Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Thói đỏng đảnh của danh tiếng

05-12-2013 07:59:22 AM

Nhà văn Kurt Vonnegut

Theo tạp chí Mỹ Publishers Weekly, tiểu thuyết Giáo dục cơ sở (Basic Training) vừa xuất hiện trên Amazon (tạp chí trực tuyến lớn nhất thế giới) vào ngày 22-3-2012 lập tức chiếm vị trí bán chạy nhất trong tuần.

Kurt Vonnegut đã viết tác phẩm này vào cuối thập kỷ 1940 với bút danh Mark Harvey khi đang làm việc tại phòng Quan hệ công chúng của hãng General Electric nhằm tránh bị buộc tội làm kiêm nhiệm trái pháp luật. Tạp chí The Saturday Evening Post khi đó đã từ chối đăng tác phẩm đầu tay 22 nghìn từ này của nhà văn trẻ. Sau khi Kurt Vonnegut qua đời, người ta phát hiện ông còn rất nhiều tác phẩm chưa công bố, mà Giáo dục cơ sở là một trong số đó.

Không thoái chí, những năm sau đó Kurt Vonnegut tiếp tục hoàn thành các tiểu thuyết Người chơi đàn dương cầm (Player Piano- 1952), Những nàng tiên chim của hành tinh Titan (The Sirens of Titan - 1959), Đêm của mẹ (Mother Night - 1961). Mãi tới khi tiểu thuyết Cái nôi cho mèo (Cat’s Cradle) được đăng năm 1963, ông mới trở thành một trong những nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Có một sự kiện thú vị liên quan tới tác phẩm này. Năm 1947, luận văn thạc sĩ của ông “Mối tương quan không bền vững giữa thiện và ác trong các chuyện cổ tích” bị các giáo viên tổ bộ môn nhân chủng học trường Đại học Chicago bác bỏ, song đến năm 1971 chính bộ môn này đã quyết định phong tặng ông học vị thạc sĩ vì tiểu thuyết Cái nôi cho mèo.

Theo lời đề dẫn của nhà xuất bản Rosetta Books, Giáo dục cơ sở đã nhạo báng không thương tiếc những huyền thoại xã hội của nước Mỹ giữa thế kỷ XX, đó là “tác phẩm châm biếm giới quân phiệt, tư duy độc đoán, thái độ đối với phụ nữ và trách nhiệm của những người làm cha mẹ”, “chủ đề chính của truyện – hành động ngông cuồng của những kẻ cầm quyền, cuộc sống nghẹt thở, giới trẻ nỗ lực nhận thức thế nào là chủ nghĩa anh hùng, nghĩa vụ và tình yêu”. Nhân vật của truyện phải sống trong trang trại của một kẻ độc đoán muốn thiết lập trật tự quyền uy, buộc mọi người tuân phục vô điều kiện và gọi mình là Tướng.

Nhà văn Kurt Vonnegut thực sự nổi danh trên thế giới với tác phẩm hiện thực Lò sát sinh số 5 hay cuộc thập tự chinh thiếu nhi (Slaughterhouse-Five, or The Children’s Crusade) đăng năm 1969, đề cập tới sự kiện kinh hoàng nhất trong cuộc đời tác giả: trực tiếp chứng kiến không quân Anh-Mỹ ném bom hủy diệt thành phố Dresden (Đức) trong các ngày 13 - 15-2-1945. Trong tiểu thuyết tự truyện lên án giới quân phiệt này, có sự gắn kết chặt chẽ giữa hiện thực, cảnh lố bịch, chuyện hoang đường, những hành vi mất trí, châm biếm sâu sắc và mỉa mai cay đắng.

Đầu năm 1970, ngay sau khi vừa in xong, Lò sát sinh số 5 hay cuộc thập tự chinh thiếu nhi đã bị cấm lưu trữ trong các thư viện, hạn chế phổ biến. Dường như Vonnegut đã phạm trọng tội khi phê phán quan điểm mang tính nguyên tắc của giới quân phiệt thời đó – bè lũ đảng viên quốc xã (Nazist) là kẻ thù tuyệt đối và trận ném bom hủy diệt Dresden được coi là “đòn trừng phạt” những tội ác của Hitler.

Hội đồng nhà trường tại một vùng Tây Nam bang Missouri (Mỹ) đã cho phép học sinh đọc tiểu thuyết bị cấm này của Vonnegut. Tuy nhiên, hạn chế chỉ được gỡ bỏ một phần: học sinh các trường phổ thông quốc gia được tìm hiểu tác phẩm tại các thư viện trong thời gian ngoại khóa, khi cha mẹ cho phép và chỉ các bậc phụ huynh hoặc người bảo trợ mới được mượn sách về nhà.

Trước đó hội đồng nhà trường đã thông qua lệnh cấm tác phẩm theo yêu cầu của các giáo viên, khi cho rằng tiểu thuyết này “có những câu thô tục mà đến một thủy thủ cũng phải đỏ mặt vì xấu hổ”, cũng như trong đó có những cảnh bạo lực, tàn nhẫn và sex. Lý do trực tiếp để quyết định loại cuốn sách ra khỏi chương trình phổ thông và các thư viện xuất phát từ bài viết Những cuốn sách bẩn lăng nhục nền giáo dục quốc gia đăng trên báo địa phương, trong đó giáo sư Wesley Scroggins tuyên bố rằng Lò sát sinh số 5 hay cuộc thập tự chinh thiếu nhi và một số sách khác không phù hợp với trẻ vị thành niên, “có những đề tài gây sốc tâm lý trẻ em”.

Năm 1982 Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết rằng, mọi hình thức hạn chế liên quan tới Lò sát sinh số 5 hay cuộc thập tự chinh thiếu nhi đều là bất hợp pháp. Theo đó, hội đồng nhà trường không thể cấm cuốn sách nào đó chỉ vì nó có những kiến giải về tư tưởng hay đạo đức, và chỉ cấm trẻ em tiếp cận khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật. Theo kết quả điều tra của tổ chức Thư viện Hiện đại (Modern Library), tiểu thuyết này có tên trong Top-100 những cuốn sách hay nhất mọi thời đại và đứng thứ 21/100 tiểu thuyết vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Năm 1972, tiểu thuyết được đạo diễn Mỹ George Roy Hill chuyển thể thành phim và năm 2009 phim này của Hill lại được nhà văn, đạo diễn điện ảnh Mexico Guillermo del Toro Gómez tái dựng.

Mới đây, cuối tháng 7-2011, một trường ở Mỹ lại chính thức cấm học sinh tiếp cận cuốn tiểu thuyết đang được sùng bái này của Kurt Vonnegut. Học sinh và một số tổ chức đã phản đối lệnh cấm. Thư viện tưởng niệm mang tên Kurt Vonnegut đã phân phát miễn phí 150 cuốn Lò sát sinh số 5 hay cuộc thập tự chinh thiếu nhi cho học sinh phổ thông ở bang Missouri. Giám đốc thư viện Julia Whitehead lưu ý rằng, chỉ vài năm sau các học sinh đã có quyền bầu cử và một số em sẽ cầm súng bảo vệ đất nước. Bà nói: “Rất tồi tệ và thật đáng tiếc khi người ta coi những công dân trẻ trưởng thành là chưa đủ chín chắn để được phép tìm hiểu những đề tài mà cựu chiến binh Kurt Vonnegut nêu ra”.

Trong các năm 2001-2003, Kurt Vonnegut được trao tặng danh hiệu “Nhà văn của bang New York”. Năm 2007, tại quê hương, bang Indianapolis, của nhà văn đã tổ chức trọng thể “Năm Vonnegut”.

Kurt Vonnegut coi mình là người theo chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa xã hội, là người kế tục tư tưởng của Eugene V. Debs (1855-1926, người sáng lập ra Đảng Xã hội Mỹ và tổ chức Công nhân công nghiệp thế giới. ND). Vonnegut luôn bày tỏ những suy nghĩ của mình thông qua các nhân vật chính trong nhiều tác phẩm văn học. Năm 2003 ông tham gia chiến dịch của Liên đoàn Bảo vệ tự do công dân Mỹ, kịch liệt lên án chính sách đối nội của tổng thống G. Bush. Cho tới khi qua đời, hơn chục tiểu thuyết, nhiều tuyển tập truyện ngắn và tiểu luận của nhà văn đã thu hút được mối quan tâm sâu sắc của bạn đọc và giới văn học nghệ thuật. Hầu hết các tiểu thuyết của ông đã và đang được chuyển thể sang kịch bản điện ảnh.

Nhà văn mất ngày 11-4-2007 do bị chấn thương sọ não. Một năm trước đó, ông đã công bố lời nhắn gửi của mình tới bạn đọc trên báo Người đưa tin Chủ nhật (The Sunday Herald), trong đó có đoạn: “Cho dù chính phủ của ta, giới doanh nghiệp của ta, các phương tiện thông tin đại chúng của ta, các tổ chức tôn giáo và từ thiện của ta đã tham nhũng, hám lợi và nhẫn tâm đến thế nào, âm nhạc không bao giờ mất đi sức quyến rũ. Nếu một khi tôi sẽ chết, xin viết trên mộ tôi dòng văn bia như sau: Với người này âm nhạc là bằng chứng đầy đủ và cần thiết về sự tồn tại của Thượng đế”.

 

Lý Chiêm (Theo Open Space 3/4/2012)

 

(Văn nghệ số 48/2013)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...