Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

“Sách lẳng lơ” làm sao mà chèn ép nổi “sách chính chuyên”!

Phong Lan (Thực hiện) - 11-07-2011 11:25:07 AM

VanVN.Net - Ở Hội nghị tổng kết xuất bản 6 tháng đầu năm 2011 diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh vào ngày 7-7, các nhà quản lí đã "kêu" lên những bất cập trong hoạt động xuất bản. Trước những ý kiến nhiều chiều về sách và văn hóa đọc hiện nay. VanVN.Net có cuộc trao đổi với nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà văn...

Nhà văn Trung Trung Đỉnh

PV: Thưa nhà văn Trung Trung Đỉnh, ông có dành nhiều sự quan tâm đến những hình thức đọc/ viết ngoài sách giấy không?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Cám ơn bạn! Làm nghề xuất bản nếu không quan tâm đến đọc thì thật là "bó tay chấm com". Cách đây năm bảy năm thì đọc sách in trên giấy  là quan tâm hàng đầu. Một hai năm lại đây, các nhà xuất bản không thể làm lơ trước các hình thức đọc khác. Công nghệ thông tin làm biến đổi nhiều mặt đời sống văn hóa văn nghệ rất rất nhiều, nhưng cho tới thời điểm này sách in trên giấy và văn hóa đọc… sách giấy  vẫn chưa bị người  đọc quên đâu. Nó vẫn là món ngon nhất trong các món đọc của bạn đọc sách văn học. Tôi nhắc lại, các bạn đọc sách văn học thì cần sự đọc bình tĩnh và sâu lắng hơn. Các bạn đọc đọc sách công cụ hay giải trí thì đọc các hình thức khác do công nghệ thông tin hỗ trợ rất thiết thực. Sách văn học  cũng vừa  là sách vừa là hàng hóa, nhưng nó là món hàng hóa đặc biệt, dành cho khách hàng đặc biệt.

PV: Hiện nay,  một lượng độc giả khá đông có xu hướng chọn những loại sách mang đậm yếu tố “sốc – sex – sến”, ông nhận định vấn đề này thế nào?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Đấy là cách nói của một vài nhà báo không đọc sách hay la lối om xòm gây xì-căng-đan để bán báo thôi. Hiện tượng bạn nói về sự ra đời của một số sách “3S" kiểu trên là có, nhưng nó không hề là dòng chủ đạo.Có một đôi công ty làm sách mới xuất hiện thích PR bằng cách in một sê ri sách tình yêu (của nước ngoài) - thực ra sách tình yêu thì có gì là xấu, xấu là họ thích làm bìa "nong nóng" thôi và tất nhiên đã được chúng tôi trao đổi yêu cầu chấm dứt hợp đồng nếu chỉ làm bìa sách kiểu thị trường… vì lợi ích của  quý vị mà quên lợi ích của người đọc. Nếu bạn làm được một cuộc điều tra cụ thể thì hãy kết luận là giới trẻ ham đọc "sốc-sex- sến". Tôi không tin kết luận của bạn là đúng. Thậm chí tôi thấy nhận định trên khá lệch lạc.

PV: Với cương vị Giám đốc một nhà xuất bản, ông có kế sách phục vụ cho nhu cầu của khách hàng như thế nào khi mà “sách chính chuyên” đang ngày càng bị “sách lẳng lơ” chèn ép, chiếm lĩnh thị phần?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Sách "chính chuyên" theo bạn là gì? Tạm cho là sách hay sách đẹp sách của các nhà văn chân chính sáng tác. Vậy thì tôi thấy làm gì có chuyện các thứ sách kia chèn ép nổi. Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm và nghiêm túc với chính mình đối với các loại sách thuần túy giải trí, câu khách, dù vẫn biết sách ấy cũng là một mảng sách bán được, nó không độc hại đến mức phải "mổ xẻ". Nhưng  nếu để nó ồ ạt tràn ngập thị trường  thì nó cũng gây lắm phiền toái. Các nhà xuất bản đồng tâm hiệp lực cùng nhau rà soát kỹ đề tài này. Giải pháp quan trọng nhất là chúng ta cùng nhau khuyến khích những tác giả chân chính, nhất là các cây bút trẻ. Các nhà văn trẻ là những người tiên phong. Bao giờ họ cũng khát khao được thể nghiệm, được khẳng định và được nhìn nhận đúng mức.

PV: Nhiều người  thắc mắc rằng: Các nhà xuất bản vẫn bán giấy phép cho các đại gia lắm tiền, háo danh in những tập sách (tuy không vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước) nhưng chất lượng rất thấp, điều này chẳng phải đã góp phần gây ra “thảm họa” cho văn hóa đọc hay sao?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Trước hết phải xác định "các đại gia" là ai. Theo bạn họ là những ai? Ví dụ cho tôi vài cuốn sách "Chất  lượng rất thấp" của một vài "đại gia"  làm ra thảm họa? Bạn bảo các ĐẠỊ GIA LẮM TIỀN, HÁO DANH, in những tập sách không vi phạm đường lối chính sách của Đảng và nhà nước… rồi bạn cho là họ góp phần gây ra "thảm họa" cho văn hóa đọc. Tôi nói ngay, người đọc chỉ đọc sách họ thích, đố các "ông đại gia lắm tiền" cưỡng bức được người đọc. Bạn lo hơi xa. Người ta chỉ in vài trăm cuốn làm kỷ nệm, tặng bạn bè, người thân, chớ làm sao bắt được người đọc phải đọc. Tôi nói để bạn hiểu chút xíu về công việc của các nhà xuất bản của ta: Cấp giấy phép là cả một quy trình, không phải bán giấy phép như bạn "nghĩ xấu" đâu.  Phải làm đủ các quy trình từ đọc biên tập đến đọc duyệt, trao đổi đi trao đổi lại với tác giả, thông qua cơ quan chủ quản rồi lên Cục Xuất Bản, Cục đồng ý NXB mới được ký cấp GP cho đối tác liên doanh. Nhọc lắm. không ngon ăn như bạn nghĩ đâu. Sách in bây giờ in nhiều. Sách hay ít hơn, kể cả các nhà văn tên tuổi cũng có khá nhiều sách "dở một cách sâu sắc". Tôi nghĩ ngược lại với bạn, rằng một nhà văn có nhiều tên tuổi mà in một hai cuốn sách dở có khi còn nguy hại hơn các cá nhân bạn gọi là đại gia. Nói là nguy hại là nguy hại cho chính tác giả thôi, chứ quyết  không một ông "đại gia" hay một "nhà văn tên tuổi" nào lại làm nguy hại được văn hóa đọc.

PV: Đặt mình vào vị trí người “được” tặng những cuốn sách khủng khiếp đó, ông có oán giận nhà xuất bản đã cấp phép không?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tôi nhận được khá nhiều sách mà bạn cho là “khủng khiếp” vì bạn chưa đọc đã coi thường họ rồi. Trong mỗi tập sách in ra ít nhiều đều có dấu ấn cá nhân của tác giả, mình không trân trọng thì cũng không nên dè bỉu.

PV: Cùng với sự phát triển của công nghệ, độc giả đã có nhiều lựa chọn nhiều hình thức cho nhu cầu đọc (sách điện tử, sách phát thanh…), người đọc còn có thể tương tác trực tiếp với “cuốn sách”, cho nên việc tìm mua những cuốn sách in trên giấy không còn là ưu tiên hàng đầu. Ông có lo ngại trước sự cạnh tranh này không?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Những người không biết gì về tác dụng của công nghệ thông tin thì mới hay có những lo ngại vớ vẩn. Tôi ngược lại, tôi rất khoái sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số và các hình thức phát triển khác mà công nghệ mới đem lại. Tôi nhắc lại: riêng đối với sách văn học thì người đọc sách in trên giấy có thể sẽ giảm nhưng độ TINH HOA thì dễ tăng lên.

PV: Ông đã nghĩ đến việc sẽ thành lập một bộ phận cấp phép cho những cuốn sách điện tử chưa? Và trong tương lai, NXB Hội Nhà văn có hướng tới việc xuất bản sách điện tử không?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Cái gì cũng cần có thời gian và quá trình của nó. Chúng tôi đã và đang xúc tiến một hai chương trình mà nói như bạn là "đang hướng tới".

PV: Câu hỏi cuối cùng: Ông đang đọc cuốn sách nào và thời điểm này ông đang viết gì?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Oh, dạo này đọc linh tinh. Trong túi tôi đang có cuốn "CÂU ĐỐ JRAI" do anh bạn tôi là thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm và dịch. Hay lắm. Còn viết thì…xin bạn thông cảm, bố cháu đang… gỡ bí!

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Vi Thuỳ Linh – Tôi hẳn nhiên thừa nữ tính!

VanVN.Net - Chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn với một thoả thuận nho nhỏ: sẽ chỉ nói chuyện về Linh - Đàn bà, còn nhà thơ Vi Thuỳ Linh - đừng "động" đến cô ấy! Nhưng khi vào chuyện, cuối ...

Nhà văn đọc sách  

Cảnh Trà – đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược

VanVN.Net - Bây giờ nhà thơ Cảnh Trà có lẽ không còn “xuôi ngược” được nữa, bởi tuổi cao (nhà thơ sinh năm 1937 tại làng Ngang, Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) và căn bệnh thấp khớp làm tê liệt ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…