Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Bút kí: "Tết biển" - Lê Mạnh Thường

13-01-2012 01:45:45 PM

VanVN.Net - “Cứ mỗi độ xuân về, trời đất chuẩn bị giao hoà làm cho lòng người xốn xang, rạo rực. Những hạt mưa xuân bắt đầu bay bay. Những đào, những mai thẹn thùng nhú nụ khoe sắc thắm cùng vạn vật. Những quả chín sai lúc lỉu, trĩu cành đang đợi chờ để được đưa ra chợ Tết làm đẹp cho mỗi gia đình. Ấy cũng là lúc những con tàu, những người lính đang làm nhiệm vụ trên các vùng biển đảo của Tổ quốc chuẩn bị cho mình cái Tết thật đơn sơ, mộc mạc nhưng ấm áp, thân tình. Chúng tôi gọi nôm na là Tết biển”.

Tàu Cảnh sát biển (Ảnh: Lê Mạnh Thường)

Chừng ấy năm sống cùng biển, thức cùng biển nên không chỉ riêng tôi mà cả những đồng đội của tôi ai mà chẳng có một vài lần đón giao thừa trên biển. Thú thực một điều rằng, chúng ta ai chẳng có một quê hương, một gia đình, một mái ấm nên trong sâu thẳm tận đáy lòng, tết nhất không ai là không muốn được trở về nơi ấy cả.  Ngày Tết là ngày đoàn tụ của những người lính quanh năm biền biệt xa quê với mẹ cha, với anh em, vợ con, bạn bè, họ mạc... Nhưng, nếu ai cũng muốn về quê trong những ngày thiêng liêng, ấm cúng ấy thì lấy ai là người thức cùng biển đảo, với con tàu để đón xuân?

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai” đây?

Bạn tôi, thiếu tá Lê Huy hiện công tác tại Vùng Cảnh sát biển 1. Huy từng có hơn bảy năm công tác tại Thổ Chu - hòn đảo tiền tiêu được xem là cực Tây Nam của Tổ quốc. Quê Bắc Giang, chừng ấy năm sống ở đảo thì Huy đã có năm lần đón xuân nơi đây. Huy bảo, ở lại đón xuân trên đảo lần đầu, lần thứ hai thì còn hơi buồn, hơi nhớ quê nhưng đón miết năm cái giao thừa cùng Thổ Chu thì lại thấy đâm quen và vui hơn, có nhiều điều thú vị.

Thổ Chu ngày đó còn hết sức khó khăn, vất vả. Dân cư thưa thớt. Từ đất liền ra tương đối xa. Những ngày gần Tết, bà con ngư dân về quê hết nên đảo đã vắng càng vắng hơn. Trước Tết hơn một tháng, anh em ở các đơn vị trên đảo vào rừng Thổ Chu tìm những gốc mai đẹp, ưng ý để tỉa lá và đánh dấu “chủ quyền”. Rừng Thổ Chu rất nhiều mai. Mai rừng ở đây là loại mai đơn cánh chứ không phải như mai ở trong đất liền. Đến khoảng hai bảy, hai tám Tết là anh em vào rừng cưa mai đem về để trang trí bàn thờ Tổ quốc.

Ở Thổ Chu không gói bánh chưng bằng lá dong mà gói bằng lá chuối rừng. Nếp, đỗ xanh đã có tàu vận tải của Vùng 5 Hải quân chở ra trước đó. Heo, rau xanh thì tự túc được vì đơn vị nào trên đảo cũng đẩy mạnh phong trào tăng gia. Anh em để dành những chú heo to nhất để cung cấp thực phẩm cho những ngày tết.

Huy bảo, đón xuân ở Thổ Chu cũng đầy đủ thủ tục như ở quê. Thời khắc đón giao thừa, anh em quây quần bên nồi bánh chưng, hái hoa dân chủ, nghe chủ tịch nước chúc Tết qua đài, nghe thư chúc Tết của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng và Vùng. Sáng mồng một thì đi chúc Tết các đơn vị và đón bà con trên đảo vào đơn vị chúc tết. Sau đó cả chủ và khách cùng ăn bữa cơm đầu năm tại đơn vị, một bữa cơm ăm ắp tình quân dân.

Có lẽ có một thứ đặc sản không thể thiếu được ở Thổ Chu trong những ngày Tết đó là điệu múa Khơ me đầy mê hoặc. Miền Tây Nam Bộ là nơi có đông đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống nên hàng năm, số lượng chiến sỹ mới nhập ngũ và biên chế ra đảo là người dân tộc Khơ me chiếm tỷ lệ khá cao. Đa số họ đến từ các địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang… những điệu múa này thường được sử dụng vào các ngày lễ của dân tộc Khơ me như Tết cổ truyền Chôchơnamthơmây, lễ hội Đônta (Cúng ông bà), Ok- om- bok (Đúc cốm dẹt). Những ngày Tết Nguyên đán cũng là dịp để các chiến sĩ đồng bào Khơ me anh em hòa cùng không khí vui tươi của quân và dân trên đảo qua những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hoá của người Khơ me như “Chung một niềm vui”, “Hoa hướng dương”, “Salavan”, “Apsara”, “Lăm thôn”… Chính những hoạt động đó đã làm cho những người lính nơi đây vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm đón xuân cùng đảo nhỏ.

Ấy là chuyện của Huy, là chuyện đón xuân của cánh lính đảo. Chứ chuyện của lính tàu như tôi thì có phần hơi khác một chút vì đặc thù ở tàu quân số ít hơn đảo nhiều, chỗ ăn ở, làm việc chỉ gói gọn trong một thân tàu nên cái gì cũng nhỏ gọn. Lúc nào cũng trong trạng thái lắc lư, bồng bềnh liên miên.

Tôi còn nhớ năm ấy, tôi mới khoác ba lô về tàu gần được một năm, chưa lần nào phải ăn Tết xa nhà. Ấy vậy mà những ngày cuối năm, tàu chúng tôi nhận lệnh đi trực Tết ở Trường Sa. Nghe anh em kháo nhau, tầm tầm hết tháng giêng mới về. Chà, cũng hơi gay vì trước đó tôi cũng đã lên cho mình những dự định riêng. Lại lần đầu tiên ăn Tết trên biển, chắc sẽ buồn vô cùng. Tôi nghĩ vậy. Lúc này tôi cảm thấy hình ảnh gia đình cứ hiện hữu trước mặt bởi Tết này, không chỉ tôi mà những anh em trong tàu sẽ vắng mặt trong cái thời khắc thiêng liêng của đất trời. Chúng tôi sẽ không được sum họp cùng gia đình trong những ngày xuân ấm cúng. Buồn đấy, tiếc đấy nhưng nhiệm vụ mà. Biển cả đang rất cần chúng tôi.

Trước lúc lên đường đi trực tại Trường Sa, toàn tàu đã làm tốt công tác chuẩn bị kỹ càng và bảo đảm mọi thứ trong suốt thời gian làm nhiệm vụ trên biển và đặc biệt là đón Tết cổ truyền. Việc đầu tiên khi tàu chúng tôi ra đến nơi là đóng những mảnh gỗ lại thành những ô vuông rồi đổ những bao tải đất đem từ đất liền ra để làm nhiệm vụ “canh tác”. Hạt rau cải được vãi lên, chỉ vài hôm sau đã có thể được thưởng thức món rau ghém tuyệt vời. Anh em còn hạ xuồng chạy vào đảo xúc cát vàng đem ra tàu để ủ giá đỗ. Có thể nói, với tài nghệ của mấy “bàn tay vàng”, tôi xin đảm bảo một điều rằng, món giá đỗ ủ bằng cát vàng Trường Sa ngon gấp vạn lần ủ bằng lá tre trong đất liền.

À, còn cái khoản chăn nuôi, cải thiện thì cũng rất chi là lính tàu. Cá thì câu dưới biển lên, nhiều vô kể. Gà, vịt sống anh em mua về đều thả xuống nuôi dưới hầm hàng của tàu. Tàu có hai hầm hàng rất rộng. Nếu không chở hàng thì anh em có thể xuống đấy đá bóng kiểu “gôn tôm” được. Cho nên lũ gà vịt ở dưới đấy tha hồ mà dạo chơi, đến bữa thì anh em đem cơm xuống cho ăn, chúng tăng cân rất nhanh. Heo thì thả cho đi dạo trên boong tàu thoải mái. Ấy mới có chuyện ở tàu tôi, có con heo cái đến kỳ động dục, ban đêm nàng mò mẫm vào các cửa phòng ngủ của anh em cọ cọ lưng vào và phát ra những âm thanh khó tả làm cho không khí trên tàu “rạo rực” cả đêm.

Tết năm ấy của chúng tôi trên biển Trường Sa cũng tương đối đầy đủ về vật chất. Cũng thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cũng mâm ngũ quả, cũng bánh chưng xanh trên bàn thờ Tổ quốc. Có chăng, chỉ thiếu mỗi tình cảm của đất liền. Chắc hẳn trong đêm giao thừa, trong lòng ai cũng vấn vương câu hỏi: Không biết giờ này ở nhà, bố mẹ, vợ con, anh em, người thân của mình đang làm gì nhỉ? Ở quê có rét không? Năm nay ăn Tết thế nào?... Giao thừa ùa vào từng cửa sổ mạn tàu. Những người lính ngồi bên nhau trên con tàu nhỏ nhoi giữa đại dương bao la và chúc nhau những gì tốt đẹp nhất. Con tàu tuy nhỏ nhoi nhưng đó là biểu tượng, là đại diện cho cả quốc gia đang làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả để giữ cho đất liền đón Tết an vui.

Có lẽ một kỷ niệm mà tôi mãi không bao giờ quên được trong những tháng năm công tác trên tàu. Đó là chuyến trực Tết tại vùng biển Bạch Long Vĩ năm 2004. Hồi đó tôi chuyển sang làm nhiệm vụ ở con tàu K206, loại tàu phóng lôi của Nga được cải hoán và trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển. Biết trước kế hoạch chuyến đi trực qua Tết mới về nên mấy anh em đi lùng cả buổi trưa gần khu vực cầu cảng mới chặt được mấy cành sú, vẹt ưng ý đem về tàu. Sát Tết con tàu chúng tôi lên đường ra khơi. Vì là tàu cũ nên trang thiết bị trên tàu đều xuống cấp nhiều. Việc bảo quản thực phẩm để phục vụ công tác dài ngày trên biển không được bao nhiêu. Chuẩn bị Tết, tàu tôi ghé vào đảo để mua thực phẩm tươi nhưng cuối năm, bà con ngư dân về quê hết, đảo vắng tanh. Chúng tôi lên liên hệ với Trung đoàn C52 Hải quân và được chia một ít thịt heo mới mổ cùng mấy chai rượu “Nếp mới”. Có một sự cố đã xảy ra. Tay Tạo “ra đa” nhận nhiệm vụ làm giò thủ. Phải nói rằng Tạo nấu ăn thuộc hàng “cứng cựa” trên tàu nên ai cũng tin tưởng “phó thác” cái khoản giò thủ cho hắn. Vậy mà, hôm sau kiểm tra sản phẩm thì ôi thôi, mấy cái giò thủ bó chặt bỏ vào phía dưới hộc pháo 25ly rồi đóng cửa kín lại. Sức nóng trong hộc pháo làm cho số giò thủ vữa ra, nát nhừ. Tạo ta thấy thế bèn lí nhí xin lỗi anh em và hứa lần sau sẽ cẩn thận hơn. Thôi, bây giờ chỉ biết cười trừ chứ biết làm sao nữa hả lão Tạo kia?

Mấy hôm trước Tết, anh em toàn tàu bắt tay vào làm công tác chuẩn bị phòng đón xuân. Bạt được quây kín boong mũi để chắn gió. Mấy cành sú vẹt được đưa lên tỉa tót rồi cắt giấy vàng làm cánh hoa mai, ngoắc thêm lên đó bộ đèn nháy nữa trông thật “hoành tráng”. Đứng xa nhìn lại như cành mai thứ thiệt. Ai cũng mỉm cười hài lòng. Bàn thờ Tổ quốc rất đỗi đơn sơ nhưng cũng đảm bảo những thứ cốt yếu. Vậy là chúng ta sẵn sàng đón xuân rồi!

Đêm giao thừa, giữa mênh mang vô tận, giữa thời khắc linh thiêng của đất trời đang vào độ giao hoà, giữa cái lắc lư, chao đảo, dập duềnh của sóng, chỉ có chúng tôi quây quần bên nhau như anh em trong một nhà và chia sẻ cho nhau những nỗi niềm chung- riêng. Tất thảy chúng tôi ai cũng hướng ánh mắt, hướng trái tim mình về đất liền và thầm nhủ với lòng mình rằng sẽ quyết tâm đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giữa vô vàn con sóng dữ ngoài đại dương đang ngày đêm vây bủa, chỉ có niềm tin, bản lĩnh, nghị lực và tình đồng đội gắn bó với nhau mới tạo ra được giá trị sức mạnh để những người lính biển vượt qua muôn ngàn gian khó, hiểm nguy.

Năm nay, chúng tôi vẫn cùng con tàu trong tư thế sẵn sàng ra khơi làm nhiệm vụ. Nhưng đây là con tàu mới với rất nhiều trang thiết bị hiện đại vừa được trang bị. Việc chuẩn bị đón xuân trên biển của anh em đi làm nhiệm vụ được cấp trên đặc biệt quan tâm. Mỗi con tàu đã chuẩn bị cho mình từ những thứ nhỏ nhất, đảm bảo cho anh em đón xuân mới đầy đủ như lúc tàu ở cảng.

Có chăng, chỉ thiếu chút hơi ấm của đất liền, của người thân mà thôi!

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Chùm truyện cười 2012

VanVN.Net – Nhân dịp xuân Nhâm Thìn 2012, dịch giả Lê Bá Thự muốn gửi tặng độc giả VanVN.Net chùm truyện cười, góp thêm niềm ui vào không khí Tết đang tràn về mỗi ngôi nhà, thay lời chúc một năm ...

Tư liệu  

Thơ mới Nhật Bản

VanVN.Net - Vì sao thơ Pháp được dịch nhiều ở Nhật Bản? Vì khi bắt đầu hiện đại hóa văn học Nhật Bản, nước Pháp và văn học Pháp là giấc mơ của các họa sĩ, nhà thơ, trí thức Nhật ...