Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn Trần Quỳnh Nga

09-12-2013 09:39:10 AM

VanVN.Net - Trần Quỳnh Nga sinh năm 1981, quên quán: Xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hiện là biên tập viên Tạp chí Hồng Lĩnh, Hội VHNT Hà Tĩnh. Trần Quỳnh Nga  đã xuất bản hai tập truyện ngắn: Bí đỏ (2008) và Giấc mơ cánh cò (2012); giành một số giải thưởng văn học Trung ương và địa phương. Nếu bạn đọc muốn tìm ở truyện ngắn Trần Quỳnh Nga những tình tiết ly kì hay câu chuyện hấp dẫn để có thể kể lại thì có lẽ sẽ rất khó, nhưng thật dễ để nói về những ám ảnh của cảm xúc trong từng đoạn văn. Những day dứt, trăn trở, cồn cào từ nội tâm nhân vật (và phần nào đó, của tác giả) không “buông tha” người đọc sau khi đã rời khỏi văn bản. VanVN.Net trân trọng giới thiệu ba truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga.

Tác giả Trần Quỳnh Nga


RƠI TỰ DO

 

Mỗi khi trong nhà có chuyện. Mọi người cãi nhau inh ỏi là bà lại chen vô một câu muôn thuở rằng: chuyện ngoài ngõ thì bỏ ngoài ngõ, đừng đem vào nhà rầy rà thêm. Mà đúng là rầy rà thật. Không ra môn ra khoai gì cả. Cứ hễ ngồi vào mâm cơm là cả nhà lại nói chuyện thời sự, chuyện ngoài ngõ và cuối cùng cãi nhau bằng những trận nảy lửa.

Từ mệt mỏi với những kiểu kinh điển đó nên chẳng bao giờ tham gia, mà có tham gia thì cũng chốt hạ một câu rằng: Thôi để cho tôi yên! Và thể nào mẹ Từ cũng nói chêm thêm một lời: À, cái con này, mày nói với cha mẹ mày thế hả? Mà sao không có thằng nào nó rước mày đi cho tao yên ổn cái thân này.

Đấy! Toàn cảnh của một gia đình văn hóa số 1. Những lúc đó, Từ không nói nữa, nhún vai buông đũa kiểu bất cần rồi lên phòng đóng sầm cửa lại. Ngủ. Cách tốt nhất bây giờ là ngủ. Chỉ có ngủ mới qua mau đi quãng thời gian stress vừa rồi.

*

Tú đợi Từ ở cổng vào đúng 7 giờ tối. Tú chẳng mấy khi vào nhà Từ. Kể cũng lạ nhưng Từ mặc. Thích thì vào không thích thì thôi. Không ép.

- Sao thế, sao mặt mũi sưng mọng lên thế?

- Chẳng sao cả, ngủ quên từ trưa ấy mà - Từ cười nhạt nhẽo ngồi sau lưng Tú. Ôm chặt lấy lưng anh hít hà mùi mồ hôi dầu. Tự nhiên hôm nay, Từ thấy yêu cái mùi nằng nặng của Tú đến thế. Nó làm Từ thanh thản.

Con ngõ quanh co gần như đường xoáy trôn ốc dẫn vào nhà Tú là Từ thích nhất. Tú mua nhà ở con ngõ này khi đất đang rẻ. Đó là một ngôi nhà cấp bốn cũ quay lưng lại đằng sau nhà chủ mới xây ngoảnh mặt ra con đường mới mở. Từ con đường đó vào nhà cũ phải đi ngược trở lại như đi từ nhà sau vào nhà trước vậy. Nhưng có nhằm nhò gì, cái thú là ngôi nhà có một con ngõ quanh co không giống nhà ai, hai bên trồng toàn chè mận hảo xưa cũ.

Như mọi ngày, khi Tú dắt xe vào cổng, khóa cổng là Từ lại vào phòng tắm và đi ra với một chiếc váy ngủ hờ hững rồi vào phòng nằm dạng chân ở trên giường vừa ăn bim bim vừa xem ti vi. Tú cũng làm một hành động lặp lại Từ, cũng vào nhà tắm và đi ra với một cái khăn tắm quen thuộc. Cả hai cuộn tròn bên nhau cho đến sáng.

                                                                        *

Từ đẩy cửa vào nhà khi trời vừa sáng. Mẹ đang ngồi trước bàn trang điểm. Bà nhìn thấy Từ qua gương, vừa cầm cây son Maybelline màu đỏ cờ lên tô trên đôi môi đã phun thẩm mỹ màu sen hồng. Chắc lại đi gặp các ông bạn bạc đầu của bà ở chỗ mấy câu lạc bộ dancing. Tự nhiên từ hồi về hưu đến giờ, bà trở nên ăn diện hẳn. Mà cũng thật lạ, dối già hay sao mà ăn vận lòe loẹt, trang điểm kĩ càng đến thế không biết. Nuột nà hẳn lên. Mà công nhận mẹ đẹp. Mái tóc xoăn bồng sấy vàng ôm hờ lấy cái gáy trắng muốt đầy đặn. Bà không quay lại, nói vọng khi Từ đi lên cầu thang:

- Mày nhìn cái mặt mày xem, tái me tái mét. Con gái có thì, ăn mặc trang điểm vào cho ra vóc ra dáng với.

- Mặc kệ con.

Từ không nói thêm nữa bỏ lên nhà. Bà nội ngồi ngoài hàng hiên lại nói vọng vào: chuyện ngoài ngõ thì bỏ ngoài ngõ, đừng đem vô nhà rầy rà thêm.

- Mẹ thì biết gì - mẹ Từ lại quay sang bà nội - con cháu bà đó, ba mươi rồi mà không chịu lấy chồng. Ăn vận như ăn mày thì có ma nó rước.

Từ đang tắm bỗng nhiên phì cười khi nghĩ đến Tú. Nếu nghe được câu này, chắc anh sẽ buồn cười lắm đấy. Cái con ma đó vày vò cơ thể con ăn mày này đến suốt đêm mà vẫn cứ dùng dằng không muốn cho về khi trời đã sáng. Cứ ôm lấy đùi Từ mà nì nèo: hay mình về ở với nhau đi cho đỡ nhớ. Từ cười, đẩy mạnh vào đầu Tú ngã kềnh ra giường: "Thôi đi ông ạ, từ từ hẵng tính". Đó là Từ nói đấy nhé. Rõ ràng Từ chưa muốn lấy chồng vào lúc này. Ngay cả với Tú cũng thế thôi. Từ không thấy yêu mê mệt đến nỗi từ bỏ tự do của mình để về với Tú. Vì với Từ, đôi khi buồn, nỗi buồn cô đơn rộng lớn đến nỗi Tú cũng không thể nào hiểu nổi. Cứ mỗi lần Từ nói chuyện đó với bố, bố cũng chỉ ậm ừ qua chuyện nói: "Tùy con, lấy nhau là do duyên số sắp đặt con ạ. Thời bây giờ khác rồi, không còn như ngày xưa nữa". Bố bỏ lửng câu nói đó giữa chừng rồi lại chắm chúi vào cuốn thơ đang giở sẵn. Chỉ mẹ, mẹ xứng xởi nói như hay như hát: "Tao với bố mày chẳng yêu nhau mà cũng ở với nhau đến được từng này tuổi đầu".

Lẽ dĩ nhiên là mẹ nói đúng. Tất nhiên nó không hoàn toàn đúng theo phương trình "sống được với nhau = yêu nhau". Cái nội hàm và ngoại diên của từ yêu nhau đó khó nói lắm. Không thể cứ nhất thiết ở với nhau là bằng yêu nhau được. Bố và mẹ đã ở với nhau hơn 30 năm rồi, nhưng yêu nhau hay không thì chính Từ - sản phẩm của sự hợp tác này cũng không hiểu nổi. Ngày ngày, mẹ vẫn chơi tenis mỗi chiều, vẫn các ông bụng mỡ chảy xệ thõng thượt ì ạch chạy trên sân như bi lăn. Họ vẫn nhìn mẹ nõn nường với đôi mắt tí tí cười và cái miệng nuốt nước chèm chẹp. Bố thì khác, bố đọc sách, nghiên cứu, bố làm thơ. Nàng thơ của bố mang dáng vẻ ảo não u sầu của người thuộc thế kỉ trước. Họ nhắn tin cho nhau mỗi khi trời trở gió, hay một chiếc lá lìa cành hay một nụ tầm xuân báo mùa đến sớm cũng làm họ thổn thức không yên.

Thế đấy! Hai thái cực. Hai thế giới, hai con người chẳng bao giờ hòa vào làm một đang ngủ với nhau trong một cái giường hình vuông 2m x 2m và cho ra đời một sản phẩm duy nhất là Từ. Sự tổng hòa của những điều trái ngược.

                                                                        *

Bà nội ở với nhà Từ lâu lắm rồi. Khi Từ còn bé tẹo bố đã bán nhà ở quê và đưa bà ra thành phố ở. Ban đầu yên phận, bà quen với nếp sống thị thành tối ngày bị nhốt trong ô cửa sắt đóng kín. Nhưng lâu dần, bà nhớ quê, đâm lẩn thẩn. Cũng may có cây khế cuối góc vườn làm bà khuây khỏa đi nhiều. Mẹ đôi lúc tiếc dằm đất, cứ muốn chặt cây khế để xây ốt cho thuê nhưng bà kiên quyết không chịu. Ngày đêm bà cứ ngồi ôm khư khư lấy cây khế không màng cả ăn uống mặc cho bố và Từ dỗ dành đủ kiểu. Những lúc ấy bà chỉ khóc: Còn một chút này là quê hương trong lòng bà, sao lại nỡ chặt đi. Tiền bạc đâu có làm cho nỗi cô đơn lắng dịu. Đôi co chán, mẹ xuôi dần. Nhưng cũng từ đó Từ không thấy bà đứng dưới cây khế thêm một lần nào nữa. Cứ mỗi mùa khế, hoa rụng cả một vạt sân tím rịm. Bây giờ, khi mẹ nói gay gắt ở nhà trong, bà cũng đang ngồi ở đó. Bao giờ cũng thế, hễ có gì phiền lòng là bà lại ra ngồi ngoài hiên, ngồi im như tượng, như gỗ mục vậy.

Mẹ xan xát một hồi rồi ngúng nguẩy bước đi. Cái váy voan mỏng dính xập xòe đập đập vào bắp chân mẹ vướng cả vào vai bà mà bà cũng không hề hay biết. Bố không buồn nhìn lên, chăm chú vào cuốn sách đang đọc dở. Trong nhà đột nhiên nín lặng lạ thường như hẳn từ bao đời nay, lạnh lẽo và không có hơi người.

Từ nằm xoãi ra sàn nhà. Mệt lử. Lơ đễnh nhìn ra cây khế trước nhà. Tự nhiên, trong một khoảnh khắc vụt hiện lúc ấy, Từ nhớ đến Lim. Nhớ đến dáng người khong khỏng gầy của anh ngồi dưới gốc khế đánh đàn ghita và hát bài Thiên thai của Văn Cao một cách ngọt ngào. Hồi đó. Không. Cho đến tận bây giờ, Từ vẫn không thể nào quên được hình dáng ấy của Lim mỗi khi nhìn ra cây khế. Những tưởng mối tình đẹp đẽ và thơ mộng, mối tình vượt qua cả những tính toán thông thường của đám trẻ bấy giờ sẽ có một cái kết có hậu. Ấy vậy mà chia tay.

Bây giờ thì hết rồi. Tình yêu của con người cũng trôi nhanh không kém gì gió. Sau lần Từ bị tai nạn nằm liệt giường, Lim bỏ. Lim bỏ khi bác sĩ tuyên bố rằng rất có thể đôi chân của Từ sẽ không còn được bình thường, có nghĩa là có thể suốt cuộc đời này Từ sẽ ở bên cái xe lăn nhiều hơn ở với người mà cô thương yêu nhất. Không nói ra nhưng Từ biết, mỗi lần bạn bè nói chuyện về Từ là Lim lại chuyển sang hướng khác hoặc vờ như không hiểu. Từ lặng thầm. Ban ngày như phát điên, nhưng đêm đến là Từ lại lắc xắc tập đi trên cái nạng gỗ trầy trật từng bước một. Từ đã quyết tâm rằng: Nếu xuất hiện trở lại, Từ cũng phải xuất hiện một cách kiêu ngạo nhất, xinh đẹp nhất để đứng trước mặt Lim. Để tận mắt thấy được từng cơ mặt của Lim thay đổi như thế nào khi Từ cười ngạo nghễ vào cái kiểu trốn chạy hèn nhát đó.

Ấy thế mà chính Từ đã phải trốn chạy. Bây giờ, khi nằm đây, khi nhớ Lim đến quắt quay như thế này, Từ mới tự dằn vặt mình tại sao mình lại trốn chạy Lim lúc ấy. Đó là một buổi chiều đầy giông gió, khi Từ dắt xe vào trú mưa trước cổng bệnh viện cũ. Trời phần phật mưa tuôn. Từ đứng nép mình sát tường cho khỏi ướt, chợt Từ nghe thấy tiếng đàn. Bài hát Thiên thai và tiếng đàn đã ba năm trời Từ không được nghe giờ rõ mồn một từ một kẻ điên đang ngồi sập giữa lòng đường và hát. Người đi đường dừng lại nghe. Họ bàn tán rất nhiều về Lim, về gã đàn ông đẹp trai, tài hoa lãng tử một thời phút chốc hóa điên trong một đêm say khướt. Mái tóc rối bù, quần áo rách rưới, râu tóc xồm xoàm cũng không thể làm Từ quên đi dáng ngồi đó. Các ngón tay gẩy đàn thanh thoát và kiểu tremolo không thể nào lạc được của Lim làm Từ đau nhói đến nghẹt thở. Từ đã yêu thích biết bao cái điệu reo dây trong mỗi bản nhạc anh đàn, ấy vậy mà Từ không thể đứng yên được lâu, cũng không thể lại gần dẫu lúc đó Từ đã muốn chạy đến ôm chầm lấy Lim mà khóc. Khi Lim ngước nhìn lên và chạm vào ánh mắt của Từ cũng là lúc Từ vội vã đẩy xe xuống đường khi cơn mưa vừa trút một đợt giông nặng nhất.

Sau trận mưa đó, Từ nằm li bì mất ba ngày mới tỉnh lại. Đầu buốt và khát nước. Cổ họng đau rát như cánh đồng mùa hạn khô cằn nứt nẻ. Từ cố kêu nhưng không thể phát ra tiếng. Trước mắt Từ là vừng đông rực cháy, nhuốm hồng bầu trời, ánh ban mai đỏ như máu, sương mù bắt đầu ngưng kết lăn từng giọt xuống chỗ trũng. Nắng sớm màu da cam lọt qua kẽ lá nho, rơi trên thân thể đã mất hết cảm giác của Từ. Từ thấy lòng mình như có một cỗ xe chạy hết tốc lực, bánh đã bắt đầu rệu rã. Con ngựa gõ móng xuống đường cái mệt mỏi, cái miệng vêu lên thở phì phì những hơi nóng hôi hám. Nội ngồi bên cạnh Từ. Bàn tay xương xương của bà đặt lên trán cô nóng hổi. Từ chợt ớn lạnh mở mắt nhìn. Không phải bàn tay, đó là một chiếc lá nho đã bắt đầu héo tàn. Lá nó queo lại vàng vàng màu đất, có những vết sâu cắn lỗ chỗ. Từ đã từng nhìn thấy con sâu nho, nó vằn đen trắng trông như kiểu của con ngựa vằn. Nó có hai sừng và thường được các bà gán cho đây là loại sâu thường hay trêu ghẹo phụ nữ. Trên những chiếc lá, chúng thường hay vẽ bùa. Thật lạ, người ta cũng sợ nó như sợ những thế lực ma quái nào đó, ví như một dấu chân lạ hằn sâu mà mẹ Từ đã hoài thai sinh ra cô chẳng hạn. Từ đang nhìn thấy một con sâu, nó đang bò lại và trườn lên người Từ thật nhanh. Từ sợ hãi khóc thét, nước mắt không chảy cô lại hai bên hốc mắt thành vũng nhỏ lấp lánh.

Không có cảm giác đói. Từ thèm ăn một trái khế hay một thứ gì tương tự có vị chua chua ngọt ngọt cho sạch miệng. Bà lặng ngồi bên nhìn chăm chăm vào Từ. Cô ráng cười chỉ tay vào quả khế chín. Bà cười ra nước mắt khi thấy Từ trở mình rồi nhanh nhẹn xẻ đôi quả khế chín vàng. Từ vết cắt, Từ trông thấy những múi khế như những cánh hoa bất tử tươi roi rói lóng lánh nước.

Lần ấy, Từ ốm thêm một ngày nữa rồi khỏi như không. Quả khế đã làm Từ tỉnh nhanh và khoẻ. Từ ra lan can ngồi bó gối nhìn chăm chăm vào khu vườn ướt đẫm nước mưa. Trời lất phất mưa buồn buồn. Từ hôm ốm đến giờ Từ hay nghĩ về mình, về thân phận mình như những chiếc lá bị mưa vùi dập. Muốn khóc quá, nước mắt tràn lên khoé miệng mằn mặn. Từ nuốt nó vội vàng như người bộ hành bị lạc giữa sa mạc mênh mông có được một dòng nước mát mà thấy bụng quặn đau như có muối xát.

*

Từ mệt mỏi mở mắt. Bà vẫn ngồi lặng im như hóa đá. Căn nhà vắng hoe lạnh lùng như không có người ở. Đột nhiên, Từ muốn biến mất khỏi thành phố xô bồ ngột ngạt này. Nghĩ vậy, Từ khoác ba lô nhẹ nhàng đi ra cửa. Từ không nghĩ cuộc đời mình sẽ thay đổi từ lúc này. Chỉ khi bước ra xe, Từ mới thấy mình đang bỏ lại phía sau tất cả. Những con đường rải nhựa ngoằn ngoèo, những cây cẩm tú hoa tím li ti, hàng rào màu đen quấn đầy dây leo, tháp chuông nhà thờ nhọn nơi những con chim bay về làm tổ, đôi mắt của Lim  tuyệt vọng trong mưa, đôi mắt của nội u tối đầy nước, đôi mắt của con mèo mun lim dim, những nụ hoa khế chợt tím hơn mọi ngày và vòng tay Tú ôm chặt lấy chân Từ mỗi khi dằn dỗi... Tất cả ào vào tâm hồn Từ thật lạ, chúng nâng cô lên thật cao và đột nhiên thả xuống. Từ đang rơi tự do. Ngực Từ đau nhói và nước mắt ứa ra thành dòng. Từ thấy mình giống như con thuyền đang úp mặt vào cát đen ẩm ướt. Dòng sông đã rời xa. Liệu Từ có thể làm được gì khi dứt bỏ gia đình của mình ra đi để tìm một giấc mơ lạ.

Chiếc xe taxi đậu bên đường áp sát gần Từ rồi mở cửa. Từ chui tọt vào xe. Xe chạy về đâu Từ cũng không biết nữa...

 

BÊN KIA SÔNG

 

Tôi ngồi bên một luống hoa cúc vàng trước sân nhà nhìn mặt trời đỏ bầm chếch chếch xuống trên bờ đê lộng gió. Nhà dì ngoảnh mặt ra bờ đê sông La. Mỗi chiều, cứ đi ra ngõ, quanh qua mấy đoạn cúc vàng, bước hơi chùn chân và hơi thở chộn rộn một tí là đã đến bờ đê lộng gió rồi. Xa xa dì thư thả ngồi trên bờ đê một mình từ lúc nào. Áo dì dấp dính đầy nắng trong dáng ngồi mặc nhiên tĩnh tại. Một cảm giác mênh mông diệu vợi và trống trải. Nhưng hình như dì đã quen với cảm giác đó. Nó giống như một sự chờ đợi. Mỗi khi ánh chiều tắt lịm, tôi thấy mắt dì cũng tối lại dần.

Hôm đó, tôi về tới nhà dì trời cũng đã chiều như thế này. Dì đang tưới cây cho đám cúc vạn thọ trong vườn. Dì không buồn nhìn tôi. Thật ra tôi đã thấy rất may vì dì không nhìn tôi. Tôi biết, dì có lý do để không cho tôi bày tỏ cảm xúc của tôi lúc ấy. Hẳn mẹ tôi cũng đã gọi điện để nói chuyện của tôi rồi, thể nào dì cũng biết rồi. Dì xởi xởi lại gốc hoa cúc rồi nói với tôi:

- Vào tắm đi cho khỏe, nước đã nóng rồi đó.

Tôi lặng lẽ ngồi một lúc rồi lặng lẽ đi vào. Nhà tắm thơm mùi hoa oải hương, thứ xà bông mà tôi và dì thường dùng màu tím ngát. Tôi nhìn lại mình trong gương. Một gương mặt vô hồn, nhếch nhác. Một đôi mắt bạc trợt vì thiếu ngủ và cả vẻ xám xịt của làn da tố cáo hết thảy những tháng ngày tôi đã trải qua như thế nào. Tôi nuốt ực cảm giác tủi thân vừa chợn lên trong lòng rồi xả nước. Tôi nằm xoài xuống sàn nhà tắm, nhắm mắt hít sâu rồi thở đều, mặc nhiên cho nước chảy tràn lên mặt, lên cổ rồi lên ngực. Từ đây, tôi nhận ra mình trong bộ dạng lõa lồ đang nằm kia, tôi đang cần gì, đang muốn gì.

Tôi bỏ chồng. Đàn bà không con cứ như cây không có lộc, khô khốc và chán nản. Thật ra, quyết định trả tự do cho Hào tôi đã có từ lâu rồi. Nhưng nghĩ đến sự quan tâm ân cần của anh mà tôi không thể nào quyết định nổi. Những năm trước, mỗi lần tôi khóc, Hào thường ôm tôi vào lòng, nói một câu muôn thuở rằng Hào chỉ cần có tôi thôi là đủ. Tôi đã dùng dằng cho đến mấy năm sau vì chuyện đó. Nếu không có một ngày tôi bắt gặp anh đứng thất thần trước cổng của một vườn trẻ. Lúc đó, tôi đã ân hận, đã buồn, đã giận mình đến trăm ngàn lần rằng, tại sao mình lại có thể ích kỉ với Hào đến thế. Trước hôm tôi quyết định điều hệ trọng ấy, tôi đã nghĩ Hào sẽ không đồng ý. Và tôi biết sẽ nói chuyện với Hào như thế nào để anh hiểu được nỗi lòng của tôi. Thế nhưng, tôi đã lầm. Khi tôi can đảm nói được chuyện đó, Hào đón nhận một cách im lặng. Sự im lặng của anh làm tôi bủn rủn. Tôi lặng im như phỗng nhìn con người đó, chồng tôi đang ngồi trước mặt tôi, đang chờ đợi câu nói cuối cùng của tôi, cái câu mà anh đã muốn từ lâu mà không thể nào nói nổi. Giá như anh nổi khùng, hay phản đối, tôi sẽ khóc lóc để van xin anh buông tha cho tôi mà đi tìm cuộc sống mới. Tôi sẽ quỳ xuống bên anh mà xin lỗi đã dẫm đạp lên tình yêu bền bỉ của anh trong suốt một thời gian dài. Vậy mà, bây giờ thì hết rồi, nhìn thái độ của anh thoáng chút day dứt nhưng toại nguyện, tôi chợt hiểu ra, tôi đã nói hộ anh những điều anh mong muốn. Tự nhiên tôi thanh thản, thanh thản như một buổi chiều mùa thu ngào ngạt hương sen đã bắt đầu úa tàn. Ôi hoa sen! Cái loài hoa đến phút cuối cuộc đời, đến tàn rữa rồi vẫn còn ngậm hương ngọt ngào đến thế.

Dì đón tôi nhẹ nhàng ở cửa nhà tắm và trao cho tôi một tấm khăn bông choàng. Tôi quấn khăn quanh người rồi ngồi xoài trên bậc thềm phủ đầy hoa cúc vàng rực rỡ. Dì ngồi bên im lặng, dáng dì mỏng manh và sáng rực nỗi buồn như hoa cúc. Hình như, trong một khoảnh khắc nào đó, tôi nhận ra mùi mồ hôi của dì cũng ngai ngái như mùi hoa cúc dập gãy mà tôi hít hà không biết chán. Dì vỗ vỗ vào vai tôi thì thầm: "Đàn bà mà không biết chế ngự là khổ con ạ, rất khổ".

                                                                        *

Tôi nằm tựa lưng vào dì thiêm thiếp ngủ. Không quần áo, chỉ có một chiếc khăn tắm quấn hờ thảnh thơi. Ngày trước, mỗi khi buồn, dì cũng thường có thói quen nằm xoài ra giữa nhà tắm và quấn khăn đi lại trong phòng rồi ngủ rục giữa nhà, đầu tựa vào chiếc ghế sofa. Dì nói, lúc đó, cơ thể mình cần được tự do, đừng khoác lên nó những bộ cánh chật chội, những khuy móc nâng đỡ. Thư giãn tuyệt đối.

Tôi lẩm bẩm mãi mấy từ "không biết chế ngự" của dì mà loanh quanh như đứng giữa ngã năm ngã bảy một con đường không biết lối rẽ nào là đúng. Những con đường nghìn nghịt những người và người ngược xuôi. Từ những ngã tư rộng rãi đó, họ túa vào những con đường nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống con đường giống như những chiếc phễu khổng lồ mà những con người lần lượt trôi tuột vào đó. Tôi đang ở đâu? Đang rơi vào chiếc phễu nào hay đang đứng nhốn nháo giữa ngã tư mà không tìm được lối rẽ.

Dì lại cắt đứt dòng suy nghĩ bề bộn của tôi khi mở một đĩa nhạc không lời. Bản nhạc unchained melody mà dì thích nhất.  Đã bao nhiêu năm qua rồi, dì tôi vẫn không thay đổi thói quen nghe nhạc không lời mỗi khi không nói lên được nỗi lòng mình nghĩ. Trong tận cùng sự cảm thông, tôi nhận ra sự cô đơn đến tuyệt đối của dì. Nó giống như một ngôi nhà cổ đầy rêu phong u hoài giữa xô bồ những tầng kiến trúc hiện đại với tường kính trong suốt, những cánh cửa cảm ứng và những dây leo bằng nhựa vô hồn rải đầy những thứ quả bằng cao su cũng vô hồn không kém.

Ai cũng nói dì tôi là nhất. Cái nhất đầu tiên của dì là có một người chồng thành đạt, những đứa con như được vẽ ra từ các bức tranh thiên thần cổ. Dì sướng đúng với sắc đẹp và tài năng của mình. Một con người sinh ra chỉ để tô điểm cho cuộc đời những nụ cười trong như suối vỡ và giọng hát để ru ngủ lòng người những lúc chán chường với cuộc sống hàng ngày. Dượng tôi đã có dì như vậy, đã sở hữu dì như vậy và dì vẫn an phận với chính cuộc đời mình như vậy. Vậy sao đôi khi tôi vẫn bắt gặp dì thở dài mỗi khi trời trở gió, vẫn thấy dì thất thần khi gặp dáng hình một người vừa đi qua ngõ.

Tôi là một đứa con gái hay cả nghĩ. Vẩn vơ và hay phán xét mọi chuyện xung quanh bằng chính trực giác của mình. Đôi khi, tôi đem chuyện của dì nói với mẹ tôi, mẹ tôi đã quay ngoắt lại đe nẹt và kìm nén những ý nghĩ đó của tôi một cách khổ sở. Bà nói tôi là kẻ có quá nhiều trí tưởng tượng và có phần hơi điên rồ. Mẹ nói dì tôi đã tự chọn cho mình một cách sống đúng đắn, và tôi nên học theo cách đó. Đàn bà là gì, suy cho cùng đàn bà trên thế gian này là cái xương sườn thứ bảy của đàn ông. Đàn bà là tài sản của đàn ông nên việc chọn cho mình một chỗ yên thân không phải lo nghĩ đến chuyện tiền bạc là được.

Dì tôi là người thừa tiền bạc. Tôi biết điều đó nhưng tôi vẫn thấy dì tôi ủ rũ u buồn. Đáng ra dì phải được sung sướng như chính cuộc đời mà mọi người đang nghĩ bây giờ chứ? Tôi đã định nói với dì, tuổi 40 của dì, ở thành phố, người ta còn mặc váy ngắn, đi giày cao gót nhún nhảy ở khắp các vũ trường, quán bar và hát những bài bolero ảo não thì dì tôi lại chọn cho mình cuộc sống buồn bã bên sông này nhưng rồi tôi nhận ra mình đã may mắn khi không hấp tấp nói ra những điều mình nghĩ. Tôi đọc được sự thảnh thơi trong dáng dì tôi ngồi hằng đêm bên thềm nhà nhìn vào hồ sen mùa thu chỉ sót lại vào ba bông nở muộn và những chiếc lá cuối mùa nổi bập bềnh trên nước cũng đã bắt đầu tàn rữa.

Mỗi người có một cách sống. Dì cũng vậy. Hình như vì đã quá quen với cảnh dì tôi luôn luôn ngọt ngào và nhẹ nhàng trước mặt khách khứa đôi khi có phần quá chén của chồng. Hình như dượng tôi không lấy việc đem bạn về nhà bù khú thường xuyên là vấn đề, đến nỗi sau mỗi đêm thức dậy ngà ngà vào lúc 2, 3 giờ sáng dượng vẫn thấy dì tôi còn vật lộn với một đống bát đĩa ngổn ngang mà không mảy may xúc động. Dượng tôi xem đó là việc hết sức bình thường của một người phụ nữ bình thường. Tôi thì không chấp nhận được điều đó, lắm lúc tôi rủa lũ đàn ông như dượng, những kẻ chỉ biết vợ mình như một thứ công cụ làm việc nhà không hơn không kém. Dì tôi vẫn im lặng, hình như trong dì, hình ảnh cô ca sĩ xinh đẹp và dịu dàng hay hát những bản bolero buồn làm mê đắm lòng người đã là quá vãng. Tôi lấy làm tiếc cho dì tôi, khi phút chốc từ bỏ những đam mê  của mình chỉ vì những thứ vật chất tầm thường.

Bây giờ dì đã khác. Tôi nhìn thấy sự kiên quyết trong ánh mắt dì khi nói với dượng tôi, dì muốn về quê để sống. Dượng tôi cười nhạt giọng bỡn cợt rằng để xem không có dượng tôi, không có tiền của dượng liệu dì tôi có thể nào sống nổi. Tất cả đã nhầm. Dì tôi đã cho mọi người thấy được rằng sống và tồn tại khác nhau như thế nào. Đến bây giờ tôi hiểu, dì tôi đã tiết chế ngự cảm xúc của mình như thế nào trong suốt cả một thời tuổi trẻ. Bây giờ, dì đang sống rất tốt. Tôi thấy dì cười và nói chuyện yêu đời nhiều hơn.

Sau mấy chục năm bây giờ tôi mới nghe lại câu chuyện tình yêu của dì thời trẻ. Hồi đó có người nghe phong phanh rằng, dì tôi mê đắm một anh chàng nhạc sĩ. Người đó hay ngồi đệm đàn cho dì hát những bản tremolo. Nhưng anh nhạc sĩ đó đã có gia đình rồi, và dì tôi cũng thế. Một ngày dì bỏ hát, chàng nhạc sĩ cũng thôi không còn quay lại phòng trà kia nữa.

                                                               *

Thêm một đêm dài nữa tôi lại không ngủ được, ngồi thu lu trong màn nhìn ra bầu trời sáng rực qua ô cửa nhỏ. Chợt thấy dì tôi đang bày ra đất những con búp bê bằng gỗ, những tấm khăn thổ cẩm rồi xếp đi xếp lại, lau chúng cho đến bóng loáng rồi lại cẩn thận xếp vào một cái rương nhỏ. Tôi lặng yên, thấy dì ôm một tấm áo lên mặt, vai rung lên từng hồi. Tôi bất hồ thấy ngực quặn đau. Thương dì quá, ai nói dì tôi sướng, ai nói dì tôi không biết chế ngự. Dì đã chế ngự đến kiệt sức mình rồi, để bây giờ khóc cũng không còn nghe tiếng nấc nữa. Sương lạnh dần sà xuống đầy đặc phủ đầy tóc dì. Có chút gì vỡ vụn trong ngực tôi đau nhói, tựa hồ như một vết cứa. Tôi lặng lẽ ngồi bên. Nhỏ nhoi như ngày xưa tôi từng theo đợi dì đứng sau cánh gà sân khấu.

Sau cùng chính dì đã nói với tôi về người chơi những bản tremolo buồn bã đó. Ngày hôm đó lạ lắm. Hoa cúc vàng rười rượi đột nhiên rụng nhiều thật nhiều. Dì và anh chàng nhạc sĩ đó đã yêu nhau thật lòng. Dì đã yêu như chưa bao giờ được yêu. Được sống như chưa bao giờ được sống... Nhưng hai người không ai có đủ can đảm để đến được với nhau khi đang còn quá nhiều những điều ràng buộc phía sau. Dì tôi lặng lẽ đi về một hướng. Người đàn ông kia dùng dằng rồi cũng rẽ về một con đường ngược lại. Ấy thế mà vẫn không quên được nhau khi đã trót hẹn thề rằng sau này về già, yên ổn con cái cả rồi sẽ cùng về quê để sống...

Và dì tôi đã chờ đợi. Mỏi mòn chờ đợi mà người đàn ông kia vẫn không quay trở lại.

Tôi rã rời nghe câu chuyện của dì. Không tin nổi một con người đã trải qua bao nhiêu đau khổ cô đơn trong cuộc đời lại có một đức tin hồn nhiên và trong trẻo đến thế. Tôi định nói với dì, những bộ mặt đê tiện và giả dối của đàn ông trên chính thế gian này là như thế nào nhưng không thể. Cổ họng tôi nghẹn cứng. Đột nhiên tôi hồ nghi chính mình, có phải tôi đang giết dần niềm tin về cuộc đời bằng những ý nghĩ hằn học?

 

Mẹ tôi gọi điện nạt nộ dì tôi chuyện chứa chấp một kẻ tội đồ như tôi. Tôi đã không nói gì với bố mẹ chuyện phải kết thúc như thế. Tôi biết bố mẹ sẽ rất buồn, nhưng còn buồn hơn nếu tôi cứ chèo kéo một người mà không còn tình yêu với mình nữa.

Năm tháng sau khi chúng tôi lặng lẽ ra tòa, Hào lấy vợ, rồi thêm năm tháng nữa, Hào có đứa con đầu lòng. Mẹ vẫn không thèm nhìn mặt tôi. Tôi ương bướng không về nhà thêm một lần nào nữa kể từ khi tiếng mẹ vừa khóc vừa rít lên trong điện thoại khi tôi nói tôi đã ra tòa từ sáng sớm: "Đồ mất dạy". Tôi lặng lẽ buông máy, không hiểu nổi bây giờ tôi đang nghĩ gì. Mẹ có hiểu cho tâm trạng tôi lúc này đang như đá lạnh tan chảy hay mẹ đang xấu hổ với làng với xóm về một đứa con không toàn vẹn. Đêm đó, tôi bỏ về với dì. Dì khóc suốt đêm, vỗ về tôi như thời tôi còn bé. Chỉ mình tôi là khô khốc, ráo hoảnh. Với tôi, mọi sự trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Tôi lén dì ra ngoài trời, đêm vằng vặc trăng vàng tưới đẫm cả vạt hoa cúc thành từng đám lấp lánh. Tôi nằm xuống hai rãnh cây, nằm ngửa mặt lên nhìn trăng. Trăng trong trẻo và sáng quá, đất mịn và mát. Tôi cứ nằm thế cho trăng tưới đẫm lên người, đất dưới lưng mát lạnh vỗ về ru ngủ. Những lúc như thế, tôi lặng yên nghe gió trở mình và hoa cúc rụng đầy trên ngực, trên tóc. Tâm hồn tôi tan vào đất mặc cho nỗi cô đơn tha hồ nhảy nhót, tung tẩy trên má tôi từng giọt, từng giọt.

                                                                        *

Lạ thật! Tôi đã để ý không biết bao nhiêu lần, hễ cứ đến mùa trăng là dì tôi lại không ngủ. Cả đêm ngồi ngửa mặt lên trời, không nhìn trăng, chỉ nhìn vào khoảng không gian vô định ngoài kia. Bầu trời cũng thật lạ, leo lẻo trong không một gợn mây. Chỉ thi thoảng có đôi cánh chim giật mình bay vụt qua rồi biến mất. Đêm đêm dì hay nghe những bản tremolo buồn. Tôi cũng nghe, không hiểu nhiều về thanh nhạc nhưng điệu tremolo luôn làm tôi cảm thấy bất an và bần thần. Dì lim dim mắt ngồi gập người trước hiên nhà hăng nồng hoa cúc và thở dài rất khẽ. Tôi hồ nghi rằng, dì tôi không lắng nghe âm thanh mà thả hồn theo hơi thở của người chơi đàn điêu luyện ấy.

Sau cái lần ngồi miết suốt đêm dài đó, dì tôi ốm nặng. Không thở được, hai mắt trũng sâu xuống gò má đã bắt đầu bợt bạt. Tôi gọi điện đưa dì về thành phố gấp. Dì dùng dằng không muốn đi, cố nhoài người ra khỏi cửa kính xe nhìn ra phía bờ đê cao ngút cỏ may giàn giụa nước mắt. Dì quay sang tôi nói nhỏ: "Trời chiều rồi Vi ơi, con ở lại chờ người ta dùm dì, thể nào người ấy cũng trở về. Hãy nói với người ấy rằng dì sẽ trở lại". Dì nói đến đó rồi cười, bàn tay gầy guộc giơ lên lưng chừng rồi rơi xuống.

Tôi bàng hoàng khóc... Thoáng thấy bóng dì tôi cười thật tươi chạy vụt ra cửa, men theo bờ đê ngợp đầy cỏ may vàng óng nắng chiều trong tiếng tremolo tha thiết vang từ phía bờ sông lúc xa, lúc gần vọng lại...

Ơ hay! Hình như có tiếng gọi đò từ bên kia sông...

 

Hà Tĩnh 1.27 P.M ngày 28.8.2012

 

 

MÙA LÊ CHÍN

 

Con sông Nu rù rì chảy qua làng tôi lừng lững. Ở khúc trên thượng nguồn dòng sông hẹp và sâu, nước chảy mạnh thành dòng quẩn quanh những gốc bần thành những vũng xoáy nước. Trên ấy, chi chít những rặng bần nở hoa bốn mùa thơm nhưng nhức. Hương bần theo nước lơ lửng chảy xuôi. Ấy vậy mà khi đi qua làng tôi, chỗ ngã ba sông nó lại phình ra, nông choèn choẹt, trông xa cứ như một cái đầm mọc toàn hoa súng trắng mênh mông. Nếu như người giỏi tưởng tượng sẽ thấy nó có hình một giọt nước chực như sắp rơi xuống một cách sống động. Riêng tôi, tôi thấy khúc sông đi qua làng nom giống như một nét trổ phóng khoáng của nét bút lông thấm đẫm mực tàu mà ông đồ già cuối chợ xuất thần mỗi mùa tết đến.  

Làng tôi muôn đời trồng dưa. Cái giống dưa lê quả nhỏ, tròn trắng được trồng trên bãi bồi của dòng sông Nu quê tôi không thể lẫn được với các vùng khác. Tháng tư về. Đó là tháng tư ta. Khi nắng và gió Lào ràn rạt thổi qua dãy Trường Sơn đốt miền trung trong cái nắng nảy lửa. Cả cánh đồng dưa mênh mông, sau một mùa xuân tràn trề hút khí trời, tinh đất đậu lại thành những quả dưa no tròn trắng bóng nằm im lìm cô mật trong cái hanh đến hao gầy, thân dây khô quắt lại, lá héo rũ ngả màu. Nghe thoảng trong gió mùi ngọt ngào dậy chín của những quả dưa già và tiếng chim tu tú ran ran ngoài đồng xa rười rượi. Lặng lặng như thế nhưng ai cũng nhận ra, mùa dưa lê đã về.

Tôi cứ nhớ mỗi mùa dưa lê đến, khi ngoại tôi ngồi bên hàng hiên bấm bấm đốt ngón tay tính lịch ta. Miệng bỏm bẻm nhai trầu. Hai vệt nước rịn ra nơi khóe môi đã nhăn nheo của ngoại. Nhìn cảnh ấy, đôi khi tôi cứ hồ nghi rằng: cứ như có một khoảng không gian liêu trai vây lấy người mỗi mùa dưa lê tới.

Tôi đã không nhầm. Linh cảm bao giờ cũng cho tôi một kết quả dường như chính xác đến tuyệt đối. Đó là một đêm tháng tư oi nồng, khi tôi tỉnh dậy và bắt gặp hình ảnh bà ngồi xõa tóc trước hiên nhà. Ánh sáng hắt từ trong nhà ra, bóng ngoại đổ dài dưới nền sân gạch đen thẫm. Bên cạnh bà, đĩa dưa lê thơm dịu. Tôi định rón rén lại gần nhưng khựng lại. Tiếng ngoại  khe khẽ rì rầm khiến tôi rùng mình:

- Đã đi rồi cơ mà, đi rồi thì còn quay về đây mần chi cho tui nhớ?

- .....

- 40 năm qua rồi.

-......

- Tui già rồi, như quả lê chín nẫu rồi.

Tôi không kịp định thần trước những câu nói giận dỗi của ngoại vào khoảng không vô định. Hay tôi bị ảo giác, tôi nghĩ, hay ngoại lẫn mất rồi... Nhưng mọi ý nghĩ không thể thỏa mãn được câu hỏi cứ ám ảnh và day dứt tôi mãi. Rồi tôi nghe thấy tiếng bà khóc. Tiếng khóc rứt rứt của một sự kìm nén tột độ ám ảnh tôi ghê gớm tuồng như những mũi kim lích vào tim tôi đau nhoi nhói.

                                                                        *         

Ông tôi hi sinh ở Thành Cổ Quảng trị. Từ đó đến nay không tìm được hài cốt. Mẹ tôi đã cất công không ít lần vào đến tận các nghĩa trang trong tỉnh để tìm kiếm nhưng vô vọng. Thành Cổ được ví như cái cối xay thịt khổng lồ, trở thành mồ chung cho những người đã hi sinh ở đó. Tìm chán, ngoại thôi không nhắc nhỏm gì đến chuyện đi tìm hài cốt ông nữa, nhưng vẫn cứ đau đáu trong lòng không yên được. Những lần như thế, ngoại lại ra bờ sông ngồi một mình cho đến sáng.

Làng tôi có một điều rất lạ, hàng trăm người đàn ông ra trận ai nấy cũng đều trở về. Cứ mỗi năm kỉ niệm ngày đi lính, họ lại tập hợp ở Thành hoàng làng sát bờ sông Nu. Họ kể cho nhau nghe những lần thoát chết trong gang tấc như một sự kì diệu không thể cắt nghĩa được. Những lần đó, ngoại lại lặng lẽ ra bến sông ngồi khóc. Tôi không gạn hỏi thêm ngoại khi thấy ảnh ông tôi trên bàn thờ nghi ngút khói hương. Lâu dần thành quen, im lặng mỗi khi ngoại một mình ra triền sông đầy gió.

Gần đây, khắp nơi rộ lên các trung tâm đi tìm mộ hài cốt liệt sĩ. Đi đâu ai cũng nói chuyện tìm được người thân của mình bằng phương pháp ngoại cảm làm tôi nóng ruột muốn nói với ngoại. Lần đó mẹ về. Bà và mẹ nói chuyện với nhau suốt một đêm dài không ngủ. Tôi láng máng nghe mẹ nói muốn đi tìm ông tôi nhưng ngoại cứ lắc đầu thở dài. Đến sáng mẹ đi, hai mắt sưng đỏ. Tôi tiễn mẹ ra đến đầu làng, chỗ ngã rẽ sang cây cầu mới bắc qua con sông Nu lừng lững. Mẹ nắm chặt tay tôi. Tôi nắm chặt tay mẹ. Không hiểu tôi đã trở thành người lớn tự bao giờ mà điềm tĩnh trước tình cảm của mẹ đến thế. Mẹ bây giờ cũng đã có cuộc sống của riêng mẹ rồi không còn nhiều thời gian để lo lắng thêm cho tôi được nữa. Tôi cũng quen. Cuộc sống dạy cho những đứa trẻ bị thiệt thòi khi không có bố mẹ một khả năng chịu đựng và kìm nén cảm xúc đến mức lạnh lùng đến nỗi người ngoài nhìn vào chỉ có một nhận xét chung rằng: vô cảm.

Tôi không vô cảm. Tôi đau khổ với thân phận của riêng tôi một cách lặng lẽ. Biết nói với ai bây giờ. Ngoại cũng đã già rồi, cuộc đời của bà còn gì nữa đâu mà để bà thêm lo lắng. Tôi ngại cảm xúc thật, ngại nước mắt, ngại cả soi mình trước gương soi. Tuổi hai mươi chưa dạy gì cho tôi để trở thành một người đàn bà ngoài những cảm xúc chân thực và dịu ngọt .

 

Tôi hẹn Hàn ở đầu làng. Hàn nói anh không muốn về nhà tôi vì cứ mỗi lần về nhà anh lại có cảm giác thiếu tự tin nào đó. Hàn nói vẻ trống vắng của ngôi nhà không có hơi đàn ông nó ma mị và bất an làm sao, đến nỗi anh ngại không dám đến. Ban đầu tôi giận nhưng rồi dễ dàng cho qua. Tôi đang yêu. Mỗi khi đang yêu, người ta dễ dàng bỏ qua tất thảy mọi điều. Hai chúng tôi hẹn nhau ở đầu làng, xoắn xuýt yêu nhau mỗi khi gặp gỡ để rồi lại chia tay một cách vội vàng khi đêm đã đậm sương khuya ngay ngoài con ngõ ngoằn ngoèo chè mận hảo.

Tôi không nghĩ nhiều về những nhận xét của Hàn. Mẹ tôi có lần về, ban đêm bà cũng không ngủ được. Mẹ nói lạ quá, ngôi nhà như có hơi lạnh. Ngoại im lặng không nói. Mắt ngoại nhìn mẹ trũng sâu hơn. Cả đời ngoại chỉ có mẹ là con. Dẫu có lớn khôn thành bà thì mẹ vẫn là một đứa trẻ dại khờ và được yêu chiều trong mắt ngoại. Ngày bố mẹ tôi bỏ nhau, ngoại không khóc. Với cá tính của mẹ, ngoại biết sớm muộn gì cũng đến hồi kết thúc. Bố tôi bỏ nhà ra nước ngoài sống nghe đâu lấy vợ bên ấy. Mẹ tôi thẫn thờ mất mấy năm trời rồi cũng đi bước nữa. Chỉ mình tôi ở lại với ngoại. Mẹ đôi lần muốn đem tôi theo nhưng tôi không chịu. Ngôi nhà với tôi thân thuộc như có thể nhắm mắt mà sờ bắt được. Tôi không vì thế mà bỏ bà tôi ở lại. Cuộc đời bà đã chán vạn những nỗi cô đơn rồi. Bây giờ thiếu hơi người là tôi đây, bà làm sao chịu nổi.

 

*

Tôi lén ngoại mấy lần đến trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Hàn đi cùng với tôi. Trời nắng gay gắt. Vừa chớm bước vào sân trung tâm, tôi chợt sững người. Hàn nắm chặt tay tôi:

- Không sao, em vào đi.

- Em sợ - tôi nói nhỏ đủ để Hàn nghe rồi níu chặt tay anh hơn nữa.

Ở giữa sân, người người ngồi la liệt chờ áp vong. Tôi nép người bên cạnh tường, rụt rè soạn lễ và đặt cái bàn thờ nhỏ vào giữa sân ngồi chờ Hàn đi đăng kí. Bàn bên, một nhóm người đang vây xung quanh một cô gái trẻ đang lắc lư theo điệu lái xe. Vừa làm điệu vừa hát những bài hát cách mạng. Có lẽ người nhà của họ đã áp vong được vào cô gái. Tôi lặng lẽ nhắm mắt nghĩ đến khuôn mặt ông tôi và cầu cho linh hồn ông hiện về chỉ cho tôi biết nơi đâu là mộ phần của cụ.

Lần đó, tự nhiên tôi bị choáng, nằm thiếp đi mất một lúc. Tôi thấy mình đang đi trên một con thuyền giữa dòng nước mênh mông. Con sông dài hun hút như một gạch ngang ngút mắt tre xanh và trời xanh lồng lộng. Rồi tôi tỉnh. Không còn dòng nước với những đám hoa cúc trắng ai thả trôi sông dập dềnh dập dềnh, chỉ còn lại Hàn ngồi bên đầu tựa vào tường hút thuốc chờ đợi. Đêm  khuya rắc rắc đôi hạt mưa lạc gió lành lạnh.

Hàn theo tôi đi hết lần này đến lần khác nhưng không được, đã bắt đầu thất vọng. Tôi cũng không hiểu tại sao ông tôi không thể ứng vào tôi một lần để tôi có thể nghe hết ngọn ngành những câu chuyện như những người xung quanh đã kể. Chị bạn ngồi bên cạnh vừa chắp tay vái vừa quay sang nói nhỏ với tôi:

- Tại nhà em ít người vong không nhập được.

- Thật thế hả chị?

- Ừ, cũng có thể không phải người nhà, máu mủ nên cũng không linh nghiệm.

Tôi lặng lẽ rời lán. Trời đang nắng đột nhiên sầm sập mưa rào. Hơi đất bốc ngùn ngụt hăng nồng đến khó chịu. Hàn lặng lẽ chở tôi. Tôi im lặng. Có phải tại vì ít người vong không nhập hay tại vì tôi không phải là máu mủ.

                                                                                    *

Gió mùa về. Trời trở lạnh. Gió không lúc nào ngừng thổi. Con sông Nu lững thững rộng thêm ra. Nước tràn cả hai bên vệ cỏ, chỗ mấy con thuyền nằm bát úp im lìm buồn bã. Trên bãi bồi xa xa, dưa đã rộ mùa thơm từ nhà ra ngõ, quẩn cả vào trong những khóm rạ mỗi chiều nhóm bếp.

Tôi ngồi thẫn thờ nhìn vào những buổi chiều không mùa. Thật lạ, có những ngày không thể nào đoán định nổi đó là mùa gì trong năm. Gió cứ se sắt như là chớm tết. Cơn rét chạy dọc triền đê cháy sém những bông cỏ may rộ mùa. Đã hai tháng nay, Hàn không trở lại. Tôi bần thần hết đi ra lại đi vào day dứt mãi ánh mắt Hàn khi tôi vừa tỉnh lại. Như tò mò, như chờ đợi một điều kì diệu nào đó sẽ đến. Nhưng thất vọng. Nỗi buồn cứ thế không biết từ đâu, níu kéo tôi đến mệt mỏi.

Từ bao giờ, mỗi khi không ngủ ngoại vẫn ngồi yên như thế trước hiên nhà, nhưng sao bây giờ tôi thấy dáng ngồi ấy trĩu nặng nỗi cô đơn đến nỗi tôi thấy rợn ngợp và ma mị. Nhà chỉ có hai người, tự nhiên đâm ra lạc lõng và cô đơn quá. Tôi ngồi một mình trên triền đê chán rồi về nhà, len lén bò vào màn nằm ôm ngoại. Thò tay vào trong yếm, sờ vào hai cái vú đã nhăn nheo thõng dài của bà. Ngoại xoay người ôm lấy tôi, người tôi ngập mùi dưa lê thơm ngào ngạt lan cả sang người ngoại.

                                                                        *

Ngoại có vẻ ốm hơn mọi bữa rồi. Không hiểu sao tôi cứ linh tính những điều vơ vẩn không thể gọi tên ra được. Đêm không trăng. Ngoại tôi thay đĩa dưa mới sắp lên bàn thờ ông rồi ra hàng hiên ngồi. Tôi lặng nhìn người đàn ông trong di ảnh. Một người lính có đôi mắt tinh anh và có phần lém lỉnh nhìn tôi cười. Tôi ngồi tựa vai vào vai ngoại. Ngoại dựa vào vai tôi. Tôi định bụng hỏi ngoại mọi điều nhưng chần chừ không nói được. Một lúc lâu, lời ngoại nói làm tôi giật mình:

- Con đừng đến trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nữa.

- Ngoại - tôi sững người không nói được, ứ nghẹn ở cổ - Sao ngoại biết?

- Đêm trước ông ấy về, ông nói nói con bé không phải tìm tôi, tôi ở cùng đồng đội dưới lòng sông rồi, không về được nữa.

Nói rồi ngoại khóc. Lần trong túi áo lấy phong thư đã ố màu đưa cho tôi.

"Em thương yêu! Anh đã vào đến tận Tây Nguyên rồi. Hình như là đã đến Gialai em ạ. Đêm nay là đêm cuối cùng thảnh thơi. Ngày mai anh vào trận đánh rồi. Hồi hộp quá. Vậy là đã năm năm xa em. Chiều nay, anh gặp chú Phong ở xã bên nên viết thư này gửi cho em. Anh cứ gửi thế không biết có đến tận tay em không. Chiến tranh biết thế nào mà lần hả em. Em cứ lấy chồng đi em nhé. Nếu nhỡ mai này anh không về, nhưng hãy hứa với anh nếu có con em hãy đặt tên là Lê em nhé."

Tôi không đọc được nữa. Nước mắt chảy tràn. Tôi vòng tay qua người ôm chầm lấy ngoại mà khóc. Ngoại nắm lấy bàn tay trắng tròn của tôi áp lên má ngoại. Tôi thoáng hiểu ra người mà tôi luôn gọi là ông trong di ảnh không phải là chủ nhân của bức thư này. Tôi bần thần nhắm mắt. Tự nhiên tôi nhớ Hàn, nhớ ánh mắt của anh khi tôi vừa trải qua một cơn mê dài và tiếng người đàn bà nói rõ bên tai tôi mồn một: cũng có thể không phải là máu mủ. Làng tôi không ai chết trận cả, vậy người đàn ông trong bức thư này đã ở đâu trong suốt 40 năm trời đằng đẵng để ngoại tôi phải chùng lòng mỗi mùa dưa lê chín mà không hề tin tức. Chiến tranh tàn khốc và ác liệt đã qua lâu rồi cũng không làm ngoại tôi nguôi ngoai nhớ về người nội từng yêu thương nhất?

Tôi đỡ ngoại vào giường nằm. Ngoại có vẻ mệt hơn, hơi thở gấp và ngắn, đôi lúc đứt quãng. Tôi cầm lấy tay bà, đọc thấy sự đợi chờ trên từng nếp nhăn đã hằn sâu trên mặt bà một lúc một nhăn nhúm lại. Rồi bà ngủ, khuôn mặt dần giãn ra, thảnh thơi đến lạ.  Tôi lại bàn thờ thắp hương cho ông tôi - người đưa thư đã vĩnh viễn nằm lại ở Thành Cổ đã không hiển linh khi tôi gọi hồn người ở trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Hương bùng sáng, bắt lửa cháy rần rật. Lần đầu tiên, tôi thấy lạnh người trong chính ngôi nhà của mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...