà trước kia cô cho là thân nhất.

Nhưng đời các cô ấy cũng như cô, nghĩa là cũng có chồng, có con và quãng đời làm dâu cũng vất vả, cũng phẳng bằng như nhau hết.

Đi chưa được bốn cây số cô Thảo đã thấy mỏi. Cô tự nhận thấy sức cô yếu hơn trước nhiều lắm. Cô muốn đi đò cho đỡ chân, nhưng sực nhớ đến những món quà cần phải cho em, cô lại gắng gượng đi nhanh hơn trước.

Qua khỏi đầu làng Duyên-Hải thì cô Thảo gặp cô Đài, người bạn cùng làng thường chơi với cô ngày trước. Cô Thảo nhờ cô bạn gánh hộ buồng chuối mật và mấy gói bánh mua bên chợ Kỳ-Lâm. Cô Đài vui vẻ nhận lời ngay. Vào quán nước ở gần đấy nghỉ một chốc, hai cô lại cùng nhau lên đường chuyện trò không ngớt.

Về đến làng cô Thảo gặp ai cũng đón chào niềm nở. Lòng cô lúc ấy nhẹ nhàng và vui sướng lắm. Còn họ gặp cô đi đằng xa đã kêu réo om sòm như gặp được người sống lại. Họ hỏi thăm cô chuyện này chuyện khác, mục đích là để xem cô ăn mặc độ này có khá hơn trước không. Cô Thảo thấy người làng chào hỏi mình vồn vã nên đáp lại rất vui vẻ. Cô ta không quên lấy cái nón xuống, giả vờ quạt vào mình để mấy người đứng chung quanh được thấy đôi hoa tai vàng của cô.

Đến trưa hôm ấy thì cô về đến nhà. Mấy cậu em đua nhau ra níu áo chị. Cô Thảo xoa đầu đứa này đỡ cằm đứa khác, nụ cười trên môi cô không khi nào tắt. Trông thấy mẹ trong nhà đi ra cô mừng quá. Cô chạy lại đứng bên mẹ cảm động quá đến rưng rưng nước mắt. Một lúc sau cô đưa thằng Lụn cho mẹ ẵm rồi đi thẳng vào nhà để chào những người quen biết.

Bà Vạn cứ quấn quít bên cháu, bên con quên cả ngày giờ. Bà giới thiệu cô Thảo với người này người khác, bà nhắc đến chuyện cô Thảo lúc cô còn năm sáu tuổi. Bà kể đến đoạn nào bà cũng có ý khoe cô Thảo đức hạnh và khôn ngoan đủ thứ. Bà nói mãi mà không biết chung quanh bà không ai nghe bà hết.

Sung sướng nhất là cô con gái có chồng về nhà mẹ. Cô Thảo tuy về giỗ ông nhưng không làm gì hết. Cô vào phòng mẹ nằm ngủ cả buổi chiều, mãi đến lúc gần cúng cô mới chịu đi ra ngoài.

Lúc cô đứng lễ thì ông Vạn, thân sinh cô, vuốt râu cười nói:

- Con phải lễ thế phần chồng con nữa. Nó làm gì bên ấy mà không qua.

Cô Thảo sau khi thụt lùi ra khỏi chiếu, mới khẽ đáp:

- Dạ, nhà con mắc việc quan.

Cô Khuê, chị em chú bác với cô Thảo, đứng gần đấy trề môi nói tiếp:

- Thứ đồ làm Hương-thơ mỗi năm ăn ba mẫu ruộng mà cũng gọi là việc quan. Ai nấy đều nghe thấy nhưng không ai cãi lại. Ông Vạn đứng cúi đầu xuống hơi ngượng. Còn cô Thảo gương mặt đỏ bừng, quay đầu nhìn xuống bếp. Nhưng ngay lúc ấy cô lại gặp cặp mắt của mẹ đang nhìn cô chòng chọc. Cô đau lòng quá đến để hai dòng lệ chảy dài trên má. Sáng hôm sau, cúng cơm sáng xong xuôi, cô Thảo lại sắm sửa đi qua làng Mỹ-Lý. Cô gọi mấy đứa em đến gần rồi cho mỗi đứa năm xu. Trong nhà ai cũng khen cô rộng rãi và biết thương em, nên cô vui sướng lắm. Đang lúc cao hứng cô còn hứa sẽ gửi cho mẹ hai cặp quần áo mới để mặc Tết nữa. Nhưng chính cô cũng không biết sẽ lấy đâu ra hai cặp quần áo ấy. Chỉ trong nháy mắt cô Thảo đã phân phát tất cả số tiền cô đã dành dụm trong một năm. Lúc sắp sửa lên đường, bà Vạn cho cô nửa con gà và một gói xôi để về nhà chồng. Lúc ra đi cô cảm động quá, đứng bên mẹ và mấy em khóc nức nở. Về nhà chồng, cô Thảo lại làm việc từ mai đến chiều, tối tăm cả mày mặt. Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn. Rồi chiều chiều gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau vơ vẩn nhìn về làng Quận-Lão. Nhưng làng Quận-Lão ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẳm.

 

 

Ngậm ngải tìm trầm

Hôm ấy chúng tôi vào phía rừng Kim Vân gần chân núi Truồi để đo mấy khoảnh ruộng tranh mới vỡ. Ðường đi gồ ghề và hóc hiểm, lắm đoạn phải lội qua suối nước lên quá lưng quần.

Chúng tôi đi một dây dài cho có vẻ nhiều và mạnh. Thật ra đường cũng hẹp, không thể đi hàng hai được. Ði trước là người mang hòm máy rồi đến người xách mấy mo cơm nắm và thức ăn. Tôi đi giữa, phía sau tôi là hai người cầm "ra lông" và "mia". Tôi chỉ cầm bản đồ để dò đường nên phải đưa mắt nhìn quanh mãi. Vào giữa trưa, chúng tôi đến đầu địa phận làng Thanh Mỹ. Trời về tiết hạ nhưng may cũng chưa nắng gắt. Có lẽ vì nhờ hơi đá bốc lên cao và khói sương ủ xuống nặng. Trời tuy nắng nhưng thời tiết có vẻ dễ chịu. Qua khỏi đồi thông, am Sơn Thần, trước mắt chúng tôi hòn núi Truồi dựng lên sừng sững, oai nghiêm như một vị linh thần. Sườn núi từ trên cao chạy xuống từng đường trắng, rồi tỏa rộng bốn bề trông như những ngọn thác lùa đá ùn thành đồi.

Chúng tôi đang loay hoay tìm chỗ ngồi ăn trưa thì may gặp một nền nhà cũ bỏ hoang khá bằng phẳng.

Chung quanh nền nhà có mấy thanh sắt dựng lên thật cao. Bên tay trái có mấy sợi dây thép dằng qua lại giữa hai cây sắt đã dỉ cùn đầu. Cây bìm bìm tha hồ thả dây leo và đang kết thành một hàng rào lá chạm lọng khá dày. Quái lạ, một hàng rào sắt bao quanh một nền nhà đất sét! Thật là một chuyện lạ ra ngoài tưởng tượng. Hay đây là bãi chiến trường xưa...?

Tôi đang phân vân muốn biết chuyện hàng rào sắt thì một bà lão thấy chúng tôi ngồi ăn, liền đến đứng xem. Và cũng nhờ bà ta, chúng tôi mới biết câu chuyện sau đây:

"Xóm Bình Lư hồi ấy có độ trên mười nóc nhà. Xóm ấy thuộc về làng Thanh Mỹ thượng. Họ chuyên nghề vào rừng đốn củi hay đi săn. Cách sinh kế của lớp người này rất đơn giản. Rừng núi đã chu cấp cho họ gần hết vật liệu họ cần dùng. Thiếu gạo đã có ruộng rừng, họ ra công cày cấy lấy.

Ðồ ăn phần nhiều là thịt hươu nai ướp muối hay ép thật khô. Thỉnh thoảng họ mới xuống chợ bán củi để mua ít thức cần, phần nhiều là vải, muối hay diêm. Ðời họ ở xa cách thành thị, có tiền nhiều họ cũng không biết sắm thêm gì và không vượt ra khỏi cơm ngày hai bữa. Hy vọng của họ cạn và gần, và nhờ thế rất dễ được mãn nguyện. Trong xóm ấy có hai vợ chồng bác Diệm nhà nghèo nhưng ở với làng nước rất thảo. Bác gái là người làng Ngô Xá ở Quảng Trị.

Lấy nhau sáu năm bác gái sinh được một trai và một gái. Thấy trong nhà nhiều miệng ăn, muốn cho vợ con được no ấm, bác trai liền nghĩ cách vào núi tìm trầm. Nhưng tìm trầm rất khó, không phải đôi ba ngày mà tìm ra được. Có khi phải đi đến hàng tuần hàng tháng. Rồi kết quả lắm lúc cũng chẳng ra gì. Ðó là chưa nói phải vào tận trong núi xanh và vượt qua nhiều cánh rừng nguy hiểm. Muốn tránh tai họa, người đi tìm trầm phải ngậm ngải.

Theo lắm người kể chuyện, ngải là một thứ củ cây do người Mọi ở Trường Sơn luyện rất công phu. Họ hấp củ cây ngải trong lò mật ong một tháng, để giữa dòng suối chảy một trăm ngày. Ðoạn phải đặt trong tay đủ năm người chết, và đeo trước ngực năm bà già trong đời giữ vẹn tiết trinh. Vẫn chưa hết. Xong phải nhét vào trong cái giò heo để lừa cho hổ ăn. Nghĩa là nếu may thì ngải sẽ nằm trong bụng hổ. Ðoạn phải bẫy cho được con hổ ấy, rồi giết ngay và lấy ngải ra."

Ngải lúc ấy là một cái bùa thiêng có sức mạnh huyền bí. Ai ngậm nó mà đi vào rừng thì không ăn không uống cũng sống được. Và thú dữ dù đi sát bên cạnh cũng không thấy mình được. Nhưng hạn trong ba tháng mười ngày phải trở về nhà nhả ngải ra. Nếu không thì người ấy sẽ mọc lông, trổ vuốt, thêm nanh và hóa ra hổ thật.

Chuyện ngậm ngải tìm trầm, thổ dân ở các dải núi miền Trung cho là rất thường. Cái mỉm cười ngờ vực đối với câu chuyện họ nói về sức phi thường của ngải sẽ quyến được cái quắc mắt giận dỗi hay cái trề môi ngạo nghễ của họ ngay vì họ quá tin đến dám xem thường tất cả người nào không chịu tin như họ, nghĩa là không hiểu rõ sức uy hùng bí mật của rừng thẳm núi cao.

Bác Diệm trai vào rừng đã gần ba tháng nhưng vẫn chưa thấy ra. Bác gái ngày nào cũng nhìn vào núi Truồi để chờ tin tức. Có lẽ chỉ lần này bác trai mới vào rừng lâu nhất. Mấy lần trước bác chỉ đi trong một vài tháng là nhiều. Bác gái ngày đêm lo sợ nhưng cũng không biết làm sao được.

Bác liền đi hỏi thăm mấy nhà hàng xóm. Có người an ủi lấy cớ bác Diệm rất thông minh, thế nào bác cũng nhớ về nhà đúng kỳ hạn. Lắm người bông đùa một cách quái ác, là nói bác đã vào tận Bình Ðịnh, Quy Nhơn, rồi lấy vợ bé trong ấy rồi. Bác Diệm gái vẫn trông mong chồng và đêm nào cũng ra phía sau nhà nhìn về phía dãy Trường Sơn bát ngát. Nhưng dải núi thì cao và hùng vĩ quá, không thể đem lại sự yên lành trong tâm hồn chất phác của cô gái quê được.

Ba tháng mười ngày đã qua từ lâu. Bác Diệm gái lại càng lo sợ hơn nữa. Ðêm nào bác cũng ra đứng giữa sân thẫn thờ nhìn về dãy núi, rồi đến đêm khuya bác với trở vào nhà ngồi khóc rấm rứt.

Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi, rất nặng nề trong lòng người mong đợi. Rồi giữa một đêm trăng mờ cuối thu, Bác Diệm gái bỗng nghe tiếng rú xa xa, đứt quãng rồi kéo dài rất ảo não. Bác Diệm tung chiếu chạy ra sau nhà, tim đập mạnh và tay chân run lập cập.

Phía xa trên một đồi nhỏ, lọt trong rặng thông lơ thơ, một bóng người đang nhìn về xóm Bình Lư đã từ lâu im lìm trong đêm vắng. Tuy chưa nhận rõ là ai, linh tính đã báo cho bác biết đó là chồng bác, bác Diệm trai. Rồi không suy tính, bác đâm đầu chạy ra, lòng mừng khấp khởi. Nhưng mới chạy được một quãng ngắn, bác đã lạnh người đứng dừng lại. Một tiếng rú nghe lạnh và uất như một người câm cố thét lên để nói được tiếng của loài người.

Tuy sợ nhưng lòng bác Diệm gái thương chồng mạnh hơn. Bác gắng sức chạy đến chân đồi, cái bóng đen liền chờn vờn đi lại phía bác, hai tay thả lỏng, đầu gật gù lưng cúi lom khom. ánh trăng thu giây bụi vàng nhạt trên mớ tóc dài đen nháy của con người kỳ dị lại làm bác gái giật mình, muốn đứng lại ngay. Giữa lúc ấy bác nhận thấy một manh áo nâu đã rách tươm còn vướng trên cổ người ấy... Thôi rồi! Chồng bác đã gần hóa hổ, bác run sợ và bồi hồi... Nhưng bác cũng cố đứng nhìn và đợi. Cái bóng đen vừa tiến đến vừa rên hừ hừ, như bị ngạt trong cổ. Lúc thoáng thấy cặp mắt chồng đã tròn xoe và hoe sáng như lửa, cằm đã mọc râu dài và thưa, bác Diệm gái liền đi thụt lùi rất gấp. Nhưng bác vấp phải một cành cây nằm ngang ở phía sau. Bác thét lên một tiếng rồi ngã nhào, chết ngất.

Sáng hôm sau, lúc bừng mắt tỉnh dậy, bác Diệm gái thấy mình đang nằm trên giường nhà. Hỏi mấy người đến thăm, bác mới biết tiếng rú đêm qua, dân xóm đều nghe rõ ràng cả. Họ cũng lần ra phía đồi để xem thì gặp lúc bác nằm chết ngất trên cành cây khô. Mấy người khiêng bác về nhà. Còn những người bạo dạn thì lấy roi hèo đánh đuổi con người quái lạ kia đi. Nghe đến đấy bác Diệm gái mở lớn đôi mắt, băn khoăn hỏi:

- Dân xóm có đánh người ấy à?

Một ông lão đáp:

- Không, chỉ dọa thôi. Thật ra cũng không ai dám đến gần hắn.

Bác gái nói thầm như để một mình nghe:

- Chồng tôi đó!

Nói xong bác ứa nước mắt thở dài một cách ngao ngán.

Luôn mấy đêm sau, bác Diệm gái ra sau nhà đứng nhìn về phía mấy ngọn đồi nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng chồng đâu nữa. Bác lại trở vào nhà âm thầm nằm đợi nghe tiếng rú.

Qua tháng sau, một buổi chiều, bác xuống chợ Truồi mua gạo thì bác trai mon men vào nhà. Bác đem theo một buồng chuối hoang và mấy trái cam dại. Hai đứa con mới nhận thấy bác đã khóc vang lên. Bác lo sợ cúi gầm đầu xuống và đưa cam chuối cho chúng ăn. Chúng thấy người ấy không làm gì hại và còn cho ăn tử tế thì ngồi yên lặng ngay.

Bác Diệm trai muốn vuốt ve con, nhưng tay bác sờ đến đâu, áo quần của hai đứa nhỏ rách toang đến đấy. Thì ra móng tay bác đã sắc và nhọn lắm rồi.

Thừa lúc đứa con trai quay mặt nhìn ra sân bác Diệm liền thè lưỡi liếm đầu nó. Bác muốn tỏ vẻ yêu mến con, lòng bác còn là lòng người, nhưng chao ôi, cử chỉ của bác đã nhuộm đầy vẻ thú. Lưỡi bác đã rám và sắc hơn dao rồi. Chỉ đưa đi đưa lại mấy cái, tóc đứa con đã rụng tua tủa. Hai đứa con sợ quá, liền bỏ chạy ra sân la lớn. Cũng ngay lúc ấy bác Diệm gái đi chợ về. Thấy chồng lông đầy người và mầu lông đã hơi vàng, hai tay trước thòng gần chấm đất và nanh trắng nhe ra ngoài môi, bác Diệm gái cũng hoảng hốt la tiếp.

Nghe tiếng ồn ào, dân quanh xóm liền chạy đến và đuổi con vật nửa người nửa thú chạy bán sống bán chết vào rừng. Muốn che chở người cô quả, dân xóm Bình Lư xuống xin mấy người làm đường xe lửa ở gần ga Truồi một chục thanh sắt và mấy sải dây thép về làm một cái hàng rào vây quanh nhà bác Diệm gái. Từ đó bác Diệm trai không dám bén chân về nhà nữa.

Nhưng qua mùa xuân sau, cũng một đêm trăng mờ như bảy tháng trước, bác Diệm gái lại nghe tiếng rú kinh hồn trên đồi thông vắng. Bác liền vội vã chạy ra sau nhà. Trong bầu ánh sáng nhạt, nhuộm sương khuya, bác Diệm thấy một bóng người - không, một con vật thì đúng hơn - chụm mạnh bốn chân xuống đất, ngẩng đầu lên cao, đang đăm đăm nhìn về phía bác. Thôi thế là hết! Chồng bác đã hoàn toàn hóa hổ... Bác ôm mặt khóc rất thê thảm. Con hổ cũng rú lên một hơi dài như để đáp lại tiếng lòng của vợ. Tiếng rú nghe lạnh và buồn.

Ðoạn con vật quay mình lẳng lặng đi vào phía núi Truồi, rồi biến dần trong ánh trăng xanh nhạt.

Dãy núi Truồi từ đó đã như một bức thành kiên cố chia đôi tình nhân loại với cảnh huyền bí của sơn lâm.

 

 

Con so về nhà Mẹ

Kính tặng hương hồn anh Thạch Lam

Trời đã về chiều. Gió thổi trên đồng lúa chín, dạt dào nhẹ và khô. Bên kia đồng, tiếng hò đạp nước còn văng vẳng ran lên giữa bóng chiều tàn sắp tắt. Tiếng hò rời rạc và buồn nghe như đàn ve xám thả giọng ngân rền cuối hạ.

Cô Hoa đội một bó lúa nặng trên đầu đang từ từ tiến về làng Mỹ Lý. Cô đi mót lúa về. Cô đều đều đếm từng bước một. Thỉnh thoảng cô phải dừng lại đặt bó lúa xuống đất để thở. Rồi cô hấp tấp lên đường, bước mau hơn lên. Đường về nhà cô còn xa lắm, mà cô có mang đã gần ngày sinh, đi nhanh quá không được.

Vất vả như thế mỗi ngày chỉ đủ ăn. Trước cô còn quanh quẩn đi mấy khoảng đồng ở làng. Ở làng họ gặt hái xong, cô phải đi xa hơn.

Cô quê ở làng Hiền Lương, nhà nghèo và chị em đông. Chồng cô cũng nghèo, nên cô an phận làm ăn không dám than trách gì. Ngày thường cô gánh rau ra chợ Mỹ Lý bán, đến chiều tối mới về.

Chồng cô trước có làm xâu, nên người ta thường gọi cô là chị Xâu. Cô nghe thế cũng hài lòng. Vì người vùng quê vốn sợ và muốn tránh cái tên dân suông.

Qua tháng tư sau, cô Hoa có mang vừa đúng bảy tháng. Cô không dám lội xuống ao hồ cắt rau nữa. Nhưng ở nhà cô lại thấy vô vị. Vì cơm ăn bữa đói bữa no, cô nhịn thì được chứ thấy đàn con nhịn, lòng cô không nỡ.

Vì thế, tuy mệt nhọc, cô cũng chịu khó qua mấy làng lân cận mót lúa cho đỡ cơn nghèo ngặt.

Ở vùng quê đã có mùa gặt, thì cùng lúc ấy có mùa mót. Vựa con nhà giàu đầy lúa thì nồi cơm nhà nghèo nhờ đó cũng được đầy cơm ít nhiều.

Ai mạnh chân khỏe tay thi đi làm giúp. Ai yếu ớt thì đi mót lúa. Phần sau này thường dành riêng cho đàn bà, con trẻ hay ông già, bà lão nghèo đói.

Lúc đang gặt, bọn đi mót phải đứng chờ trên đường giường. Họ gặt xong và bó lại xong xuôi, mới cho con kẻ nghèo xuống mót.

Kể ra lớp người đi gặt thuê cũng biết thương con kẻ khó. Và cách gặt của họ cũng biết điều chứ không phải vơ vét hết sạch đâu. Họ còn phải để lại ít nhiều cho người nghèo nữa.

Rồi đồng ruộng nào có người mót đông, người ta cho điền chủ ấy là nhân từ và đến mùa gặt sau sẽ gặp nhiều điều may mắn.

Họ còn tin nơi nào con nhà nghèo đến mót đông là nơi ấy vua Thần Nông sẽ dắt trâu thần ngự đến. Và mùa sau chắc chắn ở đó được mùa.

Cũng nhờ đức tin ấy mà các điền chủ đua nhau mở lòng, mở ruộng đón người nghèo khắp nơi.

Một câu ca dao ở miền Trung đã tả được tấm lòng của người đi mót:

Tôi đứng trên đường giường,

Tôi trương mắt ếch.

Tôi đây sợ sệt,

Sợ họ gặt hết lúa đồng đi!

Tôi đến đây mót lượng từ bi!

Mót điều nhân nghĩa, chứ mót chi lúa ngài.

Cô Hoa vì thai nghén - "nhất có râu, nhì bầu bụng" - nên được người trong bọn có ý nhường nể. Nhờ thế mà bó lúa của cô lần nào cũng to và đầy. Và trên ruộng lạ người ta ít giành giật với cô. Người trong làng đãi cô như khách. Họ tưởng không nên để người làng khác trách người làng họ chật hẹp hay rắn lòng. Tuy là bọn khố rách áo ôm, họ cũng vẫn để điều nhân nghĩa lên trên tất cả.

Cô Hoa rẽ qua xóm Lá thì gặp ngay chị Bình đi bán rau ở chợ về. Cô đon đả chào:

- Chị Bình bán buôn ra sao? Tết nhất có phát tài không?

Chị Bình mỉm cười:

- Phát tài thật! Từ tết đến nay lỗ ngót hai đồng rồi đấy. Đó là chưa kể vừa rồi thằng Kết đi lính ở Lào gửi về cho ba đồng tiêu tết, cũng bỏ vào chuyện buôn bán, cũng tiêu tán đi đâu mất.

Cô Hoa nhìn cái áo vải dù mới của chị Bình rồi đùa:

- Đi đâu? Đi vào trong cái áo mới của chị chứ đi đâu?

Chị Bình che miệng cười sung sướng rồi nói lảng qua chuyện khác:

- Á này, tháng nào nằm nơi rồi đó?

- Tháng năm.

- Thế là một trai hai gái rồi phải không?

Cô Hoa buồn rầu đáp:

- Có một trai thứ nhì nhưng mất đi.

Thấy cô bạn có dáng buồn, chị Bình an ủi:

- Thôi chuyến này nhờ trời cho thêm một trai bù vào, chuyện gì mà buồn! Đã là chuyện sinh đẻ tránh thế nào được chuyện "lót ổ". Người ta "lót ổ" đôi ba đứa mới nuôi được con thì sao?

Chị Bình nói thế để dỗ cô bạn chứ không biết người ta là ai, và "lót ổ" vài ba đứa như thế có nhiều không. Vì chị ta chỉ đẻ một đứa con rồi thôi không sinh đẻ nữa.

Đi gần đến am Thần Đá, lúc sắp rẽ vào xóm nhà, chị Bình tự nhiên nói lớn:

- À thím Xâu, tôi còn nợ của thím hai hào phải không?

- Hai hào rưỡi chứ.

- Vâng, tính tiền còn chịu năm bó rau nữa là vừa đúng hai hào rưỡi. Nhưng cho tôi hẹn cuối tháng nhé.

Cô Hoa dừng lại:

- Làm việc làm công gì mà hẹn cuối tháng đầu tháng. Có sẵn thì chị cho tôi để đong gạo cho mấy cháu. Tôi mấy lúc này không bán được nên túng lắm.

Chị Bình biết gặp cô Hoa thế nào cũng nhắc đến món nợ, nên tưởng nói trước thì hơn. Nhưng thấy cô Hoa đòi nhẹ giọng nên định tìm cách khất:

- Hay tính thế này cho xong chuyện. Tôi trả cho thím một hào. Còn hào rưỡi kia thím cho lúc đến mùa sen sẽ trả.

Cô Hoa biết cậy cũng không ra, nên bằng lòng đưa tay ra nhận tiền:

- Vâng, cũng được. Nhưng chị nhớ khi nào có tiền sớm thì cho trước nhé. À! Chị có cau tươi đó cho xin một miếng.

Chị Bình vừa mở múi khăn gói lấy cau vừa nói:

- Cau độ này đắt như vàng. Một trái hơn hai xu.

Cô Hoa không nói gì, nhận cau xong thì lững thững đi về phía đình làng rồi tạt qua cầu tre.

Trời lúc ấy đã nhá nhem tối. Hai bên xóm người ta đã lên đèn từ lâu.

Cô Hoa vừa đi vừa tính chuyện giấu hào bạc không cho chồng biết. Cô định dành dụm ít nhiều để lúc sinh đẻ thì đem ra tiêu dần.

Vừa đi vừa nghĩ loay hoay, đến trước cổng nhà lúc nào không biết.

Đêm hôm ấy trăng sáng vằng vặc. Ngoài đường xóm những đêm tối trời hay những đêm mưa gió, vào lúc tiếng mõ điểm canh hai thì không thấy một bóng người qua lại. Thế mà những đêm trăng sáng, người ta lại tấp nập đưa nhau đi chơi và nói chuyện vang cả đường. Mấy con chó trong xóm cứ đưa mõm ra đường sủa không ngớt.

Thấy ngủ trong nhà nhiều muỗi và nóng, hai vợ chồng cô Hoa liền hì hục rinh chiếc giường ra đặt giữa sân.

Phía trước cổng, cách hàng rào tre thưa lá là cánh đồng mênh mông chạy dài đến chân trời xa thẳm. Phía ấy trăng tuôn xuống thảnh thơi và tràn ngập cả con sông đào đang uốn mình vươn qua đồng lúa ruộng.

Anh Lẫm - chồng cô Hoa - thấy người qua lại ngoài đường còn đông nên chỉ ngồi ghé bên mép giường chứ chưa chịu nằm. Anh sợ người ngoài đường trông thấy được thì ngượng.

Một lát sau anh nghiêng mình về phía cô Hoa nói sẽ:

- Tôi qua sông tắm một chút đã mình nghe!

Cô Hoa lồm cồm ngồi dậy một cách mệt nhọc. Cô cũng chưa ngủ được. Tối nay cô định nói với chồng về nơi "nằm bếp" nhưng thấy chồng có vẻ nhọc nên cô do dự. Nhân thấy chồng muốn mở chuyện, nên cô thừa dịp bàn đến chuyện nhà. Sau khi đã ngồi yên cô liền nói:

- Ra tắm sông làm gì cho đỉa cắn. Bên trái sẵn còn lu nước đầy, mình ra đó tắm cũng được.

Anh Lẫm tưởng đi một lát cho ngoài đường vắng người sẽ ngủ, chứ cũng không cần thiết đến việc tắm lắm.

Đêm càng khuya, trăng càng sáng, từ phía sau vườn đưa ra mùi hoa bưởi thơm ngào ngạt. Không biết nghĩ gì anh Lẫm quay lại hỏi vợ:

- Thằng Hà đẻ tháng mấy nhỉ?

- Mười hai tháng năm. Nhưng mình hỏi để làm gì?

Anh Lẫm sau khi rình đánh được con muỗi đốt trên chân, chậm rãi nói:

- Ban trưa gặp ông Bộ bảo phải khai sinh cho gấp, chẳng không Nhà Nước phạt nặng lắm.

- Chuyện ấy đã đành.

Rồi đột ngột, cô bắt sang chuyện khác:

- À mình, năm nay tôi nằm bếp ở đâu mình nhỉ?

Anh Lẫm quay lại nhìn bụng vợ, hỏi với giọng lo lắng:

- Còn mấy tháng nữa?

- Chừng non một tháng.

Ngẫm nghĩ một lát anh nói:

- Mình cố gắng được đến tháng sáu không?

Cô Hoa phì cười:

- Đúng ngày đúng tháng thì con ra. Gắng thế nào được và gắng để làm gì?

- Nếu mình đẻ cuối tháng sáu thì tôi sẽ có tiền. Và mình sẽ được no ấm hơn.

- Ấm thì chuyện đã đành phận rồi. Vì tháng năm trời nắng như thiêu đốt, làm gì mà không ấm. Nhưng hỏi mình có chạy đủ tiêu nuôi đàn con thay tôi không? Và cuối tháng sáu tiền đâu mà mình có được?

Anh Lẫm rung đùi ra vẻ đắc ý:

- Phải cuối tháng sáu Tây kia. Vì hôm trước ông Lý có bắt góp cứ một người một đồng để đánh số Đông Pháp. Và cuối tháng sáu họ xổ số. Biết đâu tôi lại không chia được một phần cái gia tài trời cho. Và năm nay đi bói năm thầy bảy bà, họ đều bảo tôi sẽ phát tài lớn.

Cô Hoa mỉm cười hoài nghi, nhưng lòng cô cũng muốn nhóm ít nhiều hy vọng. Và thấy chồng nói chuyện may rủi với giọng say sưa, cô cũng không muốn đến gieo sự buồn nản.

Anh Lẫm thấy vợ có vẻ tư lự nên nói tiếp:

- Nếu mình đẻ sớm thì mình qua nhờ mẹ một phen nữa. Tôi trúng được số sẽ mua thuyền chèo qua tận làng đưa mẹ con mình về.

Cô Hoa thở dài yên lặng. Cô biết mẹ cô nghèo, làm lụng luôn tay mà không đủ nuôi đàn em dại. Và theo tục lệ thì chỉ đẻ con so là về nhà mẹ thôi. Chứ cô sinh đẻ đã mấy lần cô cũng qua nhờ mẹ cả. Nói nhờ là nhờ công thôi, chứ tiền bạc và cơm nước cô phải tự liệu lấy.

Cô đang ở giữa một cảnh rất thường tình nhưng khó xử.

Trước mặt chồng, cô không dám tỏ thật nỗi cơ hàn của mẹ cô. Cô sợ nhà bên chồng khinh. Và trước mặt mẹ cô, cô lại càng tránh nói đến cảnh túng bấn của chồng cô. Cô sợ mẹ cô buồn. Người ta đàng hoàng nói đến cảnh nghèo cho nhau nghe chỉ lúc một trong hai bên giàu sang, sung túc thôi. Chứ hai đằng đều nghèo, thì kể cái nghèo ra không tiện và thêm tủi.

Và lúc nào qua nhà mẹ để sinh đẻ, cô cũng vịn lấy cớ chồng cô khờ khạo, nên phải qua nhờ mẹ trông nom. Và trước chồng, cô lại tỏ mẹ hiền đức lắm, lúc nào cũng muốn con gái qua đẻ ở quê nhà để mẹ được cái sung sướng trông nom con cháu.

Kỳ thật mẹ cô cũng như chồng cô đều biết cái nghèo lẫn nhau. Nhưng cô Hoa vẫn muốn giấu, và tưởng thầm đã giấu kín. Một lần qua bên mẹ đẻ, chẳng may cô đã đắp mả luôn cho con ở bên ấy, thế mà chồng cô cũng không biết. Và biết thế nào được. Đường xá cách sông trở đò, và người buôn bán qua lại thì hiếm. Lúc về nhà báo tin cho chồng biết, anh Lẫm chỉ thở dài buồn một chút, rồi hai vợ chồng lại cặm cụi làm ăn như cũ.

Nghe có tiếng nói giữa sân nhà, cô Lài, con gái út ông trùm Lân, đứng dừng lại ngoài đường hỏi lớn:

- Hai vợ chồng anh Xâu to nhỏ nói chuyện gì đấy?

Cô Hoa ngước mặt, cười nói với:

- Nói chuyện trai gái cô Lài ạ!

Cô Lài thẹn đỏ mặt, cúi đầu đi thẳng.

Trời mới sáng tinh sương, cô Hoa đã gói ghém ít nhiều quần áo rách đem về quê mẹ. Anh Lẫm ra vườn cắt hai trái bí ngô và đào mấy vồng khoai, sắn, sắp đầy trong hai cái thúng lớn. Đoạn hai vợ chồng vội vã đi về phía bến đò làng Thuận.

Con Thìn dậy sớm đòi đi theo mẹ đến bến đò, nhưng anh Lẫm không cho, bảo ở lại ngó nhà và đợi hai em dậy. Nó mếu máo đứng nhìn cô Hoa như để nhờ mẹ xin giúp. Cô đến thoa đầu nó, rồi dúi vào tay nó một xu, nên nó hí hửng không đòi đi nữa.

Cô Hoa chỉ xách một trành cá mắm và một gói áo quần thong thả đi trước. Còn anh Lẫm gánh khoai sắn và bí ngô đi sau.

Đến bến đò trời vừa sáng hẳn. Mặt trời đã lên khá cao. Trên mặt sông Viêm đã in từng vầng nắng nhẹ lấp loáng đều đều theo nhịp gió đưa.

Chị em buôn bán ở làng Hiền Lương thấy vợ chồng cô Hoa đi đến thì vội vã người chuyển cái này, kẻ chuyền thứ khác xuống thuyền. Rồi họ tíu tít vây cô Hoa để nói chuyện không ngớt. Riêng anh Lẫm không ai hỏi cả. Anh thừa dịp dọn lại khoai sắn cho gọn trong mui thuyền.

Đoạn anh đến trước mũi thuyền ra sức đẩy. Lệ thường người đi đò phải thân hành ra đẩy lấy. Nhưng lần này, anh muốn giúp một tay nên không gọi ai cả.

Xong rồi, anh lên đứng trên đường cao nhìn xuống thuyền đang từ từ quay mũi. Lúc chiếc thuyền đã theo được dòng sông, họ liền đưa thẳng mái chèo đẩy mạnh.

Cô Hoa nhìn lên chồng cô có vẻ quyến luyến nhưng không nói gì.

Anh Lẫm đi theo thuyền độ vài chục bước rồi đứng dừng lại. Anh thơ thẩn nhìn con thuyền trôi xuôi theo dòng nước.

Như sực nhớ việc gì, lúc thuyền đi qua gần bến Chùa, anh liền hấp tấp chạy theo gọi lớn:

- Mình ơi!

Cô Hoa đưa đầu ra khỏi mui nhìn chồng ra ý hỏi. Anh Lẫm vừa thở vừa nói:

- Lúc cúng khẫm tháng cho con mình nhớ là tôi họ Đỗ chứ không phải họ Ngô như mình lầm độ nọ đâu nhé.

Cô Hoa gật đầu mỉm cười.

Đến đây con thuyền từ từ rẽ dòng sông con làng Thuận Xá. Bóng anh Lẫm đã bị bụi tre là ngà bên cầu che khuất.

Cô Hoa phần nhớ chồng, phần thương con, liền đưa vạt áo nâu lên chậm nước mắt.

 

 

Am Cu-ly Xe

Mới nghe qua tên Am, tôi đã tưởng họ bông đùa.

Nhưng không, người kể cho tôi nghe nói với giọng nghiêm chỉnh lắm.

Cái am ấy nhỏ bằng vôi đựng trên bờ sông Bồ thuộc về làng Thanh Trúc. Trong am chỉ đặt một bát lư hương và cặp đòn con bằng gỗ tiện. Trước cửa am có che một bức sáo xanh kẻ chữ thọ màu hồng. Cách am năm bước có cái mồ đắp lên cao. Ngôi mả của người cu-ly xe.

Chuyện am này ở hai vùng Thanh Lương và Hương Cần ai cũng biết. Họ thường kể cho người lạ nghe với một giọng chắc chắn đáng tin. Ðược dịp kể nhiều nhất là bà bán quán gần am ấy. Và khách qua lại muốn được nghe chuyện chỉ việc uống một bát nước chè hay ăn vài đĩa xôi đậu. Bà quán kể lâu quá thành có duyên và lắm đoạn nghe xuôi như đọc thuộc lòng.

Từ ga Văn Xá đến bến đò làng Thanh kể được trên hai cây số. Bên kia sông là huyện Quảng Ðiền. Bến đò ấy ở vào một chỗ hoang vắng vì kế tiếp con sông là cái cồn mồ. Ở đó, qua huyện Quảng Ðiền gần hơn quay trở về làng Thanh. Dẫn khách đến ga là nhờ con đường chạy dài trong lối xóm, qua vài cái cầu ngắn bằng gạch và ba bốn khoảng phơi mình giữa đồng cỏ cháy. Con đường ấy được nhiều người đi nhất.

Ga Văn Xá làm lễ lạc thành xong thì sau đó hai tuần một người mù đem chiếc xe tay đến đón khách. Ðó là một cái xe thảm khổ nhất. Ruột hai bánh độn rơm và trần xe đã thủng nhiều chỗ.

Khổ hơn nữa là người kéo xe mù lại già, đầu tóc bạc phơ, người gầy gò và trán hói. Theo đúng đường và biết tránh người đi là nhờ đứa cháu nội lên mười chạy dìu phía trước.

Rồi ngày bốn buổi, hai ông cháu lên ga Văn Xá đón khách về huyện Quảng Ðiền. Ðời tuy vất vả nhưng có kẻ thương tình nên cũng đủ sống.

Lệ thường cứ mỗi vòng được năm xu. Hai ông cháu ngày nào cũng kiếm được một vài hào đủ tiêu dùng, cơm cháo.

Từ ngày có xe lửa, dân mấy vùng quê ai cũng thèm đi. Họ cốt đi để mua vui thôi. Vì họ thấy thứ xe lạ và chạy quá nhanh nên họ thích lắm. Thích nhất là được đứng trên tàu gọi tên mấy người quen đang đi trên đường cái quan. Lắm khi họ từ ga này để đến một ga nào, gần đó. Rồi từ ga ấy họ lại mua vé trở về ga làng. Ngày ấy họ chưa kể đến sự tiện lợi đi xe. Họ chỉ biết đến cái thú thôi. Ga Văn Xá nhờ thế ngày nào cũng tấp nập người ra kẻ vào. Và hai ông cháu người kéo xe kiếm được miếng ăn rất dễ. Người đi xe lửa ra khỏi ga họ muốn lên xe tay ngay. Họ đã quen với sự nhanh chóng.

Ði bộ đối với họ lúc ấy là một chuyện phiền. Nhưng được người kéo xe khoẻ mạnh thì chẳng nói gì. Ðằng này lại khác. Bước chân lên xe người mù già, thì người khổ chưa hẳn là người phải kéo xe mà thật ra là người được ngồi. Huống chi ở đây lại phải chịu cái tội trông một đứa trẻ chạy không kịp thở, ngã tới vờn lui, theo bước chân của một ông già yếu đuối. Nên nhiều người thương hại không muốn đi xe.

Nhưng lòng nhân đạo càng ban truyền ra, người kéo xe mù lại càng túng thiếu.

Rồi sau chỉ những người ốm hay già yếu lắm - thỉnh thoảng có vài người say rượu - mới bước lên xe của hai ông cháu.

Lắm người không đi, chỉ gửi vài bao hành lý họ cũng trả tiền hẳn hoi. Nhưng hạng người này hiếm lắm. Ðợi năm sáu chuyến tàu mới gặp được một người.

Tối đến, hai ông cháu thường ngủ trong một cái mui thuyền đặt khum khum trên bờ sông. Sáng mai ba giờ đã phải dậy. Vì phải đợi khách bên huyện Quảng qua sông đi chuyến tàu bốn giờ.

Tiền bạc làm ra được đều do người cháu giữ. Và người ông cũng không mấy khi hỏi đến. Trừ ra lúc muốn mua một vài cút rượu trắng hay làm ăn được, nhớ lại những ngày kỵ giỗ của gia hương.

Ngoài ra, người cháu tuy nhỏ tuổi nhưng sớm khôn, đã lo liệu cho cả. Vì cái quán ở cách đó nửa cây số đã chu cấp cho hai ông cháu đủ các thứ cần, lẽ tự nhiên là phải bỏ tiền ra mua.

Mùa đông năm Ngọ, lạnh và mưa luôn ngày luôn đêm. Ðường từ ga về bến đò đã nhiều nơi bị hư hỏng. Lắm cái cống đất nhỏ bị nước lụt trôi đi. Hai ông cháu phải bỏ công chữa lại. Có thế xe mới đi qua được. Và con đường tuy của chung, nhưng chỉ riêng hai ông cháu để ý và lo ngại hơn cả. Xe độ ấy ế vô cùng. Và gặp cái xe trần thủng, nước tát vào như giội, khách cũng thấy chán không buồn đi. Và đêm nào lên ga đợi chuyến tàu suốt chín giờ, hai ông cháu cũng dẫn xe về không.

Chất chồng vào cái hại kể trên, chuyến đò làng Thanh không qua lại nữa. Vì hai làng Thanh Lương và Thanh Trúc đang kiện nhau để được độc quyền về nghề chở khách. Dân quanh vùng phải đi ngược lên khá xa mới qua bến đò làng Triệu. Phía ấy, cũng có đường đi lên ga nhưng hẹp lắm. Hai ông cháu đành đưa người đi lại quanh vùng Thanh Trúc và chờ nhà nước xử xong, để chở thêm khách bên huyện Quảng Ðiền.

Một đêm trung tuần tháng chạp, chuyến xe suốt lại trễ mất ba giờ. Lúc ấy, vào giữa đêm. Nghe tàu đến, hai ông cháu đã mừng thầm trong bụng. Một lát sau, con tàu đã bắt đầu sục sịch chạy, người kéo xe vẫn chưa nhận thấy có tiếng bước chân nào khỏi ga. Ông hỏi cháu nhưng thằng bé đã lẩn đi ngả nào, Ông chắc nó đang đứng đón khách ở sân ga nên định bụng chờ. Mấy phút sau, đứa bé trở về, ông già mù cảm thấy hình như có một người bước lên xe. Ðứa bé nói với giọng run run:

- Ông ơi, có người lên đó. Ông chạy đi.

Thế rồi hai ông cháu dìu nhau chạy về phía sông Bồ, qua những quãng đường lầy lội và dưới dòng mưa đêm lạnh giá. Trong những cánh đồng ngập nước, tiếng ễnh ương đua nhau kêu não nùng như một bản nhạc mùa đông, nghe buồn thấm tuỷ. Hai ông cháu dưới mấy cái mo cau và tàu lá chuối kết lại thay tơi cắm đầu chạy trên quãng đường ướt át.

Trời tối đen như mực, nhưng may đứa cháu quen đường và nhờ ánh bùn chiếu lên, nên bánh xe cũng khỏi vấp ngã.

Ðến bên đò làng Thanh vào khoảng một giờ khuya. Gió ngoài thổi vào lạnh như cắt thịt. Ðứa cháu sắp dắt ông vào mui thuyền thì như nghi ngại điều gì, người kéo xe mù đã cất tiếng hỏi:

- Tiền xe mô đưa cho ông?

Ðó là một câu hỏi bất ngờ vì mấy lần trước có bao giờ ông hỏi đến đâu. Hay cũng hỏi cho biết số, chứ chưa lúc nào ông định giữ lấy. Ðứa cháu run lẩy bẩy, lúng túng rồi bỗng ôm mặt khóc. Chỉ nghĩ thoáng qua người kéo xe mù đã hiểu ra lẽ thật. Có gì đâu, không thấy khách và muốn ông nó vui lòng, thằng bé đã bê một tảng đá nặng đặt lên nệm xe và dìu ông nó chạy.

Trí non nớt của nó có ngờ đâu mấy năm lao khổ trong nghề, ông nó phân biệt rất tinh tường người ngồi và vật đặt khác nhau nhiều lắm. Nhưng ông nó vẫn chạy, vì mù quáng, vì đói rách nên lòng vẫn hy vọng những chuyện không bao giờ có được.Và biết ra thì thêm khổ. Thấy cháu khóc, ông cũng nức nở theo.

Rồi giữa đêm lạnh, phần già yếu, phần đau buồn, phần đói rét, ông gục xuống dần rồi lăn ra chết ngất.

Ðứa bé sợ thất thanh la hét nghe đứt ruột. Nhưng gió của trời thét mạnh hơn và tiếng nó đành chịu rã rời bay lạc giữa đêm mưa tầm tã. Bên kia sông, huyện Quảng Ðiền xa quá. Chỉ còn vài ngọn đèn dầu chập chờn trong xóm quê đen tối. Con đò đã cắt đường qua lại từ lâu, không đem được lòng từ thiện của bến kia qua bao trùm nỗi thảm thương của bờ nọ.

Sáng mai đi chợ Thanh Lương, khách qua đường thấy trên bờ sông vắng một đứa trẻ thơ đang ngồi khóc thảm thiết bên cạnh một người già nua đã chết cứng đờ.

Dân quanh xóm thương tình, người ít kẻ nhiều dồn nhau lại mua cái hòm mới và chôn cất người kéo xe già tử tế.

Về sau đêm nào cũng như đêm nào, vào khoảng mười một giờ khuya, sau chuyến tàu suốt ra Bắc một giờ, những người ở quanh vùng đó đều thấy một cái bóng xe tay loang loáng chạy về phía làng Thanh Trúc. Người làm giữa ruộng dưới đêm trăng, các em mục đồng và cả sư cụ chùa Linh Hải đều nhận thấy nhiều lần. Và giữa đêm mưa lạnh ông từ làng Thanh Trúc còn nghe thấy cả tiếng nhạc xe trước cổng đình nữa...

Người ta bàn tán và nói rất nhiều. Lúc ấy, làng Thanh Trúc được kiện nên cho thuyền đưa khách qua lại như cũ. Gặp lúc vui dân làng liền quyên tiền để xây cái am cho người kéo xe "linh hiển".

Dân huyện Quảng cũng sốt sắng góp tiền rất nhiều. Con thuyền xưa đã nối lại hai bờ. Lòng từ thiện đã qua sông.

 

Con ông Hoàng

Chính giữa làng Mỹ Lý và đối diện với đình làng Mây bên kia sông, là cái Phủ nguy nga của ông Hoàng Thiên Ý. Ông Hoàng này oai quyền hống hách một thời xưa. Ông Hoàng qua đời đã lâu, con cháu ông ta không có mấy, nên cảnh Phủ ngày càng tiêu điều.

Lúc còn nhỏ tôi biết được ông Hậu là con ông Hoàng và anh Vân là con ông Hậu. Anh Vân học với tôi một lớp, người xanh xao và yểu điệu như con gái. Anh ta thường dẫn tôi về phủ chơi luôn. Ông Hậu năm ấy đã ngoài năm mươi tuổi, người lùn, trán hói và đầu tóc bạc phơ. Ông ta tử tế lắm. Mỗi lần thấy tôi đến chơi, ông niềm nở hỏi han như con cháu trong nhà. Trước sân phủ có mấy cây ổi lớn nên tôi nhớ lại thăm anh Vân luôn.

Phủ tuy cao rộng thênh thang nhưng lúc nào cũng tối tăm và ảm đạm. Những cánh cửa trước tiền đường mấy khi mở. Bầu không khí ở trong vì vậy trở nên nặng nề khó thở.

Trước kia tôi thấy trong phủ có lắm cổ vật quý giá và đẹp mắt. Nhất là những chiếc lư hương bằng ngọc hay là những cành hoa bằng bạc chạm. Nhưng bao nhiêu vật báu ấy dần dần biến đi đâu mất. Tôi hỏi anh Vân thì anh lúng túng đỏ cả mặt. Tôi hiểu ý nên không hỏi nữa. Tuy vậy trước sân nhà ông Hậu lúc nào cũng thấy đầy hoa tươi cỏ đẹp. Ông ta làm ra dáng phong lưu. Có lúc tôi gặp ông ngồi uống rượu dưới giàn hoa lý hay chép vần thơ trên một ngọn lá đào.

Cả ngày ông ta không làm gì hết. Ông ta chỉ đi tỉa hoa hay gác cần ra ngồi câu bên bờ sông Hà Nại. Tôi nghe ông ta có ăn lương tháng nhưng không biết bao nhiêu.

Thỉnh thoảng tôi có gặp ông ta đi chơi trong các lối xóm. Ông ta đi đứng ra chiều nhàn hạ. Khi ra ngoài thì ông ta thường mặc áo gấm, bịt khăn điều và cầm gậy tre bịt bạc. Nhưng ở nhà thì ông ta mặc giản dị hơn. Một hôm, tôi đã thấy trên áo ông ta có chữ thêu. Tôi tưởng là áo gấm nhưng nhìn kỹ tôi mới biết đó là bức trướng thêu thường treo giữa nhà.

Anh Vân thì lúc nào cũng thấy mặc cái áo đen dài bạc màu. Một hôm, tôi đến gọi anh đi học thì thấy anh đang ngồi vá áo. Ông Hậu thấy tôi vào thì giả vờ mắng anh Vân:

- Thật tánh thằng con lạ quá, áo quần để đầy rương mà không đem ra mặc, cứ bo bo giữ lấy cái áo đen cũ nát.

Anh Vân đứng dậy rũ áo không vá nữa.

Anh nhìn tôi mỉm cười nhưng tôi thấy hai má anh đỏ gắt.

Lúc sắp đi học, ông Hậu liền gọi anh Vân đến gần nói lớn:

- Chiều đi học về con nhớ ghé lại nhà ông Huyện Phong mời ông ta đến đánh cờ với chú nhé.

Anh Vân cúi đầu dạ rồi cùng tôi đến trường. Nhưng lúc bãi học tôi cũng không thấy anh Vân ghé lại nhà ông Huyện. Và lúc tôi với anh về Phủ, tôi cũng không nghe ông Hậu hỏi gì hết.

Cảnh Phủ càng ngày càng tiêu điều, còn phía trong thì càng thấy rộng thêm mãi. Bát lư hương sành đến thay thế bát lư hương ngọc, và cách vài tháng sau tôi chỉ còn thấy bát lư hương bằng gỗ. Bao nhiêu cột trong Phủ đã thấy trống trơn và cũ nát, vì chung quanh thân cột không có vật gì bám vào để làm bận mắt nữa.

Qua năm sau lên lớp Nhất, Vân thường vắng mặt làm giờ Sử Ký. Thầy trách anh Vân biếng học nhưng tôi thì hiểu anh ta lắm. Anh ta không có tiền mua quyển sách Sử Ký.

Một buổi trưa chủ nhật đến nhà anh Vân chơi, tôi thấy ông Hậu sai anh ta đi bắt gà. Tôi cũng cởi áo chạy theo anh Vân chận bắt mấy con gà ấy. Sau hai giờ chạy quanh vườn, chui qua bụi chúng tôi mới nhốt được ba con gà trống tía vào trong lồng. Hôm ấy tôi ở lại với anh Vân gần tối mới về.

Tôi ngạc nhiên hết sức lúc thấy ba con gà trống tía của ông Hậu lại ở trong chuồng gà nhà tôi. Tôi hỏi thì mẹ tôi bảo gà của ông Hậu đem lại biếu. Tôi đang phân vân chưa hiểu thì mẹ tôi mỉm cười nói tiếp:

- Rồi nhà mình biếu lại ông ta một thúng gạo.

Tôi thấy cảnh nhà anh Vân túng thiếu nên thương hại. Nhưng ông Hậu lúc nào cũng thấy nhàn hạ say sưa trọn ngày. Ông ta thường cười nói vang nhà hay hát những câu "Tẩu mã" đã quên lửng đi nhiều đoạn.

Dầu ông Hậu đã hết lòng dấu giếm, nhưng sự túng bấn ở nhà ông đã dần dần lộ ra ngoài. Người ta biết ông Hậu sở dĩ muốn tươi tỉnh là để giữ thể diện.

Có lúc ông Hậu đã vờ hào hiệp đến quên cả mình.

Người lính hầu cận của ông Hoàng ngày xưa, một hôm đến thăm ông Hậu và đem đến biếu một cân mứt và hai lượng trà. Ông Hậu nhất định từ chối, không chịu lấy, người lính không nản chí kêu nài mãi:

- Nhờ ơn Đức Ông xưa, con mới làm được phó quản, ơn ấy con xem như trời như biển. Nếu ngài không nhận chút lễ mọn này thì con không bao giờ đến thăm ngài nữa.

 Để người ta nài ép quá nghe cũng chướng, ông Hậu dịu lời đáp:

- Hay tính thế này thì hơn. Anh đã có lòng cho, tôi xin nhận và xin hết lòng cảm ơn anh. Nhưng anh phải nhận lại vật này cho mấy cháu nhà anh mới được.

Nói xong ông Hậu móc túi lấy ra hai đồng đưa cho người lính. Biết từ chối cũng không được, viên phó quản đành cuối đầu đưa tay nhận lấy.

Bắt đầu từ hôm ấy mỗi lần đến Phủ chơi, tôi đều thấy ông Hậu ngồi nhắm mứt với nước trà. Theo anh Vân thì đó là buổi cơm hàng ngày của nhà anh, vì số tiền cuối cùng, ông Hậu đã đưa cho viên phó quản hết.

Nhưng ông Hậu vẫn không thôi cho người ngoài biết nhà ông vẫn còn sung túc.

Lệ hàng năm cứ đến gần Tết là ông Hậu lại bỏ nhà đi đâu hơn vài tuần.

Chính anh Vân cũng không biết ông ta đi đâu. Có người nói ông ta đi thăm rể và con gái ở Qui Nhơn. Người khác lại nói ông ta lên tỉnh để sắm đồ Tết.

Mấy ngày trước Tết năm ấy, tôi được đi với mẹ tôi lên tỉnh. Tỉnh thành xa làng Mỹ Lý hơn ba mươi cây số và phải qua năm sáu chuyến đò. Ba bốn năm tôi mới được đi một lần.

Ngày ấy, cảnh tỉnh thành đối với tôi tươi sáng quá. Tôi đi xem ngót nửa ngày mà không thấy mỏi chân.

Trước thềm một căn phố bán giấy hoa, tôi bỗng chú ý đến một cụ già đang ngồi viết chữ thuê. Mấy bọn trẻ đứng vây chung quanh nhìn ông ta viết một cách lơ đãng. Chữ ông ta viết đẹp lắm, tuy lúc viết bàn tay hơi run run. Viết xong, ông ta lại ngồi nhìn mấy câu liễn hay lấy ít viên sạn chặn lên trên.

Tôi bỗng giật mình lúc thấy ông ta đứng dậy uốn lưng cho đỡ mỏi. Tôi vội vàng đi thật nhanh vì sợ ông ta lại nhận thấy được tôi, vì ông ấy là ông Hậu... con ông Hoàng.

 

 

Làng

Cách chân đèo Phước Tượng hai cây số và ở giữa phá Cầu Hai có một chồng đá xám mọc lên thật cao. Trên chồng đá ấy có cái am vôi trơ trọi đứng một mình. Mặt am nhìn về phía núi Tùy Vân và cách đó ba cây số là cửa biển Tư Hiền. Lưng am chênh chếch xây về dãy Trường Sơn và riêng hòn Bạch Mã trán cao chất ngất, về phía ấy chân núi bò ra tận phá và nhiều khoảng chuồi thẳng mình trong bầu nước rộng mênh mông.

Am không có vẻ hoang phế, nhưng cũng không được vẻ săn sóc lắm. Trong am đếm được hơn ba trăm bát lư hương vừa sành vừa gỗ. Am xây theo kiểu cổ, mái vồng và chân mạnh. Chắc đã bị bão táp nhiều phen nhưng mặt vôi nhiều nơi còn nguyên láng. Tìm niên hiệu thì mới biết am dựng năm Hoàng Định Nguyên Niên (tức về đời vua Lê Thánh Tông đầu thế kỷ 16). Hỏi người sống trong làng mạc hai bên phá thì họ bảo là Am Kẻ Chài. Nhưng người chài lưới thì nhắc đến tên kính cẩn hơn: Am Cô Giang.

Dưới đây là câu chuyện do một cụ già Trường Sơn kể lại:

"Theo ông bà tôi thì am dựng đã lâu, lâu lắm. Hồi ấy, Huế chưa có kinh đô và vua còn ở đâu ngoài Bắc. Phá Cầu Hai lấy tên là Trựng Tô do người Chàm đặt. Hai bên bờ phá không có xóm người ở. Nhưng chính giữa phá đã có lớp người dựng lên làng mạc hẳn hoi. Quanh năm họ sống về nghề chài lưới. Họ là người của nhiều làng, nhiều nước. Nghe đâu có cả người Trung Quốc và dân Chiêm Thành nữa. Họ gặp nhau trong cảnh làm ăn hay trên đường lưu lạc. Rồi từ quen biết đến thân yêu, họ thành lập một làng sống với nhau trên mặt nước. Làng ấy là một khoảng phá lan dài trên tám dặm nước. Họ toàn là kẻ tha phương ở với nhau lâu ngày, tình liên lạc trở nên đậm đà và bát ngát.

Làng ấy không có tên và chỉ lấy chữ Làng vẻn vẹn. Nhưng dân chài lưới lại hiểu một cách sâu xa thấm thía. Động ai nhắc đến tên Làng là lòng họ đã thấy nhớ nao nao.

Dân trong Làng thường đi làm ăn phương xa, nhất là vào đầu mùa thu. Vì hồi ấy nước nguồn đổ xuống nhiều. Ở đâu có nước ở đó là nhà. Người chài lưới đã quen sống lênh đênh nên không biết ngại ngùng trên những dòng nước lạ. Họ cắm thuyền bất cứ đâu. Đời họ đã quen với phá rộng, với sông dài. Cách giao tiếp dễ dàng như con với mẹ.

Năm tôi hai mươi tuổi thì Làng được trên hai trăm dân. Hàng năm vào tháng bảy tôi đã chèo thuyền đi về phía Thuận An. Cuối năm nào tôi cũng gắng về Làng rất đều đặn. Vì đêm ba mươi tết, dân Làng có tục lệ hội họp chung quanh am. Xa cách mấy tháng liên tiếp nên đêm ấy họ nhao nhao hỏi nhau rối rít. Vì hàng năm chỉ đêm ấy họ mới biết số dân Làng đã thêm bớt bao nhiêu.

Cuộc họp mặt ấy rất vui. Họ thả lưới cầu may vào khoảng ba giờ sáng. Sợ nhất là bắt được lươn chình. Vì đó là điềm rủi. Trong lưới được bao nhiêu tôm cá họ đều đổi cho nhau cả. Tục lệ trao đổi ấy cũng như quà biếu đầu năm. Nhưng ở đây vui hơn. Vì không ai mất tiền mua quà cả.

Buổi chài lưới đầu năm họ chia cho nhau chứ nhất định không bán. Các chợ Tết ở làng mạc phố phường vì thế không có tôm.

Dân Làng xem đó là một sự hãnh diện tự chủ của đời sống bềnh bồng trên mặt phá mênh mông.

Cuối năm Thìn tức năm Thành Thái Lục Niên, tôi đang ở Kim Long gần Quảng Trị. Tôi định ăn Tết một năm ở đấy cho vui. Nhưng không hiểu sao chiều hai mươi tám tết, tôi tự nhiên thấy bồn chồn một cách lạ. Tôi nghĩ chắc có chuyện gì không hay xảy ra.

Buổi chiều, tôi nhất định chèo thuyền về Làng. Từ phá Tam Giang đến Cầu Hai cách nhau ngót năm cây số. Tôi phải chèo suốt ngày đêm. Lúc nào nấu ăn thì tìm bờ cắm thuyền lại.

Dọc phá tôi mới sực nhớ năm nay đến phiên tôi "hương khói" Am Cô Giang và tôi tự bảo có lẽ vì thế nên "ông bà" bắt mình nóng lòng nóng ruột.

Am Cô Giang là nơi dân Làng đến gửi lư hương nhà trước khi đi làm ăn xa. Người có mặt sẽ cúng thay người vắng mặt. Và hàng năm Làng cử một người đến am cúng bái trong ba ngày tết.

Chiều ba mươi lúc mặt trời sắp tắt, thuyền tôi đã đến đầu làng Mỹ Lợi. Tôi nhắm chừng chân đèo Phước Tượng chèo tới mãi. Nhưng càng đến gần sương mù càng sa xuống nặng. Sau tôi thấy như khói đặc từ mặt nước bốc lên không. Mặt phá vì thế trông mông lung không bờ bến. Xa xa, đèo Phước Tượng như trôi dập dìu trong ngàn mây trắng.

Đến am Cô Giang vào khoảng mười một giờ khuya. Tôi nhận thấy chung quanh không có bóng thuyền nào cả. Tôi tin thuyền dân làng đang lẩn trong sương đêm còn phủ đầy mặt phá.

Khí lạnh bắt đầu bao vây cả người tôi. Tôi mặc thêm cái áo đen dài nữa. Cắm thuyền xong tôi liền bước chân lên một tảng đá lớn. Nước lấp lánh trong khe đá như thủy tinh. Sau một làn sóng dội, nước trong mấy lạch đá cùng một lần hòa nhịp phập phồng theo. Tôi chúm chân lấy thăng bằng rồi đi thẳng vào am. Đứng trên tảng đa cao, tôi đưa mắt nhìn mông ra xa. Tôi cũng không nhận thấy bóng thuyền nào cả.

Sương xuống dày quá và tôi run cả người. Quanh tôi trời nước mênh mang. Xa xa dãy núi Trường Sơn phủ đầy mây đã như một ngọn sóng thần tung bọt đổ xô về phía tôi. Tôi tự thấy mình nhỏ quá và con thuyền trước mắt không hơn gì một ngọn lá tre. Tôi sợ quá đến muốn kêu lên một tiếng thật lớn. Nhưng tôi vẫn không dám.

Ngay lúc ấy, ở triền núi Bạch Vân có mấy ánh đèn của chùa Linh Sơn nổi bật lên trong đám cỏ cây trùng trùng điệp điệp. Có lẽ chùa đang cúng lễ giao thừa. Nhìn được ánh đèn xa, lòng tôi cũng thấy bớt sợ.

Muốn đáp lại dấu hiệu che chở của nhà chùa, tôi liền thắp đèn trong am thật sáng.

Đèn Am vừa bật lên, một cảnh đẹp kỳ dị đã phơi ngay trước mắt tôi. Lẩn trong sương mù, mấy trăm chiếc thuyền Làng đều lên đèn một lượt. Ngọn đèn xao động trông hơi mờ và xanh nhạt. Thuyền Làng trôi từ từ nên ánh đèn cứ thay đổi chỗ mãi. Trước cảnh xinh đẹp ấy, tôi hối hận đã dám nghi dân làng quên cuộc họp hàng năm.

Sương mù càng sa dày hơn nữa và tôi cảm thấy nằng nặng trên hai vai. Khí lạnh như cố ôm riết người tôi. Tôi không cử động được.

Không biết tại sao lúc ấy có cái gì rờn rợn và bắt tôi rùng mình. Tôi gọi lớn tên mấy người bạn tôi quen. Ở đằng xa thoang thóang có mấy người lao xao đáp lại. Nhưng tôi cũng không nhận rõ được ai. Hơi lạ là tiếng chuông chùa Linh Sơn tuy nhỏ và xa, tôi vẫn nghe rõ lắm. Tôi nghĩ dân làng kiêng không cho thuyền mình đến gần - như người ta kiêng xông nhà, đào đất - nên không gọi nữa.

Thuyền Làng bắt đầu chèo quanh am làm tôi nhìn theo chóng cả mặt. Ban đầu ánh đèn còn đi chậm, sau đi nhanh, sau cùng đi nhanh quá đến nỗi tôi thấy toàn người như đảo lộn. Đứng không vững tôi liền tìm thuyền xuống nằm và ngủ quên lúc nào không biết.

Sáng dậy bước ra khỏi mui thì trời đã bừng sáng. Sương đã tan và mặt nước tươi xanh như mới nhuộm. Tôi dụi mắt nhìn lại mặt phá thì không thấy thuyền Làng đâu cả. Chưa biết duyên cớ gì tôi đã sợ lạnh cả người. Chèo thuyền đi hỏi mấy làng lân cận thì họ bảo:

- Trận bão dữ dội ngày mồng hai tháng tám năm Thìn, thuyền và dân làng đã chìm và chết hết.

Nghe xong, tôi buồn uất, khóc không ra tiếng. Từ đó, tôi cứ chèo thuyền làm ăn thật xa, không mấy khi trở về làng. Về thêm khổ, và về với ai?"

 

Chuyến xe cuối năm

Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.

Gió ngoài trời thổi vi vút tỏa hơi lạnh khắp mấy toa vắng vẻ. Tâm ngồi dựa mình vào lưng chiếc ghế dài, gác chân lên rương, hai mắt lim dim muốn ngủ. Rải rác trong toa có thêm năm hành khách khác nữa, nhưng họ đã ngủ từ lâu. Tâm thấy giấc ngủ của họ dễ dàng quá mà thèm. Nhưng Tâm cũng không biết làm thế nào để ngủ được.

Tâm đã lấy kính đen ra đeo để ánh sáng trong toa đỡ chói, nhưng càng không thấy được cảnh vật chung quanh, Tâm càng nghĩ vơ vẩn. Tâm buồn vì giữa lúc thiên hạ đang nô nức trong gia đình để đón xuân sang, Tâm lại ngồi trong một toa xe lạnh lẽo với chung quanh những gương mặt lạnh lùng.

Buồn và tủi, Tâm muốn khóc để bao nhiêu nỗi khổ được tuôn ra. Nhưng Tâm vẫn không thể khóc được.

Sau bao nhiêu năm lăn lộn trong cảnh làm ăn chật vật, Tâm đã cảm thấy lòng mình rắn rỏi và nước mắt không chảy được dễ dàng như xưa. Hôm nay nghe hơi lạnh chạy lồng trong áo và ngoài trời tiếng gió vi vu, Tâm miên man nhớ lại những mảnh đời xa cũ.

Chuyến xe vẫn chạy xiết trên con đường sắt và in những tấm vuông sáng mập mờ trên quãng đồng hoang vắng. Cỏ hai bên đường cúi rạp mình như khiếp sợ trước một sức mạnh oai nghiêm.

Mấy người vùng quê mới vẳng nghe tiếng còi đã chạy ra giữa sân nhà đứng ngóng. Lúc thấy xa xa cặp mắt đèn đang khoét bóng đêm dày đặc, họ liền lẩm bẩm:

- Tàu hỏa đã đến. Thế là mười hai giờ; thế là đã qua năm khác.

Khắp trong thôn mấy tràng pháo chuột lách tách nổ lên một hồi. Hơi pháo đi gần, đi xa và quyến luyến đuổi theo con tàu đêm tết.

Hành khách trong toa đều dụi mắt ngồi dậy. Sự thực họ không ngủ như Tâm đã tưởng. Họ thức và lòng họ cũng thao thức như Tâm.

Hành khách trong chuyến tàu này toàn là những người đã xa lạc gia đình. Suốt năm họ ăn cơm quán, ngủ nhà thuê rồi gần Tết họ lại tìm về quê hương của họ. Họ đến ở tạm ít hôm trong nhà người quen để lại đi và tự hứa thầm sang năm về nữa. Tâm cũng ở trong cảnh ngộ ấy.

Một cụ già tay vẫn giấu trong hai túi áo, nhìn ra cửa sổ xe một lát rồi nói:

- Tiếng pháo giao thừa đã nổ ran rồi đấy.

Tiếng cụ già như gieo rơi vào cõi không người. Không ai lên tiếng hưởng ứng. Nhưng lời cụ đã lạc vào tâm hồn những người ngồi chung quanh và bắt họ buồn rầu nghĩ ngợi. Gương mặt người nào cũng thoáng hiện một nét buồn ngao ngán lạnh lùng.

Tâm đưa tay kéo vành mũ xuống. Lúc đặt tay lại chổ cũ Tâm thấy lạnh. Tâm loay hoay tìm lại dáng ngồi ấm áp trước, nhưng không thể được.

Con tàu vẫn thản nhiên chạy giữa cánh đồng hoang.

Năm giờ hôm sau, ánh sáng như đến chùi nhạt tất cả vẻ buồn đã sống lại trong lòng Tâm giữa đêm tối. Nắng gieo ngoài nội cỏ, nắng lướt trên dòng sông. Nhìn nắng, Tâm thấy lòng vui tươi hơn trước.

Cụ già ngồi bên cạnh Tâm lấy áo điều ra mặc. Mấy hành khách kia cũng tìm nước rửa mặt và choàng thêm áo mới đủ màu. Tăm thấy họ thay đồ mới cũng bắt chước làm theo. Tâm mở rương lấy chiếc "cravate" màu vàng đeo vào cổ và thay cái áo dạ đen đã bạc màu. Tâm vừa thay áo xong thì người soát vé mở cửa vào. Lúc thấy ai nấy đều thò tay vào túi tìm vé thì người ấy tươi cười vội nói:

- Xin các ông cứ ngồi yên. Đầu năm tôi đến xin chúc các ông được vạn sự như ý.

Tâm và mấy người trong toa đứng dậy chúc lại.

Nhưng mỗi người nói mỗi câu nên lộn xộn không nghe được câu nào. Người soát vé cúi chào mọi người rồi đi sang toa khác. Tâm đưa mắt nhìn theo và cảm thấy tâm hồn tự dưng nao nức.

Cụ già hết chúc người này đến người khác. Họ chúc lẫn nhau và đem mứt bánh trong rương mời nhau ăn một cách vui vẻ. Tâm cũng dự vào bữa tiệc cỏn con ấy và Tâm so sánh sự vui trong lòng mình với ánh nắng mùa xuân lạc trên đồng cỏ mới.

Từ toa cuối một thiếu phụ trẻ dắt đứa con trai lững thững đi lên. Mọi người quay lại nhìn thiếu phụ yên lặng. Thiếu phụ cúi chào rồi mỉm cười:

- Chết! Có lẽ cháu là người đầu tiên đến xông rồi.

Cụ già lên tiếng:

- Đồng tử đến xông nhà là quý lắm đấy!

Cụ già vuốt râu nói tiếp:

- Như nếu cô đến xông trước cũng không hại gì. Vì cô có dẫn theo đứa con trai. Theo tục lệ xưa chúng tôi tin nhà ai được hai mẹ con đến xông thì hay lắm.

Thiếu phụ tươi cười:

- Nghĩa là như cháu đến xông nhà các bác hiện giờ. Nhưng "hay" thế nào cụ?

- Là nhà người ấy được đoàn tụ và nhà có người đến xông được vợ chồng hòa hợp.

Thiếu phụ cúi đầu xuống như để giấu một chút lệ buồn thoáng nở trong mi. Vô tình cụ đã tự mỉa mai mình và mỉa mai người khác. Trên trán cụ nét nhăn khổ bấm mạnh lên trên nét nhăn già.

Một lát sau thiếu phụ tươi tỉnh:

- Các bác cho cháu đến ăn Tết ở đây cho vui. Ở toa cuối không có ai hết.

Cụ già vui vẻ:

- Vâng, cứ tự nhiên, nhà chúng tôi cũng như nhà cô.

Cụ già nói đến chữ "nhà" với giọng thành thật đến như quên mình đang ở trong toa.

Qua ga Mỹ Lý, chuyến xe lửa ra Bắc lại từ ánh sáng mờ mịt của buổi chiều tàn dấn mình trong bóng tối mênh mông của cánh đồng bát ngát.

Một gia đình gồm có những người không gia đình đang vui vẻ ăn Tết và đang quay bánh lăn dài trên con đường sắt.

Trời lại sáng, Tâm giật mình tỉnh dậy. Tâm lấy làm lạ là cụ già, thiếu phụ, và mấy hành khách kia không còn trong toa nữa. Tâm ngồi nhớ lại cảnh êm ấm của một gia đình tạm chiều hôm qua. Bên lòng Tâm như còn vương lại ít nhiều hương vị của ngày Tết. Tâm say sưa và lòng Tâm bát ngát. Nhưng Tâm còn muốn níu lại trong lòng thì hương vị ấy lại dần dần tan mất. Tâm thất vọng. Lòng Tâm lại lạnh như gió ngoài trời đã lạnh.

Tâm bàng hoàng đứng dậy... Cảnh gia đình êm ấm chiều hôm qua đối với Tâm đã như một cảnh đoàn viên trong mộng. Tâm không tin có thật. Cũng như Tâm đã sợ không dám tin có gia đình.

Tâm xuống ga Vinh.

 

Một đêm xuân

Giữa một trái núi bốn mùa mây phủ, một mái am tranh nương nhẹ mình trên một toà đá cheo leo. Chung quanh là đất thẳm trời xa, mờ mịt vây tròn trong cảnh mông mênh của gió lộng. Ở đây trời màu biếc, đất màu lam và mùi sơn đã thơm ngạt ngào như hương bửu tọa.

Trong am một mình sư cụ đang gõ mõ tụng kinh, với cặp mắt mãnh liệt trên khuôn mặt héo buồn. Tiếng sư cụ cất lên lanh lảnh rồi hạ xuống dịu dàng như hoà nhịp với tiếng trống đổ hồi bên kia rừng thẳm. Sư cụ lắng hết tinh thần trong đôi mắt để đọc những dây chữ đang chập chờn, rung rinh theo ngọn đèn bạch lạp.

Dưới mắt sư cụ mấy dây chữ dần dần biến hẳn đi để nhường lại cho màu xanh non của giấy. Tay sư cụ ngừng gõ mõ. Dư âm vẫn còn phảng phất trên ngàn không. Hai mắt lim dim, sư cụ lắng hết tâm tư đuổi theo một giấc mơ huyền bí.

Chung quanh trống trải như lòng. Yên lặng gần và xa.

Nhưng bỗng sư cụ giật mình. Tiếng bước dầu sẽ của chú tiểu trước am đã như một quả đào non rơi trên hồ nước lặng. Bao nhiêu sức định thần của sư cụ đều từ từ lan ra như vờn nước gợn. Sư cụ quay đầu lại hỏi:

- Con đã hái hoa bên rừng thu về đấy phải không?

Chú tiểu gương mặt hồng hào, người hơi gầy, cặp mắt sáng, kính cẩn chắp tay thưa:

- Bạch sư cụ, phải.

Đứng lặng một lát chú tiểu tiếp:

- Bạch sư cụ, sáng nay nhân qua suối Nguyện hái hoa con lại thấy trên dải sông Tương, thuyền của đám như phủ đang đua nhau chèo xuôi về cuối núi.

Sư cụ cau mày ra dáng ngẫm nghĩ. Hai mắt sư cụ mở lớn nhìn về phía chân trời xa. Nhưng cặp mắt như soi được bóng tối, đọc thấu đáy lòng, bỗng hiền từ nhắm lại.

Chú tiểu gương mặt vẫn không thay đổi, cúi đầu thưa:

- Bạch sư cụ, và rừng mai sau triền núi Thệ hôm nay cũng trổ hoa trắng cả trời.

Sư cụ như đã ngẫm nghiệm ra được, nên với giọng hơi buồn nói sẽ:

- Thế là mùa xuân sắp đến và thuyền ngư phủ đã lái trở về quê hương.

Chú tiểu gương đôi mắt trân tráo nhìn sư cụ có vẻ không hiểu. Sư cụ buồn rầu nói tiếp:

- Họ về với gia đình để ăn Tết con ạ.

Nói xong, lòng sư cụ tự nhiên thắm đượm một nỗi buồn mang mác. Bao nhiêu kỷ niệm xa xăm về Tết đều sống lại đầy vơi trong lòng sư cụ. Sư cụ muốn quên, cố quên thì những ý ấy lại nẩy nở dồi dào và rõ ràng hơn nữa. Sư cụ buồn. Một thứ buồn lạ lùng trên gương mặt chỉ biết bình tĩnh và trầm ngâm.

Dứt được một cuộc đời nhọc nhằn, đen tối, không ngờ lòng sư cụ còn giây quyến luyến với quê hương. Rồi càng muốn quên, sư cụ lại nhận thấy mình đang định tâm nhắc lại.

Sư cụ với tay lấy tràng hạt nằm tròn trên quyển kinh rồi nhắm mắt lần một cách mê cuồng vội vã...

Đêm hôm ấy trời tối đen như mực. Muôn ngôi sao đang run rẩy trên tầng không. Về phía xa, cánh rừng mai đã loang loáng phơi một màu trắng sữa. Một mùi hương nhẹ ướp thơm cả khí trời. Cơn gió lạnh thoảng trong rừng thông nghe mơ màng như bản đàn mới dạo. Trước mái am tranh, cây sơn trà ngập ngừng thả rơi từng chiếc lá một.

Tối hôm ấy, cũng không biết là tối hôm nào, lòng sư cụ lại tự nhiên ngờ là đêm ba mươi Tết. Sư cụ đến thắp đèn ở trước Phật đài thật sáng và đốt trầm nhiều trong một cái đỉnh hình hoa sen. Đoạn sư cụ quỳ trên chiếu cỏ cố thành tâm tụng niệm để quên những chuyện xa xưa. Một sự thầm tiếc thoáng qua lòng, sư cụ vội vàng đánh mõ khua chuông để che lấp. Đôi mắt của sư cụ luôn luôn nhìn tượng Đức Thích Già như để cầu mong sự che chở.

Nhưng một luồng gió lạnh lọt qua khe cửa và thoáng chạy lồng trong chiếc áo rộng tay. Sư cụ miên man nghĩ đến những vụn đời xa cách.

Một lúc sau sư cụ mới nhận thấy đã đọc trên hai trang kinh mà không để ý. Biết là lúc chưa tụng kinh được, sư cụ liền đứng dậy với lấy gậy trúc lê ra sân, chú tiểu nãy giờ vòng tay đứng hầu bên cạnh lẳng lặng bước ra theo.

Cả bầu trời đang chìm trong bóng tối mênh mang bí mật. Sương đã bắt đầu rơi nặng hạt. Một làn mây trắng đang lướt nhẹ bay về phía am. Sư cụ quay lại nói với chú tiểu:

- Con vào đóng cửa lại chẳng mây trời sắp bay lạc vào am.

Sau tiếng dạ cố kéo dài cho đỡ lạnh, chú tiểu nhẹ cất bước đi vào.

Giữa lưng núi, những đàn đom đóm thong thả bay lên cao trông như một đoàn thiện nam tín nữ đốt hương lên am lễ Phật. Về phía đồng nội có vài cái rớn màu vàng lẫn trong ngàn mây xám. Sư cụ nghĩ ngay đến muôn gia đình đang ăn Tết và ánh sáng đèn dội rực toả lên mây. Sư cụ còn nghe trong tưởng tượng những tiếng pháo xa nổ giòn như những chuỗi cười đêm Tết.

Một luồng máu lạnh như đến tràn ngập trong lòng và bắt sư cụ tê mê một lúc. Sư cụ lo lắng quay vào trong am.

Nhưng trước Phật đài sư cụ tự nhiên trông Đức Thích Già như một pho tượng lạ. Vì sư cụ đang mong chờ những khuôn mặt quen hơn. Lần đầu tiên sư cụ đi vào am mà cảm thấy mình như một người lạc bước.

Nhưng ý ấy chỉ thoáng qua trong nháy mắt. Sư cụ rùng mình xem như một sự phạm giới vô biên.

Sư cụ muốn thở dài cho lòng đỡ nặng nhưng ngập ngừng chỉ dám dứt hơi ra từng đoạn ngắn.

Cũng như bên kia rừng thẳm, ngọn thác rụt rè đổ từng nhịp nước xuống mênh mông.

Xa xa trên đồi liễu có vài ngọn lửa hồng đang tưng bừng bùng cháy. Nhưng vài ngọn lửa ngàn không sưởi nổi cả một trời sương.

 

Ra Làng

Năm ấy tôi học lớp nhất trường Mỹ Lý.

Tôi tuy còn ít tuổi, nhưng người tôi độ ấy trông đã cao xõng và bệ vệ lắm. Làng Mỹ Lý dân cư ít nên mỗi năm vào kỳ tế thần thì dân trong làng phải ra đình cho đủ. Đó là cái lệ thường năm, nên đến kỳ tế không sức mà ai cũng biết. Có năm muốn đám rước thần được trọng thể, ông Lý lại còn cho đòi cả con dân trên mười lăm tuổi ra làng nữa. Ra làng đối với tôi hồi ấy là một sự vui thích hiếm có, vì nếu ông Lý không cho đòi, thì chưa chắc tôi đã được tự do ra xem họ tế lễ. Nhưng có ra làng một lần mới biết lắm cái khổ nhục đáng sợ, mà dẫu mình giàu tưởng tượng đến đâu cũng không ngờ trước được.

Trước hôm tế thần một ngày, ông Lý có ghé lại nhà tôi và ân cần cho gọi tôi ra nói:

- Bác thấy năm nay cháu cũng đã lớn rồi, vậy mai là ngày tế thần, cháu phải ra đình một hôm cho biết. Có ra đình mới biết làng biết nước, biết dại biết khôn, chứ lục đục luôn ở trong nhà thì không bao giờ biết khôn được cháu ạ. Vả cháu lại là học trò thì công việc cháu cũng chỉ thắp hương hầu Thánh hầu Thần là đủ rồi, chứ không ai bắt cháu làm gì nặng đâu mà cháu sợ.

Nghe ông Lý nói tôi tưởng như lên tiên được, nhưng không dám để lộ nét vui tươi ra ngoài mặt, vì còn sợ cha tôi bảo nhác học định kiếm cớ để ở nhà.

Tôi chỉ đứng lặng ngước mắt nhìn cha tôi, còn ông Lý thì đưa mắt nhìn tôi như muốn dò ý tứ.

Sau lúc uống một hớp nước trà nóng, cha tôi thong thả để chân xuống bàn, dịu dàng bảo tôi:

- Ừ, thì năm nay con đã lớn, rồi cũng phải ra làng cho biết... Bác Lý đã có lời dạy thế thì tối nay con phải tắm rửa cho tinh khiết mới được.

Thấy công việc mình sắp đặt được ổn thỏa, ông Lý liền đứng dậy cáo từ cha tôi rồi xách dù đi qua mấy nhà khác.

Thấy tôi còn đứng bên cạnh bàn chưa chịu đi, cha tôi tưởng tôi không bằng lòng nên quay lại hỏi:

- Thế nào, con không muốn ra làng à? Có ra làng mới biết người trên kẻ dưới, biết thượng hạ tôn ti được con ạ. Ngoài cái ích được học khôn lại có cái vinh hạnh ngồi trên dân nữa.

- Ngồi trên dân thế nào được, thật tình con không hiểu.

- Thì thật tình con ngu lắm. Ngồi trên dân nghĩa là được ăn trên ngồi trước dân, có khó gì đâu không hiểu. Ngu đến thế mà cũng đòi sang năm đi thi với cử.

Tối hôm ấy, tôi phải chạy quanh xóm để mượn một cái khăn, nhưng không nơi nào có hay có thì rộng không vừa với đầu tôi. Sau cùng tôi phải lấy liều cái khăn của bác xã Thuyền, một người thường đến nhờ tôi đọc thư hay viết yết thị.

Khăn của bác ta hơi rộng thật, nhưng tôi định chêm vào phía sau một cái vỏ diêm không, thì chắc cũng vừa được. Nhưng cái khăn lại đầy những chấm trắng tròn chuột khới, trông không khác gì một cái hộp tròn bằng mun khảm cẩn. Tôi phải bỏ ngót nửa giờ để lấy mực bôi vào những chấm trắng ấy. Thế là khăn đã đen rồi, chỉ còn áo dài nữa là đủ. Nhưng áo đen dài thì không lo, tôi chỉ mượn chị tôi kết lại mấy cái nút áo vải dù - tôi thường mặc đi học - là được.

Sắp đặt đâu đấy xong xuôi, tôi lên giường định đi ngủ thật sớm. Nhưng tiếng mõ đầu làng làm tôi giật nẩy mình luôn. Tôi muốn ngủ nhưng không tài nào nhắm mắt được. Tôi trăn trở qua lại mãi. Bao nhiêu cảnh rực rỡ ngoài đình mà tôi thấy được lúc đi học về đã làm cho tôi rối trí. Tôi tưởng tượng dến vẻ oai nghiêm của thần thánh, vẻ đạo mạo của mấy viên chức sắc trong làng, rồi tôi đâm ra lo sợ. Tôi lại tự nhận mình là một người quan trọng trong làng, một người đã biết tham dự đến việc tế thần tế thánh, không khác gì - theo ý tôi - một ông quan được dự vào việc triều đình để bàn việc cai trị cả muôn dân. Những ý nghĩ viễn vông ấy làm cho tôi sung sướng quá đến ngủ quên lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, tôi đã nghe tiếng trống ở đầu làng đưa đến rất kêu và rất chậm. Tôi vươn vai đứng dậy định đến bên bàn sắp sách vở lại để sửa soạn đi học, thì cái khăn nằm gần đấy nhắc tôi nhớ đến câu chuyện ra làng.

Tôi nhìn lại cái khăn để trên bàn rùng mình như bị điện giựt. Vì trên mặt khăn, mấy con gián ác nghiệt đã khởi thêm mấy lỗ khá lớn nữa. Còn những chấm trắng tôi đã bôi mực cũng không chịu đen toàn vẹn cho, chỉ rải rác trên mặt khăn những chấm lốm đốm màu đen ợt. Có lẽ vì tôi bôi mực trên mấy chấm trắng ấy lúc ban đêm nên mới trông qua thì tường đã đen nháy nhưng kỳ thật thì còn nhạt lắm. Thế là tôi phải mất thêm mười phút để hàn lại mấy chổ trắng, và phết thêm một lớp mực nữa.

Công chuyện chữa lại cái khăn vừa xong, đồng hồ trên tường đã gõ tám giờ. Chị tôi vào gọi tôi ra ăn cháo và mỉm cười nói chế tôi một câu rất khó chịu:

- Gọi em cho lấy lệ thôi, chứ hôm nay thì em thiếu gì xôi thịt ở làng lại phải ăn cháo ở nhà. Chị được như em thì chị nhịn đói đến hai hôm trước khi ra đình, vì có vậy mới sẵn bụng nạp xôi, thịt được.

Nói xong, chị tôi lấy vạt áo trước che miệng cười như nắc nẻ.

Tôi cũng chữa thẹn liền bằng một câu khôi hài rất nhạt nhưng hiệu nghiệm vô cùng. Câu ấy tuy không dính dáng gì với câu của chị tôi nhưng lại làm cho chị tôi sượng sùng không dám đứng nói kháy với tôi nữa:

- Em được ra làng là chuyện dĩ nhiên. Chứ chị muôn năm cũng không làm gì ra làng được. Nhưng điều ấy không đáng lo lắm. Vì năm nay đã có anh Huân, rể mới của thầy, ra làng thế cho phần chị rồi.

Chị tôi cúi đầu thẹn đỏ mặt, đi thật nhanh xuống bếp không dám quay đầu ngó lại nữa.

Ăn cháo xong, tôi gói khăn vào một tờ giấy nhật trình rồi theo một đường rất hẻo lánh để đi đến đình.

Đường hẻm dẫn ra đình thì dài lắm và còn nhớp là khác, nhưng đi đường ấy tôi được yên lòng hơn. Dọc đường tôi khỏi sợ gặp thầy giáo hay chúng bạn cùng học một trường. Đi với tôi có những ông già lụ khụ cong mình trên gậy trúc, và những anh chàng trai trẻ, mặt mày đen xám, quần ống thấp, ống cao, như quanh năm họ chỉ ở trong cảnh bùn lầy nước đọng. Mấy anh này vừa đi vừa nói chuyện làm ăn, cãi nhau om xòm và hầm hè nhau như quân thù địch.

Tiếng thanh la đầu làng đưa lại, như thúc hối, như nạt la làm cho tôi cứ băn khoăn mãi. Đi gần đến đình chừng nào thì lòng tôi lại thấy lo sợ, hồi hộp chừng nấy. Một mối lo sợ vẩn vơ không nghĩa lý cứ ám ảnh tôi hoài ngay từ lúc tôi nhận thấy mái đình xa xa sau rặng liễu.

Trước khi đi đến đình tôi phải dừng lại sau cái miếu Thần Đá để đội cái khăn lên đầu cho tề chỉnh. Trước kia tôi đã định thêm phía sau khăn một cái vỏ diêm không cho vừa với đầu tôi, nhưng rủi tôi lại quên không đem theo. Tôi phải đành ngồi xếp lại tờ nhật trình. Đoạn lót vòng giấy cong ấy ra phía sau đầu tôi, trước khi đội khăn lên. Rồi lấy hết dáng điệu rất tự nhiên - nghĩa là chỉ tự nhiên trong trí tưởng tượng - để đi thẳng vào đình.

Tôi thấy ai cũng đứng lại trông tôi nên tự hổ thẹn và ngượng nghịu quá. Nhưng sau thấy người đi qua lại càng lúc càng đông nên dần dần tôi không lo sợ như trước nữa. Tiếng ồn từ trong đình đưa ra, tiếng thanh la từ ngoài sân dưa vào làm huyên náo cả một góc làng tịch mịch. Vì nghe nhiều thứ tiếng quá nên tôi hóa ra can đảm và nhất là bặt thiệp với mấy người quen biết.

Nhưng chỉ phiền cái khăn cứ theo nhịp bước của tôi mà tụt dần xuống mãi. Lắm lúc tôi muốn rãn cái đầu của tôi ra để ngăn cái khăn lại, nhưng không hiệu nghiệm gì. Từ lúc ấy tôi thấy ai đầu to, đội khăn vừa vặn, tôi cũng đâm ra thèm muốn. Tôi loay hoay chưa biết nên tìm một việc gì để làm hay lại đi ra ngoài bờ ao để xem họ mổ trâu bò như mắy năm còn nhỏ.

Nhưng tôi nghiệm lại công việc của tôi năm nay chắc không như mấy năm trước được. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng không biết phải đi làm việc gì. Tôi cũng ra làng như ai nhưng lại không được mấy người đàn anh để ý một cách quá sốt sắng như mấy tên khác. Nhưng được họ để ý thì thêm khổ, vì họ la và sai không hở miệng.

Trong đình làng lúc ấy là một nơi các viên chức sắc đấu khẩu rất kịch liệt. Không ai chịu nhường tiếng lớn cho ai. Họ nói oang oang và la hét như những người điên tiết. Rồi rốt cuộc ai lớn tiếng mạnh hơi là người ấy có lý, người ấy được dân làng coi là người biết chuyện.

Nghe họ cãi nhau chán quá, tôi lững thững toan đi ra sau đình, thì một hồi trống vang lên làm tôi giật mình lật đật chạy ra phía trước. Lúc ấy, là lúc dân làng đang sắp sửa rước thần ra miếu Thần Hoàng cách xa đình gần nửa cây số. Tôi lại gần bên hương án chực đi theo sau như những hồi tôi còn nhỏ, thì một người lạ mặt đến đặt tay lên vai tôi rồi nhìn tôi nói sẽ:

- Thiếu một người cầm lọng che hương án, vậy mày phải cầm lọng để hầu thần. Tôi chưa biết phải xử trí thế nào cho họ biết tôi là một người học trò thì người lạ mặt đã đặt vào hai tay tôi một cái lọng vàng chống sẵn.

Tôi tức uất cả người vì còn gì nhục bằng ra làng cầm lọng hay cầm cờ nữa. Tôi tự trách tôi đã quá tin lời ông Lý nên để dân làng khinh miệt cái bằng Sơ Học Yếu Lược của tôi như thế.

Tôi muốn đứng khóc rõ to để cho dân làng biết tôi đang bị người ta làm nhục, nhưng chung quanh tôi toàn là những người mặt rạm da chai nên tôi cũng không buồn nức lên khóc nữa. Tôi định đưa mắt tìm cha tôi để yêu cầu sự che chở thì may quá, tôi lại thấy ông Lý từ đằng xa vác dù đi lại. Tôi lật đật chạy ra cản đường ông ta. Tôi chỉ đưa mắt nhìn ông ta và cầm thẳng cái lọng để tỏ ý bất bình của mình chứ không nói năng gì hết. Chừng ông ta cũng hiểu nên bước lại gần tôi rồi cúi đầu bảo khẽ tôi rằng:

- Cháu còn nhỏ yếu sức, và cái lọng này nặng lắm cháu cầm không nổi đâu. Để bác đổi người cho cháu cầm cái cái gươm nhẹ và đẹp hơn.

Thế là tôi phải buộc lòng cầm cái gươm gỗ trông không khác gì một vị tướng con hát bộ.

Cầm cái gươm thì thích hơn cầm cái lọng, nhưng cũng không thong thả và sung sướng bằng đi tay không. Tôi liếc thấy thằng Đồng mặc áo thụng xanh đứng sau hương án mà tôi thèm cái phần của nó. Thằng Đồng học thua tôi một lớp nhưng nó giỏi chữ Hán, lại con ông Bộ trong làng nên được cử làm văn lễ, sung sướng và thanh nhàn hơn tôi nhiều lắm.

Bắt đầu tôi ghen với nó, sau thấy nó mỉm cười trông tôi một cách kiêu ngạo, nên tôi lại đâm ra thù ghét nó.

Đám rước thần bắt đầu cử hành. Mấy lá cờ ngũ hành đi trước tung theo chiều gió và phe phẩy rộn rã như những lá cờ trên mặt trận. Mùi hương trầm tỏa ra êm dịu đã xoá nhạt đi lòng ganh ghét của tôi và cho tôi thấy công việc cầm gươm trong đám rước cũng thích thú vô cùng. Tôi bước đều đều theo tiếng trống kêu và không còn thấy ngượng nghịu như trước nữa. Sau đám rước là một lũ con nít hớn hở đi theo. Trông mặt đứa nào cũng vui vẻ như nhà chúng nó có kỵ. Còn hai bên đường thì người đứng xem đông đếm không xiết.

Qua khỏi cổng Quan thì tôi bỗng giật mình, vì đám rước sẽ rẽ về xóm Thiện và đi ngang qua trước trường Mỹ Lý... Tôi lo sợ quá nên điều đình với người cầm gươm đi ngang hàng để tôi đổi chổ.

Đổi được chổ tôi cũng hơi yên lòng một chút, thầy và học trò ở trong trường chắc không thể nào thấy tôi được. Nhưng khổ quá, lúc đám rước đi qua trường thì nhằm lúc học trò ra chơi. Trông thấy tôi, học trò liền la lên như sấm dậy:

- Lý Tịnh, Na Tra, Na Tra, Lý Tịnh...

Chừng chúng muốn bảo tôi là Lý Toét, nên gọi tôi là Lý Tịnh, Na Tra, tên hai vị tiên trong truyện Phong Thần. Tôi muốn cắm đầu đi thật nhanh, nhưng đám rước lại chậm quá, mãi đến năm phút sau tôi mới hết nghe tiếng "Na Tra, Lý Tịnh" đuổi sau tôi.

Qua khỏi trường, lòng tôi lại được yên tĩnh như trước. Tôi đi từng bước một đều đều theo tiếng trống và luôn luôn liếc qua người bên cạnh để đi cho thẳng hàng. Đến xóm Bàu, đám rước phải đi qua những cánh đồng, đường trơn như mỡ.

Xa xa bên kia đồng, dưới bóng một cây bàng cao lớn, cái miếu Thần Hoàng không còn vẻ hoang vu như trước nữa. Bên những cây cờ cắm chung quanh miếu, thấp thoáng hơn vài chục bóng người đang đứng chờ đám rước đến.

Xong chuyện cáo Thần, dân làng lục tục kéo nhau đi về đình. Lúc về vắng tiếng trống kèn, không có trật tự, tôi lại thấy ngượng ngùng như trước.

Tôi muốn nhờ người quen cầm hộ cái gươm cho đỡ thẹn, nhưng trông ai cũng không rảnh tay hết. Muốn tránh đi qua trước trường học, tôi phải đi vòng quanh ra phía sau, đường đã nhớp lại dài gấp hai.

Ra đến đường cái tôi lại gặp mấy chị con gái trong làng đi chợ. Tôi thẹn đỏ cả mặt và nóng bừng cả hai tay. Muốn khỏi trơ trẽn, tôi liền quay cái gươm gỗ mấy vòng trên tay, nhưng vô ý thế nào lại để cán gươm đánh nhằm cái rổ của chị Cẩm bắn ra thật xa. Tôi muốn đến xin lỗi nhưng ấp úng nói không ra lời, còn chị Cầm thì e thẹn đứng cúi đầu. Một lát, chị lên giọng khôi hài bảo tôi:

- Ông tướng hát bộ hôm nay múa gươm vụng về quá. May chị Cẩm đưa khiên ra đỡ kịp không thì đã bỏ mạng rồi.

Nói xong, mấy chị khác cười rộ lên làm cho tôi ngượng tưởng đến hóa điên được. Mặc cho chị Cẩm tự đi lượm rổ lấy, tôi cắm đầu rảo chân đi một mạch không dám ngó lui, cũng không dám trông ai đứng hai bên vệ đường nữa.

Về đến đình thì trời đã đứng trưa. Trong đình lúc ấy không huyên náo như khi mai nữa. Một bầu không khí yên lặng từ tốn đã rải khắp mấy gian đình. Thì ra lúc ấy là lúc các quan viên chức sắc và dân làng đang đánh chén. Họ khề khà nói rất sẽ và rất ít, và sợ nhất là mất những thức ngon nóng hổi sắp trên bàn.

Lắm lúc có người nói rất vô lý nhưng cũng không thấy ai lớn tiếng cãi lại. Bao nhiêu tâm lực họ đều thâu vào đôi mắt để tìm thức ăn và để biết gắp đồ ăn ngon trước mọi người.

Những cái thìa gặp nhau trong bát canh, những đôi đũa chạm nhau trên đĩa thịt bò tái, những cái húp ừng ực, những cái nghiến dẻo dang hợp lại thành một điệu âm nhạc không tên nhưng lại có tuổi. Thì có khó khăn gì đâu, cái đình làng làm được bao nhiêu năm thì bản âm nhạc kỳ quái ấy đã có bấy nhiêu tuổi.

Khít bên bàn có lắm đứa trẻ đứng sau lưng bố nó, và thỉnh thoảng được bố nó quay lưng lại vứt trong tay nó một oẳn xôi vắt nhỏ hay vài lát bò thui.

Từ mai đến trưa có lẽ chỉ lúc này là dân làng mới làm việc một cách chăm chỉ và... yên lặng hơn hết. Nhưng lệ thường "tửu nhập ngôn xuất" nên không bao lâu những tiếng cãi cọ lại nhao nhao nổi lên như cũ.

Lúc tôi đi vào đình, dân làng đã ăn hơn nửa bữa rồi. Nghe ông Lý bảo đến ăn, tôi cũng đi tìm một chổ chót bẹt để ngồi. Nhưng vừa mới ngồi xong, ông Lý đã bảo tôi đứng dậy rồi kéo tôi đến một chổ khác cao quý hơn. Tôi muốn nói cao quý là vì cái phản tôi đến ngồi họ kê cao lắm. Còn quý thì không hẳn quý lắm vì chung quanh tôi chỉ cụ già với cụ già. Tôi cũng tưởng được ngồi đấy là yên phận, không ngờ một cụ già ngồi dưới tôi đứng dậy phì phào nói lớn:

- Thưa với thầy Lý, trò ấy tuy có học nhưng cũng còn nhỏ tuổi. Tôi tuy dân ngu nhưng đã già. Nói cho đúng tôi cũng sánh được vai chú vai bác của trò ấy được, đó là chưa nói đến vai ôn mệ. Thầy cho nó ngồi trên tôi thì thật thầy đã muốn cho nó khinh tôi và khinh luôn cả tuổi già sức yếu của dân làng nữa.

Thế là tôi lại phải trở về chổ cũ. Trong lúc đi qua đi về, những đĩa thịt bò tái đã sạch như chùi rồi. Tôi dùng chữ "chùi" thật không quá lắm, vì họ ăn uống thế nào mà những chén tương, những bát canh sạch tinh như hồi mới rửa.

Qua năm sau vào kỳ tế thần, tôi nhất định không chịu ra làng nữa, mặc dầu cha tôi đã hết lời khuyên:

- Năm nay con đậu bằng Tiểu Học Yếu Lược thì không ai dám để con ngồi với dân đâu. Được thấy con lấn hơn thiên hạ thì cha cũng không khỏi mừng thầm và vui sướng được.

Không biết lời khuyên của cha tôi có thành thật không chứ lòng tôi lo sợ lắm. Vì năm ấy tôi đã mạnh, đã cao hơn trước, tôi chỉ sợ ra đình họ lại - biết chừng đâu được - bắt tôi đi cầm lọng, thì cái lợi thật không bù cái hại. Và cái hại đáng sợ nhất lại không phải cái hại mất thể diện mà thật ra cái hại mất... ăn.  

------------------

Chú thích: Lớp nhất, bằng Sơ Học Yếu Lược.

 

Bến Nứa

Xóm chợ lá làng Thiên. Trời mưa tầm tã. Trước khi cho thuyền rời khỏi bến, cô lái Phương còn nhìn lên bờ hỏi lớn:

- Ai về Viễn Trình thì xuống mà về.

Tiếng cô lạc mất trong tiếng mưa rì rào của buổi chiều tàn buồn bã. Hôm ấy thuyền cô vắng khách. Cô đã cho thuyền đậu thêm một giờ nữa, nhưng người về vẫn không thấy một ai.

Cô lái đò bèn nhổ sào gác trên mui rồi từ từ cho thuyền quay lái. Ngay lúc ấy một cụ già hấp tấp chạy xuống bờ sông đưa chiếc dù lên cao gọi lớn:

- Cô Phương ghé thuyền cho tôi về với.

Phương kéo nghiêng chiếc nón lá, nhìn lên bờ qua những dòng mưa chi chít:

- Cụ Uẩn đấy à? Cháu tưởng cụ chiều mai mới về.

Vừa nói Phương vừa cho thuyền quay mũi vào bờ. Cụ Uẩn xách đôi guốc trên tay, lội ra khỏi bờ chừng năm bước. Lúc thấy mũi thuyền gần cụm vào bờ, cụ đưa một tay giữ lại. Đoạn cụ bước lên thuyền rồi chui vào trong mui.

Tiếng cô Phương đằng sau lái nói:

- Cụ cởi áo ướt vắt trên đây. Để nước mưa thấm vào người độc lắm.

Tiếng nước mưa xối mạnh trên mui làm át cả tiếng Phương. Cụ Uẩn không nghe rõ nên nhìn ra sau lái hỏi:

- Cô Phương hỏi gì thế?

Phương nhìn vào mui thấy cụ Uẩn cởi áo ra rồi nên nói tiếp:

- Cụ xem giùm thằng Nghển của cháu nó đã ngủ chưa?

Tiếng cụ Uẩn trong mui đáp ra:

- Rồi.

Phương lẳng lặng đưa mái chèo đẩy đều đều trên mặt nước. Thỉnh thoảng cô lại đưa tay vuốt mấy dòng mưa chảy tràn trên mặt. Phương vừa chèo vừa nhìn lên hai bên bờ hy vọng vài người khách chậm chạp còn đuổi theo thuyền cô. Nhưng sau lũy tre cao ngọn, cô chỉ nom thấy vài ngọn đèn xanh đang rung rinh trong bóng nhạt.

Trước đây hơn một năm, Phương cùng chồng làm nghề chở khách từ chợ làng Thiên đến làng Viễn Trình. Hai làng cách xa nhau trên bốn mươi cây số. Lệ thường cứ chiều nhổ sào, thì sáng mai vào khoảng tám giờ thuyền đã về đến Viễn Trình. Làng Viễn Trình ở gần biển, nên dân trong làng thường đem tôm cá ra chợ Thiên bán.

Tất cả gia tài của hai vợ chồng Phương là một chiếc thuyền rộng ba mũi, và đâu được bốn chục bạc. Lấy nhau được một năm thì Phương sinh thằng Nghển. Mỗi lần ẵm Nghển trên tay, chồng Phương thường tươi cười nói với vợ:

- Thằng Nghển là cục vàng biết nói của tôi đấy mợ ạ.

Phương nhìn con, nhìn chồng, rồi một giọng ngây thơ nói rõ:

- Cậu nói làm tôi nhớ hồi còn đi học, thầy giáo có bắt tôi học bài: Gà đẻ trứng vàng.

Chồng Phương âu yếm nhìn vợ rồi tự nhiên cười sung sướng.

Qua mùa đông năm sau, chồng Phương mang bệnh thương hàn rồi từ trần. Nghển lúc ấy mới hơn hai tuổi.

Theo nghề xưa của chồng, Phương lại một mình đưa thuyền qua ngày tháng.

Trời xẩm tối, thuyền của Phương đến đầu làng Mỹ Lý thì trời tạnh mưa. Xa xa bên kia chân đồng làng Duyên Hải, đám mây đen dày đặc đã nứt nở ra dần để lọt một thứ ánh sáng xanh rờn của mảnh trăng cuối thu.

Phương vừa chèo vừa cất giọng hò lanh lảnh:

Đi đâu cho thiếp theo cùng.

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.

Phương tự nhiên cảm thấy lòng lạnh lẽo và buồn man mác. Cụ Uẩn ngồi trong mui, với một giọng ngái ngủ hỏi sẽ:

- Cô Phương ơi! Thuyền đã đến đâu rồi cô nhỉ?

Phương nhìn lên đám lách um tùm hai bên bờ sông rồi đáp:

- Đến làng Đồng Yên rồi cụ ạ.

- Thật cô chèo mau quá.

Nghển nghe có tiếng động tự nhiên lồm cồm ngồi dậy khóc, cụ Uẩn dỗ ngon dỗ ngọt một hồi lâu cũng không được. Cụ liền mặc thêm áo rồi bước ra sau lái nói với Phương:

- Thôi cô vào ẵm cháu ngủ đi. Để tôi chèo cho.

Phương còn dùng dằng chưa chịu nghe.

- Ai lại để cụ chèo.

Trong mui tiếng Nghển lại khóc thét lên. Cụ Uẩn giục:

- Cô đưa tay chèo cho tôi. Tôi tuy già nhưng chưa chắc trai tráng đã chèo kịp tôi.

Phương từ chối cũng không được, nên đưa chèo cho cụ Uẩn.

Nghển thấy bóng mẹ đi vào thì khóc già hơn trước. Phương ẵm con trong lòng nói sẽ:

- Thôi con ngủ đi, về đến làng Viễn Trình mợ sẽ mua kẹo cho con.

Nghển được thể quay đầu vào ngực mẹ khóc lớn:

- Con không ăn kẹo.

Phương đưa tay vỗ nhẹ vào lưng con:

- Thế con muốn gì?

Nghển mếu máo:

- Thầy con đâu?

Rồi như mọi ngày, lúc nghe con hỏi đến cha, Phương lại nói dối:

- Thầy qua chợ Sinh mua áo đẹp cho con.

Nghển lại vùng vằng đầu nũng nịu:

- Con không cần áo đẹp. Thầy con đâu?

Lệ thường đến lúc này, túng lắm Phương mượn một người khách trong thuyền vờ làm "thầy" để dối con. Lúc ấy Nghển mới chịu ngủ yên bên người cha giả. Nhưng hôm ấy thuyền vắng khách, quanh quẩn chỉ có một mình cụ Uẩn và Phương. Phương đang lúng túng chưa biết tìm kế gì thì Nghển đã khóc lớn:

- Thầy con đâu?

Phương kiên nhẫn dỗ con:

- Con nín đi. Mợ gọi thầy về đây.

Đưa đầu ra ngoài mui, Phương gọi lớn:

- Thầy nó đã về chưa, mau xuống thuyền chẳng thằng Nghển không chịu ngủ.

Trong bóng tối của lũy tre xanh chạy dài theo Bến Nứa, tự nhiên xa xa có tiếng người đáp:

- Tôi về đây. Ghé thuyền cho tôi về với.

Phương đang phân vân chưa biết người ta nói đùa hay nói thật, thì cụ Uẩn đã từ từ cho quay mũi vào bến. Một người vận âu phục, nhanh nhẹn xách va-ly bước xuống thuyền.

- Đâu, Nghển của tôi đâu? Sao nó lại không chịu ngủ.

Phương thấy người khách thì giật mình bẽn lẽn:

- Cậu Thảo đi đâu mà về khuya thế?

Thảo cũng vừa thấy Phương, nên cúi đầu ấp úng:

- Đò của cô mà tôi tưởng của ai.

Nghĩ một lát, Thảo tiếp:

- Tôi vừa xuống ga Mỹ Lâm về đây. Tôi về thăm thầy mẹ tôi.

Cụ Uẩn thong thả cho thuyền dời khỏi bờ rồi chèo xuôi theo dòng nước. Mảnh trăng hạ tuần giây bụi vàng trên quãng đồng lúa ruộng. Phương ẵm con ra ngồi trước mũi, gương mặt tự nhiên ửng hồng và đẹp một cách hiền hậu.

Tiếng nước reo hai bên mạn thuyền nghe nhẹ và êm. Nghển ngước mắt nhìn Thảo một hồi khá lâu rồi thỏ thẻ:

- Đây là thầy phải không mợ?

Phương nhìn ra sông đáp sẽ, giọng ngượng ngập:

- Vâng.

Nghển đưa mắt trân tráo nhìn Thảo nói tiếp:

 - Thế sao thầy không ẵm con?

Không để Nghển nói hết câu, Thảo đưa hai tay cất Nghển lên rồi vụng về ẵm vào lòng.

Nghển sung sướng reo lên:

- Thầy mua kẹo cho con đâu?

Thảo cúi xuống mở va-ly rồi đưa cho Nghển một gói kẹo Tây:

- Kẹo cho con đấy.

Lúc nói đến chữ "con" lòng Thảo tự nhiên nghe êm êm một cách lạ. Phương nói lảng qua chuyện khác:

- Độ này thầy làm ở đâu?

Thảo quay lại đáp:

- Tôi làm ở Sở Hỏa Xa. Hôm nay được mấy ngày nghỉ nên định về thăm nhà.

Nghển vừa ăn kẹo vừa nhìn đàn đom đóm bay lập lòe hai bên bờ sông.

Phương đứng dậy quay đầu nhìn phía lái hỏi:

- Cụ Uẩn đã nhọc chưa, để cháu ra chèo thay cụ.

Nghển đưa tay nắm chéo áo mẹ năn nỉ:

- Mẹ đừng ra chèo. Mẹ ngồi với thầy với con.

Phương cúi đầu nhìn xuống sàn thuyền, hai má đỏ như gấc. Dưới ánh trăng, gương mặt của Phương trông hồng hồng tươi xinh như bằng sáp. Lòng Thảo hồi hộp sẽ như cánh bướm.

Đằng lái tiếng cụ Uẩn đáp lên:

- Nước chảy xuôi nên chèo không mỏi. Lúc nào cháu Nghển ngủ sẽ hay.

Nghển nhìn về phía sau lái hí hửng:

- Tiếng ai đấy mợ.

Phương xoa đầu con:

- Tiếng cụ Uẩn.

Nghển ngước mắt đăm đăm nhìn Thảo:

- Con sợ cụ Uẩn lắm.

Thảo tươi cười:

- Tại sao... con sợ?

Nghển nói nhanh không suy nghĩ:

- Vì cụ ấy có râu.

Thảo nhìn Phương mỉm cười. Tuy người giả vờ làm thầy Nghển mỗi ngày mỗi khác, nhưng Nghển chỉ hơi ngạc nhiên một chút rồi quen ngay. Vì những người ấy, người nào cũng vuốt ve Nghển và nhất là cho Nghển quà bánh. Trước kia Nghển hỏi đến thầy là vì nhớ. Chứ lâu nay, Nghển hỏi đến thầy là cốt để hỏi quà bánh thôi. Nghển thấy Thảo ăn mặc sang lại vui vẻ nên thích lắm.

Con thuyền từ từ lướt nhẹ trên mặt nước, êm đềm như cái bóng. Thấy thuyền đến, vài con ngan đang lội trên sông bỗng đập cánh bay thẳng vào trong mấy hàng cây đen tối. Nước ngập xuống như mưa.

Thảo cầm bàn tay xinh xắn của Nghển trong tay mình rồi mỉm cười nhìn Nghển đang cố gắng rút tay ra.

Phương chống cằm vơ vẫn nhìn mấy thửa ruộng chạy dài hai bên bờ sông, lòng hơi thổn thức. Phương cũng không hiểu tại sao tối hôm nay lòng Phương lại rạo rực tê mê như đống tro tàn men hơi lửa.

Mặt trăng lúc ấy đã lẫn hình trong đám mây đen.

Màu xanh bạc của màn sương bụi tỏa hai bên bờ sông đã biến ra màu xanh lam. Bầu trời có vẻ nặng nề hơn trước.

Nghển tự nhiên nắm tay mẹ rồi từ từ kéo mạnh. Một lát sau, Phương cảm thấy Nghển đang đặt tay mình trên da tay một người khác. Phương rùng mình, toàn người rung sẽ, hơi thở mạnh và không đều.

Phương không dám quay mình lại, Nghển nói lớn:

- Đây mợ mở dùm ngón tay của thầy con để con kéo tay con ra.

Thảo cảm phải hơi lạnh ở da tay Phương truyền qua tay mình, nên toàn người nóng bừng, tay chân rung nhẹ. Thảo như người bị thôi miên. Thảo thả bàn tay Nghển ra rồi nắm bàn tay nhẹ mát của Phương. Phương cúi đầu nhìn xuống mặt nước, hai má đỏ bừng. Nghển trùm hai bàn tay nhỏ xíu của mình ngoài bàn tay Thảo rồi nói lớn:

- Thầy giữ chặt lấy. Đừng thả ra.

Thảo sợ cụ Uẩn nghe được nên quay lại hỏi:

- Tiếng chuông chùa nào đấy cụ Uẩn?

Thảo vừa nói dứt lời, một tiếng chuông chùa đã dìu dặt giữa không trung, một tiếng ngân dài não ruột.

Cụ Uẩn che tay ngang trán nhìn mông ra xa rồi đáp:

- Tiếng chuông chùa Đồng Tâm.

Phương quay lại nhìn Thảo, hai người nhìn nhau mỉm cười rồi cùng đưa mắt nhìn dòng sông sắp uốn mình trước mặt.

Năm qua, ngày tháng qua. Nghển đã khôn lớn và không hỏi thầy như trước nữa. Nhưng giữa đêm khuya, mỗi lần chèo thuyền qua Bến Nứa, Phương lại cất tiếng hỏi:

- Ai về Viễn Trình thì xuống mà về.

Nhưng đêm nào cũng như đêm nào, đáp lời Phương chỉ có tiếng chuông chùa Đồng Tâm ngân dài trên mặt nước.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn