Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

“Tiếng đảo” – Tiếng lòng của người lính biển

Hồ Kiên Giang - 13-01-2012 12:23:31 PM

VanVN.Net - Trong hai chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam, có hai truyện ngắn viết về đề tài biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm, sẻ chia của thính giả khắp mọi miền Tổ quốc bởi những câu chuyện mang nhiều chi tiết gây xúc động. Đó là “Sóng trên đỉnh núi” và “Tiếng đảo” - hai truyện ngắn rút trong tập “Tiếng đảo” của Đại úy Lê Mạnh Thường, hiện là sinh viên năm cuối ngành Biên kịch điện ảnh - truyền hình, Khoa Sân khấu - Điện ảnh - Viết văn, Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội.

Bìa tập truyện ngắn "Tiếng đảo"

Tháng 8 năm 2008, lần đầu tiên Lê Mạnh Thường tham dự trại sáng tác văn học tại thành phố Hồ Chí Minh do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục Chính trị Quân chủng Hải quân tổ chức. Khi đó, “gia tài văn chương” của anh là những bài thơ, mẩu chuyện đăng rải rác trên báo Hải quân Việt Nam, Hải Phòng cuối tuần… Một năm sau, anh xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn khá ấn tượng “Sóng trên đỉnh núi”. Nhà văn Nguyễn Đình Tú nhận xét: “Mạnh Thường có sự tiến bộ rất bất ngờ!”. Đầu năm 2011, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in ấn và phát hành tập truyện ngắn “Tiếng đảo” – tác phẩm đầu tay của Lê Mạnh Thường – một người lính Cảnh sát biển Việt Nam.

Cảm nhận đầu tiên khi đọc xong “Tiếng đảo” là một không gian rộng và trải dài từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc. Ở đó, hình ảnh người lính biển hiển hiện khi rõ ràng, đậm đặc, khi chỉ là nét phác họa, thoáng qua, nhưng tựu chung là tình yêu biển đảo thiêng liêng trong họ luôn thường trực, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ, cả mất mát lẫn hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh Dương cùng đồng đội vượt sóng ra đảo Tiên Nữ trong gió bão để cứu các ngư dân bị đắm tàu, dù lỡ hẹn với người yêu và gia đình chuẩn bị định ngày cưới (Cuộc gặp gỡ bất ngờ). Một thuyền phó Cảnh sát biển Khánh, trong lúc vây bắt tàu lạ xâm phạm hải phận đã bị hai mạn tàu va đập dập nát chân, phải cưa bỏ gần đến gối (Nước mắt của biển). Một chiến sĩ Sín – người con của đồng bào Mông vùng Tây Bắc ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Trong một đêm cứu tàu ngư dân bị nạn, Sín đã vĩnh viễn nằm lại đại dương, bỏ lại ước mơ phấn đấu để được kết nạp vào Đảng, được chăm sóc pa mé lúc tuổi già, bỏ cả người bạn gái mới quen qua thư tọa độ… Tất cả những dự định về một tương lai tươi sáng của Sín mãi mãi sẽ không thành hiện thực (Sóng trên đỉnh núi)…

Người lính biển trong “Tiếng đảo” đôi lúc cảm thấy lạc lõng, xa lạ với cuộc sống ồn ào, muôn mặt thú ăn chơi, tiêu khiển của bạn bè cùng lứa. Sự “lên đời” theo nhịp sống đô thị của Khôi đã tách Hải về một “thế giới khác”. Tất nhiên, ở đó sẽ không có “rượu Chivas kèm theo một đống âm thanh rùng rợn vang lên chát chúa”, “những bộ đồ đắt tiền, những mái tóc Hàn Quốc với đủ màu sắc nhưng trên khuôn mặt không giấu được vẻ tai tái, ánh mắt lời đờ, ngái ngủ. Trên những đôi môi thâm sì đó thi nhau phả ra những cục khói mù mịt như núi lửa”... Mà ở đó, “có biết bao con người đang ngày đêm sống cùng nắng gió giữa biển trời Tây Nam” (Thị thành xa ngái). Có người lính tìm thấy “một nửa” của mình ngay trên hòn Ếch xa xôi, cách trở, thiếu thốn, chỉ  có vài chục nóc nhà (Tiếng đảo). Nhưng cũng có người lính đã không nhận được sự cảm thông, sẻ chia để rồi hai người chia tay trong khổ đau của mối tình đầu không thành (Xuân muộn).

Không chỉ viết về người lính biển mà trong “Tiếng đảo” còn có những gam màu khác nhau của đời sống xã hội. Đó là thân phận của bao phạm nhân sau song sắt, những băng nhóm xưng hùng xưng bá, phe cánh giữa “ma cũ – ma mới” cùng vô vàn “bài học” dành cho kẻ vào sau (Tàu ngầm). Đó là cuộc đời Toàn lắm ranh ma lúc nhỏ, đầy bi đát lúc trưởng thành và trầy trật mưu sinh, lo toan quãng đời còn lại (Muôn nẻo trần ai). Đó là câu chuyện Tĩnh từ miền ngược về xuôi lừa cả tình lẫn nghề truyền thống nổi tiếng trồng dâu dệt vải của o Hạ ở hạ lưu sông Lam (Trăng suông)...

Mười một truyện ngắn trong “Tiếng đảo” là mười một số phận, cuộc đời khác nhau, với nhiều cung bậc khác nhau, trong đó có hơn một nửa viết về người lính biển. Bằng giọng văn ngắn gọn, khúc chiết, khi thì chân thật, cụ thể, khi thì lãng mạn, hư ảo tạo cho người đọc cảm giác như cuốn theo nhân vật suốt chiều dài đất nước. Đặc biệt, nhờ điều kiện công tác nên Lê Mạnh Thường được đi nhiều nơi khác nhau, vì vậy trong cách vận dụng điệu hát phường vải, hò ví dặm, nam ai nam bằng, nhạc khấn tang ma… khá nhuần nhuyễn đã làm tăng thêm sự hấp dẫn, sinh động của truyện, nhất là phương ngữ, giọng điệu đặc trưng vùng miền và nét văn hóa bản xứ.

Với tập truyện ngắn đầu tay, dĩ nhiên Lê Mạnh Thường sẽ không tránh khỏi những hạn chế nhất định mà mỗi người viết trẻ khó tránh khỏi. Song, “Tiếng đảo” đã góp thêm tiếng nói của người lính biển vào dòng văn học vốn không nhiều về lực lượng này hiện nay. Hy vọng và chờ đợi những tác phẩm mới của anh cũng viết về người lính biển nhưng ở một tâm thế khác, sâu sắc hơn, trong một tương lai gần!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn