Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: "Phù thủy của những chiếc bóng" - Đinh Phương

10-10-2011 02:54:29 PM

VanVn.Net – Đinh Phương, tên thật: Nguyễn Trọng Hưng, sinh năm 1989. Quê quán: Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. Hiện đang là sinh viên năm cuối, lớp K11, khoa Sáng tác và lý luận phê bình văn học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Trường Viết Văn Nguyễn Du cũ). Trong Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, Đinh Phương là một trong số 3 đại biểu trẻ nhất. VanVn.Net xin giới thiệu cùng bạn đọc chùm truyện ngắn tác giả mới gửi đến

Tác giả Đinh Phương


Phù thủy của những chiếc bóng

 

Tiếng nhạc từ chiếc máy phát nhạc cũ kĩ ngân dài lên một chặp ở đoạn cuối không vụt tắt ngay. Cái vòng âm thanh ấy khẽ khựng lại vài giây rồi lặp lại một lần nữa những gì vài chục phút trước đã diễn ra. K ngồi nghe tất cả và bắt đầu suy nghĩ. Ánh đèn ngủ vàng vàng mờ mờ trong phòng đủ để K trông thấy hai chiếc cốc thủy tinh trắng chưa rửa trên bàn. Lúc tối, K đã uống một cốc cà phê thật đặc mà không cho thêm đường hay sữa. Cái cốc còn lại là dành cho T. T ở đây không phải là một con người cụ thể, đúng sai, trai gái. T là một khái niệm rất phức tạp, một cái bóng mờ mờ trong rất nhiều cái bóng. T cho thật nhiều đường vào cốc của mình, tiếng thìa chạm leng keng khuấy mãi, đường vẫn còn bám lại thành lớp dày nơi đáy. “ Hẳn là ngọt lắm ” K đã nghĩ thế mà không nói ra. Cạnh chiếc cốc là một gói thuốc lá chưa bóc, chiếc bật lửa, gạt tàn hình một phụ nữ khỏa thân đang nằm. Cái dáng nằm của người phụ nữ ấy đưa K đến một sự khó chịu. K ghét những người phụ nữ nằm, nó cứ dai dẳng, buồn rầu, xâm lấn vào tận tế bào trong cùng của trái tim. Vì thế mà đến tận bây giờ K vẫn cô độc giữa căn nhà phủ đầy bụi của thời gian, kí ức.

Bị hình ảnh người phụ nữ nơi chiếc gạt tàn chạm phải, K nhắm mắt. Trong tăm tối K vẫn hình dung ra khuất sau tất cả những đồ đạc quen thuộc gồm bàn ghế, tủ đứng, ti vi,…là một bình hoa huệ màu trắng đã chuyển thành màu vàng úa. K không dùng nước để cắm hoa, anh cho hoa vào bình khô, để cho nó héo tự nhiên trước nhiệt độ nóng nực đầu hè. Anh đã có được sự ghi nhớ về mùi vị, màu sắc của bó hoa lúc nó mới được đưa đến. Điều ấy cần thiết hơn việc chứng kiến sự níu giữ tàn phia ngày này qua ngày khác. “ Cô ta đã ngắt đóa hoa ra khỏi cành, vậy hãy để nó chết như một món quà thượng đế đã ban tặng cho ta hơn là ta cố gắng làm nó tươi trở lại ở sắc thái bề ngoài. ”

Hương hoa dịu nhẹ còn lại vương vít ẩn nấp trong không gian đưa cảm giác trống vắng đi đến tận cùng. Nó là của một người phụ nữ với mái tóc cắt xõa ngang vai chẻ ngọn xơ xác, cái cằm nhọn luôn luôn nhô ra phía trước, đôi môi nhợt nhạt, những chiếc răng dày đan xen bám lấy nhau. Ngoại trừ đôi mắt đen sâu thăm thẳm giống mặt hồ nước mùa thu thì cô hoàn toàn xấu xí. Cô ta khác những người phụ nữ khác khi đến căn nhà này để tìm sự lãng quên. Ngược lại, cô cần nhớ lại tất cả kí ức, cảm giác, sự kiện vào năm 14 tuổi.

“ Xin cô hãy ngồi xuống đây. Uống nước đi rồi bĩnh tĩnh kể cho tôi nghe câu chuyện của cô. Nếu trong phạm vi có thể giúp tôi sẽ giúp nhưng tôi không hứa trước điều gì cả. Có nhiều người đã đến nhờ tôi nhưng cái cuối cùng họ nhận được là sự thất vọng. Vậy xin cô chớ nên hy vọng quá nhiều. Bởi nói như một ai đó thì ở bên kia những cánh đồng hoa sặc sỡ nhiều màu sắc lại là vực thẳm khôn cùng. ”

“ Chị em trong thị trấn đã giới thiệu ông với em. Người ta nói ông là phù thủy của những chiếc bóng. Bà cô của em muốn em lấy một người thủy thủ nơi bến cảng xa xăm kia. Nhưng em còn đắn đo lắm, có gì đó khó diễn tả bằng lời níu em lại. Ông đã giúp đỡ được nhiều người, vậy xin ông hãy giúp em nữa. Em sẽ làm bất cứ điều gì ông yêu cầu để có thể trả ơn ông. Em không muốn mắc nợ ai cả. ”

“ Xin cô đừng quan trọng vấn đề như thế. Xin cô hãy kể đi, chẳng có yêu cầu nào được đặt ra đâu. Tôi đã cố gắng từ bỏ vai trò làm một con người đặc biệt mà không được. Sự bình thường trong một gia đình với cha, mẹ, con cái là tôi thiếu, sẽ mãi mãi không ai cho tôi điều ấy được. Chúa trời đã trêu ghẹo, bông đùa quá trớn khi biến tôi thành kẻ giữ những chiếc bóng của con người. Và rồi tôi cũng sẽ cố làm hài lòng ông ta như đã làm hài lòng các cô gái khi đến đây. Ôi! Những chiếc bóng cũng đáng thương như tôi vậy, chúng bị bỏ lại lạc lõng trong một không gian chật hẹp, tù túng ngày này qua ngày khác. Người ta vừa muốn có chúng lại vừa muốn vất bỏ chúng đi như một món tóc thừa vậy. ”

“ Đấy là Chúa trời thương ông đấy chứ. Mà nói đúng hơn Chúa trời đã thương người trong thị trấn nhỏ bé này. Nếu người phụ nữ không thể từ bỏ đi những chiếc bóng của mình họ sẽ bất hạnh. Cái bất hạnh đến từ sự nổi loạn bản năng trong con người họ. Không có một người vợ tốt, đảm đang, làm tròn trách nhiệm của mình nếu họ mang quá nhiều chiếc bóng. Một người mẹ tốt chỉ nên biết có yêu thương thôi, nên từ bỏ đi nóng vội, làm đẹp, đôi khi cả tình yêu, sự lãng mạn nữa.

( Cô ta ngừng lại để nhấp một ngụm trà ướp sen mà K vừa rót ra. Đôi tay cô ta là những ngón dài, thon, trắng muốt như những cục phấn mà ngày xưa hồi học cấp một K vẫn dùng để tập viết. Những đốt ngón tay của cô phân chia to nhỏ không thật rõ ràng, nó là một thanh dài, ngọn ở đầu. Hoặc tại ánh sáng mờ mở của buổi chiều đã biến ngón tay trở nên quái dị. )

“ Ai rồi cũng xuôi về cái vực thẳm nhiều hoa tươi, cám dỗ như ông đã nói thôi phải không? Có gì đấy của năm 14 tuổi bắt em phải suy nghĩ, dày vò. Từng đêm trong giấc ngủ em đã mơ về nó, mỗi tội là khi tỉnh lại thì đầu óc em lại trống rỗng ông ạ, em chẳng nhớ được gì cả. Tờ giấy, cây bút chì để đầu giường nhằm ghi lại giấc mơ mãi vẫn chỉ là một mặt phẳng màu trắng nhàm chán, vô vọng. ”

“ Cũng khó đấy. Có thể cô đã đánh mất một chiếc bóng nào đấy trong cái chuỗi sự sống của mình. Nó vẫn lởn vởn bên cô song không thể nào quay lại được nữa. Con người vốn thay đổi rất nhanh. Chiếc bóng nhận ra không phải là cô của tuổi 14 nữa, nó từ chối song vẫn day dứt, hay là nó không có chốn nào bình yên để về. ”

“ Ông giống một triết gia hơn là một phù thủy đấy. Ông làm em sợ chính con người em… ”

( Tiếng chuông cửa ngân dài kéo cuộc trò chuyện của họ vào ngõ cụt. Lại một phụ nữ nữa đến để trối bỏ đi một chiếc bóng của mình. K thấy rùng mình, chán nản, xin lỗi cắt ngang câu chuyện rồi đứng dậy mở cửa. Người đến là một bà mẹ của ba đứa con nghèo thích những chiếc váy hoa đắt tiền trong cửa hiệu đầu thị trấn. )

 

K là người phù thủy duy nhất của cái thị trấn vỏn vẹn mấy chục nóc nhà này. Nơi đây ai ai cũng biết nhau, biết từ tính cách đến thói quen hàng ngày. Họ sống bình yên, lắng nghe, chịu khó, chia xẻ, giúp đỡ, đoàn kết. Thi thoảng, có một vài xung đột xảy ra, đa phần đến từ phái nữ thì người ta sẽ đưa họ đến nhà K. K thực chẳng phải làm gì nhiều, chỉ lắng nghe, đưa ra một vài lời khuyên, mời họ uống nước rồi mở cửa tiễn họ ra về. Những cái bóng tự đi ra khỏi vật chủ, ở lại nhà K trong lúc diễn ra câu chuyện. Chúng tự biết mình cần một chỗ đến khác hơn.

“ Các người chẳng làm gì nổi trong cái thị trấn nhỏ này đâu. Tốt hơn hết là hãy về đây, ngồi xuống, uống một tách cà phê, khoan khoái suy nghĩ và thấy mình chỉ là cái bóng. Chứ đừng có dại dột mà loạn nên, sẽ thiệt vào thân thôi. ” Người người to nhỏ truyền tai nhau đấy là câu thần chú bí ẩn K vẫn dùng để gọi ra những chiếc bóng.

Ngày ngày, nhiều người đàn bà đến nhà K, họ lén lút, thở dài lúc đến rồi vui mừng, thoải mái khi ra về. Cái khoảng thời gian họ đến không quy định trước, có thể là sáng sớm, giữa trưa hay là ba giờ sáng. Họ chối bỏ một lớp khuôn mặt, một cái bóng lạc lõng. Thi thoảng, K vẫn nói chuyện với những chiếc bóng bị bỏ lại ấy. Chúng thường hiện lên bất chợt, biết mất bất chợt không có bất cứ dấu hiệu gì báo trước. Trông chúng giống người thật, cũng đầy đủ mắt, mũi, miệng, chân, tay, dáng điệu, cử chỉ. Không cần ăn uống, song đôi khi K cũng vui vẻ mời chúng một tách cà phê và đương nhiên chúng không từ chối. Cái khác duy nhất là những cái bóng không bao giờ biết cười. Một câu chuyện khiến người bình thường cười đến thắt ruột chỉ khiến bóng lẳng lặng quay đi. K đã nhiều lần chứng kiến điều ấy, lúc ấy chính K cũng thấy mình bị biến thành một cái bóng trong nhiều cái bóng phụ nữ miên man kia. Để nhận ra một miền đất khác nằm giữa nhiều miền đất quen thuộc đã bị lãng quên. Những người đàn bà quên bóng thật nhanh để trở về làm một người phụ nữ đảm đang, chính chuyên với chồng, con, với con mắt mọi người xung quanh. Gánh nặng đã được trút đi. Một người phụ nữ có muôn ngàn chiếc bóng mang theo bên mình. Điều này tương tự một người gánh nặng trên con đường quá dài, mệt mỏi. Họ từ từ bỏ lại những thứ mình đã mang theo khi còn trẻ, còn con gái. Có lúc họ nhặt được vài món đồ mới, họ thích thú reo vui, cuối cùng là ngậm ngùi bỏ lại. Tuổi già, trách nhiệm, đạo đức,… và muôn muôn thứ khác nữa trói buộc để họ đi mãi mãi, quên bản thân mình là ai.

 

K vẫn im lìm in hình vào bức tường trắng sự tĩnh lặng đến lạnh lẽo. Người đàn bà với những chiếc váy hoa đã ra về. Âm nhạc, đôi khi chỉ là tiếng gió được thu lại ngày còn ở biển, phát lên, lặp lại hết ngày này đến ngày khác. Cái chuỗi liền mạch ấy khiến K thấy mình bị cuốn đi. Tạm quên đi những chiếc váy hoa sặc sỡ nhiếu màu sắc vừa bị ám vào trí óc. K lại nhớ đến T. T là cái bóng mà anh nhặt được trong ngôi nhà thờ đổ ngày anh chuyển nhà từ vùng biển tít xa đến thị trấn nhỏ này. Ở biển anh cũng là một phù thủy, lên đây cũng vần ngần ấy công việc tiếp diễn. Hành trang mang theo ngày chia tay những con sóng không có gì nhiều ngoài những chiếc bóng. Chúng không muốn dời xa anh, người duy nhất có thể hiểu chúng. Từ sau những chấn song cửa sổ có vài người phụ nữ lúc anh đi đã khóc, vài người nhìn theo bằng cái nhìn len lén, lẩn tránh. K đã biết quá nhiều bí mật của họ.

T là một thiếu nữ chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Khuôn mặt cô giống với những chiếc gương trong sáng nhất. Nó bừng sáng vào mỗi sớm mai khi ánh mặt trời chiếu vào. Còn ban đêm, khi ánh trăng phảng tới thì tất cả trở thành một bức tranh buồn, trong suốt với một màu bàng bạc. K thích ngắm T vào ban đêm hơn. Khi tất cả tâm hồn đã được gạn lọc trở nên thanh sạch, trong suốt. Đôi khi, K còn thấy ở phía bên kia cái bóng mỏng manh của T một vùng trời khác nữa. Vùng trời ấy không có nhiều mây trắng mà phủ kín bằng mây đen. Cơn mưa có thể bất chợt ùa tới trên cái nền trời đầy bất hạnh, u uẩn, buồn rầu.

“ Tôi có thể làm gì để giúp cô được không? ” Bao nhiêu lần K hỏi câu ấy. Lúc họ cùng nhau uống cà phê, lúc cùng nghe một bài hát mới phát qua ra – đi – ô, lúc cùng ngắm những ánh sao băng chao nghiêng rồi rơi xuống đất, hay khi cùng hướng về những đàn cò bay thành hình chữ V phát sáng trong đêm tối.

“ Quyền năng của một phù thủy của những chiếc bóng là bao nhiêu? Anh có thể làm được mọi chuyện trên thế giới này chứ? ” Câu hỏi hỏi lại của T thường thảng buồn rầu. Cô không tin vào bất cứ điều gì cả, né tránh tất cả mọi thứ, đôi khi cả K.

“ Tôi đơn giản chỉ là một trong muôn vàn người giữ những chiếc bóng thôi. Điều này giống với đầu trâu, mặt ngựa nơi địa ngục dưới quyền cai quản của Diêm Vương làm nhiệm vụ giữ hồn người chết vậy. Tôi vốn không làm được gì nhiều, chỉ đơn giản là giữ thôi. Người ta trả công cho tôi để tôi giữ bản năng vốn có của họ. Đời cụ tôi, ông tôi, cha tôi cũng đã làm nhiệm vụ giữ bóng này rồi. Nghe kể lại cụ tôi thậm chí còn giữ bóng cho một vị vua nữa đấy. Quyền lực thì có kha khá, nhưng cuối cùng lại chết bởi bí mật về những chiếc bóng. Người ta tin cụ tôi đã tiết lộ vài chi tiết không hay về bí mật của vị vua nọ. Dù rằng người giữ bóng khi sinh ra cái nguyên tắc đầu tiên được dạy là việc giữ bí mật. ”

“ Vậy thì… ” T biến mất không hề nói hết câu. Tiếng thìa chạm vào thành cốc cứ ngân mãi. T thích uống cà phê cho thật nhiều đường. K thì ngược lại, sợ hãi trước những gì quá ngọt ngào.

 

“ Tôi sẽ đến nhà cô buổi tối khi cô đang ngủ. Điều ấy cần thiết hơn là những suy đoán vô căn cứ lúc này. Xin cô để lại địa chỉ và về xin phép bà cô ngay. Tôi có thể sẽ trò chuyện với bà ấy nhiều điều trong lúc cô đi tìm cho mình giấc ngủ nơi chiếc giường êm ái… Nếu được sáng mai cô hãy để lại một bức thư nơi cửa kia báo rằng tôi có thể đến, tôi sẽ đến, còn không thì thôi. ” Sáng hôm sau K nhận được bức thư cài trong bó huệ trắng còn ướt sương báo rằng có thể đến và chân thành cám ơn. Nét chữ trên bức thư bay bướm, hoa lá, chứng tỏ người viết là một người mang nhiều sự lãng mạn trong tâm hồn. Bó hoa K cắm cùng bó hoa hôm trước cô mang đến mà không cho vào bình cắm một giọt nước nào cả. Còn bức thư anh kẹp nó trong cuốn album đựng vài bức ảnh đen trắng thời thơ ấu. Trong lúc làm tất cả chuỗi hành hành động này K huýt sáo một bản nhạc thiếu nhi thật vui nhộn.

K đến nhà cô gái với đôi mắt giống mặt hồ nước mùa thu vào lúc 9h tối sau khi đã ăn tối, uống một cốc trà chanh với mật ong, xem một bộ phim hài nhẹ nhàng. Trên đường, người qua lại thưa thớt dần. Chỉ ít phút nữa thôi là chẳng còn ai ra đường nữa. Ánh đèn đường vàng quạch phủ kín khắp nơi một màu hổ phách huyền diệu. Đâu đó, có tiếng dế kêu xen lẫn tiếng những con mèo tình nhân gọi nhau vọng lại. Thị trấn vào đêm không khác ngôi trường phù thủy và pháp sư Hogwarts trong Harry Potter là mấy. Chúng cùng u ám như nhau, cùng là nỗi bí ẩn, kinh sợ đối với loài người.

K lẫm lũi bước, gió lạnh ù ù thổi hai bên mang tai. Với tay ra sau lưng K kéo chiếc mũ chùm kín lấy đầu. K nhận ra thoang thoảng trong gió có cả mùi của thành phố nữa. Phía bên kia thị trấn nhỏ này là thành phố nhộn nhịp, phồn hoa. Có nhiều người nơi thị trấn đã sang bên ấy rồi trở về đây vì họ không thể chịu được sự ồn ào bến đó. Cái thị trấn nhỏ này cứ song song tồn tại với thành phố đã mấy chục năm rồi. Nếu đứng từ đường biên thị trấn là ngọn núi Z có thể thấy ánh sáng từ bên kia hắt sáng ối bầu trời. Thành phố không bao giờ ngủ cả, nhiều xáo trộn nữa. Người già cả trong thị trấn ghê tởm khi nhắc đến chúng, người trẻ cũng ghê tởm theo người già, đặc biệt là phụ nữ. Mặc dù vậy họ vẫn thích những bộ quần áo, những chiếc váy nhiều màu sắc, hoa văn từ thành phố mang sang.

          Căn nhà cô gái nằm gần cuối thị trấn. K đi bộ một đoạn đường khá dài, cơ thể K lúc này đã nóng lên, anh cởi chiếc khăn quàng kẻ ca – rô màu xám ở cổ ra, đẩy ngược chiếc mũ lại phía sau. Đứng lại, quan sát chặng hành trình trên con đường dài dằng dặc mà mình vừa mới trải qua. Những viên gạch lát đường thỉnh thoảng lại ánh lên trong ánh đèn. Mà cũng may không có chú mèo nào nhảy ra từ trong bụi rậm, điều ấy hẳn khiến K phát khiếp lên mất. Đây là lần đầu tiên từ khi chuyển đến thị trấn mới này K đi từ đầu đến cuối trọn một vòng. Bình thường, anh chỉ loanh quanh trong nhà không mấy khi ra ngoài dù rất thèm tản bộ dưới ánh nắng mặt trời. Đồ ăn, thức uống của anh có bà góa nhà bên cạnh lo hộ. K sợ ánh mắt tò mò của con người trong thị trấn mới.

“ Một người phù thủy nên sống khép kín nếu không con sẽ bị làm đau bằng chính sự cởi mở của mình. ” Đó là lời trăn trối cuối cùng của cha anh trước khi ông nhắm mắt. Tối nay, anh đã đi ngược lại lời di huấn đó.

 

Phải gõ cửa đến lần thứ ba mới có người ra mở cửa. K chỉ thấy thoáng một nửa khuôn mặt của bà ta ngó ra sau lần cửa được ánh đèn đường leo lét chiếu vào. K đi theo bước chân của bà vào nhà, giật mình vì bóng tối đậm đặc bao trùm bên trong. K không thấy gì, bước rò rẫm từng bước chậm chạp theo tiếng lê dép quèn quẹt phía trước.

Bà ta đột ngột dừng lại, đánh một que diêm châm vào cây nến nhỏ trên chiếc bàn gỗ. Ánh sáng ấm áp tỏa ra từ nến làm cho K thấy dễ chịu, khoan khoái lên đôi chút. Nhưng khi mà K chưa kịp nhìn kĩ khuôn mặt bà thì bà đã nhanh chóng bước trở lại khoảng tối mà phút trước đã cùng K đi vào. Ngồi xuống ghế, còn lại một mình K lặng lẽ đưa mắt quan sát khắp căn phòng. Tất cả mọi vật dụng trong phòng đều là vật dụng thịnh hành từ mấy chục năm trước. Từ chiếc đài bong tróc lớp vỏ ngoài như da của tê tê, chiếc gương với viền bao bằng đồng đã hoen rỉ ánh xanh đến chiếc xe đạp thồ cũ kĩ dựng trong góc,… Đèn điện cũng không có, K thấy vài cái đèn dầu vất chỏng chơ cạnh gương.

Thi thoảng, có cơn gió từ lỗ hổng nào đó đột ngột ùa vào phòng cuốn bụi bay tứ tung. Rõ ràng từ rất lâu rồi người ta đã bỏ quên căn phòng này. K thấy sống lưng mình lành lạnh, mồ hôi bắt đầu túa ra. Nỗi lo sợ mơ hồ dâng lên khiến anh bồn chồn không yên. K muốn đi lại xem xét một vòng quanh căn phòng và phía ngoài kia. “ Nhưng mình mới đến nhà người ta lần đầu, lại là đàn ông con trai nữa. ”

Có bàn tay vô hình níu chặt K lại chiếc ghế gỗ lạnh toát. Trên bàn, cây nến cháy đang ngả về nửa cuối. Không gian im ắng vón đặc đến tội nghiệp. K thèm nghe một âm thanh gì đó bất kì. K bắt đầu dùng tay gõ lên bàn một bản nhạc gì đó mà chính anh cũng không nhớ chính xác nữa. Một bản buồn tẻ, vui nhộn hiện lên ngay trong trí óc lúc này. Hoặc chỉ là những tiếng gõ không đầu cuối, chẳng tiết tấu cũng được.

Cục cục cục… cục cục cục… cục cục cục… cục cục cục…cục cục cục…

K gõ thế rất lâu...

 

Đợi mãi, cuối cùng K quyết định cầm mẩu nến còn lại đi ra khỏi căn phòng. K bước vào một căn phòng mà cửa đã he hé mở. Phía trong, bà cô và cô gái đã mang hai đóa huệ tới nhà anh đang ngủ, họ cùng mặc một bộ quần áo ngủ màu xanh lá cây. Họ giống nhau đến mực K phải thốt lên kinh ngạc. Từ mái tóc cắt xõa ngang vai chẻ ngọn xơ xác, cái cằm nhọn luôn luôn nhô ra phía trước, đôi môi nhợt nhạt.

Tuy rất khó chịu khi thấy phụ nữ nằm nhưng K vẫn dùng ánh nến soi lên mắt từng người hy vọng họ sẽ trở dậy để tiếp đón anh. Mời một người vào nhà rồi để người ấy ngồi chờ đợi còn mình vào phòng ngủ rõ ràng là không lịch sự chút nào. Sau vài giây anh chán nản với ý định ấy và giận dữ bước trở ra ngoài.

K dò đường đi sang căn phòng bên cạnh. T ngồi đợi K với cây nến cháy dở trên bàn. T mặc quần áo ngủ màu xanh lá cây…

 

Sáng tỉnh dậy K thấy mình nằm trên chiếc giường êm ái mọi khi. Trong góc phòng hai đóa huệ biến mất, chỉ còn trơ khấc lại chiếc bình rỗng. Bức thư kẹp trong cuốn album cũng không còn. K nghi ngờ chính bản thân mình. Anh không biết tối hôm qua có ra khỏi nhà không nữa. Cố gắng lắm K cũng chỉ nhớ được khoảng thời gian từ lúc uống trà chanh và xem phim hài về trước. Còn lại khoảng thời gian phía sau đến hiện tại là cả một khoảng trắng dài.

 

Tôi suy nghĩ rất nhiều về tình huống K gặp phải. Trong một ngày Hà Nội mưa tôi quyết định gửi cho K bản thảo truyện ngắn này và cách lí giải của riêng tôi.

Ngày…tháng…năm…

Thân gửi K.

Trong vài khổ của một bài báo tôi vô tình đọc được trên mảnh giấy gói xôi có đoạn viết về một bà cô nào đó. Năm 14 tuổi bà cô đã yêu một người con trai hơn mình hai tuổi. Họ thường cùng nhau ngắm hoàng hôn xuống nơi dãy núi hết ngày này qua ngày khác. Đúng vào cái ngày họ định làm đám cưới thì chiến tranh ùa đến, bom đạn xé nát thân hình người con trai. Bà cô sống sót, buồn đau, để vơi đi sự cô đơn trong lòng bà đón người con của anh trai mình về nuôi. Bà cô không hề kể cho cháu nghe về câu chuyện diễn ra năm mình 14 tuổi, bà cho cô đi học và tính tìm cho cô một tấm chồng. Nhưng vì sống gần nhau lâu cô gái cũng có gần linh cảm với bà cô của mình. Sự chung thủy với chàng trai kia từ lúc nào đó không rõ ngấm dần sang cô cháu gái. Cô không muốn lấy chồng mặc sự giục giã của bà. Cuối cùng họ cùng uống thuốc ngủ để trở về cõi vĩnh hằng, trở về năm 14 tuổi đầy hạnh phúc.

 

Con cừu hung không cần bơi

 

Đó chính xác là con cừu, một con cừu có màu lông hung. Cái màu lông mà người ta dễ nhầm với màu khăn quàng cổ của các bà, các chị. Con cừu ấy không biết xuất hiện trong nhà 1989 từ bao giờ. Nó đứng trong góc phòng, thỉnh thoảng chạy ra ngoài rũi mõm lên tấm thảm lau chân. 1989 không nhớ lần đầu tiên mình thấy nó từ hôm nào nữa. Hôm qua, hôm kia, hay lâu hơn về trước. Nó thường ngước bộ mặt tam giác dõi theo cái hành trình từ phòng khách lên phòng riêng của cô. Trong suy nghĩ cô từng nhầm nó với một con chó. Mà hành động, ngoại hình của nó giống với một con chó hơn nếu không có bộ lông xù. Cái bộ lông mà người ta dùng để làm áo ấm, khăn, găng tay, bít tất hay những gì mà đầu óc quái gở của con người có thể nghĩ ra.

Có thể bố mẹ đã nuôi một con thú mới. Loài cừu lai chó chẳng hạn. Nếu thế thật thì có lẽ con cừu này mang ghen của chó phốc nhiều hơn, thứ chó trụi húi lông và cụt đuôi. 1989 ước tính con cừu này chỉ đủ lông cho bàn chân trái của bà béo cạnh nhà nếu bà ta đột nhiên có ý định đi tất lông cừu để đề phòng mồ hôi chân.

Lạ thay là nó không hề kêu, không ăn uống, đi vệ sinh. Chỉ đứng một chỗ trong góc phòng lúc có người, chạy nhảy đôi chút khi vắng người. Cặp mắt híp trên khuôn mặt quá rộng luôn luôn khép chặt như định hình ở thế giới khác. Bốn cái chân tong teo hứng một thân người lớn không cân xứng.

 

“Nhà ta mới mua chó hả mẹ? ” 1989 hỏi mẹ khi mẹ đang dắt xe ra ngoài đi làm.

“ Không. Chó nào. Con thừa biết bố con ghét chó mà.”

Mẹ cô lại lên đường dong duổi với những con số. Chẳng ai tin một kế toán viên mẫu mực lại học viết văn ra. 1989 từng nhiều lần thấy mẹ bên khung cửa sổ ngắm mưa. Những vần thơ cứ trôi tuột dần. Khi nhìn lại được tuổi trẻ thì già rồi. Ánh mắt mẹ cam chịu. Khung cửa kính gồng mình lên chịu những cái tát đau đớn của gió, nước, lá, túi ni lông. Mẹ run rẩy thấy một mình khác ngoài cơn mưa. Mình ấy chẳng chịu vào nhà. Mình ấy nô đùa cùng mưa không sợ sệt. Mình ấy với tay lấy một chiếc lá xanh trên cành. Mình ấy nhìn chằm chằm vào mẹ như một người quen. Tránh ánh nhìn ấy mẹ quay sang nhìn cô chua xót, trên tay là chiếc là úa vàng. Mẹ muốn phá bung khung cửa kia ra mà chẳng đủ sức. Chân, tay, tâm hồn mẹ có bao nhiêu là dằng buộc. 1989 hiểu rằng mình cũng là một dằng buộc như thế.

Con cừu chạy lon ton theo xe một quãng xa đến đầu ngõ lại quay lại. Nó chạy đan xen giữa những chiếc xe như người ta làm xiếc. Lạ là không xe nào đâm vào, không lạ là người ta có vẻ chẳng nhìn thấy nó. Cừu cứ ẩn hiện bất tuân theo nguyên tắc. Vòng qua người bà bán xôi béo nú, chui qua háng ông vá xe gày đét, lao qua đầu thằng bé con hơn tuổi chập chững tập đi. Nó như con chó trung thành tiễn chủ là mẹ.

1989 muốn có mối quan hệ nào đó với con cừu này. Quan hệ đó là quản gia cừu với cô chủ luôn đi ngủ muộn vì bộ phim không mấy hay ho trên truyền hình. Cừu sẽ hỏi: “ Tại sao cô chủ lại thích xem những bộ phim tẻ nhạt nhường ấy?” . “ Một cách để giết thời gian cừu ạ.” Diễn viên cứ quanh quẩn bên vài quán cà phê, vũ trường, thoại với nhau nhiều câu ngớ ngẩn, làm tình kiểu mì ăn liền khi ống kính máy quay xoáy lấy hai khuôn mặt ngây ngây giả tạo. Cừu lắc đầu chán ngán. 1989 nghĩ rằng nó đang nghĩ đến cuộc làm tình của mình với cừu cái trên cánh đồng rộng. Nơi mà mặt trời có trốn chạy thì vẫn nhìn thấy cái đuôi vàng vọt rớt lại trên ngọn cây. Đàn cừu con trong lúc bố mẹ chúng ân ái sẽ bị nhốt lại trong chuồng. Người chăn cừu với cái roi thật to dẹp đi tiếng đòi ăn, đòi chơi, đòi tò mò từ nhiều cái mồm nhỏ. Họ cần làm thế để tiếp tục cho ra đời một lứa cừu mới đi cũng những bộ lông mượt. Đến khi cái tò mò to quá nghĩa là đàn cừu con đã lớn. Chúng sẽ làm cái điều mà bố mẹ ngấm ngầm che dấu, có khi nhàm chán nữa. Tất nhiên, không có sự dạy bảo, tâm sự hay chia xẻ nào. Chúng cũng sẽ lại thấy đuôi mặt trời trên cây.

 

Từ khi nhìn thấy con cừu trong nhà 1989 đột nhiên nghĩ về một cái hồ. Cái hồ phải đi khá xa mới tới, gần một ngọn núi trọc, bao quanh là cỏ dại. Có lẽ giờ này nó đã bị lấp đầy bởi rác, biến thành một vũng chứa nước thải từ nhiều nhà máy than gần đấy hay là một dãy nhà. Cứ nơi nào có nước là có bàn chân con người đặt đến. Con ngưòi nhận ra nước nhanh hơn nhận ra ánh mặt trời. Bởi mặt nước chứa được hết: mặt trăng, mặt trời, cá, ếch nhái, người, cả cừu nữa. Cô đang suy tư xem mình có bỏ quên cái gì ở nơi ấy không? Một niềm vui, nỗi buồn, cái bánh, cái kẹo, người quen.

Chợt để ý thấy tờ lịch trên tường ghi hôm nay là ngày rằm tháng tám. Nghĩa là tết trung thu.

Lần đầu tiên 1989 thấy múa kì lân là năm học lớp một. Dĩ nhiên việc múa kìa lân, việc trung thu với cái hồ xét cho cùng vẫn có mối liên quan nào đấy chứ chưa hẳn là không. Bọn trẻ con nhoai nhoai vẫn chặt tre ven hồ về chẻ nhỏ, uốn, buộc dây làm khung đầu. Sau lấy giấy báo dán vào. Cuối cùng là sơn và đợi khô. Mắt gắn riêng bằng hai quả bóng xanh, đỏ con con cỡ nắm tay người lớn.

Xong đầu, đến lửa. Giẻ tẩm dầu được cuốn trên cây gậy dài chừng mét hai đến mét rưỡi. Tất nhiên, gậy cũng được chặt từ tre ven hồ. Tiện thể làm thêm súng đốp để thuận lợi cho cuộc chiến sau đêm rằm. Chắc chắn sẽ có những lời thách đấu được đưa ra ngoài màn phun lửa. Vũ khí thường là súng đốp, quả bàng, quả gạo gai, gạch, đá, đôi khi cả nước tiểu đựng trong túi.

 Súng đốp làm bằng một thanh tre nhỏ. Một đầu để trống, một đầu là mấu tre ngắn cắm vào đũa rồi cắm vào nòng ống. Nòng ống khi nắp đũa vào phải vừa cả chiều dài lẫn chiều rộng, không chặt quá mà cũng không được lỏng. Đạn bắn là giấy ẩm hoặc quả xoan cắt đôi. 1989 có vết thương lòng gắn với trận chiến súng đốp này. “Cuộc gặp gỡ trong, ngoài song sắt”. Xin kể chuyện này ở đoạn sau, bởi có vẻ như quản gia cừu đang bị hớp hồn bởi cô nàng kì lân xinh đẹp nào đấy.

Mỗi quá trình đều được phân công rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có xích mích xảy ra, có cả đánh nhau, đôi khi vỡ cả đầu kì lân lẫn đầu người. Nhưng thường tất cả sẽ được dẹp yên nhờ một vị thủ lĩnh, hay ngôn từ của hội trẻ là đầu gấu. Anh ta có trách nhiệm giữ đoàn kết trong hội, đứng ra bảo kê, ứng chiến khi có tranh dành địa bàn với hội khác. Xã hội loài người được quy định từ trò chơi của trẻ con. Vị thủ lĩnh không cần phải làm gì cả.

Không khí trung thu đến rộn rạo từ rằm tháng bảy. Ngay khi nghe người lớn nói về xá tội vong nhân, báo hiếu cha mẹ thì lũ trẻ nghĩ ngay đến lễ rước đèn. Từng đoàn trẻ con rồng rắn hát hò. Trên tay là hộp xà phòng khoan thủng bởi sắt nóng, đặt vào giữa cây nến, buộc dây, treo trên cái que. Trung thu người ta không chỉ đơn giản nói đến trăng tròn, bánh nướng, bánh dẻo, bánh đa, dừa ăn cùng. Mà người ta còn nói về một thứ khác như là sự gợi nhớ, tiếp nối. Dù có vẻ như sợi dây ấy gần đây đã đứt đoạn bởi đèn trung thu phin kêu ò e của Trung Quốc. Con cừu hưởng ứng. Hếch mũi nhìn người bán đèn ngoài đường với hàm ý hận thù.

Năm ấy có chuyện xảy ra. Tình yêu đầu vĩ đại. Anh như con kì lân dũng mãnh trong phim kiếm hiệp. Nói chính xác hơn anh chính là người thổi lửa kiêm bảo kê cho đoàn múa. Có vẻ như anh khác với các vị thủ lĩnh thường gặp. Không hầm hố, cà khịa, hách dịch với bọn trẻ dưới quyền. Còn lại thì cũng thân hình khẳng khiu, chân đi đất, đầu bù xù, khoác một cái áo màu cháo lòng, quần ngắn cũn cỡn trên mắt cá chân.

“ Cô chủ yêu anh ta thật hả? Mà yêu vì cái gì? ” Con cừu có vẻ khó chịu với cách kể rềnh ràng của cô chủ.

“ Cần lí do thật hả”. Mắt 1989 hướng ra phía ngoài đường. Có chiếc xe máy vừa rú ga phóng qua.

“ Dĩ nhiên.”

“ Ta không biết. Tự nhiên đứng gần anh ta có cảm giác mát mẻ. Cũng nhớ đến một nơi thật nhiều nước. Thật sâu đấy, ta chìm đắm vào nó.” 1989 với tay lên giá cốc. Chiếc cốc lạnh buốt. Nước trong bình phản chiếu ánh mặt trời cũng hắt lên màu xanh lành lạnh. 1989 uống vào bỗng thấy toàn thân mình biến thành màu xanh như bánh cốm.

“ Giờ trông cô như lão quái vật trong bộ phim Tuyệt đỉnh công phu của Châu Tinh Trì ấy.” Con cừu mỉa mai, đồng thời hắt cái nhìn cười cợt về phía 1989.

“ Một đứa trẻ sáu tuổi vẫn luôn mong mình được kêu ộp ộp mỗi ngày. Ta cá là người cũng từng như thế cừa ạ.”

          “ Tôi cá là trong mơ cô thấy mồm anh ta phun phì phì. ” Con cừu lăn ra đất, mép nhếch lên khó khăn như người ta kéo khóa hỏng của một cái quần bò nhiều nếp nhăn và rách nơi đấu gối.

          “ Nếu ngươi làm như thế ta cam đoan lúc ấy ngươi là một con cừu rán không hơn không kém.”

 

          1989 để ánh mắt con cừu chạy nhanh qua trí não. Thực sự, đấy là lần đầu tiên cô thấy người ta phun lửa. Người lớn quy định cho bọn trẻ phải ghé sát miệng vào đầu cây phừng phừng cháy để nhả ra một ngụm dầu. Nếu không thế thì cũng chả có mấy đồng xu được nhả ra từ những chiếc ví da màu đậm để sâu trong túi. Đôi khi cũng vấp phải sự cố như cháy tóc, bỏng da. Mẹ sẽ cho vài roi vào mông cộng với chiến tích hằng năm sau vẫn được lưu truyền trong khuôn khổ trường học, khu, xóm.

Anh tình yêu đầu có hàm răng hô khiến cô liên tưởng với loài cá có đèn trên đầu sống ở tầng sâu nhất nơi đáy biển. Chương trình thế giới động vật trên VTV2 chiếu ba mươi phút về loài cá này. Hôm sau chiếu lại lần nữa lúc tám giờ sáng. Hai lần 1989 đều xem. Ước mình là con cá cái.

Khi đang phun lửa vì quá nóng anh vén môi lên cao hơn. Tớp ngụm nước lã như đớp mồi, ánh mắt vằn đỏ hung dữ, chiếc gậy phía sau lưng bùng cháy khét lẹt. Không có con cá mập nào đến gần. Loài cá mập không sống ở tầng nước sâu đến thế.

 

          Ngay khi nhiều đứa được coi là anh hùng phun lửa đang ba hoa bằng giọng khò khè trong lớp học thì 1989 lâm vào cuộc gặp gỡ mới. Cuộc gặp gỡ cũng bắt đầu từ nước.

          Trưa, 1989 ăn một gói mì tôm sống không úp nước. Giấy gói có hình con tôm vàng cong chẳng biết tôm sống hay chín. Mẹ đi làm giao toàn quyền cho cô căn nhà rộng với bếp than tổ ong chỉ nhóm một lần vào buổi chiều. Bếp than sẽ tắt dụi khi đêm muộn. 1989 tưởng tượng trong gói mì tôm có tôm, đùi gà thật mà không đánh vần được: “Hình ảnh trên bao bì chỉ mang tính minh họa cho sản phẩm.” Dần dần, lớn lên cô thấy những gì quanh mình cũng mang tính minh họa hết. Mà còn chẳng ghi lấy một chữ báo hiệu.

Ngay từ khi bốn tuổi 1989 đã có cảm giác làm chủ. Dù việc làm chủ ấy chưa trọn vẹn khi nó bị ngăn cách bởi ổ khóa to màu đen cùng chùm chìa khóa gắn bấm móng chân màu vàng.

Khi 1989 vừa ăn xong mì thì anh tình yêu đầu lao vào. Vẫn thân hình khẳng khiu, chân đi đất, đầu bù xù, khoác một cái cái áo màu cháo lòng, quần ngắn cũn cỡn trên mắt cá chân. Trên tay là khẩu súng đốp, túi quần túi áo chật ních bàng xanh, xoan xanh mới hái, nhựa thấm ra cả ngoài. Hàm răng hô được cặp môi dày che chắn. 1989 ước gì mình có thể chạm vào cặp môi ấy xem cảm giác thế nào.

“Này bé con. Lấy anh mày xin hớp nước.” Anh ta ngồi bệt xuống phía ngoài cửa xếp. Bụi chịu tác động của cặp mông lép kẹp bay tứ tán.

“ Nhà em chỉ còn nước lã thôi. Nước sôi mẹ em đun hôm qua em uống hết rồi.” 1989 nghĩ đến siêu nước sôi xình xịch, cái nắp bật lên bật xuống.

Anh ngồi gãi sồn sột nơi cổ. Sợi dây chuyền bạc căng ra tưởng sắp đứt. Khẩu súng lăn vòng tròn trên đất.

“ Này. Nhà có cao không? Anh mày xin ít. Vừa trèo bàng lông bọ lẹt dính ngứa quá.” Có vẻ vết ngứa tiếp tục lan. Đôi mắt anh căng ra. Trong lúc ngủ loài cá dưới lòng biển sâu kia cũng thế. Tại tất cả đều tăm tối, chúng lại không có đồng hồ báo thức. Mắt cứ mở thao láo để đớp lấy mồi bất cứ khi nào tỉnh.

1989 lấy cao đưa anh. Rõ ràng cô muốn chạm vào làn da sần sùi, đen  sạm kia.

Con cá ấy không có vảy, người nó là một lớp da dày, mang khá to. Nhìn nó người ta nghĩ ngay đến cái đèn lồng đỏ sáng rực thường được treo vào các dịp lễ tết.

Anh cởi phăng áo. Cái rốn lồi to tướng làm điểm nhấn cho cái bụng lép kẹp. Phía sau lưng có vết chàm hình cục tẩy ô van mùi dâu. Hai dải xương sườn uốn ôm lấy lồng ngực.

“Thiếu mỗi cái đèn ở đầu.” 1989 buột mồm.

Hộp cao nãy giờ vơi đi một nửa.

“ Nói gì đấy. Lấy anh mày hớp nước. Khát khô cổ họng rồi.” Anh tiếp tục gãi dù đã bôi cao. Cao bết cả vào móng tay đen xì. Có vài quả bàng rơi ra khỏi túi.

1989 mang nước cho anh trong gáo mà mẹ con cô vẫn dùng để múc nước tắm. Nhưng nó không cho vừa qua ô cửa xếp. 1989 dùng ca uống nước múc cho anh. Ngày xưa, hoàng tử đi săn bị lạc trong rừng chắc cũng được con gái tiều phu cho uống nước thế.

Nước theo bên mép anh chảy xuống cằm, xuống cổ, xuống ngực, bụng, rốn, cuối cùng mất hút bởi dây chun quần đen xì to như ngón tay cái. Hết hai phần ba gáo anh ra hiệu ngừng. Đóng nắp hộp cao đưa trả lại, mặc áo vào người, với tay nhặt súng, nhét trở lại túi mấy quả bàng rơi. Đứng dậy.

          “ Cám ơn bé con nhiều. Có ai bắt nạt cứ gọi anh. Nhà anh mày ở khu trên kia.” Bàn tay anh chỉ về phía xa, nơi ấy có hồ nước, ngọn núi trọc, cỏ dại.

          “ Nhà anh ở xa thế? ”

          “ Ừ. Tối qua anh mày múa kì lân ở đây. Mẹ bé đã cho bọn anh hai mươi nghìn. Nhiều hơn bất kì người đàn ông nào đấy.” Cái điều anh phát hiện ra mãi tận sau này 1989 mới thấy có ý nghĩa. Đàn ông luôn mang trong mình sự keo kiệt lớn hơn gấp nhiều lần so với đàn bà. Trong các truyện kể dân gian nói về sự keo kiệt đàn ông thường là nhân vật chính. Tất nhiên cái gì cũng có ngoại lệ. 1989 tin rằng anh ở ngoại lệ ấy.

          “ Anh phải đi đây. Tạm biệt bé con. Anh có việc cần giải quyết với nhóm kì lân khu này. Một cuộc chiến thật sự của những người đàn ông đấy.”

 

          “ Và anh ta biến mất.” Con cừu nở nụ cười. Nó có vẻ thích thú với chi tiết cái dây chun quần đen xì to như ngón tay cái.

          “ Ừ. Từ ấy trở đi không quay lại nữa.” 1989 vẫn nhớ tiếng “cấc” khô khốc khi cô ném cái gáo trở lại chậu nhựa xanh không có nước. Đó là dấu hiệu của sự tiếc nuối đầu tiên trong đời. Dù khi con người ta sinh ra đã mang tiếc nuối. Nhưng đến tận năm học lớp một, ngày sau hôm trăng rằm 1989 mới biết rõ cảm giác của hai từ này.

Trăng mười sáu lên cao xuyên qua những song sắt của ô cửa xếp hằn rõ một bóng nhỏ con con ngủ ngồi. Đôi tay khẳng khiu cuốn lấy đôi chân khẳng khiu. Mái tóc xác xơ ôm lấy cái đầu. Trên cái đầu có bao nhiêu thứ bết vào như bụi bẩn, mồ hôi, mùi cao, mùi súp mì tôm, mùi bàng xanh, xoan xanh. Đặc biệt hơn có cả mùi cá tanh nồng.

Đêm ấy mẹ cô về muộn cùng một mùi tanh khác. Nhưng đó không phải mùi tanh của cá nước mặn sống ở vực sâu đáy biển. Mà là cá rô phi ăn tạp sống ở tầng nước giữa và đáy.

          “ Cô có đi tìm anh ta không?” Con cừu đang mơ về một kết thúc hạnh phúc.

          “ Cổ tích chỉ xuất hiện một lần thôi. Đời này không có ông bụt đâu cừu ạ. Chỉ có mẹ cho ta ăn, cho ta mặc, cho ta đi học thôi.” 1989 nghĩ tốt nhất anh cũng chỉ lên đến trong cuộc đời cô như thế. Chứ liệu bây giờ gặp lại anh có còn là con cá đèn, con kì lân dũng mãnh như trong hồi ức ngày xưa.

 

          Cái hồ chắc chắn vẫn nằm ở vị trí đấy chứ chẳng suy chuyển đi đâu. Bao quanh vẫn là cỏ dại. Kể cả khi đã lấp hồ thì cỏ dại vẫn tồn tại mạnh mẽ. Người ta chặt hết được tre chứ không thể nào nhổ hết được cỏ. Loài khủng long bị tiêu diệt cũng chỉ tại nó quá lớn. Loài người may mắn khi có một khung xương vừa vặn để sinh tồn. Nếu không tự ném nhau vào các cuộc đụng độ thì loài người cứ ung dung sinh ra, ung dung sống, ung dung nằm xuống chết.

Bố ruột 1989 đã về phía bên kia cuộc sống do đụng độ với lòng đất khi cô còn chưa ra đời. Bố cô cùng những người bạn của ông đã cuốc vào nơi yếu nhất của bà mẹ đất. Từ đó dẫn đến cái cựa mình phản kháng khó chịu của bà. Ai trên thế gian này cũng có điểm yếu. Kể từ vật tồn tại hữu hình đến vật tồn tại vô hình. Kể từ cái có thể kể ra bằng miệng đến cái lưu truyền trong ý thức từ đời này qua đời khác. Vậy điểm yếu nhất của bà mẹ đất là gì? Cô không biết. Con cừu đối diện cũng không biết.

Bố cô cùng những người bạn biết câu trả lời. Trên tay họ giờ này lóng lánh những hòn than chân lí. Nếu cô hỏi, họ sẽ nói: “ Xuỵt! Con gái yêu không được tò mò. Có điều thuộc về thần linh mà con người chẳng bao giờ với tới.”

Bố dượng 1989 lí giải nguyên nhân sập lò theo hướng khác. “ Đó là do bà Đất đang đau bụng hành kinh đấy thôi. Người đạu bụng hành kinh thường hay bức bối, khó chịu trong người. Họ lại cứ khoét mãi vào rốn bà đúng ngày ấy.” Ông là bác sĩ phụ khoa làm việc tại bệnh viện thị trấn. Ghét chó. Thường trực ca đêm. 1989 vẫn lạnh nhạt, thờ ơ với bố dượng bởi cô nghi ngờ ông là người mang mùi cá rô phi về cùng mẹ vào đêm trăng mười sáu. Cái hôm anh mối tình đầu xuất hiện bất ngờ vào buổi trưa.

          Phụ nữ luôn luôn tìm ra lí do hợp lí nhất cho nỗi đau tưởng chừng khó vượt qua nhất. 1989 hiểu, chia xẻ với ý kiến của mẹ. “ Họ đã tìm thấy mạch sữa của bà mẹ đất. Họ được bà cho uống no rồi đón về ngôi nhà của bà.” “ Ngôi nhà ấy đẹp hơn ngôi nhà mình hả mẹ. Ngôi nhà ấy có mẹ con mình đâu mà bố cũng đi.” “ Ừ. Ngôi nhà ấy có sự bình an.” 1989 vẫn đi tìm ngôi nhà bình an mà chưa tìm thấy. Ngôi nhà ấy không ở phía cuối đường chân trời, ở trên núi cao, ở trong rừng sâu, 1989 nghĩ nó ở tận cùng đáy biển. Nơi ánh sáng mặt trời không soi rọi tới. Một nơi tràn đầy nước và nước. 

 

“Ta nghĩ ngươi nên đi học bơi cừu ạ.” 1989 thấy con cừu nằm thừ mệt mỏi bên cửa, đấu gối lên tấm thảm lau chân.

Sự thực là nó không muốn tiếp tục bám theo dòng suy nghĩ rắc rối mà chẳng có mấy phần hấp dẫn của cô chủ.

“ Cô nghĩ một còn cừu cần biết bơi để làm gì. Có khi cô còn sắp khuyên tôi nên ra bãi biển phơi bụng lên tắm nắng ấy nhỉ. Chỉ cô mới cần thế. Còn chúng tôi giá trị ở bộ lông chứ không ở da. Trong các cuộc giao phối cừu cái cũng không hề hỏi tôi có biết bơi hay không. Đến các con, các cháu của tôi cũng không cần. ”

Cừu nói xong đứng dậy bước ra phía ngoài cửa. 1989 nghĩ nó hờn dỗi với câu nói có phần ngớ ngẩn của cô.

“ Ngươi đi đâu đấy?”

Cừu không trả lời. Nó đi xuyên qua người, xe trên đường, qua bên đối diện thì đột ngột biến mất. 1989 không thể tin vào mắt mình. Con cừu chỉ vài giây trước đây còn nói chuyện với cô giờ tan nhanh như một vệt nắng cuối chiều.

 

Tối, mẹ về nhà sớm. Bố dượng trong bộ vest đen nhìn giống một con cá đuối ở biển. Dường như ông mất hẳn mùi cá rô phi trong bao nhiêu năm. 1989 nghĩ không nên kể chuyện con cừu cho ai. Đó sẽ là bí mật của riêng cô. Hoặc kể thì cũng chẳng ai tin, khi một con cừu xuất hiện trong góc nhà vài hôm mà không ai thấy.

 

Con cừu hung đã ăn trộm tờ báo có bài viết về sập lò do bục nước nhiều năm trước. Đối diện bài báo về sập lò là bài về quy trình sản xuất len từ lông cừu Ấn Độ. Những điều này chỉ riêng tôi ( Người viết truyện) biết. Đó sẽ là bí mật nho nhỏ của chúng ta. Mà quên chưa nói, tôi đặc biệt tin màn múa kì lân của lũ trẻ trong đêm trăng tròn xua đuổi được tà ma. Tin ông cá đuối bố dượng 1989 sẽ dốc hết ví của mình cho bất kì nhóm múa nào đến trước cửa nhà.

 

                     Một nơi đến khác

 

Vào ngày mặt trời thức dậy từ rất sớm, nắng xuyên qua tán cây đổ lỗ chỗ mặt đường, nhiệt độ lúc gần bảy giờ là hơn ba mươi độ C và tiếp tục tăng, có gió nhẹ, trời cao, xanh. Tôi đột nhiên bị ho. Cơn ho bất chợt ùa đến như khi người ta vô tình để hạt tiêu, ớt bột  bay vào mũi. Khó chịu đến khủng khiếp, không sao kìm lại được. Việc cần làm ngày lúc ấy là đi kiếm cốc nước uống vào dằn cơn ho xuống thì tôi lại không nhớ tới. Cái trí óc khốn khổ báo hại, tôi ho rũ rượi, những đợt ho liên tiếp nhanh chóng chuyển thành những đợt nôn quặn thắt tống mọi thứ đã ăn, uống, cả không khí hít vài giây trước đây ra ngoài. Nào là bánh mì xúc xích, hộp sữa tươi dâu, chút cà chua sống, cả mật xanh, mật vàng cũng theo đà trôi ra qua thực quản, qua miệng, xuống đất. Tôi bị viêm họng mãn tính từ bé, ho gắn với tôi khi được hai tháng tuổi, bám theo đến tận bây giờ, thường hiện về trong những ngày lạnh. Do vậy, ho với tôi bình thường giống như đàn bà soi gương, đàn ông hút thuốc lá hằng ngày. Song chỉ là tiếng ậm è khó chịu, với một chiếc khăn ấm mẹ đưa quàng qua cổ là mọi chuyện bình thường trở lại. Còn ho dữ dội, nôn thốc nôn tháo trong ngày ấm áp đến mức này thì đúng là lần đầu tiên tôi bị. Hồi ức thời thơ ấu ùa lại nhưng vẫn không sao kiềm chế cơn ho bạo chúa. Vòng tưởng tượng tôi hướng về khuôn mặt hiền hậu của mẹ cùng chiếc khăn màu nâu mềm mại trên đôi tay chai sạn của bà cũng nhanh chóng tan biến mất. Cơn ho giống như thằn lằn sấm, loài khủng long bay xấu xí kẹp chặt ruột gan tôi vào giữa những chiếc móng vuốt sắc nhọn.

          “ Nước, nước, cho tôi nước…” Như một kẻ sắp chết khát trên sa mạc nhớ tới vị thần tối cao của tôn giáo mình tôi gọi nước.

Nơi tôi đang ngồi lúc này là lớp học kĩ năng sau hôn nhân. Dĩ nhiên sau lớp học này tôi sẽ có một đám cưới tại nhà thờ nếu hình ảnh ngôi nhà nho nhỏ, những đứa con bụ bẫm không phai dấu trong đầu. Tôi có thể không học mà cưới ngay, nhưng tôi hoàn toàn không muốn như thế. Lớp học là sự lẩn tránh tạm thời và tìm kiếm câu trả lời cho lời câu hỏi “ Tôi có yêu anh nhiều không? Sẵn sàng cho cuộc sống mất tự do, trói buộc sau hôn nhân không? Có thực sự muốn mang bầu, sinh con không? ” Giống như một người thám hiểm đi vào rừng rậm tôi vẫn không hiểu nhiều về tâm trạng, suy nghĩ của anh, của tôi. Tất cả là trái cây ngon hay nấm độc sặc sỡ thì chưa biết. Có loài thú ăn thịt nào nấp sau bụi cây thì vẫn nằm trong vòng bí mật. Tôi chưa tìm được ra câu trả lời thích hợp, thỏa đáng cho mọi câu hỏi.

Người yêu tôi làm lập trình viên ở một công ty máy tính, thuộc tuýt người ít nói, hơi khô khan, ít lãng mạn, nhìn vào mắt anh tôi có thể thấy một màn hình với các chương trình đang chạy. Trên cái màn hình ấy hình nền là biểu tượng sinh thực khí nam và nữ bằng đất sét với hình mặt người, Linga và Yoni. Tại sao lại là hình tượng ấy thì tôi không biết, nó chia đôi khoảng màn hình thành hai phần bằng nhau. Ám ảnh mạnh mẽ đến nỗi đã nhiều lần tôi hỏi anh nghĩ sao về tình dục môi anh khe khẽ chuyển động, chưa đến độ chuyển thành nụ cười hay lời nói thì nó đã dừng lại, không biết đồng ý hay không. Tôi hỏi anh có biết hình sinh thực khí mà tôi thấy hay không, thậm chí còn vẽ lại rõ ràng trên giấy. Đáp lại vẫn là sự khó hiểu, anh chìm vào cõi nào khác dù vẫn nhìn vào tôi, nhìn vào khung cửa sổ hoặc cốc cà phê nghi ngút khói trước mặt. Chúng tôi chưa làm tình, nỗi lo sợ về một niềm tin có thật luôn luôn hiện hữu nhắc nhở bất kể trong lúc xa hay gần nhau.

 Người dạy tôi hôm ấy là tiến sĩ xã hội học có tiếng, từng du học Nhật Bản. Ngay khi bước vào lớp tôi đã nghi ngờ điều ông ta nói về sự nhẫn nhịn, chịu đựng trong cuộc sống hôn nhân, cái ý định nghi ngờ bắt nguồn từ chính cái mũ nồi của ông ta. Nó nhăn nheo, có màu xanh rất thảm, hoàn toàn không phù hợp với bộ vest đen lịch lãm. Nếu ông ta có người vợ đảm đang, chu đáo, thẩm mỹ tốt thì cái mũ sẽ ở trong tình trạng khác, màu khác. Giả thiết thứ hai là ông ta nhẫn nhịn quá lên không dám phàn nàn về chiếc mũ. Thế nhưng điều này hoàn toàn vô lí với bộ vest không có lấy vết nhăn dù là nhỏ nhất. Hoặc ông ta chưa có vợ, mũ, quần áo chỉ là sở thích cá nhân thì tôi sẽ bỏ cái lớp này ngay, một người chưa kết hôn mà nói về cuộc sống sau hôn nhân hẳn là giống như những thầy bói mù sờ voi. Họ chỉ thấy các bộ phận riêng lẻ, sai lệch, đoán mò.

Đồng thời theo những chi tiết tôi biết về người Nhật hiện đại qua những cuốn sách văn học thì họ không hề chú trọng tới cuộc sống hôn nhân. Cái họ quan tâm là cảm xúc cá nhân, cái chết, sự tự do hoàn toàn. Sự ràng buộc trong hôn nhân kéo sự tự do đi xuống sát mặt đất chứ không thể bay như cánh chim. Đôi khi, như một người Nhật thực thụ tôi cũng nghĩ đến cái chết, song cái chết qua tôi nhanh như màu nóng ta uống một cốc nước lạnh vậy. Sự trống rỗng hoàn toàn trong tâm hồn nhanh chóng bị nấp đầy bởi một bộ phim bom tấn ngoài rạp hay phút lang thang ngoài phố cùng món ăn ngon nơi vỉa hè.

Dù biết ý ra ngoài nhưng những ánh mắt đằng sau vẫn xoáy lấy cùng lúc và sau cơn ho. Tôi biết họ đang nhìn tôi, không đủ thời gian để cho cơn ho đến nhà vệ sinh mới bùng phát, tôi ho luôn trước cửa lớp. Còn nôn, đó chỉ là sự vô tình. Song vô tình hay cố ý thì cái hành động từ nãy đến giờ không lọt qua những cặp mắt khó chịu của giáo viên, học sinh trong lớp. Họ nhìn tôi như nhìn một người hủi đầu thế kỉ hai mươi, khi mà đất nước tôi đang sinh sống này vẫn là thuộc địa của Pháp. Hai má tôi nóng bừng, cơn ho cũng đột ngột biến mất như chưa từng hiện diện để đẩy tôi vào tình huống khó xử thế này. Kẻ sát nhân là cơn ho đã biến mất, còn lại tôi xác chết chỏng chơ và các nhân chứng đang giương mắt lên nhìn. Cho đến tận lúc ấy vẫn không ai mang lại cho tôi ngụm nước. Họ tránh nhìn vào tôi, tránh nhìn vào chỗ tôi nôn ra như nó là thứ gì đấy ghê tởm lắm. Ngay cả vị tiến sĩ đáng kính cũng đứng quay mặt đi nơi khác, móc túi áo lấy khăn mùi xoa trắng đưa đưa lên mũi.

Lời kêu cứu của tôi rơi tõm xuống trong cái mớ tức giận đang giăng ra trước mặt như viên đá đáp xuống hồ nước đầy bùn đen. Sự xấu hổ trong tôi phút chốc trở thành ngọn lửa thù hận bốc lên ngùn ngụt. Tôi ho, nôn, đó chẳng phải tội lỗi gì đó to lớn cả. Buổi học mới chỉ vừa mới bắt đầu, chưa có vấn đề gì quan trọng để làm gián đoạn. Vả lại tôi không cố ý khi ho, đó chỉ là sự bột phát không biết từ đâu mang đến. Từ đầu đến cuối câu chuyện này cái tôi mong muốn là một cái nhìn thông cảm hơn, một bàn tay đưa ra, một lời hỏi thăm có sao không, có cần đưa đi bệnh viện không. Nếu tôi kể chuyện này với bố mẹ tôi, những người sinh ra những năm sáu mươi của thế kỉ trước không biết họ sẽ nghĩ gì về những người sắp trở thành ông bố bà mẹ trẻ kia. Tôi cần phải làm gì đó để trừng phạt tất cả hai mươi con người trong cái lớp học này. Như trong các cuốn truyện về phù thủy, phép thuật tôi đã gieo một lời nguyền cay độc lên tất cả bọn họ.

Xin cho tất cả bọn họ biến thành ếch.

Như có chiếc đũa thần kì chỉ vào, lời nguyền xuất phát từ sự giận dữ của tôi biến thành hiện thực trong chớp mắt. Có đấng quyền năng nào đó đã nhìn thấy hoàn cảnh tôi lâm phải, nghe thấy lời nguyền tôi đưa ra. Tiếp sau là âm thanh của những bộ quần áo đổ ập xuống đất, ếch từ trong chui ra ngoài. Tất cả hai mươi con ếch cái đực đủ màu đang nhảy nhao nhao trên ghế, trên bàn, dưới mặt đất. Màu sắc của ếch phụ thuộc quần áo chúng mặc lúc còn là người. Một anh chàng bảnh bao mặc sơ mi trắng giờ biến thành ếch trắng, cô nàng với chiếc áo trễ sâu nơi cổ màu đỏ giờ biến thành ếch đỏ với dải tam giác nơi cổ. Còn vị tiến sĩ biến thành ếch đen với khoảng xanh trên đầu biểu hiện cho chiếc mũ nồi. Chúng nhìn tôi với đôi mắt to giương lên ngỡ ngàng pha lẫn sợ hãi. Tiếng ộp ộp phát ra liên hồi như tiếng kêu cứu. Tôi, những con ếch không tin cái hoàn cảnh đang lâm phải, điều chỉ diễn ra trong truyện cổ tích.

Nhưng cái điều đang diễn ra không phải một giấc mơ, tôi là thủ phạm trong việc biến người trong lớp học thành ếch. Vào thời trung cổ việc này quá đủ làm cho tôi bước lên giàn thiêu biến thành món nướng. Thay vì vui mừng thì sự sợ hãi trỗi dậy, băng qua những con ếch bu đầy dưới chân tránh không dẫm bẹp chúng bằng chiếc giày cao gót của mình. Tôi vào lớp quơ nhanh chiếc túi dưới ngăn bàn, chạy biến ra ngoài bãi gửi lấy xe. Ngay lúc này tôi cần phải trở về ngôi nhà thân yêu với đồ vật quen thuộc để tĩnh tâm, suy xét lại tất cả và chờ đợi anh đến. Bỏ lại đằng sau những cú nhảy loạn xạ, tiếng ếch kêu cầu cứu vang vọng bám sát.

“ Hôm nay có mưa đâu mà sao ếch ở đâu kêu nhiều thế cô nhỉ. ” Tôi không đáp lại lời của bà giữ xe mà đáp lại bằng nụ cười, nụ cười méo xệch như khóc, rồi rồ ga biến mất vào dòng người đông đúc. Lời nói của bà giúp tôi khẳng định rõ ràng hơn cái vụ việc tôi đang dính vào.

 

Bản tin 4 giờ chiều: Vụ mất tích kì lạ.

Vao hồi 8 giờ sáng ngày 30. 9. 2010 tại lớp học kĩ năng sau hôn nhân thuộc đường X, quận Y, thành phố Z xảy ra vụ mất tích kì lạ. Một tiến sĩ xã hội học từng du học tại Nhật Bản cùng mười chín học viên nam nữ biến mất không để lại dấu vết. Cái còn sót lại của lớp học là hai mươi con ếch đủ màu cùng hai mươi bộ quần áo trống rỗng. Vậy họ đã đi đâu? Hay là họ đã biến thành ếch? Liệu tất cả có phải chỉ là trò đùa? Cơ quan chức năng hiện đang bắt tay vào điều tra. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới quý vị thông tin mới nhất về sự việc kì lạ này.

          Sau bản tin chiều là chương trình ca nhạc theo yêu cầu…

          Tôi tắt phụt chiếc đài đang phát ra giọng nhừa nhựa của một cô ca sĩ mới nổi. Tôi không thể nào nhớ hết được tên ca sĩ mới, nhiều như nấm mọc sau mưa vậy. Mà tất cả đều na na giống nhau, tóc vàng, mắt to, môi đỏ, váy màu sặc sỡ, những phô ảnh khoe hình thể là chính, giọng hát được đẩy xuống thứ yếu. Nhưng cái tôi thực sự quan tâm, lo lắng lúc này không phải là thị trường âm nhạc mà là câu chuyện về những con ếch. Người giữ xe đã nhìn thấy tôi, bộ mặt tái nhợt, dáng vẻ vội vàng. Nếu bà ta không biết tôi học lớp nào thì còn có bản danh sách lớp. Kiểu gì thì tôi cũng bị tìm ra trong cái thành phố chật chội này. Lúc ấy thì biết trả lời sao, không thể trả lời không biết, có rất nhiều người đã nhìn thấy tôi. Nếu tôi nói lên sự thật, cái sự thật giống phim giả tưởng, truyện cổ tích người ta sẽ tống cổ tôi vào trại điên bên kia cây cầu vào thành phố. Hoặc tôi sẽ phải chịu mức án cao nhất cho tội danh bắt cóc, giết người. Người ta cần một người, lí do để gán tội lỗi, có đủ bằng chứng chứng minh tôi đã ở lớp học hôm xảy ra vụ mất tích. Suy luận, tưởng tượng làm tôi không sao thanh thản đón giấc ngủ được dù rất mệt mỏi. Thêm nữa, tôi không hề đói sau bữa sáng để lại cửa lớp.

 

          Tám giờ tối có tiếng bước chân dừng trước cửa phòng, tiếp theo là tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tôi biết anh đến, tiếng gõ giống như tiếng lướt trên bàn phím máy tính bởi những ngón tay dài, xương xẩu. Bao giờ cũng thế, anh vẫn đến, đi thất thường không hề báo trước. Có hôm anh ở cả đêm chỗ tôi để viết một phần mềm game hoặc đơn giản là ngồi lặng lẽ ngắm tôi ngủ, sáng sớm nhẹ nhàng mở cửa đi mua đồ ăn để lại cùng mảnh giấy dặn dò vài điều cần thiết. Thức dậy hình ảnh anh vẫn quanh quất đâu đó như xoáy sâu lấy từng khoảng lặng yên bình. Tôi yêu anh bởi sự ấm áp quá khứ nhiều hơn là cảm xúc của sự gần gũi. Nó tạo khoảng không gian an toàn cho linh hồn tôi cư trú, bớt đi những dằn vặt của sự tưởng tượng vượt quá giới hạn cho phép. Trước khi yêu anh tôi luôn luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bởi có một điều kinh khủng sắp xảy ra, một con quái vật đi theo dấu chân tìm đến ăn thịt, một hội kín cử người đến thủ tiêu, người ngoài trái đất bắt cóc xẻ thịt nghiên cứu.

Có hôm anh chỉ ở đến một, hai giờ đêm rồi lại đi. Hỏi thì anh không trả lời, bước đi vội, lẫn nhanh vào giữa khoảng tím sẫm của cây cối, bầu trời. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn chưa làm tình lần nào. Xin nhấn mạnh lại điều này, một điều có vẻ khó tin khi người đọc câu chuyện này ngồi ở một quán nước vỉa hè, đứng dưới ánh đèn đường hay ở trạm chờ xe buýt cuối năm. Tình dục được coi là điều bình thường quy định bởi bản năng con người. Nhưng chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho cái bản năng ấy như trốn tránh chính bản thân mình. Nếu chúng tôi đi đến tận cùng thì bộ mặt thật cả hai sẽ được phơi bày, nó mang phần xấu xí nhiều hơn tốt đẹp, tôi tin là thế, tin vào bản năng của giống cái. Anh cũng hiểu điều này như một nhà truyền giáo. Miên đất thuộc về thánh địa con người ta chỉ được quyền sùng bái chứ không bao giờ được bước chân vào.

          Cánh cửa mở he hé đủ để anh lách người vào rồi lại đóng im lìm như cũ. Tôi bắt đầu bằng giọng lo lắng khi chúng tôi chưa kịp chào nhau. Tất nhiên là tránh nhìn vào mắt anh sợ nó lại gây ra một liên tưởng mới làm nhãng mất điều đang định kể. Biết đâu anh sẽ chỉ cho tôi một lối thoát nào đó, một con đường trong cái mê cung chỉ rối nhiều màu.

          “ Em vừa gây ra một tội lỗi lớn anh ạ. Một tội lỗi khủng khiếp không ai có thể tưởng tượng ra được. ” Ánh mắt lo sợ của tôi đủ để anh hiểu tôi không đùa. Đặt máy tính, ba lô xuống rồi ngồi xuống bên cạnh nắm lấy tay tôi. Bản nhạc từ phòng nào đó trong khu nhà cùng lúc lọt qua những khe cửa ùa đến. Bản nhạc không lời rất buồn, tiếng pi - a - nô gieo sự khắc khoải ngân lên từng đoạn dài rồi lại rơi xuống đột ngột biến mất vào hư không. Nó giống cơn lốc xoáy, đưa tất cả lên cao rồi đổ tất cả xuống ào ào không giữ lại gì cả.

          “ Em có thể kể rõ hơn không. ”

          “ Anh có nghe bản tin buổi chiều nay không? Vụ mất tích của một lớp học ấy? ” Giọng nói tôi vẫn còn âm điệu run run, nó chưa thể trở lại bình thường, từng âm phát ra rất khó khăn. Cả ngày nay tôi không ra ngoài, ngồi lì trong phòng sợ hãi. Giờ thì tôi lạc lõng với chính cả giọng nói của mình.

          “ Anh chưa nghe. Cả buổi chiều nay anh lang thang trên phố đi tìm cảm hứng cho bài thuyết trình về game online với giới trẻ vào thứ hai tuần sau tại công ty. ”

          “ Sáng nay, em đã gieo một lời nguyền làm cho tất cả lớp học kĩ năng sau hôn nhân biến thành ếch hết. Những con ếch nhiều màu, cái còn lại sau tích tắc chỉ là những bộ quần áo rỗng không. Tất cả ùa đến không sao kiểm soát được, cơn giận dữ trong em bùng nổ như quả bom được hẹn giờ trước bắt đầu bằng cơn ho, rồi nôn tất cả mọi thứ ra ngoài. Em đã mong ước một cốc nước, một bàn tay, một lời hỏi han trong cái hoàn cảnh khó khăn ấy. Cái niềm mong ước ấy được đáp lại bằng sự thờ ơ, vô cảm cùng ánh mắt ghẻ lạnh, kinh tởm. Sự giận dữ giúp em liên kết, đến gần được với đấng quyền năng để người ban cho em sức mạnh.

Xin cho tất cả bọn họ biến thành ếch.

Em đã nói như vậy đấy, nhìn vào thì tất cả đã xong xuôi. Ếch nhảy chồm chồm, tiếng ộp ộp vang vọng khắp lớp học. Phải kìm nén lắm em mới không hét lên vì bất ngờ và sợ hãi. Đúng theo lô gic khi đã thỏa mãn sự thù hận của mình thì em bắt đầu suy xét lại tất cả mọi việc và ân hận. Đáng ra em không nên làm thế, đáng ra em có thể chạy trốn khỏi họ để không giáng xuống đầu họ lời nguyền khủng khiếp đến vậy. ”

          Tôi bắt đầu khóc, nước mắt cay xè vượt qua bức tường cứng rắn chảy xuôi xuống phía dưới rồi trào ra ngoài. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bất lưc, yếu đuối đến thế.

          “ Không sao đâu em. Quan trọng là em đã ở đây, ngay lúc này và bây giờ. ” Anh chỉ nói vỏn vẹn thế rồi vòng tay qua ôm chặt tôi vào lòng. Cái lối thoát anh đưa ra là hiện tại hiện hữu mà ở trong đó tôi vẫn còn nhận ra chính tôi, tôi biết tôi là ai, làm gì, nghĩ gì.

          Ngay lúc ấy tôi vẫn tránh nhìn vào mắt anh.

 

          Bản tin cuối ngày: Tin tiếp theo về vụ mất tích kì lạ.

          Trở lại với bản tin chiều về vụ mất tích tại lớp học kĩ năng sau hôn nhân thuộc đường X, quận Y, thành phố Z buổi sáng hôm nay. Hiện tại, cơ quan chức năng đã nắm được một số đầu mối quan trọng để giải thích toàn bộ vụ việc kì lạ này. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị H người giữ xe thì lúc bà nghe thấy tiếng ếch kêu đồng thời bà thấy một cô gái với bộ dạng vội vã, lo lắng dời khỏi hiện trường. Lớp học có hai mươi học viên, cô gái này có nhiều điểm tương đồng với thành viên còn lại trong của lớp học, người duy nhất không biến mất hay biến thành ếch.

          Đồng thời chiều, tối nay người nhà hai mươi nạn nhân trong vụ mất tích đã được mời tới để nhận diện quần áo, đồ đạc còn sót lại. Họ khẳng định quần áo đúng là quần áo người thân của họ. Trước khi đi đến lớp học hai mươi con người này hoàn toàn bình thường, không có bất cứ biểu hiện bất bình thường nào xảy ra cả.

          Hiện những con ếch đã được chuyển về nuôi tại vườn thú của thành phố. Chúng được chăm sóc tốt bởi đội ngũ nhân viên và thích nghi tốt với môi trường xung quanh.

          Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc kì lạ này vào bản tin chín giờ sáng mai.

          Tiếp theo là lịch phát thanh ngày 1.10. 2010 trên tần số…

 

          Đồng hồ nhích dần dần chậm chạp sang con số mười hai rồi vượt qua để chuyển sang ngày mới. Không có bất cứ sự ồn ào, náo nhiệt nào trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Những chiếc kim nhỏ bé vẫn quay đều đều lặng lẽ, mang trong mình quyền năng hơn bất cứ con người nào trên thế gian này. Thời gian không hề chờ đợi, yêu hay ghét ai, vô tư một cách kì lạ. Trong mỗi con người đều có một chiếc đồng hồ, cách quy định thời gian riêng khác với thời gian bên ngoài. Chúng chạy chậm hay nhanh, chết hay sống, thỉnh thoảng mới chạy hay thường xuyên chạy tùy thuộc vào linh hồn. Cái khác biệt lớn nhất trong mỗi hình hài ra đời, trưởng thành, chết đi là linh hồn. Nhưng để nhận ra linh hồn mình ở đâu, hoạt động thế nào, lúc nào cần dừng lại nghỉ ngơi là điều hoàn toàn không dễ. Con người, mỗi ngày đều tự cắm lên mình lớp vảy dày vô hình giống như vảy con tê tê để trốn tránh ngoại cảnh bên ngoài, đến lúc nào đó trốn luôn cả bản thân mình mà không biết, không nhận ra.

Sau những diễn giải về thời gian tôi quay trở lại với sự buồn tẻ hiện lên qua những nếp gấp của tấm rèm che cửa màu vàng bám đầy bụi bẩn vì lâu không được tháo xuống giặt. Tấm rèm buồn đến phát chán khi không có bất cứ cơn gió nào ùa vào phòng mặc dù tôi đã mở tung cánh cửa sổ nhìn ra phía ngoài đường. Kết thúc một ngày mỏi mệt, còn lại mình tôi với căn phòng trống hoác, lạnh lẽo. Anh đã ra đi đột ngột như khi đến nhưng sự day dứt vẫn còn ở lại. Bên ngoài, sương đã bắt đầu giăng mờ phủ lấy từng chiếc lá, ngọn cỏ.

Đài hết chương trình phát ra âm thanh xè xè nhưng tôi vẫn không muốn tắt. Lúc này, nó là vật nối duy nhất giữa tôi với thực tại. Nếu tắt nó lập tức tôi sẽ bị nhốt lại trong màn hình máy tính với Linga và Yoni. Mọi việc đang diễn ra trong đầu tôi lúc này thuộc về quá khứ, nó không còn được coi là hiện tại nữa. Nhưng tôi hiểu cái quá khứ ấy còn tác động tiếp nữa lên tương lai của nhiều ngày sau. Rồi khi tất cả tương lai biến mất, cuộc sống ùa tới còn đáng sợ hơn cả cái chết. Mọi nguyên nhân bắt đầu từ quá khứ mà tôi không thể nào quay trở lại sửa chữa.

Chúng tôi đã làm tình lần đầu tiên sau gần ba năm quen nhau. Căn phòng phút chốc chuyển thành đường chân trời màu vàng rực rỡ. Cầu vồng di chuyển qua lại từ góc này sang góc kia đổi màu liên tục. Mọi giác quan vượt ra chức năng thông thường để làm chủ vùng địa đàng rộng lớn, nhiều màu sắc ngày xưa Adam và Eva đã từng làm chủ. Nơi đây có những con chim đủ màu, đủ kiểu cất lên tiếng hoan ca chúc mừng lúc trầm, lúc bổng. Con suối quặn thắt bởi cảm xúc, vỡ òa òa chảy qua những tảng cuội to, nhẵn bóng ánh lên dưới mặt trời. Cây cối sai trĩu quả, những quả to bằng đầu người chín mọng.

Hạnh phúc luôn ẩn chứa nguy hiểm, muôn đời vẫn thế, trong trường hợp của tôi cũng không phải ngoại lệ. Con rắn đã dụ dỗ Eva ăn trái cấm. Tôi nhìn thấy hình ảnh Linga trong đôi mắt vượt ra khỏi biên giới kì ảo biến thành hiện thực sống động. Anh cởi hoàn toàn tấm vỏ bọc con người, hiện lên rõ ràng hình hài quái vật sau cuộc giao phối, không chân, tay, chỉ có một hình trụ dài, dù vài phút trước đó nó dã được che đậy rất khéo léo. Đau đớn đến tột cùng nhưng tôi vẫn cố ngăn mình không buông ra một lời nguyền cay độc cho sự thật được giam giữ bên trong hay một lời nguyền chết chóc dành cho chính bản thân. Câu chuyện về những con ếch là giọt nước cuối cùng làm tràn li, bước chân chúng tôi đã ở bên kia cái đường kẻ mỏng manh được vạch ra, có rất nhiều thứ không như ý ùa đến cùng hạnh phúc và sự thăng hoa.

Tội lỗi trong sự biến hình thuộc về ai? Chính anh cũng chẳng biết gì về hình ảnh Linga mà anh phải mang suốt cuộc đời. Tôi cũng có thể là một Yoni mang bộ mặt con người trong mắt anh. Rồi những đứa con sinh ra mang gen di truyền của bố mẹ chúng. Mọi điều xảy ra đều đến từ kiếp trước, hiện hữu kiếp này, không bao giờ biến mất ở kiếp sau. Tất cả chỉ là sự chuyển tiếp có nhận biết hay không nhận biết mà thôi. Dù kiếp này hay kiếp sau thì tôi cũng đã quyết định dời bỏ anh, dời bỏ lời nguyền vô hình mà tôi bị gieo, dời bỏ cái cuộc sống đáng chán này. Từ phòng mình nhìn xuống đường mường tượng lại cái dáng gầy gầy của anh nói tiếng tạm biệt nhỏ nhoi, lạc lõng rồi dần dần lịm đi. Tiếng pi – a – nô đưa đến cảm giác về những nốt cuối cùng trong bản nhạc, cao trào của âm nhạc là cái im lặng phía sau phần biểu diễn của người nghệ sĩ. Tôi đã quên anh, ếch, đài tiếng nói, gió, mưa, đèn đường, lớp học, làm tình,…Nơi tôi sắp đến con người không có giác quan.

Bản tin… : …

Hỡi Ếch, với thân hình co dãn liên hồi.

Hãy ban thưởng cho chúng tôi những đàn bò cái hàng trăm con.

Để thời gian sống của chúng tôi kéo dài bất tận.

( Kinh Rig – Veda )

 

 

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn