Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

“Gia đình có thể không đủ đầy cha mẹ, nhưng vẫn có thể hạnh phúc”

Vân Anh (thực hiện) - 28-06-2011 10:26:08 AM

VanVN.Net - …gia đình có thể là đề tài sáng tác trực tiếp, nhưng cũng có thể xuất hiện gián tiếp trong các sáng tác về bất kỳ đề tài nào. Trong sáng tác của tôi cũng vậy, các mối quan hệ trong gia đình luôn được đả động đến. Đặc biệt, tôi luôn muốn xây dựng hình ảnh những ông bố và những đứa trẻ theo quan niệm của mình. Tình phụ tử cũng thiêng liêng và chứa đầy những cảm xúc, những sức mạnh bí ẩn cần được khám phá, không kém gì tình mẫu tử… (Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh trò chuyện với PV vanvn.net nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6)..

TS. Thụy Anh

PV: Thưa TS. Thụy Anh, quan niệm của chị như thế nào về một gia đình hạnh phúc? Theo chị, mô hình gia đình Việt nam truyền thống có còn được giới trẻ đón nhận một cách nồng nhiệt hay không?

TS. Thụy Anh: Quan niệm về một gia đình hạnh phúc của tôi được hình thành ngay từ thơ ấu, chứ không…đợi đến ngày Gia đình VN hôm nay mới có đâu. Đó là cha, là mẹ, là những đứa con, là mối liên hệ tình cảm tin yêu, tôn trọng giữa tất cả những thành viên ấy. Nhưng quan niệm ấy cũng không nên và không thể là bất di bất dịch mà với mỗi lứa tuổi, sau mỗi quãng đường trải nghiệm cuộc sống, lại có thêm những khía cạnh mới.

Đối với tôi, khía cạnh đó sẽ là vị tha hơn, thấu hiểu hơn, biết chấp nhận hơn, ít định kiến hơn và cũng có thể là cả quyết liệt hơn nữa! Giờ đây, trong xã hội hiện đại của chúng ta, cấu trúc một gia đình có thể có đủ đầy cha mẹ, có thể có những gia đình thiếu đi một người, hay những gia đình cha mẹ ly hôn – thì những gia đình như thế vẫn đều có thể được hạnh phúc. Quan trọng hơn cả là, đã là một gia đình thì mỗi thành viên phải thật sự tôn trọng cảm xúc, mong muốn của nhau, dành cho nhau dù ít thời gian thì khoảng thời gian ấy phải thật chất lượng.

Đừng để bất kỳ điều gì xen vào thời khắc gần gũi, giao lưu tình cảm giữa vợ với chồng, giữa cha/mẹ và con cái – cho dù là công việc, là ông “sếp” đáng kính của bạn hay bất cứ điều gì hay ho, hấp dẫn khác nữa. Tôi nói thêm từ “quyết liệt” – ý muốn nói đến sự đòi hỏi chính đáng từ phía bất kỳ một thành viên nào trong gia đình: nhu cầu được hiểu, được chia sẻ, được tham gia vào cuộc sống chung của gia đình.

Đã là gia đình thì phải thật sự êm, ấm, kính trọng, yêu thương… chứ không phải chỉ là một nơi để về cuối ngày, một “đơn vị” xã hội được tồn tại một cách hình thức. Với cá nhân tôi, gia đình, trong khái niệm đó dứt khoát phải có một bữa cơm chung trong ngày. Khi không có được điều này, tôi thấy gia đình đang biến mất.

Tôi không rõ mô hình gia đình VN truyền thống mà bạn nhắc ở đây là gì, nhưng cũng như tôi đã nói ở trên, giờ đây, phải bớt mọi định kiến trong việc xây dựng tất cả các khái niệm. Trước đây, gia đình cứ phải thật đông đúc, ông bà cha mẹ cháu chắt đầy đàn mới được coi là hạnh phúc thì sau này, người ta coi mẫu gia đình có bố mẹ và “chỉ có” 2 con mới là mẫu gia đình lý tưởng! Bây giờ, mô hình đó cũng lại đôi chút khác đi rồi. Theo sự phát triển của xã hội, sự nhận thức và thu nạp những triết lý sống khác nhau, đa chiều, mà mô hình gia đình Việt Nam cũng sẽ biến đổi theo. Không nên “đóng đinh” mọi khái niệm. Việc bàn xem giới trẻ có đón nhận không những khái niệm, những mô hình ấy – theo tôi không quá cần thiết. Điều cần hơn là làm sao những người trẻ biết sống có trách nhiệm với gia đình của mình, cho dù là mô hình nào đi chăng nữa. Một cá nhân cần phải học cách sống hài hòa với một cộng đồng - gần nhất là gia đình, những người thân – biết cách làm cho cộng đồng nhỏ ấy của mình được hạnh phúc, từ đó tìm thấy ý nghĩa và niềm vui của cuộc sống gia đình.

PV: Trong những sáng tác của mình, chị có quan tâm đến đề tài gia đình hay không? Chị có thể chia sẻ một chút về gia đình hiện tại và gia đình trong những sáng tác của chị?

TS Thụy Anh: Theo tôi, gia đình có thể là đề tài sáng tác trực tiếp, nhưng cũng có thể xuất hiện gián tiếp trong các sáng tác về bất kỳ đề tài nào. Trong sáng tác của tôi cũng vậy, các mối quan hệ trong gia đình luôn được đả động đến. Đặc biệt, tôi luôn muốn xây dựng hình ảnh những ông bố và những đứa trẻ theo quan niệm của mình. Tình phụ tử cũng thiêng liêng và chứa đầy những cảm xúc, những sức mạnh bí ẩn cần được khám phá, không kém gì tình mẫu tử…

Những thành viên trong gia đình nhiều khi hy sinh cho nhau thì dễ, mà hiểu được nhau lại phải trải qua một chặng đường dài. Một sợi tóc của người vợ vương trong bát cơm có nói đến điều gì, một đứa con được sinh ra ở nước người lại có những mối quan tâm cụ thể về Tổ Quốc mình mà không được cha mẹ đáp ứng, mối liên hệ cảm động giữa cha và con khi đã ở hai cõi âm dương, những phán đoán về tình yêu giữa cha và mẹ trong suy nghĩ một đứa trẻ… – đó là hình ảnh “gia đình” thấp thoáng trong các trang viết của tôi, nhưng cũng đã đủ để tôi gửi gắm nhiều điều.

Gia đình tôi mới ở Nga về được hơn hai năm nên tất cả các thành viên trong gia đình đều phải đối mặt với những “khủng hoảng” không thể thiếu khi rơi vào một môi trường mới. Chẳng hạn, về nếp sống. Ở Nga, hai ngày cuối tuần là hai ngày bất di bất dịch của gia đình. Nhưng ở Việt Nam, tôi cảm thấy công việc có thể chi phối con người ta vào bất kỳ lúc nào, thậm chí đi ăn uống, cà phê cũng có thể là vì công việc! Thời gian dành cho nhau ít đi, cuộc sống gấp hơn, cường độ làm việc cao hơn, áp lực kiếm tiền nặng nề hơn – nếu không khéo, người ta dễ mất phương hướng và mục đích sống. Tuy vậy, đó cũng là những va chạm cần thiết để chúng tôi có thể khẳng định được ý nghĩa của gia đình đối với mình qua sự sẵn sàng điều chỉnh bản thân của mỗi thành viên.

PV: Vừa là một người viết, vừa là một TS Giáo dục, chị quan niệm thế nào về trào lưu sống thử của giới trẻ. Liệu sống thử có phá vỡ mất những điều tốt đẹp của mô hình gia đình truyền thống hay không?

Nhà văn Thụy Anh: Như tôi đã trả lời ở trên, rằng “phải bớt mọi định kiến trong việc xây dựng tất cả các khái niệm” trong xã hội. Điều tôi quan tâm là cách giáo dục con cái của mỗi gia đình như thế nào – nhiều khi, chính sự định kiến, một chiều, ít chia sẻ, ít quan sát để thấu hiểu cảm nhận của người thân… sẽ đẩy người trẻ đến với phong cách sống/lối sống tiêu cực. Đây là tôi nói chung chứ không chỉ nói đến khái niệm “sống thử”. Có rất nhiều điều có thể phá vỡ một gia đình chứ không chỉ khái niệm “sống thử”!

Thú thật, tôi không thích khái niệm này lắm vì có thể sẽ vơ đũa cả nắm. Những người trẻ sống thiếu trách nhiệm với bản thân và người khác, sống vụ lợi, lợi dụng người chung sống, được chăng hay chớ… cũng gọi là sống thử. Những người vì một lý do nào đó đến với nhau mà không/chưa cưới hỏi cũng được/bị gọi là sống thử. Ở đây, tôi nghĩ đến một vấn đề - về tâm linh. Tôi nhớ ở bên Nga, nhiều người trẻ cưới nhau tự nguyện đến Nhà thờ xin làm phép cưới. Với họ, sự thiêng liêng của hôn nhân được Nhà thờ làm chứng khiến họ luôn cố gắng tìm cách đối thoại, xây dựng quan hệ gia đình một cách tích cực để có thể đồng hành với nhau trong đời.

Tôi nhắc chuyện này vì nghĩ rằng, với những người không có trách nhiệm, không coi trọng hôn nhân, gia đình thì sống thử hay sống thật cũng chẳng có ý nghĩa gì. Còn với những ai coi điều ấy là thiêng liêng, thì việc họ sống với nhau một thời gian rồi mới đi đến lễ cưới cũng không quá ảnh hưởng đến gia đình của họ sau này.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...