Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện cực ngắn: "Đổi giày" - Phạm Thúy Nga

04-10-2011 09:16:50 AM

VanVn.Net – Phạm Thúy Nga, tuổi Tân Dậu, con gái Hải Phòng chính gốc. Viết văn, làm thơ từ năm 1996, khi đang là học sinh chuyên văn. Hiện đang công tác tại Trung tâm Phân tích AND, phụ trách tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận – một công việc dường như không liên quan gì đến văn chương. Nhưng không hẳn thế, ngay trong chính công việc hàng ngày đã đem lại cho Thúy Nga những trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Những trang viết cứ thế mà tiếp nối ngày càng nhiều lên. Chùm truyện cực ngắn VanVn.Net giới thiệu cùng bạn đọc được Thúy Nga chuyển đến trong những ngày tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII vừa qua.

 

ĐỔI GIÀY

Mẹ là cô dâu năm 28 tuổi. Những năm vừa thống nhất đất nước mạng người quý lắm. Mẹ về làm dâu chưa tròn ba tháng bố lĩnh án tù 5 năm sau một lần không làm chủ  tốc độ, gây ra cái chết của người phụ nữ đang mang thai đi trái đường.

Chuỗi thời gian dằng dặc bốn năm cũng kết thúc khi bố cải tạo tốt và được ra trước hạn. Ba năm sau đó mẹ sinh liền hai chị em gái. Trở về cuộc sống đời thường bố mẹ lam lũ làm ăn. Mẹ vẫn theo nghề dạy học, bố xin vào làm công nhân rồi lên chức trưởng phòng. Bố được cấp đất… Ngày ấy cả xã chỉ có ba cái ti vi thì nhà nó có một cái. Cả xã có hai cái đài cassette thì nhà nó có một cái. Cả xã chỉ có duy nhất một cái babetta màu đỏ đó chính là cái xe của bố nó. Nhà nội cách thành phố chưa đến 30 km mà tám tháng bố mới về một lần. Ông bà nội mất, mẹ chịu tang ông bà một năm rồi mang hai chị em nó về ở gian nhà tập thể lụp xụp trong ngôi trường mẹ dạy học. Mùa bão, mẹ tự tay đóng lại cánh cửa, tự tay mắc điện nhưng không thể trèo lên mái đảo những viên ngói vỡ. Đêm. Mất điện, đèn dầu tù mù. Gian nhà dột đủ chỗ, thi thoảng viên ngói vỡ rơi khô khốc trên giường. Mẹ vơ vội giáo án, sách vở ấn đầy cái túi ni lông, đẩy hai chị em ngồi thu lu dưới cái bàn bốn chân mét hai. Giỗ bà nội năm đó nó vào lớp Một. Bố về nhà mấy ngày. Mùa hè năm sau mẹ sinh em trai. Không hẳn như lời mấy người hàng xóm thêu chuyện “mẹ mày sinh em trai là bố mày về ”... Nó có em trai rồi bố vẫn biền biệt… Em trai bốn tuổi. Một ngày bố về mua cho mỗi chị em một đôi giày. Ba đôi đều bé. Bữa ăn tối đứa em trai ngồi gọn lỏn trong lòng bố, đôi mắt mẹ ngấn nước khi thằng em ngước lên nhìn bố lạ lẫm:

-  Tối nay bố ở đây ăn cơm với nhà cháu nhé!

Sáng, bố dậy sớm đi làm. Bố bảo: "Bố mang giày đi đổi số lớn hơn". Rồi bố ở hẳn với người phụ nữ khác ngoài phố... Mãi những năm sau nữa ai trong xóm hỏi em trai nó: “Bố đâu?”. Em trai vẫn trả lời: “Bố đi đổi giày”.

 

CỐC CHANH MUỐI

Buổi sáng của tháng trước đó anh ngồi bên nàng cũng lạ. Một ngày đẹp trời cả phố ngạc nhiên. Nàng vui bước bên anh trong chiếc váy màu kem đính hạt kiêu sa quyến rũ.

Anh làm chồng. Khói thuốc mỗi ngày dày thêm trên mắt anh. Giọt cà phê của đêm đặc sánh. Nàng rót vào lòng để lặng thầm đón ngày mới, đón anh trong cơn say mèm chạm cánh cửa hạnh phúc chưa lâu. Anh la lớn gọi nàng mở cửa rồi loạng choạng. Giọng anh nhừa nhựa gọi tên của ai đó, không phải tên nàng.

Chiều nay sau 4 năm. Trong cơn say. Anh quên mất nàng đã đi khỏi ngôi nhà đựng hạnh phúc chưa lâu đó. Anh quay số: "Tôi đó mặc hết một lượt những chiếc áo được em thắt sẵn cavat rồi!" Lúc này nàng mới ứa lệ.
Không biết người phụ nữ giờ này bên anh có nghe thấy anh thì thầm một cái tên đàn bà khác trong cơn say. Nhưng có thể 4h sáng tỉnh dậy anh không tìm thấy cốc chanh muối nàng hay để trên bàn ăn, trong quá khứ.

 

CON NHỎ

Mùa đông năm 2010. Chiều muộn đi làm về mẹ vội vã xuống chợ Lũng lấy hoa để trang trí xe cưới cho khách hàng đón dâu sớm hôm sau. Thời tiết ngoài trời lạnh cong cánh hoa. 20h30 về qua chợ mẹ quên lời hứa mua bắp luộc với hai con vì chóng mặt, bước chân nặng như chì, người sốt hầm hập. Mẹ dắt xe vào nhà, yên lòng khi thấy chị Bông đó ngồi ngay ngắn học bài. Mít ngoan ngoãn tô màu bên chị, giữa nhà mâm cơm phần mẹ được úp gọn gàng dưới lồng bàn.

Mít tháng ba tới này mới tròn ba tuổi. Ngày mẹ đón xe đi tiếp tế cho cậu Bình mãi tận Ba Vì, Mít siêu đạp và đòi ra ngoài trước hai tháng rưỡi. Mít nặng có 1,3 kg,  được bác sĩ chăm sóc cho nằm chung lồng kính với một bạn quê Bắc Giang đúng một tháng thì mẹ mất sữa.

Thấy mẹ bỏ cơm rồi kêu lạnh kéo hai chăn đắp kín, chị Bông lên nhà gọi điện cho bác Thuý. Chị Bông pha trà gừng cho mẹ uống, xoa dầu vào gáy vào thái dương vào lòng bàn tay cho mẹ. Bỗng mẹ thấy động đậy phía bàn chân, theo phản xạ mẹ co chân lại.

- Mẹ ơi! Con đi tất cho mẹ!

 Tiếng Mít ngọng nghịu. Mẹ chảy nước mắt.

 

GIẢI ĐÁP

Mai lập gia đình riêng từ khi các bạn cùng trang lứa bước vào đại học. Từ ngày giàu có, chồng Mai chìm ngập trong những tiệc rượu thâu đêm và bộ sưu tập các em chân dài… Một ngày hai bên gia đình ngậm ngùi nhìn vợ chồng Mai phá sản. Ra toà, Mai nhận nuôi con.

Mai theo học một lớp tại chức rồi nhận lời yêu thầy giáo đó có vợ. Những gì thầy Khánh có, Mai không tìm thấy ở chồng cũ của mình. Mai dần lấy lại được thăng bằng cuộc sống. Bỏ qua mọi lời đàm tiếu, khuyên nhủ của bạn thân, Mai tự nhủ: “Mình sẽ đối đầu với cuộc hôn nhân này để giành Khánh bằng được”.Vợ Khánh nhận ra sự thay đổi khác biệt của chồng. Họ thường xuyên cãi nhau. Bố mẹ Khánh buồn.

Một chiều, nhận điện thoại của Mai hẹn đến nhà, Khánh bất ngờ thấy bố mình đang ở đấy. Xấp ảnh dày kèm theo một tập fax hiển thị đầy đủ thời gian, địa điểm những lần anh cùng Mai hẹn hò mà Công ty thám tử X bí mật gửi cho ông suốt một tháng đang nhảy múa trước mắt Khánh.

Ông bố nhìn Khánh và Mai nghiêm nghị. Mai bật khóc: “Bố anh thật sự là người cha tốt, chúng mình đã sai rồi, anh ạ”. Chỉ có vợ Khánh không hiểu sao chồng cô những ngày sau đó không còn những chuyến công tác xa nhà đột xuất nữa.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ

VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...

Thư giãn  

Truyện ngắn: "Vừa bắt đầu đã kết thúc"

VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...

Nhà văn đọc sách  

Những cuộc dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng”

VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...