Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Những bài học về cuộc sống

Vũ Quốc Văn - 14-07-2011 11:33:35 AM

VanVN.Net - Nhà văn Nguyễn Dậu tên khai sinh Trương Mẫn Song. Sinh ngày 25 tháng 10 năm 1930. Quê quán: thành phố Hải Phòng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mất ngày 24 tháng 7 năm 2002...

Nhà văn Nguyễn Dậu

Năm 1946 hoạt động trong đội võ trang tuyên truyền ở địch hậu. Thời gian ở quân đội, từng là cán bộ quân y, cao xạ, dã pháo 105 ly. 1954 về Tổng cục Chính trị làm việc ở phòng Văn nghệ quân đội. Sau đó, làm biên tập ở báo Văn nghệ, cán bộ Sở Văn hoá Hà Nội.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Nữ du kích Cam Lộ (tiểu thuyết); Đôi bờ (tiểu thuyết, 1957); Mở hầm (tiểu thuyết, 1961); Vòm trời Tĩnh Túc (tiểu thuyết); ánh đèn trong lò (truyện ngắn, 1960); Huệ Ngọc (tập truyện); Con thú bị ruồng bỏ (truyện ngắn 1990); Rùa hồ Gươm (tập truyện); Truyện người da đen nước Mỹ (dịch); Quyển sách thấy ở Thuận Xuyên (dịch); Đôi hoa tai lấp lánh (1995); Phật tại tâm (1997); Bảng lảng hoàng hôn (1997), cùng nhiều tiểu thuyết và tập truyện khác.

Vậy là Nguyễn Dậu đã giã biệt cuộc đời, gia đình, người thân, bầu bạn cùng độc giả từng đọc văn chương ông ngót một thập niên nay rồi.

Ông mất ngày 24 tháng 7 năm 2002 tại Hải Phòng sau vừa đúng bảy mươi hai năm cuộc đời, có vài chục năm dấn thân binh nghiệp, cống hiến văn chương nghệ thuật, rồi gặp rủi xui nghề nghiệp đến hồi sắp được minh giải thì lại lâm cơn bạo bệnh vội vàng trở về với cõi xa khuất muôn trùng. Âu cũng là tại đấng cao xanh bắt vậy,  cưỡng làm sao được trước nỗi mong manh của mỗi phận người.

Vẫn biết đời người là hữu hạn nhưng không hiểu sao mỗi lần nhớ, mỗi lần nghĩ đến nhà văn Nguyễn Dậu tôi cứ thấy tiếc thấy thương ông  lắm lắm.

Năm 2000, Tạp chí Cửa biển của Hội Văn học, Nghệ thuật Hải Phòng cử tôi đi gặp Nguyễn Dậu để viết bài đúng dịp nhà văn tròn tuổi 70. Ngụ ý của việc này được hiểu là thay một món quà mọn mừng thọ của giới văn chương Đất Cảng tặng ông sau bao năm đi xa nay hồi hương về quê cũ.

Một sớm đầu mùa hạ tôi đến con ngõ nhỏ đầu cầu Niệm tìm Nguyễn Dậu. Hỏi thăm ai người ta cũng trả lời không biết! Đôn đáo ngược xuôi mãi rồi cuối cùng tôi cũng tìm gặp được ông, nhưng không phải là bằng cái danh xưng nhà văn, mà ở đây người ta chỉ biết có một ông già tên Song (tên khai sinh của Nguyễn Dậu là Nguyễn Ngọc Song, gọi theo họ mẹ là Trương Mẫn Song) làm nghề thuốc thôi. Tôi thầm reo lên, tôi đã tìm đúng địa chỉ và người cần tìm rồi.

Dạo đó, nhà văn Nguyễn Dậu về sống hẳn ở Hải Phòng với vợ con sau nhiều chục năm xê dịch. Và để tăng thu nhập cũng là bù thêm cho suất tiền lương hưu ít ỏi của cán sự một mà Nguyễn Dậu đang hưởng, nên ông có làm thêm nghề thuốc Nam hay thuốc Bắc gì đó.

Nghe nói Nguyễn Dậu là người kỹ tính, ít lời, trước khi gặp ông tôi cũng lo ngại lắm.  Nhưng thật may, chỉ sau vài giây diện kiến, ông đã mở lời buồn rầu thông báo với tôi rằng: “Mình vừa bị tai biến, may mà trời còn thương chưa gạch tên trong sổ thiên tào. Có điều buồn nhất là tay mình bây giờ vẫn có thể cầm được vật nặng như kìm, búa, nhưng không thể nào cầm được chiếc bút để viết vì bút là vật nhỏ quá, nhẹ quá. Còn cái máy chữ, nhưng tay chân lẩy bẩy thế này cũng không thể mổ cò, mà có cố mổ cũng chẳng ra chữ được nữa”.

Tôi biết xưa nay Nguyễn Dậu vẫn là người viết khỏe, viết đều mà còn viết rất nhanh. Nhất là từ dạo ông “tái xuân văn”, ông cặm cụi ngày đêm viết không biết dừng, biết mỏi, cứ như thể ông viết bù, viết trả nợ cho thời gian đứt quãng, biệt tăm của mình.

Nguyễn Dậu học hết Supserieux Jean Dupuis rồi xung phong vào bộ đội. Học nhiều năm ở trường thiếu sinh quân Liên Khu Ba. Sau đó ông được cử sang Trung Quốc học. Về nước, Nguyễn Dậu trở lại quân ngũ chiến đấu trên khắp các mặt trận Bắc bộ. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Dậu được điều về Phòng Văn nghệ thuộc Tổng Cục chính trị công tác. Ông thông thạo Pháp văn và Hán văn nên tham gia dịch thuật văn học Pháp và văn học Trung Quốc rồi chuyển sang viết văn. Đôi lúc Nguyễn Dậu cũng làm thơ, viết tấu hài, chèo, kịch nói, nhưng viết văn vẫn là nghiệp chính đeo đuổi suốt đời ông.

Nguyễn Dậu viết văn từ lúc 25 tuổi (1955). Và chỉ trong một thời gian rất ngắn ông đã có hàng loạt tập truyện ngắn và tiểu thuyết trình làng.

Ông cũng là một trong số rất ít nhà văn trẻ thời ấy dám từ  bỏ cuộc sống phố phường Hà Nội, lôi tha cả vợ con  theo mình về tận vùng than Cẩm Phả  để lao động và viết văn. Những người thợ mỏ thấy Nguyễn Dậu là người lanh lợi liền bầu ông làm tổ trưởng tổ cuốc than trong hầm lò Thống Nhất. Ngoài thời gian đi lò, về đến nhà Nguyễn Dậu lại ngồi vào bàn cặm cụi ghi lại những cảm xúc, góp nhặt những chi tiết đời sống để  thai nghén nên tác phẩm.

Hai năm lăn lộn ở vùng than, Nguyễn Dậu trở thành một thợ lò thực thụ. Rồi đến một ngày ông bị tai nạn lao động buộc phải bỏ nghề. Nhưng nhờ có thời gian làm thợ cuốc than ấy đã giúp Nguyễn Dậu viết nên bộ tiểu thuyết Mở hầm. Và dù là thiên tiểu thuyết ấy có lúc đã gặp phận cảnh chìm nổi lênh đênh,  nhưng đến nay những  người am tường văn học Việt mỗi khi nhớ lại thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vẫn thấu hiểu và không quên nhắc đến những tác phẩm như Mở hầm của Nguyễn Dậu, Phá vây của Phù Thăng, và coi đó như là một ghi nhận về những cuốn sách của một thời đã qua. 

Không còn đủ sức khỏe đi lò cuốc than nữa, Nguyễn Dậu trở về Hà Nội tiếp tục tìm cho mình một cuộc phiêu du mới. Ông vẫn quyết đeo đuổi đồng hành cùng nghiệp văn chương mơ ước của mình.

Lần này Nguyễn Dậu lên mỏ thiếc Tĩnh Túc, về Hải Phòng, rồi vào Khu 4, đến công trường, xưởng máy, trận địa thâm nhập thực tế, tìm hiểu lấy tài liệu sáng tác.

Nguyễn Dậu có mặt ở hầu khắp các vùng đất máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất ở các trọng điểm cầu Bùng, cầu Giát, phà Ghép… vùng Thanh - Nghệ như là một phóng viên chiến tranh. Trong suốt những tháng ngày ngút trời bom đạn sục sôi khí thế chiến đấu ấy, Nguyễn Dậu bất chấp hiểm nguy, quên hết mọi nỗi riêng tư sống chết, dành toàn bộ tâm lực cho khát vọng lớn của mình là đi, sống  và viết.

Trước cũng như trong thời gian này Nguyễn Dậu lại tiếp tục công bố dồn dập các tập truyện ngắn mới Huệ ngọc, Trở lại đảo ở Nhà xuất bản Phổ thông; Người ngoại ô- Nhà xuất bản Văn học, cùng với hàng trăm bài báo phản ánh không khí  chiến đấu nóng hổi ngoài tuyến lửa nơi mình đang bám trụ.

Ngoài viết văn, Nguyễn Dậu còn hăng say dịch. Từ năm 1954 đến năm 1963 ông đã dịch 10 cuốn sách. Nguyễn Dậu cũng là số ít những dịch giả chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt sang Trung văn.

Nhìn lại số đầu sách của Nguyễn Dậu xuất bản từ thời còn trai trẻ, bỏ qua thời gian dài lặng lẽ đứt quãng tới hồi ông viết lại (khoảng thập 80) tính phải đến cả chục nghìn trang sách, đó quả là một sức làm việc đáng nể vô cùng. Chỉ trong gần chục năm cuối thế kỷ trước, Nguyễn Dậu lại lần lượt cho ra đời một loạt các tập truyện ngắn: Con thú bị ruồng bỏ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1988; Rùa hồ Gươm - Nhà xuất bản Hà Nội, 1990; Hương khói lòng ai - Nhà xuất bản Văn học, 1994; Đôi hoa tai lóng lánh - Nhà xuất bản Văn học, 1995; Phật tại tâm - Nhà xuất bản Văn học, 1995; Bảng lảng hoàng hôn - Nhà xuất bản Văn học, 1997. Và cũng dịp này Nguyễn Dậu còn cho công bố cuốn tiểu thuyết Nhọc nhằn sông Luộc dài  sáu trăm trang, tác phẩm này đã được thành phố Hải Phòng trao giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, một giải thưởng văn nghệ có uy tín của địa phương này. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời ông.  Gần như trong cả cuộc đời của Nguyễn Dậu, ông dành hết cho công việc viết ra những trang văn mà ở đó mỗi con chữ đều được rút ra tự tâm hồn, ruột gan mình.

Về điều này, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình có lần đã biểu dương Nguyễn Dậu, với những nhận định, đánh giá đầy yêu mến và trân trọng về văn chương ông: “Bút lực của nhà văn có tuổi này là dường như còn rất dồi dào. Dồi dào không phải chỉ ở chỗ viết khỏe, in đều mà cái chính là ở văn phong, ở lối nhìn, cách nghĩ, ở cả phía khai thác đề tài, đối tượng miêu tả. Ông nói về con người với cả sự từng trải, chiêm nghiệm của ông. Đọc truyện ngắn Nguyễn Dậu chúng ta chẳng thấy những điều triết lý to tát mà dường như chúng ta luôn nhận được những bài học về cuộc sống lăn lóc đầy khổ đau của con người trong thế giới người. Và đọc ông, mỗi người thấy yêu thêm đồng loại, thấy tin tưởng ở sức mạnh tiềm ẩn cũng như sự trong sáng vốn có của chính mình để vượt qua thử thách, để hướng tới ánh sáng ngay cả khi ở trong những góc tối tăm nhất”.

Nhưng cuộc đời vẫn luôn náu ẩn những khúc khuất quanh co không ngờ trước. Nguyễn Dậu đang công tác thì bỗng gặp “một tai nạn nghề nghiệp ngoài ý muốn”, ông phải về nghỉ hưu non lúc mới 40 tuổi. (Sau này, vào những năm cuối thế kỷ trước đầu thế kỷ này, cơ quan hữu trách đã có những văn bản chính thức minh định, đề nghị phục hồi quyền lợi chế độ bậc ngạch công chức và tiền lương của Nguyễn Dậu).

Trở về với cuộc sống thường dân phố thị, vì mưu sinh Nguyễn Dậu phải làm đủ nghề để kiếm sống. Ông ngồi vạ nơi vỉa  hè bán dép, làm thợ cắt tóc rồi đi câu… kiếm tiền đắp đổi qua ngày.

Tưởng rồi cái nghiệp kiếp văn chương vĩnh viễn lánh xa ông mãi mãi. Nhưng hình như cái số trời định vẫn còn đó nên chữ nghĩa từ lâu tàng ẩn đâu đó lại dập dìu kéo về rủ rê Nguyễn Dậu tái duyên văn. Không tự ái, ngần ngại hay thoái thác, Nguyễn Dậu lại hồ hởi đắm say cầm bút viết.

Trong thời gian vật vã bươn trải kiếm sống kia, trong cái khoảng lặng cuộc đời cùng chuỗi thời gian dằng dặc vui ít cực nhiều kia, không ngờ lại tạo ra nguồn cảm xúc sáng tạo đầy trào trong tâm hồn Nguyễn Dậu. Ông đã trút ra đầu ngọn bút viết được thật nhiều những thiên truyện ngắn ám ảnh, hấp dẫn đến mức kinh điển. Trong rất nhiều những thiên truyện ngắn dung dị đầy chất đời sống nghiệm sinh, nhân văn, minh triết ấy, tôi thích nhất truyện ngắn Mặt nước sóng sánh của ông. Thiên truyện đó mê dụ tôi bởi nhiều lẽ, nhưng hơn hết là vì những con chữ thật giản dị, thật lấp lánh, nó dường như được chắt ra từ đáy hồn chân thành của một con người từng trải tài hoa và thấu tỏ nỗi đời.

Nguyễn Dậu đã sống và viết như thế với cả niềm đắm say và hết sức vô tư suốt cả cuộc đời ông. Giá trị những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Dậu để lại cho  văn học và cho độc giả nước nhà chắc chắn rồi đây sẽ được các nhà phê bình văn học, các nhà biên niên lịch sử văn học và thời gian phẩm bình, đánh giá.

(Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Nhà văn đọc sách  

Dạo chơi cùng thơ Nguyễn Xuân Hồng

VanVN.Net - Nhà thơ, nhà báo, đạo diễn, nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hồng sinh ra, lớn lên và gắn bó cả một đời lao động sáng tạo với quê hương Bắc Giang. Nhưng những tác phẩm thơ, sân khấu, điện ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…