Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tích đức

Kiều Bích Hậu - 22-11-2011 10:44:03 PM

VanVN.Net - Bạn tôi được thừa kế một cái nhà mặt phố, chị bán quách đi khi đang được giá, bỗng nhiên thành triệu phú đô la. Khoản lãi tiết kiệm đủ để hai mẹ con sống rủng rỉnh, đi chơi xông xênh mà vẫn dư. Thế là chị nảy ra một việc trong kế hoạch tháng: đi làm từ thiện. Chị quan niệm: làm từ thiện để tích đức cho con cháu.

Đọc báo, nghe đài thấy có người rơi vào hoàn cảnh thương tâm làm chị xúc động tâm can là chị liên hệ trực tiếp tới đó luôn, rồi thu xếp gói cứu trợ (tiền, thực phẩm, áo quần, thuốc men, sách vở…) lên đường đến tận nơi ở của người cần cứu trợ để giúp họ. Chị phải trực tiếp nhìn tận mắt, trò chuyện với đối tượng thì mới trao quà, để lần sau giúp họ những thứ thiết thực hơn, thậm chí nhận nuôi một số đứa trẻ đến tuổi trưởng thành.

Chuyện tốt đẹp cứ diễn tiến như thế, cho đến ngày đẹp trời, xảy ra việc bực mình. Tám đứa trẻ mồ côi người dân tộc mà chị nhận bảo trợ cứ gửi lời nhắn “mẹ nuôi” chuyển tiền, thực phẩm từ Hà Nội về cho chúng ngày một dày hơn. Chị phát hiện ra rằng, chúng trở nên lười biếng, chẳng biết làm việc gì, chỉ đi chơi loanh quanh, đến giờ về nhà ăn, ngủ, hết tiền, hết gạo thì nhắn “mẹ nuôi” dưới xuôi gửi lên. Chúng được chị bảo trợ, được ăn no, mặc đủ, phải cái chúng lớn nhanh, nhưng mắc một căn bệnh vô cùng nguy hiểm: “BệNH LƯờI LAO ĐộNG”, bệnh ăn sẵn, chỉ chờ người khác giúp đỡ, chu cấp cho mình. Thời gian rảnh rỗi nhiều, đứa lớn nhất là con trai thậm chí còn sinh tật rút tiền đi mua rượu uống với bạn giải sầu!

Chị tự nhận lỗi về mình. Tình thương của chị không ngờ lại làm hư chúng. Nhưng chị không bó tay, chị suy nghĩ xem có biện pháp giúp đỡ nào tốt hơn không, để chúng lớn lên khoẻ khoắn, thành những người có ích.

Nhờ tích cực động não, chị hiểu ra rằng người TíCH ĐứC là người biết phân bổ công việc cho thật nhiều người làm, để xây dựng cuộc sống cho họ chứ không phải là cứ cung ứng cái ăn cái mặc cho họ mãi mãi. Nếu làm việc thiện chỉ đơn giản cho người ta cái ăn cái mặc vô điều kiện, thì mình vô tình tạo cho người ta một cuộc sống méo mó. Giống như việc đừng cho người ta con cá, mà hãy cho người ta cái cần câu. Với 8 đứa trẻ người Mông chị nhận bảo trợ, cái chúng cần hơn là sự giáo dục, dạy dỗ đến nơi đến chốn để chúng có kiến thức, học tập, lớn lên biết tự làm việc nuôi sống bản thân và gia đình.

Chị thay đổi liền “chiến thuật” từ thiện. Chị phối hợp với một cán bộ xã vùng cao, để theo sát lũ trẻ mồ côi. Chị mua cho chúng đàn dê, để chúng chăn nuôi, sinh con đẻ cái, bán lấy tiền mua lương thực, mua sách vở và thúc giục chúng đến trường đều đặn. Lũ trẻ lúc đầu không thích đến lớp học, thậm chí lén lút thịt dê đánh chén với nhau làm chị đau đầu. Nhưng với sự kiên trì thuyết phục và sự hỗ trợ của người cán bộ xã; cuộc sống của chúng dần quy củ, ổn định. Đứa lớn nhất đã đi lấy chồng, những đứa còn lại biết bảo ban nhau làm ăn, đi học, sửa nhà, chăm đàn dê ngày một đông hơn, thậm chí chúng còn tự gây được một đàn gà…

Giờ thì chị bạn tôi vui hơn nhiều, chị tâm đắc: “Tích đức là biết tạo nhiều công việc cho người khác để họ tự lo một cuộc sống tử tế”.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn