Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Cánh cửa tâm hồn mở về phía trời cao

(Đọc tập thơ Sông Trời Hoa Khói của Nguyễn Thanh Lâm – NXB Hội Nhà Văn 2013)

Chử Văn Long - 23-12-2013 02:42:23 PM

Sinh thời Xuân Diệu từng bàn: “Để viết bài tiểu luận phê bình cho một tập thơ, trước tiên phải mở được cánh cửa tâm hồn của tác giả. Nhưng cánh cửa tâm hồn của nhà thơ qua mỗi tập thơ đâu có giống cánh cửa những ngôi nhà. Đâu là cửa chính, cửa sổ, đằng trước, đằng sau… có khi cánh cửa mở lên trời”.     

Đọc tập thơ “Sông Trời Hoa Khói” của Nguyễn Thanh Lâm mấy lần chưa tìm được lối vào cho bài viết, tôi bỗng nhớ lại câu nói của Xuân Diệu “… Có khi cánh cửa mở lên trời!”. Đi sâu vào tập sách tôi đã gặp những trạng thái thao thức ấy: “Tiếng chim đưa hồn ta lên trời/  Trên ấy không có gì/ Không có tiền, không tình yêu, không quyền lực/ Nhưng lòng ta hạnh phúc” (Bỗng Dưng).

Những câu thơ tiếp theo làm ta tin được bởi sau bao thao thức là trạng thái ngất ngư hồn say hơn: “Ở giây phút này tôi tin được/ Giác quan tôi trong suốt/ Hồn tôi rỗng không/ Không vương chút bụi trần” (Tin và không tin)         

Cuộc đời thật, cả những thiền sư đắc đạo có thể rũ bỏ hết được mọi điều ràng buộc nhưng có ai sống được trên trời, huống chi tác giả những câu thơ này, nhờ giây phút thăng hoa ngộ ra được nỗi khổ đắm chìm ở mỗi con người mà hồn anh vỗ cánh bay lên. Nhưng lại chính ở nơi bầu trời tưởng có thể thoát được đau khổ, với lý trí nhạy bén anh lại thấy lấp ló điều gì đó khó thoát nổi ra dù ở trên trời hay dưới đất: “Nhưng cuộc sống tựa bầu trời/ Không có con đường” (Cuộc sống).

Và cuộc sống có hạnh phúc hay không nhiều khi lại do chính mắt ta nhìn: “Cá vàng hóa thơ trong đời mộng/ Phóng sinh cho tình yêu trở lại bến đời” (Cá vàng hồ tây)

Bầu trời và mặt đất trở thành hai cực nam châm luôn giành lấy thi sỹ, và lúc đốn ngộ nhất đã mở sáng lòng anh: “Chỉ khi ham muốn không còn/ Sự đầy đủ mới phát sinh”.

Nếu mỗi con người ai cũng tìm được trạng thái – chỉ cần biết vui với những gì mình có, chắc con người đã thân thiện cùng nhau, gần gũi nhau hơn nhiều, nói chi đến không còn ham muốn.

Đọc nhiều bài thơ ngỡ tác giả đã có được bản lĩnh sống tự tại, vững vàng. Nào Lão Tử, Trang Tử, nào trạng thái tâm thiền  Ôshô, nào ngón tay chỉ trăng của phật. Thật ra con người dù có thể bớt đi được mọi ham muốn ở đời, nhưng lòng càng trong sáng, càng hiểu biết sâu sắc càng buồn. Ta hãy đọc những câu thơ trong đêm mưa khi chỉ nghe những tiếng còi tàu: “Gió đưa vào phòng ta rộng mở/ Ta dang tay đón tiếng còi tàu/ Gục vào ngực ta/ Niềm thương nỗi nhớ/ Chi ly gặp gỡ/ Nồng mặn thương đau/ Ngực ta ướt đầm nước mắt”.

Mặc dù đã có lúc anh thật tỉnh táo: “Gương ơi/ Sao bạn vô tư nhận vào lòng tất cả/ Không lựa chọn ai soi ở lòng mình”.

Trăn trở kiếm tìm một đời để anh có được câu thơ thật hay: “Cõi mơ và cõi thực/ Nương vào nhau thành đôi”.

Thấy được điều này ta sẽ vượt qua được hết thẩy những khổ đau bất trắc ở đời. Thậm chí tâm hồn ta đôi khi vẫn được ngủ trong vòng tay hạnh phúc, bởi không ai có thể tước đoạt được giấc mơ của mỗi con người. Một khi còn giấc mơ thì cuộc đời thực luôn ẩn tàng những vẻ đẹp giản dị, đẹp đến không ngờ…

Như trong một mâm tiệc có khi những lá rau xà lách tươi mởn lại lấp lánh nổi trội lên hẳn những thức ăn sang trọng. Anh có đôi bài thơ không một chút cầu kỳ làm tươi nhẹ lại cảm xúc người đọc. Sau khi đọc cả tập sách chậm rãi suy tư: “Mải ngắm bông cúc mãi/ Em từ cúc bước ra/ Mắt cười tươi khẽ nói/ Em biết anh nhớ mà/ Hai đứa chuyện thủ thỉ/ Muôn tiếng thương thương thương/ Nắng dường như cố ý/ Lách qua cửa vô buồng/ Anh lấy ghế mời nắng/ Ngoảnh lại em biến đâu/ Bực mình anh trách nắng/ Nắng bảo: Em trong đầu”.

Thiên đường nào đẹp bằng trạng thái này nơi mặt đất và tình yêu không có tuổi. Người viết được những câu thơ này có lẽ là người biết luyện cả linh đan, bùa phép cho tình yêu, sẽ đi được với tình yêu cho đến ngày tận thế.

Để kết thúc bài viết cho “Sông Trời Hoa Khói” tôi xin dẫn thêm những câu thơ thiền của tác giả cho chọn vẹn: “Tất cả các cánh cửa hồn ta rộng mở/ Tràn đầy rỗng không” và “Hãy sống yêu hiện tại/ Mỗi ngày một màu hoa”.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...