Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Bút ký: "Xôn xao miền đất thức"

Vũ Thế Hùng - 05-06-2011 10:24:31 AM

            Năm 1980 tôi đã có dịp về Yên Hưng. Thời bấy giờ Yên Hưng còn hoang tàn và nghèo khó. Thị trấn cổ Quảng Yên lác đác mới có dăm ba nhà cao tầng, còn hầu hết là nhà hai tầng và nhà cấp bốn. Từ sáng đến chiều tại các cửa hàng gạo, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bách hoá… người người đứng xếp hàng dài dằng dặc, chen lấn xô đẩy nhau để xếp tem phiếu mua hàng. Chợ Rừng lọt thỏm giữa khu dân cư hàng quán lèo tèo, thưa thớt. Nhà máy kẽm được xây từ thời Pháp thuộc bị bom Mỹ đánh tan hoang đã nhiều năm rồi vẫn nằm ngổn ngang một đống, dường như bị thời gian lãng quên. Duy chỉ có bến Phà Chanh, bến Phà Rừng là lúc nào cũng tấp nập. Con đường đá cấp phối đi về Tổng Hà Nam nhiều năm nay đã thành ổ trâu, ổ gà xe cộ đi lại rất khó khăn. Các cánh đồng của xã Nam Hoà, Yên Hải, Cẩm la, Liên Hoà, Liên Vị…lúa sắp gặt rồi mà bông vẫn chỏng chơ vì thiếu mưa, thiếu nước ngọt. Người dân Hà Nam đâu mặn mà với nghề nông. Họ phải bám biển, bám thuyền để mưu sinh cuộc sống. Còn những ai không có nghề đi biển thì lang bạt kỳ hồ tìm công ăn việc làm nơi tứ xứ. Một thời bức tranh của Yên Hưng nhạt nhoà là thế.

            Bẵng đi gần ba chục năm, hôm nay tôi lại có dịp được về Yên Hưng cùng đoàn nhà văn Quảng Ninh đi thực tế sáng tác. Điều làm tôi ngạc nhiên đầu tiên là con đường nhựa ngoằn ngoèo, nhỏ thón lượn đi, lượn lại quanh các sườn núi nay đã được thay bằng con đường trải nhựa cô rô phan nhẵn bóng căng dài từ cây số 11 xuống tận Phà Rừng. Điều ngỡ ngàng hơn cả là dọc hai bên đường nhà nhà, hàng quán mọc lên san sát. Dốc võng giờ đây đâu còn là Dốc võng ngày xưa. Nay đã thành phố, thành phường. Bến Phà Chanh nhộn nhịp xưa kia nay đã được thay bằng cây cầu xi măng thẳng tắp với hai làn xe đi lại thêng thang. Ngay ở ngã tư Thị trấn, Nhà bảo tàng đồ sộ mọc lên – Nơi lưu giữ những hiện vật, những tư liệu về quá trình đấu tranh bất khuất, kiên cường của người dân Yên Hưng, của mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Hai cây lim Giếng Rừng trên 700 năm tuổi vẫn xoà tán xum xuê, uy nghi tự tại – Ghi dấu tích của những cánh rừng cung cấp gỗ cho quân dân Nhà Trần xây dựng trận địa cọc làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Tại khu vực chiến tích xưa, nay vẫn còn hiển hiện một bãi cọc dài 120m, rộng 30m với hàng trăm chiếc cọc lim cái to, cái nhỏ, cái ngắn, cái dài tuy không cái nào còn nguyên vẹn song vẫn là chứng nhân cho một thời oanh liệt, một chiến tích lẫy lừng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và quân dân nước Việt.

            Trong buổi tiếp đoàn nhà văn Quảng Ninh tại văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện, sau lời giới thiệu và cảm ơn của nhà văn Vũ Thảo Ngọc – Phó chủ tịch Hội nhà văn Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Sớ - Trưởng Ban tuyên giáo thay mặt cho Ban thường vụ Huyện uỷ đã sơ lược giới thiệu về mảnh đất, con người và những tiềm năng sẵn có của Yên Hưng.

            Yên Hưng là một huyện thuần nông, có diện tích tự nhiên là 312km2 nằm ở phía tây nam tỉnh Quảng Ninh. Đường giao thông đi qua huyện có quốc lộ 10, quốc lộ 18, đường sắt Kép – Bãi Cháy, đường thuỷ Hải Phòng - Hạ Long. Địa hình Yên Hưng đa dạng, có rừng, núi đất, núi đá, đồng bằng và các bãi bồi ven biển. Yên Hưng có khí hậu trong lành, thích ứng với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản. Dân số Yên Hưng có 146 000 người được phân bố trên 18 xã và một thị trấn. Cơ sở hạ tầng của Yên Hưng ngày càng được cải thiện. Với hệ thống đường giao thông rải nhựa, bê tông đến tận các xã, các thôn, các xóm. Lưới điện quốc gia và hệ thống điện thoại Vi ba số đã tới tất cả các xã. Kinh tế mũi nhọn của huyện là nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải thuỷ, nghề đan ngư cụ truyền thống…là những ngành nghề kinh tế thế mạnh của Yên Hưng.

            Nếu nhìn trên bản đồ thì Yên Hưng chỉ là một bãi bồi do phong thuỷ nhiều năm tạo thành. Nhưng thực tế ở nơi đây, qua quá trình khai quật khảo cổ xác định: Yên Hưng có tầng văn hoá Đông Sơn (đã tìm thấy ở xã Hoàng Tân nhiều chày đồng, nồi đồng…), đã có tầng văn hoá Lý, Trần, Lê ( tìm thấy ở Hoàng Tân và Tiền An nhiều đồ dùng bằng sành, bằng sứ cùng niên đại ).Theo truyền thuyết và bia ký của các dòng họ 19 vị Tiên Công lập nên “ tứ xã ” thì có 17 vị ở vùng Đồng Lâm, Đầm Sét, phường Kim Hoa, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long ( Nay thuộc phường Kim Liên – Hà Nội ). Như vậy, ngay từ thời vua Lê Thái Tông ( 1434 – 1442 ) đã có người từ kinh thành Thăng Long về đây lập nghiệp… Qua quá trình tìm kiếm và khai quật ở Yên Hưng các chuyên gia của viện khảo cổ học hiện đã tìm thấy một ngôi thành cổ xây bằng gạch nung. Cạnh thành cổ có cả Văn miếu. Bước đầu xác định vào niên đại 1820 ( tức là giữa thế kỷ XVIII - thế kỷ XIX ). Kho tàng văn hoá Yên Hưng có tất cả 200 di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng ( trong đó có 33 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 29 di tích được xếp hạng cấp tỉnh ). Ở Yên Hưng hiện có 20 chùa làng. Đa số các chùa làng ở Yên Hưng đều được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI. Chùa làng ở Yên Hưng theo dòng họ Tịnh Độ Tông. Các chùa còn lưu giữ nhiều bia đá, tượng phật, đồ thờ độc đáo tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc thời Nhà Mạc thế kỷ XVI. Các đình, chùa ở Yên Hưng đều mở hội trong tháng giêng: Lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội xuống đồng, các hội làng, hội chùa làng, lễ ra cỗ họ… trong các ngày mở hội có hát đúm, mời trầu, mời nước, mời lễ phật của hội quy chùa này với hội quy chùa khác. Trai thanh, nữ tú trong vùng đi hội lễ phật cầu may và hát đúm giao duyên.

            Từ ngày nước kênh Yên Lập ào ạt đổ vào kênh mương Yên Hưng thau chua, rửa mặn thì người dân nơi đây mới thực sự được đổi đời. Đồng đất Yên Hưng mới thực sự là đất vàng, đất bạc. Yên Hưng bây giờ là vựa lúa, vựa cá của Tỉnh Quảng Ninh với một nền kinh tế - văn hoá xã hội phát triển, với cuộc sống phồn thực, văn minh. Từ đồng đất quanh năm chua mặn nay đã ngọt hoá, màu mỡ với nhiều cánh đồng năng xuất cao như hợp tác xã Hải Yến, hợp tác xã Phong Lưu, hợp tác xã Liên Vị…Ngay từ đầu năm 2000 đã đạt 10 tấn/ha. Mấy năm gần đây do chuyển đổi giống cây trồng và áp dụng khoa học tiên tiến vào đồng ruộng, năng xuất của Yên Hưng đã vượt lên ngưỡng 15 tấn/ha. Hàng năm Yên Hưng cung cấp hàng chục ngàn tấn lương thực, hàng trăm ngàn tấn cá, tôm, thực phẩm cho các địa phương trong tỉnh.

            Đoàn chúng tôi xuống thăm xã Hà An – Xã anh hùng đầu tiên của Huyện Yên Hưng. Tiếp chúng tôi tại văn phòng uỷ ban, anh Vũ Trọng Hoan - Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã đã trao đổi với chúng tôi đôi nét về tình hình của xã. Rồi anh hướng dẫn chúng tôi xuống thăm Công ty cổ phần công nghiệp đóng tàu Sông Chanh. Trên đường đi nghe anh Hoan kể chúng tôi mới được biết thêm: Hà An là xã mới được hình thành bởi một con đê chạy dài 10 km bao quanh ôm lấy một vùng bãi sú vẹt tạo nên xã Hà An hôm nay. Nhìn con đê được tạo một lớp cỏ xanh mơn mởn đang trườn mình chắn sóng, chạy dài tít tắp mới biết công sức của người dân nơi đây đã đổ ra sông, ra biển biết bao nhiêu?

            Ngày 12 tháng 9 năm 1971 – Ngày khai sinh ra xã Hà An đã được ghi vào trang đầu cuốn “ Lịch sử Đảng bộ xã Hà An ”. Có đất, có làng, có nghề truyền thống song người dân Hà An vẫn phải vật lộn với bom đạn, với bão tố và thiên nhiên gần ba chục năm sau mới giành được hạnh phúc, ấm no cho quê hương, xứ sở. Giờ đây Hà An đã là một xã anh hùng có nền kinh tế phát triển toàn diện, đang từng ngày, từng giờ bứt phá vươn lên. Thế mạnh của Hà An là công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, thuyền. Công ty cổ phần công nghiệp đóng tàu Sông Chanh do ông Hà Văn Hiến làm giám đốc là một minh chứng cho nền công nghiệp non trẻ của Hà An. Năm 2009 Công ty đã đóng được tàu trọng tải 2000 tấn với quy mô của Công ty là 700 cán bộ công nhân viên. Năm 2010 Công ty đã đóng tàu trọng tải 3.200 tấn với quy mô của Công ty là 2000 cán bộ công nhân viên.

            Rời Công ty cổ phần công nghiệp đóng tàu Sông Chanh chúng tôi được tập thể Ban thường vụ Đảng uỷ xã Hà An đón tiếp. Từ những câu chuyện thân tình, gần gũi đã tạo nên một không khí hoà đồng giữa chủ và khách, giữa những nhà văn chỉ quen cầm bút với những cán bộ trẻ năng động, xông xáo, ngày đêm lăn lộn trên những cánh đồng, trên những đầm nước, ruộng khoai… Đúng là lớp cán bộ trẻ ngày nay họ thông minh, nhanh nhạy trong sử lý, quyết đoán trong công việc, khiêm tốn và thận trọng trong giao tiếp, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

            Tạm biệt Yên Hưng, tạm xa mảnh đất còn bao điều tôi muốn biết, muốn tìm. Mỗi làng, xã tôi đã đến, mỗi người dân tôi đã gặp - Ở nơi đâu tôi cũng thấy gần gũi, thân quen. Chắc rằng không chỉ hôm nay, mà mãi mãi sau này tôi không thể nào quên được những cử chỉ mến khách, những tấm lòng hào hiệp sâu nặng nghĩa tình ở đồng đất Yên Hưng. Xe đã chạy xa rồi mà trong tôi vẫn còn văng vẳng lời của đồng chí bí thư Huyện uỷ lúc chia tay: “ …Đất Yên Hưng không rộng, người Yên Hưng không đông, nhưng Yên Hưng lại có một bề dầy lịch sử, có một truyền thống văn hoá làng -  xã vô cùng quý báu, có những thế hệ người dân cần cù, chịu khó, dũng cảm, kiên cường thì không có việc gì là không làm được. Để có một Yên Hưng giàu và mạnh chúng tôi cần phải đánh thức mọi tiềm năng. Chắc chắn một ngày không xa chúng tôi sẽ đạt được ý nguyện ấy! ”./.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...