Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: "Có ai từ Nam sang" của Trương Thị Thanh Hiền

28-06-2011 10:30:07 AM

VanVN.Net - Lên năm, người ta đã phát hiện Hiền mang bệnh tim bẩm sinh; bác sĩ nói: “Cơ hội sống ít, đừng nghĩ đến tương lai quá dài.” Nhưng Hiền học giỏi, tốt nghiệp đại học Dược, về dạy ở Trường Trung học Y tế tỉnh An Giang và lại còn viết văn. Viết nhiều, truyện ngắn và tiểu thuyết, nhận nhiều Giải thưởng văn học ở tỉnh này.

Cách đây mấy năm, một căn bệnh quái ác lại phát sinh trong cơ thể vốn ốm yếu của Hiền: Trong não có khối u mạch, nằm rất sâu, mọi can thiệp phẫu thuật đều rất nguy hiểm. Một thầy thuốc bảo, có thể phẫu thuật hở van tim bẩm sinh, nhưng trước hết phải mổ cắt u não. Lưỡi hái tử thần cứ treo lơ lửng, nhưng Hiền cứ viết và cứ nói với tôi về văn chương hơn là nói về bệnh tật. Tôi vẫn thường gặp Hiền, uống cà phê, ăn kem; vừa thương, vừa giận cho số phận, nhưng không thể nói lên lời. Tôi giới thiệu chùm truyện ngắn của Hiền, muốn cùng Hiền chia sẻ với bạn đọc, bạn viết… (Nguyễn Lập Em)

CÓ AI TỪ NAM SANG

Trần Thái y quỳ dưới điện, người run rẩy tái mét. Bên cạnh là Trần Việt Nhân, con trai của ngài. Sau lưng là các quan thái y đang phủ phục, tái mét và run rẩy không kém. Trên điện, vua Minh vừa đau đớn vừa tức giận:

- Tất cả các khanh là một lũ vô dụng. Thử hỏi, bao nhiêu ân sủng Trẫm đã dành cho các khanh mà rốt cùng tất cả đều bó tay để Vương phi ra đi hay sao, để hoàng tử mất mẹ, để Trẫm phải cô đơn trên cõi đời sao.

Nói đến hai chữ cô đơn, bất giác vua lại xúc động run rẩy, ông phẩy tay cho tất cả lui ra rồi lật bật đi vào trong với vương phi.

Ông là vua, có cả tam cung lục viện, lại nói là sẽ cô đơn khi Tống vương phi ra đi. Điều đó có vẻ như vô lý, nhưng thật ra chỉ có riêng ông hiểu không vô lý tí nào. Không phải chỉ vì Tống vương phi  đẹp, sắc đẹp nào rồi cũng sẽ phôi phai, chẳng phải hậu cung của ông toàn người đẹp đó sao, mà nàng lại là người có tài, cầm kỳ thi hoạ đều giỏi. Thử  hỏi các phi khác kể cả Hoàng hậu có ai có thể cùng ngắm trăng, cùng ông làm thơ liên cú, ai có thể đàn giỏi múa hay như nàng, ai có thể ngâm những vần thơ của vị Tiên tửu Lý Bạch bằng giọng ngâm trong vắt và mượt mà. Huống chi nàng mới sinh cho ông một vị hoàng tử. Niềm vui chưa trọn vẹn thì nàng lâm bệnh nặng, các quan thái y đều bó tay và nói rằng  nàng chỉ còn cầm cự được vài ngày.

Đó là những điều Trần thái y nói. Ông là quan ngự y đứng đầu Thái y viện nên mọi người gọi ông là Trần thái y. Ông đang cùng con trai ủ rủ về Y phòng trong Thái y viện. Trần Việt Nhân là một chàng trai hết sức đam mê y thuật như cha. Trần thái y đã đặt kỳ vọng  lớn vào chàng nên khi mới sinh chàng ra đã đặt tên chàng là Trần Việt Nhân, theo tên của Tần Việt Nhân là một danh y thời Chiến quốc (1). Chàng cũng không phụ lòng mong mỏi của cha, mới hơn hai mươi tuổi đã nổi danh trong thiên hạ và cũng đã được vua vời  vào làm cùng cha chàng trong Thái y viện. Chàng lặng lẽ nhìn cha đi tới đi lui và thở dài thậm thượt trong  y phòng. Trần Việt Nhân lẳng lặng đi ra ngoài, nhưng cha chàng đã gọi giật lại:

- Con đi đâu?

- Con...- Chàng lúng túng

- Lại đến tìm cái gã man di nước Đại Việt đấy nữa à? – Ông nhìn xoáy vào mắt chàng. Chàng cúi đầu im lặng không đáp. Mỗi khi có vấn đề nào nan giải, dù chỉ là những bất ổn trong lòng, không hiểu sao có một niềm thôi thúc mãnh liệt nào đó khiến chàng cứ đến chỗ “gã man di Đại Việt” như cha chàng nói. Dù ông nhà sư phương Nam đó không làm gì cả, cũng không tài giỏi như thiên hạ đồn đại, nhưng chàng cảm thấy dễ chịu khi nhìn thấy vẻ thư thái của ông, nghe ông nói vài câu mà câu nào chàng cũng cảm thấy có những ẩn ý sâu xa. Trần Thái y nói:

- Ta không cấm con đến đó. Con muốn giao du với ai là chuyện của riêng con. Nhưng ta không cảm thấy có ích lợi gì với gã nhà sư đó. Huống chi nhà vua cũng đã có chiếu chỉ cho hắn ta về nước. Con xem, ngày trước theo lời đồn đại phương Nam có một vị thần y có thể chữa bách bệnh bằng cây cỏ phương Nam, vượt qua cả những phương thuốc phương Bắc, lại còn ngăn chặn cả một đại dịch như có phép thần thông. Nhà vua đã bằng mọi cách để vua Đại Việt tiến cống hắn về đây. Thế mà hắn có tỏ ra là một vị thần y gì. Y lý đối đáp ngô nghê, còn thua cả những thầy thuốc mới vào nghề, thậm chí khi bị cảm mạo hắn cũng không tự mình chữa khỏi, phải nhờ đến con chữa mới khỏi, con quên rồi sao? Bây giờ sinh mệnh của Vương phi như ngàn cân treo sợi tóc, con không ở đây với cha tìm cách cứu chữa, lại đi đến đó làm gì.

- Con đi đến đó một chút rồi con về. Lúc này đầu óc con mụ mẫm quá, cha  cho con đi một chút cho thư giãn.

- Cũng được. Nhưng con nhớ về sớm đó.

Nhờ ánh trăng dẫn đường, Trần Việt Nhân đã đến chỗ ở của nhà sư Tuệ Tĩnh. Ông cũng không ngủ như hai cha con chàng, nhưng với lý do khác, ngày mai ông được trở về Đại Việt. Đồ đạc ông đã chuẩn bị xong, không có gì nhiều, chỉ là vài ba bộ đồ và những quyển kinh sách. Ông ngẩn lên khi Trần Việt Nhân bước vào. Chàng ngồi phịch xuống chiếc giường của ông, vẻ mệt mỏi chán nản. Từ khi ông sang đây, chàng là người hay tới lui với ông, có tình cảm đặc biệt với ông, và ông cũng vậy, có tình cảm đặc biệt với chàng. Cái tên Việt Nhân gợi ông nhớ về quê hương của ông, phong thái đỉnh đạc ngời sáng của chàng làm ông nhớ đến những học trò của mình.

Như mọi khi, ông mang cho chàng một chén trà nóng. Như mọi khi, chàng đón nhận chén trà nghi ngút khói và đón cả  vẻ an nhàn tĩnh tại của ông. Nhưng cũng như mọi khi, trong lòng chàng vấn vương một câu hỏi lớn, rằng vẻ an nhàn kia là có thật không, sự bất tài biếng nhác của ông là có thật không? Từ khi ông cùng mười chín nhà sư khác bị vua Đại Việt  tiến cống sang đây, ông luôn làm cho vua Minh thất vọng. Vua Minh mong chờ gì ở cuộc tiến cống này? Đó là vị thần y Tuệ Tĩnh vang danh cả Đại Việt. Nhà vua muốn có vị thần y đó cho riêng mình, muốn trường sinh bất tử không phải là chuyện hão huyền. Nhưng thần y Tuệ Tĩnh thật ra chỉ là một “gã man di Đại Việt” với bệnh cảm xoàng cũng không chữa khỏi. Vua Minh quá chán chường đã ra chiếu chỉ trả hắn về Đại Việt. Và giờ đây, khi uống chén trà nóng ông mang đến tận tay chàng, Trần Việt Nhân cảm thấy ánh mắt ông lấp lánh hơn ngày thường. Cứ như mặt hồ phẳng lặng bị một viên đá ai ném xuống làm xôn xao dậy sóng. Chàng nhìn xoáy vào ông:

- Con muốn hỏi tiền bối một điều.

- Ta cũng muốn hỏi con một điều.

- Vậy thì tiền bối hỏi trước đi.

- Không, con hãy hỏi trước đi.

- Vì sao hôm nay tiền bối vui vẻ hơn mọi ngày?

- Vì sao ư? – Ông đứng lên đi về phía cửa sổ nhìn ra bầu trời vằng vặc một màu trăng. Giọng ông nhẹ nhàng như cơn gió thổi từ cửa sổ vào với chàng – Con có thấy trăng đêm nay rất đẹp không? Ta nghĩ vầng trăng ở Đại Việt lúc này cũng đẹp như thế. Ta lớn lên ở chùa Hải Triều từ năm lên sáu tuổi. Cha mẹ mất sớm, các nhà sư đã nuôi ta ăn học. Mấy mươi năm qua, con hãy thử tính xem ta đã bao lần nhìn thấy vầng trăng đẹp như thế này? Rất nhiều, cả ta cũng không nhớ nổi. Nhưng ta chỉ nhớ một điều là phương Bắc rộng lớn biết nhường nào, đất của Thiên Triều bao la vô tận, bầu trời của Thiên Triều cũng bao la vô tận, nhưng từ khi sang đây, ta chưa  khi nào được ngắm vầng trăng đẹp như ở quê nhà. Có phải vầng trăng ở phương Nam khác với vầng trăng phương Bắc không? Trăng ở đâu cũng như nhau, chỉ có lòng người không như nhau. Người  phương Nam đứng ở đất Bắc không thể thấy vầng trăng đẹp như khi đứng ở phương Nam, vì vậy chim Việt nhất quyết đậu cành Nam, ngựa Hồ nhất quyết hí về phương Bắc.

Trần Việt Nhân cảm thấy một ý nghĩ loé lên trong đầu chàng. Chàng cảm thấy như mình giác ngộ như ngày xưa Phật gíac ngộ. Lời tâm sự của người phương Nam kia làm chàng vỡ lẽ ra nhiều điều, một câu hỏi lớn đã được giải đáp. Chàng đứng bật dậy, bất thần xúc động và chỉ tay vào người Tuệ Tĩnh:

- Thì ra....thì ra...- Chàng lắp bắp, không thốt được lời nào.

- Thì ra làm sao? - Tuệ Tĩnh quay lại cười lớn- Coi con kìa, sao run rẩy thế?

- Thì ra...- Chàng khó nhọc nói - Tiền bối đã lừa cả Thiên triều. Tuệ Tĩnh tái mặt chạy lại lấy tay bụm miệng chàng.

- Con đừng nói thế sẽ làm bất lợi cho ta. Trần Việt Nhân, ta biết vì sao con hay lui tới với ta, vì con là người thông minh đĩnh ngộ, có nhiều nghi vấn ở trong lòng. Đêm nay ta vui quá không giấu được tâm sự mình với con.

- Từ lâu con đã nghi ngờ, một người có phong cách như tiền bối sao có thể là kẻ bất tài vô dụng được. Nhưng con không nghĩ ra được, vì cái gì tiền bối lại tự giấu che mình. Với tài năng của mình, tiền bối có thể có quyền cao chức trọng, vang danh ở phương Bắc chẳng khác gì phương Nam. Hôm nay con mới rõ, chỉ vì tiền bối là con chim Việt luôn hướng về đất Việt. Tiền bối muốn nhà vua tin rằng tiền bối chỉ là kẻ bất tài để được trở về Đại Việt.

- Nếu con phải làm người vong quốc con sẽ hiểu được tâm sự của ta.

- Con hiểu chứ. Và con cũng rất phục lòng kiên trì và ý chí của tiền bối. Con hứa với tiền bối sẽ không để lộ chuyện này. Ngày mai con sẽ tiễn tiền bối ra đến cổng thành. Về Phương Nam, mong tiền bối nhớ đến con.

- Ta nhớ đến con chứ. Con là một thầy thuốc giỏi, có hoài bão và có lương tâm. Ta sẽ về nói với các học trò ta rằng, dù người phương Nam khác người phương Bắc, nhưng ở đâu cũng có những người thầy thuốc hành sự vì sinh mệnh của người khác. 

Nghe ông nhắc đến sinh mệnh, đột nhiên Trần Việt Nhân  trở nên ủ rủ. Chàng nhớ đến sinh mệnh của Tống vương phi đang lay lắt từng giờ từng khắc trong cung. Thấy chàng buồn, Tuệ Tĩnh hỏi:

- Con sao vậy? Hồi nãy ta muốn hỏi con sao hôm nay con có vẻ mệt mỏi u buồn.

- Ngày mai là ngày vui của tiền bối nhưng chắc cũng là ngày buồn cho cả hoàng cung này.

- Sao vậy?

- Tống vương phi chắc chắn sẽ qua đời trong nay mai.

- Vương phi bị bệnh gì?

- Bị bệnh sản hậu, là bệnh Kính, một trong những bệnh chết người. Tiền bối cũng biết, bệnh này cả mười người đều chết cả mười. Vương phi không thể nào sống nổi.

Tuệ Tĩnh trầm ngâm một hồi rồi nói:

- Không phải mười người chết cả mười, mà có thể mười người chỉ chết chín người.

- Tiền bối nói như vậy là sao? Cha vãn bối nói, cả đời cha hành nghề, chưa có ai sống khi mắc bệnh này cả.

- Còn ta thì khác, trong cuộc đời hành nghề của ta, không phải ai bệnh này cũng chết cả.

Trần Việt Nhân lắp bắp:

- Tiền bối nói như vậy là tiền  bối có thể chữa được sao?

- Không - Tuệ Tĩnh đáp vội vã và tránh nhìn vào mắt chàng - Ý ta không phải vậy. Ta muốn nói là ta đã từng thấy một người không chết nhưng hoàn toàn là do may mắn. Đúng, cha  con nói đúng, bệnh này không ai qua khỏi  cả. Tội nghiệp cho vương phi. Con hãy mau về đi, kẻo  hoàng thượng lại gọi.

Trần Việt Nhân ngạc nhiên khi thấy trái với bình thường, Tuệ Tĩnh gần như muốn xua đuổi chàng đi. Sợ cha đợi lâu, chàng cũng mau ra đi. Bất chợt, Tuệ Tĩnh gọi giật  lại:

- Trần thái y đã cho vương phi uống thuốc gì?

- Thì còn thuốc gì nữa, là Sinh hoá thang. Phương thuốc đó trị được nhiều bệnh sản hậu. Với bệnh Kính, cha vẫn hay dùng, cầu may thôi chứ biết chắc không thể nào chữa khỏi.

- Thôi, con về đi. Nếu này mai bận quá thì khỏi đến từ giã ta. Coi như hôm nay ta  đã từ giã nhau rồi.

Trần Việt Nhân đi rồi, Tuệ Tĩnh vẫn đứng bần thần bên cửa sổ. Trăng vẫn hồn nhiên chiếu sáng lên nguời ông. Sao đêm nay trăng đẹp như vậy, có phải ông đang nhìn thấy vầng trăng của quê nhà. Bứng mình ra khỏi gốc rễ quê hương, đau đớn như thế nào ông là người hiểu rõ. Danh vọng phương Bắc cũng không thể nào nguôi ngoai nỗi buồn của kẻ ly hương. Ông nhớ vầng trăng vằng vặc trước sân chùa. Cậu bé Nguyễn Bá Tĩnh lên sáu tuổi ôm tay nải theo sư ông bước vào chùa nước mắt vẫn còn hoen trên má. Những đêm trăng sáng nhà sư trẻ ôm sách ra sân, nào Kinh thư, nào sách thuốc, nào kinh Phật. Nhà sư hai mươi hai tuổi đã đỗ khoa thi tiến sĩ, nhưng chàng không ra làm quan mà trở về chùa bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Dân là dân Nam. Thuốc là thuốc của người phương Bắc. Không có tiền, dân Nam phải chịu chết vì thuốc phương Bắc đâu phải dành cho những kẻ nghèo hèn. Tuệ Tĩnh  tự nghĩ: lẽ đâu chỉ có thuốc Bắc mới chữa khỏi bệnh. Băng rừng lội suối trèo non, nếm thử bao nhiêu loại cây cỏ đắng cay chua ngọt, ông đã cho  ra đời bộ sách “Nam dược thần hiệu” toàn những vị thuốc phương Nam. Người phương Nam đã  có thuốc trị bệnh. Người phương Nam không còn lệ thuộc vào người phương Bắc. Người phương Nam còn có thể tự hào có một vị thần y đã ngăn chặn  được một nạn dịch hoành hành. Nhưng người phương Bắc đã dùng sức mạnh để  bắt ông mãi mãi rời xa quê hương của mình. Nay bằng sự khôn khéo biết giấu mình, ông đang sắp được trở về  ngắm vầng trăng xứ sở. Ôi, lòng ông vui như trẻ nhỏ. Thì ra không có sức mạnh nào có thể bứng người ta ra khỏi gốc rễ sinh ra nếu người ta không muốn. Ông sắp được toại nguyện rồi, sắp được chữa bệnh cho dân Nam, sắp gặp lại học trò của mình mà nói rằng “ Nam dược trị Nam nhân” (2) , đó là tinh thần tự lập tự cường, là niềm tự hào dân tộc.

Một áng mây bay ngang qua vầng trăng làm ông khó chịu. Ông chợt nhớ đến vẻ buồn bả âu sầu của Trần Việt Nhân, nhớ đến vương phi đang nằm hấp hối trong cung. Ông bắt mình không được nghĩ đến điều đó, nhưng không hiểu sao ông vẫn tưởng tượng được vẻ mặt đau đớn của vương phi và vẻ sầu khổ của những người xung quanh. Ông lại nghĩ đến bài thuốc Sinh hoá thang của Trần thái y. Các thầy thuốc cứ truyền rằng, bài Sinh hoá thang gia giảm chữa hàng trăm thứ bệnh của sản hậu. Nhưng bệnh Kính không phải do huyết hôi đình ứ lại mà dùng phương thuốc này thì ngoại tà đi vào huyết thất, trung khí sẽ bị tổn thương, gây nguy hiểm cho người bệnh. Nghĩ đến đó, người ông lạnh tóat, trái tim co thắt lại. Bất giác ông lại nhìn trăng.

Ông không ngủ, đi đi lại lại trong phòng, nhưng bây giờ lại với lý do khác. Ông nhớ đến người thiếu phụ trẻ được ông  cứu sống trước đây. Vẻ mặt của nàng mới rạng rỡ làm sao. Niềm vui đó, niềm hạnh phúc đó là một sự đền bù lớn lao cho người thầy thuốc. Chồng không mất vợ, con không mồ côi mẹ. Thử hỏi có sự hoá độ nào đầy ý nghĩa hơn thế? Bài Sinh hoá thang đêm nay sẽ góp phần giết chết vương phi. Nhưng ai cũng biết bệnh Kính mười người chết hết mười mà, ông còn suy nghĩ làm gì, cho dù  ông biết rằng có một người đã từng được ông cứu sống. Giấc mộng hồi hương chỉ còn vài canh giờ nữa là đã toại nguyện.

Trăng vẫn sáng, cuốc vẫn kêu khắc khoải ngoài sân. Tiếng trống sang canh vẫn vô tư vang lên vọng vào lòng ông một niềm nhức nhối. Ông tự biện minh với mình, vua Minh có tam cung lục viện cả mấy trăm người, một Tống vương phi thì có ý nghĩa gì. Nhưng điều đó cũng không thuyết phục nổi ông, vì với người thầy thuốc không bao giờ phân biệt người sang kẻ hèn, người quan trọng hay không quan trọng, người đáng sống hay không đáng sống, mà chỉ biết trước mặt mình là một con người, một sinh mệnh.

Trăng vẫn vằng vặc sáng. Tiếng cuốc vẫn khắc khoải ngoài sân. Tiếng trống sang canh vẫn vô tư vang lên trong hoàng thành.

Đến canh năm, Tống vương phi bắt đầu lên cơn co giật, mặt đỏ gay, hơi thở rít lại. Vua Minh luôn miệng quát các quan Thái y. Trần thái y cũng quát con trai:

- Ta bảo con cho người sắc thuốc mang đến sao bây giờ còn chưa thấy?

- Con bảo họ thôi rồi.

- Thôi là sao?

-  Con thấy uống phương thuốc đó vào chỉ co giật nhiều hơn, đờm kéo lên nhiều hơn.

- Con biết cái gì mà nói. Con hay hơn ta à? Bài Sinh hoá thang này là bài thuốc hay nhất để trị bệnh sản hậu.

- Nhưng có người nào bệnh Kính  được cứu sống đâu - Trần Việt Nhân dè dặt nói. Trần thái y chựng người lại. Không phải là ông không biết. Nhưng tâm lý còn nước còn tát và bệnh nào cũng dùng những thuốc hay nhất để chữa thì dù người bệnh có ra đi cũng không áy náy là mình đã không làm hết sức mình. Như bài Sinh hoá thang này, những bệnh sản hậu thông thuờng đều chữa khỏi. Dẫu biết bệnh Kính mười người chết hết mười, nhưng thử hỏi còn cái gì chữa bệnh sản hay hơn Đương qui, lại còn Xuyên khung, nào Can khương, nào Đào nhân gia thêm Ích mẫu. Ông hạ giọng với con trai:

- Cũng phải để cho Hoàng thượng thấy là chúng ta đã cố hết sức mình. Vương phi giờ đã cấm khẩu rồi, lại co giật liên hồi, con mau  cho thêm Kinh giới huệ ba đồng cân.

- Con biết rồi.

Chàng bước ra ngoài thì ngay lúc đó có một người mặc áo cà sa bước vào. Chàng bàng hoàng khi thấy đó là Tuệ Tĩnh. Cả đêm nay chàng đã cố không nghĩ đến người ấy, cố quên vầng trăng vằng vặc ở cửa sổ nhà ông ta. Bởi vì nhớ đến tất cả những điều đó, chàng sẽ không thể kìm lòng mà chạy đến bên ông. Chàng biết, ông không vu vơ khi nói câu có thể bệnh Kính mười người chỉ chết có chín. Một phần mười mong manh đó có đủ sức níu kéo ông đến hoàng cung này, nơi có thể nhốt chặt  giấc mộng hồi quê của ông?

Vua Minh gặp mặt ông như lửa thêm dầu, đùng đùng nổi giận:

- Ngươi còn đến đây làm gì. Ngày mai  ngươi về Đại Việt cũng đừng để cho ta thấy mặt. Tốn biết bao công sức vừa thuyết phục vừa đe doạ, vua Trần mới cống ngươi cho ta. Thế mà Thần y đâu ta không thấy, chỉ tốn  cơm nuôi một kẻ bất tài. Ngươi đi đi cho khuất mất ta.

- Thần sẽ  đi. Nhưng xin cho phép thần xem bệnh  vương phi.

- Sao, một kẻ bệnh cảm xoàng mà cũng không chữa khỏi lại đòi chữa bệnh cho vương phi ư? Ngươi không còn muốn sống nữa à?

- Thần xin bảo đảm - bất thần Trần Việt Nhân bước lên tâu. Chàng không biết việc chàng làm có đúng không, nhưng cũng như Tuệ Tĩnh, chàng không thể nhìn một người chết đi khi còn có  khả năng cứu chữa. Cha chàng tái mặt vì sự liều lĩnh của con. Nhưng vua Minh đột nhiên nói:

- Thôi được, dù sao các ngự y đều đã bó tay. Cho ngươi thử một phen. Nhưng ta cho ngươi hay, có thể ta sẽ tế sống ngươi theo vương phi đấy. Đúng là ngươi muốn được tế sống rồi.

Tuệ Tĩnh không nói gì, lẳng lặng vào cung vương phi. Ông đang đi tận cùng số mệnh của mình, số mệnh một người vong quốc.

Bài Trúc diệp thang với vị thuốc chủ lực là lá tre đầy rẫy ở đất phương Nam đã cứu sống Tống vương phi. Một tháng sau, Tống vương phi đã đi đứng được, đến tận nhà ông để tạ ơn. Vương phi lộng lẫy, xinh đẹp như tiên nga, nhưng ánh mắt không hề khác người thiếu phụ nghèo nàn lam lũ năm xưa ông đã cứu sống ở quê nhà, vẫn ánh mắt  ngời sáng niềm vui hạnh phúc. Dẫu là vương phi hay thứ dân đều là một sinh mệnh. Dẫu là con đen hay một vị hoàng tử cũng cần có mẹ biết bao. Ông đã trả lại cho hoàng tử một người mẹ như ngày xưa ông đã trả cho cậu bé mới sinh đỏ hỏn quấn tả rách một người mẹ.

Đêm đó trăng lại rọi sáng vào cửa số nhà ông. Đêm đó Trần Việt Nhân lại đến. Chàng thấy ông hì hụt khắc một tấm bia. Chàng ngồi trên chiếc giường xem ông làm. Ông ngừng tay lại, mang đến cho chàng một chén trà. Chàng uống trà. Chàng nhìn ông qua làn khói bốc lên từ chén trà.. Ông đã bình thản. Tấm lòng ông đã bình thản. Bất chợt chàng hỏi:

- Tiền bối có hối hận không?

- Một thầy thuốc hối hận khi đã cứu người ư? Người thầy thuốc khi cứu người dù là kẻ cướp, dù là  kẻ thù của mình, cũng không hối hận. Con không nghe câu : “ Y gia hữu cát cổ chi tâm”, nghĩa là thầy thuốc có lòng cắt thịt ở đùi mình để chữa cho người bệnh. Ta mãi mãi là kẻ vong quốc rồi, nhưng ta không bao giờ hối hận khi cứu vương phi cả. Ở nơi đây, kể ra ta chỉ có mình con là người thân thiết. Con có thấy  tấm bia này không. Chàng đọc dòng chữ: “Về sau có ai bên nước Nam sang, nhớ cho di cốt tôi về với”. Sau này ta chết ta muốn đặt tấm bia này trước mộ. Chắc chắn sẽ có một vị sứ giả nào đó từ Nam sang, ta mong người ấy hãy hiểu ước vọng của ta mà mang ta về.

Chàng đã uống cạn chén trà. Suốt đêm chàng ngồi nhìn ông tự khắc tấm bia cho mình, dù ông còn sống cả đời để phục vụ vua Minh và người dân Trung Hoa.  Sáng hôm sau, chàng cùng ông vào Đại điện. Ông mặc áo cà sa,  quỳ dưới sân rồng nhận tước phong “Đại y thiền sư” của vua Minh. Không ai thấy một gịot nước mắt  âm thầm lăn nhanh trên má ông, một vị thiền sư lòng đã tĩnh lặng nhưng vẫn không tĩnh lặng khi nghe tiếng cuốc kêu ngoài sân, khi nhìn vầng trăng phương Bắc mà đau đáu nhớ vầng trăng phương Nam.Trên ngai vàng, vua Minh cười hỉ hả: “Ta thật sự có một thần y rồi”. Trần Việt Nhân cũng lén lấy tay lau những giọt lệ bất chợt rơi ra từ mắt chàng.

 

 

GIẤC MƠ BAY

Má nhắn tin: “Má sẽ lên thăm Con gái”. “Sẽ” là thì tương lai gần, rất gần, vì vừa đọc xong tin nhắn, Con gái đã nghe giọng Má oang oang ngoài cửa:

- Mở cửa cho Má đi, Con gái!

Con gái cũng chưa kịp mở cửa thì Má đã đẩy cửa bước vào, tay cầm chiếc điện thoại, vẻ mặt rạng ngời, hào hứng:

- Con gái chưa dậy nữa hả? Trời đất! Muốn nướng cho khét lẹt hả cô nương? Dậy đi! Má đi chuyến xe đêm để kịp mang bắp luộc cho mày nè!

Bắp luộc non trong, ăn đến đâu ngọt lịm đến đấy, mùi hương đồng nội chạy khắp huyết quản Con gái. Bắp luộc mới bẻ lên luộc ngay ăn thì thích, nhưng như mọi khi, Con gái vẫn khó chịu trước cung cách xuề xòa của Má. Má đem bắp phân phát hết cho cả dãy ký túc xá, chép miệng: “ Tội nghiệp! Trên này tụi mày làm gì có thứ này để ăn”. Má lăng xăng đi lại giữa các phòng, trong bộ bà ba đen may bằng lãnh Mỹ A, cái màu Con gái ghét cay ghét đắng, luôn miệng nói cười rổn rảng: “Ừ, dì mới lên, lên có mình ên à. Tụi mày ăn bắp đi. Bắp dì sai tụi nhỏ bẻ lên luộc thật sớm cho ngọt. Nè nè, con nhỏ này ăn trái này nè! Dì biết mày thích bắp non lắm!”.

Con gái kéo Má về phòng, nghiêm mặt:

- Thứ nhất, tụi nó không thích ăn bắp, vì tụi nó rất giàu.

- Giàu không thích ăn bắp hả?

Con gái biết Má hỏi cà khịa, nên không thèm trả lời, nói tiếp:

- Thứ hai, Má không được gọi chúng là “tụi mày”, càng không được gọi con là “mày”.

- Bọn Tây vẫn vẫn gọi nhau là mày kia mà, ai cũng gọi là you  hết. À, Con gái nè, Má đang học tiếng Tây đấy nhé! Làm ăn buôn bán với tụi Tây mà không biết tiếng Tây cái gì cũng nhờ phiên dịch, dễ bị ăn gian lắm đó.  Má định mở công ty xuất nhập khẩu thủy sản nữa đấy. Thấy vùng mình nhiều cá tôm, người ta ăn nên làm ra với nghề này, Má thấy ham.

- Má còn không đủ bận với những cánh đồng, với máy cày, máy xới, với nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo hay sao?

-         Xì, Má còn quỡn nhiều.

- Thứ ba, Má không được mặc bà ba đen nữa. Mấy bộ đồ vét con may cho Má đâu?

- Má mặc đồ bà ba là đẹp nhất- Đầy tự tin, Má đứng lên, xoay một vòng- Con gái xem…

- Đẹp đẹp cái nỗi gì, quê mùa thì có – Con gái gắt lên. Má cuống quýnh dừng lại, nhìn Con gái.

Không phải Má không biết, Con gái đang uất ức điều gì. Má đã không ăn mặc đúng địa vị của Má. Má cũng không cho Con gái được sống đúng với cuộc sống mà Con gái nghĩ Con gái đáng được hưởng như thế. Như phần lớn sinh viên khác, Con gái phải ở  ký túc xá chật chội, phải đi học bằng xe đạp. Dỗi hờn, phụng phịu mãi, Con gái mới được Má mua cho chiếc Max màu đỏ. Má nói xe cộ nói riêng, vật chất nói chung, chỉ là phương tiện chở mình đi. Thế mà hôm nay, Má lại tuyên bố sẽ mua một chiếc xe hơi thật sang trọng, để “dằn mặt” bà tỷ phú nào đó mới mua chiếc Roll Royce hiện đại số một mà báo chí đang bàn luận rôm rả.

- Thật không? Lại phải tốn thêm tiền thuê tài xế hả?

- Má biết lái xe rồi chứ bộ. Bằng lái nè! Học vất vả lắm đó.

Con gái  không ngạc nhiên lắm. Con gái đã từng biết Má làm được tất cả những gì Má quyết tâm làm, sau cái đêm mưa gió tầm tã Má bỏ nhà ra đi.

Con gái dẫn Má đi khắp các showroom xe hơi ở Gài Gòn. Má kinh ngạc như đứa trẻ:

- Trời! Lâu nay Má tưởng chỉ có một loại xe hơi, ai dè cả một rừng xe hơi như thế này, đủ kiểu, đủ dáng mà cũng đủ mọi giá. Cái bà gì đó mua chiếc Roll Royce cả triệu đô la. Bả tưởng bả giàu nhất xứ Việt Nam này sao? Bả tưởng chỉ có một mình bả có nghị lực, vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, từ khổ đau sao? Xì, Má còn có thể mua mười chiếc xịn hơn bà ta nữa.

Má nói điều đó khi hai Má con trở về khách sạn nơi Má ở, khi Má mệt phờ nằm dài trên giường. Con gái nhìn Má lạ lùng. Má xưa nay có hay ghen tị với người khác đâu, sao giờ lại ghen tức với một bà tỷ phú nào đó vừa mới mua chiếc Roll Royce sang trọng nhất Việt Nam, lại còn muốn mua chiếc xe xịn hơn bả, trong khi xưa nay dù nổi tiếng giàu có ở miền Tây, Má chưa bao giờ sắm cái gì cho riêng mình.

Má lại hào hứng lấy ra xấp giấy quảng cáo xe hơi:

- Này Con gái, xem đây này. Chiếc Mercedes E- class này được không? Nó được phần thưởng Chiếc xe đẹp nhất thế giới nè! Màu tím ánh kim đẹp đấy. Hay là đặt chiếc Roll Royce màu xám này đi? Đâu coi! Roll Royce Ghost. Ghost nghĩa là con ma đó.  Sao vậy? Sao Con gái buồn vậy?

Con gái không buồn. Con gái chỉ buồn ngủ. Hai lỗ tay Con gái cả ngày nay lùng bùng nào Roll Royce, nào Mercedes, nào Audi nào hàng loạt những Ford, Toyota, Fiat, Nissan, Continental,Aston Martin, Limousin, Cadillac…Hai mắt Con gái muốn loạn thị vì những màu đỏ rực rỡ đến màu trắng ánh kim thâm trầm. Má ơi! Sao Má lúc nào cũng hừng hực khí thế thế? Trong khi Con gái chỉ muốn ngủ mà thôi. Ừ, Má quên nữa. Con gái chắc mệt rồi. Nằm xuống đây nào! Có cần Má ru cho ngủ không? Trời đất! Con gái hai mươi tuổi rồi Má ơi!

Tuy vậy, Má vẫn hát, giọng hát đặc sệch Nam bộ. Má ru không phải vì nhu cầu của Con gái, Con gái luôn biết điều đó, mà vì chính Má đang cần những câu hát ru. Má luôn hát ru Con gái vào những khi Má buồn, Má tuyệt vọng hoặc những khi Má quá vui, quá hào hứng. Trong đời Má không có ai là điểm tựa, nên Má vịn vào những câu hát ru để đứng dậy. Con gái mỉm cười, thiếp đi, lòng an tâm biết rằng hôm nay Má hát ru vì Má vui, chứ không phải buồn: “ Ấu ơ, hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy. Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa. Em thương anh chẳng dám nói ra. Sợ mẹ bằng đất sợ cha bằng trời. Em thương anh cũng muốn kết đôi. Sợ vầng mây bạc trên trời mau tan. Ầu ơ…”.

Nửa đêm, Con gái giật mình thức dậy, thấy Má vẫn nghiền ngẫm những trang quảng cáo. Má lại tiếp tục lôi Con gái vào cơn hào hứng của mình:

- Con gái! Có chiếc xe này rất hay, chiếc xe buýt có khả năng chạy trên mặt nước như thuyền. Sao mình không mua về để bà con đi lại trên vùng sông nước Cửu Long của mình chứ? Mùa nước lên  bọn con nít vất vả đi học thấy mà tội.

- Má ơi, giá không hề rẻ tí nào, hai trăm tám mươi nghìn bảng Anh đó. Bán biết bao nhiêu lúa mới mua được?

- Lúc này lúa mình có nhiều lắm rồi, con khỏi lo.

- Nhưng sao tự nhiên Má lại quên chiếc Roll Royce rồi?

-  Má chẳng quên đâu. Một ngày nào đó Má sẽ sắm chiếc xe hơi sang trọng nhất thế giới cho mình. Nhưng bây giờ chưa đến lúc. Tự nhiên Má nhớ đến thời ông ngoại còn sống. Đã nhiều năm trôi qua, mà vẫn còn chênh lệnh giữa người giàu và nghèo, vẫn có những người ngồi xe bạc triệu đô la chỉ để rong chơi, trong khi có những trẻ em nghèo đi bộ cả chục cây số đến trường. Nhưng có điều số người vươn lên từ nghèo khó càng lúc càng nhiều.

- Trời ơi, Má lại biến thành nhà xã hội học rồi. Má bao đồng quá.

Mắt Má lại sáng rỡ khi đọc tờ quảng cáo về chiếc “ Ô tô bay” : “Hãng Terrafugia, có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ, đã thử nghiệm thành công mẫu ô tô bay có tên Transition có thể chuyển từ hình dáng máy bay sang ôtô trong 30 giây. Má hào hứng kêu lên:

- Con gái ! Con gái! Sao người ta hay vậy. Chiếc này đa năng đây. Nó có thể chạy trên đường, bay trên không, hoàn toàn thích hợp với vùng sông nước chằng chịt kênh rạch ở quê mình. Má có thể lái nó để gieo mạ như mấy nước tiên tiến người ta làm. Rải mạ bằng Máy bay. Phun thuốc bằng Máy bay.

Má lại bắt đầu mơ đấy! Con gái không lạ gì những giấc mơ của Má. Má thường kể cho Con gái nghe những giấc mơ bay. Con gái biết không, từ nhỏ đến giờ Má cứ hay mơ một giấc mơ kỳ lạ. Đó là thấy mình bị người ta rượt đuổi. Má cứ chạy, cứ chạy, nhưng khổ nổi chân như bị dính chặt xuống đất, không sao nhấc lên nổi. Thế rồi trong đầu Má nghĩ: giá mình biết bay nhỉ? Thế là như có phép lạ, Má thấy thân mình nhẹ bỗng và bay như chim. Má lượn lờ trên khắp cánh đồng rộng mênh mông của ông ngoại năm xưa. Sau này Má đọc ở đâu đó người ta nói rằng, con người nằm mơ rất nhiều, nhưng chung quy có ba giấc mơ giống nhau, đó là mơ mình bị lõa lồ, nói lên cảm giác cô đơn, trơ trọi của loài người, thứ hai là giấc mơ bị rượt đuổi, ý nói con người luôn sống trong mối đe dọa, thứ ba là biết bay, là khát vọng tự do. Con gái, ngủ nữa rồi hả?

Sau mấy ngày bị Má vần cho mệt lử, Con gái mới được Má buông tha với quyết định mua chiếc Mazda. Má bùi ngùi  nhìn chiếc xe màu trắng tinh khôi: “ Má nhớ ông ngoại quá. Ngày xưa cả vùng chỉ ông ngoại có chiếc này. Sao mấy ngày nay Má không nghĩ đến hiệu này vậy cà? Má sẽ mua nó để tưởng nhớ đến ông ngoại, để mỗi lần đi xe này như có ông ngoại bên cạnh phù hộ cho Má”. Con gái xì một tiếng rõ dài, quay ngoắt đi không trả lời. “ Nhớ ông ngoại!”- Nhớ làm gì cái kẻ đã bán Má đi. Chừng như đọc được phẫn uất trong mắt Con gái, Má dịu dàng nói: “Phải biết vị tha, Con gái ạ!”. 

Quả thật Má đang bay chứ không phải đang đi trên đường khi cầm lái xe hơi lao vùn vụt đưa Con gái về Tân Châu. Con gái nín thở, nhắm tịt mắt lại, không dám nhìn hai hàng cây lao vun vút về phía sau, thỉnh thoảng lại gào lên: “ Má ơi, ai cấp bằng lái cho Má vậy? Hay là Má đi học lại một khóa nữa đi?”. “Nhằm nhò gì Con gái! Má còn có thể lái máy bay”. Con gái không nghi ngờ điều đó. Con gái đã từng biết Má có thể làm được rất nhiều thứ, lái vỏ lãi, lái máy cày, máy ủi, máy xới…Ấy vậy mà Má từng là người “cái gì cũng không biết làm”, từng là con gái ông điền chủ ăn trắng mặc trơn.

Con gái  lại được nghe tiếng ễnh ương kêu của quê nhà. Sau một ngày đi khoe chán chê chiếc Mazda, chở bọn trẻ con trong xóm “bay” khắp các nẻo đường từ đường nhựa, đường rải sỏi, lát dal, đến các con đường làng gồ ghề bùn lầy, sình đất, biến chiếc Mazda trắng thành con quái vật đen thui,  Má mệt phờ nằm lăn ra giường. Má ngủ ngon lành trong khi Con gái trằn trọc cả đêm hết nhìn Má lại nhìn ảnh ba trên tường. Niềm đau âm ỉ trong lòng Con gái không vì niềm vui của Má  mà vơi dần đi. Mỗi lần về quê, đi dạo quanh xóm, gặp Năm Mến là mỗi lần Con gái thấy đau. Có lẽ Má không bao giờ biết suốt hai mươi năm qua, Má đã ôm giữ điều bí mật lớn lao cốt để Con gái được hạnh phúc, nhưng điều bí mật đó Con gái đã biết từ lâu. Má sẽ không bao giờ ngờ, thừa hưởng nghị lực kiên cường của Má, Con gái đã chịu đựng nỗi đau khổ ấy từ năm lên mười tuổi.

Cuối cùng Con gái cũng nói ra, khi Má tỉnh giấc nhìn chằm chặp vào Con gái. Con gái nhìn ảnh ba, nuốt cục nghẹn dâng dần lên cổ, giọng nghiêm trang nhất trong đời của Con gái:

- Đất đai của Má bây giờ chính là của hai ông hội đồng năm xưa, là ông nội và ông ngoại. Cả một vùng rộng lớn ở Phú Vĩnh này thế hệ trước là tá điền cho ông hội đồng, thế hệ hôm nay là người làm công của Má. Con đi đến đâu ai cũng biết Má là ai. Má lại là một nông dân giỏi được lên cả truyền hình, biết bao người ngưỡng mộ. Má nói “Hãy vị tha”, nhưng thật ra trong lòng Má còn nhớ đến mối hận. Nhưng dù ông ngoại như thế nào, trong lòng Má vẫn có tình thương với ông ngoại. Mối dây ruột rà đó không bao giờ dứt. Tình ruột thịt thiêng liêng đó giúp Má luôn biết mình là ai, từ đâu ra.

Má hoang mang nhìn Con gái, không hiểu Con gái muốn nói gì, muốn dẫn dắt câu chuyện đến đâu. Con gái không để Má đợi lâu, nói một câu dứt khóat, dồn nén bao cảm xúc của mười năm qua:

-               Con cũng vậy, con cũng muốn biết mình là ai, từ đâu đến.

Má sững sờ nhìn Con gái. Má nhìn ánh mắt quyết liệt của Con gái, bàng hoàng hiểu rằng Con gái không hồn nhiên ngây thơ như vẻ ngoài của nó. Hơn thế nữa, Má còn đọc được nỗi đau không nguồn cội đau đáu trong mắt Con gái. Má  ôm chặt thân hình lạnh ngắt Con gái vào lòng, ước gì nỗi đau trong mắt Con gái chỉ là ảo ảnh.

- Không! Con gái ơi! Năm Mến nói sai rồi. Con gái không phải là Con nuôi của Má. Năm Mến là một trong rất nhiều người tình của ba con. Năm Mến nói ba con không thể có con được là đúng. Nhưng tuyệt nhiên Con gái không phải là con nuôi của Má.

Mười bảy tuổi Má được gả đi, kỳ thực là một cuộc mua bán. Ông ngoại lúc đó đã phá sản, đất đai đã bán hết lại còn nợ nần chồng chất mà chủ nợ là ông nội con. Cảnh giàu sang từ trong trứng nước đã khiến thế hệ con cháu trong nhà ông nội con chỉ biết xài tiền. Ba con ngoài hàng tháng đi Sài Gòn chơi một lần, hút thuốc phiện, đá gà, chẳng biết làm gì khác. Ăn chơi nhiều quá đã khiến ba mang bệnh, trở thành kẻ vô sinh. Nhưng cả dòng họ vẫn đổ riết là Má tuyệt tự. Má phải chấp nhận ba cưới vợ bé. Nhưng không bà vợ nào ở với ba lâu, tất cả đã ra đi, chỉ còn những cô người tình quanh quẩn trong xóm mục đích bòn rút tiền bạc như cô Năm Mến. Má được tiếng là con dâu ông điền chủ, nhưng sống khốn khổ như người ăn kẻ ở trong nhà. Má phải phục dịch ông bà nội, phục dịch ba con và cả bầy chó được cưng hơn cả người. Những ngày Tết, Má nhìn ra đường dập dìu người qua lại, ai cũng vui cười hớn hở, ai cũng ăn mặc đẹp, Má ước chi mình được hòa mình trong dòng người đó. Hay hơn nữa là mình được đôi cánh như chim để có thể bay đến bất cứ nơi nào mình muốn. Má thèm khát mãi một bộ đồ Lãnh Mỹ A mà không sao mua được. Có cho vàng Má cũng không dám hỏi xin ba, vì ba thà cho người ngoài, thà đốt thuốc phiện, thậm chí thà cho chó ăn còn hơn là cho Má, vì đối với ba, Má chỉ là một đứa bị gán nợ. Một hôm, ba con bị thua bạc về, trút mọi bực tức lên đầu Má. Hôm đó không hiểu sao Má đã phản kháng lại. Ba nói một lời Má trả một lời. Ba sững sờ nhìn Má, ngạc nhiên không hiểu sao Má ăn gan hùm mật sứa nào mà dám trả treo với ba, lại còn dám vạch hết những thói hư tật xấu của ba. Ba điên cuồng như con chó bị lên cơn dại, nắm tóc Má xoay vòng vòng rồi quẳng Má xuống nền đất như quẳng một miếng giẻ rách. Như bao lần, ba đuổi Má đi như đuổi một con chó với lòng đinh ninh rằng con chó trung thành đó không bao giờ dám rời xa dù có bị đánh mắng thậm tệ hơn. Thật sự điều đó đã từng xảy ra rất nhiều lần với Má. Phụ nữ nông dân mình bao đời nay là vậy. Dù bị đánh mắng đuổi đi, họ vẫn lủi thủi quay về, một số vì không nơi nương tựa, một số vì con cái, một số vì nền nếp gia phong, cái nền nếp gia phong cả ngàn năm nay dạy họ phải biết chịu đựng. Má đi đâu đây, khi không một đồng trong túi? Về ngoại ư? Con gái bị chồng đuổi về nhà cha mẹ là nhục với làng xóm, tổ tông. Như bao lần, khi bước chân ra khỏi đầu làng là ý nghĩ đó lại dậy lên với Má. Nhưng lần ấy, ý nghĩ đó vẫn không lấp hết cảm giác khổ nhục ê chề, khi bên tai Má vẫn còn vang lên câu mắng đuổi theo của ba, khi ba sai người gọi mà Má không quay lại: “ Mày ngon quá há! Đi thật hả? Rời khỏi tao mày có sống được không? Mày không thấy con chó lếch theo chủ chì vì khúc xương đấy hả?”.

Hôm ấy trời mưa tầm tã. Má ngồi khóc nơi ngã rẻ vào nhà ông ngoại con.Chỉ một tích tắc thôi Má phải quyết định, hoặc là quẹo vào đó, nơi từng là vùng đất trù phú của ông ngoại, nhưng nay chỉ còn một khoảnh đất nhỏ với ngôi nhà tranh dột nát. Người ta nói biển dâu thay đổi là vậy đó Con gái. Má ngồi nơi đó, miên man nghĩ ngợi. Về với ông bà ngoại không chóng thì chày, không phải là ba con đến bắt Má về, thì cũng ông ngoại đuổi má về. Rồi Má nghĩ đến bà ngoại con. Bà ngoại con một thời sống rất sung sướng. Vào những năm năm mươi, khi lãnh Mỹ A nổi tiếng của Tân Châu là niềm mơ ước của biết bao người, thì bà có cả chục bộ. Bà rất sang trọng trong những bộ bà ba đen tuyền, bóng loáng. Sau này khi nhà nghèo, những bộ đồ đó cũng không thoát khỏi số phận bị bán đi để đong gạo, bà khắc khoải không nguôi với ước mơ được một lần mặc lại nó. Bà tưởng Má được gả vào nơi sung sướng, có nhiều tiền, nên lần nào về bà cũng xin Má. Má xấu hổ ừ hử cho bà vui mà không bao giờ dám nói ra, thân phận một cô dâu bị gán nợ như Má có khác nào tôi đòi.

Nghĩ đến điều đó, Má quả quyết đứng dậy ra đi. Má ngồi đến nửa đêm ở bến đò Châu Giang, bàng hoàng đến ngây dại vì nỗi ngay cả tiền qua đò Má cũng không có. Nơi đó, Má gặp người ấy.

Người ấy là con trai người tá điền cũ. Con gái có thể hình dung như thế này, trên những mảnh ruộng mênh mông bạt ngàn của những ông điền chủ năm xưa là gia đình mấy đời của những người tá điền không có một cục đất chọi chim. Đời này qua đời khác họ sống trong nghèo khổ, trong nợ nần chồng chất vì vay ông chủ, nợ mẹ đẻ ra nợ con. Có khi đến mùa thu hoạch, ông chủ sai người đến thu tô, họ không còn một hạt thóc. Tưởng chừng như đời đời kiếp kiếp họ không sao thoát khỏi thân phận đó. Cách mạng tháng Tám thành công đã giải phóng cho họ. Họ được chia ruộng đất. Ông nội của người ấy cũng được chia một phần đất, do cách mạng tịch thu từ ông nội của Má. Nhưng khi Diệm lên nắm quyền, Diệm đã lấy lại hết, bán lại cho những người chủ cũ. Ông ngoại con được sở hữu lại ruộng đất. Còn gia đình người đó trôi dạt đi đâu Má không rõ.Sau này Má gặp lại người ấy ở chợ Tân Châu, đang chào hàng bán lụa. Ấn tượng về người con trai lực lưỡng vắt trên vai những tấm lãnh Mỹ A đen ngời rao bán giữa chợ làm Má vừa thấy thương vừa thấy tội. Nhưng sau đó cái vẻ chào hàng đầy cuốn hút của người ấy khiến Má thán phục. Lần đầu tiên Má thấy được giá trị của sự lao động chân chính. Má ngậm ngùi khi nhìn lại mình. Người ấy ít ra cũng nuôi được bản thân mình.

Đêm ấy ngồi ở bến đò Châu Giang, Má ngạc nhiên sao người ấy chẳng xuống đò qua sông. Má không thể qua vì không có tiền, mà cái thói sĩ diện hào phú trưởng giả khiến Má không dám hỏi xin ai dù là vài đồng xu mọn. Còn người ấy cớ gì cũng chẳng qua sông, cũng ngồi nhìn mông lung ra ngã ba sông Châu Đốc với ánh mắt buồn u uẩn. Người ấy ngờ ngợ nhìn Má, lục tìm trong trí nhớ hình dáng một cô bé gái nhỏ năm xưa. Chỉ chút kỉ niệm ấu thơ cũng khiến Má và người ấy trở nên thân thuộc. Thì ra người ấy cũng bỏ nhà ra đi như Má, nhưng không phải vì bị đuổi đi mà tự mình đi tìm một con đường sống.

Từ ngày không làm ruộng nữa, ông của người ấy đi làm công cho hãng tằm tơ, rồi khấm khá lên trở thành một ông chủ nhỏ. Con cháu trong nhà đứa nào cũng thạo nghề. Con gái luôn khó chịu khi Má mặc lãnh Mỹ A màu đen mà không biết rằng nó là niềm kiêu hãnh của Tân Châu xưa, là ước mơ đến chết không được một lần mặc lại của bà ngoại.  Đầu thế kỷ hai mươi, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Tân Châu đã rất nổi tiếng. Những năm ba mươi, Tân Châu là trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam bộ. Dâu được trồng theo hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu, lên tới tận biên giới Campuchia. Cả ấp Long Hưng hầu hết đều sống bằng nghề sản xuất tơ lụa. Năm 1909, Pháp đã mở một xưởng dệt đầu tiên, và thành lập viện Tằm Tơ,  từ đó nghề nuôi tằm dệt lụa ở đây phát triển không ngừng và trở nên cực thịnh. Nhưng nghề này cũng gặp nhiều bể dâu, suy thoái. Lần suy thoái đầu tiên là khi ông Diệm lên nắm chính quyền. Hàng Mỹ, hàng ngoại nhập tràn lan, khiến lãnh Mỹ A không cạnh tranh nổi. Sau giải phóng, nghề được phục hồi rất mạnh. Lúc đó Tân Châu có gần ba trăm máy dệt, phải làm việc đêm ngày mới đáp ứng nổi nhu cầu. Cây mặc nưa được trồng khắp nơi. Những trái mặc nưa tưởng chừng như vô tích sự vì không ăn được kia, hóa ra là một phẩm màu làm nên một màu đen tuyền đặc sắc của lãnh Mỹ A. Con đừng vội xem thường nó. Màu đen đó năm mươi năm sau vẫn không phai, vì người ta phải nhuộm hơn bốn mươi lần mới có được. Con gái thử sờ vào đồ mẹ đang mặc đây này, mềm mại biết bao. Mùa hè mặc thì thấy Mát mẻ, mùa đông mặc thì thấy ấm áp. Con gái thấy trên thế giới này có loại lụa nào như thế không?

- Ối trời ơi! Má quảng cáo quá đáng. Rồi sao nữa hả Má?

- Nhưng sau này lụa Tân Châu lại suy thoái vì hàng ngoại, hàng nhập lậu tràn lan, giá cả lại rẻ hơn nhiều. Khi Má gặp người ấy ở bến đò Châu Giang, chính là người ấy đã bị phá sản. Nghề dệt lụa ở Tân Châu suy sụp. Không còn những vườn dâu xanh tươi ngút ngàn. Không còn những hàng cây mặc nưa reo vui với gió. Không còn những bãi cỏ đầy ắp những dải lụa dài đến hai mươi mét được phơi. Không còn tiếng đập lụa, tiếng quay xa. Tất cả những người làm nghề lụa đã chuyển sang nghề khác, chỉ còn người ấy nắm níu với nghề cho tới tận cái đêm ngồi cùng Má ở bến Châu Giang.

Cuộc đời Má đã từng khóc nhiều, cũng như đã từng nhìn thấy nhiều người khác khóc, nhưng Má chưa từng nhìn thấy người nào khóc. Đêm ấy lần đầu tiên Má nhìn thấy một người đàn ông rất vui vẻ hoạt bát rao hàng ở chợ Tân Châu ngồi khóc cùng Má vì nỗi gia cảnh lụn bại, vì người mẹ vừa mới mất với lời trối trăn: “Phải phục hồi lại nghề”.

Má không kể nữa. Những hồi ức làm Má oằn xuống trong cơn thổn thức. Con gái cũng không hỏi, vì quãng đời sau đó của Má Con gái đã rõ. Má lên Sài Gòn giúp việc cho người ta, lưu lạc trôi nổi không biết bao nhiêu nghề trước khi vào làm cho một nhà buôn hóa chất. Má rất lanh lợi tháo vát nên nhà chủ giao cho phần lớn những việc giao dịch, mua bán. Má dành dụm được tiền mua một túp lều rách nát rồi được dịp bán lại cho một nhà buôn miếng đất “địa lợi” đó. Rồi Má cứ tìm mua đất bán lại như thế, trở thành một nhà kinh doanh nhà đất lúc nào không hay. Tất cả là như thế. Nhưng còn Con gái? Con gái từ đâu đến?

Con gái từ đâu đến? Con người đến từ yêu thương. Có người đến từ sai lầm. Rất nhiều đêm Má tự hỏi, vì cái gì mà Con gái đến thế gian này? Câu trả lời rất rõ ràng: Con gái đến từ khát khao cuộc sống của Má. Má phải có một thứ gì đó khiến mình phải sống, phải chiến đấu cùng số phận. Bây giờ Con gái biết con người có thể thụ tinh nhân tạo, nhưng vào thời của Má đó là một chuyện viễn tưởng. Chuyện viễn tưởng đó lại là ước mơ của một nữ thi nhân. Cô ta đẹp, thông minh và giàu nghị lực. Chán ghét đàn ông, cô ta nguyện không lấy chồng. Nhưng cô ta muốn có một đứa con. Má cười đùa cô ta: “Có khó gì đâu! Có biết bao người sẵn sàng làm cha đứa bé”. Cô ta nghiêm nghị nhìn Má, nói: “Không! Tôi không muốn nó có một người cha. Không có bất cứ ai đáng làm cha của con tôi. Giá như tự tôi sinh con được nhỉ? Giá như tất cả phụ nữ trên thế gian này muốn sinh con thì sinh, không cần đến bọn đàn ông nữa. Trên thế giới đã có thụ tinh nhân tạo rồi sao nước mình chưa có? Trên thế giới đã tạo ra cừu Doly từ tế bào mẹ rồi sao người ta không áp dụng cho người nhỉ?”. Có lẽ bây giờ cô ấy đã được toại nguyện, vì hiện nay thụ tinh nhân tạo đã phát triển ở Việt Nam. Nhưng lúc ấy Má không thể chờ đợi lâu được như vậy. Má cần có con để Má có thể ru khi buồn khi vui. Mà lúc ấy Má rất buồn, rất bế tắc. Má cô đơn trơ trọi giữa Sài Gòn. Má cô đơn cả trong cuộc đời này. Càng giàu có Má càng cô đơn.

- Thế còn người ấy?- Con gái rụt rè hỏi.

- Người ấy giúp Má ổn định ở Sài Gòn rồi  đi làm công nhân cho một xí nghiệp điện máy. Nhưng người ấy vẫn khắc khoải khôn nguôi về nghề dệt lụa của gia đình. Thỉnh thoảng người ấy đến tìm Má, để được nghe nhắc về quê hương, nhắc về những bộ đồ lãnh Mỹ A một thời vang bóng. Một đêm  khuya, người ấy đến từ biệt Má để đi khắp miền. Người ấy bỏ việc, quyết tâm phục hồi nghề dệt, muốn đi khắp nơi để học thêm nghề, nhất là tìm phẩm màu thiên nhiên để nhuộm lụa ra nhiều màu khác chứ không phải chỉ độc một màu đen đơn điệu. Đêm chia tay lưu luyến bịn rịn. Má xúc động vì nhiều nỗi. Má xúc động vì sao những gì tốt đẹp trên đời không hề dành cho Má. Bà nội con nhắn Má về vì ba con bệnh rất nặng mà không tiền chạy chữa, tất cả đất đai đã bán hết. Má quyết định bán hết tài sản, gom góp tiền bạc lại để về quê mua lại số đất đai của ông nội, ông ngoại con ngày xưa. Má phải về. Đó là đạo lý dành cho phụ nữ chúng ta. Nhưng chuyến trở về để lo tròn đạo vợ chồng này, lòng Má tan nát. Má sẽ vì ai, vì cái gì để sống tiếp quãng đời còn lại của Má? Thế là một ý  nghĩ táo bạo nảy ra trong đầu Má. Khác với nữ thi nhân nọ, Má muốn con Má có một người cha, một người cha có tình cảm, có trái tim, có nghị lực kiên cường, có khát vọng sống, dẫu người ấy sẽ chẳng bao giờ thuộc về Má. 

Buổi trình diễn thời trang diễn ra ở nhà hát. Má và Con gái ngồi ở hàng ghế đầu. Vẻ hồi hộp của Má khiến Con gái lờ mờ đoán, bí mật của đời Con gái nằm trên sân khấu này. Những cô người mẫu mặt lạnh băng bước ra sân khấu. Những tà áo lụa đủ màu sắc bay phất phới. Lụa Tân Châu! Lụa Tân Châu bao đời nay chỉ có một màu đen, nay như những con bướm vàng, trắng, đỏ, xanh bay rộn ràng trên sân khấu. Nhà thiết kế thời trang được vinh danh vì đã đem lụa Tân Châu giới thiệu ra nước ngoài và đoạt những giải thưởng ngoạn mục. Đêm nay người Tân Châu có dịp chứng kiến thành quả của mình sau cả trăm năm thăng trầm.

- Thưa các bạn, thưa quý khác giả- MC hào hứng nói – Thành công của nhà thiết kế bộ sưu tập thời trang này là không thể bàn cãi. Nhưng chúng ta không thể không kể đến người đã đóng góp rất nhiều việc phục hồi sản phẩm nổi tiếng của chúng ta, người đã khóac lên cho lụa Tân Châu những màu sắc huyền ảo. Người ấy đã dành gần hai mươi năm hy sinh quên mình để chúng ta có được một đêm đầy màu sắc như đêm nay. Đây, người đã trả hồn cho lụa Tân Châu.

Chính là Người ấy! Không cần Má nói, Con gái cũng biết rõ điều đó. Con gái run bấn lên khi nhìn đôi mắt người ấy. Rõ ràng, Con gái đã thừa hưởng đôi mắt sâu đen và dài của người ấy.

Má ngồi kế bên im lặng. Má không có vẻ ngỡ ngàng của người gặp lại cố nhân. Con gái chợt hiểu, Má đã từng gặp lại người ấy. Trong rất nhiều năm qua, Má đã từng gặp lại người ấy. Má có cho người ấy biết Con gái là ai không?

- Không – Má trả lời khi Con gái hỏi điều đó – Má chờ Con gái lớn khôn. Má dành cho Con gái sự quyết định thiêng liêng này. Ngày mai Má sẽ dẫn Con gái đến đó.

Con gái ngỡ ngàng bước vào không gian tràn ngập tiếng máy dệt vải, tiếng đập lụa, tiếng người ý ới gọi nhau. Khác với Má, người ấy luôn bối rối. Người đàn bà của người ấy bước ra chào, xởi lởi:

- Chị vào nhà đi. Đây là Con gái chị hả?

Những đứa bé con líu lo chạy ra. Đây chính là tuổi thơ mà Con gái không được hưởng. Chúng đều mặc lụa màu, như những người mẫu tí hon quảng cáo thương hiệu của cha. Con gái ngẩn ngơ nhìn xung quanh. Đang ngồi cùng nhau đây là những số phận được ràng buộc bởi sợi dây ruột rà. Chỉ cần Con gái nói: “ Con là con của ba”, biết đâu mỗi cuộc đời sẽ bẻ ngoặc sang hướng khác. Người đàn bà kia sẽ không còn vẻ sáng ngời niềm tin yêu, tự hào, hạnh phúc; người đàn ông kia không còn nét thanh thản – đến tận bây giờ, người ấy vẫn không hề biết mình từng có một đứa con trước những đứa bé kia; còn những đứa trẻ kia, sẽ không còn vẻ hồn nhiên trong sáng. Có gì khác nhau đâu khi Con gái có một người cha hay Con gái được tạo ra như chú cừu Doly? Nhưng hiển nhiên Con gái hạnh phúc hơn Doly nhiều khi tự tâm khảm biết rằng mình có một người cha rất đàng hoàng tử tế, rất tuyệt vời như thế. Con gái lưu giữ điều đó trong lòng như khư khư trân trọng gìn giữ món quà thiêng liêng mà ông trời đã ban tặng cho Con gái. Chỉ điều đó thôi cũng giúp Con gái sống vui, sống đẹp trong đời, như Má đã từng sống vui, sống đẹp, sống kiên cường khi có Con gái bên cạnh mình. Con gái ôm những đứa bé vào lòng, đùa:

- Các bé dễ thương quá! Cậu cho con làm chị nuôi tụi nó nghen!

Cả nhà cười. Người đàn bà mộc mạc cười híp mắt:

- Tụi tui sao dám như thế với cháu gái ông Hội đồng?

Đứa bé con nghiêm nghị nói, giọng của một đội viên đội thiếu niên Tiền Phong:

- Má, làm gì còn  ông hội đồng nào nữa. Mình được giải phóng rồi.

Cả nhà lại được một phen cười ngã cười nghiêng. 

Má lại đưa Con gái “bay” trên chiếc Mazda. Má “khoe khoang”:

- Con gái, đời Má sung sướng cực kỳ đấy nhé, cả đời được đi xe hơi, hồi nhỏ đi xe hơi của ông ngoại, bây giờ cũng được đi xe hơi nhưng là của chính mình. Đi xe hơi mua bằng chính tiền mình làm ra “đã” hơn nhiều. Một ngày nào đó Má nhất định sẽ mua chiếc ô tô bay. Má sẽ đi thăm ruộng bằng máy bay.

Má mặc bộ đồ bà ba bằng lụa Tân Châu màu cánh gián. Con gái mặc  áo đầm bằng lụa màu đỏ viền đen. Con gái không còn thấy sợ khi “bay” cùng Má, ngược lại còn hối thúc: “Tăng ga lên Má. Chạy nhanh hơn đi Má”.

Cuộc đi dạo đầy hào hứng kết thúc lúc nửa đêm. Hai má con về nhà, lăn đùng ra giường. Tuy nhiên, cả hai đều trằn trọc. Má nằm cuộn tròn. Con gái chợt thấy Má nhỏ bé, mỏng manh và yếu ớt. Con gái ôm lấy Má, nhận ra Má run nhẹ trong tay mình. Má khóc. Một cách vô thức, Con gái cất tiếng ru: “Ầu ơi, cái cò đi đón cơn mưa. Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…”   

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...