Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Hội Nhà văn Việt Nam: Mở rộng và sáng tạo trong các hoạt động đối ngoại và giao lưu văn học

(Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX)

BT - 04-07-2015 11:19:44 PM

 

Kể từ Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ nhất tổ chức vào năm 2002, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (BCH HNVVN) qua hai nhiệm kỳ đã liên tiếp nhất quán đặt nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới như một chiến lược hoạt động đối ngoại quan trọng của Hội. Trong năm năm vừa qua, 2010-2015, hoạt động đối ngoại và giao lưu văn học quốc tế mà HNV là người tổ chức đã thật sự nở rộ với nhiều sáng tạo. Chúng ta có thể nhìn lại một số hoạt động nổi bật trong đó.

Với sự tham gia của 108 nhà văn, dịch giả, 8 NXB của 32 nước, Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ II (5 đến 10-1-2010) được coi là quy mô nhất từ trước đến nay.

 “Chúng ta đã tiến hành những bước khởi sắc nhất, từ những năm 1960. Văn học Nga và các nước XHCN được dịch và xuất bản rộng khắp ở Việt Nam. Sau năm 1991 đến nay, việc giới thiệu văn học nước ngoài mở rộng và vô cùng phong phú. Thế nhưng việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài thì ngược lại. Các nhà văn của chúng ta đi nước ngoài thấy văn học Việt Nam được giới thiệu ở các nước rất ít, hoặc nếu có chỉ là tùy thích, không có hệ thống, phương pháp. Việc dịch văn học Việt Nam ra thế giới không chỉ là lợi ích của Việt Nam mà nhân dân thế giới cũng muốn hiểu văn học Việt Nam”. (Phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng Trưởng BTC hội nghị). 

 “Trước đây, thơ của các tác giả cổ điển từ thế kỷ 15 đến 19 đã được dịch sang tiếng Nga và đưa vào Tuyển tập thơ Thế giới. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đã tiến hành dịch các tuyển tập truyện ngắn (tập 1, tập 2) của nhiều tác giả Việt Nam. Thơ của ta cũng được dịch ở nhiều nước.

Một điều mà tôi nhấn mạnh, Việt Nam có truyền thống “quảng bá” ra thế giới. Từ thời các ông Trương Vĩnh Ký, Hoàng Xuân Nhị... cũng có ý thức dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Gần đây thì anh em nhà văn tự dịch các tác phẩm của mình, như nhà thơ Trần Nhuận Minh với tập song ngữ Anh - Việt dày hơn 800 trang Bốn mùa; nhà thơ Đặng Chân Nhân cũng tự mình sáng tác rồi chuyển sang tiếng Anh tập thơ đầu tay khi tác giả mới 14 tuổi. Tôi hy vọng với hội nghị này, một lần nữa thế giới sẽ quan tâm đến Việt Nam”. (Phát biểu của dịch giả Nguyễn Thúy Toàn: Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - HNV VN)

Với sự có mặt của gần 80 nhà thơ quốc tế đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, 50 nhà thơ Việt Nam đại diện cho các vùng miền trong cả nước, với chủ đề “Thơ ca vì một Châu Á-Thái Bình Dương đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đồng thuận và phát triển”, Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp.

Nhà thơ Nikolai Preiaxlov (CHLB Nga) đã nói trên diễn đàn: Giữ gìn thơ ca dân tộc-đó không chỉ đơn giản là bảo toàn văn hóa khỏi sự vứt bỏ và sự xói mòn bởi những trào lưu văn học mốt mới. Giữ gìn thơ ca dân tộc- đó còn có nghĩa là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, bởi vì chính trong thơ ca đã in dấu các truyền thống sinh hoạt và nghi lễ của nhân dân, những bài ca, những anh hùng ca, huyền thoại và đạo lý nhiều thế kỷ của cha ông...

Nhà thơ Agus R. Sarjono (Indonesia) phát biểu: Thơ nhìn vào thế giới từ những đặc điểm riêng, và sự khác biệt của nó, vì thế thơ có sức mạnh bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, chạm vào trái tim của con người trên khắp thế giới...

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần thứ 2 (2015)

Đoàn nhà văn Mỹ gồm các nhà văn, nhà thơ  từng nhận nhiều giải thưởng văn học tại Mỹ như: Jon Davis, Jane Mead, Amy Quan Barry, Eleni Sikelianos, Christopher Merrill đã mang tới Việt Nam  một chương trình hoạt động phong phú. Họ chú trọng việc giao lưu, trao đổi nghề nghiệp với các nhà văn trẻ Việt Nam. Chương trình của Trung tâm Viết văn Quốc tế (ĐH Iowa) tại Hà Nội dịp này có: Tọa đàm những vấn đề của thơ ca đương đại Mỹ, Tọa đàm với các nhà văn Việt Nam về dịch thuật và bản quyền, Tọa đàm về những vấn đề của phê bình trong văn học đương đại Mỹ …

Phó Chủ tịch HNV, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu: “Giao lưu này sẽ tiếp nối và mở rộng bình diện rõ hơn, mang tính đa dạng hơn, không chỉ văn học viết về chiến tranh, không chỉ văn học viết về những vấn đề vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam, mà cả những  những tác phẩm viết về những thách thức mà người Việt Nam phải đương đầu, những thách thức về chủ quyền biển đảo...

Khi những vấn đề về biển Đông đang cuộn sóng, tôi đến Mỹ và các nhà văn Mỹ hỏi tôi về vấn đề đó. Họ tổ chức riêng cho tôi một cuộc nói chuyện về vấn đề này và quyên góp. Về tài chính thì không bao nhiêu, nhưng quan trọng hơn tôi thấy ở đó thái độ của cựu binh Mỹ. Họ nói rằng họ có quyền nói về Việt Nam hơn ai khác, bởi họ đã từng đến Việt Nam, từng đánh nhau với người Việt Nam, từng nhận ra sai lầm, từng phản chiến, từng quay lại và yêu đất nước này và họ luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Đầu tháng 9-2012, tại Đà Nẵng, Hội nghị Nhà văn 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 4 tổ chức với sự tham dự của gần 100 đại biểu là các nhà văn 3 nước, cùng đại diện Hội Nhà văn Thái Lan và các nhà văn thuộc Hội Hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam. Tại Hội nghị, Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 4 đã được trao cho 15 tác giả xuất sắc của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thammavong, Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen đã gửi thư và điện mừng đến hội nghị.

Tại cuộc họp, các Trưởng đoàn Hội Nhà văn 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã thống nhất từ kỳ họp thứ 4 trở đi, các nhà văn Thái Lan thuộc Hội Nhà văn Thái Lan sẽ được quyền tham gia Giải thưởng Văn học sông Mekong như một thành viên chính thức.

Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một hội nghị dành cho các nhà văn Á - Phi. Cũng lần đầu tiên, đại diện gần 50 quốc gia có mặt tại Việt Nam để bàn bạc, quyết định việc tái lập Hội Nhà văn Á - Phi và những vấn đề liên quan đến văn chương của khu vực Á - Phi. Việc có thêm tạp chí và giải thưởng văn học cùng mang tên Hoa Sen sẽ tạo cơ hội quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Bản ký kết hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Ai Cập đặt tiền đề cho văn học Việt Nam có mặt trên đất nước Kim Tự Tháp.

Đầu năm Ất Mùi 2015, 151 nhà văn quốc tế, đến từ 43 nước và vùng lãnh thổ đã “xông đất” Việt Nam, cùng làm nên chuỗi sự kiện văn học “ba trong một”: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba, Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai, và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13. Trong số khách văn chương có những nhân vật quan trọng như: Mô-ha-mét San-ma-uy, Quốc vụ khanh Chính phủ Ai Cập, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á Phi; Phéc-nan-đô Ran-đơn, Tổng thư ký Liên đoàn thơ thế giới; An-đrây Gra-bốp-xki, Chủ tịch Liên hoan thơ Ga-li-xi-a (Ba Lan)... Có những nước lần đầu tiên tham dự như Cu-ba, Cô-lôm-bi-a, An-ba-ni...; riêng Trung Quốc cử ba đoàn nhà văn sang giao lưu và học hỏi.

Nếu ở Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ hai có 30 quốc gia tham dự, Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất (năm 2012) có 29 quốc gia tham dự, thì năm nay, con số tăng lên ấn tượng với 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

GS Chúc Ngưỡng Tu, người lấy việc dịch văn học Việt Nam làm “nguồn vui sống” trong hơn 20 năm nay và đã dịch hầu hết thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Trung, phát biểu: “Văn học Việt Nam suốt cả chiều dài lịch sử có chủ đề yêu nước thương dân, đấu tranh chống áp bức bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Là nước ngàn năm văn hiến, có nền văn hoá và giáo dục lâu đời, Việt Nam có nhiều nhà văn giỏi, không thiếu tác phẩm văn học hay.

Văn học Việt Nam không những góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn đóng góp quan trọng cho văn học thế giới và văn học tiến bộ loài người”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng “…Dù cuộc sống có thay đổi bao nhiêu thì chân lý và tình người cũng không bao giờ cũ. Trong mọi hình thức giao tiếp, không có hình thức nào giúp con người bắt gặp chính mình và bắt gặp đồng loại kỹ càng và say đắm như văn chương. Còn có ở đâu, không đi mà vẫn đến, không hỏi mà vẫn biết, không hẹn ước mà vẫn thành tri kỷ như tiếp nhận văn chương? Chúng ta đang sống trong thời buổi của những chuyển động siêu tốc, khiến cho mọi người đều trở thành những kẻ say sóng. Thế mà đại thi hào W. Goethe của Đức đã nói rằng Trí tuệ trưởng thành trong tĩnh lặng. Thì đây, văn học đang tạo ra những khoảng lặng cần thiết giúp cho trí tuệ và tâm hồn trưởng thành và phát triển; và những giờ phút riêng tư nhất chính là lúc giúp chúng ta nhận ra tính toàn vẹn của thế giới. Vì chất lượng của cuộc sống mà con người mãi mãi cần đến văn chương. Đó là một tín điều. Và chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau làm một công việc khó khăn nhất mà cũng sáng giá nhất là bằng con đường giao lưu văn học, chúng ta làm cho cuộc sống vượt qua các giới hạn. Đó là con đường ngắn nhất để:

Mỗi dân tộc đến với mỗi dân tộc

Mỗi con người đến với mỗi con người

Nhà văn, dịch giả Andrzej Grabowski (Ba Lan) thì tâm sự: “Từ nhiều năm nay, tôi đã bị hấp dẫn bởi sự phát triển của Việt Nam, trong đó tôi đặc biệt khâm phục khả năng kết nối tuyệt vời giữa truyền thống và những thách thức hiện đại mà thế giới đang đặt ra. Tôi thường tự hỏi, làm sao mà trong khi lối sống thực dụng và sự dễ dãi của tâm hồn đang lôi kéo cả thế giới, thì ở Việt Nam, lòng tôn kính sâu sắc đối với cội rễ, với những giá trị trường tồn mà chúng ta tìm được trong sự khôn ngoan, hiểu biết và kinh nghiệm của các bậc tiền bối vẫn luôn được giữ vững… Vì thế mà trong mỗi bước đi đều có sự tôn kính đối với người lớn tuổi, và mối liên kết bền vững, bí ẩn giữa con người với thiên nhiên, mà trong đó, những mắt xích gia đình được thể hiện trong hình ảnh của Tổ quốc nhỏ cũng vô cùng bền chặt”. 

Câu trả lời cho những câu hỏi trên, những người ưa tìm tòi sẽ tìm thấy khi lần theo những thành tựu của văn học Việt Nam mà trong đó các nhà thơ, những kẻ đánh trống vĩ đại nhất và nhạy cảm nhất của những thời đại kế tiếp nhau, đã ghi lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, chẳng khác gì chiếc phong vũ biểu nhạy nhất, những thay đổi dù là nhỏ nhất của áp suất và những con gió thoảng. Khi đọc thật kỹ thơ của các nhà thơ Việt Nam, chúng ta không chỉ biết về các điều kiện sống, những sự kiện quan trọng nhất và tinh thần xã hội, mà chúng ta còn đọc được bầu không khí bao quanh tác giả, khát vọng nắm bắt được tâm hồn người Việt của họ. Một tâm hồn luôn đi tìm giọng điệu riêng và sự độc lập tự chủ mà trong sự nỗ lực hướng tới tư tưởng mới của mình đã xé tan chiếc áo nịt chật chội của những ảnh hưởng Trung Hoa, của những cuộc thử nghiệm thâm nhập, đặc biệt trong phạm vi hình thức chứa đựng trong nó những đặc điểm của chủ nghĩa hiện đại, điều đã được bộc lộ rõ nét trong phong trào Thơ Mới. Mà tất cả những ảnh hưởng đó đã không hạ thấp hay lừa phỉnh được tinh thần, không giết chết được cái đẹp bởi sau ấn tượng mỹ học đã được thiết lập, thì niềm say mê trí tuệ đã đọng lại rất lâu nơi người lĩnh hội”.

Nói về sự đoàn kết và cảm thông thì không ai bằng Phiulavan Luongvanna, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào: “...Khi những vấn đề mâu thuẫn, oán ghét, thù hận và trả thù nhau bằng bạo lực chẳng những chưa giảm bớt mà ngược lại còn có chiều hướng gia tăng, thì sao nhân loại trên toàn thế giới không ít người thông minh, tài ba lỗi lạc, không ít người có thể lên cung trăng, lên thăm các vì sao, lại không thể thay đổi hình thức giải quyết bằng cách “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” như châm ngôn của Lào có câu: “Nước trong thắng nước đục, hiền lành thắng độc ác”. Toàn thế giới hãy chuyển sang tăng cường việc vun trồng cho con người tấm lòng nhân hậu, có nghĩa là đầu tư công sức, trí tuệ, tiền của của thế giới, của từng quốc gia vào các ngành được coi là phương tiện giáo dục, khích lệ tinh thần của con người, trong đó có cả công tác sáng tạo và khuyến khích việc sử dụng văn học nghệ thuật, đầu tư cho nó ngang bằng hoặc nhiều hơn đầu tư vào ngành kinh tế, quân sự và các ngành xã hội khác. Làm được như vậy chắc rằng thế giới của chúng ta sẽ bình an ổn định hơn bây giờ. Song việc “trồng người phải cần thời gian trăm năm” – như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – nên tôi cho rằng chúng ta không thu được kết quả trong thế kỷ này thì thế kỷ sau và sau nữa sẽ thu được kết quả.

Tôi rất vui mừng và hoan nghênh Đảng, Chính phủ và Hội Nhà văn Việt Nam là nước đầu tiên đề xướng và hai lần tổ chức Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương – châu lục đông nhất thế giới – lần thứ nhất năm 2012 và đây là lần thứ hai. Việc đầu tư rất lớn để tập hợp các nhà thơ từ nhiều quốc gia trong hơn hai châu lục để họ giao lưu, giới thiệu thành quả của mình và trao đổi ý kiến bổ ích về nghiệp vụ, khuyến khích việc sáng tác thơ có giá trị, đạt hiệu quả, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tạo lòng tin, tình thương yêu gắn bó giữa người và người. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cuộc liên hoan có ý nghĩa quan trọng này sẽ góp phần giúp cho mỗi trái tim từ mọi khu vực của các châu lục và trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn, liên kết và ngày càng gắn bó nhau hơn. Và mong rằng sau này, cuộc liên hoan như thế này sẽ được tổ chức tại nhiều nơi, nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới”.

Khi nói về bản sắc và sự chiến thắng của Văn hóa, thông qua trường hợp điển hình là Việt Nam, Nhà thơ Colombia Fenando Rendom quan niệm: “Sự đoàn kết về tinh thần, văn hoá và chính trị của Việt Nam đã làm nên chiến thắng sau 30 năm chiến tranh ở thế kỷ XX. Cuộc kháng chiến cả về quân sự, chính trị và đạo đức của nhân dân Việt Nam đã ném các đội quân xâm lược Nhật Bản, thực dân Pháp ra khỏi biên cương; mang lại vinh quang và Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho các dân tộc bị áp ức và bị xâm lược trên toàn Trái đất. Tôi nhận ra rằng việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, cũng chính là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng về tinh thần và văn hoá, bảo vệ di sản của một truyền thống nghìn năm bất khuất.

Bảy tiếng đá, bảy mẩu trời, cùng cất lên tiếng nói loài người.

Việt Nam có các di sản thần thoại nguyên thuỷ, các truyền thuyết thi ca cổ xưa, có sự phát triển của nghệ thuật thi ca qua các thế hệ; có một nền triết học và nghệ thuật được truyền thừa từ tổ tiên, những điều này mang lại sức sống sáng tạo trong đời sống của nhân dân: Họ nghe được âm hưởng của các viên đá và của các cánh rừng, họ vừa hát vừa thu hoạch trên mùa màng đầy gian khó của mình, họ nhận ra nhân bản của nhau mà không cần phân biệt tuổi tác, danh phận”.

Những hoạt động đối ngoại và giao lưu văn hoá được tiến hành trong nhiệm kỳ 2010-2015 đã thực sự bắt nhịp với chiến lược ngoại giao chủ động hội nhập quốc tế mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Những hoạt động đối ngoại, hội nhập và giao lưu văn học của Hội Nhà văn Việt Nam đã là một bộ phận trong chiến lược ngoại giao văn hoá nhằm tăng cường sức mạnh mềm cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá Hội nghị quốc tế.

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn