Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Vĩnh biệt Phó GS – TS Đào Thái Tôn

06-06-2011 10:49:48 AM

VanVN.Net xin thông báo đến thân hữu gần xa, cùng các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tin buồn: Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Thái Tôn, sinh ngày 14/9/1942, đã từ trần lúc 14g30 ngày 4/6/2011 tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 8g30 đến 10g30 ngày 7/6/2011 (Thứ 3), tại Nhà Tang lễ Bệnh viện Bạch Mai. Lễ an táng lúc 13g00 cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà - Đông Anh, Hà Nội...

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Thái Tôn là nhà nghiên cứu về Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương và Hán Nôm nổi tiếng tại Việt Nam. Ông đã học chuyên ngành Hán Nôm từ năm 1965-1972 sau đó lại công tác tại Viện Hán Nôm đến tháng 10/2008. Tháng 7 năm 1977 ông đã bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ về “Nghiên cứu văn bản Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương” do Giáo sư Cao Xuân Huy hướng dẫn. Sau đó, ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án Phó giáo sư về tiểu sử, tác phẩm của nhà thơ Hồ Xuân Hương vào tháng 9 năm 2002. Năm 2010, PGS - TS Đào Thái Tôn được nhận giải thưởng John Balaban.

VanVN.Net xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Phó GS – TS Đào Thái Tôn cùng tang quyến.

Để tưởng nhớ Phó GS - TS Đào Thái Tôn, VanVN.Net đăng lại bài viết nhân dịp ông được nhận giải thưởng John Balaban của tác giả Minh Châu.

Phó giáo sư – Tiến sỹ Đào Thái Tôn: Duyên nghiệp với “Nôm” Kiều

(Minh Châu)

PGS Đào Thái Tôn nhận giải John Balaban 2010 của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm như phần thưởng cho một đời nghiên cứu vất vả và nhiều hệ lụy.

1. Mấy năm gần đây, căn bệnh viêm tắc động mạch chi lại tái phát nên ông Đào Thái Tôn thường ở nhà tập trung chữa cái ngón chân đau.

Ngoài đống sách vở, hai thứ để gần chiếc giường của ông là điện thoại và máy tính. Một người thuộc lứa tuổi thất thập như ông mà có thể “chát”, vào mạng và viết email nhoay nhoáy cũng không có gì lạ vì ông dùng máy tính từ 1997, nay không có hứng thú viết tay nữa.
Ngày 21/10/2010, ông Tôn nhờ người em đến đón, mang theo cái nạng đi nhận giải thưởng John Balaban. Số tiền thưởng là 1.000 USD, cũng chẳng phải là nhiều cho mấy chục năm viết lách. Nhưng ông rất cảm ơn Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm, y như lời các cụ dạy “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” nên ông rất vui. Ông kể, khi in Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều bản Liễu Văn Đường 1971 (năm 2006), tiền nhuận bút 10% giá bìa, nên 1.000 bản của ông được 9 triệu đồng cho 7 năm trời viết ra cuốn ấy. Không hiểu nhuận bút ngày xưa thế nào mà cuốn Dế mèn phiêu lưu ký giúp cụ Tô Hoài đủ tiền chuộc lại cái nhà thờ, đỡ đần các em, thôi không làm việc ở hãng giày ba ta để sống bằng nghề viết văn.

2. Ngay sau khi tốt nghiệp lớp Hán học khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965-1968), ông Tôn phải tự học chữ Nôm vì một lẽ đơn giản, ông được Viện Văn học phân công nghiên cứu về thơ của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương.

Đến khi nghiên cứu về văn bản Truyện Kiều (bằng chữ Nôm, nên còn gọi tắt là “Nôm Kiều”) ông càng thấy chữ Nôm là công cụ rất quan trọng, nên phát biểu tại lễ trao giải, ông nói: chữ Hán, chữ Nôm là phương tiện phục vụ cho mục đích nghiên cứu văn học của ông. Cụ thể là nhờ nó mà từ sau khi chuyển ngành, ông viết được những: Hồ Xuân Hương - tiểu sử văn bản và tiến trình huyền thoại, dân gian hóa; Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục; Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận; Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều - bản Liễu Văn Đường 1971...

Với Truyện Kiều, ông cho biết, sau khi thống kê, ông chia Truyện Kiều thành hai hệ: hệ Huế và hệ Thăng Long. Các bản ở Huế, do các ông quan trong triều (phần lớn là tiến sĩ) nên khi chép lại Truyện Kiều, chắc nghĩ rằng một người chưa đỗ tú tài như Nguyễn Du hẳn văn còn “non” nên họ ra tay “chữa hộ”. Còn các bản Kiều tại Thăng Long, vì đã được Phạm Quý Thích thẩm định nên ít bị sửa chữa hơn.

“Chúng tôi nghiên cứu văn bản Truyện Kiều theo phương pháp mà học giả Hoàng Xuân Hãn vạch ra là tìm những văn bản Truyện Kiều chữ Nôm càng cổ càng tốt để so sánh, đối chiếu mà lần ra sự sửa chữa từng câu thơ trong quá trình truyền bản để “tái lập” lại những câu thơ “nguyên lời Nguyễn Du. Nói thì đơn giản vậy, nhưng đấy là công việc tỉ mẩn và dễ gây tranh cãi nhất. Và đó cũng là lý thú của công việc” - ông Tôn kể

3. Ông Tôn bộc bạch: tôi viết khá kĩ lưỡng và cẩn thận. Một bài báo hay cuốn sách có khi phải viết đi viết lại hàng chục lần sao cho câu văn “kín nhẽ”. Nhờ vậy mà khi có chuyện, tôi vẫn tin vào lẽ phải của mình.

Xem ra, cái tuổi Nhâm Ngọ của ông, hóa ra lại lận đận vất vả: ông phải giã từ Viện Văn học 18 năm để tìm nơi yên ả mà...nghiên cứu Hồ Xuân Hương. Rồi tới vụ kiện với nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân quanh cuốn Văn bản Truyện Kiều - nghiên cứu và thảo luận (2001, tái bản 2003) của mình, ông tốn khá nhiều tâm lực để đọc sách luật cả năm trời, trong khi vẫn sống bằng đồng lương công chức... Cứ thế lận đận suốt từ trận lượt đi (phiên sơ thẩm) cho tới khi hết phiên phúc thẩm (trận lượt về) mới chấm dứt chuyện phiền phức này.

4. Cũng vì cái nghiệp mà ông Đào Thái Tôn tự tin ngay cả trong bệnh tật. Ông kể, ban ngày, lúc cái đau ở ngón chân không cho nằm nghỉ, là ông ngồi ngay vào máy tính, tập trung sửa từng câu từng chữ để “đánh lừa thằng thần kinh” nên cái đau biến mất. Còn ban đêm thì chịu. Chỉ có cách tự xoa bóp chân rồi nằm mươi phút, “nó” lại bắt ngồi dậy xoa xoa nhẹ như dỗ trẻ con. Cứ thế, lục đục thâu đêm.

Tiễn chúng tôi ra cửa ông cho biết từ nay đến cuối năm, ông còn duyên nợ với bốn bản thảo nữa, trong đó lại có Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều.

Âu cũng là cái nghiệp của ông!

Giải thưởng John Balaban, được sáng lập từ năm 2009 bởi giáo sư John Balaban, Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mỹ. Năm 2009, giải thưởng này được trao cho nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khang và GS Phạm Quang Hồng. Trong năm 2010, ngoài Đào Thái Tôn, giảng viên Nguyễn Tuấn Cương của khoa Hán - Nôm, ĐH Quốc gia HN cũng được trao giải thưởng này.

Ông John Balaban là người có nhiều đóng góp cho kho tàng chữ Nôm của Việt Nam với việc dịch ca dao Việt Nam, tập thơ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều ra tiếng Anh. Sau khi thành lập Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mỹ, từ năm 2006 tới nay, John Balaban đã cùng hội xây dựng dự án số hóa kho sách Hán - Nôm của Thư viện Quốc gia Việt Nam và hoàn thành việc số hóa gần 50.000 trang sách chữ Nôm đạt chuẩn chất lượng quốc tế...

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Lệ biển - một tập truyện ngắn hay

VanVN.Net - Trong những ngày lịch sử với nhiều sự kiện này, với trách nhiệm nhà văn, lòng say mê và am hiểu vể thể loại truyện ngắn với những thành tựu được ghi nhận, nhà văn Phan Cung Việt vừa ...

Hoạt động Hội Nhà Văn  

Những ấn tượng trẻ khó quên

VanVN.Net - Sau gần 5 năm mong đợi, vào lúc 14 giờ ngày 27.5 tại Bến Nhà Rồng (chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh), đã chính thức khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 3. Hơn 100 ...

Tư liệu  

Hành trình M. Bulgakov

VanVN.Net - M. Bulgakov là nhà văn Nga khá quen thuộc với bạn đọc nước ta qua các tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita, Trái tim chó, Những quả trứng định mệnh; vở kịch Những ngày cuối cùng (Puskin) do Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ…