Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Nhà văn của đồng quê, đất bãi

Nguyễn Trác - 15-12-2011 01:00:32 PM

VanVN.Net - Nhà thơ Thanh Hào sinh trong một gia đình nông dân nghèo đông con trên Bãi Giữa sông Hồng với những ruộng ngô, cánh buồm, bãi rau và những mùa lụt lội. Có lẽ chính nỗi vất vả của gia đình và sự nghèo đói của quê hương đã khiến ông từng có những năm tháng “không dám ước mơ thành một nhà văn” dù say mê văn chương từ nhỏ.

Nhà thơ Thanh Hào khi còn sống

Nhưng ông đã trở thành một nhà văn cũng bởi vì tình người và vẻ đẹp dân dã nhưng mê hồn của cái làng quê đó. Bạn đọc biết đến ông đầu tiên qua những bài thơ ông viết cho các em. Những bài thơ cũng chỉ có thể được sinh ra trong một môi trường thôn dã chứ không thể là nơi phố thị:

               Một hôm chú gà trống/ Lang thang trong vườn hoa

               Đến bên hoa mào gà/ Ngơ ngác nhìn không chớp

               Bỗng gà kêu hoảng hốt/- Lạ thật, các bạn ơi

               Ai lấy mào của tôi/ Cắm lên cây này thế.

Cái hay của bài thơ chính là yếu tố bất ngờ nhưng cái sâu xa của bài thơ tôi nghĩ  còn nằm ở sự  phát hiện mối liên hệ và thống nhất giữa vạn vật trong vũ trụ.Bài “Hoa mào gà” này của ông sau được đưa vào Tuyển tập văn học thiếu nhi do Nhà xuất bản Văn học in.

Khởi đầu bằng thơ nhưng  ông lại “nở rộ” với bút kí và tản văn về đồng quê đất bãi. Quê hương đã âm thầm tích lũy trong tâm hồn ông những vốn liếng vàng ròng.

Liền trong hai năm 1997 và 1998 Thanh Hào cho ra mắt bạn đọc hai tập bút ký và tản văn viết về “duyên quê” và “thú quê”. Mỗi tập đều trên dưới 300 trang .

“Thú quê” đậm đà những tình, những cảnh của một vùng đất bãi ven sông Hồng, ngoại ô Hà Nội. Còn “Duyên quê” mênh mông những lời ru, tiếng rao và hương bưởi mùa xuân cùng những suy nghĩ của một con người từ miền quê của mình nhìn rộng ra cả nước.

Trước Thanh Hào, chủ đề về thiên nhiên và đất nước đã có nhiều người viết và nhiều tác phẩm hay.

Tôi đã đọc Lịch bốn mùa thiên nhiên của Pri-svin, nhà văn Nga, đọc truyện ngắn Thạch Lam, Tô Hoài, tùy bút Nguyễn Tuân, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng cũng như nhiều đoản văn của Băng Sơn.

Lịch bốn mùa thiên nhiên của Pri-svin cho ta thấy sự vĩ đại của tạo hóa và trí tuệ sâu sắc của thiên nhiên Nga. ở Thương nhớ mười hai là tấm lòng da diết nhớ quê hương, nhớ những người thân và những kỷ niệm từ nửa phương trời chia cắt. Một quê hương vẫn còn đấy mà không sao trở lại, không sao với tới. Tấm lòng ấy cộng với ngòi bút tài hoa, trau chuốt của Vũ Bằng đã làm nên vẻ đẹp sang trọng và sức hấp dẫn của tác phẩm ông.

Thế nhưng, sự hoài niệm quá khứ trong “Thương nhớ mười hai” là sự hoài niệm của một người thuộc tầng lớp trung lưu, một kẻ tài tử đa tình và bậc túc nho thâm thúy và ở một hoàn cảnh đặc biệt. Mỗi câu văn của Vũ Bằng như đều như ánh lên một màu men quý phái  hay nõn nà da thịt suối Mường, bát ngát Cổ ngư, bên cạnh một nỗi buồn thiên cổ.

Ở Thanh Hào lại khác. Do hoàn cảnh xuất thân, ông không có điều kiện để tiếp cận một đời sống và một thiên nhiên đất nước như Vũ Bằng. Ông bắt đầu từ phù sa và bùn đất. Ông lẩy ra từ nghèo nàn vất vả, từ phù sa và bùn đất vẻ đẹp hiếm hoi cùng niềm vui ngắn ngủi của những người lao động nơi thôn dã. Bằng những bài bút ký ngắn, ấm áp tình người, ấm áp kỷ niệm, ông dẫn ta trở về với cuộc sống nơi khởi nguồn chất phác, cực nhọc mà đầy sinh khí của dân tộc, trở về với tâm linh ta. Những hình ảnh, biểu tượng của cuộc sống ấy hiện lên ngay từ những tên bài Hoa gạo trời xuân, Cánh buồm, Giếng đình, Cà cuống… “Khi cà cuống bắt về, niềm vui bao giờ cũng dành cho trẻ con. Những ổ trứng là những món quà tuyệt vời. Bọn trẻ nướng nướng, lùi lùi, phồng má thổi phì phò trên bếp than. Trứng nổ lép bép trên bếp than, trứng nổ lép bép trong những cái miệng xinh xinh, thơm phức”. (Cà cuống ơi – Thú quê)

“Ngày rang đậu của nhà ai trong xóm, cả xóm đều thơm lừng. Không ai có thể cất giấu được cái mùi thơm. Cô gái ngồi rang đậu trong bếp, chàng trai đi qua ngõ mà bàn chân bối rối không đi qua được” (Mùa tương -  Duyên quê). Văn ông thường sáng lên những niềm vui như vậy chứ ít khi có những nỗi buồn tấm tức, kể cả khi ông viết về cảnh làm dâu hay bữa cơm bánh khúc của con nhà nghèo…

Đã hơn một lần tôi cùng Lê Đình Cánh, Nguyễn Đức Quang và vài người bạn lên thăm ông trên Bắc Biên tại ngôi nhà gạch nhỏ nằm trong đê bên bờ Bắc sông Hồng. Nghe Quang nói nhà ông từng là “đại bản doanh” của nhóm các nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn,Ngô Quân Miện, Giang Quân, Vân Long… Từ nhà ông chỉ vài bước là ra tới đền Mẫu thoải bên sông và đền Núi ở sau nhà. Ông  từng dẫn anh em tôi ra thăm đền, ra bờ sông ngắm cảnh và giới thiệu về những ghềnh những bãi những khúc quanh của dòng nước...

Ông nói nhiều năm xa xưa lũ tràn về, nước tràn vào nhà ông ngập hàng mét và ngâm một hai tuần lễ đến hàng tháng. Nhưng cả hai vợ chồng ông, cả “phòng văn” của ông cũng như nhiều vật dụng trong gia đình không chuyển đi đâu mà chỉ “leo” lên tầng hai bám trụ:

“Người dân bãi vốn quen với cảnh lụt lội, nên dù nước ngập mái tranh con người cũng chẳng đi đâu. Của cải, giống má gác lên xà nhà, còn người thì kê giường, kê phản cao mãi lên mà ở. Nước ngập mất cửa ra vào, người ta cắt đòn tay, dui mè một khoang nhỏ trên mái thành cái cửa tò vò, chui ra, chui vào như người lính xe tăng chui vào nắp tháp xe”. Khói cơm sáng, cơm chiều của những cái bếp đắp bùn trên mảng chuối bay ra từ đấy. Tiếng hát của những cô gái, của những bà già ru cháu cũng bay ra từ đấy”.

Ôi, “những cái bếp đắp bùn trên mảng chuối”, liệu mấy ai trong chúng ta đã được một lần nhìn thấy trong đời!

Và “khi làng đã ngập thành sông rồi, con cá vào ở quanh với con người. Cá cứ len lỏi từng mảnh vườn, từng gian nhà. Cá kiếm mồi tận chân cột, gậm giường” “đôi khi có con cá chép, cá ngạnh nào hứng chí quẫy mạnh cái đuôi lên, người nằm trên bục giật mình, nước bắn ướt cả lưng” (Làng chìm, làng nổi – Thú quê).

Hình như cá là con vật quen thuộc và gần gũi hơn cả với người ven sông, nhất là trẻ con nên những trang sách tả về cá của ông thật sinh động. (Đến như mùa xuân nhìn hoa ổi rơi ông cũng thấy những cánh hoa ổi giống như vẩy cá).

Mùa cá đẻ là một bút ký hay, dựng cảnh rất giỏi. Không sinh ra và lớn lên ở những vùng đất bãi, không có những mùa cá đẻ đi qua tuổi thơ sẽ không thể có được những trang viết vừa ly kì, vừa hấp dẫn vừa sinh động như thế. ở đây người ta thấy được cái khôn ngoan của loài cá lẫn cái khôn ngoan của con người, cái náo nức của cá và cái náo nức của trẻ thơ.

Thiên nhiên và con người đất bãi hiện ra tưng bừng trong một cuộc đấu tranh sinh tồn quyết liệt và hoành tráng.

Người quê bãi thường bảo: “Đời một cánh bãi giống như đời một con người. Cánh bãi không ổn định như cánh đồng. Cánh bãi có thể sinh ra, lớn lên, rồi có bồi có lở”. Vậy cánh đồng là gì trong tâm thức người Việt? ở đây ta chưa bàn đến vội nhưng chỉ biết có lẽ cánh bãi bao giờ cũng là khởi nguồn rất xa xưa của những cánh đồng.

Bãi non (Thú quê) cũng là một bài bút ký thú vị và độc đáo. Như một bài thơ, nó vang vọng trong ta vẻ đẹp những gì tươi trẻ và tinh khiết của thiên nhiên Việt Nam. Quá trình hình thành của bãi, cuộc đời ngắn ngủi của bãi gắn liền với những lợi ích và niềm vui ngắn ngủi, bé bỏng mà bãi mang lại cho con người, hạnh phúc, tình yêu và cả những bất hạnh mà bãi đã chứng kiến. ở đây  có cả số phận, cả lịch sử, cả tư tưởng mà cũng có cả chiều sâu văn hóa một vùng đất.

Nhưng dù ở ngoài cánh bãi hay trong cánh đồng, ở đâu cũng là đất nước Việt Nam với những lũy tre, bóng cau, làng tằm, với ngàn dâu xanh, với cái giần cái sàng, những phiên chợ quê hay mùa bánh khúc. Xin bạn đọc thành thị hiểu cho đây là những cái bánh khúc của người nghèo, người đất bãi, người nhà quê chứ không phải thứ bánh khúc bán ở thành phố đêm đêm: “Người vùng bãi hái rau khúc để trộn lẫn vào gạo thổi cơm. Những bát cơm xới ra, trông xanh lè, ngổn ngang những cẳng rau, cọng rau” (Mùa bánh khúc – Thú quê).

Nhưng cái đời sống ấy thấm nhuần một triết lý dân gian đơn giản, mộc mạc mà thâm thúy: “Cây con mọc lên, lớn lên, dù cằn cỗi cũng có tuổi dậy thì mà ra hoa kết trái. Cứ thế, cứ thế loài cây cứ trôi nổi, sinh sôi, nối đời nọ sang đời kia, tồn tại với nhân gian từ hoang sơ cho đến mãi muôn sau (Hoa cỏ - Duyên quê).

Thanh Hào có một mảnh vườn nhỏ trước nhà trồng hoa và trồng rau. Những thứ hoa và rau dân dã mộc mạc như cúc vạn thọ, hoa mào gà, rau cải, rau đay… Đất bãi phải là màu mỡ lắm. Thế mà lần ấy, một buổi chiều, tôi và nhà thơ Vân Long tới, không hiểu sao nhìn khu vườn tôi lại thấy nó “tiêu sơ” quá.

Xưa, Thanh Hào vốn ở ngoài bãi giữa. Sau trận lụt mất bãi, gia đình ông chuyển sang bên bờ bắc sông Hồng. Năm 1972, năm Mỹ ném bom B52 vào Hà Nội mới là năm mất mát lớn nhất của đời ông. Ngay đêm đầu tiên, đêm 18.12,  đã có 28 quả bom Mỹ rơi xuống làng ông. Nhà ông bị trúng bom. Hai đứa con ông mất ngay đêm ấy, một cháu mới lên 2, một cháu lên 6. Còn ông và cậu con lớn, đều bị hất tung lên cao hàng chục mét rồi rơi xuống ngay chính hố bom mà không hiểu sao thoát chết. Ông đã gắn bó đời mình với đất bãi không phải chỉ bằng mồ hôi, nước mắt mà là cả máu nữa.

Cho đến cuối đời ông vẫn sống không phải là sung túc lắm. Người ông gày yếu, đau ốm luôn. Ông bị bệnh gan nên da lúc nào cũng vàng sạm. Thế nhưng sức làm việc của ông thật bền bỉ. Ngoài lúc nghỉ ngơi làm vườn thì lúc nào ông cũng đọc và viết. Tên ông hầu như tuần nào, tháng nào cũng thấy xuất hiện trên các báo. Các tòa soạn báo hầu hết bên bờ Nam, nên ông luôn phải qua sông. Trước, ông thường đi lại bằng xe đạp. Khoảng cuối những năm 80 mới mua được chiếc xe máy Tàu, thế mà được ít lâu đã nghe ông bảo nó đã không leo lên nổi con dốc đê Gia Quất.

Văn ông luôn hồn nhiên và mộc mạc. Đôi lúc ông cũng bóng bẩy, nhưng đó là cách bóng bẩy hoa mỹ của lời quê, cách “làm duyên” của những chàng trai, cô gái sau lũy tre xanh mà ông học được.

Thú quê và Duyên quê của Thanh Hào là những trang viết về thiên nhiên nông nghiệp Việt Nam, về văn hóa ẩm thực nơi thôn dã sông nước, về các phong tục tập quán và cả những lề thói cũ. Đọc ông ta được gặp lại hình ảnh lũy tre làng, bóng cau, con đê, cây rơm, cánh buồm, hay cái giếng đình, những đặc sản như chè ngô, rượu nếp, nước vối, bánh trôi, tương cà, cả những phương thức sản xuất nay không còn như cách chưng cất nước hoa bưởi, những phong tục như lễ tế tơ hồng, tục “ăn mải” của  làng tằm, những kiến thức về cỏ cây sinh vật, những huyền thoại cổ xưa… Những kiến thức ấy với người thành thị, với cuộc sống đang đô thị hóa đến chóng mặt, nhất là với tôi như một sự thức tỉnh. “Chao ơi, cuộc sống làng quê cứ mộc mạc, giản dị như đời cây vối đứng bờ ao. Chẳng đòi hỏi chỗ đứng giữa vườn vẫn tỏa cành xanh là, khi làm cây. Chẳng cần xin được đặt lên bàn, lên sập trong ấm sứ, cốc pha lê, khi làm nước mời người” (Nước vối quê nhà – Duyên quê).

Khi tôi đang viết những dòng cuối này có nhà thơ bảo tôi:

- Hoài niệm quá khứ, quay về với cội nguồn, bảo vệ những thuần phong, mỹ tục… là đúng. Song lại phải làm sao tránh sự hoài cổ, tránh tư tưởng khư khư muốn giữ mãi cái cổ hay phục hồi không chọn lọc cái cổ…

Lo lắng như vậy là đúng. Đất nước ta đang trên đường đổi mới, nông thôn Việt Nam đang trên đường phát triển, thay vào những đoạn đường lát gạch thu cheo của các cô gái làng đi làm dâu xưa sẽ là những con đường nhựa, đường bê tông. Thay cho cái giếng đình, cái ao làng là vòi nước máy. Bên cạnh bóng cau là bóng cần ăng ten, thay cho mái tranh nghèo là mái bằng mái ngói…

Đó là sự phát triển tất yếu và cần thiết. Có lẽ Thanh Hào cũng hiểu điều đó nên may mắn thay những gì cực đoan đã không có trong văn ông. Học tập và tiếp bước các nhà văn bậc thầy, các nhà văn đi trước như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… Ông chỉ trao cho người đọc cái hồn dân dã bằng con đường  qua đất bãi quê ông. Ông chỉ muốn nói với bạn đọc là muốn thưởng thức cái “Thú quê” phải có được cái “Duyên” với quê mới gặp được cái “Chân quê” như lời thơ mong mỏi của Nguyễn Bính ở nửa đầu thế kỷ.

Nhà thơ Thanh Hào sinh năm 1931, Quê quán: thôn Bắc Biên, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Bóng mây (Thơ thiếu nhi - 1978), Vườn nhỏ (Thơ thiếu nhi) Thú quê (Tùy bút - 1997), Duyên quê (Tản văn - 1998) Lên chùa (Tản văn - 1998), Thao thức giao thừa (Thơ - 2002) Con sáo nói tiếng người (Truyện đồng thoại - 2003), Thơ với tuổi thơ (2002)...

Giải thưởng văn học: Giải thưởng của ủy Ban Thiếu niên Nhi đồng toàn quốc - 1980, Giải thơ của Viện Khoa học Giáo dục và Hội Rađa Barnen Thụy Điển, Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2001-2002 của NXB Kim Đồng.... 

Nhà thơ Thanh Hào từ trần ngày 21 tháng 10 năm 2011, hưởng thọ 81 tuổi. Bài viết trên nhân 49 ngày ông qua đời, cũng là một nén hương tưởng nhớ ông.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn