Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Thanh Tịnh: “Huế quê tôi ở giữa lòng”

Trần Phương Trà - 17-12-2011 01:22:04 PM

VanVN.Net - Năm 1936, nhà thơ Thanh Tịnh đoạt giải Nhất về thơ do Hà Nội báo tổ chức. Năm 1937, khi Thanh Tịnh xuất bản tập thơ “Hận chiến trường” tôi mới được sinh ra. Thời đi học ở Huế, tôi đã được đọc các tác phẩm: "Quê mẹ", "Ngậm ngải tìm trầm" "Chị và em" "Xuân và Sinh" cùng thơ của Thanh Tịnh.

Đồng đội và bè bạn trong buổi đưa nhà thơ Thanh Tịnh về "Quê mẹ"

Những tác phẩm ấy đã mang lại cho tôi những rung động đầu tiên về những người nghèo khổ, những người lam lũ ở quê hương tôi bên cạnh một con đường tàu, một ga xép xe lửa, một dòng sông hay một làng Mỹ Lý do tác giả dựng lên… Những tác phẩm chan chứa tình người của Thanh Tịnh hồi những năm 40 của thế kỷ trước đã đem đến cho bạn đọc những cảm xúc nhẹ nhàng mà sâu lắng.

          Sau này, tôi được gặp ông ở các cuộc họp đồng hương Thừa Thiên tại Hà Nội, được nghe ông nói chuyện và đọc thơ. Khi công tác ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có nhiều dịp đến thăm ông và được ông xem là một người bạn vong niên.

          Tháng 8 năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức một cuộc họp mặt gồm một số văn nghệ sĩ từng gắn bó và có đóng góp cho Bình Trị Thiên. Ở Hà Nội, ban tổ chức bố trí một chiếc xe ca khoảng 40 chỗ ngồi xuất phát từ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam số 51 Trần Hưng Đạo.

          Cùng đi có các anh chị Thanh Tịnh, Bùi Hiển, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Đào Hồng Cẩm, Phan Thanh Nam, Văn Linh, Xuân Thiều, Thuận Yến, Phạm Ngọc Cảnh, Lê Duy Ứng, Ngô Thảo, Trần Phương Trà…

          Dọc đường vào Huế, bao câu chuyện rôm rả. Tiếng cười, tiếng nói luôn đầy ắp trên xe. Thanh Tịnh với giọng nói to, chậm rãi kể lại nhiều câu chuyện vui. Nhà văn Xuân Thiều cũng góp nhiều thơ và câu đối. Trong chuyến đi, có câu đối được nhiều người tán thưởng:

          - Về Xứ Nghệ, ra Quán Hành, uống rượu gừng, nói cà riềng, cà tỏi;

          - Vào Đồng Nai, nhớ Kỳ Lừa, ăn thịt chó, ngồi tán vượn, tán hươu.

          Cuộc họp mặt ở Huế năm 1985 có các văn nghệ sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh về dự như Nguyễn Hữu Ba, Bảo Định Giang, Viễn Phương, Lương An, Xuân Hoàng, Thu Bồn, Huy Phương, Trần Công Tấn, Thái Vũ... Ở Huế có Trịnh Xuân An, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm, Hải Bằng, Tấn Hoài, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Tô Nhuận Vỹ, Bửu Ý, Trần Hữu Pháp, Thái Ngọc San, Xuân Đức, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Quang Hà, Võ Quê, Xuân Đàm, Trần Thùy Mai, Hà Khánh Linh, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Văn Dinh, Mai Văn Tấn…

          Chưa bao giờ có một cuộc họp mặt đông đủ và thân tình như lần này. Khi đi thuyền trên sông Hương và thăm lăng Minh Mạng, nhà thơ Thanh Tịnh với cái vốn nghề hướng dẫn du lịch thời trước đã kể cho anh chị em nghe nhiều câu chuyện thú vị và chính xác. Chính chuyến đi thăm lăng Minh Mạng lần này, nhà thơ Thu Bồn có ngay một bài thơ hay viết về Huế: “Tạm biệt Huế”.

 

          Sau khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp ngày 9-3-1945, tại Huế, chính phủ Trần Trọng Kim đã được thành lập. Giáo sư Nguyễn Lân, đang dạy học ở trường Trung học Khải Định (Quốc học Huế) đã được mời làm Đốc lý thị xã Huế (tức thị trưởng). Ngay lập tức, Giáo sư Nguyễn Lân đã lấy tên các anh hùng, các nhân vật lịch sử của Việt Nam đặt tên đường phố thay các tên người Pháp do chính quyền Pháp đặt trước đây. Những tên đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh… từ đó đến nay vẫn được dùng. Giáo sư Nguyễn Lân đã đặt tên Huyền Trân công chúa cho đoạn đường từ ga Huế dọc theo bờ Nam sông Hương lên Long Thọ, nơi có Thành Lồi, di tích Chăm Pa. Sau năm 1975, Hội đồng nhân dân Thừa Thiên Huế đã thông qua việc sửa đổi một số tên đường ở thành phố Huế trong đó có tên đường Huyền Trân công chúa thành tên đường Bùi Thị Xuân.

          Trong một cuộc họp cộng tác viên của Nhà xuất bản Thuận Hóa ở Hà Nội, nhà thơ Thanh Tịnh có nói về việc này. Ông thường có lối nói gọn, có tính chất tổng kết, gây ấn tượng cho người nghe vì thế rất dễ nhớ:

          - Huyền Trân công chúa nhà Trần đã mang về cho nước Đại Việt hai châu Ô, Lý. Huế đổi tên đường Huyền Trân công chúa thành đường Bùi Thị Xuân là Huế vô ơn. Còn Hà Nội đổi tên Huyền Trân công chúa thành đường Bùi Thị Xuân là Hà Nội vô tình. Và tôi cảm ơn thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ tên đường Huyền Trân công chúa ở quận I, một con đường đẹp gần vườn hoa Tao Đàn.

          Cả cuộc họp vỗ tay ran hưởng ứng câu nói chí lý của nhà thơ Thanh Tịnh. Sau này ở Huế đã có tên đường Huyền Trân công chúa và có đền thờ, có tượng Huyền Trân công chúa. Nhưng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Thanh Tịnh đã dùng mấy chữ vô ơn, vô tìnhcảm ơn cho 3 thành phố về tên đường Huyền Trân công chúa thật chính xác.

Nhà văn Trần Phương Trà (thứ 2 từ trái sang) trong ngày đưa nhà thơ Thanh Tịnh về Huế

          Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Thanh Tịnh nhiều lần về thăm gia đình con trai Trần Thanh Vệ ở Nha Trang. Một vị thủ trưởng đến thăm nhà thơ khi ông từ Nha Trang về Hà Nội đã hỏi ông:

          - Đời sống các cháu dạo này ra sao?

          Thanh Tịnh nói một cách chậm rãi:

          - Cảm ơn anh đã hỏi thăm. Nhà các cháu bây giờ phong quang lắm!

          - Mừng cho các cháu! Thế mà anh cứ lo.

          Thanh Tịnh nói theo tiếng Huế là nói tưng tửng:

          - Trước đây nhà cháu đi bên ni đụng cái tủ lạnh, đi bên tê đụng cái xe máy. Nay cầm nhánh nè kéo từ đầu ni tới đầu tê không hề vướng cái chi! Thật phong quang!

          Biết là bị nói kháy, vị thủ tưởng nọ đành im…

          Nhà thơ Phùng Quán kể lại những năm bị cái án Nhân văn - Giai Phẩm đã từng được nhà thơ Thanh Tịnh cưu mang bằng cách đứng tên nhiều tác phẩm của Phùng Quán để được in và có nhuận bút.

          Đó là các cuốn truyện tranh ký tên Thanh Tịnh:

          Chiếc cối giã trầu bằng thép, Thần hổ Chăm Pa, Tượng A Vooc Hồ bằng gỗ trầm hương, Tiếng đàn đá, Chuyện Tây nguyên bên bờ Đanuyp xanh, Pắc Bó đón Bác về …..cùng một số tác phẩm khác.

          Tháng 12 năm 1946,  Thanh Tịnh ra Hà Nội dự Đại hội văn hóa toàn quốc nhưng kháng chiến bùng nổ và không quay về Huế được. Ông đã trải qua những năm tháng “ngày Bắc đêm Nam” “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” và sống trong cô đơn… Thanh Tịnh mất ngày 17-7-1988 tại Hà Nội. Ngày 31-8-1991 Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ quân đội cùng gia đình làm lễ cải táng nhà thơ đưa di hài về Huế. Tôi có ghi lại được mấy tấm ảnh về buổi lễ trọng thể này.

          42 năm xa Huế, nhà thơ Thanh Tịnh gắn bó với Hà Nội “Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng”. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi biên soạn tập thơ “Huế giữa lòng Hà Nội” (Nxb Hội Nhà văn ấn hành) đã trân trọng đưa chân dung cùng bài thơ “Nhớ Huế quê tôi” của ông vào tập sách ghi lại hình ảnh một người Huế gắn bó với Thủ đô.

Hà Nội, 12-12-2011

Kỷ niệm 100 năm sinh của nhà thơ Thanh Tịnh

(Ảnh do tác giả cung cấp)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn