Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn "Muối mặn gừng cay" - Vi Thị Thu Đạm

23-11-2011 11:54:10 AM

VanVN.Net – Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí Đại học KHXH&NV Hà Nội, Vi Thị Thu Đạm (sinh năm 1976) về công tác tại Hội VHNT tỉnh nhà Lạng Sơn. Sinh ra ở vùng núi, lớn lên cùng với hương rừng gió núi, có lẽ vì vậy cái chất “sơn nữ” đặc trưng trong từng câu chuyện kể của Thu Đạm khiến người đọc không dễ dứt khỏi trang viết. Mỗi truyện ngắn Thu Đạm là một mảnh ghép độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về xứ sở chị hằng gắn bó và yêu thương. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chùm truyện ngắn của tác giả trẻ này.

                                                                                       

 

Muối mặn gừng cay 

 

Đoàn người và ngựa thồ dừng lại bên chân dốc phía Nam đèo Sài Hồ khi trời đã sâm sẩm chiều. Tiết trời tháng Chạp rét như cắt thịt. Nhìn lên con đèo dẫn về phương Bắc, hút hút trong mịt mù sương giăng, vợ chồng ông bà Cả Hương không khỏi ngại ngần. Lần nào cũng vậy, trong lịch trình mỗi chuyến đi, con đèo này luôn là một trở ngại khó khăn mà cả đoàn phải vượt qua, cho dù phía bên kia đèo, chợ Kỳ Lừa đã không còn xa nữa.

Vợ chồng ông bà cả Hương làm nghề buôn muối đã mấy chục năm nay, từ khi họ mới chỉ tậu được một chiếc xe ngựa thồ với một chút vốn liếng, chuyến đi nào với họ cũng đầy những khó khăn, nguy hiểm. Đến nay ông bà đã có đến cả chục chiếc xe thồ, lập nên phường buôn muối Cả Hương nổi tiếng, cung cấp hầu như toàn bộ lượng muối cho các nhà buôn ở Phố Muối, chợ Kỳ Lừa trấn Lạng Sơn.

Trong phường buôn muối từ Hải Phòng lên Lạng Sơn của gia đình ông bà Cả Hương, có cô Nguyễn Thị Giang, con giái út của quan Phó trấn Lạng Sơn theo phường muối đã mấy năm nay. Cô Nguyễn Thị Giang là người con gái xinh đẹp, thông minh, sắc sảo. Theo phường muối, cô vừa góp vốn vừa giúp bà Cả Hương một tay tính toán sổ sách cũng như đối ngoại với khách hàng, được bà cả Hương vô cùng yêu mến.

Thân phụ của cô Nguyễn Thị Giang là quan Phó trấn Lạng Sơn, vâng lệnh triều đình ông lên Lạng Sơn giúp việc cho quan Tổng Trấn đã mấy năm nay. Thương cha tuổi cao sức yếu mà vẫn một lòng lo tròn bổn phận với nước nhà, phải xa vợ xa con, xa gia đình đến tận miền biên viễn xa xôi, cô Giang đã không quản đường xa, thân gái dặm trường đến Trấn Lạng Sơn để được gần gặn, phụng dưỡng. Bà Cả Hương gặp cô Giang trong một buổi chợ phiên, thấy cô nhanh nhẹn, tháo vát lại có vẻ rất thông thạo việc giao tiếp với người trên kẻ dưới, bà đã ngỏ lời nhờ cô Giang giúp cho một tay, nhất là lo việc giao thương với với khách hàng thổ cư Xứ Lạng và cả với những lạo pản bên Vân Nam, Bằng Tường. Cô Giang nhận lời giúp bà Cả Hương. Tuổi trẻ tài cao, chỉ một thời gian ngắn phụ việc cho bà Cả Hương, cô đã đứng ra tự lo được việc giao dịch với khách hàng, đỡ cho bà Cả một tay trông thấy.

Thường khi, cô Giang không phải đi theo đoàn phu muối mà chỉ nhận hàng ở chợ Kỳ Lừa. Nhưng tháng trước, cô về quê thăm mẹ, nay cùng với đoàn phu muối trở lại Lạng Sơn. Bà Cả Hương từ khi có cô Giang lo việc giao dịch trên Lạng Sơn cũng ít khi phải lên tận Lạng Sơn giao hàng như trước kia. Nhưng hôm nay là chuyến hàng cuối cùng trong năm, bà Cả Hương theo lên Lạng Sơn, ngoài việc tất toán tiền nong, bà còn cất lấy một mẻ hàng tết về xuôi, sẽ toàn là các sản vật miền rừng như măng khô, nấm hương, nầm mèo và đặc biệt là pháo của Trung Hoa, một bánh pháo về xuôi đổi được được một đôi gà trống thiến.

Cô Giang xa quê, theo cha lên miền biên viễn đã nhiều năm, nhưng chuyến xa quê lần này với cô là một lần dứt áo ra đi. Bây giờ thì cô đã thấu thế nào là “trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”. Nhưng lòng cô đã quyết. Bên tình bên hiếu, cô đã chọn chữ Tình, quyết đi theo tiếng gọi của trái tim. Nhưng chính vì chẳng vẹn được đôi đằng nên chữ Hiếu càng như gánh nặng biển trời mà cô sẽ mang bên mình suốt đời trọn kiếp không biết bao giờ trả được. Ngổn ngang trăm mối, lòng cô như tơ vò lụa xé!

Trời tối mau, sương xuống càng nhiều. Ông bà Cả Hương quyết định dẫn đoàn người và ngựa thồ rẽ vào nghỉ chân trong bản nhỏ bên chân dốc.

Ông Cả Hương vẫy Duần, một phu trẻ tuổi, lanh lẹ, bảo:

- Cháu nhanh chân chạy vào xem ông bà Dùng có nhà không, nhà họ có kiêng kị gì không. Nếu không thì báo có ông bà Cả Hương đến nhà xin trú qua đêm, cháu báo luôn đoàn ta có mười hai người cháu nhé, đi đi cháu!

Nói rồi ông Cả Hương trao con ngựa của mình cho Duần. Duần vâng lời, nắm lấy yên cương, vút một cái cả người cả ngựa đã mất hút vào màn đêm tối đang buông mau.

Ông Cả Hương vẫy cả đoàn đi thong thả lại vì cũng chỉ còn độ vài trăm thước nữa là tới nhà ông bà Dùng, hơn nữa trời tối, đường nhỏ cũng chẳng nên đi nhanh làm gì.

Chẳng mấy chốc đã trông thấy ngôi nhà sàn của ông bà Dùng với ánh đèn hắt ra le lói. Vào tới gần, buộc ngựa dưới gầm sàn là đã ngửi thấy mùi khói, mùi lửa thật là ấm áp, đã nghe thấy người nhà đi lại dìch dịch trên sàn, nghe thấy tiếng gà bị cắt tiết kêu queng quéc. Chủ nhà bưng một chậu mước nóng ra mời khách rửa tay chân. Sau khi tranh thủ cho ngựa ăn, khách rửa tay chân sạch sẽ rồi lần lượt vào nhà theo lối cửa sau. Trong bếp tiếng dao thớt côm cốp, tiếng mỡ sôi xèo xèo. Rồi chỉ một loáng sau là người nhà dải chiếu, mời cơm, mâm trên cho đàn ông, mâm dưới cho đàn bà. Đang mệt lại đói được bát cơm nóng với bát canh gà nấu gừng, ai cũng khen ngon.

Cơm nước xong, các anh phu trải chiếu nằm ngay bên bếp lửa. Ông Cả Hương ngồi chuyện trò một lát với ông chủ nhà rồi được mời nằm nghỉ trên chiếc phản kê ở gian phía trước là chỗ trang trọng cho khách là đàn ông. Bà Cả Hương cùng cô Giang cũng được các cô con gái của bà Dùng nhường cho nằm ở gian buồng phía Đông, là chỗ trang trọng giành cho khách là đàn bà. 

Nằm bên cạnh bà Cả Hương trong chiếc chăm bông ấm sực, thơm mùi chàm, cô Giang gắng nằm thật yên lặng và giả bộ thở đều đều để khỏi làm mất giấc ngủ của bà Cả. Nhưng những bề bộn trong lòng cô Giang, làm sao mà bà Cả Hương không biết. Bà đằng hắng rồi hỏi nhẹ nhàng

- Chẳng ngủ được hở con?

- Dạ... - cô Giang bối rối.

- Bá biết trong lòng con có điều khó nghĩ...

- Dạ... con...

- Thế chẳng hay chuyến rày về quê, con không dám thưa với mẹ con?

Trời! Sao bà Cả như đọc được những ý nghĩ trong lòng mình vậy. Cô Giang vừa mừng vừa lo, mừng vì có người để sẻ chia nỗi niềm nhưng lại lo không biết là bà Cả có thấu nỗi lòng mình không?

- Dạ... Con đã không dám thưa mẹ con vì con sợ mẹ con sẽ chẳng thông… Con định chuyến này lên xứ Lạng con sẽ thưa chuyện với thầy con. Không biết con làm vậy có đúng không?

- Con làm vậy là phải đấy- bà cả đưa bàn tay mình nắm lấy bàn tay cô Giang, giọng bà thủ thỉ-  Mẹ con làm sao mà thông được? Có con gái lớn, chả ai muốn đem gả chồng xa, thêm nữa lại là xa lên tận miền biên viễn. Đấy là chưa kể, cậu Nông Văn Vỉ lại là người dân tộc Tày. Cũng chỉ vì đường xa cách trở, tất thảy những người chưa từng một lần lên Xứ Lạng như mẹ con đều coi nơi đây là vùng rừng thiêng nước ác, coi người dân tộc là những kẻ thô lỗ tục tằn. Ngay như bá đây, ông Cả phải nói tới gãy lưỡi bá mới nghe lời theo ông lên biên ải, rồi cũng phải bao năm chiêm nghiệm, bá mới ngẫm ra, cái đất Xứ lạng quả là có núi cao rừng rậm, có mưa rừng, có sương tuyết thật đấy nhưng con người miền núi thật thà chất phác, có nghĩa có tình lắm!

Ngừng một lát, bà cả Hương tiếp:

- Con thương ai, quý ai, phường Muối biết cả. Chúng ta mừng cho con. Con cứ thưa chuyện với thầy con, ta chắc là thầy con sẽ đồng ý thôi, thế là con coi như cũng vẹn một chữ tòng, con ạ...

Cô Giang dụi đầu vào vai bà Cả, cô lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt hạnh phúc cùng với niềm hy vọng được nhen lên trong lòng...

Nguyễn Thị Giang nhớ lại một buổi sáng mùa đông cách nay đã hơn hai năm trời. Chiều muộn hôm trước, phường muối đã đổ hàng bên kia bờ sông Kỳ Cùng, mờ sáng hôm ấy, cô Giang mới gọi bè mảng chở hàng qua sông. Tuy cả hai đều bận rộn với công việc nhưng có lẽ là trời đất đã xui khiến nên cô và người con trai kéo bè mảng đã tình cờ đưa mắt cho nhau. Nông Văn Vỉ xao xuyến trước cái vẻ mỏng mày hay hạt của cô thiếu nữ miền xuôi còn Nguyễn Thị Giang thì đã xao lòng trước ánh mắt sáng rực, nóng bỏng của chàng trai miền rừng. Cả hai đều bối rối. Khi bè đã ra đến giữa sông, nhìn thấy một thạ gừng ở trên bè, chắc là gừng của Vỉ tiện mang đi chợ bán, nhưng là loại gừng núi, củ nhỏ con, trông rất lạ mắt, Giang đánh bạo hỏi "Anh gì ơi, gừng của anh có  cay không?". Bị hỏi bất ngờ, mặt Vỉ đỏ lựng, nhưng không chịu thua, Vỉ đáp "Thế cũng xin hỏi, muối của cô có mặn không?". Lần này thì mặt Giang đỏ lừ, cô không ngờ chàng trai dân tộc Tày trông lành như đất thế kia mà lại dám đối đáp thế ấy. Cả phường muối được dịp cười ran.

Từ buổi ấy, mỗi lần đi lại qua sông, Giang thường cố ý chờ bè của Vỉ. Vỉ cũng đoán lúc Giang lại qua mà chống sào chờ. Hai người dần nên gắn bó thân thiết. Giang biết, Vỉ là chàng trai cả của một gia đình có bốn người con trai, nhưng bố mẹ đã mất cả, là anh cả trong gia đình Vỉ vừa như cha, như mẹ, nuôi dạy, bảo ban các em làm công chăm chỉ, ăn ở thuận hoà. Anh làm việc không biết mệt mỏi, ban ngày anh đi rừng, làm nương, đêm về đánh cá trên sông Kỳ Cùng. Ngày chợ phiên, anh kéo bè mảng chở khách sang sông, Người già, trẻ nhỏ anh trở giúp, không lấy tiền. Mùa phát nương, bốn anh em nhà Vỉ phát được nhiều nương còn hiến cho làng để chia cho những gia đình neo người, không có nương mà trồng tỉa. Lòng tốt của anh được tiếng cả vùng. Từ ngày hai người bén duyên nhau, anh không ngại tiếng "thấy người sang, bắt quàng làm họ" thường lui tới phủ cha con Giang ở, biếu cha khi thì chai rượu thuốc, lúc con cá sông. Cha Giang tuy là quan Phó trấn nhưng ưa sống cảnh điền viên, không có nhiều người ăn kẻ ở trong phủ nên thường khi có việc như rọi lại mái nhà, rào lại khoảnh sân, cũng đều có một tay Vỉ giúp. Giang biết, nết ăn ở của anh, cha qúy như con đẻ, nhưng không biết rồi ông có ưng thuận để cho anh làm con rể mình hay không? Xưa nay, việc kết thông gia giữa người Kinh và người Thổ được xem như một điều đại kị, chưa từng có ai giám vượt qua điều đại kị ấy. Giang đã khóc thầm ướt gối bao đêm, đã bao lần khuyên Vỉ là hãy đào sâu chôn chặt mối tình này ở trong lòng, hẹn đến kiếp sau. Nhưng Vỉ nói rằng chàng đã thề quyết ý lấy Giang làm vợ. Chàng đưa Giang lên một ngọn đồi sau núi Phia Vệ, chỉ cho Giang thấy một nầm mồ ngập lút trong cỏ dại, chàng kể: Đây là mồ của một cô gái mà người dân quanh vùng vẫn gọi là mồ Mè A. Mè A  ngày trước là một cô gái Nùng xinh đẹp nhất vùng Kéo Tấu, nàng đem lòng yêu một chàng trai người miền xuôi lên Xứ Lạng làm nghề thợ mộc. Chàng thợ mộc tài giỏi, chăm chỉ đã trở thành chủ nhân của khu nghề mộc Xưởng Gỗ nổi tiếng thời đó. Nhưng rồi mối tình của hai người bị hai bên gia đình, họ tộc phản đối quyết liệt. Cô gái đã gieo mình xuống Bến Đá Kỳ Cùng tự vẫn, còn chàng trai sau khi phóng hoả đốt toàn bộ khu Xưởng Gỗ, đã bỏ đi biệt tích, không ai biết chàng trai ấy đi đâu. Hôm ấy, Vỉ đã nói với Giang rằng "Chúng ta quyết ý lấy nhau, dù có khó như khảm hải, thì chúng ta cũng phải vượt qua, để từ nay cho mãi mãi về sau, không còn xảy ra những chuyện đau lòng như chuyện Mè A nữa!". Mùa cưới đã gần kề, Giang biết, chuyện của cô và Vỉ sắp phải tìm cho ra câu trả lời. Được đôi lời động viên của bà cả Hương lòng Giang cũng thấy ấm lên, mặc cho những cơn gió mùa Đông Bắc vẫn đang gào rít liên hồi.

Gà gáy canh ba, cô Giang vội vàng trở dậy, đã thấy đèn đuốc thắp lên sáng rực ngoại sàn. Ngựa đã đóng vào xe, chúng gõ móng lộp cộp. Ông chủ nhà còn cẩn thận giắt thêm vài bó đuốc chưa thắp lên xe để mọi người thắp dần. Đoàn phu muối với những xe ngựa thồ lặc lè rời khỏi nhà ông Dùng, bắt đầu vào con đèo Sài Hồ, hướng về phương Bắc.

Đoàn người lặng lẽ đi trong yên lặng, nghe rõ tiếng ngọn lửa bắt gió cháy phần phật trên đầu bó đuốc, tiếng ngựa thở phì phò. Con đèo dốc quanh co, hiểm trở, hai bên là rừng đại ngàn với biết bao hiểm nguy rình rập: kẻ xấu, thú dữ, rắn độc... Hiếm ai mà một mình, một ngựa dám qua con đèo này. Cô Giang đã từng nghe chuyện ở con đèo này có người bị con rắn hổ mang bành to bằng cái đấu phì nọc độc chết cả người cả ngựa. Cô cho ngựa đi theo sát bà Cả Hương, mắt không ngừng quan sát mọi động tĩnh xung quanh. Thi thoảng, một con hoẵng ăn đêm giật mình, chạy thục mạng khiến những cành khô gãy roàn roạt theo bước chân của nó, một vài con sóc chuyền cành líu chíu hay mẹ con nhà khỉ bị đánh thức giấc chí chét càu nhàu. Mùi lá cây mục hoai hoải bốc lên theo vó ngựa.

Trời tang tảng sáng dần, cảnh vật hiện ra trong màn sương đùng đục. Thi thoảng bắt gặp những tàu chuối non táp khô lại vì gió rét, nổi bật trên nên trời xám bạc, giữa những cây nghiến, cây lim vẫn thắm một sắc xanh vạn niên.

Non buổi sáng, đoàn người đã lên tới đỉnh dốc và dừng lại nghỉ ngơi chốc lát. Mọi người tranh thủ ăn chút lương khô và đám phu thì toả đi tìm chặt cành cây làm thắng hậu khi xuống đèo. Chốc lát, họ đã lôi về những cành cây to cỡ bắp chân người, để nguyên cả cành là xum xuê, họ buộc những cành cây đó vào sau mỗi xe hàng. Đây là cách mà phu xe hàng vẫn thường làm mỗi khi phải cho xe xuôi những con dốc đứng. Cành cây được kéo lê theo sau xe sẽ an toàn hơn cho những chú ngựa không bị xe hàng chúi thúc vào mông, nguy hiểm hơn, có thể lật đổ cả xe hàng. Xuống tới chân con dốc, những cành cây như thế bị bỏ lại chất thành đống, người quanh vùng thường đến lượm về làm củi đun.

Chiều tối, đoàn người về đến bến Nam bờ sông Kỳ Cùng. Chuyến đi kể như là trót lọt, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Trên bến sông, Vỉ đã chống sào chờ. Cô Giang cắt đặt việc ăn nghỉ cho ông bà cả Hương xong xuôi thì đốc đoàn phu muối vác hàng xuống mảng chở sang bên kia sông để kịp cho buổi chợ phiên sáng hôm sau. Gặp lại Vỉ, nhìn ánh mắt đầy yêu thương, bờ vai rộng, dáng đi vững trãi của chàng trong lòng cô Giang lại rộn lên một niềm tin tưởng. Cô Giang quyết định ngay tối nay sẽ thưa chuyện cùng cha.

Ngoài bến sông dần thưa vắng người, gió lạnh thốc từng cơn, hơi nước từ mặt sông bốc lên ngùn ngụt. Giang chờ Vỉ vác xong những bao hàng cuối cùng thì lấy ở trong tay nải ra gói đường phèn trao tận tay anh. Đường phèn là món quà miền xuôi mà Vỉ rất thích vì  anh để đem chia cho những người già, trẻ nhỏ trong vùng làm thuốc chữa bệnh.

- Anh về đi, áo ướt mồ hôi, bắt gió lạnh là cảm đấy.

- Ừ. Em về Phủ, nhớ đập vài củ gừng ngâm chân cho đỡ lạnh. Anh tranh thủ đi bỏ mấy bó lá để mai bắt cá.

-Trời! Lạnh thế này anh còn tham gì. Mà lạnh thế này thì làm sao mà bắt được cá.

- Trời lạnh, chỉ cần thả mấy bó lá sim xuống chỗ nước nông là cá sẽ chui vào tránh rét. Chiều nay đi rừng tranh thủ chặt được mấy bó lá sim rồi, sáng mai anh nhấc một lát là xong thôi mà. Vẫn kịp phụ em buổi chợ. Còn cá thì để đem cho già Khưa bán lấy tiền mua muối. Già Khưa nhịn muối đã mấy tuần nay rồi.

- Vậy anh đem một ống muối về biếu già trước đã, đợi em một lát nhé...

Hai người chia tay nhau trong tất bật công việc và đầy ắp những nỗi niềm lo lắng, thương yêu dành cho người khác. Tình yêu của Vỉ và Giang gặp nhau chính là từ tình yêu đồng loại mà cô và anh đã dành cho những người khốn khổ hơn mình.

Phủ quan Phó trấn.

Đã khuya lắm rồi mà ánh đèn dầu vẫn còn tỏ rạng. Quan Phó trấn ngồi trên trường kỷ, bên cạnh ông, lư than toả hơi ấm hồng rực. Sau khi trình được thưa chuyện cùng cha, chính cô Giang lại bối rối, không biết mở lời ra sao, bao nhiêu điều định thưa trình cứ trôi đi đâu hết cả. Trái với vẻ bối rối của cô con gái yêu, quan Phó trấn chậm rãi châm tẩu hút thuốc, chậm rãi nhả khói thành những dải mờ mờ.. Ông nheo nheo mắt, khe khẽ cười phá tan bầu không khí im lặng

- Con thưa trình với ta trong phòng riêng rèm lụa mà sao quá nghiêm trang như ở chốn công đường vậy?

- Cha...-  cô Giang đỏ mặt

- Có điều gì con cứ nói đi- quan Phó trấn ôn tồn khích lệ

-  Cha. Con hỏi xin cha một điều, cha quyết thế nào, con theo thế ấy ạ.

- Ừ. Con nói ta nghe xem nào?

- Dạ thưa cha, được ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, nay con gái cha nay đã lớn... Con trộm nghĩ, có lẽ đã sắp đến ngày con phải rời xa cha mẹ... xuất giá tòng phu...

- Trai khôn lấy vợ gái lớn gả chồng, có nhân có duyên thì con xuất giá, điều ấy là thường!

- Nhưng... nhưng con có tội, con đã trót yêu thương một người...

- Ô!- quan Phó trấn cười lớn- Yêu thương một người đâu phải là có tội. Nhưng nhân duyên là do trời định, con ạ. Đã có người mang lễ vật đến Phủ ta hỏi xin con làm vợ, chẳng hay con lại đã trót  yêu thương ai?

- Trình lạy cha! Có chuyện đó sao? - cô Giang vội vàng quỳ xuống.

- Con cứ ngồi dậy nghe ta nói đã!.- quan Phó trấn châm mồi thuốc mới rồi chậm rãi nói.- Mới cách đây vài hôm, nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình của Nông Văn Vỉ đã cho bà mai mang lễ vật đến hỏi xin con làm dâu họ Nông. Nếu ta đồng ý thì ra Giêng sẽ tổ chức hôn lễ theo đúng phong tục của người Tày.

Trời ơi! cô Giang khe khẽ thột lên trong lòng. Sao Vỉ dám cả gan làm việc ấy, nhỡ cha không đồng ý thì sao? Trong lòng cô Giang biết bao là hồi hộp.

- Con có biết ta trả lời họ thế nào không?

- Dạ...

- Ta đồng ý rồi đấy. Ta đã nói rồi, nhân duyên là do trời định. Vậy bây giờ con nói ta nghe con đã trót yêu thương ai nào?

- Dạ, con tạ ơn cha- cô giang đỏ mặt- Dạ, lòng cha như biển rộng, trời cao, không biết bao giờ con mới đền đáp được. Chuyến rày về quê, con đã không giám thưa trình với mẹ...

- Ừ. Rồi hạ hồi cha sẽ nói sau. Cũng chỉ bởi vì tiền lệ chưa có chuyện người kinh kết thông gia với người Thổ. Nhưng cha đã nghĩ kỹ rồi, cùng là máu đỏ da vàng, cùng là con dân nước Việt. Mối nhân duyên này sẽ làm cho tình thân giữa các dân tộc ngày càng khăng khít, thế chẳng phải là tốt cho tình đoàn kết muôn dân hay sao? Hơn nữa, Nông Văn Vỉ là chàng trai xứng đáng với con. Nó biết con có điều khó nghĩ, nên nó đã cho người mang lễ vật sang hỏi cưới con đàng hoàng. Chí khí lắm! Chỉ có điều nó đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Con mồ côi như con dao con rựa, tự mài mà sắc, tự sắc mà sống. Nhưng ta tin là với chí khí của nó, với sự  giỏi giang tháo vát của con, các con sẽ gây dựng nên sản nghiệp, sẽ tạo dựng được cơ đồ. Cổ nhân nói mạnh vì gạo bạo vì tiền, người có sản nghiệp lớn cũng là người có sức mạnh. Khi đó các con hãy giúp đỡ người nghèo, kẻ yếu hơn mình, chưa biết chừng rồi việc các con làm còn được người đời lưu danh muôn thuở...

- Con xin cha nhận của con một lạy. Con ơn cha muôn phần!

Nguyễn Thị Giang rưng rưng cúi đầu lạy tạ cha mình.

-  Từ sau đám cưới của hai người, việc kết thông gia giữa người Kinh với người Thổ đã không còn được coi là điều cấm kị nữa - Nữ Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế Hoa Hồi hôm nay trực tiếp là hướng dẫn viên đưa khách đi thăm quan thành phố vì biết đây là đoàn khách văn nghệ sỹ. Em càng say câu chuyện, má càng ửng đỏ hây hây-  Ông Bà Nông Văn Vỉ, Nguyễn Thị Giang cũng là người có công lớn trong việc mở mang thị trường, lập nên những phường buôn lớn trên đất Lạng Sơn. Ông bà còn giúp dân vỡ đất, xẻ ruộng bậc thang trồng lúa nước, trồng rau, gây dựng nên những làng nghề nông màu ở hai bên bờ sông Kỳ Cùng vùng ven Thành Lạng. Để ghi nhớ công ơn của hai ông bà, người dân đã lấy tên ông đặt cho một ngọn núi cao phía Nam thành Lạng là núi Văn Vỉ, chính là nơi chúng ta đang đứng đây. Từ núi Văn Vỉ, nhìn về phía bên tay trái, có một con đèo chạy về phương Bắc được gọi tên là Đèo Giang. Còn vùng đất phía ở phía trước ngọn núi và con đèo kia được gọi là Thổ Sơn theo tên con trai cả của hai ông bà là Nông Thổ Sơn.

Mắt đen, chân dài, eo thon, da trắng nữ giám đốc chính gốc người Tày Xứ Lạng, nói tiếng Anh, tiếng Trung như gió. Chiếc Nokia E71 màu đỏ đun trong sắc tay của em liên tục rung lên với những giao dịch hợp đồng du lịch mới. Không hiểu câu chuyện của em hay chính là khoé mắt em đã làm say lòng khách lãng du. Muốn đưa tay nắm lấy bàn tay em những ngón thon dài trắng muối thì bỗng bối rối bởi chiếc nhẫn cưới nhỏ xinh trên bàn tay ấy lấp lánh đầy kiêu hãnh. Đành đưa mắt nhìn theo hướng tay em chỉ. Thành Lạng chiều buông mây mờ ảo. Núi chập trùng xanh như thể không cùng!

 

 

Nàng Tô

 

   Một buổi trưa hè oi ả, Tô Thị gội đầu, nàng ngồi hong tóc bên hiên. Trên chiếc chõng tre ngoài hè, chỗ có bóng mát, con gái nàng đang nằm ngủ. Mặc dù thi thoảng có cơn gió thổi từ bờ sông, tóc con bé vẫn ướt bết vào hai bên thái dương, tội nghiệp. Con nàng đã sắp tròn hai mươi tháng mà vẫn ngồi chưa vững, bởi thế mà chồng nàng thương con bé lắm. Chàng đương ngồi vót từng chiếc nan tre để đan lồng nhốt dế cho con. Chẳng là tối qua, khi chàng đi rừng về, đương ngồi ôm con trước cửa, một con dế chợt kêu ri ri trong bụi cỏ trước hiên nhà. Chàng nói "Dế! Con dế… Con dế kêu!". Con bé con u ơ mỉm cười: "Ế…ế!". "Nàng ơi! Con nói! Con nói này!". Chàng hét đến lạc cả giọng. "Sáng mai bố sẽ kiếm tre về đan lồng nhốt dế cho con. Bố sẽ bắt cho con thật nhiều con dế. Con dế…". Lúc đó, chàng đã bế thốc con bé, chạy vòng vòng khắp nhà… Giờ thì chàng đang cặm cụi chẻ tre để thực hiện lời hứa với con gái, nhưng chốc chốc lại bực mình vì lũ cún con cứ xoắn xuýt quanh chàng. Ngồi gần chồng tiện tay Tô Thị gõ cán quạt vào lưng mấy con chó con, đoạn nạt: "Hư này! Đi ra ngoài! Ra ngoài!". Nàng quay người, vô ý để mái tóc xoã rủ xuống tấm lưng để trần của chồng. Tô Văn ngừng tay dao, se sẽ mỉm cười. Kéo đầu vợ kề vai mình, chàng nói vờ như hốt hoảng:

            - Nàng có sợi tóc bạc này!

            - Đâu? Đâu?… Chàng nhổ nó cho thiếp - Tô Thị chừng như hốt hoảng thực sự.

            - Đây!

            Tô Văn cười lớn, đoạn đưa một sợi xơ lạt cho nàng. Biết chồng đùa, Tô Thị đỏ mặt cười

            - Nhưng để ta tìm xem nào, biết đâu nàng có tóc bạc thật rồi.

            Một lần nữa, Tô Văn lại nhẹ nhàng kéo đầu vợ về gần mình, chàng vuốt mái tóc đen dày óng ả của nàng, mái tóc thường khi phải vấn cao lên và cột chặt. Bỗng chàng phát hiện ra một điều lạ mà xưa nay mình chưa từng biết, chàng ngỡ ngàng:

            - Ơ… này… Trên đầu nàng có một vết sẹo to!

            Một lần nữa, Tô Thị lại đỏ mặt, nàng vén vội mái tóc xuống, hấp tấp nói

            - Chàng chê xấu ư?

            - Không!. Chỉ là nàng chưa từng nói cho ta biết mà thôi

            - Vết sẹo này… - Tô Thị ngập ngừng- Nó không chỉ là vết sẹo thôi đâu, nó gợi cho thiếp nhiều chuyện buồn thuở nhỏ mà thiếp không muốn nhắc tới…

            Thốt nhiên, Tô Văn lạnh người:

            - Chuyện buồn thuở nhỏ! Nàng không muốn kể cho ta nghe sao?

            - Thì… Chàng vẫn biết em chỉ là con nuôi của gia tộc họ Nguyễn

            - Ta cũng chỉ là con nuôi của gia tộc họ Lý ở bên Cao Bằng. Bố mẹ ta cũng như bố mẹ nàng đều đã không còn. Nàng cũng biết điều đó mà!

            - Nhưng em còn có một người anh trai!

            - Một người anh trai ư ? Nàng chưa từng nói điều đó với ta lần nào!

            - Vâng. Bởi vì có mà cũng như không có. Anh trai thiếp bỏ nhà đi biệt tích từ năm mười tuổi, khi ấy thiếp mới lên tám tuổi.

            Tô Văn nghe như một tiếng sét đánh ngang tai khiến đầu óc chàng đau nhức dữ dội. Chàng buông rơi con dao xuống đất.

            - Kìa chàng!- Tô Thị kinh ngạc kêu lên khi thấy mặt chồng biến sắc.

            - Không! Không! Nàng kể tiếp đi. Chỉ là bất ngờ quá thôi…

            Ngập ngừng một lát, Tô Thị nói tiếp:

            - Chàng muốn biết thì thiếp sẽ kể cho chàng nghe ngọn ngành. Thiếp cũng đâu muốn giấu chàng!

            Rồi nàng kể: Nhà thiếp xưa ở trấn Kinh Bắc. Cha thiếp mất sớm, một mình mẹ thiếp phải sớm hôm làm lụng nuôi hai anh em thiếp. Một hôm mẹ ra đồng, hai anh em thiếp nghịch chơi ngoài bãi. Thế rồi anh thiếp vô ý ném đá trúng đầu thiếp, thiếp ngã ngất, máu chảy ra lênh láng. Tưởng thiếp chết rồi, anh thiếp sợ quá bỏ chạy một mạch ra đường. May sao lúc đó có bà hàng xóm đem nắm thuốc là rịt lại vết thương cho thiếp. Khi mẹ đi làm đồng về thì thiếp đã tỉnh rồi. Nhưng còn anh trai thiếp thì vẫn biệt tăm, mấy hôm cũng chẳng thấy về. Mẹ thiếp nhờ người đi tìm khắp nơi khắp chốn cũng chẳng thấy anh đâu. Mẹ sinh buồn phiền mà ốm chết. Thiếp được một gia tộc họ Nguyễn mang về nuôi, sau họ lên Xứ Lạng mở hàng nem, mang thiếp đi theo…

            - Chàng… Chàng vẫn biết em chỉ là con nuôi của gia tộc họ Nguyễn mà- Tô Thị nhìn chồng ngần ngại.

            - Thì chuyện ấy cả phố Háng Cưa này đều biết- Tô Văn khó nhọc trả lời - Mà thôi, muộn rồi, nàng đi bắc nồi nấu cháo cho con đi!

 

            Buổi tối mùa hè, ánh trăng buông trong vắt, thăm thẳm trên cao, vầng trăng bình thản ngự trên buồn vui trần thế ngàn đời. Tô Văn nằm ngả người trên chiếc chõng tre ngoài hiên, bầu rượu không còn một giọt, mà chàng thì vẫn chẳng thể say. Đăm đắm nhìn trăng, Tô Văn nghe tim mình rạn vỡ, nhức buốt nơi lồng ngực, biết bao đau thương, buồn thảm. Chàng tự nhủ thầm: "Chao ôi,  trấn Kinh Bắc nơi quê nhà, mẹ chết, người anh mất tích… Số phận thật là quá trớ trêu. Sao mình không là một kẻ khác mà lại là Tô Văn! Mình đã lấy nhầm em ruột mình rồi!". Chàng hồi nhớ những ngày xa xăm, cái ngày chàng lỡ tay ném đá vào đầu em, tưởng em chết nên đã chạy trốn, đi lang thang không dám trở về nhà. Rồi chàng được một người buôn thuốc Bắc đem về nuôi ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Lớn lên chàng lấy họ cha nuôi là họ Lý. Theo nghề cha nuôi, chàng thường đem thuốc Bắc từ Trùng Khánh- Cao Bằng sang Lạng Sơn bán. Một lần, chàng vào quán hàng Nguyễn Thị (Tô Thị cũng theo họ cha mẹ nuôi là họ Nguyễn!) ở Háng Cưa nếm thử món nem chua, chẳng ngờ vẻ đẹp mặn mòi, hoạt bát của cô hàng làm Tô Văn nhớ mãi. Thế là từ đó, lần nào đến Lạng Sơn giao hàng, chàng cũng ghé thăm quán nem Nguyễn Thị đến thành quen. Quen rồi thành thân. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, thân nhau rồi đến yêu nhau lúc nào không biết. Chàng xin phép cha mẹ nuôi, xin lấy nàng Nguyễn Thị làm vợ. Sau khi cưới, chàng ở lại Lạng Sơn vừa lên núi hái thuốc bán, vừa phụ giúp cho hàng nem của vợ. Hai người lấy nhau đã gần được hai năm, lại thêm được mụn con, tình vợ chồng càng thêm khăng khít. Ai ngờ đâu… Sự thực là cha mẹ nuôi của Tô Văn cũng đã có lần muốn tìm lại quê hương bản quán cho chàng, nhưng hỏi thăm thì mẹ đã chết, em gái nhỏ cũng không còn manh mối. Vậy là chàng đinh ninh rằng gia đình mình ở miền xuôi không còn một ai nữa. Quê cũ đối với chàng bấy lâu nay như trong sương mù, không còn tưởng nhớ để làm gì.

            Tô Văn nghĩ ngợi, rầu rĩ và buồn phiền ghê gớm. Gà đã gáy sang canh. Bên trong buồng, Tô Thị trở mình, nháng lên trong ánh trăng đêm, cái eo lưng thon mềm của nàng. Chàng rùng mình nhắm mắt. Ngửa người trên chõng tre chàng, giả vờ cất tiếng ngáy vang vang đều đều. Trong đau đớn, còn thoáng nghe tiếng thở dài của Tô Thị trước khi trời hừng sáng.

 

            Sáng hôm ấy, Tô Thị nấu bát cháo hành bưng lên cho chồng. Vừa lúc con bé con thức giấc và kêu lên "Ế…ế… ế…". Trong lúc Tô Thị còn đang ngơ ngác thì Tô Văn quắc mắt: "Nó đòi nuôi dế! Con dế. Con dế. Nàng không hiểu gì ư? Thật là quá quắt!". Rồi chàng lật vội tấm khăn mỏng phủ trên chiếc đấu để ở góc nhà. Bên trong chiếc đấu, con dế mèn đã chết nằm co quắp. Thấy con dế chết, con bé con khóc oà. Vừa lúc, Tô Văn vơ vội con dao, lạnh lùng nói: "Ta phải lên rừng tìm thêm tre đan lồng dế cho con" rồi vội vã ra đi.  Chiều muộn, Tô Văn mới trở về nhà. Con dao vẫn nằm im trong bao dao đeo bên hông chàng. Không một cành tre, trên tay chàng chỉ là một bầu rượu trong khi khắp người chàng cũng sực lên mùi rượu chua nồng. Cục ức trong ngực nàng Tô sáng nay mới chỉ bằng nắm tay thì bây giờ lớn lên thành cái đấu. Dọn mâm cơm lên cho chồng, nàng Tô gạt nước mắt lặng lẽ ôm con lui vào buồng trong. Mâm cơm tối Tô Văn không hề động đũa. Chàng uống rượu, lặng lẽ ngắm trăng, hỏi trời sao không thấu nỗi oan nghiệt mà anh em chàng phải chịu.

            Bên trong màn, Tô Thị nước mắt ngắn dài. Bữa nay sao chàng lạ thế? Nghĩ tình nghĩa phu thê bấy lâu ăn ở với nhau trọn vẹn như bát nước đầy, lòng nàng Tô dịu lại. Vợ chồng đầu gối tay kề chẳng hơn là nói những lời đao to búa lớn hay sao? Chắc có lẽ chàng có tâm sự gì uẩn khúc trong lòng, chi bằng ta hỏi han chàng xem sao?. Nghĩ vậy nàng vén màn bước ra, đi đến gần chồng. Chưa chạm vào người chàng, hơi ấm và mùi thơm toả ra từ cơ thể nàng đã làm Tô Văn dường như hốt hoảng "Xin nàng đừng đụng vào người ta! Nàng… Ta…". Tô Thị chưa kịp định thần, Tô Văn đã vội nói tiếp "Ta đã hứa là làm cho con cái lồng dế, vậy mà… Ta chẳng ra làm sao cả… Thôi, nàng vào trong với con đi. Mai ta lên rừng tìm thêm tre về đan xong cái lồng dế cho con đã rồi… rồi…!". Tô Thị bần thần trở lui vào trong mà nặng lòng băn khoăn, lẽ nào chỉ vì cái lồng dế thôi ư?.

            Sáng hôm sau Tô Văn lại rời nhà từ mờ sương cho đến khi tối mịt mới trở về. Một tay cầm một đoạn tre, tay kia bầu rượu. Mắt chàng đỏ vằn hơi rượu. Mâm cơm Tô Thị dọn ra, chàng không hề động đũa, chỉ ngồi uống rượu hoà với chính nước mắt của chàng, nỗi đau của chàng.

            Nằm ôm con, Tô Thị buồn phiền, dõi mắt ngóng nhìn chồng. Ánh mắt nàng thì lo âu mà dưới lần vải mỏng, những đường cong cơ thể phơi phới thanh xuân vẫn như những lưỡi dao nóng bỏng cứa vào trái tim Tô Văn khiến cho chàng không một lần ngoảnh mặt nhìn vào.

            Ngoài trời, trăng vằng vặc sáng. Áo quần Tô Văn ướt lạnh sương đêm mà trong lòng chàng nóng như lửa đốt. Trước sau gì cũng phải nói rõ chuyện này cho em gái! Ôi trời ơi, đứa em gái bé bỏng của ta! Sau rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể rồi em ta sẽ không chịu nổi phải nhảy xuống sông mà chết. Phải, có thể rồi nàng sẽ phải chết đi vì nỗi oan nghiệt đã yêu và lấy phải anh trai mình! Em ơi! Nàng ơi! Người yêu dấu của ta! Máu mủ của ta!. Một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu Tô Văn. Không thể để em ta biết chuyện loạn hôn này. Phải rồi. Ta sẽ lại bỏ đi lần nữa. Em gái ta trẻ trung, xinh đẹp nhường kia, làm gì chả lấy được một người chồng khác. Mình không có lỗi. Em mình đâu có lỗi. Nhưng ông trời để cho mình biết cơ duyên, thì mình phải gỡ mối cho xong, âu cũng là trời định. Nghĩ được tới đây, lòng Tô Văn vơi nhẹ phần nào, chàng vùng đậy, chẻ tre đan lồng dế cho con ngay dưới ánh trăng đêm. Khi chiếc lồng vừa đan xong thì ánh mây hồng đã bừng lên ở phía Đông.

            Nghĩ sao làm vậy, sáng hôm ấy, Tô Văn xin đăng lính, không bàn với vợ nửa lời. Lại còn tha thiết xin được đi ngay. Quân lệnh ban xuống, đúng với ý nguyện của chàng: ngay tối hôm nay lên đường. Đến lúc ấy, Tô Văn mới nói cùng Tô Thị:

            - Ta đã đăng lính rồi, nàng ạ. Ngay tối hôm nay phải lên đường. Đi trấn ải chuyến này ba năm, có khi sáu năm mới về, cũng có khi còn lâu hơn… Nàng ở nhà nuôi con… Còn về phần mình, nàng cứ tự định liệu, nếu nhỡ ra… Cho nên, nàng cứ tự định liệu thì hơn…

            Tô Thị nghe chồng nói như nghe sét đánh ngang tai. Đến khi nàng định tâm tĩnh trí thì tiếng tù và thu quân chỉ còn văng vẳng đằng xa. Tô Văn đã ra đi.

 

            Sáu năm sau.

            Cảnh nhà Tô Thị đã neo người lại càng thêm đơn chiếc khi nàng quyết định đóng cửa hàng nem cho bớt người qua lại. Hàng ngày, nàng làm nem đem giao cho các cửa hàng khác rồi về nhà trông con. Đứa con nhỏ của nàng năm nay lên tám tuổi mà vẫn chẳng biết nói, biết đi. Nàng chờ Tô Văn về đan cho con những chiếc lồng dế mới. Nàng hy vọng rằng đến ngày ấy, con nàng sẽ biết nói, biết đi, cũng như nàng đến ngày ấy sẽ biết rằng trên đời này còn có mặt trời! Nhưng ngày ấy mãi mà chưa đến. Cho tới một hôm…

            Một người phụ nữ phốp pháp, quyền uy hiện ra trước ngưỡng cửa nhà Tô Thị như một điềm báo gở. Bà ta tự kéo ghế ngồi, tay vuốt nước cốt trầu bên mép tay quạt phành phạch chiếc quạt giấy bé tý

            - Xem nào xem nào. Nàng tự làm khổ nàng thôi Thị ơi! Người ta ba năm một khoá lính, đằng này đã sáu năm rồi. Người chết cũng chết rồi, người không về, cũng không về đâu nữa mà trông!

            - Cháu lạy trời lạy phật cho cháu được chờ chàng. Cháu chỉ xin được chờ chàng thôi. Còn như kiếp này cháu mắc tội, không được gặp lại chồng cháu, thì cháu cũng xin làm một kiếp goá nuôi con…

            - Nói gì mà dở người! Cứ thế rồi làm khổ người khác! Thị làm khổ cả mú Lìn này Thị có biết không? Có ai như mú, cả đời làm mai làm mối, mười người thành cả mười, trăm người thành cả trăm, thế mà rồi đến lượt quan phó trấn cậy nhờ lại không làm được thì còn ra cái nước non gì!

            - Cháu… cháu không thể làm lẽ quan phó trấn!

            - Mú chắp tay xin nàng! Quan phó trấn hẹn ba ngày nữa mà không có tin thì cả nhà mú chỉ còn nước đội nón mà đi biệt xứ! Mà ba ngày nữa, chứ ba năm, ba mươi năm nữa chồng nàng chắc chắn cũng chưa về! Thì thôi đằng nào cũng vậy, mú nhận lễ với người ta rồi, đến ngày đẹp cuối tháng này, người của quan phó trấn sẽ đến đón nàng về dinh, nàng khỏi cần định liệu. Có trách thì cứ trách ông trời! Mà đến lúc thành bà phó trấn cao sang quyền quý thì cũng cứ cảm ơn ông trời là được, chứ già này chẳng thèm kể công đâu!

 

            Khách đi rồi, Nàng Tô gần như sức cùng lực kiệt. Trời ơi! Thế là hết! Đến cả chờ chàng thôi mà tâm nguyện ấy của ta, ông trời cũng không thấu ư?. Nàng đưa mắt nhìn trời. Bầu trời tối đen như mực bỗng loé lên một tia chớp sáng. Nàng Tô ôm con nhằm thẳng hướng Tam Thanh tự mà bước tới. Dừng chân trước Tam quan, nàng khẩn cầu:

            - Con Nam mô a di đà phật, con xin lấy tâm nguyện con làm hương đăng, lấy cả cuộc đời con làm sính lễ cầu xin các ngài cho con kiếp này vẹn một chữ Tòng. Dẫu có phải hoá thân thành đá, con cúi lạy các ngài cho con được hoá đá chờ chồng, chàng đi trấn ải chưa về… Với con, được mãi mãi chờ chàng chính là hạnh phúc…

            Hôm ấy trời nổi cơn giông. Gió như roi quật. Mưa như trút nước. Chớp loè khắp núi. Sáng sớm hôm sau, mưa tạnh, gió yên, mặt trời toả sáng. Trên một mỏm đá cao vót ngay bên Tam Thanh tự, nàng Tô đã hoá đá tự bao giờ! Dân làng nhìn thấy nàng Tô hoá đá trên núi cao thì đều quỳ gối cầu xin rằng đó là điềm lành. Giữa lúc ấy, có một bóng người vội chạy đến phủ quan phó trấn khấu đầu tạ tội: "Con khấu lạy ngài tha tội. Vì để đẹp lòng quan phó trấn, con đã trót ép duyên nàng. Giờ thì Tô Thị đã hoá đá rồi!".

            Chuyện sảy ra tiếp theo ở phủ quan phó trấn chẳng ai rõ thực hư thế nào. Dân làng chỉ còn nhớ rằng sau cơn mưa to từ đêm hôm trước, đêm hôm ấy là hôm rằm, trăng sáng lạ thường. Ánh trăng mồn một sỏi tỏ cảnh vật. Dưới chân tượng đá nàng Tô, quan phó trấn cũng ngồi lặng yên như hoá đá, chén rượu cầm trong tay sóng sánh ánh trăng đêm. Rồi từ từ, ông đưa chén rượu lên ngang mày mà rằng: "Tô Thị nàng ơi, nàng là phận gái như hạt mưa sa mà tấm lòng trọng nghĩa phu thê như biển cả. Ta với với nàng kiếp này dẫu không nên duyên chồng vợ thì cũng xin kết nghĩa tri âm. Hẹn nghìn năm, vạn năm sau xin được kết thành đôi loan phượng. Nếu nàng ưng thuận, hãy cùng ta uống cạn chén rượu này!". Trên trời cao, bỗng rơi xuống một giọt mưa trúng ngay miệng chén. Quan phó trấn uống một mạch cạn ly rượu mà tưởng như vừa nhìn thấy khuôn mặt đá thoáng một nụ cười viên mãn.

 

            … Vào những đêm trăng sáng lạ thường, thảng hoặc lại nhìn thấy có bóng người ngồi uống rượu cùng nàng Tô trên đỉnh núi. Có thể đó là những tri âm tri kỷ của nàng qua nghìn năm vạn năm. Bởi dẫu tượng đá có trơ gan cùng tuế nguyệt thì nỗi đau của nàng lắm người dương thế vẫn đa mang.

 

Sương mù

 

- Này! Vào bản Coóc một lần đi, ăn thịt lợn rừng, uống rượu bản, đảm bảo cậu sẽ mê!

Thằng bạn mời đến lần thứ ba tôi mới nhận lời. Không phải vì tôi bận quá mà vì ngại. Hắn là một tay nổi tiếng kỳ quái, đi với hắn thể nào cũng có chuyện. Nhưng kiểu gì cũng phải đi với hắn một lần, vì câu cửa miệng của hắn khi gặp tôi bao giờ cũng là: “Cậu lười đi bỏ mẹ, dân viết mà cứ ru rú một chỗ thì có quái gì để viết. Đi với tớ một chuyến, tha hồ mà cảm súc!”.

Tôi quen hắn từ khi chúng tôi còn là những gã trai tơ, lúc đó tôi mới tập tọng viết báo, còn hắn chẳng nghề ngỗng gì, suốt ngày ngồi trên xe máy, lượn như cá cảnh. Sau này tôi xin được chân phóng viên ở toà báo tỉnh, lấy vợ rồi nuôi con, an phận làm anh nhà báo địa phương. Còn hắn, vẫn lượn suốt ngày như cá cảnh mà tiền ở đâu cứ ''vào'' như nước, từ lâu hắn đã đứng vào hàng tỷ phú ở cái thị xã miền biên ải này. Thế quái nào mà sau ngần ấy năm, bây giờ đầu mỗi đứa đã hai thứ tóc, mà chúng tôi vẫn chơi được với nhau. Thi thoảng, hắn vẫn gọi tôi đi nhậu và trịnh trọng giới thiệu với bằng hữu ''Đây là anh bạn. Nhà báo!''. Tôi biết thừa là hắn dùng tôi, một đại diện của ''giới trí thức'', để khoe mẽ. Nhưng những nơi hắn đưa tôi đến, cả những  người mà hắn tiếp xúc đều là những loại mà thường ngày tôi rất ít có cơ hội gặp nên tôi cũng tranh thủ.

Bây giờ thì tôi đang ngồi đằng sau tấm lưng hộ pháp của hắn. Chiếc “Hắc-lây” có một không hai với những phụ kiện kỳ quái giống y như ông chủ của nó đang lướt êm ru trên con đường rời xa thị xã. Con đường ngày một nhỏ lại và xấu đi. Như đoán được ý nghĩ của tôi hắn cười ha ha: “Đường này còn ngon chán!”. Đi một mạch đến huyện lỵ, hắn dừng xe ở một quán cóc mua vài bao thuốc lá và một chiếc đèn pin. Người quen ở thị trấn chào hắn oang oang: “Lại vào bản Coóc hả?”.

Đường vào bản Coóc mới thật là tồi tệ. Con đường đất đỏ, bụi mù mịt, cua gấp tay áo, lên dốc rồi lại xuống dốc, hai bên toàn cỏ dại, mặt đường như có kẻ nào đó tức giận mà băm vằm, đầy những vết lồi lõm chằng chịt. “Lâm tặc đấy- hắn giảng giải- bọn nó chạy gỗ cả đêm. Đường hỏng hết. Mưa đếch đi được”. Hắn điều khiển tay lái vòng vèo điệu nghệ. Mấy lần tôi trực nhảy xuống thì hắn cười khùng khục trong cổ họng: “Bình tĩnh. Bình tĩnh đi!”. Tôi nhìn đồng hồ, mới hơn bốn giờ chiều mà nắng đã tắt, chỉ còn vương vài vạt trên những mỏm đồi cao. Ở dưới thấp, không khí dường như đã bảng lảng sương. Qua một con dốc dài và khá cao, đổ về phía bên kia, bất ngờ hiện ra một bản nhỏ với độ mươi nóc nhà. Không gian im ắng. Vài sợi khói bốc lên gặp phải hơi sương đùn lại thành những đụn thẳng đứng, lờ đờ.

Hắn cho xe tách khỏi con đường, trôi xuống một con dốc ngắn rồi đột ngột dừng lại trước một ngôi nhà sàn chung quanh có hàng rào tre phủ kín những dây leo đã khô quắt. Một vài con chó thò cổ ra sủa nhấm nhách vài tiếng rồi thôi. Một người phụ nữ đang làm gì đó ở ngoài sàn phơi, ngẩng lên nhìn chúng tôi một cái rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc của mình. Mùi phân chuồng xộc vào mũi nồng nồng. Hắn loay hoay dựng xe, tôi ngắm nhìn ngôi nhà sàn trong ánh sáng nhập nhoạng. Ngôi nhà được làm trên một nền đất dốc, vì vậy phía trước có cột chống, sàn phơi, còn phía sau, sàn nhà được kê luôn lên mô đất, nếu đi lối cửa sau sẽ không phải leo cầu thang.

- Ông Sảng ơi!. Ông Sảng ơi!-  hắn gọi.

Trong nhà có tiếng lục đục, rồi một khuôn mặt đàn ông vuông vức ló ra chỗ cửa sau, cười hề hề:

- Vào nhà đi!. Vào nhà đi!

Hắn theo người đàn ông vào nhà qua lối cửa sau. Trước khi bước vào nhà, hắn với lấy cái gáo làm bằng một đoạn ống tre múc nước ở trong một cái chum vại ra rửa chân. Tôi cũng làm theo hắn. Cửa sau thông với bếp. Sàn bếp được rải bằng những mảnh tre, bước đi kêu cót két. Một người phụ nữ đang lúi húi bên bếp lửa cháy sáng rực quay lại cười chào chúng tôi với một gương mặt đỏ hồng hào. Phía ngoài là phòng khách, nền rải ván, rộng thênh thang. Một bên kê một dãy giường ngủ, chắc là dành cho đàn ông, còn bên kia, những gian buồng được thưng kín lại bằng phên nứa, chắc là dành cho đàn bà. Trong nhà tối om. Chúng tôi ngồi xuống bộ bàn ghế cũ kỹ, đen xỉn. Ông chủ nhà xắp ra mấy cái chén đít bằng, đoạn rót đầy chén thứ nước màu trắng từ một chiếc ấm nhôm to.

- Uống nước đi! Uống nước đi!

Đang cơn khát, tôi cầm chén tu một hơi, suýt nữa thì sặc vì đó là rượu trắng. Thằng bạn cười khùng khục.

- Dân vùng này chẳng mấy khi pha trà, uống rượu thay nước.

Ông chủ nhà cười hề hề, rót đầy chén rượu mà tôi vừa uống cạn rồi lại bảo:

- Uống nước đi! Uống nước đi!

- Có thịt lợn rừng không, ông Sảng?

Hắn hỏi chủ nhà, ông chủ lắc đầu. Hắn nhìn tôi cười cười.

- Thế vẫn còn thịt trâu khô chứ?

- Còn!

- Cả món sáy cáy lẩu van nữa?

- Còn. Yên tâm, uống nước đã!- ông chủ nhà thủng thẳng.

- Măng đắng mọc chưa nhỉ?

- Mọc rồi. Có rồi. Thích ăn à? Để bảo thằng con đi lấy đã!

- Hay là thôi. Tối rồi- tôi ngại nên nói vậy.

- Ngay gần nhà thôi mà!

Ông chủ đi ra ngoài, nói một tràng tiếng dân tộc. Cậu con trai  đang làm gì đó ở ngoài sàn lẳng lặng vào nhà không nói một lời, rút phắt con dao dắt trên vách nứa rồi bước ra khỏi nhà theo lối cửa sau.

Quay đi quay lại một lát, mâm cơm đã được dọn ra trên chiếc chiếu trải giữa nhà. Ông chủ nhà đi ra ngoài sàn phơi hú to rồi nói to một tràng tiếng dân tộc, đoạn ông quay trở lại vào nhà. Ngay lập tức, một chiếc bóng điện ám khói treo giữa nhà mà tôi không hề để ý bỗng sáng lên. Một thứ ánh sáng màu đỏ đọc, nhưng tất nhiên vẫn hơn là thắp đèn dầu hoả. Ông chủ nhà giải thích, đây là nguồn điện từ chiếc máy phát điện nhỏ lắp dưới suối nước chung với hai nhà hàng xóm. Họ đã bị mất trộm hai lần, vừa mua cái này là cái thứ ba, ông không muốn lắp chung nữa vì nhà ông chỉ thắp sáng, còn hai nhà kia thì có ti vi, hay là tới này mua cái ti vi cho trẻ con xem. Ông tự kể lể một hồi rồi lại tự xua xua tay.

- Thôi, ăn cơm đi! ăn cơm đi! Cầm chén đi!

Lại cạn một chén đít bằng. Ông chủ múc cho chúng tôi mỗi người một bát con thứ gì đó nóng hổi mà thoạt trông như súp.

- Ăn đi, ăn đi!

Tôi đưa lên ngang miệng, mùi rượu bốc lên ngào ngạt. Bỏ một miếng vào mồm, thấy vị cay cay, ngọt ngọt của rượu nếp, hương thơm của mật ong và đặc biệt là vị ngọt, mùi thơm của lòng đỏ trứng gà chín ngấu.

- Sáy cáy lẩu van đấy! Trứng gà ngâm rượu nếp, mật ong, hạ thổ một trăm ngày rồi mới đào lên. Trước khi ăn đem hấp cách thuỷ. Thứ này đúng ra là để bồi dưỡng bà đẻ, phải không ông Sảng?

Thằng bạn tôi bỗ bã, ông chủ nhà cười khà khà. Sau món khai vị ấn tượng, tôi thấy phấn kích. Mâm cơm có thịt trâu khô xào với tỏi tươi, một đĩa măng đắng xào với lá mác mật non - một loại lá cây có mùi thơm rất đặc biệt, một bát củ măng đắng luộc chấm với tương ớt. Lần đầu tiên tôi được ăn củ măng đắng luộc, quả là đã đời. Sau vị đắng đến gần như khó chịu thì vị ngọt mát thấm vào lưỡi, có cảm giác như ta vừa làm xong một việc gì đó vừa rất khó khăn, vừa cực kỳ thú vị. Thêm nữa, tương ớt là do chủ nhà tự chế, trong thành phần gia giảm có cả bột của vỏ quả mác mật rang khô, nghiền nhỏ, nên nó là thứ tương ớt mà một thằng “cầm tinh” con chào mào như tôi chưa từng được ăn bao giờ, rất khoái khẩu.

Mâm cơm dọn ở giữa nhà chỉ có bốn người đàn ông, bố con ông chủ nhà và hai chúng tôi, đàn bà và trẻ con thì ngồi mâm dưới bếp. Thằng con ông Sảng ăn thoáng cái đã xong mấy bát cơm rồi xin phép đứng dậy. Ông Sảng bảo:

- Kệ nó đi xem ti vi ở nhà bên.

Biết tửu lượng của tôi kém nên thỉnh thoảng thằng bạn tôi lại giơ chén lên cạch với ông chủ, bỏ qua tôi, vậy mà đến cuối bữa tôi cũng say đứ đử. Phải nói là bữa nhậu rất ấn tượng nếu thỉnh thoảng tôi không phải khó chịu bởi mùi phân chuồng xộc lên từ gậm sàn.

Căng da bụng chùng da mắt, tôi đảo mắt nhìn mấy chiếc giường trong nhà. Như đoán được ý nghĩ của tôi, thằng bạn vỗ vai:

- Đi tiếp. Nhà ông chủ đây chỉ là trạm giao liên thôi. Đêm nay tớ đãi cậu một bữa ngủ, đấy mới là món chính!

Hắn nháy mắt với ông chủ nhà:

- Ông nhắn bà Mui là hôm nay tôi vào chưa đấy?

- Bảo rồi. Bảo rồi.

Hắn cười, ông Sảng cũng cười theo nhưng tôi trông cái cười của ông chủ nhà lần này cứ méo mó thế nào- đấy là tự nhiên tôi có cảm giác thế.

- Đi lên đèo Mây Phủ một đêm đi ông già!

Vừa khoác áo thằng bạn tôi vừa nhấm nháy, ông Sảng xua xua tay:

- Không đi đâu, không đi đâu. Đi đi...

Tôi cũng khoác áo và đứng dậy. Chui ra khỏi cái khuôn cửa thấp mà hồi chiều tôi đã chui vào, tự nhiên tôi thấy tỉnh táo hẳn. Một luồng gió lạnh phả vào mặt, tôi ngẩng đầu lên, bất giác đưa tay giụi mắt. Ánh trăng đêm mùa xuân lại đẹp đến thế này sao?. Một thứ ánh sáng dịu dàng trong trẻo như mơ, nó không đủ sức soi tỏ cảnh vật nhưng lại làm cho chúng lúc ẩn, lúc hiện, lung linh, huyền ảo. Ông Sảng soi đèn pin cho hai chúng tôi, ánh sáng quét một đường vàng đục. Hắn rút từ trong túi ra cái đèn pin của hắn và dúi vào tay tôi rồi nhảy phốc lên xe. Tôi leo lên ngồi sau, hắn giơ tay chào ông chủ nhà rồi cho xe vọt khỏi con dốc nhỏ. Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong theo con đường độc đạo nhỏ xíu, mỗi lúc lại ngoằn ngoèo. Dưới ánh trăng lúc mờ lúc tỏ, tôi trông thấy từng đám mây lơ lửng trên đầu. Xe bắt đầu leo  dốc. Hắn bảo: sẽ là một con dốc khá dài. Tôi chỉ cảm nhận được độ dốc khủng khiếp khi phải bíu chặt lấy hắn. Rồi ánh trăng mờ dần và sương buông mỗi lúc một dày. Xe leo dần lên cao và chúng tôi cũng dần dần bị cuốn vào trong một màn sương dày đặc như mây. Tôi không còn trông thấy gì. Sương mù nuốt chửng hai chúng tôi. Chỉ còn nghe tiếng gió bạt vù vù bên tai. Tôi có cảm giác như hai chúng tôi đang trườn lên con dốc trong một cái kén bằng sương. Phía trước, ánh đèn pha xe máy vón lại thành một quầng vàng ệch.

Lạnh. Sương dày đặc. Hắn điều khiển chiếc xe bằng cảm giác, chứng tỏ hắn rất quen đường. Cứ thế, chúng tôi trườn lên trong màn sương vây bủa và cái lạnh thấu dần vào da thịt.

Bỗng “phực”, hắn cho xe dừng lại:

- Đến rồi đấy!

Tôi chẳng biết là đến đâu. Hắn tắt máy. Một màn đêm đen đặc bao trùm lấy hai chúng tôi. Tôi chẳng nhìn thấy gì, chỉ hình như nghe tiếng gió hú từ rất xa vọng lại. Chân tay tôi tê cóng vì lạnh. Tôi móc túi lấy chiếc đèn pin bật lên nhưng cũng chẳng thể xác định được phương hướng. Bỏ lại chiếc xe cả trăm triệu bạc bên bờ đường, hắn kéo tay tôi:

- Đi lối này!

Tôi lò dò theo hắn vượt qua một bờ cỏ dại. Tôi đi như mộng du vì chẳng nhìn thấy tí gì trước mặt. Sương trên lá cỏ làm ướt hết cả quần áo. Mò mẫm đi được một lúc, hắn bắt đầu cất tiếng gọi:

- Hú!.. Hú!

- Hú u u... Hú u u...

Có tiếng trả lời. Vất vả lê bước một hồi nữa. Lúc tôi nhìn thấy một quầng sáng mờ đục trong màn sương phía trước cũng là lúc trán tôi suýt va phải mái hiên của một căn lều thưng bằng tre nứa. Hắn tự tay mở cửa. Bên trong căn lều là bếp lửa cháy sáng rực. Một người đàn bà với đôi mắt sắc lẻm cười chào chúng tôi. Tôi xà ngay vào ngồi bên bếp lửa, hơi nước từ quần áo tôi bốc lên ngùn ngụt. Hắn kéo bà chủ ra chỗ có kê chiếc bàn gỗ với mấy cái ghế dài, dưới gậm bàn xếp đầy những can, những chai to nhỏ, mùi rượu nồng nặc. Hắn nói gì đó với bà ta bằng tiếng dân tộc. Tôi chẳng thèm để ý. Say rượu, lạnh và cả cái cảm giác như bị mộng du làm cho đầu óc tôi lâng lâng, mê mê. Hắn từ ngoài bước vào khoát tay:

- Sang bên này!

Tôi đi theo hắn ra phía đằng sau. Hắn dẫn tôi đến một căn lều khác nhỏ hơn, cũng thưng bằng nứa. Trong lều cũng có một bếp lửa chất những cục củi to bằng bắp chân đang cháy hồng rực. Một chiếc phản nằm với một chiếc chăn bông gấp vuông vắn. Hắn vỗ vai tôi:

- Này! Vui vẻ nhé! Hàng sạch đấy! Cứ vui vẻ đi! Không phải suy nghĩ! Tớ trả tiền! Không phải suy nghĩ! Hôm nay chỉ tìm được một xuất, ưu tiên cậu đấy, tớ đi uống rượu đây!

Hắn nói một hồi rồi đi ra ngoài. Thú thực, sau này tỉnh rượu, tôi mới nhớ là hình như hắn đã nói những lời như thế chứ lúc đó tôi chỉ nhớ là hắn có vỗ vỗ vai tôi.

Tôi cời than cho lửa cháy to rồi cởi quần áo dài chui vào chăn. Tiếng củi nổ lép bép, hơi lửa nồng nồng. Bên ngoài, gió giật lên từng hồi, lúc nghe rõ tiếng ầm ầm ù ù như tiếng xay thóc phát ra từ chiếc cối khổng lồ, lúc lại mơ hồ như tiếng rú rít của bầy thú hoang từ rất xa vẳng lại. Cảm giác vừa nồng ấm vừa hoang vu. Tôi thiếp như mê đi. Một lúc lâu sau, có lẽ khi bếp lửa đã lụi bớt, hơi lạnh ở ngoài xâm chiếm căn lều, tôi nửa tỉnh nửa mê, cảm giác như có người nằm bên mình. Hay là hắn đi uống rượu ở đâu đã về rồi. Không mở mắt, tôi trở mình bỗng chạm phải một thân hình mềm mại, ấm rực và thơm. Vẫn vô thức, tôi xoay người ôm lấy cái khối thơm nồng, ấm rực và đang run lên bần bật ấy. Một luồng rung cảm dữ dội truyền qua tôi. Tôi lờ mờ đoán rằng đó là một người đàn bà. Mà không, phải là một cô gái còn nguyên sự trắng trong bởi tôi cảm nhận được sự sợ hãi đến tột cùng nhưng cố nén. Em đã trút bỏ hết quần áo. Tôi úp mặt vào nơi nhú lên hai đọt măng rừng kiêu hãnh, cảm giác rõ ràng trái tim em điên cuồng loạn nhịp vẫy vùng trong lồng ngực như một con cá sa lưới. Choàng mở mắt, tôi ngây dại nhìn em. Trong ánh tranh tối tranh sáng của bếp lửa đã gần tàn, sáng lên một thân hình vệ nữ. Đẹp quá!. Non tơ quá!. Em như một bộng ong rỏ mật ngay trước mũi một con gấu đói là tôi. Vội vã. Ngấu nghiến. Cảm giác đã đời bò đến từng chân tơ kẽ tóc.

Sau trận cuồng phong như hổ báo, tôi tỉnh hẳn cơn mông du. Tôi mặc quần áo, ra ngồi bên bếp lửa, châm thuốc, cời than cho lửa cháy lên. Em cũng vội vàng ngồi dậy, luống cuống mặc quần áo, đôi bàn tay run bắn đến tội nghiệp. Rồi em lặng lẽ đến ngồi vào khúc gỗ kê đối diện, suối tóc đổ xuống một bên vai, bắt ánh lửa lấp lánh như kim tuyến. Giữa hai chúng tôi là bếp lửa bập bùng. Tôi như bị dính chặt vào khúc gỗ làm ghế ngồi kê trên nền đất, rít liền mấy điếu thuốc. Em ngồi yên lặng, mắt chăm chăm nhìn lửa cháy, đôi bàn tay ôm lấy bờ vai, đầu hơi cúi, đôi mí mắt mọng đỏ. Tôi vẫn cảm thấy mùi hương trinh nữ, mà sự tỉnh táo đâm nghi hoặc những điều vừa mới sảy ra. Tôi chẳng biết phải làm gì trong lúc này. Mà làm gì kia chứ?. Đầu óc tôi lùng nhùng những điều không thể cắt nghĩa. Tôi muốn nói điều gì đó với em mà không thể cất được thành lời. Chúng tôi ngồi như thế thật lâu. Ở bên ngoài, gió như thể mệt nhoài đã thôi gào rít. Em thì vẫn ngồi yên. Bếp lửa dần tàn.

Một tiếng gà rừng gáy phá tan im lặng. Lần đầu tiên, em bỗng thảng thốt nhìn vào mắt tôi. Tôi nhìn ra ngoài trời, vẫn một màu trắng nhờ nhờ như ánh trăng. Hơi sương lọt qua khe của như những sợi khói mỏng manh.

Bỗng "xoạch!", cánh liếp mở toang, hắn xuất hiện. Trông hắn thật kỳ quái với bộ quần áo dính đầy những sợi cỏ màu nâu, ướt mèm. Hắn nói một câu gì đó rất rõ rành bằng tiếng dân tộc. Ngay lập tức, em đứng vụt dậy, băng qua trước mặt tôi, chạy ra ngoài. Hơi sương ùa vào kín đặc cả căn phòng. Gió ùa vào thổi tung những hạt tro bé xíu, bụi tro lẫn với hơi sương mù mịt. Tôi chạy vội ra ngoài theo em, chỉ bắt gặp tứ bề một màn sương trắng đục. Sương theo gió táp vào mặt tôi những hạt nước li ti. Em đã chìm khuất vào mù sương không một chút dấu tích. Như là tôi chưa từng nhìn thấy em giữa đỉnh đèo hoang sơ và mịt mùng sương lạnh này.

Tôi quay trở lại quát vào giữa mặt hắn "Cậu vừa nói gì thế!?". Hắn ngơ ngác. "Cậu vừa nói gì với cô ấy thế, hả?" tôi gào lên. “Sao thế?- hắn ngó vào mặt tôi- Tớ bảo với cô ta là tớ đã thanh toán sòng phẳng với bà chủ rồi. Cậu trông như người mất hồn ấy!”. Rồi hắn bỗng lăn ra cười “Kha kha kha... Mà đúng là cậu mất hồn thật rồi, buồn cười quá, kha kha kha...”.

Căn lều đã kín đặc hơi sương, tôi nằm vật ra trên tấm phản.   

Chiều hôm đó tôi và hắn xuống núi. Qua nhà ông Sảng, hắn cũng chẳng rẽ vào, hắn bảo giờ này ông đi đồi, chẳng có nhà.

Sau này, mỗi khi gặp tôi, nhắc lại cái đêm trên đèo Mây Phủ, hắn lại nhìn tôi cười hô hố, tôi cũng đành giả ngô giả ngọng cười theo. Hắn bảo thực ra cái tên “Mây Phủ” là do hắn tự đặt ra, không phải cái loại sành chơi như hắn, chưa chắc đã biết đường tìm ra nơi ấy. Có một điều không nén nổi vì tò mò, tôi hỏi hắn, tại sao hôm ấy, ở đùi non của em lại có một vệt màu xanh tím. Hắn say sưa giảng giải: "Đấy là hàng xịn đấy, cô ả mới vào nghề, mặc quần chàm mới nhuộm, chắc toát mồ hôi ra nên nó mới phai màu... - rồi hắn cười khằng khặc-  Mà cậu số đỏ ghê, cái con Moóc ấy là hoa khôi bản Coóc đấy, đầy lần tớ đưa khách vip vào mà không gặp được đâu nhé! Đùng là mèo mù vớ cá rán... Kha kha kha...". Nhìn hắn, tôi chỉ muốn cho một quả đấm mà đành thôi.

Moóc - hắn gọi em là Moóc.

Có lần tôi hỏi hắn: “Moóc- tiếng dân tộc nghĩa là gì?”. “Moóc à- hắn lơ đễnh- Moóc là sương. Sương mù ấy mà!...”.

 

 

 

 

 

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn