Tôi chỉ lo là bà nội tôi, một người Do Thái, sẽ gặp rắc rối với Brahmachari, một tu sĩ Ấn Độ giáo mà tôi gặp ở Đại học Chicago, khi anh đến ở nhà tôi tại Wreck Lead vào mùa hè. Nhà ba má tôi nằm ở một làng ven biển, trong khu vực có nhiều sắc dân khác nhau, ồn ào và nhộn nhịp. Ở giữa đầm lầy và đại dương, Wreck Lead là một dải đảo hẹp phía trước trông ra biển Đại Tây Dương và sau lưng là những đầm lầy và lạch sông nhỏ hơn, làm cho nó tách biệt với Long Island và trở thành một nơi an toàn cho các bạn tôi ở trường đại học. Trong gara, một trong những đứa em trai tôi luôn đóng ghép thuyền buồm. Trong sân và quanh các đụn cát gần nhà, em trai nhỏ nhất của tôi, thi thoảng với sự giúp đỡ của Ersnt, chú chó giống chó cảnh sát, liên tục tiến hành những cuộc chiến sống còn cùng với hơn nửa trăm những chú nhóc hàng xóm. Các kế hoạch luôn có trong tay, hoặc là làm một chuyến đi khám phá hòn đảo nằm bên cạnh hoặc là hạ thủy chiếc thuyền lướt ván mới trên biển. Với cảnh quan trong sáng của biển Đại Tây Dương cùng với mặt trời ấm áp, khí hậu biển, bãi biển cát trắng, những đầm nước mặn và các vịnh kín, thị trấn trở thành nơi hấp dẫn để thăm viếng và nhà tôi luôn đông khách. Chị nấu ăn người Séc không bao giờ đoán chắc được là ai sẽ đến ăn bữa sáng. Ngoài ba má tôi, hàng ngày phải đi làm ở tận New York, thì bà nội bảy mươi tuổi của chúng tôi cũng là người coi sóc cái gia đình không ổn định này.
Bà tôi có số phận không dễ dàng. Bà là một người phụ nữ già, mộ đạo, chủ yếu nói tiếng Yiddish[1] và dành hầu hết thời gian để cầu nguyện. Ngoài việc tôn sùng qui tắc ăn kiêng của người Do Thái và ngoài những món do Josey nấu, thì bà còn tự chuẩn bị các bữa ăn của mình dưới tầng hầm và ăn trong phòng của mình. Ngoài thời gian đó ra thì bà đều đặn coi ngó nhà cửa. Hai em trai tôi và tôi thường làm giúp vui cho khách khứa của chúng tôi, gồm cả người New York và người địa phương trong phòng học nhỏ, đầy sách và cũng là kho chứa hầu hết lưới đánh cá, mái chèo và dụng cụ cắm trại qua đêm trong vùng. Phòng này nằm ở một rìa nhà. Một cửa sổ cực lớn làm cho phòng có lối vào riêng biệt. Thi thoảng sau bữa ăn, các em trai tôi, khách khứa và tôi sẽ lui về phòng này, và có tới chín, có khi là mười hai người trong nhóm bạn ở Wreck Lead chúng tôi, sau khi xong bữa ăn tối sớm hơn lệ thường, sẽ đi vào phòng qua cửa sổ và trông mong, hồ hởi bàn những kế hoạch mới, hoặc là một chuyến đi bắt cua hoặc là một chuyến đi bằng thuyền chèo đến một địa điểm để cắm trại qua đêm.
Bà nội dòm ngó, kiểm tra nhà cửa định kỳ, thường xuyên. Bà đều đặn thò mái đầu tóc bạc, khá già nua của mình qua cửa phòng học, lọ mọ dòm bằng cặp kính, thường là kính mát, vào chiếc ghế gần nhất. “Seymour ở đâu rồi?” sẽ là câu hỏi của bà. “Cháu đây bà ạ”, sẽ là câu trả lời cho dù bất kỳ người ngồi trên ghế là ai. Bà sẽ nhìn sát hơn. Sau cặp kính, mắt bà mờ đục, hoài nghi, nhưng không biết bà mang kính đen để phòng bị trước ánh sáng chói gắt hay để đối diện với sự thật hoặc có thể để chống chế sự chói sáng của sự thật thì thật khó nói. “Mấy giờ rồi cháu?” Ba nội sẽ hỏi. “Mười hai giờ rồi bà”. Và câu trả lời không đổi. “Tốt”, quí bà nhỏ bé già nua sẽ nói. Bằng lòng khi biết đứa cháu lớn nhất đang ở đó và thấy cuộc đời vẫn đang ở điểm cao nhất, bà sẽ trở lại với việc nấu ăn hoặc với kinh cầu nguyện.
Ngoại trừ Isaacs, giáo viên tiếng Hebrew ở địa phương, người thông thạo kinh Talmud, gần đây di cư từ Đông Nam châu Âu tới và cung cấp cho bà mối dây liên lạc đặc biệt với quá khứ, thì bà có ít bè bạn. Isaacs thường dừng lại nhà tôi để tư vấn cho bà những điều về tôn giáo, chỉ cho bà chỗ kinh của bà trong các sách kinh cầu nguyện và phân tích cho bà thấy những điểm hay hơn trong việc tuân thủ các qui tắc ăn chay. Bà nhận lấy những sự giúp đỡ đó với lòng biết ơn của một quí bà theo công giáo La Mã, thường lên án việc phải sống ở khu kiều dân xa xôi, man dã và nhận lấy những chỉ dẫn từ một người thông thái có cách sống theo những lề lối hay truyền thống của Hy Lạp. Bà nội hàm ơn nhưng ngờ vực Isaacs. Trong những cuộc trò chuyện với tôi, thi thoảng bà cho là nhà thông thái đến từ Đông Nam châu Âu đó có mối liên hệ bí ẩn nào đó với nhóm Hasidim, một giáo phái Do Thái kì bí xuất phát ở Ukraina từ thế kỉ mười tám. Bà nội phản đối giáo phái Hasidim. Song Isaacs là niềm khuây khỏa đối với bà. Bí ẩn hay không bí ẩn thì ít ra anh ấy cũng có hiểu biết về kinh Talmud. Và đó là điều còn hơn cả những gì mà người ta có thể nói về vị giáo sĩ của thánh đường Do Thái địa phương. Tất cả những gì anh ấy cần là một nơi gặp gỡ mới cho thanh niên Hy Lạp. Bà cũng được khích lệ thêm bằng sự thật là Isaacs, khi đến nhà tôi đã thường xuyên vào phòng ở phía sau của chúng tôi, và tìm cách la mắng các em trai tôi, la tôi và những đứa bạn bè thuộc cộng đồng Do Thái của tôi về chuyện thiếu tôn trọng các giá trị truyền thống của tổ tiên để lại. Anh ấy chỉ nói vậy chớ không quở trách gì thêm.
Trong nhà tôi, đối với bà nội là người có địa vị đứng đầu, vị tu sĩ Ấn Độ giáo sẽ dễ dàng được cuốn hút. Có thể là ba năm trước đây, khi là một vị tu sĩ, thành viên của một giáo đoàn từ Đông Bengal đến Mỹ để dự Hội nghị quốc tế về các tôn giáo tổ chức trong dịp Hội chợ thế giới Chicago 1933, lần đầu tiên đến đất nước này thì anh thấy nó ít phù hợp với mình. Tuy nhiên giờ đây, sau một thời gian làm việc, sống ở Đại học Chicago, anh có được sự tinh tế nhiều hơn. Khi tôi gặp anh ở đó trước lễ Phục Sinh, anh dường như là một người mà tôi thấy có thể làm sôi động mùa hè ở nhà tôi. Tôi lập tức mời anh. Sự thật là trang phục của anh gây một chướng ngại nhưng không thể thay đổi được nó.
Tôi vẫn còn nhớ là tôi đã bị sốc khi lần đầu tiên gặp anh trong trang phục đó. Anh không cao hơn 1,8 m. Anh có nụ cười độc đáo, hàm răng hô, hình cánh quạt xếp. Quanh đầu anh quấn một chiếc khăn xếp, trên đó có những dòng cầu kinh tiếng Phạn viết nguệch ngoạc bằng bút chì màu vàng và đỏ. Trên hai vai anh cũng có vắt khăn vuông. Phía dưới là một chiếc áo gilê màu nâu hoàn toàn không che phủ chiếc áo len chui cổ và phần trên của áo lót màu xám vàng. Phía dưới nữa là một chiếc váy vải cotton màu trắng dài tới hai bàn chân. Thật may mắn, bộ đồ không trần trụi, thay vào đó, anh có mang một đôi giày chơi tennis màu xanh. Cộng lại với nhau, bộ trang phục là phiên bản của bộ quần áo khaddar – trang phục dệt bằng sợi gai mặc ở nhà của người Ấn, mặc cho phù hợp với khí hậu phương bắc. Đôi giày vải anh mang vì lý do tôn giáo; bất cứ giày da nào khác sẽ là sự vi phạm, không thể không bị chỉ trích. Tôi không hiểu vì sao đôi giày có màu xanh. Anh cũng có đeo quanh cổ một chuỗi hạt bằng gỗ.
Bạn có lẽ sẽ chắc rằng trang phục ấy cần có nhiều thời gian giải thích về nó, nhưng tôi nghĩ phần nào chúng tôi sẽ vượt qua trở ngại đó. Ngoài ra anh còn có phẩm chất của một thanh niên dễ mến, thông minh và đàng hoàng. Tôi biết rằng, ba má tôi sau khi vượt qua cú sốc lúc đầu tiên chạm mặt với trang phục đó sẽ coi anh như một đứa con trai của mình. Dẫu sao, anh cũng có các qui tắc ăn chay của anh và muốn tuân thủ điều đó, và tôi hứa với ba má tôi và Josey là anh sẽ tự nấu ăn cho anh và ăn ở phòng của anh. Đối với các em trai tôi, tôi biết chúng tôi sẽ vui cười vì anh. Là tu sĩ hay không là tu sĩ thì anh vẫn giúp chúng tôi một tay trong việc đóng thuyền. Tôi chỉ lo bà tôi gặp khó khăn với anh mà thôi. Bà tôi và Brahmachari chắc sẽ bất ngờ lâm vào tình trạng khó xử. Tôi thấy thật quan trọng là cần phải chuẩn bị tâm trạng cho bà.
Vài tháng trước, tôi đã cố gắng giải thích với bà là sẽ có một tu sĩ Ấn Độ giáo đến chơi và ở nhà chúng tôi trong mùa hè. Bạn có bao giờ cố giải thích rõ sự thật về địa lý và lịch sử với một cụ bà mà sổ tay của bà để hiểu thế giới đương đại là năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước Thánh Vịnh cùng với dấu vết của kí ức là về một thị trấn nằm ở đông bắc châu Âu, nơi bà sống thời con gái? Nếu Brahmachari là thành viên của giới giáo sĩ Do Thái, bà sẽ sẵn sàng xem xét. Thế giới của bà đầy ắp các khất sĩ, thường là những khất sĩ già, có râu, đội mũ lông, mặc áo choàng mà nhiều người trong số họ theo như cách nói bóng gió của bà là thuộc giáo phái Hasidim. Tất nhiên bà không xúc phạm Isaacs. Bà cũng sẵn sàng tin rằng Brahmachari, một khi anh đã là bạn của chúng tôi, không thuộc nhóm người rác rưởi của giáo phái đó. Chắc chắn là một tu sĩ sẽ đến. Nhưng tôi sẽ nói anh ấy thuộc cộng đồng nào đây? Ấn Độ? Rất có thể tôi sẽ nói anh ấy đến từ một tỉnh của nước Nga. Hay xa hơn, anh ấy đến từ phía Nam?
- Xa hơn về phía Nam một chút, - tôi thú nhận. – Hay có lẽ xa hơn một chút về phía Đông.
- Không phải đến từ Ai Cập à? – bà thảng thốt hỏi. Ai Cập có một vị trí đặc biệt trong cái nhìn về thế giới của bà tôi. Đó chỉ là vấn đề thời gian, một số năm hay nhiều thế kỉ đã trôi qua, kể từ khi Moses[2] đưa chúng tôi rời đất nước bất hạnh đó? Bà không có thiện cảm với người Ai Cập và cứ mỗi mùa xuân, trong lễ Quá Hải, bà lại bịa ra những câu chuyện về sự độc ác của họ. Tôi thi thoảng có ấn tượng là trong tầng sâu thẳm của não bà, bà tôi gần gũi với thời của sách Thiên di[3] hơn là với hình ảnh một thị trấn Châu Âu nơi bà sống thời con gái.
- Chắc chắn không đến từ Ai Cập chứ? – bà hỏi nhanh.
Bà nói bà sẽ nhờ Isaacs tư vấn. Trong khi đó, chúng tôi chờ để được biết.
Một cách ngẫu nhiên, Brahmachari đã ở trong nhà hai, ba ngày rồi mà bà tôi mới nhận ra là có anh. Họ thấy vui vẻ, ngay cho dù đó là những ngày bận rộn. Như tôi dự đoán, tu sĩ Ấn Độ giáo hòa nhập với mọi thành viên mới với rất ít điều khó chịu. Sự thật là lúc đầu khi anh đi xe từ ga về nhà anh đã bị bao quanh bởi rất nhiều đồ đạc, hành lý, đến nỗi ba má tôi cảm thấy bối rối. Họ đáp lại lời chào của anh với vẻ lo lắng và nhìn chằm chằm chiếc khăn xếp quấn quanh đầu, vào chiếc váy và khuôn mặt da nâu nhưng sáng sủa của anh với sự thảng thốt. Về phần mình, vị tu sĩ dường như thấy điều đó là tự nhiên và cố làm cho ba má tôi thấy thoải mái, dễ chịu.
- Cháu là Mahanan Brata Brahmachari – anh nói với họ khi đang gọi tài xế taxi khuân hành lý xuống hành lang, - một khất sĩ Ấn Độ giáo đến từ tu viện Sri Angan, Faridpur, Đông Bengal. Con trai hai bác đã mời cháu đến chơi với hai bác mùa hè này. À, Seymour, - anh nói khi vừa nhận ra tôi trong đám đông giờ đang tập trung quanh chiếc taxi. - Cậu đây rồi, vui quá. Trả tiền cho bác tài đi. - Hàm răng hình cánh quạt của anh nhô ra khi anh cười với sự độc đáo, rất khác lạ, lúc anh chắp hai tay trước mặt và cúi đầu chào ba má tôi theo cách chào truyền thống của người Ấn Độ giáo. Sau đó, anh bắt tay các em tôi, vỗ vỗ con chó giống chó cảnh sát và đồng cảm kêu tục tục trước sự lịch thiệp nhưng căng thẳng của ba má tôi. Rõ ràng họ đang lo lắng về việc làm sao để giải thích với bạn bè của họ ở câu lạc bộ Men’s Club và The Ladies’ Auxiliary chuyện một người lạ mang khăn xếp đến ở nhà họ.
Ngay khi Brahmachari vừa đặt người lên ghế dài trong phòng học ở phía sau, sau khi bước vào phòng, anh đã tuột đôi giày vải ra, ngồi xếp bằng trên ghế và ở tư thế đó, anh quan sát hai em trai tôi và tôi khi chúng tôi mang hành lý vào, thì ba má tôi cũng đi vào phòng. Ở phía sau, Josey luẩn quẩn hỏi về bữa ăn cho anh. Xem ra phải hoàn toàn là rau. Không trứng, không cá, không thịt. “Trứng cũng không được à?”, má tôi hỏi. “Josey có thể thêm cho anh món xà lách trộn được không?”. Anh đồng ý, nói rằng xà lách trộn có nhiều dinh dưỡng, và hai người phụ nữ quay đi, trong đầu đầy những suy tính. Rõ ràng là anh sẽ phải nấu cho chính anh mà thôi.
Các em tôi tiếp tục sắp xếp lại hành lý của anh. Ngoài ba chiếc vali thiếc, một thùng đầy các sách triết học, còn có một cây cảnh đựng trong một cái chậu, được gói cẩn thận trong giấy báo màu nâu mà anh nói với tôi là mở ra và đặt lên thành cửa sổ. Khi ba tôi, một người làm vườn tài tử, nói ông thích thú với thứ cây bụi nhỏ bé, bí ẩn này – một loài cây trông như cây cao su cảnh, từng là loại ưa thích của các gia đình trung lưu Mỹ, nhưng thứ cây trước mắt chúng tôi đây thì lùn thấp, có quả màu nâu đen – thì Brahmachari lắc lắc ngón tay, giải thích với chúng tôi khi vẫn ngồi ở giữa ghế băng dài rằng đây là loại cây ở vùng Tulasi, một thứ cây thiêng liêng đối với người Ấn Độ giáo, vì một lí do nào đó mà giờ đây tôi đã quên mất. Vị tu viện trưởng đã trao nó cho anh khi anh lần đầu tiên rời Ấn Độ. Anh không bao giờ đi đâu mà không mang theo nó. Nó nhắc anh nhớ tới quê hương.
Có thêm nhiều người muốn vào phòng để chào hỏi vị tu sĩ Ấn Độ giáo, nhưng các em tôi và tôi chỉ cho Isaacs vào vì chúng tôi hy vọng là vị học giả kinh Talmud này sẽ hành động như là nhà trung gian giữa bà nội và vị tu sĩ. Để họ trực tiếp gặp nhau, nhất là trong ngày đầu tiên này, dường như là không khôn ngoan. Các bạn của tôi, trong nhà và ngoài sân, vỗ vỗ vào cửa sổ, đòi được vào ngay tức khắc. Tôi nói với chúng là hãy kiên nhẫn, đợi tới khi vị tu sĩ khỏe trở lại đã. Chuyến đi từ Chicago của anh ấy làm anh ấy mệt mỏi và anh cần được nghỉ ngơi. Sau đó chúng tôi sẽ đi ra biển. Việc hạ thủy chiếc thuyền lướt ván đã lên kế hoạch sẽ diễn ra vào chiều hôm đó và vị tu sĩ cũng sẽ có mặt. Trong khi đó Isaacs ngồi xuống với Brahmachari trên ghế.
Rõ ràng là vị tu sĩ Ấn Độ giáo và nhà học giả Do Thái bí ẩn đã sớm ăn ý với nhau. Thật vậy, họ trở nên hòa hợp rất nhiều, đến nỗi họ không biết ở bên ngoài có sự lộn xộn khi các em tôi và bạn bè của chúng đang chuẩn bị hạ thủy một chiếc thuyền lướt sóng mảnh mai, dài ngoẵng mà chúng đã làm trong nhiều tuần.
Tôi có ấn tượng là Brahmachari đang so sánh thái độ đối với Chúa và sự cứu rỗi linh hồn mà anh học được ở tu viện Ấn Độ giáo với những điều trong giáo phái Do Thái Hasidim. Luật dòng tu của anh kêu gọi sự trung thành, tận tụy với thần Krishna, anh nói với Isaacs. Điều đó có nghĩa là nó phản đối các nghi lễ của đẳng cấp giáo sĩ Ấn Độ giáo và đặt trọng tâm vào âm nhạc, nhảy múa và sự hòa hợp cuồng nhiệt với Thượng Đế. Trong khi đó, giáo phái Hasidim có sự ưa thích hơn đối với Thánh Vịnh của nhà thơ David, hơn là sự hiểu biết và tuân thủ Cựu Ước của Moses, do đó, các thành viên trong giáo phái của anh ít chú ý đến kinh Vệ Đà hơn là chú ý tới bài Bhagavad-Gita, một bài hát cũng do chính thần Krishna viết để ca ngợi chính Ngài. Nói tóm lại, Brahmachari và Isaacs dù có sự khác biệt về văn hóa, trang phục và ngôn ngữ, nhưng vẫn có nhiều cái chung. Nhấn mạnh uy thế của nhà thơ và nhạc sĩ hơn là giáo luật, họ bất chấp cả những thiển cận có từ cổ xưa và cùng nhau đẩy lòng ca ngợi Thượng Đế. Isaacs đồng tình với những điều này rất nhiều. Anh dù vậy vẫn nghĩ rằng nếu Brahmachari có đánh giá, xét đoán về anh điều gì thì hãy nên giữ kín cho mình. Bà nội chắc có biết ý anh. Thực sự, anh là người đã khuyên Brahmachari và bà nội hãy khoan gặp nhau, càng lâu càng tốt, nếu như có thể. Chúa Trời biết phản ứng của bà sẽ như thế nào nếu bà biết chúng tôi đang giúp vui cho một người sùng kính khác trong nhà, đặc biệt là ăn vận kiểu trang phục như thế. Những vấn đề mà vị tu sĩ này quan tâm nằm ngoài phạm vi hiểu biết của bà. Xử sự tốt nhất sẽ được an toàn.
Đi chơi trong vịnh là lời khuyên của Isaacs, nhưng chúng tôi có ít kế hoạch hơn là tình huống để làm theo lời khuyên đó. Dịp trước mắt là những tiếng ồn ào đang rền rĩ ngoài sân. Rõ ràng là thuyền đang chuẩn bị hạ thủy, vì những khuôn mặt đã xuất hiện bên cửa sổ để mở, trong đó có các em trai tôi và chẳng có lý do gì để phản đối chúng. Chúng tôi cần nhập bọn với chúng.
Tiếng hoan hô vang dội khắp sân vài phút sau đó khi Brahmachari với bộ đồ mới có thắt lưng, đội một chiếc khăn xếp nhỏ màu sáng, còn tôi, có qui ước hơn, mặc quần áo ngắn, mang kính mát, cùng nhập vào nhóm đang hạ thủy chiếc thuyền. Có những lời giới thiệu nhanh nhưng các em tôi và bạn bè của chúng quá bận bịu trong phút cuối trước khi hạ thủy chiếc thuyền mảnh mai có hai bên thân bọc bằng vải bạt, để thực hiện các thú chơi tiếp theo. Như là nhượng bộ Brahmachari, do cách ăn vận của anh hay có lẽ là để thử anh, anh được phân công ngồi ở đằng mũi. Những con sóng lớn cuộn trước mắt chúng tôi khi chúng tôi nhấc chiếc thuyền đặt lên vai và đi về phía đại dương. Brahmachari đã ngồi yên ở mũi, da nâu, dáng thấp đậm, mặc áo có thắt lưng màu sáng, mang chuỗi hạt, răng cười tươi sáng lấp lánh, mái chèo trong tay. “Sẵn sàng chưa?”, tôi hỏi, nhìn anh khi anh đang ngồi trên thuyền. Anh hồ hởi gật đầu. “Bắt đầu đi”. Chúng tôi đưa thuyền vào những con sóng biển.
Ở Wreck Lead, ý tưởng lướt sóng là đưa thuyền ra ngoài ba đợt sóng lớn đầu tiên, giữ cho thuyền không bị lật úp rồi chạy đua với thuyền vào bờ. Khi đợt sóng thứ nhất ập tràn lên chúng tôi, vị tu sĩ nhìn không thấy đâu. Một lúc sau mới thấy anh ta đang nhấp nhô, nước tung rẽ trên cái đầu bóng mượt của anh nhưng anh vẫn ngồi trên thuyền. Nước biển bây giờ đã ngập đến vai chúng tôi và chúng tôi bắt đầu bơi dọc theo mạn thuyền. Đợt sóng thứ hai ập vào chúng tôi, một lần nữa vị tu sĩ lại nhấp nhô lên xuống, chiếc thuyền nhẹ lướt bên dưới anh. Giờ anh đã dùng mái chèo và cười toe toét. Lúc chúng tôi vượt qua được sự đột kích của con sóng thứ ba thì rõ ràng anh đã là thuyền trưởng của chiếc thuyền. “Đây”, anh nói, cười tươi, rạng rỡ khi tôi bám vào mép thuyền. Anh đưa cho tôi một mái chèo. “Em tới phía đuôi thuyền”. Một lát sau, với sự chỉ dẫn nhanh nhẹn của Brahmachari từ ghế ở mũi, chúng tôi đưa thuyền vào bờ. Cuộc diễn tập được lặp lại cho tới khi đứa em trai nhỏ nhất của tôi bị mệt lả.
Lúc trở về nhà, trong chúng tôi có một cảm giác rằng vị tu sĩ Ấn Độ giáo là một người xa lạ. Cho tới một buổi chiều kia, anh đã thành công trong việc đưa mình hòa vào nhịp sống thường ngày của gia đình. Mọi điều cho đến lúc đó đều diễn ra tốt đẹp, sự hòa nhập là trôi chảy. Vào thời gian đó, như lệ thường, bà nội đi coi ngó nhà cửa vào lúc sáu giờ, nhìn quanh phòng học và hỏi tôi ở đâu, Brahmachari, chắc chắn là anh được nói trước, nếu không có tôi, sẽ trả lời thay tôi. Nhưng không biết anh có quên không? “Sáu giờ rồi bà ạ”, anh nói với bà nội, “Seymour đang ở trên lầu”. Sau đó tôi được nói lại là bà tôi đã không nhận ra giọng nói là của anh và thế là bà bỏ đi.
Mọi việc có lẽ sẽ mãi ở trong trạng thái tốt đẹp nếu như bà tôi và Brahmachari, vì thực hành chuyện ăn chay của riêng họ, không chuẩn bị những bữa riêng cho họ. Bà nội nấu ăn bằng một cái lò trong tầng hầm, Brahmachari nấu bằng bếp Bunsen trong gara để trống và ăn trong phòng của mình. Họ bắt đầu gặp nhau ở cầu thang, trên tay là mâm và các dĩa đầy. Một hai ngày sau đó, bà nội chiều kia đi tới phòng học của tôi. Brahmachari đi đâu đó với Isaacs và lần đầu tiên, tôi còn lại một mình. Và cũng lần đầu tiên, bà nội tháo kính mát ra, dường như thấy chắc chắn rằng tôi chính là người bà sẽ hỏi. Bà muốn biết ai là bà già da màu tới ở căn phòng kề phòng của bà?
- Một bà già da nâu hả bà nội? – tôi đoán để hiểu tiếng Yiddish và tôi không chắc đã nghe được hết lời bà.
Bà lặp lại câu hỏi: “Ai là bà già da màu có khăn choàng, mặc váy trắng, đeo chuỗi hạt, quấn khăn vuông quanh cổ, đã độc quyền giữ Isaacs mấy ngày qua?”
- Đó không phải là bà già da màu đâu bà nội ơi. Đó là một người đàn ông, một giáo sĩ Ấn Độ giáo mà cháu đã nói với bà. Anh Isaacs cũng chưa giới thiệu anh ấy với bà sao?
- Anh ta...! – bà khụt khịt mũi. – Anh chàng theo giáo phái Hasidim đó có nói. Nhưng bà hỏi cái người da đen kia – bà phản bác. – Cháu nói ông ta là một giáo sĩ Ấn Độ giáo. Người Ấn Độ có thể có da đen ư?
Câu trả lời của tôi có thể làm gợi nhớ đến những bài giảng về việc lang thang của người Do Thái kể từ khi ngôi đền thứ nhất bị đốt cháy và việc tái định cư của họ ở những vùng không thích hợp như Congo và Ngoại Mông, nên tôi quyết định nói ngắn gọn. – Tất nhiên họ có thể là da đen. Họ có thể có bất kỳ màu da nào nếu bà muốn. Vấn đề là – tôi nói không thích hợp cho lắm – Brahmachari có màu da nâu. Nào, bà đừng quan tâm tới điều đó, bà ạ. Tin cháu đi, anh ấy là đàn ông.
Nhưng bà nội tội nghiệp vẫn lo lắng. Tôi không nhận ra điều đó cho đến sau này khi thấy bà phải lo âu quá nhiều. Năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi bà đến đất nước này nhưng thái độ của bà, lúc đầu còn mềm dẻo, đã trở nên cứng nhắc từ lâu. Điểm nhìn mà từ đó bà xử sự với con cái, các cháu, gia đình ở Wreck Lead và bạn bè của các cháu bà tương phản một cách gay gắt với thế giới đương đại đang có những trao đổi văn hóa và quan niệm về sự ưu việt chủng tộc. Nó cũng không còn bắt nguồn, ngoại trừ một cách gián tiếp, từ cộng đồng Do Thái quí phái, kiêu hãnh, chặt chẽ, độc tôn ở thế kỷ mười chín tại Đông Âu. Giữa thế giới Châu Âu nơi bà sống thời thơ ấu và ngôi nhà mà bà chuyển đến sống những ngày cuối đời ở Long Island, bà dựng lên một vách ngăn để từ đó giải thích mọi diễn biến xã hội theo mô hình trong Cựu Ước. Chẳng hạn, trong lối suy nghĩ của bà, ai không phải là người Do Thái đều là một kẻ đột kích tiềm tàng đối với nhóm người cùng vượt sa mạc – bà nội phụ trách một xe lạc đà kéo – đang di chuyển trong một chuyến đi dài từ Ai Cập đến Đất Hứa. Trong quan điểm đầy huyền thoại về thế giới của bà, thời gian luôn là thời gian Kinh Thánh, dù là nửa đêm hay giữa trưa, và không gian là những sa mạc mênh mông mà bà và dân tộc bà đã vượt qua. Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng việc dòm ngó theo định kỳ phòng học của chúng tôi, những câu hỏi của bà là tôi đang ở đâu và những câu hỏi về thời gian chẳng khác gì là những nghi lễ đã ám ảnh bà, một quí bà đã già cả, lẩm cẩm. Những câu trả lời của chúng tôi đối với các câu hỏi của bà – “Cháu đây bà ạ” và “Mười hai giờ rồi bà ạ” là những hình thức đùa cợt độc ác. Sự ám ảnh và sự độc ác rất có thể có quan hệ với nhau nhưng dường như đối với tôi điều bà thực sự muốn biết khi bà hỏi tôi đang ở đâu là muốn có lời hứa hẹn rằng đoàn người băng qua sa mạc đang được an toàn. Mặc dù các cánh cửa để mở và có đám đông những người lạ, nhưng không có kẻ thù, không có những kẻ đối kháng chủng tộc truyền kiếp bước vào.
Giờ đây, hồi tưởng lại, tôi thấy là vài ngày sau cuộc trò chuyện, bà nhìn có vẻ ưu phiền và quẫn trí hơn bao giờ hết. Sự thật là tuần đó, ngôi nhà có đông đúc người vì đã có kế hoạch hạ thủy một chiếc thuyền nữa, và ngoài sân lần nữa lại chật cứng những người đang bận rộn. Thêm vào đó là việc ăn chay của bà. Thêm nữa, trời lại nóng và bà thi thoảng bị mệt. Bệnh của bà là tiểu đường, tôi nghĩ vậy, dù bà giữ bí mật. Bà còn bị nhiễm trùng ở chân. Tôi không biết chuyện này cho đến khi phát hiện ra là bà đã mất nhiều thời gian hơn, đi lâu hơn trong những lần đi coi ngó nhà cửa, phòng học của tôi. Rõ ràng bà đã tự nhận thêm một nhiệm vụ mới sau cuộc trò chuyện với tôi về vị tu sĩ. Bà bắt đầu quan sát anh ấy về đêm. Vì phòng bà sát phòng anh ấy trên tầng hai và bà quan sát anh ấy từ một ban công nằm bên ngoài nên điều này không khó.
Để quan sát vị tu sĩ, bà nhẹ nhàng, rón rén bước dọc theo ban công sau nửa đêm và nhòm qua vách ngăn đã được kéo ra và quan sát dưới ánh trăng vị tu sĩ Ấn Độ giáo ngủ, và anh ấy chẳng có gì đáng nói nếu như kết quả cuối cùng không làm choáng váng linh hồn già nua nhưng đầy can đảm của bà nội. Vào sáng sớm, tôi cho là gần tới bình minh, có một bóng dáng khác lạ trong phòng tôi, tôi giật mình vì có một cú giật mạnh. Tôi lăn qua, mở mắt và thấy bà nội tôi đang đứng cúi khom người xuống giường tôi. Bà đang mặc áo ngủ, chân không và run rẩy vì giận dữ. “Nó hiện hình, nó hiện hình!”, bà gần như gào lên với tôi.
Tôi nghĩ có lẽ bà đã nấu nướng cả đêm, và, trái với lệ thường bà đang nướng bánh. “Cái gì hiện hình vậy bà?”
- Kẻ man rợ! Con quỉ mà cháu đưa vào nhà!
Tôi ngồi dựng lên và nhận thấy có Isaacs đang đứng phía sau bà nội. Trong ánh sáng tranh tối tranh sáng, trông anh buồn ngủ và phờ phạc. Rõ ràng là bà nội đã dựng anh thức dậy trước tôi. Nhờ ân huệ của Chúa, anh đã chọn đêm nay trong bao nhiêu đêm để ngủ ở nhà này và có đủ thời gian để khoác chiếc áo choàng dài bên ngoài chiếc váy ngủ trước khi chạy tới chỗ tôi. Anh cũng chạy chân không và râu ria thì xồm xoàm nhưng anh không quên chiếc mũ lông của mình. “Con quỉ!”, bà nội giờ thét lên. “Bạn của cháu là con quỉ!”. Bà bám chặt lấy tôi vẻ hoang dại. Có những tiếng la khác ở đầu và cuối hành lang tầng trệt khi ba tôi, má tôi, các em trai tôi và Josey, có lẽ họ nghĩ nhà bị trộm, chạy túa ra từ phòng của họ. Con chó Ernst cũng chạy tới phòng tôi, bắt đầu sủa vang. Tôi nhìn Isaacs đang nhún vai. “Trời ơi, quỉ nào?”
Thay vì trả lời tôi, bà nội chụp lấy khuỷu tay tôi và gần như kéo tôi ra khỏi giường. Trong quí bà già cả, nhỏ bé này dường như có sức mạnh của mười ngàn con quỉ. Sau đó bà quay ngoắt đôi chân trần và chạy lên cầu thang. Isaacs và tôi nín lặng chạy theo đám đông, cả nhà cũng chạy theo sau. “Vị tu sĩ Hindu hiện hình”, tôi nói với mọi người, “Có Chúa biết là bà nội muốn nói gì”. Josey và con chó giống chó cảnh sát, giờ im lặng, bảo vệ ở vòng ngoài. “Bà nội muốn nói gì?”, tôi thì thào với Isaacs khi chúng tôi bám theo bà nội, qua phòng ngủ của bà và chạy qua cửa, ra ban công. “Bà bắt gặp anh ấy đang cầu nguyện”, anh nói mơ hồ. “Cầu nguyện?”, tôi hỏi. “Điều đó có gì sai trái?”. Bà nội giờ chạy lên phía trước và với cái nhìn trừng trợn, với thân hình khòm khòm, nhỏ bé trong bộ áo váy ngủ, bà nhìn vách ngăn của phòng Brahmachari. Ba tôi rẽ chúng tôi, đi tới và hổn hển hỏi, “Có trộm à? Chúng ở đâu?”. Ông đang cầm một khẩu súng. Một lát sau chúng tôi bị mọi người trong nhà vượt qua. Tất cả họ đều ở trong trạng thái ăn mặc sơ sài và mỗi người đều có một thứ vũ khí gì đó trong tay, má tôi cầm cuốn sách bỏ túi, các em tôi cầm móc neo thuyền và lưới, Josey cầm dây xích con chó Ernst. “Vậy à?”, tôi hỏi Isaacs khi chúng tôi chạy lên nhập vào mọi người. “Cầu nguyện thì có gì sai trái?”
- Đó là sinh hoạt tôn giáo của anh ấy – Isaacs lẩn bẩm – Đó là buổi cầu nguyện vào bình minh của anh, không nên nhìn ngó anh ấy lúc đó! – Isaacs run run mà tôi không hiểu là do lạnh hay do lo lắng. – Nói to lên! – tôi bực bội nói. - Anh ấy làm gì? - Ở chân trời phía đông Long Island, màu tía, màu đỏ mềm dịu đang lan tỏa, báo hiệu bình minh thực sự, sau đó ở hướng Đông, mặt trời nhanh chóng nhô lên.
Tôi chụp cánh tay Isaacs và lôi anh ra khỏi đám đông đang vây quanh vách ngăn. – Đó là điều làm bà nội em hoảng sợ - anh nói vỗ vả. – Anh ấy cầu nguyện bằng cách tự nâng người mình lên – Isaacs run rẩy vì sợ. – Bà ấy thấy anh ấy cầu nguyện trong tư thế ngồi trong không khí, cách giường 1,2 m.
Mắt tôi và Isaacs nhìn chằm chằm vào vách ngăn, tay đỡ bà nội đang ấp úng điều gì đó, và giờ đây đầu óc chẳng có gì ngoài hình ảnh vị tu sĩ trên giường đang ngồi thẳng giữa khăn trải giường, đầu quấn khăn xếp, mặc áo có thắt lưng, đeo chuỗi hạt thánh. Brahmachari đang mải mê cầu nguyện. Hai chân anh xếp bằng theo tư thế của người luyện yoga, mắt nhắm chặt, suy tư, nhưng trên môi anh có một nụ cười bí ẩn. Ở vòng tròn xung quanh anh trên khăn trải giường, anh đặt chén khất thực, cái chũm chọe, một chiếc trống và hũ nước, trên bàn cạnh giường anh là cái cây giống vùng Tulasi đang gục đầu và rung rinh trong gió sớm mai. Có lẽ tôi đang nghe nhầm những gì Isaacs nói và sau đó không có ai, kể cả Brahmachari, xác nhận điều đó, nhưng tôi cảm thấy mơ hồ rằng, vị tu sĩ Ấn Độ giáo này vào lúc mặt trời mọc, đã nâng mình lên trên không trung. Lúc đó, bà nội lại thét lên và ngã vào tôi và Isaacs. Khi chúng tôi đưa tay đỡ bà, tôi phát hiện ra là bà đã ngất xỉu.
Với lòng cảm thương và đồng cảm sâu sắc, chúng tôi nhấc bà nội lên và ẵm bà lên giường bà ở phòng bên cạnh. Cả nhà có sự thay đổi lớn khi vài giờ sau vị tu sĩ đi xuống cầu thang để chuẩn bị bữa sáng. Bác sĩ cũng đã tới khám cho bà nội, đề nghị tuyệt đối giữ yên tĩnh và nghỉ ngơi, rồi ông ra về, hứa ngày sau sẽ tới. Tình trạng hôn mê sâu của quí bà già cả xảy ra sau sự căng thẳng ở vách ngăn đã chuyển thành mê sảng nhưng nhẹ. Bác sĩ nói bà vẫn còn tỉnh nhưng đầu bà có chút vấn đề. “Chuyện gì đã xảy ra xung quanh bà ấy?” - ông kỳ quặc nhìn chúng tôi hỏi.
- Thưa bác sĩ, ý ông muốn nói gì? – Isaacs hỏi. – Bà ấy không kể gì với ông sao? – Ba má và các em tôi chăm chăm nhìn nhau.
- Vâng – vị bác sĩ ngập ngừng nói. – Có ai là người da nâu quanh đây không? Mang khăn choàng và khăn xếp? – Ông dừng lại, rất có thể sợ mình đang nói những điều ngớ ngẩn. – Bà ấy có suy nghĩ rằng, các anh có mời một ai đó tới đây mà nhà tiên tri Moses giận dữ vì chuyện đó. Bà nói với tôi rằng, khi người Do Thái rời Ai Cập, có một số người da nâu rình rập dọc theo đoàn người có người bệnh và người già yếu, ném đá vào họ. Bà nói rằng nhà tiên tri rất giận dữ và nói với người Do Thái là đừng bao giờ mở miệng với những kẻ ấy nữa. Đây là ý kiến có tính nghề nghiệp của tôi – vị bác sĩ mạnh bạo kết luận, – nếu có người nào có nước da đó ở đây thì hãy tống khứ anh ta đi.
Các em trai tôi tái mặt. “Da nâu ư? - ba tôi nói. - Người duy nhất mà chúng tôi nghĩ tới là một người bạn của các con tôi, một tu sĩ Ấn Độ giáo, và chắc là mẹ tôi không ám chỉ anh ta đâu”. “Ấn Độ, - ông tiếp tục nói chân thật, - tính từ Ai Cập, nó nằm bên kia bờ đại dương, cách xa hàng ngàn dặm, ngoài ra, anh ta là người lịch thiệp, không bao giờ ném đá ai cả.” Mặc dù vậy, mọi người vẫn nghiêm khắc nhìn tôi. Bác sĩ đồng ý rằng bà nội bị suy sụp có thể do bị sốc. Vấn đề làm ông ấy ưu phiền là hai chân bà nội bị sưng phồng một cách khó hiểu. Trước đó, bà đã bị đau mà ông ấy biết có lẽ do tiểu đường, nhưng giờ nó còn kèm theo tê liệt. Tất nhiên là hiện nay. Ông nói đừng chạm vào chân bà và hãy cho bà uống thuốc an thần. Ông sẽ trở lại sau.
- Tại anh và các vị tu sĩ của anh – một cậu em của tôi buồn bã nói.
Trong không khí thù nghịch đó, Brahmachari lặng lẽ đi xuống. Hai tay anh cầm cuốn sách bỏ túi của má tôi cùng với lưới đánh cá, móc neo thuyền mà các em tôi dùng làm vũ khí. “Những thứ này là tài sản của cô chú và anh chị em phải không?”, anh mỉm cười và lịch thiệp hỏi chúng tôi khi chúng tôi đang ngồi quanh bàn ăn sáng. “Tôi thấy chúng ở hành lang ngoài cửa”.
- Chúng tôi không có ý kiến về việc làm sao người ta thấy chúng ở đó – má tôi lạnh lùng nói. Rõ ràng là bà đang nói với cả nhà.
- Xin lỗi – Isaacs nói. Anh nhẹ nhàng nhấc chân lên, đưa cánh tay choàng lấy vị tu sĩ và dẫn anh ta ra khỏi phòng. Sau đó, tôi thấy họ cùng nhau chiên cơm bằng bếp Bunsen trong gara. Hai người đàn ông với trang phục kì lạ - Isaacs mặc áo choàng dài, mũ lông và để râu, Brahmachari đội khăn xếp đỏ, váy mới giặt – đang hồ hởi trò chuyện với nhau.
Sáng hôm sau vị bác sĩ trở lại nhưng không làm dịu nhẹ được sự căng thẳng của bà nội. Chiều hôm đó, ông lại xuất hiện đem theo một y tá vào phòng bà, chỉ dẫn cho cô cách cho bà uống thuốc an thần và matxa chân bà rồi bỏ đi đột ngột. Lời duy nhất ông nói với chúng tôi là lời cảnh báo – hãy tránh đừng vào phòng bà và giữ cho vị tu sĩ Ấn Độ giáo gì đó tránh xa bà ra. Y tá sẽ chăm sóc cho đến khi bệnh nhân khỏe trở lại.
Với sự quan tâm và lo âu, sáng hôm sau tôi chờ bác sĩ đi xuống cầu thang. Sự lo âu của ông ấy hình như còn lớn hơn sự lo âu của tôi. Thực tế là, khi ba tôi đón ông ấy ở chân cầu thang và đề nghị được biết vấn đề là gì, ông ấy hầu như nói không rành mạch. “Tất cả là từ cái đầu mà ra”, ông lẩm bẩm đi lẩm bẩm lại.
- Do cái đầu? – ba tôi hỏi. – Tôi muốn ông nói rõ hơn cho chúng tôi hiểu, thưa bác sĩ.
Vị bác sĩ, có lẽ nghe giọng nói của ba tôi, nhớ đến nghĩa vụ của mình. Ông thôi không cho bà nội dùng thuốc an thần, ông nói với chúng tôi, dù bà tôi còn lâu mới khỏe trở lại. Mặc dù có chườm nóng và matxa nhưng chân của bà vẫn không hết sưng, như thể bà hầu như không muốn chúng như vậy. Bác sĩ thú nhận, ba tôi có thể thấy có những trường hợp như vậy, khi bệnh nhân dường như không muốn khỏe mạnh trở lại. Ông đề nghị chúng tôi gọi một bác sĩ tâm thần. Ông nói ông vui mừng được giới thiệu một bác sĩ giỏi, có chuyên khoa, đó là anh em con cô con cậu với ông. Nếu không có bác sĩ chuyên khoa này, quí bà có thể sẽ còn nằm liệt giường lâu dài.
Trước những lời đề cập đến bác sĩ tâm thần đó, má tôi bật khóc và ba tôi trở nên nghiêm nghị, còn Josey thì khóc to hơn ở cửa nhà bếp “Không, không”, chị la lên. “Đi ra đi!”
- Nào, Josey – tôi nghe một trong các em tôi nói với chị. – Chỉ tại tụi em và Isaacs thôi. – Một lát sau, hai em trai tôi, có Isaacs dẫn đầu, xuất hiện ở chân cầu thang. “Tụi anh đi đâu nãy giờ vậy?”, tôi hỏi họ. “Bác sĩ nói cần gọi một bác sĩ tâm thần.”
- Ở ngoài gara – em trai nhỏ nhất nói. – Đó là nơi Isaacs ngủ đêm qua. - Tôi nhìn họ thận trọng hơn. – Có ai khác ngoài gara không? – Nhưng nếu họ có bí mật gì, họ xác định sẽ giữ kín. – Có thể có – một em trai khác của tôi nói. – Anh lo gì?
Isaacs lấy tay phẩy hàm râu đen dày: “Bác sĩ tâm thần? Cho quí bà đáng kính?”
- Vâng, cho bà nội – má tôi khóc. – Người ta nghĩ vấn đề là ở trong đầu. – Ba tôi cũng chảy nước mắt, cố an ủi má tôi.
- Trong đầu bà cụ à? – Tôi thấy cái chỗ trên hàm râu của học giả hé lộ một nụ cười – Tôi tin vào điều đó. Tôi luôn nghĩ trí nhớ bà không tốt. Nhưng trước khi gọi bác sĩ tâm thần, và với sự cho phép của vị bác sĩ đang đứng đây, - anh vừa nói vừa nghiêm trang cúi chào vị bác sĩ đang tỏ ra bất bình, - tôi tự hỏi nếu như tôi có thể gọi tới một bạn đồng nghiệp?
Ba tôi giật mình. “Bạn đồng nghiệp? Anh có bạn đồng nghiệp? Một người thuộc giáo phái Hasidim, có vậy không?”
- Chú có thể gọi anh ấy như vậy – nhà thông thái thạo kinh Talmud điềm tĩnh nói. - Một nhà thần học quen biết của cháu. - Em trai tôi đi ra, nháy mắt với tôi, Issacs bước theo sau ra đến cửa nhà bếp, mở cửa và một lát sau mình anh quay lại. - Tôi muốn giới thiệu Tiến sĩ Mahanan B. Brahmachari, đồng nghiệp của tôi đến từ Đại học Calcuta. - Lần này em tôi xuất hiện trước, vẻ rất nghiêm trang, tay cầm chiếc trống, chén khất thực bằng đồng đỏ, cái chũm chọe bằng đồng thau, hũ nước của anh ấy, và anh ấy xuất hiện ở chân cầu thang ngoài sảnh. Anh ăn vận trang trọng.
Đầu anh đội khăn xếp khi hành lễ, làm bằng vải sa bóng láng. Người anh phủ áo choàng của đàn ông thời La Mã cổ, làm bằng chất liệu tương tự, và trên trán và trên hai gò má, anh vẽ bằng bột hồ màu vàng những kí hiệu của luật dòng tu của tôn giáo anh. Rõ ràng là anh đến để thực hiện nhiệm vụ. “Xin chào”, anh nói và cười thân mật với chúng tôi. “Tôi đến để thăm bà nội”.
- Tu sĩ Ấn Độ giáo! – vị bác sĩ thét lên. – Không phải tu sĩ Ấn Độ giáo đó chứ? Đi ra! Đi ra! – Má tôi cũng một mực khăng khăng từ chối không kém. Những ký hiệu trên trán và gò má của Brahmachari là sự vi phạm trực tiếp mệnh lệnh của nhà tiên tri Moses khi ông cấm không được xăm vẽ lên thịt da. Và đó là bằng cứ cuối cùng. “Quỷ sứ!”, má tôi thét lên. “Đây là con quỷ làm má tôi đã sợ hãi hét lên!”. Nhưng ba tôi thì thận trọng hơn. “Ý anh là gì?”, ông hỏi Isaacs. “Anh nói quí bà già cả có trí nhớ không tốt. Về điều gì?”
Isaacs ra vẻ đắc thắng. “Về việc tìm ra phần của bà ấy trong Kinh Thánh. Cháu thấy tổn thương khi nói điều này”, vị thầy giáo tiếng Hebrew nói với ba má tôi. “Cô chú đã phí tiền khi cho bà ấy học tiếng Hebrew. Đó là một học viên tồi. Người tồi nhất mà cháu từng biết”.
Rõ ràng là Isaacs có lý do. Đối với người Do Thái hay những cộng đồng khác có sử dụng Tân Ước hoặc Cựu Ước như là văn bản chính để thực hiện các nghi thức tế lễ hàng năm thì Kinh Thánh được chia ra nhiều phần để đọc hàng tuần. Có chuyện kể vui trong gia đình tôi là mỗi khi bà nội lẫn lộn không biết đọc phần nào cho một tuần nào đó, thì hầu như bằng bản năng, bà sẽ có thói quen đọc phần miêu tả cảnh người Do Thái rời Ai Cập. Thói quen này có tiếng xấu, đến nỗi Isaacs thi thoảng tự nói với mình rằng anh thấy nuối tiếc khi làm người hướng dẫn cho bà nội để đi tới Đất Hứa. Anh hy vọng rằng ngày nào đó anh sẽ đưa bà đến đó, không phải bằng những phương tiện cá nhân mà bằng Kinh Thánh. Cuối cùng, đây là cơ hội của anh. “Để minh họa”, anh tiếp tục, bắt đầu lắc lư tới lui theo cách thức phổ biến của một người thông thạo kinh Talmud khi anh muốn giải thích điều gì đó. “Bà ấy nói với chúng ta rằng bạn Brahmachari của chúng ta là thành viên của bộ tộc từng ném đá chúng ta trên đường chúng ta rời Ai Cập. Đây là một trường hợp rõ ràng đã có nhầm lẫn về nhân thân anh ấy hoặc là thiếu chú tâm đến Kinh Thánh”, anh nói thêm bằng một giọng giờ đây như giọng truyền thống khi hát thánh ca. “Bạn Brahmachari của chúng ta hoàn toàn đến từ một nơi khác. Hãy xem xét cái chũm chọe và cái trống của anh ấy. Đó có phải là những dụng cụ của một người đã tấn công đoàn người rời Ai Cập không? Chắc chắn là không”, anh tự trả lời. “Vậy anh đến từ đâu?”. Anh nhìn chúng tôi trông ngóng.
- Từ St. John? – Josey nói.
- Không có chứng cứ - Isaacs nói với chị. – Thử nói một nơi nào khác đi.
- Hãy nghe đây, - vị bác sĩ phản đối. – Tôi không cho phép chuyện này đi xa hơn nữa. Bệnh nhân là của ai?
Nhưng chúng tôi phớt lờ ông. Rõ ràng là Isaacs, bằng việc nói lại một câu chuyện thú vị hơn trong Kinh Thánh, hướng vấn đề tập trung vào Brahmachari.
- Tôi có một Hoàng đế Solomon trong suy nghĩ, - Isaacs nói. – Solomon, con trai David, là vị vua thích nhảy múa. Trong những bài giảng mà tôi sẽ hướng dẫn cho bà nội các bạn sau này, tôi sẽ cố gợi lại cho bà nhớ rằng Vua Solomon khi mở rộng lãnh thổ của mình đã lấy nhiều vợ ở khắp phương Đông. Chúng ta sẽ có giả thuyết là Brahmachari là giọt máu của ông với một trong các bà vợ người Ấn Độ của mình.
Đầu óc tôi quay cuồng trước sự giải thích vô lý đối với lịch sử. “Trời ơi, Brahmachari”, tôi nói hy vọng là sẽ có thể chống lại được vị tu sĩ với tư cách là một người đã tốt nghiệp đại học, “chắc chắn là anh không tin vào điều đó chớ?”
- Có gì khác trong những gì anh ấy tin? – một trong số các em trai tôi mạnh bạo nói. – Anh muốn bà nội khỏe lại, đúng không? Tin tụi em đi, tụi em đã hình dung ra điều đó. Nếu có cú sốc làm bà nội liệt giường thì sẽ có một cú sốc lớn hơn đưa bà ra khỏi giường. Miễn là bà nội chịu tiếp nhận điều đó. – Cậu ấy nghiêm trang nói thêm. – Nếu không, chúng ta sẽ phải tổ chức tang lễ cho bà đó!
- Tất nhiên, - Isaacs mải mê tiếp tục nói, - luôn có chuyện đối với Nữ hoàng Sheba. Có lẽ Brahmachari là con trai của Vua Solomon có với Nữ hoàng Etiôpia Sheba. Nhưng không, - anh nói giọng cẩn trọng, - điều này làm cho anh ấy gần hơn với Ai Cập. Hành động hay nhất sẽ được an toàn.
Tôi lảo đảo với sự gian xảo của lập luận này. “Brahmachari”, tôi lại khẩn khoản với vị tu sĩ Ấn Độ giáo, “anh không thể đồng ý với điều này phải không?”
Vị tu sĩ nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tôi nghĩ tôi có thể tin, tất nhiên là bằng một cảm xúc đầy chất thơ. Có thể là Isaacs khi cố gắng đề cao nguồn gốc của tôi, đang chơi trò tiểu xảo với sự hiểu biết của anh ấy. Nhưng trong chừng mực Solomon là con đực giống có được từ Vua David, tác giả của Thánh Kinh, thì tôi chấp nhận cương vị là cha tôi của vua Solomon.”
- Anh chấp nhận cương vị làm cha của ông ấy? Ông ấy đã làm kết thúc được cuộc tranh luận!
- Đó là một chỉ dẫn hay, - vị tu sĩ nói điềm đạm. – Có lẽ, cậu sẽ không hiểu được sự giống nhau hết sức giữa David, vị vua thích nhảy múa của người Hebrew và Krishna, vị thần cuồng nhiệt của người Ấn Độ giáo mà tôi là một tín đồ. Với cả hai tôn giáo này, phương pháp thờ cúng chủ yếu không phải là học thuyết hay nghi lễ mà là sự cuồng nhiệt và ca hát. Cậu vừa được yêu cầu xem xét các dụng cụ của tôi. Hãy nhìn chúng lần nữa. – Anh tiến tới và vỗ nhẹ vào chiếc trống trong tay của một trong các em tôi. – Chũm chọe và trống! Chúng có phải là công cụ của vua David không nhỉ? Cậu có bao giờ đọc Thánh Vịnh chưa? Chúng ta đang có bài toán trong việc chữa trị cho bà nội anh, - anh tiếp tục, - hơn là trao cho tôi địa vị trong cái nhìn về thế giới có phần viển vông của bà cụ. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là phải thuyết phục bà rằng, dù bà phải nghe thấy bất kỳ những điều trái ngược nào thì bà cũng sẽ không phải phá bỏ các điều răn khi chấp nhận một kẻ mặc khải thần linh trong nhà mình, hoặc như Isaacs sẽ nói, chấp nhận một người sùng đạo hay kẻ mến mộ Thánh Vịnh. Chúng ta thấy là một khi bà cụ thừa nhận rằng sự cứu rỗi linh hồn của tôn giáo tuy có thể được hướng dẫn qua các luật lệ và các giáo huấn, thì các nguồn gốc không phải có trong các học thuyết thần học mà là trong các chuyển động tự nhiên của tứ chi, trong chính mỗi người và ít được thúc đẩy bằng các lập luận trừu tượng hơn là bằng cảm xúc, bằng sự chuyển đổi của con tim; một khi hiểu như vậy, bà sẽ thôi không chống lại chính bà. Bà sẽ không cho rằng các cử động của bà là do yêu tinh, ma quỉ gây ra. Bà sẽ đứng dậy và bước đi. Thậm chí còn hơn thế, - anh tinh quái nói thêm, - bà sẽ đứng lên và nhảy múa. Điều đó sẽ chữa lành bệnh cho bà. – Anh gật đầu với ba má tôi, ra hiệu cho các em trai tôi đi trước và cùng với Isaacs anh đi lên cầu thang.
- Tôi cấm điều đó - vị bác sĩ thét lên. Ông cố ngăn nhóm người. – Y tá, y tá, khóa cửa lại! – Nhưng đã quá trễ, nhóm người đã gạt ông ra và mất hút trên cầu thang.
Tai chúng tôi dựng đứng lên, chúng tôi đợi nghe âm thanh đầu tiên từ bên trên. Nó đến ngay tức khắc. Lúc đầu là tiếng thở dốc, ngắn, sau đó là âm thanh của sự ẩu đả mà tôi đoán là do chị y tá phản đối gây ra và sau đó, chị bị gạt ra khi nhóm người đi vào phòng bà nội. Bà nội thét lên, không dịu như tiếng thét khi bà nhìn thấy Brahmachari đang cầu nguyện, mà rõ hơn, the thé hơn. Tiếng thét rất dữ dội, âm thanh vọng xuống cầu thang rất rõ.
Ba tôi lắc đầu: “Do hình vẽ mà ra”, ông bùi ngùi gục đầu. “Tôi biết bà cụ không chấp nhận hình xăm vẽ, nó chống lại Luật Moses, ông biết đó”, ông nói với vị bác sĩ nhưng ông này không có câu nói đáp lại.
Sau đó âm thanh dội xuống từ tầng trên, cường độ có thể so sánh với tiếng kêu rên của một em bé trong cơn bão lốc. Mặc dù vậy, những âm thanh đó thể hiện sự kín đáo, sự đè nén của tâm trạng bực tức. Trong khi giọng bà nghe chói tai, như có cây đinh ba nằm trong giọng nói của bà, thì một âm thanh mới phát ra từ giường ngủ của bà lại nghe như lời cầu khẩn, có âm sắc cao, rất nghiêm trọng, êm ái, dường như không bắt nguồn từ não bộ mà từ con tim. Nó tiếp tục một thời gian sau đó, một lát sau tôi thấy đầu tiên nó cất lên với âm trầm thấp, lằng lặng như hai miếng kim loại mềm va nhau, sau đó mạnh mẽ hơn, to hơn, lừng lững hơn nhưng chưa ai trong chúng tôi ở dưới lầu thực sự có ấn tượng gì, vì nó xuất hiện trong tiếng khóc dữ dội của bà nội. Dần dần nó đánh động chúng tôi và vang to dần lên. Nó mang âm sắc không phải như cơn gió gây nên mà như thể muốn nói điều gì trước bình minh trong một buổi sáng đẹp trời. Nó mang âm thanh của sóng biển, tiếng vang của tù và khi tái hiện lại thông điệp bên trong của đại dương. Tất nhiên đó là âm thanh do Brahmachari đang nhảy múa như vị vua Đông phương David phát ra, ngay trước mắt bà nội, với nhịp gõ chũm chọe.
Sau đó là sự im lặng hoàn toàn, tuyệt đối. Âm thanh đó im bặt.
- Jesus, Maria, Giuse, - chị nấu bếp thốt lên và làm dấu thánh giá.
Tôi nhìn quanh và thấy ba má tôi co cụm lại trong góc nhà như những đứa trẻ đang sợ hãi. Họ gật đầu với tôi và không nói lời nào, tôi gạt vị bác sĩ ra và đi lên lầu. Cánh cửa dẫn vào buồng ngủ của bà nội tôi đã bị đóng lại, chị y tá đang đứng đó, mặt trắng bệch như y phục của chị. Một lát sau chúng tôi quây quanh chị, và ba tôi cố mở cửa. Cửa đóng chặt quá. Từ trong phòng dội ra những âm thanh mới nhưng lần này, dù khó hình dung, vẫn nghe được là tiếng người. Âm thanh như đến từ một thế giới khác khi tôi nghe Isaacs hát thánh ca bằng tiếng Hebrew. “Hát cho nhạc trưởng”, anh hát. “Một bài Thánh Vịnh của David. Hát cho Chúa một bài ca mới. Đó là lời ngợi ca Ngài của cộng đoàn ngoan đạo”. Tôi cũng nghe có tiếng trống vỗ.
Không nói lời nào và có ba má tôi đi đầu, chúng tôi quay người và tìm đường qua căn phòng nằm sát bên của Brahmachari rồi đi ra ban công. Ở đó, tôi đặt hai cánh tay lên vai ba má tôi và mặt chúng tôi hướng về phía vách ngăn, và lần đầu tiên kể từ khi bà nội bị bệnh, chúng tôi nhìn thấy bà. Nhìn bà bây giờ chẳng có gì là đau bệnh. Bà vẫn mặc chiếc áo váy ngủ màu trắng nhưng tóc và khuôn mặt thì được trang điểm – bà đã chuẩn bị để đón những vị khách không mời ấy, thậm chí bà còn bôi một ít phấn hồng lên hai má. Bà ngồi tựa vào chiếc gối dựng ở đầu giường. Bà nhìn trẻ lại nhiều năm và trên mặt bà có vẻ bối rối, nhưng hài lòng. Ở cuối giường, đối diện với bà, Brahmachari đang ngồi xếp bằng. Anh đã cởi áo khoác có thắt lưng ra, tháo khăn xếp và lấy chuỗi hạt xuống rồi dùng những ngón tay dài màu da nâu vỗ vào chiếc trống có hai mặt. Ngồi thẳng ngay trước mặt bà nội và với một nụ cười nhẹ thoáng trên môi, anh vặn vẹo người trong khi vỗ trống. “Hari Krishna”, vị tu sĩ ậm ừ. “Ngợi khen thần Krishna”.
Bà nội nhìn anh cười bối rối, hai má bà ửng đỏ và giờ đây tôi thấy, Brahmachari cũng vẽ những ký hiệu tôn giáo của anh lên ngực anh. Bà nhìn chăm chăm vào các hình vẽ các ký hiệu. Bà ngập ngừng đưa một tay lên khuôn mặt được trang điểm nhẹ của bà. Khi Brahmachari tiếp tục vỗ trống và lắc lư trước bà, tôi cũng thấy chén khất thực lớn bằng đồng đỏ được đặt trên khăn trải giường, ở giữa anh và bà nội. Trong chén là một cặp chũm chọe giờ không được dùng tới. Mỗi cái không to hơn lòng bàn tay và được cột lại với nhau bằng dây da ở giữa thân của chúng. Chúng dường như là những dụng cụ giấu mặt kín đáo đã làm ra những âm thanh đã từng khiến bà nội thấy chát chúa trước đây. Và trên chiếc bàn nằm cạnh Brahmachari, cái cây cảnh giống vùng Tulasi đang gục đầu, kêu xào xạc trong gió giữa trưa.
- Bài Thánh Vịnh của David, - Isaacs hát. Thầy giáo tiếng Hebrew này chọn cho mình một vị trí ở góc phòng, cuốn sách kinh cầm trên tay, hát và gập ngã người tới lui. – Hallelujah, - anh lặp đi lặp lại. – Hát cho Chúa bài ca mới, lời hát tụng ca Ngài của cộng đoàn ngoan đạo.
- Mấy giờ rồi thưa bà nội? – vị tu sĩ hỏi. Anh dừng vỗ trống trong chốc lát. – Cháu là ai đây?
Môi bà mấp máy. “Vua David?”, bà hỏi ngay, bằng một giọng bẽn lẽn mà tôi và ba má tôi nhờ đang áp mặt vào vách ngăn nên có thể nghe rất rõ.
- Hellelujah, - Isaacs hát. – Ngợi ca Chúa bằng âm thanh của tiếng chũm chọe trong suốt. Ngợi ca Chúa bằng tiếng chũm chọe ngân vang.
- Đây là tiến sĩ Brahmachari, bà nội ạ, - em trai tôi nói với bà. – Đây là người Ấn Độ giáo sùng đạo mà Isaacs đã giới thiệu với bà. Đứng lên đi bà, - nó giục bà. – Hãy chào người sùng đạo đi bà.
Mọi người đưa tay xốc nách bà rồi nhấc bà đi ra cửa. Khi đứng ở đó giữa mọi người, bà cười e thẹn, chân vẫn còn yếu, vị tu sĩ bước xuống giường và tiến tới chào bà. “Cháu là Mahanan Brata Brahmachari”, anh nói, gấp cuốn Thánh Vịnh lại trước mặt mình và cúi chào, “một tu sĩ Ấn Độ giáo đến từ tu viện Sri Angan, Faridpur, Đông Bengal. Cháu được các cháu của bà mời đến chơi mùa hè này.”
Một thoáng yên lặng. Tiếng chuông của ngôi nhà thờ ở góc đường ngân lên giữa ban ngày. Sau đó bà nội quay sang bên cạnh. “Chào tiến sĩ Brahamchari”, bà nói bằng tiếng Anh, “Hoan nghênh cháu tới nhà chúng tôi”.
- Hellelujah, - Isaacs lại bắt đầu nhưng lần này có bà nội vỗ nhịp cho anh. “Hellelujah!”, bà nói to, đẩy cánh tay của các em trai tôi ra. “Hãy dành mọi hơi thở để ca ngợi Chúa”. Ba má tôi đầy ấn tượng khi thấy bà đi chệnh choạng về phía vị tu sĩ Ấn Độ giáo mà trong cảm giác của mình tôi thấy bà như nhảy chân sáo. Khi các em trai tôi chạy tới để đỡ bà, bà quay lại, nét mặt bừng sáng. “Mười hai giờ rồi, các cháu”, bà nói với chúng. “...Ở đâu?” Nhưng trước khi bà kết thúc câu hỏi của mình, tôi lao qua cửa vách ngăn, ôm chầm bà trong vòng tay.
(Nguồn: 50 Great American Short Stories, Bantam Books, 1965)
Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ tiếng Anh
(Tạp chí Văn học nước ngoài số 3/2012)
[1] Yiddish: Một thứ ngôn ngữ của người Do Thái (các chú thích là của N.D).
[2] Moses: Theo Cựu Ước là nhà tiên tri đã đưa dân Do Thái rời Ai Cập đến đất hứa.
[3] Thiên di: Sách thứ hai trong Kinh Cựu Ước.
Tôi chỉ lo là bà nội tôi, một người Do Thái, sẽ gặp rắc rối với Brahmachari, một tu sĩ Ấn Độ giáo mà tôi gặp ở Đại học Chicago, khi anh đến ở nhà tôi tại Wreck Lead vào mùa hè. Nhà ba má tôi nằm ở một làng ven biển, trong khu vực có nhiều sắc dân khác nhau, ồn ào và nhộn nhịp. Ở giữa đầm lầy và đại dương, Wreck Lead là một dải đảo hẹp phía trước trông ra biển Đại Tây Dương và sau lưng là những đầm lầy và lạch sông nhỏ hơn, làm cho nó tách biệt với Long Island và trở thành một nơi an toàn cho các bạn tôi ở trường đại học. Trong gara, một trong những đứa em trai tôi luôn đóng ghép thuyền buồm. Trong sân và quanh các đụn cát gần nhà, em trai nhỏ nhất của tôi, thi thoảng với sự giúp đỡ của Ersnt, chú chó giống chó cảnh sát, liên tục tiến hành những cuộc chiến sống còn cùng với hơn nửa trăm những chú nhóc hàng xóm. Các kế hoạch luôn có trong tay, hoặc là làm một chuyến đi khám phá hòn đảo nằm bên cạnh hoặc là hạ thủy chiếc thuyền lướt ván mới trên biển. Với cảnh quan trong sáng của biển Đại Tây Dương cùng với mặt trời ấm áp, khí hậu biển, bãi biển cát trắng, những đầm nước mặn và các vịnh kín, thị trấn trở thành nơi hấp dẫn để thăm viếng và nhà tôi luôn đông khách. Chị nấu ăn người Séc không bao giờ đoán chắc được là ai sẽ đến ăn bữa sáng. Ngoài ba má tôi, hàng ngày phải đi làm ở tận New York, thì bà nội bảy mươi tuổi của chúng tôi cũng là người coi sóc cái gia đình không ổn định này.
Bà tôi có số phận không dễ dàng. Bà là một người phụ nữ già, mộ đạo, chủ yếu nói tiếng Yiddish[1] và dành hầu hết thời gian để cầu nguyện. Ngoài việc tôn sùng qui tắc ăn kiêng của người Do Thái và ngoài những món do Josey nấu, thì bà còn tự chuẩn bị các bữa ăn của mình dưới tầng hầm và ăn trong phòng của mình. Ngoài thời gian đó ra thì bà đều đặn coi ngó nhà cửa. Hai em trai tôi và tôi thường làm giúp vui cho khách khứa của chúng tôi, gồm cả người New York và người địa phương trong phòng học nhỏ, đầy sách và cũng là kho chứa hầu hết lưới đánh cá, mái chèo và dụng cụ cắm trại qua đêm trong vùng. Phòng này nằm ở một rìa nhà. Một cửa sổ cực lớn làm cho phòng có lối vào riêng biệt. Thi thoảng sau bữa ăn, các em trai tôi, khách khứa và tôi sẽ lui về phòng này, và có tới chín, có khi là mười hai người trong nhóm bạn ở Wreck Lead chúng tôi, sau khi xong bữa ăn tối sớm hơn lệ thường, sẽ đi vào phòng qua cửa sổ và trông mong, hồ hởi bàn những kế hoạch mới, hoặc là một chuyến đi bắt cua hoặc là một chuyến đi bằng thuyền chèo đến một địa điểm để cắm trại qua đêm.
Bà nội dòm ngó, kiểm tra nhà cửa định kỳ, thường xuyên. Bà đều đặn thò mái đầu tóc bạc, khá già nua của mình qua cửa phòng học, lọ mọ dòm bằng cặp kính, thường là kính mát, vào chiếc ghế gần nhất. “Seymour ở đâu rồi?” sẽ là câu hỏi của bà. “Cháu đây bà ạ”, sẽ là câu trả lời cho dù bất kỳ người ngồi trên ghế là ai. Bà sẽ nhìn sát hơn. Sau cặp kính, mắt bà mờ đục, hoài nghi, nhưng không biết bà mang kính đen để phòng bị trước ánh sáng chói gắt hay để đối diện với sự thật hoặc có thể để chống chế sự chói sáng của sự thật thì thật khó nói. “Mấy giờ rồi cháu?” Ba nội sẽ hỏi. “Mười hai giờ rồi bà”. Và câu trả lời không đổi. “Tốt”, quí bà nhỏ bé già nua sẽ nói. Bằng lòng khi biết đứa cháu lớn nhất đang ở đó và thấy cuộc đời vẫn đang ở điểm cao nhất, bà sẽ trở lại với việc nấu ăn hoặc với kinh cầu nguyện.
Ngoại trừ Isaacs, giáo viên tiếng Hebrew ở địa phương, người thông thạo kinh Talmud, gần đây di cư từ Đông Nam châu Âu tới và cung cấp cho bà mối dây liên lạc đặc biệt với quá khứ, thì bà có ít bè bạn. Isaacs thường dừng lại nhà tôi để tư vấn cho bà những điều về tôn giáo, chỉ cho bà chỗ kinh của bà trong các sách kinh cầu nguyện và phân tích cho bà thấy những điểm hay hơn trong việc tuân thủ các qui tắc ăn chay. Bà nhận lấy những sự giúp đỡ đó với lòng biết ơn của một quí bà theo công giáo La Mã, thường lên án việc phải sống ở khu kiều dân xa xôi, man dã và nhận lấy những chỉ dẫn từ một người thông thái có cách sống theo những lề lối hay truyền thống của Hy Lạp. Bà nội hàm ơn nhưng ngờ vực Isaacs. Trong những cuộc trò chuyện với tôi, thi thoảng bà cho là nhà thông thái đến từ Đông Nam châu Âu đó có mối liên hệ bí ẩn nào đó với nhóm Hasidim, một giáo phái Do Thái kì bí xuất phát ở Ukraina từ thế kỉ mười tám. Bà nội phản đối giáo phái Hasidim. Song Isaacs là niềm khuây khỏa đối với bà. Bí ẩn hay không bí ẩn thì ít ra anh ấy cũng có hiểu biết về kinh Talmud. Và đó là điều còn hơn cả những gì mà người ta có thể nói về vị giáo sĩ của thánh đường Do Thái địa phương. Tất cả những gì anh ấy cần là một nơi gặp gỡ mới cho thanh niên Hy Lạp. Bà cũng được khích lệ thêm bằng sự thật là Isaacs, khi đến nhà tôi đã thường xuyên vào phòng ở phía sau của chúng tôi, và tìm cách la mắng các em trai tôi, la tôi và những đứa bạn bè thuộc cộng đồng Do Thái của tôi về chuyện thiếu tôn trọng các giá trị truyền thống của tổ tiên để lại. Anh ấy chỉ nói vậy chớ không quở trách gì thêm.
Trong nhà tôi, đối với bà nội là người có địa vị đứng đầu, vị tu sĩ Ấn Độ giáo sẽ dễ dàng được cuốn hút. Có thể là ba năm trước đây, khi là một vị tu sĩ, thành viên của một giáo đoàn từ Đông Bengal đến Mỹ để dự Hội nghị quốc tế về các tôn giáo tổ chức trong dịp Hội chợ thế giới Chicago 1933, lần đầu tiên đến đất nước này thì anh thấy nó ít phù hợp với mình. Tuy nhiên giờ đây, sau một thời gian làm việc, sống ở Đại học Chicago, anh có được sự tinh tế nhiều hơn. Khi tôi gặp anh ở đó trước lễ Phục Sinh, anh dường như là một người mà tôi thấy có thể làm sôi động mùa hè ở nhà tôi. Tôi lập tức mời anh. Sự thật là trang phục của anh gây một chướng ngại nhưng không thể thay đổi được nó.
Tôi vẫn còn nhớ là tôi đã bị sốc khi lần đầu tiên gặp anh trong trang phục đó. Anh không cao hơn 1,8 m. Anh có nụ cười độc đáo, hàm răng hô, hình cánh quạt xếp. Quanh đầu anh quấn một chiếc khăn xếp, trên đó có những dòng cầu kinh tiếng Phạn viết nguệch ngoạc bằng bút chì màu vàng và đỏ. Trên hai vai anh cũng có vắt khăn vuông. Phía dưới là một chiếc áo gilê màu nâu hoàn toàn không che phủ chiếc áo len chui cổ và phần trên của áo lót màu xám vàng. Phía dưới nữa là một chiếc váy vải cotton màu trắng dài tới hai bàn chân. Thật may mắn, bộ đồ không trần trụi, thay vào đó, anh có mang một đôi giày chơi tennis màu xanh. Cộng lại với nhau, bộ trang phục là phiên bản của bộ quần áo khaddar – trang phục dệt bằng sợi gai mặc ở nhà của người Ấn, mặc cho phù hợp với khí hậu phương bắc. Đôi giày vải anh mang vì lý do tôn giáo; bất cứ giày da nào khác sẽ là sự vi phạm, không thể không bị chỉ trích. Tôi không hiểu vì sao đôi giày có màu xanh. Anh cũng có đeo quanh cổ một chuỗi hạt bằng gỗ.
Bạn có lẽ sẽ chắc rằng trang phục ấy cần có nhiều thời gian giải thích về nó, nhưng tôi nghĩ phần nào chúng tôi sẽ vượt qua trở ngại đó. Ngoài ra anh còn có phẩm chất của một thanh niên dễ mến, thông minh và đàng hoàng. Tôi biết rằng, ba má tôi sau khi vượt qua cú sốc lúc đầu tiên chạm mặt với trang phục đó sẽ coi anh như một đứa con trai của mình. Dẫu sao, anh cũng có các qui tắc ăn chay của anh và muốn tuân thủ điều đó, và tôi hứa với ba má tôi và Josey là anh sẽ tự nấu ăn cho anh và ăn ở phòng của anh. Đối với các em trai tôi, tôi biết chúng tôi sẽ vui cười vì anh. Là tu sĩ hay không là tu sĩ thì anh vẫn giúp chúng tôi một tay trong việc đóng thuyền. Tôi chỉ lo bà tôi gặp khó khăn với anh mà thôi. Bà tôi và Brahmachari chắc sẽ bất ngờ lâm vào tình trạng khó xử. Tôi thấy thật quan trọng là cần phải chuẩn bị tâm trạng cho bà.
Vài tháng trước, tôi đã cố gắng giải thích với bà là sẽ có một tu sĩ Ấn Độ giáo đến chơi và ở nhà chúng tôi trong mùa hè. Bạn có bao giờ cố giải thích rõ sự thật về địa lý và lịch sử với một cụ bà mà sổ tay của bà để hiểu thế giới đương đại là năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước Thánh Vịnh cùng với dấu vết của kí ức là về một thị trấn nằm ở đông bắc châu Âu, nơi bà sống thời con gái? Nếu Brahmachari là thành viên của giới giáo sĩ Do Thái, bà sẽ sẵn sàng xem xét. Thế giới của bà đầy ắp các khất sĩ, thường là những khất sĩ già, có râu, đội mũ lông, mặc áo choàng mà nhiều người trong số họ theo như cách nói bóng gió của bà là thuộc giáo phái Hasidim. Tất nhiên bà không xúc phạm Isaacs. Bà cũng sẵn sàng tin rằng Brahmachari, một khi anh đã là bạn của chúng tôi, không thuộc nhóm người rác rưởi của giáo phái đó. Chắc chắn là một tu sĩ sẽ đến. Nhưng tôi sẽ nói anh ấy thuộc cộng đồng nào đây? Ấn Độ? Rất có thể tôi sẽ nói anh ấy đến từ một tỉnh của nước Nga. Hay xa hơn, anh ấy đến từ phía Nam?
- Xa hơn về phía Nam một chút, - tôi thú nhận. – Hay có lẽ xa hơn một chút về phía Đông.
- Không phải đến từ Ai Cập à? – bà thảng thốt hỏi. Ai Cập có một vị trí đặc biệt trong cái nhìn về thế giới của bà tôi. Đó chỉ là vấn đề thời gian, một số năm hay nhiều thế kỉ đã trôi qua, kể từ khi Moses[2] đưa chúng tôi rời đất nước bất hạnh đó? Bà không có thiện cảm với người Ai Cập và cứ mỗi mùa xuân, trong lễ Quá Hải, bà lại bịa ra những câu chuyện về sự độc ác của họ. Tôi thi thoảng có ấn tượng là trong tầng sâu thẳm của não bà, bà tôi gần gũi với thời của sách Thiên di[3] hơn là với hình ảnh một thị trấn Châu Âu nơi bà sống thời con gái.
- Chắc chắn không đến từ Ai Cập chứ? – bà hỏi nhanh.
Bà nói bà sẽ nhờ Isaacs tư vấn. Trong khi đó, chúng tôi chờ để được biết.
Một cách ngẫu nhiên, Brahmachari đã ở trong nhà hai, ba ngày rồi mà bà tôi mới nhận ra là có anh. Họ thấy vui vẻ, ngay cho dù đó là những ngày bận rộn. Như tôi dự đoán, tu sĩ Ấn Độ giáo hòa nhập với mọi thành viên mới với rất ít điều khó chịu. Sự thật là lúc đầu khi anh đi xe từ ga về nhà anh đã bị bao quanh bởi rất nhiều đồ đạc, hành lý, đến nỗi ba má tôi cảm thấy bối rối. Họ đáp lại lời chào của anh với vẻ lo lắng và nhìn chằm chằm chiếc khăn xếp quấn quanh đầu, vào chiếc váy và khuôn mặt da nâu nhưng sáng sủa của anh với sự thảng thốt. Về phần mình, vị tu sĩ dường như thấy điều đó là tự nhiên và cố làm cho ba má tôi thấy thoải mái, dễ chịu.
- Cháu là Mahanan Brata Brahmachari – anh nói với họ khi đang gọi tài xế taxi khuân hành lý xuống hành lang, - một khất sĩ Ấn Độ giáo đến từ tu viện Sri Angan, Faridpur, Đông Bengal. Con trai hai bác đã mời cháu đến chơi với hai bác mùa hè này. À, Seymour, - anh nói khi vừa nhận ra tôi trong đám đông giờ đang tập trung quanh chiếc taxi. - Cậu đây rồi, vui quá. Trả tiền cho bác tài đi. - Hàm răng hình cánh quạt của anh nhô ra khi anh cười với sự độc đáo, rất khác lạ, lúc anh chắp hai tay trước mặt và cúi đầu chào ba má tôi theo cách chào truyền thống của người Ấn Độ giáo. Sau đó, anh bắt tay các em tôi, vỗ vỗ con chó giống chó cảnh sát và đồng cảm kêu tục tục trước sự lịch thiệp nhưng căng thẳng của ba má tôi. Rõ ràng họ đang lo lắng về việc làm sao để giải thích với bạn bè của họ ở câu lạc bộ Men’s Club và The Ladies’ Auxiliary chuyện một người lạ mang khăn xếp đến ở nhà họ.
Ngay khi Brahmachari vừa đặt người lên ghế dài trong phòng học ở phía sau, sau khi bước vào phòng, anh đã tuột đôi giày vải ra, ngồi xếp bằng trên ghế và ở tư thế đó, anh quan sát hai em trai tôi và tôi khi chúng tôi mang hành lý vào, thì ba má tôi cũng đi vào phòng. Ở phía sau, Josey luẩn quẩn hỏi về bữa ăn cho anh. Xem ra phải hoàn toàn là rau. Không trứng, không cá, không thịt. “Trứng cũng không được à?”, má tôi hỏi. “Josey có thể thêm cho anh món xà lách trộn được không?”. Anh đồng ý, nói rằng xà lách trộn có nhiều dinh dưỡng, và hai người phụ nữ quay đi, trong đầu đầy những suy tính. Rõ ràng là anh sẽ phải nấu cho chính anh mà thôi.
Các em tôi tiếp tục sắp xếp lại hành lý của anh. Ngoài ba chiếc vali thiếc, một thùng đầy các sách triết học, còn có một cây cảnh đựng trong một cái chậu, được gói cẩn thận trong giấy báo màu nâu mà anh nói với tôi là mở ra và đặt lên thành cửa sổ. Khi ba tôi, một người làm vườn tài tử, nói ông thích thú với thứ cây bụi nhỏ bé, bí ẩn này – một loài cây trông như cây cao su cảnh, từng là loại ưa thích của các gia đình trung lưu Mỹ, nhưng thứ cây trước mắt chúng tôi đây thì lùn thấp, có quả màu nâu đen – thì Brahmachari lắc lắc ngón tay, giải thích với chúng tôi khi vẫn ngồi ở giữa ghế băng dài rằng đây là loại cây ở vùng Tulasi, một thứ cây thiêng liêng đối với người Ấn Độ giáo, vì một lí do nào đó mà giờ đây tôi đã quên mất. Vị tu viện trưởng đã trao nó cho anh khi anh lần đầu tiên rời Ấn Độ. Anh không bao giờ đi đâu mà không mang theo nó. Nó nhắc anh nhớ tới quê hương.
Có thêm nhiều người muốn vào phòng để chào hỏi vị tu sĩ Ấn Độ giáo, nhưng các em tôi và tôi chỉ cho Isaacs vào vì chúng tôi hy vọng là vị học giả kinh Talmud này sẽ hành động như là nhà trung gian giữa bà nội và vị tu sĩ. Để họ trực tiếp gặp nhau, nhất là trong ngày đầu tiên này, dường như là không khôn ngoan. Các bạn của tôi, trong nhà và ngoài sân, vỗ vỗ vào cửa sổ, đòi được vào ngay tức khắc. Tôi nói với chúng là hãy kiên nhẫn, đợi tới khi vị tu sĩ khỏe trở lại đã. Chuyến đi từ Chicago của anh ấy làm anh ấy mệt mỏi và anh cần được nghỉ ngơi. Sau đó chúng tôi sẽ đi ra biển. Việc hạ thủy chiếc thuyền lướt ván đã lên kế hoạch sẽ diễn ra vào chiều hôm đó và vị tu sĩ cũng sẽ có mặt. Trong khi đó Isaacs ngồi xuống với Brahmachari trên ghế.
Rõ ràng là vị tu sĩ Ấn Độ giáo và nhà học giả Do Thái bí ẩn đã sớm ăn ý với nhau. Thật vậy, họ trở nên hòa hợp rất nhiều, đến nỗi họ không biết ở bên ngoài có sự lộn xộn khi các em tôi và bạn bè của chúng đang chuẩn bị hạ thủy một chiếc thuyền lướt sóng mảnh mai, dài ngoẵng mà chúng đã làm trong nhiều tuần.
Tôi có ấn tượng là Brahmachari đang so sánh thái độ đối với Chúa và sự cứu rỗi linh hồn mà anh học được ở tu viện Ấn Độ giáo với những điều trong giáo phái Do Thái Hasidim. Luật dòng tu của anh kêu gọi sự trung thành, tận tụy với thần Krishna, anh nói với Isaacs. Điều đó có nghĩa là nó phản đối các nghi lễ của đẳng cấp giáo sĩ Ấn Độ giáo và đặt trọng tâm vào âm nhạc, nhảy múa và sự hòa hợp cuồng nhiệt với Thượng Đế. Trong khi đó, giáo phái Hasidim có sự ưa thích hơn đối với Thánh Vịnh của nhà thơ David, hơn là sự hiểu biết và tuân thủ Cựu Ước của Moses, do đó, các thành viên trong giáo phái của anh ít chú ý đến kinh Vệ Đà hơn là chú ý tới bài Bhagavad-Gita, một bài hát cũng do chính thần Krishna viết để ca ngợi chính Ngài. Nói tóm lại, Brahmachari và Isaacs dù có sự khác biệt về văn hóa, trang phục và ngôn ngữ, nhưng vẫn có nhiều cái chung. Nhấn mạnh uy thế của nhà thơ và nhạc sĩ hơn là giáo luật, họ bất chấp cả những thiển cận có từ cổ xưa và cùng nhau đẩy lòng ca ngợi Thượng Đế. Isaacs đồng tình với những điều này rất nhiều. Anh dù vậy vẫn nghĩ rằng nếu Brahmachari có đánh giá, xét đoán về anh điều gì thì hãy nên giữ kín cho mình. Bà nội chắc có biết ý anh. Thực sự, anh là người đã khuyên Brahmachari và bà nội hãy khoan gặp nhau, càng lâu càng tốt, nếu như có thể. Chúa Trời biết phản ứng của bà sẽ như thế nào nếu bà biết chúng tôi đang giúp vui cho một người sùng kính khác trong nhà, đặc biệt là ăn vận kiểu trang phục như thế. Những vấn đề mà vị tu sĩ này quan tâm nằm ngoài phạm vi hiểu biết của bà. Xử sự tốt nhất sẽ được an toàn.
Đi chơi trong vịnh là lời khuyên của Isaacs, nhưng chúng tôi có ít kế hoạch hơn là tình huống để làm theo lời khuyên đó. Dịp trước mắt là những tiếng ồn ào đang rền rĩ ngoài sân. Rõ ràng là thuyền đang chuẩn bị hạ thủy, vì những khuôn mặt đã xuất hiện bên cửa sổ để mở, trong đó có các em trai tôi và chẳng có lý do gì để phản đối chúng. Chúng tôi cần nhập bọn với chúng.
Tiếng hoan hô vang dội khắp sân vài phút sau đó khi Brahmachari với bộ đồ mới có thắt lưng, đội một chiếc khăn xếp nhỏ màu sáng, còn tôi, có qui ước hơn, mặc quần áo ngắn, mang kính mát, cùng nhập vào nhóm đang hạ thủy chiếc thuyền. Có những lời giới thiệu nhanh nhưng các em tôi và bạn bè của chúng quá bận bịu trong phút cuối trước khi hạ thủy chiếc thuyền mảnh mai có hai bên thân bọc bằng vải bạt, để thực hiện các thú chơi tiếp theo. Như là nhượng bộ Brahmachari, do cách ăn vận của anh hay có lẽ là để thử anh, anh được phân công ngồi ở đằng mũi. Những con sóng lớn cuộn trước mắt chúng tôi khi chúng tôi nhấc chiếc thuyền đặt lên vai và đi về phía đại dương. Brahmachari đã ngồi yên ở mũi, da nâu, dáng thấp đậm, mặc áo có thắt lưng màu sáng, mang chuỗi hạt, răng cười tươi sáng lấp lánh, mái chèo trong tay. “Sẵn sàng chưa?”, tôi hỏi, nhìn anh khi anh đang ngồi trên thuyền. Anh hồ hởi gật đầu. “Bắt đầu đi”. Chúng tôi đưa thuyền vào những con sóng biển.
Ở Wreck Lead, ý tưởng lướt sóng là đưa thuyền ra ngoài ba đợt sóng lớn đầu tiên, giữ cho thuyền không bị lật úp rồi chạy đua với thuyền vào bờ. Khi đợt sóng thứ nhất ập tràn lên chúng tôi, vị tu sĩ nhìn không thấy đâu. Một lúc sau mới thấy anh ta đang nhấp nhô, nước tung rẽ trên cái đầu bóng mượt của anh nhưng anh vẫn ngồi trên thuyền. Nước biển bây giờ đã ngập đến vai chúng tôi và chúng tôi bắt đầu bơi dọc theo mạn thuyền. Đợt sóng thứ hai ập vào chúng tôi, một lần nữa vị tu sĩ lại nhấp nhô lên xuống, chiếc thuyền nhẹ lướt bên dưới anh. Giờ anh đã dùng mái chèo và cười toe toét. Lúc chúng tôi vượt qua được sự đột kích của con sóng thứ ba thì rõ ràng anh đã là thuyền trưởng của chiếc thuyền. “Đây”, anh nói, cười tươi, rạng rỡ khi tôi bám vào mép thuyền. Anh đưa cho tôi một mái chèo. “Em tới phía đuôi thuyền”. Một lát sau, với sự chỉ dẫn nhanh nhẹn của Brahmachari từ ghế ở mũi, chúng tôi đưa thuyền vào bờ. Cuộc diễn tập được lặp lại cho tới khi đứa em trai nhỏ nhất của tôi bị mệt lả.
Lúc trở về nhà, trong chúng tôi có một cảm giác rằng vị tu sĩ Ấn Độ giáo là một người xa lạ. Cho tới một buổi chiều kia, anh đã thành công trong việc đưa mình hòa vào nhịp sống thường ngày của gia đình. Mọi điều cho đến lúc đó đều diễn ra tốt đẹp, sự hòa nhập là trôi chảy. Vào thời gian đó, như lệ thường, bà nội đi coi ngó nhà cửa vào lúc sáu giờ, nhìn quanh phòng học và hỏi tôi ở đâu, Brahmachari, chắc chắn là anh được nói trước, nếu không có tôi, sẽ trả lời thay tôi. Nhưng không biết anh có quên không? “Sáu giờ rồi bà ạ”, anh nói với bà nội, “Seymour đang ở trên lầu”. Sau đó tôi được nói lại là bà tôi đã không nhận ra giọng nói là của anh và thế là bà bỏ đi.
Mọi việc có lẽ sẽ mãi ở trong trạng thái tốt đẹp nếu như bà tôi và Brahmachari, vì thực hành chuyện ăn chay của riêng họ, không chuẩn bị những bữa riêng cho họ. Bà nội nấu ăn bằng một cái lò trong tầng hầm, Brahmachari nấu bằng bếp Bunsen trong gara để trống và ăn trong phòng của mình. Họ bắt đầu gặp nhau ở cầu thang, trên tay là mâm và các dĩa đầy. Một hai ngày sau đó, bà nội chiều kia đi tới phòng học của tôi. Brahmachari đi đâu đó với Isaacs và lần đầu tiên, tôi còn lại một mình. Và cũng lần đầu tiên, bà nội tháo kính mát ra, dường như thấy chắc chắn rằng tôi chính là người bà sẽ hỏi. Bà muốn biết ai là bà già da màu tới ở căn phòng kề phòng của bà?
- Một bà già da nâu hả bà nội? – tôi đoán để hiểu tiếng Yiddish và tôi không chắc đã nghe được hết lời bà.
Bà lặp lại câu hỏi: “Ai là bà già da màu có khăn choàng, mặc váy trắng, đeo chuỗi hạt, quấn khăn vuông quanh cổ, đã độc quyền giữ Isaacs mấy ngày qua?”
- Đó không phải là bà già da màu đâu bà nội ơi. Đó là một người đàn ông, một giáo sĩ Ấn Độ giáo mà cháu đã nói với bà. Anh Isaacs cũng chưa giới thiệu anh ấy với bà sao?
- Anh ta...! – bà khụt khịt mũi. – Anh chàng theo giáo phái Hasidim đó có nói. Nhưng bà hỏi cái người da đen kia – bà phản bác. – Cháu nói ông ta là một giáo sĩ Ấn Độ giáo. Người Ấn Độ có thể có da đen ư?
Câu trả lời của tôi có thể làm gợi nhớ đến những bài giảng về việc lang thang của người Do Thái kể từ khi ngôi đền thứ nhất bị đốt cháy và việc tái định cư của họ ở những vùng không thích hợp như Congo và Ngoại Mông, nên tôi quyết định nói ngắn gọn. – Tất nhiên họ có thể là da đen. Họ có thể có bất kỳ màu da nào nếu bà muốn. Vấn đề là – tôi nói không thích hợp cho lắm – Brahmachari có màu da nâu. Nào, bà đừng quan tâm tới điều đó, bà ạ. Tin cháu đi, anh ấy là đàn ông.
Nhưng bà nội tội nghiệp vẫn lo lắng. Tôi không nhận ra điều đó cho đến sau này khi thấy bà phải lo âu quá nhiều. Năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi bà đến đất nước này nhưng thái độ của bà, lúc đầu còn mềm dẻo, đã trở nên cứng nhắc từ lâu. Điểm nhìn mà từ đó bà xử sự với con cái, các cháu, gia đình ở Wreck Lead và bạn bè của các cháu bà tương phản một cách gay gắt với thế giới đương đại đang có những trao đổi văn hóa và quan niệm về sự ưu việt chủng tộc. Nó cũng không còn bắt nguồn, ngoại trừ một cách gián tiếp, từ cộng đồng Do Thái quí phái, kiêu hãnh, chặt chẽ, độc tôn ở thế kỷ mười chín tại Đông Âu. Giữa thế giới Châu Âu nơi bà sống thời thơ ấu và ngôi nhà mà bà chuyển đến sống những ngày cuối đời ở Long Island, bà dựng lên một vách ngăn để từ đó giải thích mọi diễn biến xã hội theo mô hình trong Cựu Ước. Chẳng hạn, trong lối suy nghĩ của bà, ai không phải là người Do Thái đều là một kẻ đột kích tiềm tàng đối với nhóm người cùng vượt sa mạc – bà nội phụ trách một xe lạc đà kéo – đang di chuyển trong một chuyến đi dài từ Ai Cập đến Đất Hứa. Trong quan điểm đầy huyền thoại về thế giới của bà, thời gian luôn là thời gian Kinh Thánh, dù là nửa đêm hay giữa trưa, và không gian là những sa mạc mênh mông mà bà và dân tộc bà đã vượt qua. Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng việc dòm ngó theo định kỳ phòng học của chúng tôi, những câu hỏi của bà là tôi đang ở đâu và những câu hỏi về thời gian chẳng khác gì là những nghi lễ đã ám ảnh bà, một quí bà đã già cả, lẩm cẩm. Những câu trả lời của chúng tôi đối với các câu hỏi của bà – “Cháu đây bà ạ” và “Mười hai giờ rồi bà ạ” là những hình thức đùa cợt độc ác. Sự ám ảnh và sự độc ác rất có thể có quan hệ với nhau nhưng dường như đối với tôi điều bà thực sự muốn biết khi bà hỏi tôi đang ở đâu là muốn có lời hứa hẹn rằng đoàn người băng qua sa mạc đang được an toàn. Mặc dù các cánh cửa để mở và có đám đông những người lạ, nhưng không có kẻ thù, không có những kẻ đối kháng chủng tộc truyền kiếp bước vào.
Giờ đây, hồi tưởng lại, tôi thấy là vài ngày sau cuộc trò chuyện, bà nhìn có vẻ ưu phiền và quẫn trí hơn bao giờ hết. Sự thật là tuần đó, ngôi nhà có đông đúc người vì đã có kế hoạch hạ thủy một chiếc thuyền nữa, và ngoài sân lần nữa lại chật cứng những người đang bận rộn. Thêm vào đó là việc ăn chay của bà. Thêm nữa, trời lại nóng và bà thi thoảng bị mệt. Bệnh của bà là tiểu đường, tôi nghĩ vậy, dù bà giữ bí mật. Bà còn bị nhiễm trùng ở chân. Tôi không biết chuyện này cho đến khi phát hiện ra là bà đã mất nhiều thời gian hơn, đi lâu hơn trong những lần đi coi ngó nhà cửa, phòng học của tôi. Rõ ràng bà đã tự nhận thêm một nhiệm vụ mới sau cuộc trò chuyện với tôi về vị tu sĩ. Bà bắt đầu quan sát anh ấy về đêm. Vì phòng bà sát phòng anh ấy trên tầng hai và bà quan sát anh ấy từ một ban công nằm bên ngoài nên điều này không khó.
Để quan sát vị tu sĩ, bà nhẹ nhàng, rón rén bước dọc theo ban công sau nửa đêm và nhòm qua vách ngăn đã được kéo ra và quan sát dưới ánh trăng vị tu sĩ Ấn Độ giáo ngủ, và anh ấy chẳng có gì đáng nói nếu như kết quả cuối cùng không làm choáng váng linh hồn già nua nhưng đầy can đảm của bà nội. Vào sáng sớm, tôi cho là gần tới bình minh, có một bóng dáng khác lạ trong phòng tôi, tôi giật mình vì có một cú giật mạnh. Tôi lăn qua, mở mắt và thấy bà nội tôi đang đứng cúi khom người xuống giường tôi. Bà đang mặc áo ngủ, chân không và run rẩy vì giận dữ. “Nó hiện hình, nó hiện hình!”, bà gần như gào lên với tôi.
Tôi nghĩ có lẽ bà đã nấu nướng cả đêm, và, trái với lệ thường bà đang nướng bánh. “Cái gì hiện hình vậy bà?”
- Kẻ man rợ! Con quỉ mà cháu đưa vào nhà!
Tôi ngồi dựng lên và nhận thấy có Isaacs đang đứng phía sau bà nội. Trong ánh sáng tranh tối tranh sáng, trông anh buồn ngủ và phờ phạc. Rõ ràng là bà nội đã dựng anh thức dậy trước tôi. Nhờ ân huệ của Chúa, anh đã chọn đêm nay trong bao nhiêu đêm để ngủ ở nhà này và có đủ thời gian để khoác chiếc áo choàng dài bên ngoài chiếc váy ngủ trước khi chạy tới chỗ tôi. Anh cũng chạy chân không và râu ria thì xồm xoàm nhưng anh không quên chiếc mũ lông của mình. “Con quỉ!”, bà nội giờ thét lên. “Bạn của cháu là con quỉ!”. Bà bám chặt lấy tôi vẻ hoang dại. Có những tiếng la khác ở đầu và cuối hành lang tầng trệt khi ba tôi, má tôi, các em trai tôi và Josey, có lẽ họ nghĩ nhà bị trộm, chạy túa ra từ phòng của họ. Con chó Ernst cũng chạy tới phòng tôi, bắt đầu sủa vang. Tôi nhìn Isaacs đang nhún vai. “Trời ơi, quỉ nào?”
Thay vì trả lời tôi, bà nội chụp lấy khuỷu tay tôi và gần như kéo tôi ra khỏi giường. Trong quí bà già cả, nhỏ bé này dường như có sức mạnh của mười ngàn con quỉ. Sau đó bà quay ngoắt đôi chân trần và chạy lên cầu thang. Isaacs và tôi nín lặng chạy theo đám đông, cả nhà cũng chạy theo sau. “Vị tu sĩ Hindu hiện hình”, tôi nói với mọi người, “Có Chúa biết là bà nội muốn nói gì”. Josey và con chó giống chó cảnh sát, giờ im lặng, bảo vệ ở vòng ngoài. “Bà nội muốn nói gì?”, tôi thì thào với Isaacs khi chúng tôi bám theo bà nội, qua phòng ngủ của bà và chạy qua cửa, ra ban công. “Bà bắt gặp anh ấy đang cầu nguyện”, anh nói mơ hồ. “Cầu nguyện?”, tôi hỏi. “Điều đó có gì sai trái?”. Bà nội giờ chạy lên phía trước và với cái nhìn trừng trợn, với thân hình khòm khòm, nhỏ bé trong bộ áo váy ngủ, bà nhìn vách ngăn của phòng Brahmachari. Ba tôi rẽ chúng tôi, đi tới và hổn hển hỏi, “Có trộm à? Chúng ở đâu?”. Ông đang cầm một khẩu súng. Một lát sau chúng tôi bị mọi người trong nhà vượt qua. Tất cả họ đều ở trong trạng thái ăn mặc sơ sài và mỗi người đều có một thứ vũ khí gì đó trong tay, má tôi cầm cuốn sách bỏ túi, các em tôi cầm móc neo thuyền và lưới, Josey cầm dây xích con chó Ernst. “Vậy à?”, tôi hỏi Isaacs khi chúng tôi chạy lên nhập vào mọi người. “Cầu nguyện thì có gì sai trái?”
- Đó là sinh hoạt tôn giáo của anh ấy – Isaacs lẩn bẩm – Đó là buổi cầu nguyện vào bình minh của anh, không nên nhìn ngó anh ấy lúc đó! – Isaacs run run mà tôi không hiểu là do lạnh hay do lo lắng. – Nói to lên! – tôi bực bội nói. - Anh ấy làm gì? - Ở chân trời phía đông Long Island, màu tía, màu đỏ mềm dịu đang lan tỏa, báo hiệu bình minh thực sự, sau đó ở hướng Đông, mặt trời nhanh chóng nhô lên.
Tôi chụp cánh tay Isaacs và lôi anh ra khỏi đám đông đang vây quanh vách ngăn. – Đó là điều làm bà nội em hoảng sợ - anh nói vỗ vả. – Anh ấy cầu nguyện bằng cách tự nâng người mình lên – Isaacs run rẩy vì sợ. – Bà ấy thấy anh ấy cầu nguyện trong tư thế ngồi trong không khí, cách giường 1,2 m.
Mắt tôi và Isaacs nhìn chằm chằm vào vách ngăn, tay đỡ bà nội đang ấp úng điều gì đó, và giờ đây đầu óc chẳng có gì ngoài hình ảnh vị tu sĩ trên giường đang ngồi thẳng giữa khăn trải giường, đầu quấn khăn xếp, mặc áo có thắt lưng, đeo chuỗi hạt thánh. Brahmachari đang mải mê cầu nguyện. Hai chân anh xếp bằng theo tư thế của người luyện yoga, mắt nhắm chặt, suy tư, nhưng trên môi anh có một nụ cười bí ẩn. Ở vòng tròn xung quanh anh trên khăn trải giường, anh đặt chén khất thực, cái chũm chọe, một chiếc trống và hũ nước, trên bàn cạnh giường anh là cái cây giống vùng Tulasi đang gục đầu và rung rinh trong gió sớm mai. Có lẽ tôi đang nghe nhầm những gì Isaacs nói và sau đó không có ai, kể cả Brahmachari, xác nhận điều đó, nhưng tôi cảm thấy mơ hồ rằng, vị tu sĩ Ấn Độ giáo này vào lúc mặt trời mọc, đã nâng mình lên trên không trung. Lúc đó, bà nội lại thét lên và ngã vào tôi và Isaacs. Khi chúng tôi đưa tay đỡ bà, tôi phát hiện ra là bà đã ngất xỉu.
Với lòng cảm thương và đồng cảm sâu sắc, chúng tôi nhấc bà nội lên và ẵm bà lên giường bà ở phòng bên cạnh. Cả nhà có sự thay đổi lớn khi vài giờ sau vị tu sĩ đi xuống cầu thang để chuẩn bị bữa sáng. Bác sĩ cũng đã tới khám cho bà nội, đề nghị tuyệt đối giữ yên tĩnh và nghỉ ngơi, rồi ông ra về, hứa ngày sau sẽ tới. Tình trạng hôn mê sâu của quí bà già cả xảy ra sau sự căng thẳng ở vách ngăn đã chuyển thành mê sảng nhưng nhẹ. Bác sĩ nói bà vẫn còn tỉnh nhưng đầu bà có chút vấn đề. “Chuyện gì đã xảy ra xung quanh bà ấy?” - ông kỳ quặc nhìn chúng tôi hỏi.
- Thưa bác sĩ, ý ông muốn nói gì? – Isaacs hỏi. – Bà ấy không kể gì với ông sao? – Ba má và các em tôi chăm chăm nhìn nhau.
- Vâng – vị bác sĩ ngập ngừng nói. – Có ai là người da nâu quanh đây không? Mang khăn choàng và khăn xếp? – Ông dừng lại, rất có thể sợ mình đang nói những điều ngớ ngẩn. – Bà ấy có suy nghĩ rằng, các anh có mời một ai đó tới đây mà nhà tiên tri Moses giận dữ vì chuyện đó. Bà nói với tôi rằng, khi người Do Thái rời Ai Cập, có một số người da nâu rình rập dọc theo đoàn người có người bệnh và người già yếu, ném đá vào họ. Bà nói rằng nhà tiên tri rất giận dữ và nói với người Do Thái là đừng bao giờ mở miệng với những kẻ ấy nữa. Đây là ý kiến có tính nghề nghiệp của tôi – vị bác sĩ mạnh bạo kết luận, – nếu có người nào có nước da đó ở đây thì hãy tống khứ anh ta đi.
Các em trai tôi tái mặt. “Da nâu ư? - ba tôi nói. - Người duy nhất mà chúng tôi nghĩ tới là một người bạn của các con tôi, một tu sĩ Ấn Độ giáo, và chắc là mẹ tôi không ám chỉ anh ta đâu”. “Ấn Độ, - ông tiếp tục nói chân thật, - tính từ Ai Cập, nó nằm bên kia bờ đại dương, cách xa hàng ngàn dặm, ngoài ra, anh ta là người lịch thiệp, không bao giờ ném đá ai cả.” Mặc dù vậy, mọi người vẫn nghiêm khắc nhìn tôi. Bác sĩ đồng ý rằng bà nội bị suy sụp có thể do bị sốc. Vấn đề làm ông ấy ưu phiền là hai chân bà nội bị sưng phồng một cách khó hiểu. Trước đó, bà đã bị đau mà ông ấy biết có lẽ do tiểu đường, nhưng giờ nó còn kèm theo tê liệt. Tất nhiên là hiện nay. Ông nói đừng chạm vào chân bà và hãy cho bà uống thuốc an thần. Ông sẽ trở lại sau.
- Tại anh và các vị tu sĩ của anh – một cậu em của tôi buồn bã nói.
Trong không khí thù nghịch đó, Brahmachari lặng lẽ đi xuống. Hai tay anh cầm cuốn sách bỏ túi của má tôi cùng với lưới đánh cá, móc neo thuyền mà các em tôi dùng làm vũ khí. “Những thứ này là tài sản của cô chú và anh chị em phải không?”, anh mỉm cười và lịch thiệp hỏi chúng tôi khi chúng tôi đang ngồi quanh bàn ăn sáng. “Tôi thấy chúng ở hành lang ngoài cửa”.
- Chúng tôi không có ý kiến về việc làm sao người ta thấy chúng ở đó – má tôi lạnh lùng nói. Rõ ràng là bà đang nói với cả nhà.
- Xin lỗi – Isaacs nói. Anh nhẹ nhàng nhấc chân lên, đưa cánh tay choàng lấy vị tu sĩ và dẫn anh ta ra khỏi phòng. Sau đó, tôi thấy họ cùng nhau chiên cơm bằng bếp Bunsen trong gara. Hai người đàn ông với trang phục kì lạ - Isaacs mặc áo choàng dài, mũ lông và để râu, Brahmachari đội khăn xếp đỏ, váy mới giặt – đang hồ hởi trò chuyện với nhau.
Sáng hôm sau vị bác sĩ trở lại nhưng không làm dịu nhẹ được sự căng thẳng của bà nội. Chiều hôm đó, ông lại xuất hiện đem theo một y tá vào phòng bà, chỉ dẫn cho cô cách cho bà uống thuốc an thần và matxa chân bà rồi bỏ đi đột ngột. Lời duy nhất ông nói với chúng tôi là lời cảnh báo – hãy tránh đừng vào phòng bà và giữ cho vị tu sĩ Ấn Độ giáo gì đó tránh xa bà ra. Y tá sẽ chăm sóc cho đến khi bệnh nhân khỏe trở lại.
Với sự quan tâm và lo âu, sáng hôm sau tôi chờ bác sĩ đi xuống cầu thang. Sự lo âu của ông ấy hình như còn lớn hơn sự lo âu của tôi. Thực tế là, khi ba tôi đón ông ấy ở chân cầu thang và đề nghị được biết vấn đề là gì, ông ấy hầu như nói không rành mạch. “Tất cả là từ cái đầu mà ra”, ông lẩm bẩm đi lẩm bẩm lại.
- Do cái đầu? – ba tôi hỏi. – Tôi muốn ông nói rõ hơn cho chúng tôi hiểu, thưa bác sĩ.
Vị bác sĩ, có lẽ nghe giọng nói của ba tôi, nhớ đến nghĩa vụ của mình. Ông thôi không cho bà nội dùng thuốc an thần, ông nói với chúng tôi, dù bà tôi còn lâu mới khỏe trở lại. Mặc dù có chườm nóng và matxa nhưng chân của bà vẫn không hết sưng, như thể bà hầu như không muốn chúng như vậy. Bác sĩ thú nhận, ba tôi có thể thấy có những trường hợp như vậy, khi bệnh nhân dường như không muốn khỏe mạnh trở lại. Ông đề nghị chúng tôi gọi một bác sĩ tâm thần. Ông nói ông vui mừng được giới thiệu một bác sĩ giỏi, có chuyên khoa, đó là anh em con cô con cậu với ông. Nếu không có bác sĩ chuyên khoa này, quí bà có thể sẽ còn nằm liệt giường lâu dài.
Trước những lời đề cập đến bác sĩ tâm thần đó, má tôi bật khóc và ba tôi trở nên nghiêm nghị, còn Josey thì khóc to hơn ở cửa nhà bếp “Không, không”, chị la lên. “Đi ra đi!”
- Nào, Josey – tôi nghe một trong các em tôi nói với chị. – Chỉ tại tụi em và Isaacs thôi. – Một lát sau, hai em trai tôi, có Isaacs dẫn đầu, xuất hiện ở chân cầu thang. “Tụi anh đi đâu nãy giờ vậy?”, tôi hỏi họ. “Bác sĩ nói cần gọi một bác sĩ tâm thần.”
- Ở ngoài gara – em trai nhỏ nhất nói. – Đó là nơi Isaacs ngủ đêm qua. - Tôi nhìn họ thận trọng hơn. – Có ai khác ngoài gara không? – Nhưng nếu họ có bí mật gì, họ xác định sẽ giữ kín. – Có thể có – một em trai khác của tôi nói. – Anh lo gì?
Isaacs lấy tay phẩy hàm râu đen dày: “Bác sĩ tâm thần? Cho quí bà đáng kính?”
- Vâng, cho bà nội – má tôi khóc. – Người ta nghĩ vấn đề là ở trong đầu. – Ba tôi cũng chảy nước mắt, cố an ủi má tôi.
- Trong đầu bà cụ à? – Tôi thấy cái chỗ trên hàm râu của học giả hé lộ một nụ cười – Tôi tin vào điều đó. Tôi luôn nghĩ trí nhớ bà không tốt. Nhưng trước khi gọi bác sĩ tâm thần, và với sự cho phép của vị bác sĩ đang đứng đây, - anh vừa nói vừa nghiêm trang cúi chào vị bác sĩ đang tỏ ra bất bình, - tôi tự hỏi nếu như tôi có thể gọi tới một bạn đồng nghiệp?
Ba tôi giật mình. “Bạn đồng nghiệp? Anh có bạn đồng nghiệp? Một người thuộc giáo phái Hasidim, có vậy không?”
- Chú có thể gọi anh ấy như vậy – nhà thông thái thạo kinh Talmud điềm tĩnh nói. - Một nhà thần học quen biết của cháu. - Em trai tôi đi ra, nháy mắt với tôi, Issacs bước theo sau ra đến cửa nhà bếp, mở cửa và một lát sau mình anh quay lại. - Tôi muốn giới thiệu Tiến sĩ Mahanan B. Brahmachari, đồng nghiệp của tôi đến từ Đại học Calcuta. - Lần này em tôi xuất hiện trước, vẻ rất nghiêm trang, tay cầm chiếc trống, chén khất thực bằng đồng đỏ, cái chũm chọe bằng đồng thau, hũ nước của anh ấy, và anh ấy xuất hiện ở chân cầu thang ngoài sảnh. Anh ăn vận trang trọng.
Đầu anh đội khăn xếp khi hành lễ, làm bằng vải sa bóng láng. Người anh phủ áo choàng của đàn ông thời La Mã cổ, làm bằng chất liệu tương tự, và trên trán và trên hai gò má, anh vẽ bằng bột hồ màu vàng những kí hiệu của luật dòng tu của tôn giáo anh. Rõ ràng là anh đến để thực hiện nhiệm vụ. “Xin chào”, anh nói và cười thân mật với chúng tôi. “Tôi đến để thăm bà nội”.
- Tu sĩ Ấn Độ giáo! – vị bác sĩ thét lên. – Không phải tu sĩ Ấn Độ giáo đó chứ? Đi ra! Đi ra! – Má tôi cũng một mực khăng khăng từ chối không kém. Những ký hiệu trên trán và gò má của Brahmachari là sự vi phạm trực tiếp mệnh lệnh của nhà tiên tri Moses khi ông cấm không được xăm vẽ lên thịt da. Và đó là bằng cứ cuối cùng. “Quỷ sứ!”, má tôi thét lên. “Đây là con quỷ làm má tôi đã sợ hãi hét lên!”. Nhưng ba tôi thì thận trọng hơn. “Ý anh là gì?”, ông hỏi Isaacs. “Anh nói quí bà già cả có trí nhớ không tốt. Về điều gì?”
Isaacs ra vẻ đắc thắng. “Về việc tìm ra phần của bà ấy trong Kinh Thánh. Cháu thấy tổn thương khi nói điều này”, vị thầy giáo tiếng Hebrew nói với ba má tôi. “Cô chú đã phí tiền khi cho bà ấy học tiếng Hebrew. Đó là một học viên tồi. Người tồi nhất mà cháu từng biết”.
Rõ ràng là Isaacs có lý do. Đối với người Do Thái hay những cộng đồng khác có sử dụng Tân Ước hoặc Cựu Ước như là văn bản chính để thực hiện các nghi thức tế lễ hàng năm thì Kinh Thánh được chia ra nhiều phần để đọc hàng tuần. Có chuyện kể vui trong gia đình tôi là mỗi khi bà nội lẫn lộn không biết đọc phần nào cho một tuần nào đó, thì hầu như bằng bản năng, bà sẽ có thói quen đọc phần miêu tả cảnh người Do Thái rời Ai Cập. Thói quen này có tiếng xấu, đến nỗi Isaacs thi thoảng tự nói với mình rằng anh thấy nuối tiếc khi làm người hướng dẫn cho bà nội để đi tới Đất Hứa. Anh hy vọng rằng ngày nào đó anh sẽ đưa bà đến đó, không phải bằng những phương tiện cá nhân mà bằng Kinh Thánh. Cuối cùng, đây là cơ hội của anh. “Để minh họa”, anh tiếp tục, bắt đầu lắc lư tới lui theo cách thức phổ biến của một người thông thạo kinh Talmud khi anh muốn giải thích điều gì đó. “Bà ấy nói với chúng ta rằng bạn Brahmachari của chúng ta là thành viên của bộ tộc từng ném đá chúng ta trên đường chúng ta rời Ai Cập. Đây là một trường hợp rõ ràng đã có nhầm lẫn về nhân thân anh ấy hoặc là thiếu chú tâm đến Kinh Thánh”, anh nói thêm bằng một giọng giờ đây như giọng truyền thống khi hát thánh ca. “Bạn Brahmachari của chúng ta hoàn toàn đến từ một nơi khác. Hãy xem xét cái chũm chọe và cái trống của anh ấy. Đó có phải là những dụng cụ của một người đã tấn công đoàn người rời Ai Cập không? Chắc chắn là không”, anh tự trả lời. “Vậy anh đến từ đâu?”. Anh nhìn chúng tôi trông ngóng.
- Từ St. John? – Josey nói.
- Không có chứng cứ - Isaacs nói với chị. – Thử nói một nơi nào khác đi.
- Hãy nghe đây, - vị bác sĩ phản đối. – Tôi không cho phép chuyện này đi xa hơn nữa. Bệnh nhân là của ai?
Nhưng chúng tôi phớt lờ ông. Rõ ràng là Isaacs, bằng việc nói lại một câu chuyện thú vị hơn trong Kinh Thánh, hướng vấn đề tập trung vào Brahmachari.
- Tôi có một Hoàng đế Solomon trong suy nghĩ, - Isaacs nói. – Solomon, con trai David, là vị vua thích nhảy múa. Trong những bài giảng mà tôi sẽ hướng dẫn cho bà nội các bạn sau này, tôi sẽ cố gợi lại cho bà nhớ rằng Vua Solomon khi mở rộng lãnh thổ của mình đã lấy nhiều vợ ở khắp phương Đông. Chúng ta sẽ có giả thuyết là Brahmachari là giọt máu của ông với một trong các bà vợ người Ấn Độ của mình.
Đầu óc tôi quay cuồng trước sự giải thích vô lý đối với lịch sử. “Trời ơi, Brahmachari”, tôi nói hy vọng là sẽ có thể chống lại được vị tu sĩ với tư cách là một người đã tốt nghiệp đại học, “chắc chắn là anh không tin vào điều đó chớ?”
- Có gì khác trong những gì anh ấy tin? – một trong số các em trai tôi mạnh bạo nói. – Anh muốn bà nội khỏe lại, đúng không? Tin tụi em đi, tụi em đã hình dung ra điều đó. Nếu có cú sốc làm bà nội liệt giường thì sẽ có một cú sốc lớn hơn đưa bà ra khỏi giường. Miễn là bà nội chịu tiếp nhận điều đó. – Cậu ấy nghiêm trang nói thêm. – Nếu không, chúng ta sẽ phải tổ chức tang lễ cho bà đó!
- Tất nhiên, - Isaacs mải mê tiếp tục nói, - luôn có chuyện đối với Nữ hoàng Sheba. Có lẽ Brahmachari là con trai của Vua Solomon có với Nữ hoàng Etiôpia Sheba. Nhưng không, - anh nói giọng cẩn trọng, - điều này làm cho anh ấy gần hơn với Ai Cập. Hành động hay nhất sẽ được an toàn.
Tôi lảo đảo với sự gian xảo của lập luận này. “Brahmachari”, tôi lại khẩn khoản với vị tu sĩ Ấn Độ giáo, “anh không thể đồng ý với điều này phải không?”
Vị tu sĩ nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tôi nghĩ tôi có thể tin, tất nhiên là bằng một cảm xúc đầy chất thơ. Có thể là Isaacs khi cố gắng đề cao nguồn gốc của tôi, đang chơi trò tiểu xảo với sự hiểu biết của anh ấy. Nhưng trong chừng mực Solomon là con đực giống có được từ Vua David, tác giả của Thánh Kinh, thì tôi chấp nhận cương vị là cha tôi của vua Solomon.”
- Anh chấp nhận cương vị làm cha của ông ấy? Ông ấy đã làm kết thúc được cuộc tranh luận!
- Đó là một chỉ dẫn hay, - vị tu sĩ nói điềm đạm. – Có lẽ, cậu sẽ không hiểu được sự giống nhau hết sức giữa David, vị vua thích nhảy múa của người Hebrew và Krishna, vị thần cuồng nhiệt của người Ấn Độ giáo mà tôi là một tín đồ. Với cả hai tôn giáo này, phương pháp thờ cúng chủ yếu không phải là học thuyết hay nghi lễ mà là sự cuồng nhiệt và ca hát. Cậu vừa được yêu cầu xem xét các dụng cụ của tôi. Hãy nhìn chúng lần nữa. – Anh tiến tới và vỗ nhẹ vào chiếc trống trong tay của một trong các em tôi. – Chũm chọe và trống! Chúng có phải là công cụ của vua David không nhỉ? Cậu có bao giờ đọc Thánh Vịnh chưa? Chúng ta đang có bài toán trong việc chữa trị cho bà nội anh, - anh tiếp tục, - hơn là trao cho tôi địa vị trong cái nhìn về thế giới có phần viển vông của bà cụ. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là phải thuyết phục bà rằng, dù bà phải nghe thấy bất kỳ những điều trái ngược nào thì bà cũng sẽ không phải phá bỏ các điều răn khi chấp nhận một kẻ mặc khải thần linh trong nhà mình, hoặc như Isaacs sẽ nói, chấp nhận một người sùng đạo hay kẻ mến mộ Thánh Vịnh. Chúng ta thấy là một khi bà cụ thừa nhận rằng sự cứu rỗi linh hồn của tôn giáo tuy có thể được hướng dẫn qua các luật lệ và các giáo huấn, thì các nguồn gốc không phải có trong các học thuyết thần học mà là trong các chuyển động tự nhiên của tứ chi, trong chính mỗi người và ít được thúc đẩy bằng các lập luận trừu tượng hơn là bằng cảm xúc, bằng sự chuyển đổi của con tim; một khi hiểu như vậy, bà sẽ thôi không chống lại chính bà. Bà sẽ không cho rằng các cử động của bà là do yêu tinh, ma quỉ gây ra. Bà sẽ đứng dậy và bước đi. Thậm chí còn hơn thế, - anh tinh quái nói thêm, - bà sẽ đứng lên và nhảy múa. Điều đó sẽ chữa lành bệnh cho bà. – Anh gật đầu với ba má tôi, ra hiệu cho các em trai tôi đi trước và cùng với Isaacs anh đi lên cầu thang.
- Tôi cấm điều đó - vị bác sĩ thét lên. Ông cố ngăn nhóm người. – Y tá, y tá, khóa cửa lại! – Nhưng đã quá trễ, nhóm người đã gạt ông ra và mất hút trên cầu thang.
Tai chúng tôi dựng đứng lên, chúng tôi đợi nghe âm thanh đầu tiên từ bên trên. Nó đến ngay tức khắc. Lúc đầu là tiếng thở dốc, ngắn, sau đó là âm thanh của sự ẩu đả mà tôi đoán là do chị y tá phản đối gây ra và sau đó, chị bị gạt ra khi nhóm người đi vào phòng bà nội. Bà nội thét lên, không dịu như tiếng thét khi bà nhìn thấy Brahmachari đang cầu nguyện, mà rõ hơn, the thé hơn. Tiếng thét rất dữ dội, âm thanh vọng xuống cầu thang rất rõ.
Ba tôi lắc đầu: “Do hình vẽ mà ra”, ông bùi ngùi gục đầu. “Tôi biết bà cụ không chấp nhận hình xăm vẽ, nó chống lại Luật Moses, ông biết đó”, ông nói với vị bác sĩ nhưng ông này không có câu nói đáp lại.
Sau đó âm thanh dội xuống từ tầng trên, cường độ có thể so sánh với tiếng kêu rên của một em bé trong cơn bão lốc. Mặc dù vậy, những âm thanh đó thể hiện sự kín đáo, sự đè nén của tâm trạng bực tức. Trong khi giọng bà nghe chói tai, như có cây đinh ba nằm trong giọng nói của bà, thì một âm thanh mới phát ra từ giường ngủ của bà lại nghe như lời cầu khẩn, có âm sắc cao, rất nghiêm trọng, êm ái, dường như không bắt nguồn từ não bộ mà từ con tim. Nó tiếp tục một thời gian sau đó, một lát sau tôi thấy đầu tiên nó cất lên với âm trầm thấp, lằng lặng như hai miếng kim loại mềm va nhau, sau đó mạnh mẽ hơn, to hơn, lừng lững hơn nhưng chưa ai trong chúng tôi ở dưới lầu thực sự có ấn tượng gì, vì nó xuất hiện trong tiếng khóc dữ dội của bà nội. Dần dần nó đánh động chúng tôi và vang to dần lên. Nó mang âm sắc không phải như cơn gió gây nên mà như thể muốn nói điều gì trước bình minh trong một buổi sáng đẹp trời. Nó mang âm thanh của sóng biển, tiếng vang của tù và khi tái hiện lại thông điệp bên trong của đại dương. Tất nhiên đó là âm thanh do Brahmachari đang nhảy múa như vị vua Đông phương David phát ra, ngay trước mắt bà nội, với nhịp gõ chũm chọe.
Sau đó là sự im lặng hoàn toàn, tuyệt đối. Âm thanh đó im bặt.
- Jesus, Maria, Giuse, - chị nấu bếp thốt lên và làm dấu thánh giá.
Tôi nhìn quanh và thấy ba má tôi co cụm lại trong góc nhà như những đứa trẻ đang sợ hãi. Họ gật đầu với tôi và không nói lời nào, tôi gạt vị bác sĩ ra và đi lên lầu. Cánh cửa dẫn vào buồng ngủ của bà nội tôi đã bị đóng lại, chị y tá đang đứng đó, mặt trắng bệch như y phục của chị. Một lát sau chúng tôi quây quanh chị, và ba tôi cố mở cửa. Cửa đóng chặt quá. Từ trong phòng dội ra những âm thanh mới nhưng lần này, dù khó hình dung, vẫn nghe được là tiếng người. Âm thanh như đến từ một thế giới khác khi tôi nghe Isaacs hát thánh ca bằng tiếng Hebrew. “Hát cho nhạc trưởng”, anh hát. “Một bài Thánh Vịnh của David. Hát cho Chúa một bài ca mới. Đó là lời ngợi ca Ngài của cộng đoàn ngoan đạo”. Tôi cũng nghe có tiếng trống vỗ.
Không nói lời nào và có ba má tôi đi đầu, chúng tôi quay người và tìm đường qua căn phòng nằm sát bên của Brahmachari rồi đi ra ban công. Ở đó, tôi đặt hai cánh tay lên vai ba má tôi và mặt chúng tôi hướng về phía vách ngăn, và lần đầu tiên kể từ khi bà nội bị bệnh, chúng tôi nhìn thấy bà. Nhìn bà bây giờ chẳng có gì là đau bệnh. Bà vẫn mặc chiếc áo váy ngủ màu trắng nhưng tóc và khuôn mặt thì được trang điểm – bà đã chuẩn bị để đón những vị khách không mời ấy, thậm chí bà còn bôi một ít phấn hồng lên hai má. Bà ngồi tựa vào chiếc gối dựng ở đầu giường. Bà nhìn trẻ lại nhiều năm và trên mặt bà có vẻ bối rối, nhưng hài lòng. Ở cuối giường, đối diện với bà, Brahmachari đang ngồi xếp bằng. Anh đã cởi áo khoác có thắt lưng ra, tháo khăn xếp và lấy chuỗi hạt xuống rồi dùng những ngón tay dài màu da nâu vỗ vào chiếc trống có hai mặt. Ngồi thẳng ngay trước mặt bà nội và với một nụ cười nhẹ thoáng trên môi, anh vặn vẹo người trong khi vỗ trống. “Hari Krishna”, vị tu sĩ ậm ừ. “Ngợi khen thần Krishna”.
Bà nội nhìn anh cười bối rối, hai má bà ửng đỏ và giờ đây tôi thấy, Brahmachari cũng vẽ những ký hiệu tôn giáo của anh lên ngực anh. Bà nhìn chăm chăm vào các hình vẽ các ký hiệu. Bà ngập ngừng đưa một tay lên khuôn mặt được trang điểm nhẹ của bà. Khi Brahmachari tiếp tục vỗ trống và lắc lư trước bà, tôi cũng thấy chén khất thực lớn bằng đồng đỏ được đặt trên khăn trải giường, ở giữa anh và bà nội. Trong chén là một cặp chũm chọe giờ không được dùng tới. Mỗi cái không to hơn lòng bàn tay và được cột lại với nhau bằng dây da ở giữa thân của chúng. Chúng dường như là những dụng cụ giấu mặt kín đáo đã làm ra những âm thanh đã từng khiến bà nội thấy chát chúa trước đây. Và trên chiếc bàn nằm cạnh Brahmachari, cái cây cảnh giống vùng Tulasi đang gục đầu, kêu xào xạc trong gió giữa trưa.
- Bài Thánh Vịnh của David, - Isaacs hát. Thầy giáo tiếng Hebrew này chọn cho mình một vị trí ở góc phòng, cuốn sách kinh cầm trên tay, hát và gập ngã người tới lui. – Hallelujah, - anh lặp đi lặp lại. – Hát cho Chúa bài ca mới, lời hát tụng ca Ngài của cộng đoàn ngoan đạo.
- Mấy giờ rồi thưa bà nội? – vị tu sĩ hỏi. Anh dừng vỗ trống trong chốc lát. – Cháu là ai đây?
Môi bà mấp máy. “Vua David?”, bà hỏi ngay, bằng một giọng bẽn lẽn mà tôi và ba má tôi nhờ đang áp mặt vào vách ngăn nên có thể nghe rất rõ.
- Hellelujah, - Isaacs hát. – Ngợi ca Chúa bằng âm thanh của tiếng chũm chọe trong suốt. Ngợi ca Chúa bằng tiếng chũm chọe ngân vang.
- Đây là tiến sĩ Brahmachari, bà nội ạ, - em trai tôi nói với bà. – Đây là người Ấn Độ giáo sùng đạo mà Isaacs đã giới thiệu với bà. Đứng lên đi bà, - nó giục bà. – Hãy chào người sùng đạo đi bà.
Mọi người đưa tay xốc nách bà rồi nhấc bà đi ra cửa. Khi đứng ở đó giữa mọi người, bà cười e thẹn, chân vẫn còn yếu, vị tu sĩ bước xuống giường và tiến tới chào bà. “Cháu là Mahanan Brata Brahmachari”, anh nói, gấp cuốn Thánh Vịnh lại trước mặt mình và cúi chào, “một tu sĩ Ấn Độ giáo đến từ tu viện Sri Angan, Faridpur, Đông Bengal. Cháu được các cháu của bà mời đến chơi mùa hè này.”
Một thoáng yên lặng. Tiếng chuông của ngôi nhà thờ ở góc đường ngân lên giữa ban ngày. Sau đó bà nội quay sang bên cạnh. “Chào tiến sĩ Brahamchari”, bà nói bằng tiếng Anh, “Hoan nghênh cháu tới nhà chúng tôi”.
- Hellelujah, - Isaacs lại bắt đầu nhưng lần này có bà nội vỗ nhịp cho anh. “Hellelujah!”, bà nói to, đẩy cánh tay của các em trai tôi ra. “Hãy dành mọi hơi thở để ca ngợi Chúa”. Ba má tôi đầy ấn tượng khi thấy bà đi chệnh choạng về phía vị tu sĩ Ấn Độ giáo mà trong cảm giác của mình tôi thấy bà như nhảy chân sáo. Khi các em trai tôi chạy tới để đỡ bà, bà quay lại, nét mặt bừng sáng. “Mười hai giờ rồi, các cháu”, bà nói với chúng. “...Ở đâu?” Nhưng trước khi bà kết thúc câu hỏi của mình, tôi lao qua cửa vách ngăn, ôm chầm bà trong vòng tay.
(Nguồn: 50 Great American Short Stories, Bantam Books, 1965)
Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ tiếng Anh
(Tạp chí Văn học nước ngoài số 3/2012)
[1] Yiddish: Một thứ ngôn ngữ của người Do Thái (các chú thích là của N.D).
[2] Moses: Theo Cựu Ước là nhà tiên tri đã đưa dân Do Thái rời Ai Cập đến đất hứa.
[3] Thiên di: Sách thứ hai trong Kinh Cựu Ước.
VanVN.Net – Sáng 27/5/2012, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Lễ trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú đã được tổ chức trọng thể. Đến dự buổi Lễ có đồng chí ...
VanVN.Net - Mỗi nhà văn đều có một thế giới nhân vật riêng, với thói quen khai thác nhân vật theo một cách riêng. Theo đó, nhân vật có thể là thật hoặc hư cấu, nhưng thường đều dựa trên những ...
VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...
VanVN.Net – Chiều 6/6/2012, tiếp tục chương trình giao lưu, hợp tác văn học giữa trường Đại học Iowa và Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn Hoa Kỳ có buổi trao đổi với các nhà văn Việt Nam về ...
VanVN.Net - Từ một thí nghiệm vô nghĩa là gần đây người ta mong muốn gán cho văn hóa một sự quan trọng thái quá, nên chắc chắn thời nào văn hóa cũng được coi trọng.
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn