Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Về cuốn sách “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” của V. N. Voloshinov

(V.N. Voloshinov, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, Ngô Tự Lập dịch từ tiếng Nga, Lokid Premium, xuất Moskva, LB Nga, 2014.)

Phương Viên - 07-03-2015 01:10:33 PM

Các tác giả Voloshinov, Medvedev, Bakhtin (trước đây thường được gọi là “Nhóm Bakhtin”) có thể coi là những vị tiền bối của chủ nghĩa Hậu hiện đại. Và trong số họ, người xứng với danh hiệu đó nhất là Voloshinov.

Trong Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, Voloshinov đưa ra hoặc dự kiến rất nhiều khái niệm và ý tưởng của chủ nghĩa Hậu hiện đại và phần lớn những khái niệm và luận điểm mà trước đây người ta gán cho Bakhtin như: nguyên lý đối thoại, diễn ngôn, liên văn bản, thể loại lời nói, tiểu thuyết phức điệu… (Dịch giả I. R. Titunik chỉ ra: trong hai cuốn sách của A. A. Leontiev - Ngôn ngữ học tâm lýNgôn ngữ, lời nói và hoạt động nói, trong đó lần đầu tiên nhắc đến “Nhóm Bakhtin” - tất cả các luận điểm quan trong nhất được coi là của Bakhtin lại được dẫn ra từ cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Voloshinov[1].

Có tình trạng trên là do trong một thời gian, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cùng với các tác phẩm quan trọng nhất của Voloshinov và Medvedev, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ bị gán vô căn cứ cho Bakhtin. Tuy nhiên, việc khảo sát tư liệu sau khi Liên Xô sụp đổ cho thấy Voloshinov và Medvedev thực sự là tác giả của các công trình mà họ ký tên.

Voloshinov sinh năm 1895, mất khi mới năm 41 tuổi, nhưng đã kịp để lại một sự nghiệp sáng chói, trong đó hai cuốn “Chủ nghĩa Freud: Một phác thảo phê phán” (1927) và “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” đã trở thành những công trình kinh điển. Trước khi mất Voloshinov là Phó giáo sư tại Viện Lịch sử So sánh Văn học và Ngôn ngữ Đông Tây, Giáo sư tại Đại học sư phạm Leningrad mang tên Gertsen, Viện văn hóa ngôn ngữ, và Trường Đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ các ngành nghệ thuật Leningrad. Từ năm 1930, ông bị lao phổi nặng và mất ngày 13 tháng Sáu năm 1936.

Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ gồm có ba phần. Mỗi phần, mỗi chương của cuốn sách đều chứa đựng những phát kiến, lý giải sâu sắc và mới mẻ.

 Phần I của cuốn sách, Tầm quan trọng của triết học ngôn ngữ đối với chủ nghĩa Marx, là nỗ lực đầu tiên vận dụng quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng để nghiên cứu ngôn ngữ, xây dựng một cơ sở của ký hiệu học.

Những kiến giải của Voloshinov về sự hiểu và về cơ chế hoạt động của ký hiệu hết sức mới mẻ và độc đáo: “…hiểu một ký hiệu có nghĩa là đối chiếu ký hiệu cần phải hiểu đó với một ký hiệu khác đã quen thuộc; nói cách khác, sự hiểu đối đáp lại ký hiệu bằng ký hiệu. Chuỗi sáng tạo tư tưởng và sự hiểu như vậy - đi từ ký hiệu đến ký hiệu và từ ký hiệu đó đến một ký hiệu mới - là một chuỗi nhất quán và liên tục: từ một mắt xích ký hiệu, cũng tức là một mắt xích vật chất, chúng ta di chuyển một cách liên tục đến một mắt xích ký hiệu khác.” Có thể thấy rằng những kiến giải này chính là ý tưởng trung tâm trong lý thuyết về văn bản của các nhà tư tưởng Hậu hiện đại như Roland Barthes, Derrida, Foucault… và nhất là Kristeva với khái niệm “liên văn bản”.

Một luận điểm quan trọng khác của Voloshinov là bản chất liên cá nhân của ký hiệu: “Ký hiệu chỉ có thể xuất hiện trên lãnh địa liên cá nhân. Luận điểm này dẫn đến một kết luận quan trọng: tư tưởng không xuất phát từ thiên nhiên hay từ ý thức cá nhân, mà có bản chất ký hiệu và được tạo ra trong quá trình giao tiếp xã hội có tổ chức. Nói cách khác, tư tưởng là các kiến tạo xã hội. Đây chính là xuất phát điểm để Derrida đưa ra khái niệm “Giải kiến tạo” (Déconstruction – mà trước đây một số tác giả dịch là “giải cấu trúc”).   

Trong các ký hiệu, theo Voloshinov, ngôn từ là ký hiệu thuần khiết nhất và có tính biểu đạt cao nhất. Voloshinov chỉ ra rằng lời nói tạo ra một thứ như là khí quyển tư tưởng bao quanh mọi ký hiệu văn hóa, khi ký hiệu ấy được tiếp nhận và được hiểu: “Không ký hiệu văn hóa nào, một khi được tiếp nhận và được hiểu, lại đứng cô lập, lại không gia nhập vào khối thống nhất của ý thức tạo nên bằng lời nói. Ý thức có khả năng tìm ra cách tiếp cận nó bằng lời nói. Do đó, xung quanh ký hiệu tư tưởng dường như hình thành những vòng sóng lan tỏa của các hồi đáp và âm vọng bằng lời. Mọi khúc xạ tư tưởng của thực tại đang hình thành, bất kể vật liệu mang nghĩa của nó là gì, đều kèm theo sự khúc xạ tư tưởng bằng ngôn từ như là hiện tượng đồng hành tất yếu”. Cái “khối thống nhất của ý thức tạo nên bằng lời nói” không phải là cái gì khác hơn là cái diễn ngôn của chủ nghĩa Hậu hiện đại sau này.

Voloshinov nhận ra rằng mỗi thời đại và nhóm xã hội có những hình thức giao tiếp tư tưởng đời sống riêng biệt, được quy định bởi các quan hệ sản xuất và hệ thống chính trị-xã hội. Thực tại được phản ánh trong ký hiệu không chỉ được phản ánh mà còn bị khúc xạ do sự giao thoa của các lợi ích xã hội khác nhau trong một tập thể ký hiệu. Hệ quả là, trong mỗi ký hiệu tư tưởng có sự giao thoa của nhiều trọng âm khác nhau. Ký hiệu trở thành vũ đài đấu tranh giai cấp”. Ở “sự giao thoa của nhiều trọng âm đánh giá khác nhau” trong mỗi ký hiệu, chúng ta thấy thấp thoáng khái niệm “interpellation” của Althusser.

Những luận giải về vai trò quyết định của quan hệ sản xuất và hệ thống chính trị - xã hội, đối với các liên hệ bằng lời nói giữa người với người và mọi hình thức và phương pháp giao tiếp lời nói của họ dẫn Voloshinov đến những những ý tưởng về loại hình lời nói. Dựa vào những nhận xét này, về sau Bakhtin viết một tiểu luận là Vấn đề thể loại lời nói. Ý tưởng về các loại hình lời nói, đến lượt nó, lại là cơ sở cho một cách nhận thức lại bản chất và vai trò của các thể loại văn học.

Trong phần II, Những hướng đi của triết học ngôn ngữ Marxist, Voloshino tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản của triết học ngôn ngữ như sự hình thành ngôn ngữ, tương tác lời nói, sự hiểu, ngữ nghĩa… và đặc biệt là vấn đề về thực tại của các hiện tượng ngôn ngữ mà theo ông là vấn đề trung tâm của khoa học về ngôn ngữ.

Tư duy về ngôn ngữ ở châu Âu, cho đến đầu thế kỷ XX, có hai xu hướng khác nhau căn bản trong việc giải quyết những nhiệm vụ chính của ngôn ngữ học. Hai xu hướng tư tưởng triết học ngôn ngữ đó được Voloshinov gọi là «chủ nghĩa chủ quan cá nhân » và «chủ nghĩa khách quan trừu tượng». Chủ nghĩa chủ quan cá nhân coi hành động sáng tạo lời nói cá nhân là cơ sở và coi tâm lý cá nhân là cội nguồn của ngôn ngữ. Xu hướng thứ hai, Chủ nghĩa khách quan trừu tượng, cho rằng trung tâm tổ chức của các hiện tượng ngôn ngữ là «hệ thống ngôn ngữ, như là một hệ thống các hình thức ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng của ngôn ngữ ». Đại diện xuất sắc nhất của chủ nghĩa khách quan trừu tượng là Ferdinand de Saussure.

Saussure quan niệm ngôn ngữ như là một hệ thống ký hiệu mang tính đồng đại. Trong hệ thống này, mỗi tín hiệu được tạo nên bởi một cái năng biểu (signifier; trong ngôn ngữ nói, đó là âm) tương ứng với một nghĩa mà ông gọi là cái sở biểu (signified). Theo Saussure, ý nghĩa hoàn toàn do sự khác nhau giữa những cái năng biểu quyết định. Mối quan hệ giữa cái năng biểu và cái sở biểu mang tính võ đoán. Một trong những điểm quan trọng nhất trong lý thuyết ngôn ngữ của Saussure là sự phân biệt giữa lời nói (parole), tức những gì chúng ta nói trên thực tế, và ngôn ngữ (langue), một hệ thống khách quan được chia sẻ như nhau bởi mọi thành viên của một cộng đồng ngôn ngữ. Theo Saussure, đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học là ngôn ngữ (tức là cái hệ thống chung đồng đại của cộng đồng), chứ không phải là lời nói.

Voloshinov phê phán cả trường phái trên và đưa ra những ý tưởng đột phá về ngôn ngữ học.

Trước hết là đối tượng nghiên cứu. Khác hẳn Saussure, Voloshinov chỉ ra rằng mọi phát ngôn đều chỉ là một điểm trong sự giao tiếp lời nói liên tục, và sự giao tiếp bằng lời nói này cũng chỉ là một điểm trong quá trình phát triển liên tục và mọi mặt của một tập thể xã hội. Vì thế, giao tiếp lời nói chỉ có thể hiểu được trong mối liên hệ với một tình huống cụ thể. «Chính ở đây, chính trong sự giao tiếp cụ thể bằng lời nói, chứ không phải trong hệ thống các hình thức ngôn ngữ, không phải trong tâm lý cá nhân của những người nói, ngôn ngữ sống và phát triển trong lịch sử ». Voloshinov kết luận: «Thực tại đích thực của ngôn ngữ - đó không phải là một hệ thống trừu tượng của các hình thức ngôn ngữ, không phải là phát ngôn độc thoại cô lập, và cũng không phải là hành động tâm lý - sinh lý của việc thực hiện nó, mà là sự kiện xã hội của sự tương tác bằng lời nói, được thực hiện bởi các phát ngôn và các phát ngôn. Như vậy, tương tác lời nói chính là thực tại cơ bản của ngôn ngữ". Như vậy, tương tác lời nói, chứ không phải hệ thống ngôn ngữ của Saussure, là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học. Những luận điểm này mở đường cho các trường phái ngôn ngữ học xã hội, ngữ dụng học, và cả ngữ pháp chức năng… sau này.

Thứ hai là vấn đề về ý nghĩa. Cả chủ nghĩa khách quan trừu tượng lẫn chủ nghĩa chủ quan cá nhân đều nhìn nhận phát ngôn từ quan điểm độc thoại, một chiều. Với chủ nghĩa chủ quan cá nhân, phát ngôn độc thoại là một hành động cá nhân. Với chủ nghĩa khách quan trừu tượng, sự khác biệt của cái năng biểu quyết định sự khác biệt của của cái sở biểu (nghĩa). Thật ra, phát ngôn luôn luôn được xác định bởi các điều kiện thực tế của việc phát ngôn, đặc biệt là bối cảnh xã hội gần nhất chứ không phải chỉ bởi các yếu tố tâm-sinh lý bên trong của người nói hay sự khác biệt của năng biểu. « Định hướng của từ tới người nghe có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Về bản chất, từ là một hành động hai mặt. Nó được xác định ở mức độ như nhau bởi cả hai yếu tố, của ai và cho ai. Với tư cách là một từ, nó đích thị là sản phẩm của mối quan hệ giữa người nói và người nghe. Mỗi từ đều biểu hiện "một người" trong quan hệ với một "người khác". Trong từ, tôi tạo ra một diện mạo của chính mình bằng lời từ quan điểm của người khác, và nói cho cùng, từ quan điểm của tập thể mà mình là thành viên ».

Vấn đề thứ ba là tính đối thoại và sự tiếp nhận chủ động.

Lý luận về tính đối thoại của ngôn ngữ thường được coi là một trong những điểm độc đáo nhất của Voloshinov nói riêng, của nhóm Bakhtin – Medvedev - Voloshinov nói chung. Theo Voloshinov, phát ngôn độc thoại chỉ là một sự trừu tượng hóa, bị cắt đứt khỏi mọi liên hệ với toàn bộ sự hình thành lịch sử cụ thể của nó, rằng « ý thức ngôn ngữ của người nói và người nghe không phải liên hệ với hệ thống trừu tượng các hình thức đồng dạng quy tắc của ngôn ngữ, mà với ngôn ngữ nói, theo nghĩa là tập hợp các ngữ cảnh có thể sử dụng của một hình thức ngôn ngữ nhất định… Tách rời ngôn ngữ và nội dung tư tưởng của nó – đó là một trong những sai lầm sâu sắc nhất của chủ nghĩa khách quan trừu tượng”.

Ở Nga, vấn đề đối thoại đã được Iakubinski nghiên cứu trong một công trình công bố năm 1923. Tuy nhiên, Voloshinov là người đưa ra những phát triển căn bản và độc đáo: Ông chỉ ra rằng đối thoại không chỉ là một hình thức giao tiếp cụ thể, mà chính là thuộc tính của mọi hoạt động giao tiếp lời nói.

Phần III của tập sách, Tiến tới một lịch sử hình thức phát ngôn trong các cấu trúc ngôn ngữ, khảo sát một vấn đề rất thú vị chưa từng ai nghĩ đến: sự truyền đạt phát ngôn của kẻ khác. Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta không ngừng phải truyền đạt lại lời ai đó, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp. Nhưng trong những bối cảnh nhất định, chúng ta có thể đưa giọng điệu của mình vào lời người khác khi truyền đạt trực tiếp, hoặc đôi khi lời người khác lại ảnh hưởng đến lời truyền đạt của chúng ta. Trong văn học, điều này thể hiện qua mối tương tác giữa lời tác giả và lời nhân vật, và nghiên cứu văn học, về bản chất, là nghiên cứu mối quan hệ ấy. Voloshinov viết: “Nhưng bản thân chủ đề của phần thứ ba - vấn đề phát ngôn của kẻ khác – cũng đã rất quan trọng, vượt xa khỏi phạm vi của cú pháp học. Bởi lẽ hàng loạt hiện tượng văn học quan trọng bậc nhất - lời nói của nhân vật (và sự xây dựng nhân vật nói chung), tự sự, phong cách hóa, giễu nhại, - chỉ là những khúc xạ khác nhau của "lời kẻ khác." Hiểu cách nói này cùng các quy luật xã hội điều chỉnh nó là điều kiện tiên quyết cho việc khảo sát thành công tất cả hiện tượng văn học mà chúng ta đã liệt kê”.

Những khảo sát của Voloshinov về sự truyền đạt phát ngôn của kẻ khác, đến lượt nó, lại dựa trên sự khảo sát sâu sắc và những ý tưởng cực kỳ mới mẻ của ông về cú pháp học.

Voloshinov có lẽ là người đầu tiên nhận ra tính đối thoại của các đoạn văn: “Nếu đào sâu hơn vào bản chất ngôn ngữ của đoạn văn, chúng ta sẽ thấy rằng các đoạn văn ấy, trong một số đặc điểm cốt yếu, tương tự như các đoạn đối thoại. Dường như đó là đối thoại được giảm nhẹ và nhập vào các phát ngôn độc thoại. Cảm giác về người nghe và người đọc cũng như những phản ứng có thể có của ông ta là cơ sở của sự phân tích lời nói thành các đoạn, mà văn bản được đánh dấu như là các đoạn văn. Cảm giác về người nghe và dự tính về các phản ứng có thể của ông ta càng yếu thì tính phân đoạn, theo nghĩa là chia thành các đoạn văn, của lời nói càng ít”.

"Lời kẻ khác", như Voloshinov phân tích, “đó là lời trong lời, phát ngôn trong phát ngôn, nhưng đồng thời, đó cũng là lời về lời, phát ngôn về phát ngôn”. Phát ngôn của kẻ khác không chỉ là chủ đề của lời nói, mà còn có thể thâm nhập vào lời nói và cấu trúc cú pháp của lời nói, trở thành một yếu tố cấu thành của nó. Những phân tích vô cùng tinh tế của Voloshinov về sự truyền đạt và tiếp nhận tích cực lời kẻ khác trong mối quan hệ với tính đối thoại dẫn đến một luận điểm cực kỳ quan trọng, đó là tác phẩm văn chương luôn luôn không chỉ đa nghĩa mà còn đa thanh, và mỗi tác phẩm văn chương đều là một vùng giao thoa lời nói, giao thoa của các diễn ngôn.

Việc khảo sát mối quan hệ giữa các lời nói (của tác giả, người kể chuyện, nhân vật) chính là điểm tựa lý thuyết để Voloshinov nghiên cứu các tác phẩm văn học, đặc biệt là tiếu thuyết phức điệu, trong đó các giọng điệu là bình đẳng, như ở Dostoievski mà ông phân tích khá kỹ trong phần thứ 3 của cuốn sách.

Những luận điểm của Voloshinov trong phần này chính là nền tảng lý thuyết cho cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoievski của Bakhtin in sau đó, khi Bakhtin đã bị đi đày vì chống chính quyền Xô Viết. (Vì thế, Alpatov và nhiều người khác cho rằng chính Voloshinov - và có thể cả Medvedev - đã đưa lý thuyết của mình vào để in sách, nhằm giảm tội cho bạn).

 


[1] I.R. Titunik, “The Formal Method and the Sociological Method (M. M. Bakhtin, P. N. Medvedev, V. N. Voloshinov) in Rusian Theory and Study of Literature”, trong V. V. Voloshinov, Marxism and the Philosophy of Language, Trans. Ladislav Matejka and I. R. Titunik, Harvard U.P., Cambridge, 1986, tr. 176.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn