Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy: Sợ nhất là vấp ngã trong thời bình

Phạm Phong Lan (thực hiện) - 30-04-2012 06:52:34 AM

VanVN.Net - Đã 37 năm ngày Thống nhất. Gần bốn thập kỷ trôi qua với nhiều biến động của đời sống, mà ở đó, cuộc đời mỗi con người không thể tránh được những chênh chao của buồn – vui chung và riêng, lớn và nhỏ. Có những kí ức mỗi lần gợi lại, luôn khiến người ta thổn thức… Nhân dịp 30/4 – ngày đã được coi như một dấu ấn đặc biệt trong lòng người Việt Nam kể từ năm 1975, đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy có những chia sẻ với bạn đọc về kỷ niệm khó quên trong những ngày đầu Thống nhất đất nước.

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy


PV: Thưa đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy, điều găm chặt trong kí ức của ông về ngày Thống nhất cho đến hôm nay là gì?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Đó là những gương mặt, những nụ cười, những tiếng reo hò của mọi người xung quanh tôi, trong đó có cả chiến sĩ ta, tù hàng binh của quân đội Sài Gòn và nhân dân. Sau đó là những lá cờ, đủ loại, đủ kiểu. Nhưng trong rừng cờ đó, tôi vẫn nhận ra những lá cờ của những người lính. Nó bụi bặm, nhuốm mồ hôi và máu, nhưng rất cảm động.

PV: Nhìn lại đúng thời điểm năm 1975, Khuất Quang Thụy lúc đó là một chiến sỹ 25 tuổi đời với 8 năm tuổi quân, Ngày Thống nhất có ý nghĩa cụ thể gì đối với ông?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Lúc đó chúng tôi chẳng còn muốn  đi tìm những ý nghĩa gì to tát, sâu xa. Chỉ thấy điều thực nhất là đến lúc này mình vẫn còn sống. Đó là một điều gì đó thật kì diệu, nhất là khi chỉ ít giờ trước thôi còn có những người đồng đội ngã xuống bên cạnh mình. 

PV: Ngoài niềm vui Thống nhất nước nhà, chắc hẳn còn có một số điều không dễ bày tỏ, nhưng sau gần 40 năm, sau những trải nghiệm và chiêm nghiệm của nghề văn, có lẽ đã dễ dàng hơn để ông thẳng thắn chia sẻ: “cú sốc văn hóa” vấp phải trong những ngày đầu Giải phóng tác động đến nhận thức của chiến sỹ Khuất Quang Thụy như thế nào? 

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Cái gọi là những “cú sốc văn hóa” là sau này chúng tôi nhận ra, khi đã thực sự được sống trong hòa bình, trong những đô thị lớn của miền Nam, nhất là khi ấy tôi đang ở Sài Gòn. Trước mắt chúng tôi sự hào nhoáng của một đô thị hoa lệ vẫn còn nguyên vẹn (sự tài tình của chúng ta là đã biết cách kết thúc chiến tranh theo cách hoàn hảo nhất). Nó hoàn toàn khác với những gì chúng tôi hình dung. Con người cũng vậy, nhân dân mình cả thôi, nhưng rất khác. Rồi cũng không dễ dàng quen ngay được với cái sung sướng của những ngày đầu tiên không có bom rơi đạn nổ, được ăn no và yên tâm rằng ngày mai chắc chắn mình vẫn được ăn no.

PV: Sau “cú sốc văn hóa” đó, ông tìm thấy ở văn học điều gì cho niềm tin, lý tưởng và tâm hồn mình? Công việc sáng tác lúc này có phải mang thêm ý nghĩa gì mới so với những ngày viết dưới làn đạn, viết ngay trong khói bom chưa kịp tan?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Những ngày đó tôi đâu còn tâm trí đâu mà nghĩ đến chuyện viết lách. Tôi trở nên lười biếng rong chơi mất một thời gian, có điều mỗi khi nghĩ đến văn chương tôi đều tâm niệm rằng nhất định tôi sẽ phải dành hầu hét phần đời còn lại của mình để viết về cuộc chiến đã qua, viết về đồng đội của mình ,viết về nỗi đau của một dân tộc bị giằng xé, chia rẽ bởi chiến tranh. Có lẽ đó là công việc xứng đáng nhất mà tôi có thể làm để nhớ về những đồng đội đã hi sinh, để vinh danh một thế hệ đã chịu nhiều hi sinh mất mát vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

PV: Ông là một trong những nhà văn (hiếm hoi) vừa cầm súng trực tiếp chiến đấu tại những chiến trường ác liệt nhất, vừa viết văn trong chính những năm chiến tranh diễn ra gay gắt nhất; ông lại là người vừa quan sát cuộc chiến ở tầm khái quát, vừa thu lượm được những chi tiết cụ thể của đời lính; những trải nghiệm ít nhiều gây nên ám ảnh này đã có khi nào trở thành một “chướng ngại vật” cho sáng tác về cuộc sống hiện đại của ông?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Có lần tôi đã nói, đối với những nhà văn từng trải qua chiến tranh thì những trải nghiệm của họ vừa là thế mạnh vừa là điểm hạn chế. Mạnh vì cái gì thì các bạn đã rõ cả, nhưng còn sự hạn chế lại chính là ở chỗ họ biết quá nhiều sự thật khốc liệt, sự éo le của những số phận, và cả sự phi lí cuả chiến tranh; đến nỗi viết ra cái gì cũng thấy nó còn nhợt nhạt sao đó so với hiện thiện thực khốc liệt mà mình đã trải qua. Còn trong cuộc sống, những người lính từng sống nhiều năm trên các chiến trường cũng ít nhiều “loạng quạng” khi trở về với đời thường. Họ có một niềm tin rất ngây thơ rằng, đến khó khăn ác liệt như ở chiến trận mà mình còn vượt qua được thì trong đời thường có cái gì cản bước được mình. Đến khó như đánh thằng Mỹ mà còn đánh được thì cái gì mà không làm được. Cách nghĩ ấy sẽ dẫn họ tới sự chủ quan, duy ý chí và vì thế nhiều người trong số họ đã “vấp ngã trong thời bình” là vì vậy.

PV: Tiểu thuyết xuất bản gần đây nhất của nhà văn Khuất Quang Thụy: “Đối chiến”, là một tác phẩm được bạn đọc sinh sau năm 1975 tìm đọc một cách thú vị. Bởi lẽ theo họ, đọc “Đối chiến” như được xem một cuộc cờ mà mình biết trước cách “bày binh bố trận” của cả hai bên, nhưng vẫn vô cùng hồi hộp với những biến ảo khôn lường trong các nước đi… Điều này khiến họ háo hức đọc hết gần 1.000 trang sách. Ông có cho rằng mình đã thành công trước một việc mà nhiều nhà văn ngoài 60 phải ước muốn: kéo được sự quan tâm độc giả trẻ đến với văn học chiến tranh?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Nếu tôi đã làm được như vậy thì quá tốt. Nhưng có lẽ tôi chỉ thành công ở một vài khía cạnh nào đó thôi. Điều tôi hài lòng là những người trong cuộc, cả ở hai phía cuộc chiến đều đón nhận nó. Coi “Đối chiến” là một trong số không nhiều những tác phẩm viết về chiến tranh một cách trung thực, sinh động và vượt qua được thứ mà ta quen gọi là “văn chương tả trận” thông thường.

PV: Xin nhà văn cho phép tôi đặt giả thiết: Nếu không có cuộc chiến tranh chống Mỹ, nếu không phải dành hết cả sức trẻ của mình cho những tháng năm chiến trận, thì ngày hôm nay, Khuất Quang Thụy sẽ là một quý danh gắn với sự thành công ở lĩnh vực nào?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi không thể biết được. Nhưng cắc chắn sẽ không phải là một nhà văn như kiểu Khuất Quang Thụy mà bạn được biết.

PV: Câu hỏi cuối cùng với nhà văn Khuất Quang Thụy: Điều gì khiến ông mệt mỏi nhất trong cuộc sống hiện tại?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Sự thay đổi như chong chóng của các thang giá trị.

Xin cảm ơn đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy. Xin chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và sự bình an.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...