Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Giới thiệu tập thơ “Beyond the court gate” của Đại thi hào Nguyễn Trãi

Vân Anh - Quyên Quyên - 23-05-2011 02:36:55 PM

VanVN.Net - Vào hồi 15h ngày 20/5/2011 tại Khoa Sáng tác và Lý luận- Phê bình Văn học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra buổi giới thiệu tập thơ “Beyond the court gate” (Rời xa triều đình) của Đại thi hào Nguyễn Trãi, được  chuyển ngữ bởi nhà thơ Nguyễn Đỗ và nhà thơ Paul Hoover, do Nhà xuất bản Counterpath Press (Mỹ) ấn hành năm 2010…

Buổi giới thiệu tập thơ trước thầy trò khoa Viết văn cùng đông đảo người mến mộ thơ ca có sự tham gia của hai dịch giả Paul Hoover, Nguyễn Đỗ cùng nhà PBVH Phạm Xuân Nguyên và nhà thơ Nguyễn Duy.  “Beyond the court gate” tập hợp 150 bài thơ của Nguyễn Trãi, được dịch công phu, có hệ thống; lần đầu tiên giới thiệu với độc giả Mỹ và các nước sử dụng tiếng Anh những sáng tác của một anh hùng dân tộc, một nhà thơ lớn của Việt Nam. Đây là buổi đầu tiên ấn phẩm thơ “Beyond the court gate” được giới thiệu với công chúng Việt Nam, và cũng là buổi duy nhất diễn ra tại Hà Nội.

Nhà thơ Mỹ hậu hiện đại Paul Hoover chia sẻ: "Riêng cá nhân tôi cho rằng, thơ Nguyễn Trãi hay hơn so với thơ Lý Bạch đời Đường". Đồng thời ông coi Nguyễn Trãi là nhà thơ tầm cỡ thế giới với tính hiện đại siêu thời gian. Paul Hoover đánh giá chính sức lôi cuốn từ thơ Nguyễn Trãi đã khiến ông cùng nhà thơ Nguyễn Đỗ quyết định chuyển ngữ. 

Chương trình gồm hai phần: phần đọc thơ và phần giao lưu. Nhà thơ Nguyễn Đỗ đã tâm sự rằng động cơ để ông chuyển ngữ thơ Nguyễn Trãi sang tiếng Anh xuất phát từ sự xúc động khi đọc thơ Nguyễn Trãi, từ một ý nguyện muốn mang thơ Nguyễn Trãi đến với cả thế giới.

Dựa trên cùng bản gốc là những bài thơ thất ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn của Nguyễn Trãi, nhà thơ Nguyễn Đỗ đã chuyển sang thể thơ Đường hoặc thơ tự do, nhà thơ Nguyễn Duy chuyển sang thể thơ lục bát, nhà thơ Paul Hoover chuyển ngữ sang tiếng Anh. Đó là một sự kết hợp đặc sắc của những nhà thơ trong vai trò dịch thuật. Những bản dịch đều tự nhiên, sát được ý mà không làm mất đi hồn thơ Nguyễn Trãi. Một số bài trong tập “Rời xa triều đình” cũng đã được giới thiệu trong tuyển tập thơ “Về Côn Sơn”  (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2009) - tập thơ được trình bày bằng 3 thứ tiếng Hán - Việt - Anh do nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên.

Qua phần đọc thơ, các dịch giả cũng đã bộc bạch tâm sự về những tài liệu lịch sử, những cảm xúc và tình yêu đối với thơ Nguyễn Trãi trên con đường tìm hiểu và dịch thơ ông. Trước khi đọc bản dịch lục bát bài thơ “Quy Côn Sơn chu trung tác” (Viết trong thuyền về Côn Sơn), nhà thơ Nguyễn Duy cho biết: trong một số bài thơ của Nguyễn Trãi thấy khá nhiều địa danh Trung Quốc, điều đó chứng tỏ Nguyễn Trãi đã bị đi đày ở Nam Kinh- Trung Quốc có đến mười năm; sau khi được nhà Minh trả về, nhân chuyến tìm về chốn cũ Côn Sơn, ông viết bài thơ này. Nhà thơ Nguyễn Đỗ nhận định: Nguyễn Trãi là một nhà thơ cổ điển mang tâm hồn của thi sỹ thế kỷ 21, trải qua nhiều nỗi đớn đau ông mơ ước giản dị: ước gì được như đôi hạc trắng chết bên cành hoa, không lấm bụi trần (Vãn lập- Đứng trong bóng chiều). Nhà thơ Nguyễn Duy cho rằng, thơ thời Lý Trần là thứ thơ “cao siêu”, nhưng thơ Nguyễn Trãi thật “lạ” bởi tác giả đã đưa những tâm sự đời thường vào trong thơ.

Phần giao lưu sôi nổi với những câu hỏi dành cho các dịch giả, tập trung vào chủ đề chính là công việc chuyển ngữ. Nói về công việc dịch thơ, dịch giả Phạm Xuân Nguyên cho rằng dịch thơ đã khó, dịch thơ cổ lại càng khó. Khi được hỏi về những khó khăn khi dịch thơ của một tác giả đến từ một thời đại khác, một nền văn hóa khác, nhà thơ Paul Hoover đã tâm sự rằng do có sự khác nhau của ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, nhất là về nhạc điệu, nên ông đã cố gắng chuyển cái phần nhạc điệu vào trong bản tiếng Anh. Ông còn chia sẻ thêm rằng tập thơ “Beyond the court gate” đã nhận được rất nhiều những phản hồi tích cực từ phía độc giả Mỹ. Chia sẻ này của ông đã làm an lòng một số độc giả vẫn lo sợ “sự chuyển ngữ sẽ giết chết tác phẩm”. Trả lời cho câu hỏi, tại sao thơ Nguyễn Trãi lại tìm được sự đồng cảm với độc giả quốc tế, các dịch giả cho rằng thơ Nguyễn Trãi mang tính hiện đại. Khi so sánh với thơ Đường là loại thơ gắn liền với “thi trung hữu họa”, nói cảnh ngụ tình thì thơ Nguyễn Trãi lại rất khác, chủ yếu nói trực tiếp từ tâm hồn, từ trái tim con người. Điều đó tạo nên sức mạnh bền vững của thơ, có khả năng cộng thông với các nền văn hóa khác. Với dịch giả Nguyễn Đỗ, thì tính triết học và chuyển dịch nhạc tính trong thơ Nguyễn Trãi chính là vấn đề khó khăn nhất ông gặp phải trong quá trình chuyển ngữ. Ông khẳng định, người dịch thơ phải có tâm hồn thơ sâu sắc và trước hết cũng phải là người sáng tạo.

Nhà văn Văn Giá trong lời cảm ơn cuối chương trình đã tâm sự rằng, lâu nay có những giá trị văn hóa, văn chương của dân tộc mà chúng ta vẫn mong muốn được đem đến với thế giới, nhưng quả thực kết quả hiện giờ vẫn rất thấp, chủ yếu trông vào những nỗ lực cá nhân. Và ông thật sự cảm kích khi thấy một dịch giả ở một chân trời xa, ở một nền văn hóa xa lại xúc động với nền văn hóa của dân tộc ta; buổi ra mắt đã góp phần thức tỉnh tình yêu văn chương,  mở thêm những suy tư cho nghề viết. Ông cảm động trước sự nỗ lực của nhà thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Đỗ, nhà thơ Paul Hoover và khẳng định đây là một tập thơ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn học đương đại.

Theo dự kiến chương trình, ngày 21/05, các dịch giả sẽ có mặt tại Côn Sơn - Hải Dương để làm lễ dâng sách, dâng hương tới vị anh hùng dân tộc, đại thi hào Nguyễn Trãi. Các cuộc giao lưu với dịch giả, giới thiệu cuốn sách tiếp theo sẽ diễn ra tại Nghệ An, Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh cho đến hết ngày 31/05.

(Nguồn: vietvan.vn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...