Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Có một Nhà văn thích viết… thư

Đỗ Tiến Thụy - 10-05-2011 01:50:52 PM

VanVN.Net - Xung quanh nhà văn bao giờ cũng có những giai thoại, người nhiều kẻ ít, cứ như một thứ "mặc định" rằng người có tài luôn đi kèm với tật vậy. Có lẽ vì thế mà nhà văn thường hay viết và (chỉ nhà văn) viết hay về nhau. Tiêu chí "hay" còn tùy mức độ đánh giá của mỗi người. Nhưng ít nhiều, bạn đọc cũng có thêm được chút tư liệu phía sau những tác phẩm, để cảm nhận một cách toàn diện và sâu sắc hơn, những trang văn vốn dĩ đã đầy sức lay động lòng người...

Nếu cứ theo cách gọi XXX bây giờ thì anh thuộc thế hệ nhà văn…5x. Thế nhưng anh được xếp vào nhóm “nhà văn laptop”- sử dụng máy tính xách tay đã khá lâu. Những nhà văn trẻ thuộc thế hệ @ nếu muốn đọ tài tin học với anh còn phải chạy đua mướt mải. Vậy mà con người ấy vẫn giữ được thói quen viết thư bằng bút bi quanh năm suốt tháng. Việc này có lẽ nên đưa vào mục… Chuyện lạ Việt Nam!

Tháng 4-1999 tôi nhận được một lá thư của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vừa run run vừa mở phong bì, tôi vừa hồi hộp đoán già đoán non. Và tôi sung sướng đến muốn hét toáng lên, vì đó là lá thư của nhà văn Sương Nguyệt Minh thông báo cái truyện ngắn tôi gửi tạp chí đã lên khuôn. Tâm lý người viết trẻ nào chẳng thế, gửi bài đi rồi là phập phồng đến mất ăn mất ngủ, đọc thấy tên mình trên...hộp thư tim cũng đã đập loạn lên rồi, đâu dám mong được biên tập viên gửi thư trao đổi. Ấy thế mà anh đã làm được cái điều không phải biên tập viên nào cũng làm được. Lá thư anh viết ngắn, đâu chỉ mươi dòng, tôi đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng. Dưới câu “Hiện nay người viết trẻ rất hiếm?” anh gạch chân 3 gạch! Cái thao tác tưởng chừng đơn giản ấy đã thổi bùng ngọn lửa đam mê đang rụt rè cháy trong tôi. Sau này khi đã quen nhau, anh bảo, đấy là rút kinh nghiệm từ bản thân anh. Những cái truyện đầu tiên anh gửi ba bốn báo đều bay hơi vô tăm tích. Đang “chán bút” thì nhận được một lá thư. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường lúc đó đang là biên tập viên văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội đã đọc những truyện ngắn “gai góc” của anh và động viên anh đừng có sợ. Và để tiếp thêm nhuệ khí cho Sương Nguyệt Minh, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã cho in cái truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ”, một cái truyện ngay cả bây giờ cũng còn nhiều biên tập viên phải đắn đo cân nhắc. Truyện vừa in ra, Sương Nguyệt Minh chưa kịp mừng đã phải gánh nỗi lo. Đơn thư độc giả tới tấp bay về tòa soạn “kiến nghị” về những điều phản ánh trong câu chuyện. Những độc giả hồn nhiên đã “kêu” lên rằng, Sương Nguyệt Minh là kẻ nào mà dám lôi chuyện làng tôi ra để bêu riếu? Chuyện “nhận vơ” qua văn chương xưa nay không phải là hiếm, nhất là đối với những độc giả chưa phân biệt được giữa văn chương và báo chí. Thế nên tòa soạn không phải lo lắng gì nhiều, thậm chí còn vui vì tác phẩm của tạp chí đã tạo được những tác động xã hội nhất định. Thế nhưng chuyện không chỉ dừng ở đó. Một buổi sáng, một chiếc xe con nhà binh đỗ xịch trước cửa nhà số 4 (số 4 Lí Nam Đế). Một vị tướng bước xuống nện những bước chân nóng nảy lên cầu thang. Vị tướng đòi gặp trực tiếp Tổng biên tập để “điều tra” về tác giả Sương Nguyệt Minh. Cứ theo những cái chém tay của ông thì dứt khoát Sương Nguyệt Minh là người làng ông, thậm chí là người trong họ của ông. Chỉ có người trong họ của ông thì mới biết những chuyện “tế nhị” như tranh giành đất đai, đào mồ chia xương cụ tổ… vân vân. Cứ theo cái lý ấy thì Sương Nguyệt Minh đã mắc cái tội tày đình là “vạch áo cho người xem lưng”, vì thế họ tộc đã “lệnh” cho vị tướng này có trách nhiệm tìm cho ra “đứa nói xấu họ mình?” mang về làng trị tội.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Tiếp vị tướng hôm đó là nhà văn Khuất Quang Thụy. Không hiểu anh đã nói những gì, chỉ thấy vị tướng gật gù nhè nhẹ và khi ra về thì dứt khoát đòi lấy địa chỉ của Sương Nguyệt Minh. Mặc dù vị tướng đã hứa chỉ muốn gặp mặt tác giả của cái truyện viết “rất giống” chuyện dòng họ nhà ông, nhưng nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn cảm thấy lo lo. Mấy hôm sau anh phải trực tiếp xuống Viện quân y 103 dò la tình hình. Thấy Sương Nguyệt Minh vẫn cười nói bình thường. Đơn vị không đả động gì đến chuyện văn chương của anh cả. Hú vía! Nhà văn Khuất Quang Thụy bảo, thôi, chú nên về Văn nghệ quân đội viết cho nó…an toàn! Thế là anh sỹ quan Nguyễn Ngọc Sơn trở thành biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ quân đội từ năm 1997. Suốt mười năm làm nghề biên tập, anh đã viết không biết bao nhiêu lá thư cho cộng tác viên. Cho đến khi anh đã lên chức Trưởng ban văn xuôi, rồi chuyển sang ban sáng tác, nhưng trên bàn làm việc của anh vẫn luôn có một hộp bút bi đầy hự và một chồng phong bì cao ngất ngưởng. Khi phát hiện một cây bút mới, nhất là các cây bút trẻ mới thập thò bước vào cửa văn chương là anh gác tất cả mọi việc lại để ưu tiên cho việc viết thư.

“Phải trân trọng họ chứ” - Sương Nguyệt Minh giải thích về sự chịu khó của mình. Người mới viết văn bao giờ cũng hăng hái, nhưng cũng nhanh nhụt chí. Cứ từ anh mà suy, nếu không có lá thư động viên của nhà văn Nguyễn Khắc Trường thì chắc chắn bây giờ anh vẫn đang là một anh cán bộ chìm lút dưới đơn vị chứ đâu nổi đình nổi đám trên văn đàn như bây giờ.

Lá thư của Sương Nguyệt Minh viết cho tôi cũng như trăm ngàn lá thư khác anh đã viết cho cộng tác viên. Anh chơi hòa đồng với nhiều cộng tác viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nếu chỉ qua những lá thư ấy rất có thể ai đó sẽ đánh giá anh là người dễ tính. Không. Anh là con người cởi mở hết mình nhưng cũng khắt khe đến độ phũ phàng. Anh sẵn sàng buông lời thán phục: “Anh không viết được như mày”, nhưng cũng sẵn sàng phán như hắt nước vào mặt: “Ông viết như…! Cái kiểu viết ấy người ta đã bỏ mấy chục năm rồi”. Nhiều cộng tác viên đã đỏ mặt tía tai trước những nhận xét thẳng băng của anh. Chính tôi cũng đã từng trách anh, anh nói phũ thế các em nó “chột” hết còn gì?” Anh bảo, mới thế mà đã “chột” thì tìm nghề khác mà làm cho dễ kiếm ăn, văn chương làm gì khổ lắm!

Nghiêm khắc với cộng tác viên, với bạn viết thì dễ. Nghiêm khắc với chính mình mới khó. Lâu lâu không thấy anh in truyện, tôi hỏi, anh đau khổ: “Vẫn viết đấy chứ. Nhưng mà đọc thấy nó cũ quá nên không in nữa. Mình còn không ngửi được văn mình thì đừng làm khổ độc giả.” Tại cái tính khắt khe này mà anh viết không… “năng suất”. So với các nhà văn cùng tuổi, anh là người có ít tác phẩm nhất, đâu hơn ba chục truyện ngắn mà thôi. Nhìn bạn bè cứ in hết đầu sách vèo vèo, anh cũng sốt ruột lắm chứ. Vẫn biết “văn quí hồ tinh…” nhưng mỗi khi nghe câu “Sương Nguyệt Minh vẫn chưa viết được tiểu thuyết” là cái máu giận của anh sôi lên sùng sục: “Hãy đợi đấy!” Giận thì vặc lại thế thôi, chứ sau đó vẫn thấy Sương Nguyệt Minh trăn trở buồn vui với những trang văn kỹ lưỡng. Những trang văn như những đám mây ngũ sắc sà xuống vùng Tam Điệp, thấp thoáng bóng sơn dương trong bảng lảng sương và hơi núi đá Ninh Bình.

Tôi còn nhớ bài báo “Cỗ xe tam Minh” in trên Văn nghệ Trẻ năm 1999. Hồi đó Sương Nguyệt Minh mới xuất hiện trên văn đàn vài năm, thành tựu còn khiêm tốn, nhưng nhà phê bình mang tiếng là “khuynh trẻ” Bùi Việt Thắng đã sớm có con mắt xanh nhìn thấy “hậu vận” thênh thang của anh. Nhà phê bình ấy đã viết một câu thế này: “Người này (tức Sương Nguyệt Minh) sẽ còn giành nhiều giải thưởng!” Quả như lời tiên đoán, năm 2001 anh ẵm Giải A cuộc thi truyện ngắn “Cây bút vàng” của Tạp chí Văn nghệ công an. Từ đó hầu như năm nào anh cũng giành một hai giải thưởng. Nhưng “bội thu” nhất là năm 2004: Giải Ba cuộc thi Báo Văn nghệ, giải Nhì truyện ngắn Nhà xuất bản giáo dục, giải Nhì phóng sự Báo Quân đội nhân dân, giải Nhì bút kí Tạp chí Văn nghệ quân đội viết về bộ đội Biên phòng, giải Ba truyện ngắn Nhà xuất bản Thanh niên... Tổng giá trị giải thưởng hơn năm chục triệu. Vợ anh, chị Vũ Thị Minh Nguyệt bối rối trước món tiền to, bàn nên gửi tiết kiệm cho an toàn. Anh gạt đi: “Không tiết kiệm tiết kẽo gì hết! Phải dùng tiền thưởng làm một việc gì có ý nghĩa. Mua một cái tủ buýp-phê em ạ”. Chị Nguyệt ngạc nhiên: “Nhà mình bốn năm cái tủ rồi, mua thêm cái nữa làm gì?”. Anh khoát tay: “Cứ mua rồi biết!”. Và thế là chiếc tủ buýp-phê gỗ mun đen bóng như sừng lồng kính đẹp mê ly được rước về đặt trang trọng nơi phòng văn của Sương Nguyệt Minh. Bạn bè thân thiết lắm mới được anh mời lên căn phòng này uống rượu. Ai đã lên một lần sẽ ấn tượng mãi về chiếc tủ buýp-phê. Chiếc tủ có dáng vừa cổ kính vừa hiện đại choán gần hết căn phòng nhỏ, nhưng bên trong cái tủ ấy chỉ đặt duy nhất “lá thư định mệnh” được ép plastic cẩn thận của nhà văn Nguyễn Khắc Trường!

“Nếu không có lá thư kia thì làm sao có những thứ này?”, Sương Nguyệt Minh giơ tay chỉ những bằng chứng nhận giải thưởng treo la liệt trên tường quả quyết. Mắt kính của anh ánh lên những tia sáng hàm ơn đối với một nghĩa cử vô tình đã lùi vào xa tít.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...