Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tham nhũng vặt và vai trò của nhân dân

Trần Bảo Hưng - 06-12-2013 10:09:34 AM

“Phí bôi trơn” là cách nói hài hước về hiện tượng tham nhũng vặt ngày càng phổ biến trong các quan hệ hành chính và giao dịch dân sự mà người dân và các doanh nghiệp phải “lót tay” để được  việc. Kết quả khảo sát mới đây của thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới cho biết 70% doanh nghiệp chủ động sử dụng “phí bôi trơn” cho cán bộ để được  việc. Chi phí bôi trơn ngày càng phổ biến và đã trở thành “luật bất thành văn” trong các hoạt động và giao dịch dân sự trong xã hội.

Để được  việc, người dân và doanh nghiệp buộc phải nộp “phí bôi trơn” chứ không phải họ thích đưa hối lộ vặt. Khi được  hỏi, 32% doanh nghiệp cho rằng muốn giải quyết công việc nhanh và hiệu quả thì phải…chi. 26% doanh nghiệp cho biết chi phí “dọn đường” để qua cửa công quyền rẻ hơn chi phí phát sinh và chờ đợi. 68% doanh nghiệp khẳng định nếu không “bôi trơn” thì khó trôi công việc.

Còn trong cuộc sống hàng ngày người dân đi khám bệnh, xin học cho con, làm sổ đỏ… dường như ai cũng hiểu “phong bì là đầu mọi chuyện”. Điều trớ trêu là nếu ai cương quyết không đưa hối lộ thì không những không được  việc, mà còn bị dư luận chê là “hâm”, là không thức thời.

“Phí bôi trơn” đặc biệt nghiêm trọng là trong lĩnh vực bất động sản. Các chuyên gia và giới kinh doanh bất động sản đánh giá phí này đang chiếm từ 25-30% tổng chi phí của doanh nghiệp. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho giá bất động sản của Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Không chỉ trong lĩnh vực bất động sản, mà trong tất cả các hoạt động kinh doanh khác, các khoản tiền hối lộ và lót tay là khoản chi phí nghiễm nhiên nằm trong giá thành sản phẩm, dịch vụ. Điều này khiến cho giá thành đội lên cao, khiến doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh, nhiều khi mất cơ hội kinh doanh, khiến nền kinh tế của đất nước và những vấn đề xã hội ngày càng sa sút, gây mất lòng tin cho người dân và giới doanh nhân.

Điều đáng lo ngại là theo chỉ số công bố mới nhất của các cơ quan công quyền thì việc đưa và nhận hối lộ có xu hướng ngày càng tăng. “Phí lót tay” đã khiến cho các hoạt động bất hợp pháp trở thành… hợp pháp. Hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, công viên để kinh doanh đã trở nên phổ biến. Không ít nơi “phí bôi trơn” đã biến các cơ quan công quyền trở thành người bảo kê cho các hoạt động trái pháp luật. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc đánh bạc rất lớn ở Bắc Ninh và vụ việc xã hội đen hoành hành bắt người dân và các doanh nghiệp phải nộp tiền mãi lộ hàng chục năm ở Hưng Yên. Chỉ đến khi lực lượng công an của Trung ương vào cuộc mới dẹp được. Một đồng chí lãnh đạo cao cấp đã khẳng định: Chắc chắn có sự bảo kê của các lực lượng chức năng của địa phương.

Như vậy có thể thấy nạn đưa và nhận hối lộ theo kiểu tham nhũng vặt đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Nền kinh tế kém phát triển, thiếu sức cạnh tranh; người dân ngày càng mất lòng tin vào Nhà nước và chế độ; đội ngũ cán bộ của các cơ quan công quyền ngày càng biến chất, hư hỏng, các hoạt động xã hội đen và trái pháp luật được  bảo kê khiến trật tự xã hội rất loạn, đạo đức xã hội xuống cấp, người dân không tin vào pháp luật và các cơ quan công quyền, cho nên đã đứng ra… tự xử khiến xã hội càng thêm rối ren.

Muốn đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng vặt, điều trước hết là Nhà nước phải thiếp lập được  cơ chế rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng chính sách không đầy đủ (thậm chí sai, không đúng luật) và mập mờ, hay thay đổi, tạo điều kiện cho cán bộ có trách nhiệm lạm quyền gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để đòi hối lộ. Thứ hai là phải xiết chặt công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt công chức, kiên quyết loại bỏ những cán bộ bị nhân dân khiếu nại, tố cáo hoặc giàu lên một cách bất thường mà không lý giải được. Không chỉ nên trách người dân và doanh nghiệp sử dụng “văn hoá phong bì” trong giao dịch, mà Nhà nước bằng mọi biện pháp phải khiến cho nó không còn đất sống, trước mắt là khuyến khích người dân vì hoàn cảnh nào đó đã đưa hối lộ tố cáo những kẻ nhận hối lộ mà không bị trừng phạt, thì người dân mới hăng hái vạch mặt những con sâu trong bộ máy công quyền.

Nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn dân, chỉ khi nhân dân được  khuyến khích và được  tạo điều kiện để vào cuộc thì trận chiến này mới có cơ may giành thắng lợi!

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...