Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Mặt trời ở Cánh Đồng Chim" của Trần Thùy Mai

Trần Thùy Mai - 09-06-2011 10:12:23 AM

VanVn.Net - Năm ấy Ông 55 tuổi, đã đến Pháp nhiều lần, nhưng lần này đến Paris với một tư cách khác: một họa sĩ có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên. Một họa sĩ da vàng, đến từ Alger, có lối vẽ tinh tế với những luồng ánh sáng ửng màu xanh lam. Nữ họa sĩ Pháp Suzanne Meyer-Zundel, người tổ chứ cuộc triển lãm, đã nói với công chúng trong buổi lễ ra mắt: Màu lam đó là màu xanh lam Huế. Nơi quê hương của họa sĩ, nó được xem là màu của thời gian và của chiều sâu tâm linh...

Nhà văn Trần Thùy Mai

Nhà thơ Pierre Louys, đi dọc theo hành lang, len qua những người đến dự. “Chào ông bạn, nhớ tôi không?” Họa sĩ lặng im một chút - Cái dáng khòng khèo này, cái mái tóc hung đỏ này, quen lắm. “Hoàng thượng còn nhớ tôi không?” Ông sực nhớ ra. Hai mươi sáu năm trước, chính người này đã giới thiệu Judith với Ông trong buổi ăn tối tại Cánh Đồng Chim. “Pierre!” Nhà thơ cười, nụ cười méo mó vui vẻ: “Tôi đây. Suzanne viết thư và gửi thiệp mời, bảo tôi nhất định phải chống gậy đến. Tôi bị phong thấp nhiều năm rồi.” Ông nắm chặt bàn tay Pierre. Hai mươi sáu năm quả là một thời gian dài, nó biến đổi con người nhanh đến thế. Ông nghĩ đến khuôn mặt mình, chắc cũng đã già đi rất nhiều rồi. “Thấy ông, tôi bỗng nhớ Judith quá!” Pierre nói, rung rung bàn tay đang nắm tay ông. Ông im lặng. Phần tôi, tôi lúc nào cũng nhớ Judith. Đó là điều Ông đang nghĩ, mà không thể nói ra.

Từ Paris đến Saint Enogat mất khoảng một ngày đường đi xe ngựa. Bỏ lại cuộc triển lãm sau lưng, Ông cùng với Suzanne Meyer – Zundel đi Bretagne, về thăm lại Cánh Đồng Chim. Từ nhiều năm nay Suzanne sống ở đó, tòa biệt thự vẫn luôn có hai phòng ngủ, phòng của cô song song với phòng của Judith. Hai cô gái là đôi bạn chí thân, từ thuở quen thân với Judith Ông vẫn xem Suzanne như cô em bé bỏng (Khi ấy Suzanne mới có 18 tuổi, thân hình mập mạp, có khuôn mặt tròn trĩnh ửng hồng, giống như một con búp bê. Judith lớn hơn vài ba tuổi, trông đằm thắm hơn với cái cằm thanh tú và đôi mắt màu nước biển…) Trên chuyến xe đường dài, Suzanne, giờ đây đã ngoài bốn mươi, lục lại quá khứ: “Tử Xuân, chị Judith có phải là người phụ nữ đầu tiên trong đời anh không? Nghe chị ấy bảo là khi bị đày đến Alger, anh không chịu ăn đồ Pháp, không nói tiếng Pháp, không chơi với người Pháp, đàn ông cũng như đàn bà?”

Người đàn ông trầm mặc, nãy giờ vẫn đăm đăm nhìn những cành cây trơ trụi hai bên đường - bấy giờ là tháng 11, lá đỏ lá vàng đã rụng hết, chuẩn bị đón những đợt tuyết mùa đông. Mắt ông hơi gợn một thoáng mây mù khi nghe Suzanne gọi mình bằng cái tên hiệu Tử Xuân. “Không, không hẳn thế, nhưng chắc chắn khi gặp Judith tôi đã thay đổi rất nhiều. Judith đã làm cho tôi sống lại.”

Ông nhớ lại thời niên thiếu. Mười ba tuổi lên ngôi, mười bốn tuổi, đang ngủ thì được người ta vực lên kiệu, đưa ra khỏi hoàng thành. Từ đó là đoạn đời bôn ba trong rừng, trở thành linh hồn của một cuộc kháng chiến tuyệt vọng. Mười tám tuổi bị phản bội, bị bắt, rồi đi đày. Trước lúc ra đi, người Pháp hỏi ông có muốn gặp mẹ không? Ông trả lời: “Thân đã tù, nước đã mất, còn nghĩ gì đến anh em cha mẹ?” Không gặp mẹ, vì gặp mẹ thì nỗi đau sẽ còn lớn đến không chịu nổi. Nhưng không gặp mẹ cũng là nỗi ân hận cả đời, vì chỉ sau khi tàu đến Alger một tuần, quan Toàn quyền Algerie đến thăm báo tin mẹ Ông đã qua đời ở Huế… Đó là những ngày tháng khó vượt qua nhất trong đời Ông.

“Lúc ấy tôi cảm thấy mình bị đẩy vào một thế giới xa lạ, một thế giới của kẻ thù. Tôi không muốn nói, không muốn ăn, chỉ muốn chết. Khi cô Blanche đến bên tôi, tôi ghê sợ, không muốn nhìn, mặc dù bây giờ nhớ lại, tôi vẫn nhận thấy cô ấy rất đẹp.”

Blanche đẹp lộng lẫy, tóc dợn sóng óng ả, ngực nở căng tròn, eo nhỏ như eo con ong. Từ trên bến Cảng, cô đã nhìn thấy ông hoàng An Nam trên boong con tàu đang tiến dần sát bờ. Một thiếu niên có vóc dáng mảnh mai và khuôn mặt ủ ê buồn. Cô chạy lại trước mặt vị vua mất ngôi, tay chìa ra một chùm anh đào đỏ. Môi cô ta cũng mọng như trái anh đào… Nhưng nhà vua không thấy gì cả, ông chỉ thấy một người tóc vàng, da trắng. Một người trong dân tộc thù địch. Đáp lại sự vồn vã của cô gái, Ông chỉ dửng dưng, lạnh lẽo. Từ lúc đến Alger, Ông lặng lẽ, như sau này Blanche nhớ lại, “Ông lặng lẽ như một con cá chép.” Những đêm đầu ở Alger mới kinh khủng làm sao. Trong tòa biệt thự lặng lẽ, thực chất là một nhà tù, Ông cảm thấy như mình đã lìa đời và đang đầu thai một kiếp khác. Ông thiếp đi, mơ thấy mình đang ở trong chiến khu Tân Sở, thấy người bề tôi của mình, Tôn Thất Thiệp, mỗi đêm đều nằm canh chừng ngay bên cạnh giường ông. Khi những bước chân khả nghi vang lên ngoài cánh cửa, Thiệp xông ra rồi ngã gục trên lưỡi kiếm của tên phản bội… Ông thấy máu Thiệp chảy ào ướt đẫm thân mình, trong giấc mơ Ông bật kêu đau đớn, hoảng loạn thức dậy giữa đêm trơ trọi. Nghe tiếng Ông, Blanche chạy đến cùng mấy người hầu gái. Cô cầm hai bàn tay Ông đẫm mồ hôi. Ông không hiểu cô nói gì, nhưng giọng nói và nét mặt âu lo thì ông có thể cảm nhận được. Có lẽ cô muốn nói: “Ngài đừng sợ, ở đây Ngài không cô đơn.”

Nhưng Ông kinh sợ gương mặt của cô, Ông thấy máu của Thiệp văng tung tóe trên gương mặt ấy. “Đi đi.” – Một câu mê sảng vang lên trên môi ông, câu mà ông đã nói vào cái đêm bị bắt: “Các người giết ta đi còn hơn đem nộp ta cho Tây.”

Blanche không hiểu Ông nói gì, chỉ biết Ông phẫn nộ và từ khước cô. Cô òa ra khóc. Những người hầu dỗ dành và kéo cô về phòng...

Đại tá Huguenot, Tư lệnh quân đội Alger rất bất bình việc tù nhân vương giả đối xử lãnh đạm không một chút lễ độ với con gái yêu của mình. “Blanche, bố không muốn con mất thời gian với ông vua da vàng ấy đâu. Việc của con là học và giao du để kiếm một tấm chồng cho tốt ở Alger này.” Blanche lắc đầu, một đêm trôi qua cô đã hết buồn. Cô nũng nịu với đôi mắt còn sưng húp: “ Cha ơi, con thấy ông hoàng bị lưu đày đó thật đáng quý. Cha vẫn dạy con phải yêu nước Pháp cơ mà? Vậy ông ấy cũng yêu đất nước của ông ấy, có gì sai?” Đại tá Huguenot nhún vai, chế nhạo con: “Con quả là có trái tim vàng! Con làm gì thì làm, nhưng nhớ là bố chỉ cho con thêm một mùa hè ở Alger thôi!”

“Cô ấy chăm sóc tôi với tinh thần của một tín đồ Kitô giáo, đúng như lời Chúa dạy trong Kinh Thánh: “Ai tát ngươi má bên phải, hãy chìa má bên trái.” Tôi càng xa lánh, hằn thù với cô thì cô càng lặng lẽ, tận tụy với tôi. Rốt cuộc tôi mặc kệ cô làm gì thì làm. Cô ấy thấy vậy thì vui sướng vô cùng. Ngày nào cô cũng đến biệt thự Rừng Thông thăm tôi, cắm hoa và đàn cho tôi nghe…”

“Và anh đã học đàn từ đó?” Suzanne vừa hỏi vừa cúi xuống dựng lại cái ống đựng bức tranh mà Ông đem theo. Ống tranh đang ngã xuống sàn xe vì những chấn động dằn xóc trên đường. Ông trầm ngâm: “Tôi nhớ, trong những ngày tháng ấy chỉ có âm nhạc là làm tâm trí tôi dịu lại.”

Khi đó Blanche dạo bản Nocturne Opus 32 của Chopin. Dưới ánh trăng trong vườn, tiếng đàn gợi lên một nỗi nhớ thương tha thiết làm ông hoàng trẻ rơi nước mắt. Ông bước ra, lặng nhìn. Blanche quay lại: cô nhìn thấy đôi mắt chàng thanh niên, và cảm thấy hình như một cánh cửa vừa vụt mở ra trước mặt mình.

Hoàng thân, hoàng thân có thích bản nhạc này không?

Lúc bấy giờ Ông đã bắt đầu dùng được tiếng Pháp. Ông gật đầu.

Vậy hoàng thân có muốn em tập cho người đàn không?

Ông hoàng trẻ lại gật đầu. Blanche vui sướng quá, cô không cầm được, ôm lấy Ông mà hôn. Cái hôn đầu tiên mà chàng trai Việt Nam biết được trong đời. Nó dịu dàng, ấm áp và thơm như hoa cam. Sau đó, nhiều lần Ông đã tự giày vò mình. Ông đã tâm niệm mình phảiluôn phản kháng lại cái thế giới mới lạ đang muốn nuốt lấy Ông. Vậy mà Ông lại không cưỡng được sự quyến rũ của nó.

“Nhờ Blanche tôi đã dần dần nói được tiếng Pháp, rồi học nhạc, học vẽ để khuây khỏa. Vậy mà tôi không sao chịu được cô ấy.” Ông nhớ lại khi ấy mình chưa đầy hai mươi tuổi, vừa mất đất nước, lại mới vừa mất mẹ. Ông căm ghét nước Pháp, muốn mãi mãi chống lại nó. Ông cảm thấy hổ nhục vì bị cô gái người Pháp này cuốn hút. Ông cố chống cự lại sự cám dỗ của trái tim non trẻ. Một ngày cuối mùa hè khi Đại tá Huguenot giục con chuẩn bị về Pháp để vào học ở Lycée Maintenon, cô gái chạy đến biệt thự Ngàn Thông với đôi mắt xanh ướt đẫm. Cô muốn ông hoàng trẻ nói một lời để cô có đủ can đảm chống lại lệnh cha và ở lại Alger. Nhưng Ông đã không nói. Blanche ra đi, từ đó Ông không bao giờ được tin tức gì của nàng nữa. Nàng chắc đã đau đớn, thất vọng, nhưng đã tha thứ cho ông. Người ta chỉ quên đi được hoàn toàn một nỗi đau khi đã thực lòng tha thứ. Nàng cũng biết, thỉnh thoảng ông vẫn có những giấc mơ, trong đó máu của Thiệp hòa lẫn với những nụ cười của nàng.

Câu chuyện về Blanche dừng lại khi chiếc xe ngựa tiến dần vào sân tòa nhà hai tầng sơn trắng. Trong gió chiều có hơi ẩm ướt của biển. Cánh Đồng Chim… Đây là vùng Saint Enogat, nếu chịu khó đi thêm hai mươi phút nữa họ sẽ đến bãi biển Dinard. Hai mươi sáu năm trước, Ông đến đây lần đầu theo lời mời của Pierre Louys, với sự đồng ý của chính phủ Pháp. Ngày ấy bãi biển này còn hoang sơ lắm. “Bây giờ thì khác rồi – Suzanne nói - Mỗi mùa hè du khách về đây rất nhiều, người ta rất thích những giai thoại về các văn nhân nghệ sĩ đã từng qua đây.” Ông mỉm cười: Judith Gautier của Ông hẳn cũng đã trở thành một phần sự bí ẩn quyến rũ của vùng biển Dinard. “Anh có biết vì sao chị ấy lại đặt tên tòa nhà này là Cánh Đồng Chim không? Chẳng có cánh đồng nào quanh đây cả.” Suzanne hỏi. Sao lại không, ông vẫn nhớ buổi sáng ấy tiếng chim ríu rít vang lên trên mái cao. Đây là bờ biển, cát trải dài chung quanh, không có cây xanh cho chim đậu nhưng dưới những khoảng hiên rộng và yên ắng của tòa nhà này chim Pie vẫn thường về làm tổ trên những kèo nhà, dưới mái ngói mát mẻ. Cả tòa nhà đã thành một ốc đảo chim.

Judith mặc áo màu xanh lam có nơ trắng trên ngực, tóc cuốn cao cài một chiếc lược giắt hạt trai đen. Cô đã chờ rất lâu để được gặp “Ông hoàng An Nam”. “Chờ tôi?” “Vâng, thưa Hoàng Thượng, ông Louys đã nói với tôi về vị Hoàng đế An Nam ở Algérie. Từ đó tôi luôn nghĩ về ngài như một huyền thoại.”

Ông ngạc nhiên khi biết nhà văn nữ trẻ tuổi đang dịch thơ Đường, và cô mong được ông giải thích giúp cho những chỗ mà chỉ một người phương Đông mới hiểu. Cô cũng khoe với ông một truyện ngắn mà cô lấy cảm hứng từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Khi lên tám tuổi một hôm cô nhìn thấy bức tranh nhỏ rất kỳ lạ trong phòng của mẹ. “Bức tranh vẽ một chàng trai trèo lên cây dừa hái trái, phía dưới là hai thiếu nữ xòe váy hứng. Bức tranh có nét vẽ ngây thơ hồn nhiên làm tôi tưởng tượng ra một xứ sở ngộ nghĩnh hiền hòa, càng thú vị hơn khi cha tôi bảo màu nâu trong bức tranh làm từ đất, màu vàng là nước ép hoa quỳ, màu xanh là từ đọt lúa non của chính vùng đất ấy…” Nhà văn Gautier, cha của cô có quen một nhà truyền giáo người Pháp đã từng sang Việt Nam, ông này tặng ông một bức tranh Đông Hồ. Từ sự tò mò về một xứ sở phương Đông, lớn lên Judith đã tìm đọc nhiều sách, một thế giới u ẩn trải ra trước mắt cô và trở thành nguồn cảm hứng vô tận. Cựu hoàng đế Hàm Nghi không bao giờ ngờ mình gặp một người con gái Pháp cầm bút lông viết chữ Nho trước mặt mình.

Năm ấy Ông ba mươi tuổi, hơn Judith chừng bốn năm tuổi, Suzanne thì vào trạc hai mươi. Ông là khách của hai cô gái. Hơn mười năm ở Algerie, Ông vẫn sống rất khép kín, thầm lặng, hầu như không giao tiếp với ai, đặc biệt là với phụ nữ da trắng. Judith là ngoại lệ, cô hầu như thuộc về thế giới của riêng ông, một thế giới vẫn sống động trong lòng ông qua nhiều năm quay mặt vào bên trong để sống. Có những buổi chiều khi Suzanne mải mê làm một món cá nướng đặc biệt của vùng Bretagne thì Judith dẫn ông đi dạo quanh Cánh Đồng Chim, nài nỉ Ông kể cho cô nghe về thời niên thiếu trong rừng Tân Sở. Ông đồng ý, với lời dặn dò: “Nhưng cô phải hứa không được đưa cuộc đời tôi vào truyện ngắn.”Judith hứa, và như những tín đồ Kitô, cô luôn giữ lời hứa của mình. Cô không viết thành truyện, nhưng đã viết vào thơ, rất nhiều thơ về một vị hoàng đế trẻ tuổi có số phận bi kịch. Ông đã quên không dặn gì cô về thơ….

Đang mùa hè, nhưng ở Saint Enogat, khí hậu mát mẻ như mùa xuân. Trong lòng Ông cũng có mùa xuân đang đến, làm tan hết những băng giá đã đông cứng từ lâu rồi. Trên những bức thư pháp thơ Đường để lại Cánh Đồng Chim, Ông đều ký bút hiệu mới là Tử Xuân. “Ông cũng tìm cho em một biệt hiệu mới đi!” Judith bảo. “Để xem,” Ông ngẫm nghĩ. “Từ nay tôi gọi em là Maya.”

Khi nàng hỏi Maya nghĩa là gì, Ông đã không nói. Ông đã âm thầm nghĩ đến hoàng hậu Maya, người sinh ra Phật. “Judith đã khai phục lại cuộc sống trong tôi.” Ông bảo. Suzanne nghe, lặng yên. Cô cảm thấy dĩ vãng hiện về trong từng tiếng nói trầm ấm của Ông.

Chiếc xe tứ mã đã tiến dần vào khuôn viên Cánh Đồng Chim. Ánh trăng mùa đông đang dẫn đường cho họ trong một đêm khô lạnh và trong vắt. Họ xuống xe, Suzanne xách va li còn Ông không rời tay ôm ống tranh. “Anh sẽ nghỉ trong phòng của Judith.” Suzanne nói. Hai mươi sáu năm trước cũng thế, Judith đã nhường phòng mình cho Ông. Tất cả chăn màn, và khăn phủ bàn đã được thay cho phù hợp với nam giới hơn, nhưng mỗi lần đặt lưng xuống chiếc giường êm ái của nữ chủ nhân, Ông vẫn cảm tưởng như có hơi ấm của nàng trong từng vật dụng nhỏ nhất của căn phòng. Hôm ấy cũng có trăng khi gần về sáng. Ông thức giấc, không ngủ được, bước ra hiên rồi đi dạo thơ thẩn đến khi trăng lặn. Rồi Ông thấy Judith trên bao lan, cô cũng dậy rất sớm, đang ngồi trước khung giấy bản mở rộng. “Tử Xuân, màu giấy trắng thật đẹp, em muốn viết một điều gì đó thật đẹp.”

Ông ngồi xuống sau lưng Judith, vòng tay cầm lấy bàn tay nàng, viết lên trang giấy mấy chữ theo lối thảo:

“Ngã Ma Y Gia” (Maya của tôi)

Vừa lúc đó Ông thấy đốm lửa tròn rực rỡ đang mọc lên từ chân trời. Vẫn cầm tay Judith, Ông viết tiếp:

“Nhật lai thiên” (Mặt trời đã đến với bầu trời.)

Giống như em đã đến trong cuộc đời tôi. Judith biết ông hoàng trẻ muốn nói như vậy, với cách nói tế nhị mà dịu dàng nhất của người phương Đông. Cô mãi mãi treo bức chữ ấy trong phòng mình. Và còn hơn thế nữa…

Ba năm sau…

Ông lấy vợ ở Algerie. Cô dâu là Marcelle Leloe, con gái quan chánh án tòa Thượng Thẩm Alger. Đám cưới không làm những người quen ở Alger ngạc nhiên, vì từ khi ở Pháp về, Ông đổi khác rất nhiều… Trước đó, trong mười năm trời, Ông vẫn không tài nào làm quen với ý nghĩ mình sẽ cưới một cô gái da trắng. “Cuộc đời tôi bị buộc với Algérie cũng như Judith phải gắn chặt với nước Pháp. Vì vậy…” Ông nói như nói với mình, một câu nói mà có lẽ Suzanne đã nghe nhiều lần nên cô chẳng cần trả lời. Cô nhìn vào khuôn mặt người đàn ông mà từ lâu cô đã xem như người anh ruột thịt. Dĩ vãng u uẩn làm cho ánh mắt của ông có một sức hút rực rỡ. Đêm hôm qua, ngủ lại trong phòng của Judith, ông có thấy chị ấy hiện về không?

Trong khuôn viên tòa nhà Cánh Đồng Chim, ngôi mộ đá của Judith nằm lặng lẽ. Năm 1917, khi cô mất, người bạn Tử Xuân từ bên kia biển muốn đến đưa tiễn. Nhưng lúc ấy đang thế chiến thứ nhất, nhà cầm quyền Pháp đề phòng cẩn thận, không cho phép người tù vương giả được ra khỏi chỗ lưu đày. Hai người bạn tri âm không thể sống gần nhau thì khi chết cũng không dễ gặp nhau… Suzanne ngồi xuống giữa những bông hoa Iris màu tím mọc chen quanh nấm mộ. Cô gạt lớp sương mỏng li ti trên đá, để lộ mấy dòng chữ Hán khắc dưới cái tên Judith Gautier:

“ Maya của tôi, mặt trời đến với bầu trời.”

Suzanne nắm tay Ông:

“Em đã làm theo ý muốn của Judith, khi sắp mất.”

Cựu hoàng Việt Nam đứng yên lặng rất lâu.

Đang giữa mùa đông, nhìn lên chỉ thấy mây dày che phủ. Nhưng Ông biết trên cao kia mặt trời vẫn đang tồn tại, luôn ấm áp và rực sáng như hình ảnh Maya trong trái tim Ông.

                                                                                                                          (Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...