Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Chảy tràn mùa thiếu nữ

(Đọc “Những ngọn sóng tỏa hương”, tập thơ, Trần Mai Hường, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Nguyễn Minh Khiêm - 24-12-2013 10:08:49 AM

Tập thơ có hơn bốn chục bài, đa phần là bài yêu. Một mạch thơ tình không dễ dãi, không dẫm lại ngôn từ, không vay mượn tâm trạng . Hầu như chỉ có một niềm cảm hứng cho mọi thi cảm là “Anh” nhưng Trần Mai Hường  chớp bắt, tách bóc, khu biệt xúc cảm trong từng trạng thái nhỏ nhoi, nhạy cảm, tinh tế nhất để tạo thành nhiều cung bậc, nhiều góc độ, nhiều trường độ, cao độ khác nhau trong một chữ yêu, trong một chữ tình. Trần Mai Hường trong thơ  sâu sắc, lột tả được hết nỗi niềm mình nhưng không dễ dãi, không tự nhiên chủ quan, không mang mọi gào thét xô đập của yêu nhớ giận hờn lên trang giấy. Chị ý thức là thi sĩ. Chị đang yêu cái yêu của khao khát cháy bỏng nhưng cũng đang tìm một cách diễn đạt mới, cách nói mới, cách đi mới cho cá tính một cây bút nữ.   

Ta ngỡ ngàng khi đọc câu thơ “Mùa thiếu nữ/ Dậy lên từ đôi gò chum chúm chũm cau” (Mùa). Trẻ khỏe, mới, lạ, tinh tế, gợi. Rất bản ngã. Rất con gái. Nhưng cũng rất thi sĩ. “Mùa chưa bóng dáng anh/ Chảy tràn trên khúc lãng du/ Em phóng sinh giấc mơ cuối cho mình” (Mùa). Táo bạo. Mạnh mẽ. Nếu chỉ yêu không, dục vọng không, giỏi lắm cũng chỉ thốt lên rạo rực lắm bằng ngôn ngữ đời thường mòn vẹt nhàm chán. Nhưng Trần Mai Hường đã có ý thức tìm tòi, tránh cái cũ ngay từ câu chữ đầu tiên. Hay trong bài Gửi Nắng, chị nói về nỗi bâng khuâng, chờ đợi mà mới lắm “Cuối đông chiều ấy sao đầy nắng/ Cỏ đợi thanh minh cũng giật mình/ Mới hay trời đất thương nhau lắm/ Nên gửi nắng về thức mùa xanh”. Câu ba thì cũ. Nhưng câu hai lạ và cái kết cũng lạ.

Không biết có phải lần đầu yêu hay không nhưng đọc câu thơ “Em đã dầm mình vào đám lục bình biếc tươi kia/ Giấu run rẩy suốt một chiều nắng mỏng/ Anh làm sông dệt khát khao thành sóng/ Vây bủa lục bình em” (Đa mang này tên anh), trừ cụm từ “dệt khát khao” hơi sáo, hơi nghèo khám phá còn cả khổ thơ cho ta cảm nhận một Mai Hường yêu đến run rẩy, yêu trong trẻo, muốn được ôm ấp, khao khát được ôm ấp nhưng vẫn kín đáo vô cùng. Ai cũng cảm thấy mãnh liệt, dữ dội khi đọc “Em xô lệch giữa điệp trùng dấu hỏi/ Đa mang này tên anh” (Đa mang này tên anh). Mãnh liệt hơn thế, quyết liệt hơn thế khi da thịt dậy sóng, nhà thơ viết “Kiêu hãnh đòi đảo chính/ Hóa thạch bỗng nảy mầm” (Ngày anh đến). Những cái gì là phẩm chất, những cái gì là đạo đức, những cái gì là gương sáng, những cái gì là mẫu mực bấy lâu nay chôn sâu, ghì sâu trong từng chiếc cúc kìm nén hạnh phúc đích thực của con người, chỉ một ngày anh đến tất cả bật dậy, đánh thức dậy, đòi bung ra, đòi cởi, đòi mở, đòi hưởng.

ấy thế mà không trần tục. Cái thanh tịnh, cái cao thượng, cái đẹp của thi ca vẫn đạt được. Cũng có lúc tác giả thú nhận “Em - Hạt sương kiêu hãnh trên nhành lá/ Sương sẽ hóa thân khi mặt trời trú ngụ” (Biệt khúc cho anh). Chấp nhận dâng hiến. Chấp nhận hóa thân. Yêu thế là bạo liệt. Dám đối mặt với sự thật. Kiêu kỳ, kiêu hãnh, kiêu sa thực chất chỉ là cái vỏ ngoài khi chưa gặp được người chinh phục được trái tim, chưa gặp được người dám nhảy vào hái đóa hoa ngọn lửa tình rực cháy.

Đôi lúc trong khoảng lặng, ngẫm lại những cuộc tình yêu dấn thân, thiêu thân “Sóng lòng dâng gọi mời”, giật mình, Trần Mai Hường tự hỏi “Biết đâu là tình thật?/ “Ngày thấy em – Tim rơi” / Biết đâu là lời thật/ Ngôn ngữ người rong chơi” (Đâu là tình thật). Đó là phân vân tất yếu. Sau cái say “rơi xuống vực rồi môi vẫn không rời nồng cháy trên môi” sẽ là câu hỏi: Yêu là gì nhỉ? Hạnh phúc là gì nhỉ? Phải chăng đó là nước mắt? “Bao năm rồi kỷ niệm kết xanh mây/ Hai đứa mỗi ngày mỗi lạc/ Em gom giọt nước mắt mang linh hồn dấu hỏi/ Về ủ men/ Cất rượu/ Tự say mình” (Linh hồn nước mắt). Cái hay của thi sĩ là thế. Cái khác biệt của thi sĩ là thế.  Thi sĩ không đập nát mình ra. Mà đem nước mắt “Về ủ men/ Cất rượu/ Tự say mình…”!

Chỉ một lần ra với Trường Sa, chỉ một lần ngắn ngủi, tình yêu dào đến với Trần Mai Hường ngọt ngào như thời mới lớn “Đảo đang già thoắt hai mươi tuổi/ Trước những cuồng phong/ Lại dịu dàng cổ tích/ Phút nụ bàng vuông bung vuốt cánh mềm” (Miên khúc đảo). Tình yêu có sức mạnh kỳ lạ thế. Nhà thơ Văn Đắc có câu “Bàn tay em nắm vào cành/ Thì bao nhiêu lá cũng thành lời yêu”. Quả thế. Câu thơ của Trần Mai Hường chính là linh diệu của trái tim. Em đến khiến “Nụ bàng vuông bung muốt cánh mềm” làm cho “Đảo đang già thoắt hai mươi tuổi”. Đó là một cái nhìn biện chứng, cái biện chứng trong duy cảm. Viết về tình yêu lính đảo tinh tế đến thế này, đẹp đến thế này thì không phải chỉ có trái tim đa cảm mà phải có một tâm hồn rất lãng mạn “Con ốc mặt trời giấu lòng mình kỹ thế/ chợt bừng lên mặt lính lúc cầm tay” (Trường Sa bình yên).

Trần Mai Hường cũng là một trái tim yêu mỏng mảnh, dễ rung động, mềm yếu. “Đừng chiêu dụ em bằng dịu dàng Mimosa/ Đừng thiêu đốt em bằng rừng rực Cúc quỳ/ Đừng dìm em bằng mê đắm thác Prenn hay hồ Than Thở/ Em – Người đàn bà nắng vỡ/ Gom góp trống không làm niềm tin thất lạc/ Gửi vào rừng ký tự mỗi chiều buông…” (Chối từ). Chị thú nhận: “Ai kiêu hãnh như ngàn đời con gái/ Ai thiêu thân giấu lửa giữa ngôn từ/ Ai khô khát đợi mưa về nõn lá/ Vườn địa đàng em chốt cửa hoang sơ” (Giận). Cái giận của con gái cũng mãnh liệt, cũng ghê gớm như cái thương cái nhớ. Yêu thì “Không thể tin mình lại nhớ anh đến thế” (Dỗ lòng). Giận thì quay mặt vào đêm… “Vườn địa đàng em chốt cửa hoang sơ…”.

Một giọt nước không thể minh họa một dòng sông, một vụng biển. Trần Mai Hường, thả mình vào trong từng con chữ để được trải nghiệm, được nghe trái tim mình dội sóng.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc…

VanVN.Net - Dường như cả cuộc đời ông muốn níu lại bất kỳ ai trên thế gian này để nhắn gửi. Có ai cưỡi ngựa về Kinh bắc…? Câu thơ giản dị mà giằu biểu tượng là thế của thi sỹ ...