Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Sách Việt Nam cần được xuất hiện trở lại ở thị trường Nga

Igor Britov (Nga) - 10-02-2015 08:03:44 AM

VanVN.Net - Hướng tới Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III, dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền từ Liên bang Nga đã gửi đến VanVn.Net bản tham luận của Igor Britov, trưởng ban biên tập chương trình phát thanh khu vực châu Á Hãng thông tấn quốc tế “Nước Nga ngày nay” - người sẽ sang Việt Nam tham dự hội nghị vào tháng 3/2015.

Đôi lời về lịch s

Văn học Việt Nam được khá nhiều bạn đọc nước Nga biết đến, nhưng chủ yếu vẫn là độc giả thế hệ trước. Nửa cuối thế kỷ XX là khoảng thời gian các tác phẩm của nhà văn Việt Nam được liên tục xuất bản ở nước chúng tôi.  Ấn phẩm đầu tiên được dịch ra tiếng Nga là một tuyển tập nhỏ "Thơ Việt Nam", ấn hành năm 1955 tại Matxcơva. Còn từ năm 1979 đến hết 1985, bộ tuyển "Tủ sách văn học Việt Nam" gồm 15 tập ra đời, in 50 nghìn bản, trong đó tập hợp các bản dịch văn xuôi, thơ và kịch Việt Nam. Ngô Tất Tố và Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Thanh Tịnh, Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đình Thi và Tố Hữu, Xuân Diệu và Chế Lan Viên và nhiều tác giả khác đã được lên tiếng cùng độc giả Nga bằng tiếng Nga nhờ tài năng và công lao của các dịch giả Nikulin, Tkachov và Zimonina.

 

Nhưng đầu những năm 90 thế kỷ trước, mối quan hệ giữa hai nước Nga Việt phải trải qua giai đoạn suy yếu đáng kể, và điều ấy thể hiện cả trong công tác dịch thuật văn học Việt. Tác phẩm đầu tiên của tác giả Việt Nam được xuất bản sau 20 năm gián đoạn là cuốn "Nhật ký chiến trường của một bác sĩ" - năm 2012.  Nhưng thực ra đây không phải là tác phẩm văn học mà là cuốn nhật ký do một nữ anh hùng Việt Nam - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm ghi chép nơi tiền tuyến. Còn hiện giờ thì sao? Năm 2012 chương trình quảng bá văn học Nga-Việt ở hai nước do cựu Tổng thống Nga Medvedev đề xướng được đưa vào thực hiện. Các tác phẩm được NXB Lokid Premium ở Moskva chịu trách nhiệm xuất bản và Ngân hàng ngoại thương Nga chịu trách nhiệm đảm bảo tài chính cho dự án. Nhà xuất bản Nga làm việc trên cơ sở liên hệ mật thiết với Quỹ giao lưu và quảng bá Văn học Nga-Việt mới được thành lập ở Việt Nam, đứng đầu là nhà thơ- dịch giả Hoàng Thuý Toàn, nhà quảng bá Văn học Nga nổi tiếng chúng ta đều biết. Cho đến năm 2016, có 6 cuốn sách của các tác giả Việt được đưa vào kế hoạch xuất bản bằng tiếng Nga. Cuốn đầu tiên được in vào ngay cuối năm 2012: tiểu thuyết "Hồn bướm mơ tiên" của Khái Hưng do dịch giả Inessa Zimonina chuyển ngữ. Trong kế hoạch xuất bản của Lokid Premium còn có hai tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng và Nguyễn Xuân Khánh, các tuyển tập truyện ngắn và thơ của các tác giả đương đại Việt Nam, được sáng tác trong vòng 20 năm trở lại đây.  Tôi cũng vui mừng được tham gia vào công việc này. Được biết, hiện đang tổ chức dịch tác phẩm truyện thơ kinh điển của nền văn học Việt Nam - "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du sang tiếng Nga. Đây là một công trình lao động nghiêm túc với những chú giải điển cố điển tích văn chương phức tạp. Dịch giả Anatoli Sokolov đang lo thực hiện công việc này.  

Một thông tin thú vị: cách đây chưa lâu, các tiểu thuyết du ký của hai chị em tác giả Trần Nhựt Kim và Trần Nhựt Thanh Vân ... được xuất bản bằng tiếng Nga.  Nhưng đây là các tác giả Pháp gốc Việt. Tác phẩm được dịch từ tiếng Pháp. Vì thế không thể coi đây là văn học Việt. Nhưng các tiểu thuyết ấy có tiếng vang lớn ở Nga.

Tất cả những động thái được thực hiện thời gian vừa qua đương nhiên chưa đủ để phục hồi sự quan tâm của độc giả đến văn học Việt trong điều kiện văn học dịch được xuất bản ồ ạt trên thị trường sách.

Có những vấn đề và khó khăn cản trở gì còn tồn tại?

 Vấn đề cơ bản là hiện nay thiếu một sự xác lập trường phái dịch thuật Việt - Nga cụ thể. Trước kia, có thể khẳng định có hai quan niệm dịch thuật mà đại diện là Nikolai Nikulin và Marian Tkachov. Có thể coi Nikulin là "phu chữ".  Ông rất nghiêm khắc bám sát nguyên bản. Tkachov thì cho phép mình có một sự tự do sáng tạo, thậm chí có thể đưa vào bản dịch một chút gì của mình.  Điều này được người bạn lớn của Marian Tkachov, ông Phạm Vĩnh Cư, xác nhận – tôi đọc được thông tin này trong tuyển tập hồi ký về Tkachov. "Khi các tác phẩm của Tô Hoài và nhiều tác gia Việt Nam khác được xuất bản bằng tiếng Nga, vì hiếu kỳ, tôi thử so sánh bản dịch và nguyên gốc thì thấy là nhiều chi tiết được chuyển ngữ thú vị và sắc sảo hơn cả bản gốc, phong phú hơn về tưởng tượng nghệ thuật."  . Người ta thậm chí còn kể rằng các nhà văn Việt Nam từng đưa vào tác phẩm những gì Marian Tkachov sáng tạo trong bản dịch. Marian Tkachov và Nikolai Nikulin đã khuất bóng. Trong số những chuyên gia lớn đầu ngành giờ chỉ còn Inessa Zimonina. Tkachov cũng có các học trò người Việt, một nhóm được theo học ông môn lý thuyết và thực hành dịch thuật ở trường viết văn Gorki những năm 90 thế kỷ trước. Thế nhưng, ông lại không có học trò người Nga để nối tiếp công việc dịch văn học Việt Nam.

 

Bản thân tôi cũng có lần bắt tay vào việc dịch văn học. Và đôi khi tôi như người dò dẫm tìm đường. Tôi thực hiện phép thử trên những lỗi sai. Trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm nghề báo đã giúp tôi - tôi có hơn 25 năm làm việc ở đài phát thanh.  Một lý thuyết riêng mà tôi tự rút ra cho mình được tôi đặt tên là “Thuyết 3 giọng nói” đã có hiệu quả. Người dịch phải lắng nghe ba tiếng nói:  tiếng nói của tác giả, tiếng nói nhân vật và tiếng nói nội tại trong bản thân mình. Quan trọng là làm sao để luôn vang lên tiếng nói tác giả và dịch giả trong cùng một hòa âm. Đôi khi tôi cho phép mình được cao giọng ở tiếng nói cá nhân khi cảm thấy có gì đó chưa thật ổn ở tác giả.

Tôi tin chắc rằng người dịch luôn cần có một người bạn hoặc trợ thủ là người bản ngữ. Được biết, ông Phạm Vĩnh Cư từng hỗ trợ Marian Tkachov trong công việc dịch thuật, giảng giải những điểm khó hiểu trong văn bản. Đến lượt mình, Tkachov cũng từng là trợ thủ cho các học trò của mình, trong đó có dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, người đã chuyển ngữ một số lượng đáng kể các tác phẩm văn học Nga ra tiếng Việt. Và giờ thì Kim Hiền đang khuyến khích hỗ trợ tôi, không có chị thì tôi khó làm việc được như vậy. 

Ở Nga giờ đây độc giả có còn quan tâm đến văn học Việt Nam không?

 Câu trả lời thống nhất là – có, không chút nghi ngờ. Trước hết, sự quan tâm ấy đến từ những người đang nghiên cứu Việt Nam và say mê đất nước này. Cho dẫu 20 năm trở lại đây, số lượng cử nhân ngành Việt Nam học được đào tạo trong các trường đại học Nga giảm đi thì cộng đồng giao lưu của họ lại vẫn thường xuyên được mở rộng. Đương nhiên, họ là những độc giả chính của những tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ Việt được chuyển ngữ ra tiếng Nga. Một nhóm bạn đọc lớn thứ hai hẳn sẽ được hình thành từ những du khách Nga đã từng đến hoặc chuẩn bị đến Việt Nam. Lượng khách Nga nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng tắm biển ở Việt Nam mỗi năm mỗi tăng lên. Năm 2014 thống kê được có tới hơn 400 nghìn lượt khách. Nhiều du khách Nga mỗi khi chuẩn bị đến một đất nước nào đó đều tìm hiểu về lịch sử, tìm đọc văn học nước đó. Có thể ước đoán rằng đông đảo người đọc Nga sẽ không bỏ qua bản dịch tác phẩm Việt Nam thú vị. 

Phải công nhận một sự thật rằng, nếu như những năm diễn ra cuộc kháng chiến giành độc lập của Việt Nam, ở Liên Xô người ta nhắc đến đất nước này hàng ngày trên đài báo, truyền hình - ai ai cũng nghe nói đến Việt Nam, thì giờ đây người Nga không được biết nhiều về Việt Nam như trước. Vì thế, cần phải quảng bá văn hóa Việt Nam một cách có định hướng và tổng thể. Một mình Hội hữu nghị Nga-Việt không thể thực hiện tốt việc đó. Tôi sẽ nói đến kinh nghiệm của các nước khác trong việc quảng bá văn hóa của họ ở Nga ngay sau đây.

Tôi cho rằng, cần phải xây dựng kế hoạch thu hút, lôi cuốn sự quan tâm đến văn học Việt Nam bằng các chiến dịch quảng cáo và hoạt động truyền thông. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì nước Nga vẫn tiếp tục là một đất nước ham đọc sách. Trên thực tế, người ta chủ yếu quan tâm đến sách trinh thám và hành động (25%), tiểu thuyết tình cảm (12%), thể loại viễn tưởng (7%) và phiêu lưu du ký (...). Nhưng ngay cả trong thể loại này thì Việt Nam cũng có tác phẩm để giới thiệu. Năm ngoái tôi cố tình tìm đọc lại những tiểu thuyết phiêu lưu của nền văn học kinh điển thế giới có liên quan đến các hòn đảo như “Những hòn đảo bí mật” của Jules Verne, “Đảo giấu vàng” của Robert Stevenson, “Robinson Crusoe” của  Daniel Defoe và “Đảo hoang” của Tô Hoài. Đối với tôi, cuốn tiểu thuyết của tác giả Việt Nam không hề kém cạnh so với các tác phẩm khác, thậm chí còn có gì đó xuất sắc hơn: tuyến cốt truyện thú vị, không ít những tình tiết hấp dẫn, có nhiều sự kiện cho thông tin về văn hóa lịch sử của đất nước.  Vậy lý do gì lại không tái bản “Đảo hoang” năm nay ở Nga? Hơn thế nữa, ta có thể tìm được một cái cớ – năm kỷ niệm ngày sinh lần thứ 95 của nhà văn Tô Hoài. Ở nước Nga chúng tôi vốn rất yêu thích những ngày kỷ niệm.

Sự thành công của văn học Việt Nam ở Nga có thể được đảm bảo nhờ mối quan tâm ngày càng tăng của người Nga đối với châu Á. Mối quan tâm này đã tồn tại từ lâu. Nhưng bây giờ, một phần có liên quan đến bối cảnh chính trị của nước Nga mà chúng ta đều biết, mối quan tâm này sẽ gia tăng. Nếu chỉ nói đến một phương diện văn chương thôi thì ở Nga, sách của các tác giả Nhật Bản đã phá vỡ mọi kỷ lục xuất bản. Người Nga say mê đọc Yukio Mishima, Murakami Ryu, Murakami Haruki. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay ở Nga có khoảng vài trăm tác phẩm dịch của các tác giả Nhật Bản được ấn hành.

Có thể học tập kinh nghiệm hữu ích gì từ việc quảng bá văn học Nhật ở Nga?

 Ngay từ năm 1972, dưới sự bảo trợ của Bộ ngoại giao, quỹ Nhật Bản ở Nga được thành lập. Quỹ này tích cực giới thiệu văn hóa Nhật Bản tại Nga. Ở nước chúng tôi, văn hóa Nhật đã trở  nên rất được ưa chuộng, như cái mốt. Trong làn sóng ấy thì mối quan tâm đối với riêng nền văn học Nhật cũng tăng lên. Các nhà văn Nhật Bản sang Nga tham dự các triển lãm, hội chợ sách, tích cực giới thiệu tác phẩm của mình ở mọi diễn đàn, phát biểu, diễn thuyết ở các trường đại học. Phía Nhật Bản tài trợ cho công việc tổ chức dịch thuật. Đại sứ quán Nhật ở LB Nga mỗi năm lại chọn mời các dịch giả sang thực tập. Tất cả các động thái ấy dần mang đến hiệu quả tốt.

 

Ngày hôm nay, việc xuất bản văn học Việt Nam ở Nga phần lớn là do sự vận động từ phía Việt Nam. Vâng, có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ chế nhà nước Nga, có thể tận dụng sự nhiệt tình của các nhà Việt Nam học người Nga, nhưng việc quảng bá văn hóa Việt ở Nga chỉ có thể thực sự được tiến hành nếu chính những người Việt ở các cấp đều vào cuộc – đại sứ quán, các nhà văn và nghiên cứu văn học, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp...

 

Bản thân tôi rất yêu mến Việt Nam và mong sao tình yêu này, hay chí ít là sự quan tâm đến Việt Nam của tôi được những người Nga cùng chia sẻ. Tôi sẵn sàng gắng sức để làm điều đó. Hy vọng rằng, năm nay – năm Văn Học ở nước chúng tôi theo lời tuyên bố của tổng thống Vladimir Putin – sẽ là bước ngoặt đối với việc phát triển văn học Việt Nam ở Nga. Chúng ta chờ đợi sự ra đời của tuyển tập thơ Việt và tập truyện ngắn các tác giả Việt. Thật ra có thể có ý tưởng giới thiệu toàn cảnh văn học Việt thông qua việc in ấn các truyện ngắn Việt Nam trên tạp chí Nga “Văn học nước ngoài”. Tôi đề xuất chúng ta cùng kỷ niệm năm sinh của nhà văn Tô Hoài ở Việt Nam một cách rộng rãi! Và, rất có thể mùa Thu tới, tại Hội chợ sách Mátxcơva chúng ta sẽ được gặp đoàn đại biểu các nhà văn Việt Nam đến giới thiệu các tác phẩm của mình và khiến được các nhà xuất bản Nga quan tâm đến việc ấn hành các tác phẩm ấy bằng tiếng Nga.

(Thụy Anh dịch)

 

 

 








Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn