Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: "Tháng Chạp qua cửa" của Tống Ngọc Hân

13-01-2012 02:21:20 PM

VanVN.Net – nhà văn trẻ Tống Ngọc Hân sinh năm 1976, quê Phú Thọ, tốt nghiệp trường CĐSP, sau một thời gian dạy học đã chuyển sang làm kinh doanh. Tống Ngọc Hân viết văn, làm thơ đã nhiều năm nay, với một giọng điệu rất riêng, gây được ấn tượng khá đậm nét trong lòng bạn đọc. Chị tâm sự:”Tôi sinh ra ở miền núi Phú Thọ, hiện đang sinh sống tại vùng núi Lào Cai, vì thế, tôi yêu miền núi, tôi luôn có ý thức sống với miền đất gắn bó với mình bằng tất cả tâm hồn và trái tim, điều này cũng có thể coi như tôi”an phận”với vùng đất mình thân thuộc và không ân hận về điều đó. Tôi tin mình sẽ thành công với đề tài mình lựa chọn….”VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn của chị tới bạn đọc.

Nhà văn trẻ Tống Ngọc Hân (Ảnh tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII). Ảnh: Đỗ Hiếu

 

THÁNG CHẠP QUA CỬA

Cái nắng trang trọng của mùa đông chỉ đến vào buổi trưa. Đến lấp lánh trên vạt tống quá sủi nổi gió. Đến óng ánh trên bờ dậu giăng đầy váy con gái. Và đến...  dịu dàng ve vuốt những chân rạ xiêu vẹo trên thang ruộng khô hạn, mỗi năm chỉ một mùa, một lần thăng hoa.

Ruộng bậc thang Sa Pa, gần như đã tạc vào tâm khảm chị như vết nhăn tạc vào trán tuổi già không thể bóc, không thể gỡ. Mùa thu hoạch đã qua. Mùa con người từ năm châu bốn biển đổ xô về ngắm nghía, quay phim, chụp ảnh đã qua. Và ấm no cũng từ từ trôi đi. Theo tiếng cục cục của gà mẹ dẫn đàn con đi xa nhà cả mấy triền ruộng mà đám gà con vẫn lép nhép vì đói. Con lợn thả rông, mũi cày vào gốc chàm, chạm vào đá sắc tứa máu, vẫn hừng hực gọi sinh tồn, sinh sôi. Mùa vàng qua rồi, mùa sóng lúa dâng dào dạt trong thơ, trong văn, trong mắt tuổi ba mươi viên mãn qua rồi. Trước thềm năm mới, chị thổn thức ngắm ê chề gốc rạ chờ nước, ngắm gió đãi bôi hun hút thổi qua, ngắm nắng nhàn nhạt thương cảm. Còn những bậc thang chơ vơ, những nếp nhăn bất lực hằn trên trán trời...  

Mỗi năm chỉ có một vụ lúa, vì thế lúa gạo ở đây là châu là ngọc. Nhìn người phụ nữ Mông tẩn mẩn nhặt hạt gạo dính vào kẽ tay con trẻ bỏ vào nồi mà lòng chị không gượng dậy nổi một nét cười. Cũng chẳng xa đây bao nhiêu, những tiệc tùng xa xỉ, ăn uống chỉ là cái cớ để người ta nói chuyện công việc. Trong cái mớ trăm công nghìn việc hệ trọng ấy, ắt hẳn cũng có ai đó hoạ may nhớ về mảnh đất này. Chị láng máng nghe họ nói đến một cái trạm xá, một cái trường học gì đó cho trẻ con sắp được xây...  Thôi thế là”song hỉ lâm môn", cũng có tin vui cho đồng bào rồi. Ai vui say mặc vui say, ai chắt chiu mặc chắt chiu, có ai thử một lần chân trần trên đất lạnh, tóc rối vào gió bậc thang, mắt rối trong gốc rạ để tính xem lúa trên thang ruộng hẹp đi theo đồng bào được mấy mùa và hết rồi thì sao?

Thì đấy, con bé lên bảy tuổi khản hơi trong đêm lạnh, lạc giọng trong tiếng nhạc, để chào mời:”By for me something”(mua cho tôi vài thứ đi). Thì kia thằng bé lên năm, cởi truồng đi ủng, lội qua bãi phân trâu nhầy nhụa lốc thốc bám vào vạt áo mẹ xuống ruộng trông em để mẹ đi tìm nước ẩn náu trong hốc trong khe. Và kia than từng bao kĩu kịt từng bao cõng về phố. Gỗ tốt thì than mới tốt. Bao nhiêu thân cây hoá thân làm lửa cho con người nướng nấu đủ thứ trên đời...  

Hết hạt gạo thì rừng núi có gì, suối thác có gì, con người cũng mò cho ra bằng được và mang về phố. Và cái gì của rừng này, núi này, thiên nhiên này cũng là đặc sản. Chị cứ thấy lòng mình tơi bời như vừa có bão lốc. Đi qua bao nhiêu triền ruộng mới thấy vài bóng gà con gọi mẹ, chị hơi vững lòng. Tháng chạp chậm rãi bò qua cửa, chạm mấy gian nhà trống toác mà buồn tênh. Trên cành đào phai, vài cái nụ vội vàng bung nở như gái nhỏ mười lăm tảo hôn cho vừa lòng cha mẹ, để rồi cái quả bé tí xanh xao chào đời giữa mênh mông gió nắng.

Ấy thế mà trên phố, ngay cửa nhà mẹ nuôi chị.  Ngô, gạo, rượu khoai sắn, gà, cá, thuốc thang. Hằng vài trăm thứ, khô có, tươi có, sống có, chết có, từ nơi nảo nơi nào đó được đưa về Sa Pa cũng trang trọng được gắn cho cái mác đặc sản Sa Pa. Trang trọng như nắng tháng chạp...  

Vào lúc này, ai đó cũng dâng cỗ lên thang ruộng mời chị uống, mời chị ăn thì chị cũng không nuốt nổi. Trời xanh như áo ai vừa nhuộm, khoác lên tháng chạp một sự bình yên vĩ đại. Thây kệ toan lo, thây kệ eo sèo, bên bếp lửa, người đàn ông Mông vuốt ve từng đồng tiền bán măng, bán củi, gấp làm đôi, cho vào túi giấy bòng rồi mới đúc vào ví. Ví lại để trong túi áo thổ cẩm ngay cạnh quả tim, càng đến gần tết quả tim càng đập mạnh như tim người leo núi. Túi áo thổ cẩm của người đàn ông Mông được vợ hoặc mẹ may cho lại nằm ở phía trong áo, giáp vào, chạm vào da thịt, cồm cộm tự hào dù ít, dù nhiều tiền. Túi không để phía ngoài cho nắng, cho gió dòm thấy và soi mói. Nhưng mà tháng chạp đã qua cửa rồi, ai mà khư khư giữ túi mình mãi được. Tháng chạp, cái gì cũng khan hiếm. Đến nắng cũng khan hiếm không đủ hong khô quần áo. Lớp học trên núi, quần áo chàm âm ẩm bốc mùi nồng ngái cay cả khoé mắt. Bọn học sinh tự sấy khô quần áo mình bằng hơi ấm da thịt và những trò chơi trẻ con. Còn chị thì ái ngại, mai có dự giờ tại lớp chị, chị phải mặc gì cho vừa gọn gàng đẹp mắt, vừa đủ ấm để giọng khỏi phải run...  

Nhà mẹ nuôi chị trên phố, không sang giàu nhưng cũng tàm tạm đủ ăn, đủ tiêu với gần 30m2 diện tích bán hàng tạp hoá. Chị đã vay mượn ân tình của mẹ nuôi nhiều lắm rồi, không thể vay thêm tiền để gửi về dưỡng bệnh cho người mẹ đẻ ra chị được nữa. Cả hai mẹ đều giục chị lấy chồng. Nhưng chị như cây măng lỡ lứa. Đàn ông bây giờ chỉ thích gái trẻ. Chị vâng vâng, dạ dạ cho qua chuyện và cứ để tuổi xuân phơi phới qua đi. Chỉ những khi sân trường yên vắng tiếng trò nhỏ cười đùa, vạt rừng ngay sát trường học ran ran tiếng chim muông gọi nhau chị mới thấy được nỗi cô quạnh đáng sợ biết chừng nào. Nhớ mẹ nuôi, chị những muốn ùa về phố và ôm chầm lấy mẹ nhưng mà chị lại sợ, ùa vào mắt chị là một không gian ngờm ngợp sắc màu và thơm nức mũi chị những no đủ. Chị  sợ phải so sánh. Bữa cơm chị thường thấy trong mỗi lúc đến thăm học trò chỉ là cơm với muối nướng trộn ớt, thi thoảng có thêm tí thịt mỡ hoặc lạc khô...  Bọn trẻ con từ đứa cầm thìa còn chưa chắc đến đứa biết ăn đứa, và cơm tơi tới đến khi no tròn bụng. Quyệt mấy hột cơm vương trên má là lăn ra ngủ. Quần áo, mặt mũi còn lấm lem. Còn bữa cơm của trẻ trên phố thì...  Đứa trẻ học lớp 4 bố mẹ vẫn phải bón cơm, lừa ăn, lừa ngủ...  Đàn bà phố kem dưỡng da, son phấn đủ các nhãn hiệu...  Đàn bà Mông thì chỉ có nước suối vã vào mặt...  Mà thôi, có so sánh cả đời. Cũng tại chị không xa được những thang ruộng, không xa được những đứa trẻ Mông và hay nặng lòng so sánh mới nên nông nỗi này chứ. So sánh khập khiễng, hay cảnh đời khập khiễng, đó cách đây có ba kilômét đường vòng thúng mà mọi sự khác hẳn rồi, thậm chí đối lập. Cô giáo dạy trên phố cũng khác cô giáo cắm bản thì trò phố khác trò bản là đúng rồi.

Người đàn ông nhòm ngó, để ý đến chị là cán bộ kiểm lâm làm việc ở vườn Quốc gia. Anh tốt bụng nhưng thật thà quá. Anh thở hắt ra vì chán nắng, chán gió và chán gốc rạ, anh bảo:”Học sinh thì dốt nát, phụ huynh thì nghèo, trường chẳng khác gì chùa, chẳng có bổng lộc gì ngoài giá rét căm căm, em định tu ở đây hay sao?". Chị không giận anh, không tránh anh, chị thích một chữ”tu". Thế mà tu cũng không trọn.

Mùa đông ấy, rét cắt da cắt thịt. Tháng chạp ấy dài ngoẵng ra vì học sinh nghỉ học tránh rét. Chị về phố. Mẹ nuôi chị tặng chị một món quà bất ngờ và ý nghĩa. Đó là anh - Người đàn ông chị nhìn thấy là xốn xang, là thấy duyên thấy nợ. Anh đã li dị vợ vì chị ta ngoại tình. Anh nuôi một đứa con gái nhỏ. Cuộc tình đẹp đẽ và ngắn ngủi chỉ trong tháng chạp lạnh giá. Chị đã đưa anh đi chơi hết tất cả mọi nơi, mọi chốn giá rét để tình yêu của hai người có dịp thử sức với cái khắc nghiệt thiên nhiên. Tháng chạp. Tiếng sét ái tình tháng chạp làm cho người con gái ba mươi tuổi trở thành đàn bà sau một đêm chỉ có hai người trong căn phòng tập thể nhỏ trên núi. Bao than đã vơi đi một nửa. Bao than còn một nửa, còn chị lại thấy mình trống rỗng chẳng còn gì...  

Và anh không bao giờ lên núi. Và anh không còn ở Sa Pa.

Đôi lúc chị nghĩ đến người đàn ông đầu tiên của đời mình như nghĩ đến một người chồng quá cố. Mười mấy nghìn con trâu bò chết trong đợt rét ấy mà con tim chị chưa chết là may đấy. Chị đồng nghiệp phòng bên cạnh và cũng là phân hiệu trưởng của chị có chồng là sĩ quan biên phòng. Chị ấy giấu chồng như cá suối giấu con ấy. Như thể khoe với đồng nghiệp nữ là không an toàn lắm. Vì thế chị chỉ nhìn thấy người đàn ông ấy từ phía sau. Vững trãi, rắn rỏi. Còn khuôn mặt, giọng nói tiếng cười của anh ta thì không. Chị đồng nghiệp vừa cưới được chồng có nghề tử tế, lại xin được một xuất về phố. Sao mà may mắn. Tháng chạp của người ta thì ấm cúng, còn tháng chạp của chị thì tê tái vì rét, mà lại là cái rét từ trong ký ức. Nghe nói hai người cưới ở quê, rồi đưa nhau lên núi hưởng trăng  mật. Suốt tuần trăng mật của họ, chị tất tả về phố ôm lưng mẹ nuôi ngủ. Vì tường giáp tường, bếp giáp bếp, đến tiếng thở gấp còn nghe thấy nữa là...  Học trò tiểu học tò mò, kiễng chân lên dòm qua khe cửa rồi rúc rích che miệng cười...  làm chị đỏ cả mặt. Hôm sau phân hiệu trưởng lên lớp, vết răng cắn trên cổ, trên má còn bầm đỏ. Bỗng dưng chị nhớ đến vết cắn trên ngực chị. Có lẽ nào anh chưa phải là người quá cố.

Tháng chạp sộc vào nhà, ngồi chễm chệ trên chiếc ghế băng nhỏ chị hay ngồi chải tóc và nhặt tuổi xuân rơi giắt vào bẹ chuối. Trên bàn có bức thư của mẹ ở quê gửi lên. Tờ giấy mẹ viết thư được lột từ giữa một cuốn vở học trò. Chị ấp trang tâm tình của mẹ lên mũi, chị ngửi thấy mùi rơm rạ, mùi khoai, mùi bèo, mùi ngan vịt. Những cái mùi nhà quê đeo bám chị bao nhiêu năm trời có lúc đã bị nhạt nhoà...  giờ lại sống động, tinh khôi, nhảy nhót trên từng chữ viết xiêu vẹo của mẹ...  chữ của mẹ trên ô li vở học trò, sao mà giống gốc rạ trên ruộng bậc thang...  Chị khẽ mỉm cười. Ai bảo gốc rạ chết?

Tháng chạp soi mói chiếc giường của chị nằm lõm một góc đệm rẻ tiền phía giáp tường. Soi mói bàn làm việc của chị đơn giản, sơ sài...  Tháng chạp nhắc chị có một tháng chạp, chị khăng khăng, thành cố nhân rồi...  

"Cộc cộc cộc". Tháng chạp không vào nhà bằng cửa chính mà bằng tất cả các lỗ thủng, ngóc ngách. Ai vậy mà đàng hoàng? Chị ra mở cửa. Là anh, người đàn ông quá cố của chị. Anh xuất hiện trước mắt chị chỉ một phút như chỉ để thừa nhận, để công bố với chị một bản tin thời tiết ngắn gọn, mùa đông không còn dài...  thế thôi. Chị tưng tửng cổ vũ cho linh cảm đàn bà”biết ngay mà". Anh ta chào chị thay cho người đồng nghiệp chào bạn trước khi xuống núi và vĩnh viễn không trở lại nữa...  chị muốn đập tan nát chiếc giường...  Anh có thể yêu hai người đàn bà ở cách nhau một bức tường thôi sao? Ai, ai viết câu thơ này mà bây giờ chị không thể nhớ nổi tên:

"Con đường ta đã dạo chơi

Xin đừng đi với một người khác em"

Thế mà ngọn núi này, ngôi trường này, gian phòng này, tháng chạp này. Tháng chạp cút ngay khỏi phòng tôi, chị muốn gào lên như thế. Tháng chạp lỳ lợm ở lại vung vãi chút nắng cuối ngày vào mảnh tường dán đầy ảnh các tài tử xinê và vũ công. Tháng chạp không thấy bóng hình của anh trên tường nên yên tâm là chị rồi sẽ qua cơn đau khổ. Chị không đau khổ vì anh cưới chị phân hiệu trưởng sắp được xuống phố dạy. Cưới hay không thì có quan trọng gì. Chị đau khổ vì anh sống lại, chị biết làm thế nào để ép con tim chị giết chết người mình yêu lần nữa? Mà mỗi lần giết anh, chị cũng muốn chết theo.

Chị phăng phăng chạy trên ruộng rạ làm mấy đứa trẻ con phát hoảng mếu máo:”Cô giáo bị làm sao thế”Chị cười, đưa tay vò tóc:”Cô giả vờ làm gió thôi mà". Lũ trẻ bám theo chị lao nhao;”Cô làm diều đi"...  Chị cứ chạy trong cảm giác mình được bay lên đến khi mệt lử ngã vật bên một vòm mua dại với những chùm hoa tím ngăn ngắt...   Thì ra tháng chạp cũng còn tình nghĩa nên cho hoa nở ràn rạt lưng núi, loài hoa không ai bán, chẳng ai bỏ  tiền ra mua, loài hoa không cắm trên cửa sổ, trong phòng tân hôn, trong tiệc gặp mặt. Loài hoa dại cứ nở bời bời trong gió để làm nên sự lãng mạn trong tâm hồn chị. Giá như có một tình yêu để mà khoe với hoa, với thiên nhiên cây cỏ. Giá như có một gia đình để nắm tay nhau vào cùng hơ trên lửa xem tay ai không chịu được bỏng phải rụt ra như ngày xưa bố mẹ chị vẫn làm thế.

Trường có mấy thầy cô giáo trẻ cứ thay đổi xoành xoạch, người này đi, kẻ khác về. Mẹ nuôi chị thủng thẳng nói vào cái tâm trạng đã bình yên của chị.”Cứ ở trên ấy cho lành, về phố tiêu cực lắm, nhìn đâu cũng thấy chạy vạy xin xỏ". Dường như ngại với chị vì cái vụ mai mối không thành, mẹ động viên khéo:”Rồi đấy mà xem, ba bảy hăm mốt ngày thôi, yêu nhà mặt phố, yêu lương sướng, bổng lộc chứ yêu gì người. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, chậm biết đâu lại có nước nguồn trong". Chị phì cười. Mẹ muốn chị ở luôn trên núi để mẹ tự do thôi, người bạn già của mẹ, xem ra mùa đông này không chịu được cái lạnh nằm một mình nữa. Có lẽ trong cuộc đua maraton với thời gian, chị thấy mình chưa vội vàng phải cán đích. Gừng già gừng cay, mẹ sáu mươi rồi mà còn phơi phới yêu đời thế, sao chị phải đăm chiêu.

Chị ngồi trên ghế, chẳng muốn sang giường nằm vì cứ nằm xuống là lại phải nghĩ ngợi. Có lẽ trên đời, không có điều gì tồi tệ hơn sự phản bội và dối trá. Mà thôi...  cũng không phải phán xét ai cả. Bạn cùng khoá với chị đấy, đưa nào học giỏi, là con mọt thư viện, ra trường không có tiền thì phấn đấu kịch kim cũng chỉ giáo viên giỏi hoặc tổ trưởng chuyên môn. Còn đứa nào vừa dốt nát, vừa cơ hội, vớ được hoặc bẫy được chồng giàu thì vù vù xe hơi, nhà cao cửa rộng và đương nhiên hiệu trưởng, hiệu phó.

Chị về quê họp lớp mang theo cái thành tích”Có biên chế”về khoe làm chúng nó phá lên cười. Chúng tôi”Cao học”cả rồi. Tưởng lên đó thì thằng chột làm vua xứ mùa chứ, ai ngờ vẫn ngang bướng, bảo thủ, ngược dòng nên mới khổ mới đa đoan...  Sa Pa đẹp thật nhưng mà phải sống đời ở đó thì buồn mà chết. Cái trường của mày trông xa như tổ chim câu. Học trò thì lem nhem. Chị phải bịt tai lại để khỏi phải nghe những lời thật đến tàn nhẫn ấy.

Cái mà chúng nó gọi là”Mảnh tình vắt vai”ấy là nỗi đau trải lên cuộc đời chị, chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ dày chỗ mỏng. Tháng chạp, khiến chị buồn nhất trong năm, nơi mà nỗi đau ngự tự sâu nhất và dai dẳng nhất. Chị định về quê ăn tết với mẹ. Chị đã định thế rồi, mẹ ở quê cũng tranh thủ dịp này để giới thiệu cho con một đám tàm tạm gọi là có chữ”Rể".

Một tuần nữa thì xuống núi, chị đếm ngược từng ngày. Đến ngày thứ ba thì anh kiểm lâm bò lên trường chị, giọng hổn hển:”Phải cưới ngay mới kịp em ạ, ông cụ nhà anh sợ không qua được nữa". Chị tự ái gỡ tay anh ra:”Sao lại là em, em không muốn lấy anh".”Không lấy anh thì lấy ai, em vẫn còn nặng lòng mãi với kẻ phản bội đó à, anh có gì không bằng nó chứ. Giúp anh đi. Không có phải đợi vài năm nữa lại trách anh hờ hững vô tình"...  

"Được rồi, không về phố cũng được. Cứ ở trên ấy. Anh đã nói với bố mẹ là chúng mình yêu nhau lâu rồi mà". Thế là anh cứ cầm tay kéo chị đi như trai Mông bắt vợ. Nhưng mà là kéo chị ra tầu về quê xin phép mẹ và họ hàng.

 

Mẹ nuôi chị, hai mươi tám tết cứ nhấp nhổm. Xe cộ ngày tết đông thế này lại cưới mồng bốn, đi lại kiểu gì. Đã nói rồi mà, thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Thằng này thì không có gì để mà chê được. Cửa nhà khang trang...  

Tháng chạp đến lạ, người ta buồn, nó cứ đủng đỉnh. Người ta vui nó quýnh quáng qua cửa khiến chị suýt nữa thì quên gửi thiệp hồng tới cho một người. Nhân duyên là do ông trời sắp đặt. Chị mặc kệ ông trời thôi. Nhìn khuôn mặt mãn nguyện của người cha sắp gần đất xa trời trước hạnh phúc của anh chị. Nước mắt chị tuôn rơi. Hết những ngày nắng, gió xào xạc. Tháng chạp bắt đầu mưa. Qua cửa là chạm mưa xuân.

Ngày xuân, chị đi hội Gầu Tào, chị rủ chồng đi cùng. Ném vào khuôn mặt hạnh phúc, hớn hở của chị là một vốc nước lạnh:”Hội hè gì, bố thì đau ốm nằm đấy”Chị lủi thủi quay vào nhà và nhận ra sự vô tình của mình. Đột nhiên chồng chị lại bảo;”Mà thôi cô đi đi, đi mà chia tay mọi người rồi nghỉ dạy luôn. Nhà này không cần vài đồng tiền lương của cô đâu".

Ừ, lương của chị không nhiều nhặn gì, anh có thể không cần tiền của chị, thế còn ước mơ của chị, công việc mà chị yêu thích thì sao chứ? Anh đã hứa hẹn như thế nào để cưới chị? Chị đã khóc rất nhiều nhưng nước mắt của chị không thể làm mềm lòng anh...  

Và chị thường xuyên phải tìm cơ hội để khóc. Đó là đám tang bố chồng chị, đám tang người đồng nghiệp cũ bị lũ cuốn trôi, đám tang đứa trẻ hàng xóm bị chết vì ma tuý. Chị dấu nước mắt buồn tủi vào những lần đi đám và thấy lòng có nhẹ nhõm hơn. Mẹ nuôi chị phát cáu:”Con dở hơi vừa thôi, có bao nhiêu đứa ao ước được như con mà không được đấy, nghỉ quách đi cho sướng. Chuột sa chĩnh gạo mà không biết đường, có voi còn đòi Hai bà Trưng".

Cái cảm giác đau đớn âm ỉ trong chị thật lạ lùng, hễ ai đó nói lời san sẻ, động viên chị lại càng đau hơn. Đau hơn cả việc người đàn ông đầu tiên bỏ chị lại và phản bội tình yêu của chị. Chị nhớ bọn trẻ con đến phát cuồng, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ giáo án, nhớ bục giảng, nhớ đồng nghiệp. Nhớ tiếng gà gáy trưa, nhớ nắng gió. Nỗi nhớ lẩn khuất trong từng kẽ tế bào, cứ chực bật lên như hạt mầm ủ trong đất gặp trời mưa. Chị cứ mân mê rồi bẻ viên phấn trắng đến lúc nát vụn. Chị cứ giở ra rồi gấp vào quyển hát nhạc mà mường tượng ra những tiếng líu lo ngọng ngịu. Không phải nhớ mà là thèm, là khao khát được đứng lớp để nhìn xuống thế giới thơ trẻ với những đôi mắt đen ngây thơ...  .

Thậm chí, trong giấc ngủ, chị cũng mơ đang cầm tay một đứa trẻ để đưa, để nắn từng nét chữ. Và đó là bàn tay anh, giấc mơ đẹp của chị đánh thức anh. Anh lột tung tất cả quần áo chị, chị rùng mình tiễn biệt giấc mơ đẹp và phải đối mặt với câu hỏi mà từ đêm tân hôn tới giờ lúc nào anh cũng hỏi:”Với thằng chó đó mấy lần rồi, nó làm thế nào mà cô không quên nó được hả"...   Chị không trả lời, nằm im, bâng khuâng như thể chị là diễn viên của một cuốn phim nhựa mà vì thiếu diễn viên, ông đạo diễn bắt chị diễn cả hai vai. Một vai nữ dịu dàng, vị tha biết sống vì người khác và cam phận từ bỏ tất cả đam mê để làm vừa lòng chồng và gia đình. Một vai đàn bà khùng điên phá phách, muốn trèo cao, lội sâu, lên tận đỉnh, xuống tận đáy ước mơ để thoả mãn khát vọng cá nhân. Dù là vai diễn nào thì chị cũng phải diễn cho thật tốt. Mười lăm đêm trước, chị dịu dàng ve vuốt anh và dâng hiến và bù đắp cho anh cái cảm giác thiếu hụt khi chị không còn trong trắng. Mười lăm đêm, đêm nào chị cũng tìm giấc ngủ ngắn ngủi vào lúc con gà gáy sáng. Sau khi lặng lẽ lau nước mắt vào tấm áo mẹ tặng chị cứ để trên gối. Chị diễn đạt đến nỗi chị cứ tưởng chị yêu anh cuồng si, yêu như mối tình đầu và tưởng anh là mối tình đầu. Và cũng nghĩ anh sẽ bỏ qua cho chị...  

Thế sao đêm nay, người đàn bà điên lại sổ vào nhận vai diễn và thấy rằng anh hỏi chị câu ấy là xúc phạm thế giới riêng của chị, là coi thường chị. Nếu thật lòng yêu chị thì dù ghen tuông anh cũng không hỏi thế. Và chị gạt tay anh ra, và rồi chị dằn giọng, trợn mắt:”Chúng tôi có một đêm bên nhau đấy, hai người yêu nhau đêm ấy, còn chúng ta ư, suốt mười lăm đêm, chưa đêm nào chúng ta thật sự yêu nhau cả". Bốp, bốp và bụp...  Những cái tát, những quả đấm, như mưa đá trút xuống đoá phù dung đã sắp sang chiều...  Trận đòn mà lẽ ra đêm nào chị cũng phải hưởng dồn tất vào một đêm xuân. Nếu mười năm trước có lẽ sau trận đòn này chị đã tìm đến cái chết. Còn bây giờ chị lại thấy là chị rất may mắn vì còn sống.

Chị xin đi dạy lại. Chị mừng như trẻ có quần áo mới. Học trò nhìn thấy chị thì mừng như mẹ đi chợ về. Thế là lại xúm xít, lại ríu ran, lại yêu đời. Chồng chị biết là với loại đàn bà cứng cổ như chị thì đòn roi không có tác dụng. Anh im lặng chờ thời cơ. Và thời cơ đã đến, nhìn chị vặt lá chua me chân bờ dậu ăn một cách ngon lành, anh biết chị đã có mang và có mang giọt máu của anh. Phải vĩnh viễn biến chị thành một con rùa chỉ biết rụt đầu, phải tận dụng cơ hội này. Chẳng có người mẹ nào lại không thương con, lại muốn con phải khổ, phải không có bố cả. Anh đã cậy cục nhờ vả xin cho chị về thị trấn rồi; mà lại là ngôi trường mà chị phân hiệu trưởng cũ cũng về. Chị sẽ về đấy làm để ngày ngày trông thấy họ đưa đón nhau, hoặc ở nhà nội trợ, chăm sóc đỡ đần mẹ và các em anh. Vờ như không biết chị có mang, anh đã nói thế. Chị chưa muốn về nên cứ trì hoãn. Anh chìa đơn ly hôn ra. Chị đắn đo một lúc rồi ký. Tất cả như trò đùa của trẻ con mà hai người đã quá ư dày dạn cứng cáp lại dại dột trêu đùa với hạnh phúc...  

Họ mất nhau. Con chào đời không biết mặt cha. Cha xấu hổ không dám nhận mặt con. Và nguy hiểm hơn là chị nhận thấy chị không có tình yêu để dành cho anh...  Thời gian thấm thoắt thoi đưa, con chị đã một tuổi. Chị được lệnh điều động về thị trắn dạy học. Cũng vào tháng chạp, mùa thang ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Chỉ còn một cái tết duy nhất với đồng bào, một mùa đông cuối, một học kỳ cuối...  Tám năm gắn bó với một ngôi trường, với lớp, với thế hệ học sinh, giờ chia tay sắp đến gần mà lòng chị cứ ngậm ngùi, không nỡ...  Mẹ nuôi chị đúng là người biết xoay theo chiều gió:”Con đã cống hiến cả tuổi trẻ, hi sinh cả hạnh phúc rồi, bây giờ con được nhìn nhận, cân nhắc và khen thưởng là đúng...  Số con sao mà khổ, lận đận về tình duyên...  bố thằng Tũn nghe nói có cô bồ trẻ lắm mới mười chín, đôi mươi. Đàn ông bây giờ chỉ thích gái trẻ".

Chị đứng nhìn mẹ tất tả xuống núi. Mẹ lần mò lên tận đây chỉ để nói với chị câu đó thôi sao? Chị sẽ về, nhường lại những khó khăn, thử thách này cho thế hệ trẻ. Tất cả những thầy cô giáo rời ghế nhà trường, nếu đều được đưa lên đây, được thấy cái giá rét ở đây, cái nắng gió ở đây và trăm nỗi thiếu thốn ở đây thì chị tin ai cũng sẽ như chị, biết yêu nghề, yêu trẻ và tha thiết yêu cuộc sống này. Nước chảy chỗ trũng. Vùng cao là chỗ trũng về kiến thức các bạn trẻ ạ, hãy là dòng nước miệt mài và dũng mãnh...  

Học sinh tiễn chị, phụ huynh tiễn chị, bà con dân bản tiễn chị vào một ngày tháng sáu chan chứa nắng. Nắng mùa này dư dật, trù phú. Lúa vàng óng ả những thang ruộng. Người biếu chị chục bắp ngô, người thì mấy quả trứng gà bọc rơm. Có trò còn xách đến cho cô giáo cả một con dúi mập mũm buộc cổ nêu vào đầu gậy đang ra sức ngọ nguậy...  chị đưa tay gạt nước mắt, mùa này bà con no ấm, chị có đi cũng đành lòng. Chứ để đến tháng chạp, làm sao mà cất nổi bước...  Chỉ có một cái cua dốc vòng thúng dựng nghiêng. Trên kia là thị trấn, là phố xá...  Mà thôi, có so sánh cả đời người...  Tạm biệt tất cả những thương yêu. Chị địu con như người đàn bà Mông địu con lên chợ, tay xách lách lỉnh kỉnh như con gái Mông về nhà chồng sau ngày cưới...  Trời xanh như áo ai vừa nhuộm...  

-----------

ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI

 

Suốt ngày, suốt đêm, tháng hai rồi mà gió vẫn chẳng dừng. Gió tham lam ngự trị từ mặt đất đến không trung, ngông cuồng, điên đảo, đến nỗi tôi tưởng gió ở cả trong lòng đất, rồi theo hạt mầm mà lớn dậy cùng mùa xuân.

Buổi sáng, gió rên rẩm như con thú trúng đạn, giãy giụa, quằn quại trên những vạt rừng. Lá non, lá già, lá khô tơi tả bay lên kèm theo những tàn tro từ một đám cháy… Những đám mây đỏ như máu đọng trên đỉnh núi.

Đến trưa như có phép màu, vết thương lành, con thú hung hăng hú dại cả thung lũng. Tiếng hú lúc thảng thốt ngắn cụt như lời hăm dọa làm phố xá lao xao đổ vỡ. Tiếng hú khi ngân dài như con tàu chạy suốt một năm giờ mới vào ga…Tiếng hú của gió nghe ai oán, hờn căm và thương tổn ngất đầy…Tôi sợ mỗi buổi trưa mùa khô hanh, tôi sợ những cơn gió từ đỉnh đèo dội về…Con người và cuộc mưu sinh cũng chông chênh, chao đảo vì gió.

Chiều, cái thị trấn xinh đẹp yên ả nhường này bị gió quậy tung lên khiến khối kẻ yếu bóng vía chả dám ra đường vì sợ rủi ro. Lỡ đâu tấm lợp, biển hiệu, viên ngói hay cánh cửa sổ ngôi nhà nào đó bị gió cạy ra, ném xuống, trúng đầu thì bắt đền ai, bắt đền gió ư? Gió chiều cáu kỉnh như mụ phù thủy già soi gương đã đập nát chiếc gương thần và gào lên nuối tiếc. Mụ đã thẳng tay chà đạp những ly, những cốc, những lư, những bình, mảnh mai, trong veo và tinh tế bên ô cửa sổ…Đến khi nào tất cả chỉ còn là đống đổ vỡ như những mảnh vụn gương thần kia, mụ mới hài lòng. Nhưng không, mụ gió phù thủy đi đến đâu, góc phố nào mụ cũng thấy cái bộ dạng gớm ghiếc của mình trên những ô cửa kính, nên mụ không chịu được cứ hầm hầm lao đi và hú những hồi ghê rợn… Hú suốt đêm và đến khi trăng sao nhạt mờ thì tiếng hú mệt dần, yếu ớt…

Tôi gom những đổ vỡ vào mỗi bình minh khi gió mệt lả, thiếp đi. Khi thì những bao tải, vỏ lon, vỏ hộp, bìa cátton, gió gom về chất ở cửa nhà tôi. Khi thì những tấm  áo phụ nữ, trẻ con, lúc thì cái rọ gà và cả lồng chim mở toang cửa. Nhìn cái lồng chim đẹp đẽ với cánh cửa mở toang mà tôi thấy hởi lòng hởi dạ, chí ít, gió dù vô tâm cũng làm được một việc tốt. Nhưng rồi nhìn những cành cây tươi trẻ bị xé toạc, bị giằng ra khỏi cây, ném xuống cửa nhà tôi là tôi thấy bực mình quá, không thể bao biện cho gió được.

Tôi đã thu dọn miệt mài suốt cả tháng chạp, cả tháng giêng rồi, giờ tháng hai. Bất công thế này là vì gió đấy.

Một buổi sáng thức giấc, hai hố mắt quầng sâu vì tiếng gió đêm qua ưới thung lũng chợt trùng xuống âm u như sắp lịm vào đất, không còn cuồng loạn, lanh lảnh hay dữ dội nữa mà cứ khắc khoải như lời trối trăng, rời rạc. Tôi thoáng buồn và chợt thấy mình vô lý, chẳng lẽ lại mất ngủ vì không còn những âm thanh đổ vỡ?…Chẳng nhẽ lại bồi hồi, lại bùi ngùi khi chia tay mùa gió chướng?…Tiếng gió lúc gần sáng yếu ớt như tiếng đứa con gái bị hãm hại cất lên giữa hoang vu tuyệt vọng…

Tôi bật dậy, và thấy vẫn sớm hơn mỗi buổi sáng trước rất nhiều. Mở cửa ra, đập vào mắt tôi là chiếc khăn tắm trắng nõn mà của nhà ai bị gió cuốn đến cửa nhà tôi. Ừ để tôi nói thêm cho các bạn hiểu, vì sao gió lại hay mang chiến lợi phẩm đến dấu ở cửa nhà tôi nhé. Gian nhà tôi ở dưới tầng một của toà nhà năm tầng người ta xây cho thuê. Căn phòng 24m ở góc trong cùng, nơi tiếp giáp  với bức tường của một khách sạn lớn. Thế là tôi may mắn có được mảnh sân nhỏ rộng chừng một mét, nơi tôi có thể đếm sao, ngắm trời nhưng nắng thì không bao giờ lọt xuống khoảng sân nhỏ này được, dù chỉ là le lói…Đường đi ở trên cao nhà tôi lại ở thấp vì thế, mảnh sân của tôi biến thành cái hồ lô, mà gió ngốc nghếch chẳng hiểu phải dấu vào đó những gì. Thế nên thượng vàng hạ cám tương vào đó hết, những tưởng một kẻ nghèo rạc như tôi phải chịu ơn gió lắm…

Mảnh sân nhỏ sáng hôm ấy chỉ có ít rác rưởi như vỏ chuối khô quăn hay lá bánh và ít lông gia súc từ cái lò mổ nào đó cuốn về. Tôi ngần ngại một thoáng rồi nhặt chiếc khăn trắng muốt ấy lên, rũ rũ ít bụi bám vào. Tôi bỗng giật mình, ánh mắt tôi bỗng tối sầm vì những vệt máu hồng loang lổ ở giữa tấm khăn trắng. Tôi bàng hoàng buông rơi chiếc khăn ngay dưới chân rồi đi như chạy vào nhà, chốt cửa lại…

Tôi lên giường trùm chăn kín đầu. Ngoài hiên, xao xác tiếng gió vần vũ. Gió đã thức giấc, rồi gió sẽ cuốn đi, để gió cuốn chiếc khăn ấy đi…Không biết gió đã đánh cắp kỷ vật ấy ở đâu, nơi nào? và oái oăm thế, lại ném vào ô cửa nhà tôi, đứa đàn bà tội nghiệp chẳng thể nhớ nổi lần đầu tiên của mình đã diễn ra như thế nào.

Tôi không thể trùm chăn mà trói ký ức vào mình đến ngạt thở được. Ai ấy đã kể cho tôi nghe về những giọt nước mắt đàn bà sau đêm tân hôn vì sự nổi giận của lang quân. Ai ấy cũng kể cho tôi nghe về một số Mạnh Thường Quân trong chốn tình trường có cả bộ sưu tập hằng chục chiếc khăn trắng muốt có loang vết máu trinh nữ…Với người là nỗi khổ đau, với người là chiến tích, là niềm tự hào, với người đơn giản là kỷ vật của sự dâng hiến…Dâng hiến hay cướp đoạt đời người cũng chỉ có lần đầu tiên. Nếu là cướp đoạt, nỗi đau sẽ theo con người ta đi suốt cả đời người…Gió gom nỗi đau bị cướp đoạt khắp nhân gian ấy tạo thành tiếng hú mùa này…

Tôi tung chăn, ngồi dậy, dụi mắt, bước ra mở cửa. Chiếc khăn trắng vẫn nằm ở đó, lì lợm như chờ đợi bàn tay tôi. Tôi nhìn quanh không có ai cả, tôi nhặt chiếc khăn lên, vung vẩy cho bụi rơi ra rồi cẩn thận gấp lại cố tình che đi vệt máu…Tôi cất chiếc khăn vào góc tủ quần áo của mình, sau khi đã bọc nó vào một túi nilon sạch sẽ. Chính tôi cũng không hiểu được mình, khi mà chỉ ba mươi phút trước đó, đến cả việc cầm nó bỏ vào thùng rác tôi cũng không dám làm, dù tôi đã linh cảm đó là kỷ vật con gái.

Nghi là chị mua ve chai tôi gặp trên chợ và gọi về cho chị những thứ gió đưa đến. Chị cười hả hê, khoe, mùa gió này chị mua được khối thứ bị vỡ, hỏng hóc, vỏ lon thì lăn long lóc khắp phố không phải sấp mặt vào thùng rác mà khui, mà bới…tôi cho chị tất cả, tất cả trong cái thùng catton to đùng. Chị cảm ơn rối rít rồi hẹn khi nào rỗi thì sẽ thì chị qua chơi với tôi…Đương nhiên là tôi không kể cho chị nghe về chiếc khăn trắng.

Thế rồi một lần chị đến lấy vỏ lon và bao tải cũ, chị chép miệng buồn cho cái sự độc thân của tôi, chị cứ gí vào tay tôi những tờ tiền lẻ nhầu nhĩ. Trong số tiền chị đưa, có một tờ dính máu, chị nói luôn đó là máu của chị trong một lần phân loại phế liệu để bán, máu chảy ở tay ra từ lúc nào mà chị không biết, cứ thản nhiên cầm tiền bỏ vào ví…

Vậy ra, vẫn có lúc con người ta thờ ở cả với nỗi đau khi thân thể mình chảy máu vì bị thương tổn...  Có những vết thương chỉ chảy máu một lần mà mại âm ỉ đau suốt đời. Đau vì không thể chết được.

Gió cứ đuối dần, chỉ còn lại những lời kể lể, buộc tội. Gió kể tội hàng cây mùa xuân vừa xanh lá. Gió kể tội những bức tường cấm cản cuộc hành hương về mùa của gió. Những lời độc thoại rền rĩ trong đêm làm tôi quên mất thiếng thở dài của chính mình. Tôi chẳng biết buộc tội ai cả, buộc tội quá khứ của mình thì tương lai biết bám tựa vào đâu…Ngã rồi cứ nằm vậy ăn vạ cuộc đời hay sao?...  Tôi đã vịn vào cây cỏ, vào bức tường mà đứng dậy thay cho một bờ vai…Những bước đi đầu tiên chệnh choạng không còn có mẹ ở đằng sau, đằng trước và hai bên cổ vũ…thế mà tôi có buồn đâu, có ấm ức, có phát cuồng, phát dại như gió đâu…

Như kẻ đi đòi nợ thuê không được, gió tung hê mọi thứ…Tôi nhặt được một thứ và cất đi như là của mình vậy…Chán chê, gió lại về thung lũng…

Em gái của Nghi chân ướt chân ráo lên đây làm từ độ giêng trong một quán ăn, bỗng dưng nghỉ việc đi gom phế liệu với chị gái. Nó không chê rác rưởi hôi thối, bẩn thỉu là được rồi. Nhìn khuôn mặt nhầu nhĩ của một đứa con gái quê mười bảy, lòng tôi cứ vê vón những hoài nghi thành một câu hỏi to đùng và nghiêm trọng. Nó đành trả lời là bị cướp mất rồi. Tôi chẳng nói được lời sẻ chia ra hồn nào cả để thay cho câu hỏi tồi tệ:”Ở đâu và bao giờ”. Ở trên đồi, trên vạt cỏ dưới gốc samu vào một buổi chiều mụ gió phù thủy soi mặt vào gương thần…Biết kêu ai, kiện ai?

Chị em Nghi thân với tôi dù tôi chẳng có gì cho họ cả, chỉ có tiếng thở dài góp chung vào những khi bên nhau. Thi thoảng tôi cho em Nghi mượn mấy cái quần áo để nó mặc đi đâu đó mỗi độ thấy vết nhơ trên người cần phải gột rửa…

Một hôm tôi phát hiện ra chiếc khăn bị mất…Tôi đã bị gió cuốn mất bao nhiêu quần áo vì phơi phóng chểnh mảng mà tôi không tiếc. Lại đem lòng chiếc chiêc khăn gió trả nợ cho tôi. Tôi ngỡ ký ức của tôi bị đánh cắp lần nữa…Tôi đã không nhớ gì vào cái lần đầu tiên ấy cả…Chiếc khăn ấy đã giúp tôi tưởng tượng ra nỗi đau đớn được tận mắt nhìn thấy. Giờ này ai đó đang tâm xóa sạch…

Nghi đến và thừa nhận em gái Nghi đã nhìn thấy chiếc khăn ấy và mượn tạm để  đem đi bắt đền kẻ đã hủy hoại. Nó gọi đấy là bằng chứng vì nó không thể bưng về phố một bãi cỏ nhầu nhĩ rướm máu dưới gốc Samu. Thế mà chẳng những không được đền đồng nào, vợ kẻ đó còn thuê côn đồ đánh cho một trận liệt giường ê ẩm.

Nước mắt tôi chực trào ra. Như thế gọi là bắt đền gió đấy. Bão lũ làm cả trăm người thiệt mạng kia, có bắt đền được không? Người cầm súng bắn vào người, vào ảc đàn bà trẻ con mỗi ngày kia, có bắt đền được không? Sao em dại dột đi bắt đền trinh tiết…

Và rồi, Nghi tái mặt thông báo với tôi việc đứa em gái có mang…Nghi biết tôi có tí chữ, có tí học hành hiểu biết và nhờ tôi viết một lá đơn kiện…Trời đất ạ, em gái Nghi đã bước vào đúng con đường tôi đã đi. Tôi yên tâm rằng phận mình nhỏ bé như cây cỏ, oan trái một lần không thể làm thành lối mòn để ai đó vô tình bước theo. Vậy mà…em cũng như tôi, vẫy vùng trong đau đớn…Ngòi bút của tôi chỉ để viết nên những dòng tâm sự buồn về cuộc đời, những câu thơ buồn về tình người chứ tôi chưa hề đặt bút để kiện cáo ai cả…Làm sao tôi có thể giúp chị em Nghi được.

Việc chị em Nghi ra vào nhà tôi và việc em Nghi có mang với ông chủ quán nọ chẳng mấy chốc đã loang khắp thị trấn. Người đàn bà kia bênh chồng chằm chặp đã ném vào mặt Nghi năm trăm ngàn đển Nghi đưa em gái đi phá bỏ giọt máu oan nghiệt và đương nhiên chiếc khăn bị chị ta giữ lại…Chị ta không biết rằng cả tôi, cả em Nghi đều không phải chủ nhân của chiếc khăn ấy…Tôi và Nghi đều không may mắn được người ta trân trọng và giữ lại những khoảnh khắc dù chỉ là cướp đọat ấy…Tôi bảo em, đừng để niềm tin vào cuộc sống thất lạc là được, còn những thứ đó, dù có bị thất lạc trong cái biển càn khôn mênh mông cũng chẳng thể làm nên bất hạnh của cả đời người.

Tôi đã khuyên hết lời mà em gái Nghi vẫn trốn khỏi thị trấn mang theo nỗi đau dần dần lớn thành hình hài, sẽ chào đời, sẽ được đặt tên…Em lại đi trên con đường tôi đã đi…Biết nói sao nữa, chỉ còn lời chúc vạn sự bình an. Chỉ mong sao gió hãy tránh xa nẻo đường em đi để tiếng khóc chào đời của đứa trẻ sẽ được vang lên, vọng xa trong kiêu hãnh…Gió hãy về hết đây, trên mái nhà tôi, gió cứ gào suốt từ tinh mơ đến khuya khoắt, tôi chịu đựng được, đừng dọa những kẻ còn đang lang thang vô định trên đường. Gió đừng làm họ nghiêng ngả trước những quyết định thiêng liêng tự con tim.

Còn tôi nếu một lần nữa gió mang đến cửa nhà tôi chiếc khăn ấy, tôi sẽ không nhặt lên nữa đâu. Để gió cuốn đi…Tôi không muốn gió cày xới lại ký ức buồn. Tôi muốn có một tương lai yên vui hạnh phúc.

---------

XIN LÀM CÂY CỎ

Đêm ba mươi tết, trời loãng như rượu pha. Để người ta có thể nhận ra nhau, cũng có thể lướt qua nhau. Hình như mỗi năm, giao thừa lại loãng ra một chút. Đêm trở thành thứ rượu không thể say khi nhấp môi. Ông Bằng cứ nhớ lại, cứ bồi hồi so sánh. Ngày xưa, đêm ba mươi tết, trời tối bưng tối bịt, tối như hũ nút, đen như mực, đặc như bánh đúc có thể sắt miếng…

Năm nay, các con ông tập trung, tề tựu đông đủ về quê ăn tết với bố mẹ. Có lý do cả đấy. Cứ nói trắng ra là vì ông cho dễ chịu…

Cái kế hoạch du xuân hội Chùa Hương hay cáp treo Yên Tử của các con có vẻ hấp dẫn với bà Hạ, vợ ông. Chứ với ông thì…Ông chẳng tha thiết gì cả. Ông chỉ muốn tắt bớt vài cái bóng điện ngoài sân, ngoài ngõ kia thôi. Kín cổng cao tường, Becdê cả đàn, thử hỏi đứa nào dòm ngó . Muốn vậy thôi, chứ ông cũng chẳng dám tắt. Thì muôn đời nay, sĩ diện, danh dự bao giờ chả là điểm yếu của bậc quân tử? Cái mặt ông cứ chiềng ra giữa chốn choang choang này cho bà tiện quan sát. Thành ra đêm loãng, càng loãng thêm.

Gần đây, ông bằng hay nhớ đến cái đêm giao thừa của hai nhăm năm về trước . Độ ấy, thằng Tấn lên bảy, con út còn trong bụng mẹ .

Cái bụng bà Hạ to kềnh càng, đến nỗi ai cũng ngờ thai sinh đôi. Tết ấy có ba cân gạo nếp và một cân thịt . Nồi bánh chưng thì to, lọt thỏm có sáu vuông bánh, lửa cháy ngời ngời. Ông lên nhà dán lại đôi câu đối  xuân, quay xuống vớt là vừa. Con chó ré to bằng bắp chuối sủa như lôi như gọi. Ông chạy xuống bếp . Vung nồi bị nhấc ra, kẻ trộm công mất hai chiếc . Tiếc của, ông chạy theo tiếng chó sủa nơi góc rào, chui qua mương, chạy theo bước chân thình thịch trên ruộng khô nứt nẻ. Đến chân đê lớn thì bóng đen dừng lại, quỳ thụp xuống:

- Em lạy bác, em là Ngần. Bác tha cho em. Chỉ vì con em đói quá…Em lạy bác.

Đúng là Ngần, con gái mõ Thìn, nó lấy thằng cào dậm trong đầm Giát, đẻ được đứa con gái dăm tuổi rồi thì phải. Chồng nó bị sét đánh chết dạo cuối mùa mưa. Rõ khổ, ruộng đất không có . Thân phận chả ra làm sao, trời còn bắt tội hồng nhan. Hai vuông bánh cứ đùn đẩy giữa hai người, đến khi bàn tay ông vô tình chạm vào da thịt người đàn bà một con ở chỗ phong phanh chưa vá thì…Nhất  là, cả nửa năm vợ bắt tránh xa cái bụng chửa quá cỡ.

Trong làng, pháo nổ đì đẹt. Ông Bằng chạy vút ra từ cái điếm canh đê, nơi tá túc của mẹ con Ngần. Thằng Tấn chầu chực bên nong bánh còn bốn chiếc, hỏi bố:”Bố bắt kẻ trộm nộp cho Công an chưa bố?". Ông vừa thở, vừa trả lời:”Nó chạy mất rồi, thôi  cho nó con ạ”.

Thế mà đã hết đời người đến nơi rồi. Sau tết, làng không thấy mẹ con Ngần đâu cả…Ông Bằng ngậm ngùi tưởng lại chuyện cũ người xưa. Dù sao ông cũng là kẻ danh giá trong làng, trong tổng. Chuyện hay ho gì mà kể với ai. Thôi thì mong cho mẹ con người ta bình yên may mắn.

Lạ thật, càng khuya, trời càng sáng. Bếp rộng rãi khang trang, ngồn ngộn thực phẩm, bánh trái. Nhà trên, án gian nghi ngút khói hương, toàn hoa quả, rượu bánh đắt tiền. Cầu thang từ tầng trệt đến tầng ba, trải thảm đỏ, giăng đèn nhấp nháy. Con cháu đầy nhà, loa đài náo nhiệt…dường như chẳng thiếu thứ gì. Thật đấy, giữa chốn thôn quê nghèo, cơ ngơi nhà ông bà giống như một cung điện mà khối kẻ ao ước. Bà Hạ mặc bộ áo tân thời bằng gấm có đính kim sa, nét mặt buồn buồn của một bà hoàng hậu lúc nào cũng đắm chìm trong toan tính. Cũng phải thôi. Cả đời bà lam lũ, tận tuỵ, hết lòng cho chồng cho con. Giờ được làm chủ nhân của một cung điện sang trọng thế này, bà không lo lắng sao được. Ông Bằng vốn chỉ là một anh kỹ sư Nông nghiệp ở huyện, lăn lóc, sấp ngửa cùng với cái cơ chế bao cấp , tem phiếu chỉ đủ nuôi một đứa con ăn theo. Bà phải bươn chải đồng áng, thậm chí làm thuê, làm mướ. Chỉ khi xoá bỏ bao cấp, ông về tỉnh và trở thành cán bộ cốt cán, đời bà mới thực sự thay đổi. Bà nhờ ông mà thay da đổi thịt, rạng rỡ với chị em. Ông nhờ bà mà bước đi vững chãi. Hai người biết ơn nhau, là niềm tự hào của nhau và của cả dòng họ. Nhưng nghiệt ngã thay, bên trong con người đàng hoàng, giỏi giang, mẫu mực của ông ấy, có một con người khác. Nói đúng hơn là một con quỹ dữ, tham lam vô chừng…

Bà Hạ đã tình cờ phát hiện ra con quỷ ấy. Hơn chục năm trước. Sau một chuyến công tác dài ngày, từ thành phố Hồ Chí Minh trở về. Ông Bằng tức tốc về nhà với vợ con. Đêm ấy, sau khi ôm ấp vuốt ve chồng, bà Hạ thủ thỉ:”Con cái lớn rồi, mình ra ngủ với thằng Tấn, thằng Tài nhé”. Mặc kệ, ông cứ lăn xả vào. Bà gỡ tay ông ra, ông gặng hỏi, bà cứ nín lặng. Chỉ đến khi ông giận dỗi :”Hay mình có ai?”thì bà mới dấm dẳng:”Tôi mãn kinh rồi, mình chả hiểu gì cả, cây lúa còn có thì nữa là”. Ông ngồi dậy, vò đầu, bứt tóc. Ra sân, ra vườn, hút thuốc, uống trà. Đặt chân vào cửa buồng, mùi vị ân ái làm ông không chịu được, cứ hậm hực ra vào. Thương ông quá, bà lại gọi, nén cơn ấm ức… Nhưng cứ như thể trâu già nhai gốc rạ, bừa gãy răng ruộng cao, như thể chày giã vào cối không… như thể hành ra cãi nhau.

Ông nhịn , ông tự xoay xở theo cái cách sách báo vẫn nói. Chỉ khổ cho những khi hội hè, tiệc tùng, nhân viên, cán bộ nữ trút bỏ trang phục  công sở cứng nhắc, diện vào váy ngắn, áo lụa mỏng. Cái con quỷ trong ông lại hừng hực giằng dây, phá xích. Trong khi ông biểu dương đạo đức nghề nghiệp thì nó chửi rủa, bài xích. Nào là”Chém cha cái môn đăng hộ đối",”Chém cha cái cùng tuổi nằm duỗi mà ăn".v.v. Về nhà ông kín kẽ làng trên xóm dưới, nó bộ tịch hững hờ. Bà Hạ điên tiết mát mẻ:

- Sao ngày xưa  không láy  con gái mõ Thìn trong làng cho xong. Nó kém ông cả chục tuổi. Giờ mới ngoài băm phơi phới . Nghe nói làm cái gì đấy như ÔSin, sang lắm ngoài Hà Nội.

Rồi bà ngầm so đo. Chán vạn người ta kia, trà trật ông bà, nằm riêng cả rồi. Ở nông thôn cứ bốn nhăm trở đi  thì có mà tiên giáng trần cũng bó tay. Chỉ có ông Bằng nhà bà, thật lạ, tóc xanh mướt, da dẻ hồng hào, cơ bắp chắc nịch. Giờ mà gặp của la, chắc cả đêm còn chưa phỉ. Ngày xưa thì nhất vợ, nhì vợ, ba cũng vợ, gãy cả thang giường. Bây giờ, bà sợ…bà muốn nghỉ ngơi, người đâu mà chả biết điều. Thế là thế nào? Phải rồi, cầu lông, bóng bàn, phải rồi rượu ngâm của quý, phải rồi no cơm ấm cật, lại được bọn gái trẻ nó mơn trớn rủ rê…mới nên nông nỗi này. Bà khuyên ông ăn chay. Tất nhiên cái kế khổ hạnh ấy đời nào một quan chức đang lên như ông lại chấp nhận. Ông cũng chả buồn giải thích nữa. Ông chán những điệp khúc của bà rồi:  nào là”Đàn ông, ai chả giống ai, dễ mình ông khoẻ chắc?”. Nào là;”Mình phải biết kiềm chế chớ, sông bao nhiêu nước cho vừa?". Nào là”Bên Tầu có thứ thuốc gì hay lắm , có thể kích lên, có thể xẹp đi, thậm chí tịt luôn”. Ông không chế bà ít học . Ông chỉ thấy rằng, nếu bữa nào cũng dọn rau muống thì đừng gắp nữa, chứ cũng đừng chê hay phàn nàn. Bà nói thì bà nghe…

Một lần tặc lưỡi theo một gã công sở Nông - Lâm vào chốn ấy. Mùi son phấn, mùi chung chạ làm ông buồn nôn quay về. Gã kia kỳ công dắt mối vài mụ cơ nhỡ còn mỡ màng cho ông. Nhìn đám đàn bà  ngùn nghụt khí thế, ông phát hoảng. Cái tuổi năm mươi của ông liệu đủ sức mà bách chiến, bách thắng? ông hí hửng lắm, nhưng ông không cho phép. Rồi lần lượt bốn đứa con dựng vợ gả chồng, làm nhà, xin việc. Ổn định, toi mất thập kỷ. Chân  ông chạm vào hưu. Đói khát thế, thiếu thốn thế mà con quỷ ấy cứ không chết, càng hung hăng mới lạ chứ. Lẽ nào bữa tiệc đêm giao thừa trong quá khứ còn đủ sức nuôi sống nó. Nó bất mãn chán rồi hy vọng. Ngủ chán rồi thức. Nó thức giấc vào một buổi sáng đẹp trời. Đám cưới con trai ông bí thư tỉnh uỷ tổ chức ở một nhà hàng sang trọng trong thành phố. Không bởi cô dâu mặt hoa da phấn lộng lẫy như công chúa đi mời rượu từng bàn, từng người. Mà bởi….Nàng trạc nửa tuổi ông, chỉ có một cái nhìn đã hạ gục ông. Nàng không đẹp mà quyến rũ. Nàng có sức quyến rũ của một loài hoa lạ mọc trong đầm lầy. Còn  chưa hái được hoa, ông đã không thể rút được chân ra. Ông chới với trong tương tư. Lúc tươi cười như con trẻ, khi đăm chiêu phiền muộn. Ông thấy cuộc hôn nhân của mình thật thê thảm . Giống như một sơị dây thừng, mỗi người bị buộc ở một đầu dây . Người này cuốn vào một vòng, người kia lại nhả ra một vòng. Cái thời kỳ cả hai cùng vun vút cuốn vào sao mà ít ỏi, chóng vánh. Thậm chí, tệ hơn, người này như con chó, kẻ kia là cục xương, không gặm chỉ canh chừng…

Ông không muốn rút chân ra khỏi cái đầm lầy đầy ma lực ấy. Ông chuẩn bị để đặt nốt bàn chân còn lại . Ông muốn thưởng thức đoá hoa lạ kia. Bà Hạ phát hiện ra những thay đổi của ông nên ngay lập tức báo cho con gái để bàn kế sách.

Đầu tiên là đánh bóng bản thân. Son phấn thì không được, chướng mắt láng giềng. Soi gương thì muốn đập gương. Cười thì gượng gạo. Khóc thì nhiều nếp nhăn, mà chắc gì ông ấy đã mủi  lòng. Tức giận, thì, chao ôi, vết nhăn túa về trên khuôn mặt đã bế mạc thời xuân sắc từ lâu. Quần áo đẹp? Mốt thời trang? Có khác chi phiên chợ quê , chỉ xúm xít đắt đỏ  chừng một canh giờ, sau đó thì ê hề chán ngắt. Giữ cái gì bây giờ nữa, giữ để làm gì? Bà mệt mỏi định buông xuôi. Con gái lại thẽ thọt:”Tiền của nhà mình, danh dự của nhà mình, mẹ để bố mang đi hết sao?”Bà lại nhốn nhác, đôn đáo dò hỏi, xét nét.

Ông Bằng phó mặc mình cho tình ái. Cứ gọi, cứ viết những lời nhớ thương da diết, cứ hy vọng ngày qua ngày, tháng qua tháng. Cuối cùng, những khao khát của ông đã làm nàng rung động. Một  cuộc gặp gỡ hoàn hảo được định trước. Ông thoả sức lặn ngụp trong đôi mắt mênh mông nỗi niềm, trong vòng tay nồng nàn ấm áp. Cả đời này, đâu dám quên cảm giác ngọt ngào mà nàng ban tặng. Ông hỏi nàng muốn gì? Nàng lắc đầu vì nàng đang có tất cả. Hình như đôi mắt nàng nói, nàng chỉ thiếu sự tôn trọng của người đời. Nàng nằm trên ngực ông, lùa những ngón tay mềm vào mái tóc hoa râm,  rồi xoa nhẹ lên những nếp nhăn trên khuôn mặt ông. Đôi mắt nàng đầy vẻ chân thành và tin tưởng. Dịu dàng và tinh quái, nàng hỏi ông về những phút lầm lạc . Ông kể về cái điểm canh, đêm giao thừa và người đàn bà đẹp ngày xưa ấy.

Chưa tròn một đêm, nàng đã đi, bé nhỏ trong mưa, trong đêm. Để ông lại với nỗi nhớ bồi hồi, khắc khoải. Biết đưa nhau về đâu? Nhớ thương.

Bà Hạ không thể chịu đựng được cái khuôn mặt ngơ gơ vì ái tình kia. Nếu là cái nhu cầu hèn hạ, mặt ông đã đỏ căng ra rồi tái đi chứ. Đằng này ăn phải bùa mê thuốc lú rồi, thân xác đây mà hồn via lạc đâu? Quên cả lối về. Độc trị độc. Thượng sách là dùng con trai ông ấy, dùng giống đực . Họp gia đình khẩn cấp. Đứa con dâu trưởng thì thầm:”Phải công nhận bố đẹp trai, phong độ". Đứa con gái út:”Lại lãng mạn nữa cơ, chả chết”. Cối cùng thằng Tài làm công an tỉnh, lại trong diện”quy hoạch”chốt một câu:

- Bố nên vì danh dự gia đình ta mà chấp nhận thiệt thòi. Con biết, hơn chục năm nay bố qua được, vài năm nữa có đáng là bao, nhất cử, nhất động của bố bây giờ  đều tạo việc làm cho dư luận. Bố hứa đi.

Nhục nhã quá, xấu hổ hổ quá. Ông Bằng như Từ Hải chết đứng giữa trận đồ. Như ông vua bị phế khỏi ngai vàng . Ngay lập tức mọi liên hệ với nàng bị cắt đứt. Ông câm lặng, một sự  im lặng bội bạc tráo trở. Tình một đêm. Yêu một đêm. Lừa dối và lợi  dụng một đêm. Điều gì đã biến ông thành kẻ đê tiện thế. Con quỷ tham lam cứ chế nhạo ông, kích bẩy ông. Ông vẫn im lặng trong sự kiểm soát  của vợ con. Con quỷ gào thét, van vỉ, chồm lên muốn giật phắt trái tim ông vứt ra ngoài sự sống. Chỉ có cái chết của ông mới giải thoát cho nó. Tại sao ông không nghe nó mà vứt bỏ  mũ cao, áo dài để cùng nó hưởng thụ? Tại sao nó không chịu buông tha ông? Tại sao nó càng giãy giụa  điên cuồng, ông càng đau đớn?  Ông bạc nhược, quay lưng lại với tiếng gọi rã rời của nàng, còn nó lại háo hức chờ đợi. Ông và nó cứ đổ tội cho nhau. Đến tận giờ phút này nó vẫn không thừa nhận tội lỗi. Nó sinh ra từ bản năng của ông, nó không được giáo dục, nó không được vuốt ve chăm bẵm. Nó là phần con đáng xấu hổ  mà con người muốn là rũ bỏ được hay sao? Không đúng. Cơm ăn, nước uống, hàng ngàn vạn thứ vật chất xa xỉ khiến người ta tham lam dối gian. Còn nó, đói khát và làm liều, thậm chí tự sát, mấy ai quan tâm. Mệt mỏi quá, ông xin thua, cái phần người danh giá xin thua.

Còn vài phút nữa là giao thừa, ông Bằng quả quyết bấm máy, ông sẽ gọi cho nàng. Sau chuỗi ngày im lặng vừa qua, có lẽ nàng mừng lắm…Một khúc dân ca êm dịu, ngọt ngào như vòng tay nàng. Giọng nàng nhỏ nhẹ. Ông va con quỷ cùng cuống quýt. Rồi tiếng nàng nghẹn lại:”Mẹ tôi đã nói hết rồi. Tiếc là đến tận bây giờ bà mới nói. Chỉ xin ông đừng bao giờ nói chuỵện của chúng ta". Ông để tuột tay cho chiếc điện thoại đắt tiền rơi xuống đất. Giờ khắc thiêng liêng vừa đến.

Tiếng pháo giao thừa trong quá khứ dội về chát chúa. Tiếng chúc tụng tuôn ra từ những cái miệng tươi rói. Đúng là xuân đã về thật. Bà Hạ đề nghị:”Ông đọc vài câu thơ xuân cho khí thế đi.”Các con cháu đồng thanh hưởng ứng. Ông Bằng ngơ ngác, nghi hoặc bản thân mình. Sao mà trống rỗng thế này, một câu thơ cũ ông cũng không nhớ nổi. Ông loạng choạng bước vào buồng, đôi chân không đủ sức mang ông. Bà Hạ thấy ông suy sụp vừa mừng vừa xót. Ghé vai vào vai ông, bà đùa một câu cho khuây khoả:"Đi còn chả vững, muốn hậu cung nữa hay thôi". Ông Bằng gượng thẳng người đẩy bà Hạ ra. Từ cái phần người đức độ vĩ đại của ông thốt ra một câu:”Tôi xin lỗi mẹ con bà". Ông nằm xuống giường, tay ôm ngực, mắt mở to trân trối, miệng lẩm bẩm:”Ông trời ơi, kiếp sau xin cho tôi làm cây cỏ". Nghe tiếng nói méo mó yếu ớt của chồng, bà Hạ oà khóc. Ngoài trời, tý tách mưa xuân.

 ---------

BONSAI

 

Thôi thì…Nghĩ thế nên anh quay xe lại, nhấc chậu Nguyệt Quế để lên sau xe chằng buộc cẩn thận rồi nổ máy phóng ra đường, hoà vào dòng người hối hả như kiến chạy bão.

Người đàn ông giúp việc đứng nhìn theo không có biểu hiện gì đáng kể cả. Có lẽ ông ta quen với việc những người ra vào ngôi nhà này mà không cần phải chào hỏi gì. Ông câm thôi chứ không điếc. Mà không nói chứ chắc chằn gì phải câm. Có lần bà chủ nhà từng nghĩ như vậy.

Bà chủ gọi ông chủ lên gác hai bàn bạc gì đó chừng mười phút rồi gọi ông giúp việc lên.Ông giúp việc thoăn thoắt leo lên, hai phút sau lại vội vàng trở xuống, đứng dưới sân, khoanh tay chờ đợi.

Anh tách khỏi dòng xe cộ, rẽ vào cổng của ngôi nhà sơn màu nâu sẫm, cánh cổng mở sẵn. Lần này là chậu sung. Vừa chằng chậu cảnh, anh vừa phì cười vì cái cách gọi của bà mẹ vợ:”Lão ô sin  nhà này tiếc mới lạ chứ. Nhưng mẹ quyết định rồi, anh mang về trông nom cho tiện, nhớ là mỗi ngày tưới nước hai lần, bắt sâu cẩn thận nhé, mười chậu tất cả, lão ô sin khéo lắm đấy"

Trưa nắng nhễ nhại thì anh chuyển xong mười ba chậu cây từ nhà mẹ vợ sang sân thượng nhà mình. Thêm chúng là thêm một thằng con mọn đây. Vợ anh thấy thái độ anh là lạ nên tò mò. Đàn bà thật phức tạp, cái gì cũng muốn biết. Anh nôm na đại khái nói về thái độ nửa hờ hững, nửa xét nét của lão Ôsin nhà bố mẹ vợ.

Vợ anh thở phào kể lể:

- Tưởng gì. Cái ông ấy từ xưa đến giờ vẫn thế. Rất lầm lì như anh thấy đấy nhưng sống tình cảm lắm. Ông ấy không phải là bạn của bố nhưng bố đưa về nhà từ ngày em học cấp hai cơ. Hằng năm, cứ đúng giữa tháng 6 âm lịch ông xin về quê một tháng. Quê ông ở Miền Trung, giáp biển. Thành ra nhà quen bảo ông đi Sa Pa hay Đà Lạt nghỉ mát thế nào mà lần nào về cũng đen trùi trũi. Ngày mai ông ấy về quê, mà bố mẹ thì đi Miền Nam cả tháng nên phải gửi cây sang nhà mình là đúng rồi. Anh phải chịu khó đấy. Pha sữa, ru con và tưới cây anh được chọn một. Nghe vợ nói vậy anh vẫn không yên lòng. Từ ngày anh chưa lấy chị, mới chỉ là bạn đến chơi nhà, thì lão ấy đã để ý anh rồi. Anh lần hồi nhớ lại.

Mười năm trước. Tháng bảy mưa ngâu tầm tã, cái thành phố vùng biên này tưởng như bị nhấn chìm trong nước rồi. Anh nhấn chuông mấy lần ông ấy mới ra  mở cửa. Nhìn anh ướt như chuột lột rồi miễn cưỡng bật điện phòng khách, ý nói khuya rồi cậu tới làm gì.

Chị ngái ngủ đi từ trên gác xuống mặc đồ ngủ mỏng manh. Mắt ông ta tối sầm. Cầm ô ra đứng bên cánh cổng như thể chỉ cho hai người vài phút để nhìn nhau vậy. Anh ái ngại hôn nhẹ lên má chị rồi đi về. Đêm ấy không ngủ được, tình yêu của anh với chị  phải qua bao nhiêu trở ngại mới đến đích vì bố mẹ chị rất khó tính trong việc kén chồng cho cô con gái duy nhất.

Không biết đúng hay sai mà có lần anh nghe bố vợ nói:”Bà nhà tôi tin lão câm lắm, hễ cậu nào dập dòm xin phép tìm hiểu con bé, bà đều hỏi ý kiến lão ấy. Thật lạ là hỏi về bốn đứa rồi, toàn là con trai nhà khá giả, có quyền chức trong thành phố mà lão ta lại lắc đầu, đến cậu lão gật đầu lia lịa".

Ngoài việc anh bị đám bạn cùng cơ quan trêu là anh có hai ông bố vợ ra nhưng anh cũng nở hết cả mũi vì việc chúng nó xuýt xoa ông ấy là một đầu bếp cừ khôi, có thể nấu rất ngon các món nổi tiếng của cả ba miền. Vợ anh thì hết lời”"Em chưa thấy ai đàn hay như lão ấy cả đâu".

Thế là ngoài việc kín kẽ với ông bố vợ, anh còn tự khép mình vào ý tứ với luôn cả lão Ôsin ăn lương nhà vợ. Ban đầu đi chào về hỏi. Sau thấy lão dửng dưng anh cũng không cần phải chỉn chu thái quá nữa. Tuy nhiên như để trả ơn cho những cái gật đầu tác thành của lão ấy, thỉnh thoảng anh cũng mua quà cho lão, khi thì cái mũ, lúc cái áo sơ mi. Lão nhận mà không bao giờ đem dùng. Rồi dần dà thành thói quen, bao giờ đến nhà vợ, anh cũng để mắt tìm lão trước. Lúc lão đan lồng chim, khi chăm sóc cây cảnh, lúc chế biến thức ăn tiếp khách, khi dọn dẹp  nhà cửa. Đàn ông mặt mũi khôi ngô sáng sủa, nhiều tài lẻ như lão mà làm Ôsin thì phí quá. Cỡ như lão, làm đầu bếp ngon lành lương cao hơn cả lương anh. Nói chung là khó hiểu, càng tò mò, càng thấy khó hiểu.

Lại nói về cây trong chậu hay còn gọi là Bonsai. Để thực thi nhiệm vụ bố mẹ vợ giao cho. Anh mua ngay về một cuốn nghệ thuật Bonsai để nhâm nhi tìm hiểu. Càng đọc càng thấy thú vị. Thì ra cây cảnh cũng giống như người, có quý tướng, có thời vận. Thời tùng bách lên ngôi, thời Mai, thời Trúc…Cứ thay nhau lên xuống, ngự trị cái thế giới chỉ biết đến tôn vinh, ngưỡng mộ, trầm trồ, lúc thất sủng, chí ít cũng được một người thương xót, đó là người tạo ra nó, tái tạo nó. Khi chưa đọc Nghệ thuật Bonsai, anh chỉ cạn nghĩ rằng. Hay ho gì cái trò bỗng dưng giở chứng ấy nhỉ? Bỗng dưng tách nó ra khỏi cộng đồng, bứng về đặt vào trong chậu. Ở núi thì cũng vào chậu. Ở bãi sông, bờ biển, rừng rậm, đồi thưa, đã lọt vào mắt xanh của các gã sưu tầm cây cảnh là y như rằng các cây bị điệu về dinh và yên tâm mà trưởng thành trong chậu. Ban đầu là gọi các bạn hữu đến ngắm nghĩa dáng vẻ tự nhiên hoang dã của đối tượng đã rồi thì bắt đầu một cuộc cực hình mà gọi theo cách của phụ nữ là phẫu thuật thẩm mỹ. Can thiệp đầu tiên là dùng kéo, cắt cành, tỉa lá. Thứ hai là dùng dao, đẽo chỗ này một tý, vạc chỗ kia một tẹo thành những vết sẹo hầm hố, vết giống tê giác gại sừng, vết giống lợn lòi mài răng. Vết nông, vết sâu, vết rộng, vết hẹp cứ y như thật. Tiếp theo là dùng tay uốn cong cành và cố định bằng dây kim loại theo sự tưởng tượng vô cùng phong phú của các”Nhà”Bonsai. Một cây sung non nớt chỉ độ chục năm tuổi rơi vào tay các”Nhà”Bonsai, chỉ trong vòng một năm lập tức biến thành cụ sung 100 tuổi phong trần dầu dãi. Đấy là một ví dụ thôi, với sự can thiệp của phân hoá học, hoá chất và vô số những kinh nghiệm khác, người ta muốn có hoa được hoa, muốn quả được quả, muốn có rễ được rễ…

Như thế là nghệ thuật. Cái điều anh cho là nghiệt ngã, là tàn nhẫn là sự giở chứng của con người thì đích thực lại là nghệ thuật. Và rồi ngoài những giờ làm việc căng thẳng ở cơ quan ra, anh chúi đầu làm quen với nghệ thuật và bắt đầu từ mười ba chậu Bonsai nhà bố vợ. Anh đã có ý để mắt đến những cây dại bên đường qua cửa kính ô tô trong mỗi lần đi công tác. Anh đã liếc mắt vào khu vườn hay ban công nhà nào đó có Bonsai. Một tháng, có một tháng để làm cái nhiệm vụ cao cả này thôi, sao anh phải dày công đến vậy?

Anh cũng không biết nữa, chỉ thấy đôi bàn tay cầm bút của anh bắt đầu gờn gợn chút gì đó gọi là bạo lực. Trước cây khế lùn tịt, chĩu chịt quả, anh nhớ đến câu hát”Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày…". Bỗng dưng anh thoáng buồn: Quê hương đấy ư?, con người nhỏ bé và khiêm nhường nép vào gốc gác, nguồn cội, vào những kỷ niệm thân thương đến thế. Còn giờ đây, trong mắt kẻ sùng kính Bonsai, kỷ niệm ấy bị di dời từ nơi này đến chốn nọ, bị vặt lá tỉa cành vặn vẹo, quả ngọt không còn nở theo mùa. Và đương nhiên ai mà trèo được lên cây khế cổ thụ tí hon kia chứ.

Con kiến còn chả dám mon men đến gần quả ngọt nữa là. Bố vợ anh đếm rồi, chín quả tất cả, ông còn biết chính xác chùm hoa ấy đậu được mười sáu quả khế non bé xíu như những ngôi sao xanh kỳ diệu. Sau khi bàn bạc với ông câm và một người trong tổ hưu trí, bố vợ anh dứt bớt bẩy quả.

Mà thôi khế chín quả, sung ba chùm, mỗi chùm ba quả…Cây nào mà đơm hoa kết quả đều bị kế hoạch ở con số chín cả là sao nhỉ? Chỉ có chậu Nguyệt Quế, hoa nở tự do chi chít mà cái tán của nó đến là lạ. Vợ anh kiêu hãnh:”Thiếu nữ dâng trà”đấy. Ai chà, cây mà còn được đặt cho cái tên mĩ miều thế nữa, đúng là nghệ thuật thần kỳ…

Và cái tên đầu tiên anh gọi cho khu vườn nghệ thuật đó là:”Thiên nhiên". Nghe thì hoang dã nhưng nhìn kỹ thì nhân tạo cả:”Nhân thắng thiên rồi". Nghe thì cao vời, sang trọng thế nhưng mà thiên nhiên sao mà thấp bé, hiu quạnh vậy. Hồi trước bà nội anh luôn tôn sùng Đạo Phật, và thường nói:”Con người ta để biết mình đã xứng ở Niết bàn chưa, đều phải kiểm chứng qua Lục thông". Kinh nguyên thuỷ của Phật giáo thì anh không đọc nhưng người đời nói đến”Thiên nhĩ thông”- đó là nghe được tiếng của các loài cây cỏ, côn trùng và các sinh vật khác thì anh có biết.

Anh rùng mình, nếu đạt được điều này, hẳn tiếng kêu la thảm thiết của chúng sinh, cây cỏ làm con người ăn chẳng ngon, ngủ chẳng yên đâu…Anh và cả bố anh, chẳng bao giờ biết được trong lòng bà nội nuôi dưỡng và tích luỹ điều gì. Ân đức là thành luỹ, việc làm tốt là một viên gạch, bà cần mẫn xây đắp mỗi ngày.

Anh nuôi chim trong lồng bà bảo:”Thả chúng ra, không phải nó đang hót đâu, nó đang khóc, đang nguyền rủa đấy". Bố anh đem chuyện ở công sở về đập bàn đập ghế, quát tháo vợ con, bà ôn tồn:”Không như thế không được hay sao? Con hãy làm cho con trai con như mẹ đã làm cho con ấy". Điên máu bố quát:”Mẹ lên chùa mà sống", thế là bà lên chùa ở thật…

Cưới nhau, vợ chồng anh ra ở riêng trong sự đủ đầy và tự do tuyệt đỉnh, không ai can thiệp cả. Trong phòng khách của anh, có hội hoạ, có đàn dương cầm. Trong tủ sách của anh có tượng nữ thần tự do làm bằng đá cẩm thạch. Nghệ thuật lạnh lẽo và xa vời. Chỉ đến khi tự tay anh tưới, anh chăm bón, anh nuôi ý tưởng tạo dáng mới cho mấy chậu cây cảnh kia anh mới biết là nghệ thuật có sự trả giá, và nghệ thuật phải sống trong tỉ mỉ tế bào máu, trong nỗi ám ảnh. Chẳng thế mà trong chập chờn mộng mị cái cây sung cao bảy mươi xentimét kia bỗng vụt cao lớn sừng sững như toà nhà năm tầng rồi những cái quả mọng đỏ kia giống như cả tảng đá rơi xuống, nghiền nát anh.  Anh choàng tỉnh, đưa tay lên ngực và biết mình còn sống. Vậy thì nghệ thuật tồn tại vì điều gì, vì chính nghệ thuật à. Không, lý thuyết phải là”Nghệ thuật vị nhân sinh", tức là Bonsai làm cho bố vợ anh thư giãn tư tưởng sau những giờ làm việc căng thẳng ở công sở. Bonsai làm cho mẹ vợ anh không phải lo lắng, giờ nghỉ ngơi chồng mình đi xả hơi ở nơi nào đó…Thế Bonsai làm gì cho anh? May mà bà nội anh chưa lên thăm cái sân thượng này đấy, nếu lên bà sẽ bảo:”Con đang làm đau chúng đấy", rồi bà sẽ so sánh với cây khế, cây thị trong chùa nở chi chít quả, rụng vàng gốc, chim ca hát suốt ngày trong tán lá. Xem xiếc thú trên ti vi bà bảo:”Bắt con vật nhỏ bé hơn mình, nhảy múa, mua vui cho mình, dùng thức ăn, đòn roi để ép chúng mà là nghệ thuật hở con".

Anh không biết là mình đã ảnh hưởng điều gì từ bà nội, chỉ nhớ một lần anh nói với bà:”Bà ơi, sau này cháu sẽ trở thành nhà văn cho bà xem”. Bà cười:"Bố làm chính trị có con là nhà văn thì  cũng hiếm đấy, chắc con bị cậu bé Rêmi và Không gia đình làm ám ảnh rồi". Rồi bà còn bảo, người cầm bút còn nguy hiểm hơn kẻ cầm súng, cầm dao đấy. Nếu cầm súng, cầm dao, có sơ ý chỉ một người thiệt mạng, còn bút sa có thể muôn người mất mạng hoặc cơ cực lầm than. Bà kể chuyện một văn sỹ có tài thời xưa mê tiếng đàn của con gái quan tổng trấn, nên hễ đi đến đâu trong cõi cai quản của cha nàng đều thấy cảnh yên bình no ấm bèn phóng bút tạc lời vàng ngọc ca ngợi công đức của ngài tổng trấn. Nhưng kẻ sỹ đó không hề biết đến sự bóc lột, tàn sát và thủ đoạn độc ác của kẻ bề trên ấy khiến cho dân tình sục sôi căm phẫn và cũng vô cùng khiếp sợ. Khi dân dâng sớ lên triều đình tố tội bạo nghịch của tổng trấn, triều đình cho quan về tổng nọ điều tra. Đi đến đâu cũng gặp lời khen ngợi công đức của ngài tổng trấn mà người văn sỹ nổi tiếng viết nên không xét xử gì nữa, còn khép họ vào tội vu khống mệnh quan triều đình. Dân lành bị thảm sát đẫm máu. Người viết văn vì thế phải thận trọng hơn kẻ cầm kiếm, cầm đao. Ngòi bút của con người trong chừng mực nào đó rất khó kiểm soát và hậu hoạ khôn lường. Ngòi bút của người làm chính trị còn nghiêm trọng hơn  nhiều, có thể làm ra hoà bình, có thể xui khiến chiến tranh, thù hận.

Anh không thích viết văn, không thích trở thành nhà văn nữa. Và đương nhiên theo nghiệp của bố. Mấy chậu Bonsai này có sức mạnh gì mà nó cứ bắt anh phải nhớ đến quá khứ thế nhỉ. Nhớ đến cái tuổi ấu thơ cởi truồng tắm sông, nhớ đến cào cào, châu chấu ruộng rạ…Nhớ lăn lội cua cáy đồng làng. Đô thị hoá thực chất rất cần thiết và phù hợp với tốc độ phát triển xã hội ngày nay. Nhưng mặt khác nó cũng âm thầm đưa tiễn thiên nhiên ra khỏi cuộc sống của con người. Và thế là những kẻ có thời gian, có tâm huyết, có hiểu biết và những kẻ có tiền, có tính toán đã tái tạo thiên nhiên bằng cách đưa nó vào chậu, bắt nó kham khổ, hành nó đau đớn. Con người ta không bao giờ hiểu được chính  mình trong cái tham vọng thống trị từ cành cây ngọn cỏ. Khi nâng niu chăm sóc, khi đẽo, khi vạc, khác nào người anh độc ác trong truyện cổ tích bẻ gẫy chân chim rồi lại bó cho lành mưu cầu lợi lộc. Tai hại thay tham vọng đó làm nên sự say mê. Người say mê chơi, kẻ say mê lợi nhuận. Bonsai đáp ứng cả nhu cầu về tinh thần và vật chất của con người. Những người chơi Bonsai được ca tụng là yêu thiên nhiên, hiểu cây cỏ, còn những bác nông dân một nắng hai sương ngoài đồng cả đời chỉ biết đến cây ngô, cây lạc thì có được ca ngợi là yêu, là thương không? Và ai sướng khổ hơn ai?

Vợ anh bảo. Bonsai do bạn bố tặng, trong đó có người nhờ vả bố, có người sợ bố, có người quý mến bố. Đừng tưởng chúng ít tiền. Có chậu cả mấy chục triệu đồng đấy. Vì thế bố mới nhờ lão câm về chăm sóc. Suốt ngày quanh quẩn với mấy chậu cây, lão câm cũng chán và giúp nhà việc cơm nước. Thế nên người ta gọi luôn là lão Ôsin. Nhắc đến lão câm anh lại thấy nhớ và xem lịch. Vậy là lão đã ra rồi, anh trả Bonsai lại cho lão câm thôi. Trả niềm vui nho nhỏ, trả đam mê vừa nhen nhóm, trả nỗi ám ảnh…

Vừa bấm chuông, lão câm đã vội vàng ra mở cửa, ngôi nhà tìm lại được hơi ấm, giàn hoa giấy nở tươi rói. Pha nước xong, anh chưa kịp hỏi han thì giọng nói trầm ấm sau lưng làm anh giật mình ngồi im không giám nhúc nhích.

- Cậu có hình hài của cha nhưng tâm tính thì khác hẳn đấy. Cậu cứ để mấy chậu cây lại mà chăm sóc, tôi sắp nghỉ ở đây rồi, nghỉ hẳn.

 Anh buột miệng vì lòng trắc ẩn về người đàn ông này đã có trong suy nghĩ của anh từ lâu rồi:

- Bác vẫn nói được sao phải im lặng. Có phải bác là người đàn ông thân bại danh liệt dưới tay cha tôi không? Sao bác còn ưu ái tôi?

- Bác có biết là tôi đang ở tình trạng như bác ngày xưa? Bị đặt điều hãm hại, bị lợi dụng, bị bôi nhọ, họ dồn tôi đến bờ vực rồi. Nhảy xuống vực, quỳ xuống van xin hay thân cô độc mà chống lại?

- Sao bác lại im lặng, bác nghĩ rằng tôi đang phải trả giá cho những tội lỗi của cha tôi hay sao? Tôi phải làm thế nào bây giờ?

Anh rã rời độc thoại. Lão câm không tỏ thái độ gì, như thể câu nói vừa rồi là của ai đó chứ không phải của lão già đã bị câm mấy chục năm trời.

Phóng xe về nhà. Anh lao bổ ngay lên gác thượng, tay phải cầm kéo run run, tay trái cầm bình nước vung vẩy bâng quơ. Hình như Bonsai đã tôn vinh gã xương rồng gai góc kia làm chúa rồi thì phải. Nên những cái gai cứ chìa ra, nhọn hoắt hướng về phía anh…Điện thoại đổ một điệu nhạc chuông rộn ràng. Anh bấm nút xanh, đưa lên tai, tiếng bố anh quát tháo:”Mày là thằng ăn hại, mày thua nó rồi, để nhục cho bố mày, hôm nay mày còn không thèm vác mặt đến cơ quan nữa cơ đấy, mồm mày câm à mà không nói gì…Suốt ngày Bonsai, tao là tao đập vỡ hết".

Anh ngồi bệt xuống nền xi măng nóng hổi, cổ họng khát khô, dựa lưng vào chậu khế, đưa tay bứt một quả không ngờ cả chùm ngả vào tay anh. Anh đưa mọt quả lên miệng, vị ngọt lạ lùng lan toả trong miệng. Thì ra khế này cũng ăn được. Như được kích thích, anh đứng dậy cầm cái kéo lên, đứng bên gốc sung. Cả ba chùm chín quả sung đều rụng xuống gốc. Chín thì phải rụng thôi, anh không nghĩ làm gì cho mệt. Định gọi vợ lên ăn cùng thì anh bỗng thấy mình không thể cất lên thành lời được. Anh vừa hoảng hốt vừa thấy mừng. Mai sớm trước mặt lãnh đạo cao nhất của cơ quan, anh không phải nói lời nhẫn nhục cay đắng, không phải rủa xả. Anh sẽ được bình yên. Cha  anh, người đã nghỉ hưu mấy năm vẫn còn chưa tỉnh bởi cái bả bùa quyền lực sẽ không trách cứ gì anh nhiều nữa. Anh đã có Bonsai rồi và anh sẽ thân với chúng bằng cách của lão nông thân với cây lúa, cây ngô. Anh mỉm cười hiền lành thơ trẻ.

Có con chim Hoàng Anh ở đâu bay về ngó nghiêng khu vườn của anh. Nó lắc lắc cái mỏ xinh xinh rồi vụt bay đi, không hót một lời nào. Anh nhìn theo ngẩn ngơ mãi.

---------

TRĂNG ĐÀN BÀ

 

Cô yêu từ khi họ chưa làm đám cưới. Họ đã hứa hôn, là người đàn ông khác, mọi sự có thể thay đổi. Nhưng anh thì không.

Anh đã động viên cô:”Rồi em sẽ có hạnh phúc". Cô ngây thơ chờ đợi và hy vọng. Họ cưới nhau, cô khóc như một đứa trẻ bị mẹ mắng. Cô mới mười tám tuổi. Còn anh, người đàn ông đã đi hết một nữa quãng đường vừa dằng dặc, vừa ngắn ngủi. Anh chọn chị có lẽ cũng bởi cô mới mười tám tuổi. Cô tự nhủ, sẽ quên anh.

Và rồi cô đã đi, hào hứng và liều lĩnh trên con đường cô chọn. Cô muốn yêu, muốn ôm tất thảy những gì đáng yêu của cuộc sống này. Bao năm, cô chưa tìm thấy nửa đàn ông chỉ của riêng cô. Người đàn ông đầu tiên có mái tóc và nụ cười của anh. Nhưng đôi mắt thì không. Đôi mắt ấy chỉ rủ rê cô làm đàn bà. Người đàn ông thứ hai, có giọng nói và vóc dáng của anh. Nhưng đôi bàn tay anh ta vừa đặt lên vai cô, nó đã muốn đi quá sự vỗ về thông cảm.

Cô nhận ra rằng: Thế gian mênh mông và cũng chật hẹp này, chỉ có một người đàn ông để cho cô yêu. Cô không mủi lòng trước những kẻ nhân danh tình yêu. Nhưng cô lại ngã gục trước những kẻ nhân danh ước mơ. Cô là người sống quên hiện tại và chăm lo ước mơ. Ước mơ của cô là trở thành người viết văn. Cô cứ ngỡ văn chương là cái nửa còn lại của con người cô. Cho đến một ngày cô nhận ra, có một sự giả đối trong con người danh nghĩa ấy. Cô dừng lại. Thật xót xa khi những nụ hôn qua môi, những vòng tay qua vai không thể làm nên một nửa. Cô đơn với cái nửa đàn bà và chới với kiếm tìm. Con người ta có thể đi đến các đích của sự thành đạt và dừng lại đó an phận. Nhưng cô là đàn bà, cái đích của cô phải  là gia đình. Cô muốn làm vợ, làm mẹ trước khi trở thành nhà văn.

Và rồi cô lại gặp anh trong cái thế giới vốn chật hẹp này. Như là định mệnh. Anh không thể trốn chạy. Anh nói anh yêu hai người đàn bà, cô tin điều này. Đàn ông vốn tham lam. Nhưng chỉ tham lam những khoảnh khắc. Còn đàn bà khi đã tham lam, muốn cả kiếp này, muôn kiếp sau người đàn ông họ yêu là của họ. Cô vẫn yêu cả khi anh nói”Anh không thể lấy em". Cô vẫn đau, cả khi anh nói”Anh sẽ bù đắp cho em". Cô ngỡ nếu cô viết văn. Cô chỉ viết về anh, về tình yêu của anh, về thế giới đàn ông với sự giản đơn đầy quyến rũ. Cô vẫn yêu cả khi anh quay đi. Khi cô còn đang khóc. Cô nghĩ, thế mới là đàn bà, dù đau khổ, kiếp sau vẫn xin làm đàn bà. Dù dang dở kiếp sau xin vẫn được dang dở vì anh.

Bạn cô, đọc những trang viết của cô đã mỉa mai”Mày tôn vinh đàn ông một cách thái quá, có đáng được như thế không?.”Cô mỉm cười”Tao chỉ viết về tao về cái nửa của tao. Nếu không có cái nửa đàn ông, tao đã chán ghét cái nửa đàn bà nhõng nhẽo lắm rồi". Cô biết nếu không có anh, không có tình yêu của những người đàn ông, không bao giờ cô có thể hiểu và viết được về họ. Phụ nữ viết văn là như thế. Trong chuyện của cô. Những người đàn ông có tài nội trợ, những người đàn ông khéo léo nuôi con, những người đàn ông chung thuỷ...   không có người đàn ông vô dụng. Đàn bà vốn xinh đẹp và dịu dàng được ông trời đặt ngồi vào cái ghế có vai tựa vững chắc. Cái ghế như những người đàn ông thực thụ. Người đàn bà nào cũng muốn thế.

Cô ngồi vào lòng anh. Mọi sự mong manh, chông chênh của cuộc đời bỗng chốc tan hết. Dù khập khiễng, cô luôn vẫn so sánh:”Em cứ ngỡ mẹ là người em yêu nhất, cũng không phải, con là người em yêu nhất, cũng không phải, văn chương cũng không phải...  ."

Cô đùa anh”Yêu hai người đàn bà có mệt không?.”Anh trả lời”Cũng như em yêu anh và thơ ấy". Cô bảo”Thơ không sánh với anh được". Anh cười”Chỉ mình em làm anh mệt". Cô xấu hổ quay đi. Cô và anh chỉ có những khoảnh khắc ngắn ngủi trọn vẹn..

                                                                        ***

Trăng thượng tuần xanh xao như người đàn bà ốm nghén. Người đàn bà trăng chửa hoang chỉ chực dấu vào mây cái bụng của mình. Cô an ủi trăng”Trời không trừng phạt những sinh linh vô tội đâu". Cô an ủi mình:”Thiên thần được sinh ra từ tình yêu chứ không phải từ giá thú". Vũ trụ ngày càng nhiều thiên thần, những vì sao lấp lánh. Những đứa con quây quần bên mẹ trong cái thế giới về đêm.

Ấy vậy mà không thiếu lần cô trườn khỏi giấc mơ với cái gối đẫm ướt. Nơi ấy những người đàn bà chửi rủa, cấu xé nhau vì một người đàn ông. Nơi ấy những người đàn bà đay nghiến chồng:”Có đồng nào mang cho đĩ hết”Như thể người đàn ông sau hôn nhân không còn gì ngoài tiền. Nhưng cô sợ vã mồ hôi vì người đàn bà cao thượng”Anh chọn đi, một là tôi…”Ôi công danh và con đường thênh thang anh đang đi, không thể vì cô được. Cô mới là người phải chọn.

Trăng hạ tuần xanh xao như người đàn bà nuôi con bú. Trăng như một đồng tiền vàng, nửa phô ra, nửa vùi trong cát bụi thời gian. Trăng càng sáng, càng cô đơn. Ngân hà chi chít sao, trăng vẫn cô đơn. Có con, người đàn bà vẫn cô đơn.

Mười năm trôi qua, bao nhiêu lần hao gầy vầng trăng người đàn bà. Họ hạnh phúc. Mười năm chỉ có những khoảnh khắc ngắn ngủi cô xen vào cuộc hôn nhân của họ, không làm họ rời nhau. Như bao người đàn bà khác ở cái  đất”Âm thịnh”này, cô mơn mởn béo tốt và tràn đầy sinh lực. Những người đàn ông hàng xóm còm nhom như chưa tròn phận sự trông thấy cô còn xao xuyến tiếc, họ gọi cô là”của trời".

Đất du lịch, đôi lứa sóng sánh bên nhau, đan vào nhau như không còn kẽ hở. Lòng cô dửng dưng. Nhưng nghĩ tới họ có thể làm lại tuần trăng mật ở đất này, lòng cô bối rối. Như có lửa đốt trong tấm thân lúc nào cũng muốn bốc cháy. Cô khao khát gặp anh. Dù đau và rạn vỡ, cô vẫn khao khát có anh.

Cô thuê một phòng nghỉ gần nhà cô, yên tĩnh và kín đáo. Trong phòng mọi thứ đều trắng muốt. Chăn gối, ga và rèm cửa trắng quá. Cô trang hoàng chiếc giường như chiếc giường cưới. Chỉ sau một tiếng, cô biến phòng trọ mười hai mét vuông thành phòng cưới. Cô trở thành cô dâu xinh đẹp và lộng lẫy. Váy cưới bằng ren hồng. Mũ miện trắng đính hoa màu tím. Trên bàn lọ hoa bất tử chúm chím nở. Cô ngó bàn tay trống chơ với những ngón xương gầy. Cô khoả lấp và che đi bằng găng tay màu hồng nhạt. Xong việc cô khoá trái cửa phòng và quỳ xuống bên giường, hôn lên đôi gối. Cô cắt một lọn tóc nhỏ gói vào khăn tay. Cô ăn trầu một cách ngon lành. Trầu cay vôi nồng làm má cô đỏ bừng rạo rực.

Cô trút bỏ tất cả rồi cuốn lấy anh. Cô nghiêng người ghì chặt anh vào nhịp tim đang đập loại xạ trong lồng ngực. Cô điên cuồng hôn lên mắt anh, đôi mắt kiêu hãnh, lên đôi môi, làn môi thờ ơ. Rồi cô nằm ngửa, nâng anh lên và ngắm nghía đầy mãn nguyện. Sau cùng cô nằm sấp xuống, những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống khuôn mặt anh.

Anh mệt mỏi bước ra từ khuôn ảnh phóng to, lấy khăn phủ lên thân hình cô. Cô vùng dậy chạy vào phòng tắm. Cô trả phòng ngay đang đêm.

Cô lâng lâng trở về từ cõi trăng mật. Vầng trăng đàn bà đang giễu cợt một kẻ còn ngu muội hơn mình. Cô đi thẳng đến gốc thông già cỗi. Nơi mười năm về trước cô gặp anh. Vầng trăng đi theo, lặng lẽ, se sẽ lau những giọt nước mắt. Mười năm trước trăng vẫn là con gái.

Khuya. Có một người đàn bà tìm chồng. Sương mù dày đặc. Chị đã không tìm thấy anh. Lạc anh một đêm, chị đau đớn rã rời - Còn cô, hơn ba nghìn đêm lạc anh. Tận bấy giờ cô vẫn không dám tin là đã thấy. Cô không dám tin là trong anh còn sống hình bóng một cây thông già, trong anh còn có một vầng trăng con gái./.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn