Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Từ thực trạng để kiểm chứng lý thuyết về mối quan hệ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật

GS Phong Lê - 17-12-2011 09:34:31 AM

VanVN.Net - Sự phát triển nóng về kinh tế đã đem lại sự xô lệch, mất cân đối, khiến cho đời sống văn hóa, và rộng ra là đời sống tinh thần của dân tộc đang đi vào một chao đảo nghiêm trọng, gây nên nhiều bất an cho xã hội, được bộc lộ ở giáo dục - đào tạo; khoa học xã hội - khoa học nhân văn; văn hóa, văn chương, nghệ thuật…

Còn nhớ, từ 1988, thế giới đã phát động “Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa” vì sự tiến bộ và công bằng của xã hội. Và đó cũng là vấn đề, là điểm nhấn trong các văn kiện của Đảng, kể từ Đại hội VI cho đến Đại hội lần thứ XI vừa qua. Nhiều chương trình và dự án nghiên cứu cấp Nhà nước của các cơ quan văn hóa, khoa học và các cấp chính quyền đã được tổ chức nghiên cứu; và kết luận rút ra bao giờ cũng là sự khẳng định vai trò của văn hóa - vừa như là mục tiêu, vừa như là động lực của sự phát triển xã hội.

Thế nhưng, ở thời điểm hôm nay, thực tiễn “những điều trông thấy” thì có khác.

*

*    *

Hàng tỷ USD đổ vào xây dựng cảng biển, gần như tỉnh nào cũng có, trong đó có tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu có đến 53 cảng, mà số lớn đều đắp chiếu nằm chờ, hoặc hoạt động không có hiệu quả. Cũng như trước đây tỉnh nào cũng nhe nhắm xây nhà máy bia, máy đường và sân golf…(1).

Sai phạm tại Vinashin thiệt hại 907 tỷ đồng. Tàu Hoa Sen, thuộc Vinashin, nay thuộc Vinalines được mua với giá 60 triệu Euro, từ 2007, đưa vào kinh doanh liên tục thua lỗ, nay chưa biết xử lý thế nào, hiện còn nằm đắp chiếu mắc cạn ở nước ngoài(2).

Hàng chục ngàn hecta đất, cùng khoảng 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho 28 khu kinh tế cửa khẩu thuộc 21 trong số 24 tỉnh biên giới - mỗi năm chi bổ sung thêm 700 đến 800 tỷ; thế nhưng số lớn đều bỏ hoang, hoạt động không hiệu quả, biến thành nơi tiêu thụ hàng nhái, hàng lậu(3).

Trong phạm vi của một cơ quan văn hóa như Cục Điện ảnh, năm vừa qua, cũng có con số 36 tỷ thất thoát, không hiểu do lãng phí, quản lý kém hay tham ô?

Trong Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, vào giữa tháng 10-2011, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết một số liệu: từ 1-10-2010 đến 30-7-2011, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 183 vụ án với 349 bị can về các tội để thất thoát hoặc tham nhũng; Viện kiểm soát nhân dân các cấp đã truy tố 194 vụ với 391 bị can. Từ tháng 8-2010 đến tháng 7-2011, thiệt hại do tham nhũng gây ra khoảng 11.400 tỷ đồng, và chỉ mới thu nộp ngân sách 300 tỷ đồng. Nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp thì đó là một thu hồi quá ít. “Bởi có nhiều vụ bị cản trở hoặc đình chỉ”. Và đó chỉ là trong chưa đầy 1 năm. “Dư luận nói rằng: trộm cắp một vài triệu thì xử lý triệt để, nhưng tham nhũng nhiều tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng thì có vụ chỉ rút kinh nghiệm là xong”(4).

Một Giám đốc Sở của một thành phố có nói: số tiền thất thoát nếu tránh được; hoặc thu lại được thì có thể tăng 10 lần lương cho cán bộ(5).

Nhận định này không khó chứng minh. Và những trình bày như trên chỉ là một vài vụ tiêu biểu được có mặt trên báo…

Bên cạnh sự chăm sóc, bù trì, thúc đẩy cho một phát triển nóng về kinh tế mà rất ít hiệu quả, thì những hoạt động chăm lo sự sống của người dân, cho an sinh xã hội, thỉnh thoảng được quảng bá khá rầm rộ trong các chương trình tuyên dương việc thiện, mà kết quả thu được chỉ như là muối bỏ biển, nếu nhìn vào cảnh quan những bến xe, bãi chợ, bệnh viện, trường học, nhà ga, công viên… nơi hội tụ sự sống của nhân sinh, nơi diễn ra cuộc đời hằng thường, bên cạnh các trụ sở công, từ thấp lên cao, không nơi nào không hoành tráng…

Nếu mỗi ngôi nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng hoặc các bà mẹ anh hùng là khoảng 30 đến 40 triệu đồng; nếu mỗi khu nội trú cho con em học sinh dân tộc ở khắp vùng cao chỉ là tranh tre nứa lá và mỗi bữa cơm có được một miếng thịt thay vì rau, muối; nếu mỗi bệnh viện từ 4,5 người xuống 1,2 người một giường và khu vệ sinh không đến nỗi ngập ngụa; nếu mỗi cô giáo vỡ lòng ở nông thôn vượt được ngưỡng dăm bảy trăm ngàn đồng/tháng; nếu chương trình Lục lạc vàng hàng tuần trên Ti vi không phải chỉ dành cho những gia đình với những khốn khổ còn hơn cả anh Pha- chị Dậu; nếu mỗi khu tập thể có một cơ sở vui chơi cho trẻ con, người già mà không bị lấn đất hoặc mất đất cho các dự án hoặc trụ sở công; nếu đặt một so sánh, năm 2001 - có 134 phụ nữ Việt phải lấy chồng Hàn vì lý do kinh tế, và 10 năm sau, năm 2011 - là con số 35.000, nhân lên 26 lần, bởi gánh nặng kinh tế gia đình, đôi khi chỉ là vài chục triệu đồng không xoay đủ, mà phải hy sinh không chỉ là tuổi xuân mà là chôn vùi cả cuộc đời trong băng giá xứ người…

Từ việc phụ nữ Việt lấy chồng người nước ngoài và việc phụ nữ bị bán qua biên giới vẫn cứ gia tăng lại có liên quan đến một vấn nạn mất cân đối khác - đó là cân đối giới. Theo kết quả thống kê cho đến 2011 này thì tỷ lệ cân đối nam - nữ bình quân trên cả nước là 100/111; cá biệt có tỉnh như Hưng Yên là 100/131. Nữ ít nam nhiều, nhưng phụ nữ vẫn cứ như thừa. Từ vấn đề kinh tế lại chuyển sang vấn đề văn hóa - xã hội.

Những tính toan cho việc xử lý để có một hợp lý tối thiểu cho những câu chuyện trên đâu phải là khó hoặc không thể thực hiện, nếu con số hàng nghìn hoặc vạn tỷ trên đây dồn cho một phát triển nóng, hoặc đầu tư sai, hoặc quản lý kém, được chia sẻ hoặc đổ vào cho dân sinh mà không phải là tiền chìm, tiền chùa hoặc giấy vụn. Thế mới thấy cái tội tham nhũng, lãng phí hoặc quan liêu vô trách nhiệm như trên không chỉ là sự xấu hổ mà còn là tội ác.

Trở lên là về phía kinh tế. Còn về phía văn hóa, qua các khu vực giáo dục, văn chương - nghệ thuật…

Đó là sự tụt giảm thê thảm của khối C, tức là khối khoa học xã hội và nhân văn, gồm môn Văn (bên cạnh Toán từ rất lâu đã là hai môn học căn bản cho bất cứ khối thi nào); kèm với một vài môn khác như Sử, Địa...

Kết quả thi môn Sử, trong toàn bộ kỳ thi vừa qua gần như là một con số không tròn trĩnh.

Ở cấp Phổ thông, số lượng thí sinh ở Hà Nội đăng ký khối C là 4,4%; ở TP. Hồ Chí Minh là 1,4%.

Nhiều trường Đại học phải bỏ khối Ngữ Văn và một số khối khoa học xã hội vì đã vét cạn các nguyện vọng mà không có hồ sơ ứng tuyển.

Số lớn sinh viên khối C ra trường rất khó tìm được việc làm; muốn có một chỗ làm trái nghề, phải chạy nhiều chục triệu, hoặc hàng trăm triệu.

Cùng với khối C là sự “tuột dốc không phanh” của khoa Sư phạm. “Chưa năm nào điểm chuẩn ngành Sư phạm thấp như năm nay. Điểm chuẩn nhiều ngành, nhiều trường đã rơi xuống tận đáy, khi chỉ bằng điểm sàn chung, nhưng vẫn chưa thể tuyển đủ chỉ tiêu”. Có môn như môn Sử chỉ cần 1/4 điểm là đủ đỗ(6).

Hãy hình dung với điểm đầu vào như thế này thì dăm năm sau ra nghề, đội ngũ thầy giáo sẽ có một chất lượng ra sao, và sự xuống cấp này mới thật là cả một dây chuyền thê thảm!

Giáo dục – là nơi có đến hơn 22 triệu con em tham gia, tức là khoảng 1/4 dân số; cộng với con số “ăn theo” là bố mẹ, anh chị, ông bà thì đó là mối quan tâm của ngót hai phần ba hoặc già nửa số dân; do vậy mọi sự cố mà nó gây nên là nỗi mất ăn mất ngủ của toàn xã hội. Một “xã hội học tập” là mục tiêu ta đang ao ước để hướng vào một “nền kinh tế trí thức”; và nếu tình trạng học tập ở khu vực trung tâm là như thế, thì sao mà hy vọng và tin tưởng ở tương lai cho được.

Vậy là, trong nền kinh tế thị trường, và chỉ mới bước vào hội nhập mà trong khu vực giáo dục những ngành xem ra có thể dễ dàng nuôi sống người, và nhanh chóng sinh lãi đã chiếm ngôi vị ưu tiên: kinh tế, tài chính, nội- ngoại thương, quản trị kinh doanh; hoặc công nghệ; hoặc tiếng Anh... Một sự đổ xô vào các ngành có liên quan đến sản phẩm vật chất, hàng hóa, tiền nong, nội tệ hoặc ngoại tệ... là điều dễ hiểu. Từng cá nhân trong tìm chọn, không ai có lỗi. Nhưng cái lỗi lớn thuộc về sự điều hành vĩ mô của xã hội, thuộc về bầu khí quyển chung của nhân quần, nó là sự lên ngôi của tâm lý chạy đuổi theo các lợi ích vật chất; là xu hướng làm tiền, để nhanh chóng có tiền, và tiêu tiền; là tạo ra sự sung mãn của xã hội, nhưng con người thì mụ mị đi, và trở nên cằn cỗi. Những giá trị tinh thần được tạo ra từ các nền tảng văn hóa- nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn thì ngày càng co hẹp, càng teo tóp. Một tập thơ in ra trong một đất nước ngót 90 triệu dân chỉ khoảng 300 đến 500 bản, tác giả phải bỏ tiền ra in rồi mang về nhà chỉ để biếu không. Một tiểu thuyết chỉ 1.000 bản; một công trình nghiên cứu, từ 500 đến 1.000 bản mà vẫn khó bán... Trong khi đó một ca sĩ cỡ diva hát sai ca từ hoặc một người mẫu hớ hênh thì nóng ran khắp các trang mạng. Những nghịch lý hoặc trái khoáy như vậy nó báo hiệu một trạng thái bất thường hoặc bệnh hoạn của xã hội - trước đây chưa hề thấy.

Hai hiện tượng tôi nêu trên có gì không ăn khớp với nhau? Người ta (công chúng) vẫn quan tâm đến sinh hoạt văn hóa - văn nghệ đấy thôi! Đời sống tinh thần đâu có cằn cỗi? Để làm rõ thêm nghịch lý trên tôi lại phải tìm đến một hiện tượng khác. “Cátsê của một ca sĩ teen hiện nay cũng đã vào khoảng 15-20 triệu đồng/sô (hát 2-3 ca khúc), ca sĩ trẻ hay ca sĩ hạng B phẩy đã 25-30 triệu đồng/sô, ca sĩ hạng B là 30-40 triệu đồng/sô, và ca sĩ hạng A thì từ 45-60 triệu đồng/sô (...). Riêng các diva, ngôi sao ca nhạc thì dao động từ 5.000 đến 10.000 USD/sô... Chương trình Dạ tiệc trắng của một ca sĩ thời thượng với giá vé lên đến 4 triệu đồng”(7).

Một vé xem hát hơn lương hưu của một chuyên gia khoa học ở thời điểm hôm nay. Chuyên gia ấy viết một quyển sách trong vài năm, số nhuận bút được hưởng từ quyển sách chưa chắc đã đủ mua hai vé xem một đêm diễn. Vậy có ai trong lớp trẻ hôm nay mong muốn đến với một tương lai như thế! Sự giảm giá hoặc rớt giá của một số ngành nghề thuộc khối khoa học nhân văn, xã hội hoặc khoa học cơ bản là phải lắm.

Tôi tin ở sự kiện trên không ai trách người có tiền đi xem, và người có tài đi diễn. Kể cả ông chuyên gia không bao giờ đi xem ấy cũng không trách ai. Ông vẫn bình thường trong mọi công việc hàng ngày ông làm; bởi là người của nghề nghiệp ông chỉ lĩnh lương hưu chứ không bao giờ nghỉ ngơi trong công việc; và cũng chẳng bao giờ mang mặc cảm gì trong so sánh, kể cả mặc cảm vì sự nghèo. Không đi nhà hát thì ở nhà xem tivi, chơi với con cháu, hoặc trò chuyện với bạn bè và học trò. Nhưng xã hội thì cần phải biết điều đó. Và ai là người có trách nhiệm, và có tâm với đất nước thì phải nghĩ về một cách giải quyết nào đó để ít nhất trả lại cho xã hội một ít công bằng; và quan trọng hơn, là để ngăn chặn một hiểm họa không còn là từ xa mà đã gần cận lắm rồi - đó là sự suy thoái các giá trị đạo đức và nhân văn vốn phải được xem là nền tảng bền vững cho sự phát triển của xã hội như nghìn xưa đã thế, và bây giờ cũng thế. Một phát triển bền vững tức là một phát triển dựa trên sự cân bằng giữa các giá trị vật chất và tinh thần, trong muôn sự cân bằng phải luôn luôn được giữ - như cân bằng về giới tính nam và nữ; cân bằng về kinh tế và văn hóa; cân bằng về khoa học và nghệ thuật; cân bằng về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; cân bằng về khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng; cân bằng cho các khu A, B hoặc C, D, E trong học hành, thi cử... Thiếu đi sự cân bằng đó, chung cho cả xã hội và riêng cho từng đơn vị, từng con người, đều phải trả giá, đôi khi là rất đắt.

Con người nếu chỉ có duy nhất một định hướng kiếm tiền và tiêu tiền, kiếm cho thật nhiều và tiêu cho thật khỏe; nếu chỉ nghĩ đến mục đích sống cho sướng hơn, chứ không phải cho tốt hơn; mà không được nuôi dưỡng về tâm hồn, mà coi nhẹ các giá trị tinh thần thì cái ác lập tức sẽ nảy sinh. Hãy nhìn vào những tội ác diễn ra trên khắp mặt đời sống hôm nay, rồi tìm đến nguyên nhân sâu xa của nó, tôi nghĩ không thể bỏ qua hoặc bỏ quên thực trạng này, nó có nguyên cớ chính là sự xuống cấp của nền giáo dục, sự hỗn loạn của các giá trị văn hóa, và sự rệu rã của các nền tảng đạo đức của xã hội. Quả không có gì khó hiểu khi đi tìm mối liên hệ giữa tình trạng xã hội đó với sự xuống giá và quay lưng với nguồn đào tạo và môi trường hoạt động của những người công tác ở các lĩnh vực của khoa học, văn hóa, văn chương- nghệ thuật. Quay lưng với các khối thuộc khoa học nhân văn và khoa học cơ bản đứng về lâu dài và ở tầm bao quát đó là sự quay lưng với các giá trị làm người (tâm hồn, nhân cách, trí tuệ), là sự gạt bỏ hoặc coi rẻ các giá trị tinh thần của dân tộc và nhân loại. Và như vậy, nếu để kéo quá dài, không có cách điều chỉnh để xoay chiều hoặc “chấn hưng” thì sẽ là một thương tổn lớn cho cả một hoặc nhiều thế hệ.

Từ sự trình bày trên, tôi nghĩ vấn đề đặt ra bây giờ không phải là lý thuyết. Lý thuyết đã có từ sớm; và lúc nào cũng đúng, cũng hay. Nhưng việc vận dụng nó, việc đưa nó vào các thể chế, chính sách thì cần rất cụ thể, rất thực thi, rất nhất quán, rất đồng bộ trên tất cả mọi khâu của quản lý Nhà nước, và trước hết là ở cấp vĩ mô. Tức là ở những địa chỉ cao nhất, để nhìn rõ một cân đối bao trùm - là cái cân đối giữa kinh tế và văn hóa, giữa vật chất và tinh thần. Trung Quốc gần đây vừa đưa ra chiến lược phát triển văn hóa, xem văn hóa như một sức mạnh mềm. Hiểu văn hóa như một giá trị, một sức mạnh thì có lẽ dân tộc ta từ xưa vốn không xa lạ. Nó từng là vũ khí đưa dân tộc vượt qua bao thử thách của lịch sử.

Ở sự điều hành vĩ mô, tôi nghĩ rất cần có ở mỗi đơn vị - chủ thể và cá thể, một nhà nhân văn biết cảm xúc trước “những điều trông thấy”, và biết “đau đớn lòng”. Những tội ác khó nói hết sự dã man rình rập khắp nơi; sự vô cảm như tràn lấn, khiến cho phương châm sống “thương người như thể thương thân”, “người với người là bạn” bỗng trở nên vô tăm tích; sự dày đạp lên đạo đức thể hiện trên khắp mặt đời sống, kể cả những chỗ thiêng nhất là gia đình, kể cả những địa chỉ cao và quý nhất là chữ hiếu; những chỗ, những địa chỉ trước đây rất ít khi bị vi phạm, tạo nên những ô nhiễm nặng nề, khiến cho ngay những việc thực sang trọng như việc xét các giải thưởng, các danh hiệu - từ trung ương cho đến các địa phương - cũng là nơi phơi bày những lỏng lẻo, rời rạc, thấp bé, ít có nhường nhịn, ít có thân thiện giữa con người với con người...

Nếu toàn bộ nền kinh tế xã hội cần một tái cấu trúc mới như kết luận của Hội nghị lần thứ 3 Trung ương khóa XI vào tháng 10 vừa qua; nếu “chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng(8) thì ở một phía khác, hoặc phía rộng hơn, toàn bộ sự nghiệp xây dựng của chúng ta hôm nay sau chẵn 25 năm - quả đã khá dài, cũng đang cần một tái cấu trúc cho sự cân đối giữa kinh tế và văn hóa, giữa vật chất và tinh thần để cho mối tương quan giữa cả hai là hợp lý, để cho vị trí của cả hai được trở về đúng vai trò và quỹ đạo của nó. Đừng “nghiện” tăng trưởng kinh tế bằng bất cứ giá nào mà phá vỡ môi sinh và mọi nền tảng đạo lý, mà giảm nhẹ hoặc chối bỏ sự bằng an tinh thần và an sinh xã hội.

--------------------

(1) Các cứ liệu dẫn trong bài này, kể từ đây, được khai thác trên các báo chí hàng ngày, chủ yếu trên tờ Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh.

(1), (2), (3) Tuổi trẻ các số ra ngày 21-9; 27-9; 4-10-2011.

(4), (5) Số ra ngày 15-10; 9-10.

(6) Số ra ngày 23-9.

(7) Số ra ngày 5-5.

(8) Số ra ngày 11-10-2011.

(Nguồn vanhoanghean.vn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn