Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Nguyễn Thi - Nhà văn cầm súng

Thanh Giang - 26-04-2011 05:42:26 PM

VanVN.Net - Nhà văn NguyễnThi, bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn (1928-1968) tên khai sinh Nguyễn Hoàng Ca. Sinh tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957)…

Trong kháng chiến chống Pháp ông tham gia quân đội làm công tác tuyên huấn, đội trưởng đội Văn công sư đoàn 330, sau đó về tạp chí Văn nghệ quân đội (1957). Từ 1962: đi chiến trường, công tác tại Cục Chính trị quân giải phóng miền Nam, thành viên sáng lập và tham gia phụ trách tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. Và hy sinh trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân (1968).

Tác phẩm chính đã xuất bản: Hương đồng nội (thơ, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, 1950); Trăng sáng (truyện ngắn, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, 1960); Đôi bạn (truyện ngắn, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, 1965); Truyện và ký Nguyễn Thi (1969); Năm tháng chưa xa (ghi chép, 1972); Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi toàn tập (4 quyển, 2700 trang, 1996) trong đó có tác tác phẩm: Những sự tích đất thép, Ước mơ của đất, Cô gái đất dừa, Sen trong đồng, ở xã Trung Nghĩa… và một số tác phẩm chưa hoàn thành, còn dở dang được rút từ di cảo.

Giải thưởng văn học: Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long giang (Nam Bộ, 1949-1950) với tập thơ Hương đồng nội. Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 với tập truyện ký Người mẹ cầm súng. Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt II năm 2000.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn cao ráo trong bộ bà ba đen bạc phếch rộng thùng thình. Hậu quả ngót năm tháng trường vượt Trường Sơn, vượt sốt rét, vượt ho xuất huyết gian nan! Khuôn mặt vuông nắng sạm, góc cạnh, tiếng cười thì tròn đầy, sâu lắng và ánh nhìn mở rộng đôi mắt nhân hậu trong sáng, nồng ấm, đầy sức truyền cảm.

Chúng tôi xuất phát từ trạm giao liên Nam – Tây Ninh, men theo biên giới xuôi xuống Long An. Đêm đầu tiên gặp đơn vị bộ đội đánh đồn, pháo Gò Dầu phản kích nổ vào đội hình “thử phổi!”. Giao liên dẫn chạy vượt làn pháo. Bóng dáng Nguyễn Thi cao lớn, sải cặp giò dài nhanh nhẹn. Chợt thấy hoạ sĩ Thu vừa dứt sốt rét Trường Sơn ốm ròm, mang cái ba lô “xưởng họa” oằn lưng, còn vác thêm cuộn giấy vẽ è ạch, anh chộp vác tiếp Thu.

Bấy giờ vào mùa khô; suốt đêm vượt “Đồng chó ngáp” nổi tiếng bát ngát đến chó chạy le lưỡi ngáp dài! Chúng tôi cố lê đôi chân sưng vù trong dép râu trên gốc tràm cháy, gốc rạ đốt đồng, bụi tro bốc mù mịt nghẹt thở! Mệt đừ vậy mà khi đến trạm, anh cặm cụi ghi chép. ít khi anh ghi chép trước đối tượng khai thác, chỉ chăm chú lắng nghe; trò chuyện với ai, thường lấy tờ giấy che miệng. Phong thái cho liên tưởng thành ngữ: “Nói là gieo, nghe là gặt”. Anh như một người thợ gặt cần cù, quan sát tinh tế, so sánh hình tượng nghệ thuật công phu. Trạm giao liên nầm trong cụm tràm thưa ngoài đồng, nhìn vào vùng dân cư khu vườn bị bom đạn xơ xác, anh ướm hỏi chúng tôi: “Trông những ngọn tre ấy nó giống như cái gì?”. Chúng tôi người đáp như cái phất trần, người nói giống như tàu dừa còn trơ cọng. Anh giải thích: “Tàu dừa trơ cọng thì đâu dễ hình dung như ngọn tre. Cái phất trần thì cán bộ chiến sĩ mình ít người trông thấy. Nên có thể so sánh: có những ngọn tre như cái đuôi con sóc; có ngọn thì giống như bộ xương cá”. Anh ngụ ý tu nghiệp: “Quan sát, so sánh luôn là thói quen của người viết văn. Để viết sâu hơn cần phải nhận xét, đánh giá chi tiết thấu đáo”. Bất cứ khung cảnh tiếp xúc nào, anh cũng liên hệ tu từ. Phương ngữ được anh phả hồn chữ vào và khéo dùng nên mọi miền đều thích. Phong cách trở thành thói quen “ghi trong đầu”, khi anh ngồi lại ghi chép, phác thảo như tác phẩm.

Chúng tôi đến trạm giao liên, thuộc Kiến Tường nằm trơ vơ vài ngôi nhà lợp đựng nhỏ nhoi giữa mênh mông đồng cỏ cùng lau lách. Giặc vừa mới càn qua đây. Bất ngờ tôi dẫm phải đạp lôi của giặc gài lại. Ra đi bốn người. Một người bị thương nằm lại!…

Đến Tỉnh đội Bến Tre gặp lại, chúng tôi ôm nhau mừng chảy nước mắt. Qua ác liệt sống chết, mới xa mà tưởng chừng lâu lắm! Để thở không khí chiến trường, trả cái giá thế đó. Nguyễn Thi kể đã dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua Quân Khu 8 khai mạc ở huyện Ba Tri, được tiếp xúc Nguyễn Văn Tư - mệnh danh ông Tổ binh ong vò vẽ. Vẻ mặt hân hoan, anh kể đã thuyết phục cậu trinh sát Tỉnh đội mạo hiểm dẫn vượt rào ấp chiến lược An Đức vào thắp nhang viếng mộ nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu, cho thỏa lòng khi đã về đến Ba Tri!

Tìm hiểu về Bến Tre đồng khởi, Nguyễn Thi với tầm nhìn chiến lược, bám khai thác sâu khu trừ mật Thành Thới đang bị dân phá banh. Một khu trù mật điển hình được Ngô Đình Diệm cùng cố vấn Mỹ trực tiếp cắt băng khánh thành. Đây là một trọng điểm – thí điểm; nơi tập trung mọi chính sách bình định tàn bạo của địch… ý đồ tư tưởng nhà văn còn tầm xa hơn, anh khai thác Bến Tre đồng khởi toàn diện, tìm hiểu tận nơi... Anh tâm sự: Quý biết bao cảm xúc hiện thực. Nếu như mình không ngủ ở một cái ấp cheo leo bên bờ sông mà tàu giặc không lúc nào vắng bóng thì làm sao có xúc cảm để mà viết. Chỉ có cảm xúc chân thật mới viết nên những dòng chân thật làm rung động lòng người...

*

Thai nghén nghiền ngẫm ý tưởng, tổng hợp chất liệu văn học từ hai vùng đất (Mỹ Tho, Bến Tre); với diễn biến hiện thực của hai khu trù mật (Long Trung, Thành Thới), nhân văn xây dựng một khu trù mật điển hình ở xã Trung Nghĩa điển hình. Tiểu thuyết dù mới ba chương chưa kịp đặt tên, song đã hé mở chủ đề tư tưởng cho chúng ta dự đoán: “Kết thúc tiểu thuyết sẽ là một cuộc đồng khởi long trời dậy đất” ở xã Trung Nghĩa; khái quát cho toàn miền Nam, kéo theo sự sụp đổ mưu đồ Bắc tiến của Mỹ - ngụy Sài Gòn; mở ra tiền đề cho cuộc chiến tranh nhân dân phát triển lên đỉnh cao, dẫn đến ngày toàn thắng!” Sau khi gửi ra Hà Nội, ba chương tiểu thuyết được VNQĐ công bố mang tên: ở xã Trung Nghĩa.

Sau những chuyến thâm nhập chiến trường, chúng tôi xếp lại bản thảo viết dở dang, tập trung viết truyện anh hùng toàn miền lần thứ nhất. Nguyễn Thi viết chuyện Nguyễn Thị út: Người mẹ cầm súng. Võ Trần Nhã viết Nguyễn Minh Tua: Lá cờ Hê-rôn. Thanh Giang viết Hồ Văn Bé: Đánh trong lòng địch. Lê Anh Xuân nhà thơ đồng hương Tân Thành Bình với anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Tư, viết truyện: Giữ đất...

Nguyễn Thi thành công truyện Anh hùng Người mẹ cầm súng, thể hiện tính cách độc đáo người phụ nữ dân dã đầy khí phách: “Còn cái lai quần cũng đánh!”. Khi tác phẩm công bố được khen, anh nói vui: “Mình biết người ta khen là khen chị út Tịch chứ không phải khen gì mình. Nhưng trong hoàn cảnh thế nầy thì hãy bằng lòng như vậy đã. Còn tôi dự định mỗi tiêu đề là một chương tiểu thuyết cho sau nầy...”. Đây cũng là một, trong nỗi khát vọng viết tiểu thuyết luôn bị dở dang! Tiếp theo, Đại hội Anh hùng lần thứ hai, anh viết về nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh Ước mơ của đất mới phần một dở dang…

Cuộc sống và sáng tác của chúng tôi lúc nào cũng tất bật. Khao khát hoàn thành ý đồ những tiểu thuyết trong không khí chiến trường luôn kêu gọi và đảm đương vô vàn sự vụ chức trách cùng sinh hoạt thời chiến... Thế nên anh từng tâm sự một câu chua chát: “Tình hình nầy ngồi viết tiểu thuyết nó chướng lắm!”.

Nghị lực hằng tu dưỡng, Nguyễn Thi vượt lên bất hạnh, bất chấp hiểm nguy, lao xuống Củ Chi, trong bối cảnh chiến trường Củ Chi đang chốt sư đoàn 25 Mỹ “Tia chớp nhiệt đới” tàn phá bình địa, đất trắng! Trải bom đạn khốc liệt, anh trở về viết thâu đêm dưới ánh đèn tù mù thiên ký sự hừng hừc sức sống: Những sự tích ở đất thép; thể hiện những dũng sĩ anh hùng Trần Thị Gừng, Phạm Văn Cội gan góc nổi tiếng.

Cuộc tập kích chiến lược vào Sài Gòn Xuân Mậu Thân - 1968, hầu hết anh em  VNQGP chúng tôi chia nhau theo các đơn vị mũi nhọn tiến vào Sài Gòn... Tháng sau, chúng tôi nhận được tin dữ từ FK.2 điện báo: “Nguyễn Thi hy sinh trên đường Minh Phụng, ngày 9-5!”. Cái bồng có bản thảo Ước mơ của đất, và tập vở học sinh bút tích cuối cùng của Nguyễn Thi, do Lê Phải gửi Lưu Quang Tuyến- Phó phòng Tuyên huấn mang về. VNQGP lúc nầy chỉ còn anh Trọng Oánh và tôi, tiếp nhận di cảo đó. Tập bút tích cuối cùng ấy gửi lên cho thủ trưởng Cục xem, khi hỏi lại thì thất lạc, thật tiếc vô cùng!

Trong nỗi đau bàng hoàng, anh Oánh và tôi soạn trong hai thùng thiếc tư liệu của Nguyễn Thi, chọn hằng chục tập ghi chép chữ lí rí cùng tất cả các bản thảo tiểu thuyết, truyện anh hùng và nhiều bản thảo dở dang khác... đóng thành hai gói to, vác nặng, đem lên gởi Cục chính trị, xin được chuyển ra VNQĐ theo hàng đặc biệt. (Đó là phần lớn nội dung cho nhà văn Ngô Thảo làm bộ Toàn tập Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi: 4 cuốn, 2.600 trang, Nxb Văn học ấn hành -1996).

Nhà văn Nguyễn Thi sống chết cùng chiến trường Sài Gòn, anh dũng trên tuyến đầu cùng chiến sĩ.

Anh lưu lại trong lòng người hình ảnh một nhà văn cầm súng, một nhân cách cao đẹp tuyệt vời cùng những tác phẩm văn học đặc sắc... anh lưu lại tên đường Nguyễn Thi ở quận 5 - Thành phố Hồ Chí Minh; cùng hài cốt nằm lại thủy chung giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, nhà văn từng gắn bó nhiều kỉ niệm thắm thiết với VNQGP-A.6 từ những ngày đầu làm tạp chí, nối dài cánh tay ân tình với VNQĐ; cùng cuộc đời anh tình duyên éo le, một lần ngang trái, hai lần chia ly, cho nên anh hết lòng chăm lo duyên tình cho đồng đội, coi là niềm vui hạnh phúc của chính mình... Cuộc tình duyên anh là thiên tình sử: biệt ly bi tráng! Nỗi ám ảnh bi kịch của đất nước bị quân thù chia cắt, cuốn hút số phận con người vào vòng xoáy tang tóc đau thương tột cùng, nhiễm vào hồn văn Nguyễn Ngọc Tấn thoát thai truyện ngắn Im lặng bi thảm, âm vang tài hoa mà lận đận với “tư tưởng giao động...” Tuy nhiên, vốn từng trải tử sinh thử thách ác liệt, thử thách chia ly, bất hạnh, anh phục hồi chính khí, giữ vững phong độ lao động sáng tạo, giọng điệu nhân ái nhân văn... Minh chứng hùng hồn sau khi trở về chiến trường xưa, anh đã cống hiến một khối lượng lớn tác phẩm xuất sắc; nhận giải thưởng văn học Hồ Chí Minh lần thứ nhất.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi định hình nhân cách: Cuộc sống có trước, sách vở có sau; tự phát trưởng thành; từ trong huyết quản phát sinh cảm xúc nghệ sĩ. Anh khái quát đời mình: Sinh Bắc - Lớn Nam. Thế nên, khi tập kết ra Bắc quê hương, anh vẫn canh cánh nỗi lòng: Đêm Nam - Ngày Bắc. Ngày cùng đồng nghiệp lao động sáng tạo và bên vợ trẻ con thơ. Đêm thì da diết nhớ thương đồng bào miền Nam còn trong vòng tay giặc thù tàn sát, trong đó có con gái đầu lòng chưa nhận mặt mà hằng chiêm bao vọng tưởng. Cho nên anh hăm hở trở về chiến trường xưa từ rất sớm... Và anh viết những câu thơ da diết từ gan ruột:

Những mối tình bằng nước mắt

Có bao giờ phai nhạt em ơl!

Hái tất cả mùa xuân trên mặt đất

Anh làm thơ yêu tặng một con người.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Công chức Nga thời nào tốt hơn

VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

Mấy ai đã đến tận cùng chiều sâu của biển

VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng ...