Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Các giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2010 – 2015

(Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX)

26-06-2015 08:00:45 AM

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong nhiệm kỳ VIII, toàn Hội Nhà văn Việt Nam đã sáng tác được 1127 tác phẩm gồm các thể loại. Hội đã có thêm 5 nhà văn được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, 15 nhà văn được Giải thưởng Nhà nước, nhiều nhà văn được giải thưởng hàng năm của Hội và nhiều giải thưởng khác… 5 nhà văn được giải thưởng ASEAN, 8 nhà văn được Giải thưởng Sông Mê Kông, 4 nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng thời kỳ đổi mới… Công tác xét giải thưởng là một trong những hoạt động nghề nghiệp lớn và rất quan trọng của Hội. Mỗi giải thưởng đều có quy mô, tính chất, yêu cầu riêng nhưng tất cả đều thống nhất ở mục đích khẳng định, tôn vinh các giá trị và khuyến khích sáng tạo.” (trích Dự thảo Báo cáo Đại hội IX)

 Giải thưởng văn học hàng năm của HNV đã đổi mới cập nhật về khung thời gian xét và trao giải ngay từ năm đầu của Khóa VIII: Thay vì xét và trao giải cho các tác phẩm xuất bản trong năm trước, từ nay giải thưởng HNV được xét và trao cho các sáng tác vừa công bố trong năm xét giải. Bởi vậy, giải thưởng đầu tay của BCH nhiệm kỳ VIII đã xét trao cho hai năm 2010 và 2011.

Trong lễ trao giải này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch HNV cho biết: Từ 151 tác phẩm văn xuôi, 122 tác phẩm thơ, 37 tác phẩm lý luận phê bình được các nhà văn, các tờ báo và các nhà xuất bản uy tín trong cả nước đề cử xét Giải thưởng HNV năm 2010 và 2011, các Hội đồng chuyên môn đồng thời cũng là các Hội đồng sơ khảo đã làm việc một cách nghiêm túc, công tâm… Sau những phiên họp đầy tinh thần trách nhiệm, những trao đổi thẳng thắn với những phân tích và đánh giá kỹ lưỡng, đa chiều, Hội đồng chung khảo đã bỏ phiếu kín, kết quả cuối cùng là Giải thưởng HNV năm 2010 và 2011 chọn được 11 tác phẩm xứng đáng trao giải. Các tác phẩm đoạt Giải thưởng năm 2010 và 2011 bao hàm cả hai yếu tố quan trọng của giải thưởng: Sự khẳng định và sự phát hiện.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 được trao cho 4 tập tiểu thuyết, truyện ngắn: Lính trận (Trung Trung Đỉnh - Hà Nội), Minh sư (Thái Bá Lợi - Đà Nẵng); Lỏng và Tuột (Trần Đức Tiến - Vũng Tàu), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam - TP.HCM) và 2 tập thơ: Bầu trời không mái che (Mai Văn Phấn - Hải Phòng), Sóng và khoảng lặng (Từ Quốc Hoài - TP.HCM).

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 được trao cho tiểu thuyết Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh - Hà Nội), tập phê bình lý luận Bàn về minh triết và minh triết Việt (Hoàng Ngọc Hiến), tập truyện ký Huyền thoại tàu không số (Đình Kính); 2 tập thơ Ngày linh hương nở sáng (Đinh Thị Như Thuý - Đăk Lăk) và Hoan ca (Đỗ Doãn Phương - Hà Nội).

Ngoài ra, Ban Chấp hành Hội còn tặng bằng khen cho 2 tác phẩm của các tác giả: Một bàn tay thì đầy (tiểu thuyết) của Hoàng Việt Hằng, Bài hát ngày mai (thơ Ko Un - Hàn Quốc) - bản dịch của Lê Đăng Hoan.

Năm 2012, HNV đã trao 05 giải chính thức cho: Tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, “Trường ca Chân đất” của nhà thơ Thanh Thảo; tập thơ “Giờ thứ 25” của nhà thơ Phạm Đương và tập thơ “Màu tự do của đất” của nhà thơ Trần Quang Quý; Giải thưởng Lý luận phê bình cho tập tiểu luận “Đa cực và điểm đến” của nhà văn Văn Chinh; Bằng khen của BCH cho 04 tác phẩm: Tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của nhà văn Y Ban, tiểu thuyết lịch sử “Thế kỷ bị mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tập thơ “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng và tập thơ “Hoa Hoàng đàn nở muộn”  của nhà thơ Khuất Bình Nguyên.

Theo nhận định của BCH, những tác phẩm được trao giải và bằng khen đã cho thấy tính đa dạng của các khuynh hướng sáng tác hiện nay, cho thấy việc HNV đón chào các giá trị của đổi mới, của cái tâm nhà văn với số phận của từng con người và với vận mệnh của đất nước.

Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013 tiếp tục gieo ấn tượng về chủ đề văn học được chọn: Hai giải thưởng cho thấy sự tôn vinh thành tựu – tập bút ký “Phút giây huyền diệu” của Ma Văn Kháng và tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” của Mã Giang Lân”, hai giải thưởng về văn học dịch và văn xuôi hư cấu, cho tiểu thuyết “Nông dân” của Wladyslaw Reymont (Ba Lan) qua bản dịch của Nguyễn Văn Thái, và tập truyện “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” của Nguyễn Trí, một phát hiện của BCH có thể hiểu như một  sự cổ vũ đối với khuynh hướng tìm trở lại những đạo lý truyền thống, những ý niệm của lương tâm thường thức. BCH nhận xét về tác giả và tác phẩm này: “Đây là một phát hiện lớn của giải thưởng Hội năm nay. Hội trân trọng những giá trị mới xuất hiện trên văn đàn, lăn lộn với cuộc sống và viết nên thứ văn chương hồn nhiên gần gũi với cuộc sống. Hội cũng trân trọng những con người không làm nghề viết nhưng đã trải qua những vất vả trong cuộc sống và quyết định tìm đến với văn chương”.

Các truyện của Nguyễn Trí ở đây đều lấy từ nhân vật ra câu chuyện, khiến chất trải nghiệm thấm ra mặt giấy. Những trải nghiệm dữ dội và bi đát. Nhưng không gây nỗi nhờm gớm hay u tối. Nhiều thân phận buồn hay tuyệt vọng, nhiều mô tả sự tráo trở, gian ngoan, hay bất trắc của lòng người, nhưng lại đượm trong cái nhìn nhân đạo dân dã của người kể hay nhân vật kể. Tất cả đều được những nhân vật truyện kể này đo lường và phán xét rất sống động,  minh bạch theo một lương tâm phổ biến dựa trên đạo lý truyền đời của dân Việt Nam. 

Còn tập bút ký, tiểu luận và phê bình “Phút giây huyền diệu” là những bài viết về lao động văn chương, đúc rút kinh nghiệm nghề và đời của nhà văn gạo cội Ma Văn Kháng. Đây là cuốn sách được Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá là “hay, khuyến khích các nhà văn rèn nghề. Đến các đồng nghiệp cũng đọc và say mê”.

Cuộc vận động sáng tác về đề tài công nghiệp và công nhân do Ban Văn học Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam triển khai, trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết và chương trình hành động của Đại hội Nhà văn nhiệm kỳ VIII đã thu được những kết quả đáng phấn khởi.

Phần lớn các sáng tác được chọn đều đi vào phản ảnh trực diện đời sống người lao động các ngành nghề như khai thác than, khai thác quặng mỏ, khai thác lâm sản, v.v. cho đến người lao động trí óc. Đặc biệt rõ là trong các sáng tác văn xuôi, những câu chuyện trải khắp các vùng miền, từ anh cán bộ địa chất trên rừng đến người lái xe trong khu công nghiệp, cho đến người lao động Việt ở nước ngoài – tạo nên một bức tranh xã hội khá rộng lớn của thời công nghiệp hóa-hội nhập thế giới. Cuộc thi này hoàn toàn có thể tự tin với một số tác phẩm ở hạng giải cao được xem như các phát hiện của giải như bộ tiểu thuyết sử thi bốn tập “Đất bỏng” của Trần Tâm, tiểu thuyết “Đường vòng” của Nam Ninh, tiểu thuyết “7200 góc luân hồi” của Nguyễn Quốc Hùng, …

Bộ sử thi tiểu thuyết “Đất bỏng” của Trần Tâm, dung lượng 1.600 trang in, là sáng tác đầu tiên và chưa từng có với thể loại và quy mô như vậy về vùng than Quảng Ninh. Tác giả, một người thợ mỏ Cẩm Phả đã bốn mươi năm gắn bó với nghề than, đã dựng lên một toàn cảnh văn học về con người và lịch sử vùng than này từ ngày người Pháp bắt đầu xâm chiếm cho đến thời Đổi mới.

Tiểu thuyết “7200 góc luân hồi” của Nguyễn Quốc Hùng tìm tòi cách biểu hiện mới  mô tả nội tâm một nhân vật cán bộ công đoàn ở một nhà máy, nhiều gợi ý về sự thành hình và vun đắp con người Việt Nam trong hoàn cảnh công nghiệp và thị trường hoá mạnh mẽ.

Tiểu thuyết “Đường vòng” của Nam Ninh, hay “Dòng sông chối từ” của Bùi Việt Sỹ lại đại diện cho khuynh hướng bám sát các chủ đề nóng đương thời như chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền trên biển và các hải đảo của đất nước, toát lên rất rõ tình yêu nước và trách nhiệm nhiệt thành đối với nhân dân và xã hội.

Về thơ thì trường ca “Rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến đại diện cho một khuynh hướng gần đây khi nhiều tác giả thơ nỗ lực khám phá lại sức mạnh của hình thức thơ dài này, trong khi “Mùa sương muối biển” của Ngô Thế Trường, “Mặt trời đêm” của Trịnh Công Lộc hay “Xoá và không xoá” của Hoàng Việt Hằng v.v. tiếp tục mạch tự sự riêng chứa chan tình cảm của thơ ca.

Định hướng tư tưởng tôn vinh một thời đại biểu hiện qua lựa chọn trao Giải thưởng văn học hàng năm của HNV năm 2014. Các giải thưởng  được trao cho Biên bản chiến tranh 1-2-3-4/75, tác phẩm của Trần Mai Hạnh; Trăm năm trong cõi, tập tiểu luận của Phong Lê; Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng, tập tiểu luận của Nguyễn Đăng Điệp; Cuộc chiến đi qua, tiểu thuyết, tác giả Kanta Ibragimov, bản dịch của Đào Minh Hiệp; tập Trường ca ngắn, Kịch thơ của Nguyễn Thụy Kha.

Hai giải dành cho khu vực lý luận-phê bình là một nét nhấn thấy rõ. Tập tiểu luận của Gs. Phong Lê tuyển chọn  22 bài viết của ông về các nhà văn hóa, nhà văn nhà thơ mà ông gọi “là Thế hệ Vàng bởi họ là những người có công đầu trong khai mở và hoàn thiện diện mạo hiện đại cho văn chương-học thuật dân tộc”, làm toát lên một lịch sử khởi nguồn của văn chương Việt Nam hiện đại. Trong khi từ một lựa chọn hẹp hơn và do đó sâu hơn về thể loại và chủ đề, tập tiểu luận của PGs.Ts. Nguyễn Đăng Điệp thảo luận về sự phát triển của thơ hiện đại Việt Nam dựa trên quan điểm lý thuyết về “sự chuyển đổi hệ hình” tư duy trong thơ, gồm thay đổi cách nhà thơ nhìn thế giới và theo đó đổi mới hình thức thơ ca.

Xuyên suốt cả hai cách nhìn nhận về lịch sử của văn học hiện đại Việt Nam nói trên vẫn là nền tảng di sản – và là một di sản đang hiện động – của thời đại bão táp cách mạng giải phóng dân tộc đã sản sinh nước Việt Nam thống nhất mới.

Cùng một tầm nhìn lịch sử, đặc biệt tập trung vào các mốc vàng của lịch sử chiến tranh cách mạng, biểu hiện trong tập “Trường ca ngắn và Kịch thơ”, một tập thơ tự do đậm màu tự sự.

Cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” có thể nói là đặc sắc hơn cả, dựng một bức tranh bao quát và chi tiết về quá trình sụp đổ chính thể Sài Gòn trong bốn tháng 1, 2, 3, 4 năm 1975 cùng nhiều chân dung sinh động của tướng lĩnh quân đội Sài Gòn và số phận những người ấy.

Tác phẩm đậm chất phóng sự khách quan và cũng đầy phẩm chất văn học độc đáo này, chỉ tái hiện chân trời sụp đổ của một chế độ nhưng lại giúp người đọc hình dung đầy đủ hơn cái giá và tầm vóc của chiến thắng lịch sử Mùa Xuân 1975, đồng thời gợi lên suy ngẫm phong phú về những điều ta quen gọi là “những bài học lịch sử.” Thêm nữa, tác phẩm này mang lại một gợi ý sáng giá cho dòng văn học viết về chiến tranh của chúng ta đương đại, gợi ý về sự dày công nghiên cứu và sử dụng tư liệu, khai thác khối di sản khổng lồ của một thời đại cách mạng “vô tiền khoáng hậu” đã làm nên kỷ nguyên của nước Việt Nam hiện đại ngày nay.

Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2011-2013) nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập báo đã thu hút hơn ba nghìn tác phẩm tham dự một lần nữa cho thấy khu vực truyện ngắn của Văn nghệ có sức hút rất lớn và vẫn là mối quan tâm hàng đầu của công chúng văn học.

GIẢI NHẤT:

Chùm truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ:

- Bạn khách

- Sợi dây

- Mồng chín tháng Tám

 

GIẢI NHÌ:

1. Gia phả mùi rơm rạ – Thu Trân

2. Ma núi rắn – Nguyễn Đức Lợi

3. Lá bùa bỉ ngạn hoa – Vũ Thị Thanh Huyền

 

GIẢI BA:

1. Hồng trần – Chu Thị Minh Huệ

2. Đêm dài qua – Nguyễn Tiến Bình

3. Chùm truyện ngắn của Văn Chinh:

     - Thị

     - Chị Mỵ làng Minh Quang

4. Hàng xóm – Chu Thùy Anh

5. Phương Nam – Phùng Hy

6. Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm – Nguyễn Đăng An

 

GIẢI KHUYẾN KHÍCH:

1. Trong đám tang của mình – Uông Triều

2. Mười hai chiếc bánh Flan – Phạm Thanh Thúy

3. Suối nguồn – Phan Đình Minh

4. Đất tụ long – Nam Ninh

5. Phật ngoài khơi xa – Nhụy Nguyên

6. Người chợ Kệ – Dương Đức Khánh

7. Bữa tiệc ly – Lê Hoài Nam

8. Seo Ly – Chu Văn Nghiêm

Tác giả giải nhất Lê Thanh Kỳ là một trong những phát hiện mới mẻ và giá trị của cuộc thi truyện ngắn giàu truyền thống này. Ở các giải còn lại cũng xuất hiện những tên tuổi mới như Phạm Thanh Thuý, Nguyễn Đức Lợi, Uông Triều, Chu Thuỳ Anh, Chu Thị Minh Huệ, thậm chí còn rất trẻ như Vũ Thị Thanh Huyền đang là một sinh viên.

Không gian địa lý, đề tài các tác phẩm được giải cũng như các truyện dự thi nói chung rất đa dạng, trải dài khắp cương thổ quốc gia, khắp những chủ đề thời sự nổi cộm. Con người Việt Nam vẫn là trung tâm của tất cả. Sự chân thực và những suy tư, những đau xót của truyện ngắn cảnh báo chúng ta nhìn lại thực trạng đời sống trên nhiều phương diện.

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn