Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Đình Thi

Bài, ảnh: Lê Xuân Hiệp - 26-04-2013 02:39:49 PM

VanVN.Net – Sáng ngày 26/4/2013 tại Trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra “Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà văn Nguyễn Đình Thi” (4/2003 – 4/2013) do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức. Đến dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan ngang Bộ; lãnh đạo các cơ quan báo, đài, nhà xuất bản Trung ương và Hà Nội; đại diện gia đình nhà văn và bạn đọc.

Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận được sự quan tâm, tình cảm ấm áp của các đồng chí: Nguyễn Khánh - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng Lê Hai – nguyên phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam; Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; ông Đào Duy Quát – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương; Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam;... Phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà văn, nhà thơ Ủy viên BCH; Ủy viên các Hội đồng chuyên môn.

Lễ dâng hương tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Đình Thi

Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một nhân vật lớn của làng văn chương nghệ thuật Việt Nam. Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945 ông tham dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Ông thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt I năm 1996. Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 2003 tại Hà Nội.

Sau lễ dâng hương tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu và nhấn mạnh: “Nhà văn Nguyễn Đình Thi đến với Văn chương từ chân trời Triết học. Ông là một người lao động chữ nghĩa miệt mài và nghiêm túc. Ở Nguyễn Đình Thi luôn hiện hữu song hành con người của cách mạng và nhà văn. Sự nghiệp Văn chương Nguyễn Đình Thi là sự nghiệp Văn chương tiền chiến với một hệ thống những tác phẩm mang đậm một cái tôi của con người hoạt động Cách mạng. Văn chương luôn kén chọn con người nhưng với nhà văn Nguyễn Đình Thi trong ông không chỉ ẩn hiện con người Văn chương mà ở ông còn có cả con người của âm nhạc, sân khấu... Ông xứng đáng là một Nhà văn hóa tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh”.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi để lại một kho tàng đồ sộ đủ các thể loại từ thơ ca đến tiểu thuyết, từ kịch đến lý luận phê bình văn chương và biết bao văn phẩm dịch, triết học và tác phẩm âm nhạc. Nhưng cũng có một “công trình” giá trị khác mà ông không kịp thực hiện - hồi ký.

Mười năm sau khi ông mất có biết bao những công trình nghiên cứu về ông. Ở trong con người tài hoa ấy, luôn hiện hữu và nổi nên là một nhà Văn hóa – Văn nghệ xuất chúng.

 

Trong bài Tham luận của mình Giáo sư Hà Minh Đức cũng nhấn mạnh: “Những tác phẩm Văn học của Nguyễn Đình Thi luôn có sự hiện hữu của tư duy triết học. Từ khi ông còn trên ghế nhà trường Nguyễn Đình Thi đã có những cuốn sách triết học. Còn với con người đa tài Nguyễn Đình Thi thơ của ông là chính hay nhạc là chính hay kịch... điều đó không quan trọng mà quan trọng là chúng ta có một con người tài hoa ở mọi lĩnh vực và ở mọi khía cạnh của đời sống Văn nghệ. Là người mà đáng nể bậc nhất của nền Văn hóa – Văn nghệ nước nhà. Ở ông những thể loại sáng tác đều mang những phong cách mới mà hơn hết là lạ, hấp dẫn đơn cử như kịch. Kịch của ông không phải là những xung đột giữa con người với hoàn cảnh mà là xung đột giữa tư tưởng, hệ tư tưởng với nhau. Nguyễn Đình Thi là người không ngừng tìm tòi cái mới trong từng sáng tác của mình từ đầu đến cuối và hơn hết ông luôn đóng góp một phần đáng kể cho cách mạng.”

 

Các tham luận của những khách mời tham dự Lễ tưởng niệm như làm hoàn thiện hơn con người Nguyễn Đình Thi về mọi mặt của một con người Văn chương, âm nhạc... Với mỗi thể loại người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi lại gắn với những dấu ấn khó phai trong đời sống Văn hóa – Văn nghệ không chỉ giai đoạn Cách mạng mà sức sống ấy luôn hiện hữu với nền văn hóa Việt ngày nay như Văn học có: thơ Đất nước, Bài thơ hắc hải, Dòng sông xanh...; truyện ngắn Vào lửa, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ...; kịch Con nai đen, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan...; nhạc Người Hà Nội, Diệt phát xít...; Tiểu luận Mấy vấn đề Văn học...

Như nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nói: “Với Nguyễn Đình Thi, ông chưa bao giờ nhận mình là nhạc sỹ nhưng chỉ với hai tác phẩm nhạc Người Hà NộiDiệt Phát xít thì đó là hai tác phẩm âm nhạc đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam và không chỉ chúng tôi mà tất cả những người dân Việt đã ghi dấu ấn trong lòng là một người Nhạc sỹ đáng kính, một nghệ sĩ tài ba.”

Mặc dù 10 năm đã qua nhưng không khí khán phòng Lễ tưởng niệm thực sự xúc động và nhớ lại hình ảnh của nhà văn, người nghệ sỹ quá cố Nguyễn Đình Thi trong những câu chuyện, những kỉ niệm về ông mà những mà những vị khách mời chia sẻ trong bài phát biểu, tham luận của mình.

 

Buổi Lễ kết thúc bằng phần biểu diễn ba tác phẩm của những nghệ sĩ ưu tú Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam: Ca khúc Người Hà Nội; Lá đỏ; và bài thơ Đất nước do Nhà văn Nguyễn Đình Thi sáng tác.

Buổi Lễ kết thúc lúc 11h30'.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...