Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Trại sáng tác văn học về đề tài GTVT khu vực phía Bắc

Bài và ảnh: Cao Ngọc Thắng - 30-11-2014 06:57:20 PM

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Giao thông-Vận tải, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội), từ ngày 24 đến 29/11/2014, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GTVT đã mở trại viết khu vực phía Bắc. Đây là trại viết thứ tư, sau các trại ở khu vực phía Nam (tại TP Hồ Chí Minh), Nam Trung bộ-Tây Nguyên (tại TP Nha Trang) và Bắc Trung bộ (tại Cửa Lò, Nghệ An).

Trại viết khu vực phía Bắc quy tụ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, nhà báo, trong đó có nhiều tác giả đã từng công tác, hoạt động và sáng tác về đề tài GTVT từ thời chiến tranh chống Mỹ cách đây hơn nửa thế kỷ và trong công cuộc xây dựng đất nước hiên nay.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN - nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Cùng với các nhà văn, nhà thơ tham dự ba trại viết đã tổ chức, Ban tổ chức cuộc vận động hy vọng sẽ đón nhận nhiều tác phẩm văn học có giá trị, phản ánh chân thực và sống động về một trong những lĩnh vực quan trọng có tính mũi nhọn và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. Phương châm hợp tác, liên kết của Hội Nhà văn Việt Nam với các bộ, ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp là hướng đi đúng đắn, mở ra môi trường lao động sáng tạo văn học lớn hơn, tiếp cận với đời sống nhiều chiều hơn, nhằm gặt hái được nhiều tác phẩm chân thực và giá trị.

Các nhà văn thăm cầu Nhật Tân

Sau 30 năm, cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT lần này trở lại với quy mô rộng lớn với mục tiêu phản ánh đầy đủ, sâu sắc và toàn diện chặng đường 70 năm phấn đấu và phát triển của ngành, đặc biệt là những nỗ lực không ngừng trong giai đoạn tiếp thu và vận dụng khoa học công nghệ tiến tiến, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, quy hoạch, quản lý, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, sản xuất, thi công, giám định, bảo dưỡng, bảo trì, khai thác công trình đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy trong mối quan hệ chặt chẽ, khoa học giữa các loại phương tiện vận chuyển, tạo động lực phát triển cho các vùng kinh tế, các địa phương về mọi mặt.

Với mục tiêu đó, Ban tổ chức cuộc vận động đã lên một kế hoạch khá toàn diện, nhằm tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ thâm nhập thực tế các công trình đã hoàn thành, đang tiếp tục thi công, các đơn vị quản lý dự án, đào tạo và sản xuất, đảm bảo an toàn… Các chuyến đi thực tế được thực hiện ngay sau buổi lễ khai mạc trại viết. Đó là công trình cầu Nhật Tân - một cây cầu dây văng lớn nhất khu vực Đông Nam Á nối trục đường vành đai hai của Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài. Đó là đường cao tốc Hà Nội-Lao Cai, đường cao tốc dài nhất Việt Nam và khu vực - trên 250 km, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông, tăng cường lưu lượng vận chuyển và đảm bảo an toàn.

Cảng Hải Phòng

Về hàng hải, tại Hải Phòng, các thành viên của trại đã tiếp cận công tác đảm bảo an toàn hàng hải phía Bắc (từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi) với nhiều loại sản phẩm tự tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý và báo hiệu, dẫn dắt tàu thuyền an toàn. Đoàn nhà văn đã đến thăm đèn biển Hòn Dấu, nơi chịu nhiều bom đạn trong chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ vẫn hiên ngang vững vàng trước đầu sóng ngọn gió, góp phần không nhỏ phá tan âm mưu phong tỏa bằng ngư lôi của hải quân Mỹ trên khu vực cảng-biển Hải Phòng. Khu vực Cảng Hải Phòng giờ đây đã phát triển tới 36 cảng lớn nhỏ, nhưng cũng đã tới giai đoạn quá tải, đang được tiếp tục mở rộng, mà dự án xây dựng cảng Lạch Huyện (trên huyện đảo Cát Hải) là một công trình cảng quốc tế nước sâu có quy mô lớn nhất Việt Nam đang được khẩn trương thi công. Tại Công ty đóng tàu Sông Cấm, các thành viên chứng kiến sự chuyển mình trong việc đóng các loại tàu trọng tải lớn, tàu lai dắt phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn với nhiều thiết bị hiện đại. Trường Đại học Hàng hải tuy còn nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, song công tác đào tạo đã từng bước vận dụng phương pháp, thiết bị tiên tiến hướng tới hội nhập quốc tế.

Các nhà văn thăm Đèn biển Hòn Dấu

Các đơn vị: Ban Quản lý dự án cầu Nhật Tân, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng cục Đường bộ Việt Nam (DRVN), Tổng Công ty Đảm bảo an toàn Hàng hải miền Bắc (VMSN), Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Ban quản lý dự án xây dựng Cảng Lạch Huyện, Cảng Hải Phòng, Cảng Chùa Vẽ, Công ty đóng tàu Sông Cấm…, đã tổ chức đón tiếp đoàn nhà văn niềm nở, chân tình và cung cấp nhiều tài liệu, nhiều sự kiện cho các nhà văn. Đây là chuyến đi thực tế rất bổ ích và thiết thực.

Nhà văn Đào Thắng ghi lưu niệm tại Phòng truyền thống của TCT Đảm bảo an toàn Hàng hải miền Bắc

Những thành viên tham gia trại viết tranh thủ tìm hiểu thực tế, khai thác các nguồn tư liệu, dữ liệu, sự kiện, nhân vật,... phục vụ cho viêc hoàn thiện tác phẩm của mình. Hy vọng sau những ngày ở trại viết này, sẽ có những tác phẩm  tốt phản ánh trung thực và sinh động những khó khăn vất vả mà ngành GTVT đã và đang phải trải qua và từng bước vươn lên hoàn thành nhiệm vụ chính trị và kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó.

 

28-11-2014

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn