Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Hội Nhà văn Hà Nội, những đóng góp trong mấy năm qua

(Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX)

Bùi Việt Mỹ - 03-07-2015 08:23:47 AM

Hội Nhà văn Hà Nội, những đóng góp trong mấy năm qua

BÙI VIỆT MỸ

 

Khép lại những năm nghiên cứu, sáng tác chủ đề Nghìn năm Thăng Long, lực lượng sáng tác khu vực Hà Nội tiếp tục chuyển mình với xu hướng cởi mở, nhanh nhạy. Tác phẩm của họ giàu sáng tạo, trội về cá tính, đa dạng, nhiều màu sắc, ứng với  đời sống xã hội đang nhanh chóng đổi mới.

Đó là bước đi khá suôn sẻ nhiệm kỳ vừa qua của Hội Nhà văn Hà Nội. Lực lượng sáng tác của Hà Nội mang đặc điểm riêng của vị trí trung tâm văn hóa – xã hội của đất nước, nơi mang nhiều yếu tố mới, nhạy cảm, nơi tập trung nhiều tên tuổi, nhiều thế hệ truyền thống. Hiện số nhà văn đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chiếm trên 1/3 tổng số. Đó cũng là đóng góp có ưu thế về lực lượng, về tác phẩm và giá trị sáng tạo nói chung. Thật khó mà phân định được phạm vi nào hoặc đến giới hạn nào là thành tựu riêng của các nhà văn Hà Nội.

Những năm gần đây, sự chuyển giao thế hệ sáng tác rõ nét hơn. Các tác giả nổi trội trong thời kỳ đánh Mỹ lắng lại và chậm dần theo thời gian. Tuy nhiên có một ngoại lệ với thế hệ đó với một số bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về các vương triều Lý – Trần của Hoàng Quốc Hải, Nắng kinh thành của Siêu Hải, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh. Các tiểu thuyết này đều đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và giải thưởng văn học Thăng Long. Các tiểu thuyết Hồ Quý LyĐội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh được các nhà xuất bản tái bản hàng chục lần. Những năm này, một số tác phẩm truyện và tiểu thuyết của Lê Minh Khuê, Nguyễn Văn Thọ, Hồ Anh Thái và Tạ Duy Anh... nổi bật với những cung bậc đa dạng đời sống, ký ức và tình yêu. Các tác phẩm này giữ nhịp cho dòng chảy sáng tác chung ở quãng đổi khúc cần thiết. Một số nhà thơ thế hệ đó đồng điệu với thời cuộc bằng các sáng tác chiêm nghiệm, triết lý như Hữu Thỉnh: Đi suốt cả ngày thu chưa về tới ngõ; Bằng Việt: Chấp theo lối cũ là không đúng; Vũ Quần Phương: Nghe những lời vô nghĩa/ lại thành lời thấm thía/ Nhân gian; Vương Trọng có phần trẻ hơn: Đã yêu thì quý nhất khoảng lặng im...

Một số tác giả đã và đang tập hợp tác phẩm để làm tuyển tập, tổng tập. Đặc biệt ở nhà thơ Gia Dũng – một thời vang mãi bài ca Trường Sơn, nay ông miệt mài định vị lại các mảng chủ đề. Tập trung thơ của nhiều tác giả, làm thành các bộ thơ vài chục ngàn trang. Đạt tới một kỷ lục. Đầu tư sáng tác và công bố tác phẩm là nhu cầu cần thiết và hữu ích, trước hết là đối với các tác giả tuổi cao. Hội Hà Nội đã có tiền lệ và coi như một chế độ áp dụng hàng năm cho nhà văn. Một loạt các tác phẩm đủ thể loại: Truyện của Nguyễn Vinh Tú, Nguyễn Đắc Như, Nguyễn Thụ; thơ của Vũ Từ Trang, Nguyễn Địch Long, Đoàn Mạnh Phương, Giáng Vân, Khương Hà, Nguyệt Phạm; phê bình tiểu luận của Phạm Khải, Vũ Nho, Đỗ Ngọc Yên; dịch văn học nước ngoài của Dương Tường và Lê Bá Thự... ra mắt bạn đọc và được dư luận đánh giá cao.

Khi các nhà văn lớp trước với những tác phẩm dài hơi như đang chững lại thì lực lượng trẻ với những sáng tác nhanh, ngắn gọn bắt đầu đáp ứng thị hiếu mới. Thật tự nhiên, họ tiếp cận văn chương gần như song hành với các nhu cầu thông tin đa chiều, các quan niệm và khái niệm mới của xã hội. Xen vào đó là phê bình, theo cách nhìn mới, không đơn điệu, hai tác giả song hành: Nguyễn Thị Minh Thái và Phạm Xuân Nguyên. Họ muốn tránh lối phê bình giản lược và xuôi chiều. Những bài bình cập nhật đã trở thành tác nhân giúp các cây bút trẻ tự tin thể hiện các sáng tạo mới.

Tác giả thơ xuất hiện nhiều, thậm chí chia thành nhiều “phái” khác nhau. Tuy vậy, hướng thơ mới được bạn đọc Thủ đô đón nhận rất rõ. Sau cái tinh khôi của Hoàng Nhuận Cầm, sự chuyển động bề bộn và quyền phép của Nguyễn Quang Thiều, là tiếp nối của những tác giả trẻ hơn, rồi “8X”, có thể từ Hữu Việt, Vi Thùy Linh, tiếp đến Phan Huyền Thư, Nguyễn Phan Quế Mai,... có lúc, họ cũng chưa hẳn đã nhận được sự hưởng ứng. Song, bản năng thơ không thay đổi, họ đang tạo dựng một cấu trúc mới, một bố cục mới thật mở, xác lập một giai đoạn mới của thơ. Cùng thời điểm này, còn có thêm hai nhà văn quân đội – ngoài Hội Hà Nội – cùng đoạt giải Nhà văn Hà Nội, tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy và thơ của Nguyễn Bình Phương. Đặc điểm sáng tác của họ là lối viết tương tác với cách cảm, cách nghĩ của thời điểm, tác phẩm thể hiện cái nhìn mới, không câu nệ vào bất kỳ một khuôn mẫu nào.

Cũng trong khoảng vài ba năm qua, nhiều câu lạc bộ thơ tại Hà Nội hoạt động rộng và đều đặn. Khá nhiều tập thơ (đôi khi nếu không gọi là thơ thì không biết gọi là gì) được các NXB cho góp mặt. Nhiều hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội tạo sức gắn kết hội viên. Không thể không kể đến các buổi sinh hoạt tập trung có bình luận viên theo chủ đề từ quan điểm đến thực tế sáng tác, các chuyến dã ngoại, đến tận các vùng xa, vùng sâu như Tây Nguyên và Điện Biên Phủ... Cũng chính từ đó, khá nhiều tác giả có thêm điều kiện để hoàn tất tác phẩm hay có những sáng tác mới.  Hội đã trợ giúp thêm phần kinh phí cho họ, tổ chức các buổi giới thiệu tác giả, tác phẩm kể cả với những nhà văn quá cố.

Có thể nói, hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội đều hướng về chất lượng tác phẩm, nâng cao uy tín công tác, ngày càng có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Quan trọng nhất là Hội phát hiện và tạo đà cho các tài năng. Khá nhiều giải thưởng hàng năm thuộc về những tác giả chưa và không phải là hội viên Hà Nội như Đỗ Phấn với tập truyện Dằng dặc triền sông mưa và Đoàn Ánh Dương với tập lý luận văn học: Không gian văn học đương đại. Nhiều cây bút trẻ ở địa phương khác đã được mời tham dự các Hội nghị sáng tác của Hà Nội. Ngược lại, nhiều tác giả Hà Nội tham gia các hoạt động đóng góp sáng tác và nói chuyện ngoại khóa trong các chương trình giao lưu giữa các địa phương. Năm 2014 – 2015, trước sự kiện lớn về bảo vệ chủ quyền của ta ở biển Đông, lực lượng văn nghệ sĩ Hà Nội đã đồng loạt lên tiếng bằng bản Tuyên bố chung. Nhiều tác phẩm tham góp có sức nặng, đặc biệt là những sáng tác chủ đề Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, đoạt giải thưởng từ hoạt động sôi động của các tổ chức xã hội, nghiệp đoàn.

Thực tiễn đời sống kinh tế thị trường hiện nay làm cho văn học trở thành loại hình kén bạn đọc. Báo chí văn nghệ cũng trong hoàn cảnh đó. Bởi thế, vô hình chung, các nhà văn phải đối mặt với thử thách luôn mới, đòi hỏi sức sống sáng tạo cao hơn. Phía trước là thời gian của một nhiệm kỳ mới, tổ chức Hội cần đáp ứng yêu cầu của hội viên bằng sức vận hành cao nhất.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn