Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Một thế giới không lưới

(Đọc “Trong veo nước suối nguồn” - Tập thơ của Quang Hoài Nxb. Hội Nhà văn, 2015)

Đặng Huy Giang - 01-07-2015 08:01:35 AM

 

 Đời đổi thay khi chúng ta thay đổi. Đã có một cuốn sách mang một cái tên như vậy được xuất bản và được nhiều độc giả, trong đó có nhiều độc giả trẻ tuổi quan tâm, chuyền tay nhau chia sẻ. Đó cũng là một lời khuyên - một lời khuyên bổ ích và cần thiết, làm nên một “giá trị sống” vừa cập nhật, vừa phổ quát trên phạm vi toàn cầu. Suy rộng ra, thế giới chỉ đổi  thay khi con người thực sự hoặc dám thay đổi.

Với một nhà thơ còn trẻ, có thể việc này là bình thường hoặc hết sức bình thường, nhưng với Quang Hoài - một nhà thơ đang bước qua tuổi thất thập, mà vẫn băn khoăn: “Sao tôi không thể khác tôi?”, thì không thể coi là bình thường được. Điều này cho thấy phương châm sống, thái độ sống của một con người còn thiết tha và có trách nhiệm với bản thân và đời sống này lắm.

Bài thơ “Sao tôi không thể khác tôi?” có cấu tứ chặt, mở ra bằng một câu hỏi và khép lại cũng bằng một câu hỏi đầy dằn vặt, cho thấy cái bi kịch “lực bất tòng tâm” luôn chi phối con người mọi nơi, mọi lúc.

Nếu “Sao tôi không thể khác tôi?” còn “cương”, thì đến “Trước mùa nước dâng” lại “nhu” một cách dễ chịu, đầy hàm ý: “Gió buồn không thổi nữa/ Nằm khàn giữa bến sông/ Có con thuyền mắc cạn/ Chết trước mùa nước dâng”. Ở đây, cái bi kịch “không gặp thời” hoặc bi kịch “đi trước thời đại” đã xuất hiện và được phản ảnh thật hình tượng: “Có con thuyền mắc cạn/ Chết trước mùa nước dâng”.

Đến “Bù nhìn”, Quang Hoài đã ngoái nhìn quá khứ, cái đã qua với một cái nhìn khác. Cũng phải thôi, vì nhận thức luôn là một quá trình và không thể được coi là bất biến. Ông đã chán những “hình nộm rơm, chân giả, tay giả, mắt giả, mũi giả, không óc, không tim…” và chán một thời là “bù nhìn” trong vai trò của “bù nhìn” đến nỗi: “Thầm tiếc một thời/ Ta từng canh giữ…”.

Có lẽ chẳng còn gì bi kịch hơn khi một người, trong một buổi chiều ngồi đợi hoàng hôn (hoặc đợi buổi chiều chết) mà hoàng hôn không tới (“Một chiều chưa tới hoàng hôn”). Hiện tượng này có vẻ trái với quy luật của tự nhiên. Người này đợi để hy vọng “mảnh trời chôn đáy hồ”, đợi để hy vọng có “sấm dậy ao tù/ xua tan bụi sớm quét mù mờ hôm” và sau nữa là… đợi em - “người chôn bão lòng”.

Cảm giác trải nghiệm, nhận thức lại và cao hơn phản biện là phản tỉnh đã xuất hiện đậm nét ở mấy tứ thơ trên. Và chúng kéo dài đến tận “Sao trời chưa chuyển sang hồng?”. Cho dù không dễ thích nghi với  “tường nhà vã mồ hôi/ quạt bàn, quạt trần, điều hoà câm lặng”“ong ong đất/ ong ong trời/ ong ong khối hộp/ ong ong biệt thự, binđinh...” của “ong ong thời mở cửa”, Quang Hoài vẫn mong và tự cật vấn: “Ơi, phương Đông màu tím/ Sao trời chưa chuyển sang hồng?”. Trong tứ thơ này, Quang Hoài đã mượn ý thơ của Hồ Chí Minh làm chất dẫn dụ: “Phương Đông màu tím chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn quét sạch không/ Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”.

Và để đạt đến mục đích, hiệu quả cuối cùng, trong mấy bài thơ trên - đồng thời cũng là mấy bài thơ mang sức nặng của tập thơ, Quang Hoài đã gắng “đoạt tứ” một cách trực tiếp và cấp kỳ. Cách triển khai mấy tứ thơ này đã minh chứng: Trong văn chương nói chung và trong thơ nói riêng, nội dung thường đẻ ra hình thức, và hình thức sinh ra cũng chỉ là để phù hợp hoặc để tải nội dung sao cho thấu tình, đạt lý mà thôi.

Đấy là nhìn “Trong veo nước suối nguồn” - tập thơ thứ chín của Quang Hoài ở góc độ bộ phận. Còn nhìn ở góc độ tổng thể, vẫn có cái không đổi. Dường như cái gốc gác thi sĩ vẫn trở đi, trở lại như là “bản thể thiên nhiên” vốn có của người thơ vậy.

Bởi thế mà trong “Hồn chúng tôi vẫn ở Hoàng Sa”, ông vẫn có những câu thơ thương cảm và máu thịt:

Xương thịt chúng tôi tan hoà sóng biển

Hồn chúng tôi vẫn ở Hoàng Sa!

Bởi thế mà trong “Mùa xuân ơi!”, ông mới có những câu thơ lắng đọng và sâu sắc:

Mùa xuân… mùa xuân ơi!

Sao ngọt lành đến thế?

Giữa cõi người dâu bể

Nhoà tan bao đắng cay!

Bởi thế mà trong “Tản mạn cùng sông”, ông mới có những câu thơ thao thiết đến nao lòng:

Ta yêu sông một đời đắm đuối

Một đời rong ruổi cùng sông

Tiếng hát em giục giã bên lòng

Sông cứ chảy như đời ta chảy…

Rồi ông mơ đến một “thế giới không lưới” không bị “giăng mắc” trong “Giăng mắc” để hốt nhiên mà ngộ ra rằng:

Giữa trưa vào chùa thỉnh một hồi chuông

Trong khói nhang thơm

Tôi nghe tiếng Phật

Vọng từ Đài Sen!

Và một khi đã ngộ ra như thế, hẳn Quang Hoài đã hướng về mình mà an nhiên, tự tại?

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn