Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Ngày giỗ họ" của Lưu Quốc Hoà

24-08-2013 11:11:24 AM

VanVN.Net - Lâu lắm rồi họ Đồng mới tổ chức giỗ họ. Sự kiện ấy làm con cháu náo nức đến cuồng nhiệt. Trước đấy cả tuần lễ, ông Trưởng tộc Đồng Văn Nhâm luôn đóng complê cả hộp. Ông là bậc đức cao vọng trọng của cả họ. Ông còn vượng lắm, năm mươi sáu tuổi tóc vẫn đen nhánh, răng trắng và khít, cắn xương gà, xương chó cứ rôm rốp, mặt mũi lúc nào cũng đỏ ke ke, cái bắt tay dẻo oặt, miệng cảm ơn trơn nuồn nuỗn. Nếu không mắc cái lỗi lòng bàn tay tứ thời nhơm nhớp thì ông là một nhà ngoại giao có hạng. Ông đang làm sếp một sở trong tỉnh, có kẻ thưa người bẩm, lắm lộc tứ phương. Đường quan lộ ông hanh thông, gia sự đề huề. Ông trưởng tộc “xịn” như vậy, ai trong họ chẳng ngưỡng mộ.

Thế gian vẫn bảo “được vợ hỏng chồng”, câu ấy sai bét với ông: bà trưởng cũng phát tướng mệnh phụ, đang là chủ nhà nghỉ Lan Ngọc. Cái eo, cái mông, cái bụng bà mụ nặn đến khéo, nó vừa kín đáo, vừa bí hiểm lại vừa phô phang. Con người bà phát lộ một cảm xúc mơ hồ, si mê và lãng mạn với đám mày râu. Nếu không vì cái miệng quá bé lại hay lép bép thì nhan sắc bà thật hoàn hảo. Quả thật nhìn kỹ miệng bà, người ta hay liên tưởng đến nhát rạch vụng của lão thợ hoạn... Bà mụ đỏng đảnh và tai ác đến thế là cùng.

Nhà thờ họ được khởi công trước ngày giỗ trọng khoảng hai tháng. Ông Trưởng tộc giải thích hôm động thổ với cả họ: “Vạn sự khởi đầu nan, họ ta lấy ngắn nuôi dài, cứ phải có nhà thờ đã thì mới quy tụ được dòng tộc”. Thế là mấy rặng xoan tươi, bạch đàn non bị đám thanh niên cưa cắt đổ rầm rầm. Sợ mọt ăn, người ta đốt gỗ để hãm nhựa đắng. Đòn tay đã có bương tươi Thanh Hóa, mái chỉ lợp tạm ngói Hương Canh... Nhà thờ xây chóng vánh như thời bao cấp làm lán trâu hợp tác. Các họ khác xì xào bàn tán nhiều về cái Từ đường của họ Đồng. Kệ họ, ông trưởng Nhâm trấn an con cháu:

- Bách nhân, bách khẩu, chấp làm gì! Mỗi người mỗi mưu, mai kia con cháu ở tỉnh xa giàu có, rồi bên ngoại quốc nó về tài trợ, ta xây gấp chín lần thế này, cho họ khác ức đến nổ mắt ra.

Cả họ không tin lắm. Ông là người có chức có quyền,  đa mưu túc kế, bà nhà lại giỏi đồng cốt, cúng bái thì phúc lộc chan cả họ được nhờ. Thế mà…

Họ Đồng ở đất này lâu lắm rồi. Gia phả  ghi, vào năm 1789, nghĩa quân Nguyễn Huệ, sau khi đại phá quân Thanh trên đường trở về Phú Xuân, qua đây thấy cảnh đẹp đất tốt, một số quan binh  đã trình tấu minh quân xin ở lại, trong đó có cụ tổ họ Đồng. Cứ thế gia phả dòng họ từ chỗ lót đót đến nay đã xum xuê với những chi, những ngành nội ngoại bám rễ vào mảnh đất Bắc Hà từ thế kỷ XVII. Vốn là dòng họ thông minh, cần cù, hiếu học, con cháu các đời đều có người hiển đạt. Bà Chủ tịch tỉnh đương nhiệm Đồng Thị Nhật Vân  là con cháu họ Đồng.  Cô Vân là niềm tự hào lớn nhất của dòng họ ta từ xưa đến nay - Các cụ  cao niên hỉ hả vuốt chòm râu bạc. Mà tự hào thật, cứ nhìn cái cách bắt tay  của bà Vân với các đối tác nước ngoài được truyền hình tỉnh ghi lại cũng đủ thấy, một cái bắt tay không hề nhún mình, cầu cạnh, xu nịnh. Đấy là cái bắt tay giàu tự trọng, giàu bản lĩnh của người cầm cân nảy mực. Các cụ già trong họ có lần nhìn thấy bà trên tivi đã vỗ tay đen đét:

- Ái chà chà! Thế mới là con cháu họ Đồng ta!

Nhưng hãy trở lại với ngày giỗ, cái ngày trọng đại mà ông Nhâm đang đứng ra điều hành.

Từ sáng sớm, trước nền sân từ đường đã nhộn nhạo khác thường. Ban khánh tiết họ Đồng đã nhanh ý té vào cái nền mới làm còn lầy lội  một xe công nông đá mạt, trải tấm bạt rộng phủ lên trên nhìn cũng đẹp mắt. Con cháu bầu đoàn thê tử từ các xóm đồng chiêm vần vần kéo lên.

Các cụ ông, cụ bà cao tuổi áo the, khăn xếp chỉnh tề, ngục ngặc chống gậy, miệng thở pho pho. Các cụ cựu sĩ quan quân đội đeo huân chương vàng chóe. Công chức complê, cà vạt chỉnh trang. Lũ con cháu hậu duệ bảy, tám đời từ các thành phố lớn theo cha mẹ về rực rỡ tươi trẻ như những đám mây ngũ sắc, quần áo, giày dép, máy ảnh, máy camera lỉnh kỉnh đung đưa theo nhịp đi. Nghe tin giỗ họ, chúng theo cha mẹ về pích ních một chuyến. Mang tiếng có quê có quán mà nhiều đứa có biết quê ở chỗ nào đâu?

Chiếc loa nén miệng to như cái sàng được treo tít lên cây muỗm, trợ sức cùng mấy cái loa thùng to tổ bố đặt ở hai bên cánh gà, thỉnh thoảng lại ré lên từng hồi chói gắt, lũ trẻ rụt cổ bưng tai. Ông Trưởng tộc dù đã cố công đắp “gôm” lên đầu nhưng giữa bao nhiêu bề bộn, tóc ông trở nên lả thả, xõa xượi, có đám dựng lên như lông nhím, có đám vểnh ngang như râu dê. Chả là ông phải trườn, phải nhoai như con lươn giữa những hỗn mang để điều hành công việc. Bắt tay, ôm, hôn, gật, cười, đập, vỗ, nói nhẹ và quát to, trịch thượng và quyền bính, khiêm nhường và kính cẩn... Đủ cả. Ông là tổng hòa của tất cả các mối quan hệ, một núi  việc cả họ giao phó.

Bà trưởng hôm nay được dịp phô diễn vai trò của mình. Khác mọi ngày, bà mặc váy đen để lộ cặp ngà voi hủng hỉnh những thịt, hôm nay bà chọn quần bò zin, áo phông cổ lửng. Bà nghĩ, ngày lễ trọng phải nai nịt cho thật kín đáo, với lại mấy lão đàn ông khách khứa trai lơ cứ thấy bà mặc váy là nhìn vằm vặp đến... cháy cả đùi. Có lão còn ngồi sán lại, thỉnh thoảng táy máy rút di động, tiện tay rờ nhầm vô tội vạ. Có lão nhăn nhở khen: “Cặp bánh dày em đẹp thật, của Tây Thi cũng thế là cùng”. Hôm nay bà trưởng đoan trang lắm, hiền thục lắm, tay bà nhoay nhoáy xếp lễ vật, cặp mắt quét nhanh liên liến điều hành việc cúng lễ, cái tay búp măng đầy nhẫn mặt ngọc vái dẻo quẹo. Thế mới biết cái gì cũng phải có thâm niên. Khấn vái như mấy lão thợ đấu đến là thô, khấn khứa gì mà cứ sầm sập như hạ kéo cắt đất. Vừa hành sự bà vừa nghĩ lẩn mẩn như thế... Nếu không vì cái miệng đắp son quá cỡ, hôm nay chắc bà ăn ảnh lắm. Ừ, mà mấy thằng quay phim nó toàn chọn mình theo góc xiên...

Bà Vân đang đi vào. Quái lạ! Sao hôm nay bà ăn mặc chẳng “xứng kỳ đức” tí nào. Cái xe bốn chỗ đen nhẫy đâu không đi lại tòng tọc đạp cái mini Nhật. Lỉnh kỉnh hai cái túi xách treo trên ghi đông. Ai cũng ngơ ngác. Bà là niềm kiêu hãnh của dòng họ, tuy ngôi thứ chỉ là hàng cháu nhưng chức quyền lồng lộng. Một chốc thôi, tất cả nhanh chóng tỉnh lại. Bao nhiêu cái mông nhổm lên, bao nhiêu bàn tay rụt vội khỏi túi áo, túi quần. Ai cũng định chen ra trước nhưng người nọ ngại người kia. Họ ngại các bậc trưởng lão đang giương kính đít chai hầm hầm soi mói. Ông trưởng Nhâm hớt hải chạy ra trước, xòe cả hai tay ngật ngật cái đầu bả lả:

- Gớm! Cả họ mong cô, sao giờ mới về, bận họp hả.

Bà Vân ý tứ khom lưng thấp hơn ông trưởng, đưa cả hai tay ra bắt rồi vỗ vỗ lưng ông thân mật:

- Bác để em vào chào các cụ, các cụ đang nhìn kia kìa! Không khéo lại bị mắng ngập đầu.

Bà nhanh nhẹn sải bước đến nơi các cụ cao niên, vòng tay  kính cẩn thưa:

- Con chào các cụ, các ông, các bà họ nhà ta! Dạ, lâu lắm mới có vinh hạnh này để chúng con được gặp các cụ. Chúng con bận công tác ít có dịp vấn an, xin các cụ đại xá cho ạ!

Dường như mọi  ánh mắt đều đổ dồn về phía bà Vân. Ông cả Điềm trưởng chi à lên:

- Con Vân đấy à! Ngoan lắm! Thế mới là con cháu họ Đồng, mà chồng cháu đâu lại đi một mình hả?

- Dạ thưa! Nhà cháu tái phát vết thương cũ, không đi được nhờ cháu khất lỗi giùm!... Dạ, cháu xin được ra ngoài lo việc.

Bà đi giật lùi, qua cửa từ đường mới bước đi bình thường. Bà tươi cười chào cả họ, rồi tiến lại chiếc xe đạp lấy lễ vật trịnh trọng xếp lên khay. Bà trưởng tộc được dịp tiếp cận “cô em chủ tịch” nên chân tay cứ cuống cả lên, cái miệng chun chun bé lại, chẳng hiểu sao bà lại thè cái lưỡi mào gà liếm ngoèn ngoẹt lên cái môi cũng đỏ khé như mào gà. Bà Vân dâng hương xong, ông Nhâm đã đứng cung cúc bên cạnh. Khoan thai và niềm nở, ông đưa tay chỉ hàng ghế đầu. Bà Vân lại vỗ vỗ đập đập vào lưng ông trưởng:

- Em là hàng con cháu, em phải làm đúng phận sự.

Nói xong bà tiến lại cái xe đạp lôi ở túi thứ hai một chiếc tạp dề vàng chóe đeo vào người.

- Cô làm gì thế! Định vào bếp à? Chết thật! Ai lại làm thế! Anh van cô, người ta cười cho.

- Bác nghĩ gì lạ thế! Tại sao  người ta có chức có quyền lại tự ý tách bổn phận mình ra khỏi họ hàng?

Em nghĩ ta nên làm gương cho thế hệ sau từ việc làm nhỏ nhất.

Kẻ lôi, người kéo, cái tạp dề đã được nút lại cứ bị ông bà trưởng đứng kèm hai bên nhọ nhạy cởi ra. Bà Vân hơi bực mình:

- Bác nên đi làm phận sự của mình đi! Nếu cứ thế này, dâng hương xong là em xin phép ra về cũng không ai trách em được.

Thế là bà Chủ tịch phăm phăm tiến lại nơi làm cỗ. Ở đấy, mấy chị mấy bác trong họ đang tất tả đi lại, chỗ thì nhặt rau, chỗ thì chặt thịt kênh kếch. Chảo chim cút quay lúc búc sôi, những con gà luộc vớt ra vàng hếch, nhẫy nhụa mỡ, những tảng thịt quay vàng suộm, tất cả dậy lên một mùi bếp núc ấm cúng... Bà Vân nhập đám thật tự nhiên. Bà hào hứng cầm dao lọc thịt, vừa làm vừa hướng dẫn. Thấy anh cu Thong chặt lộn đôn lộn đáo thịt gà, bà sấn lại giành phần, vừa làm vừa giảng giải:

- Kiểu cháu chặt là kiểu ngày xưa, thời bao cấp đói kém, một con gà luộc chia năm, sáu đĩa con, độn cổ cánh ở dưới, xếp ngửa lên, sau đó úp đĩa lộn ngược cho đầy, cho đẹp. Bây giờ no đủ, một con gà chỉ chia hai... Đây này, xem cô chặt nhá!

Một đĩa thịt gà khít khịt với đầy đủ đùi lườn, xương nạc bày thật khéo. Nhát chặt gọn tưng, một loáng đã xuất xưởng. Ba cái lá chanh xếp lại, mấy lát vỏ cà chua cuộn đẹp như đóa hoa hồng nằm giữa. Ôi chao! Thế mà không biết! Đẹp đến phát thèm. Mấy bà nhà quê cứ ngây ra, tưởng bà Chủ tịch chỉ giỏi ra lệnh, ai ngờ nấu ăn khéo thế.

Vừa làm, bà vừa tâm sự:

- Dù có làm vương làm tướng gì thì phụ nữ vẫn là phụ nữ, thế gian vẫn bảo: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Đàn bà nấu ăn không khéo là hỏng to đấy! Ngày xưa con gái phải học từ khi lên năm, lên sáu “hai tay chín bếp còn chòi gạch cua”. Con gái ngày xưa mẹ dạy cẩn thận lắm, từ dần sàng khâu vá bếp núc. Phận con gái phải nhớ bốn điều: Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Đoảng cái ấy là ế chồng đấy!

Bà cười ngất. Ôi vui quá! Con người hạnh phúc nhất là tháo bỏ được những khiên cưỡng để trở lại với chính mình.

Bà Vân chợt giật mình ngẩng lên. Cái gì thế kia hả giời? Xe ở đâu cắn đuôi nhau tiến về nhiều đến thế, toàn xe biển xanh mang số tỉnh nhà!

Các đoàn khách đang sửa lại áo quần, xủng xỉnh xiêm y tiến vào từ đường. Lễ vật, phong bì ngần ngật xếp lên khay. Ông bà trưởng tộc quýnh cả lên. Ông trưởng rối tinh trông như quan hề, bà trưởng cử động “bất an” liếm môi nhun nhút. Ai dâng hương xong cũng láo liên xem bà chủ tịch ngồi ở ghế nào... Giỗ họ nhà bà chủ tịch mà lại! Người ta chỉ nhớ như thế...

Bà Vân mở di động gọi cho ai đấy.

Chưa kịp cất điện thoại đã thấy ông trưởng khom lưng bên cạnh lạy như tế sao:

- Anh lạy cô! Anh lạy cô! Cô mà không ra bây giờ thì khốn cho cả họ.

Hình như không kìm nén được cơn giận, bà Vân đập cái dao xuống thớt đánh “phạch”, đám mỡ gà phụt tứ tung lên áo quần cả hai người. Bà dằn giọng:

- Bác trưởng, bác đã làm một việc trọng tội với tổ tiên, xúc phạm đến danh dự tôi, danh dự bác...

- Giời ơi! Bà kêu lên đau đớn.

Nhận điện thoại, bà Chánh văn phòng lập tức có mặt. Bà Vân chỉ vào đống phong bì cả quyết:

- Em giúp chị. Quản lý tốt đống phong bì kia, ghi rõ tên người gửi. Sáng mai giao ban, chị xin nhận lỗi việc này.

 

(Văn nghệ số 33/2013)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...