Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Trí thức được dùng, nhưng…

Trần Bào - 07-10-2011 10:13:24 AM

VanVn.Net - “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đó là chân lý mà ông cha ta đã đúc kết. Đối với bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, vai trò của trí thức cũng cực kỳ quan trọng. Nhà cầm quyền nào biết sử dụng, trọng đãi trí thức thì quốc gia đó phát triển nhanh, mạnh và vững chắc, bằng không thì ngược lại.

 

Đảng ta thời kỳ đổi mới, thành lập và bước đầu xây dựng chính quyền cách mạng, do hạn chế lịch sử, đã có những quan niệm chưa thật sự tin dùng trí thức. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn chiến lược, đã đánh giá đúng vai trò của trí thức và qui tụ được hầu hết trí thức trở về với cách mạng và dân tộc. Có thể nói, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 là một mẫu mực trong việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, trong việc sử dụng và trọng đãi trí thức, bất kể họ ở trong nước hay nước ngoài, miễn là thành tâm phục vụ đất nước, dân tộc.

Sau này, qua thực tiễn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, quan niệm về trí thức ngày càng rộng mở và tiến bộ hơn. Từ chỗ chỉ coi trong khối đoàn kết công nông đã mở rộng ra công nông và trí thức. Có thể nói, ở tầm chiến lược, tầm cương lĩnh, chúng ta đã đặt đúng, đánh giá đúng vai trò của trí thức, nhưng trong quá trình thực hiện trong những chính sách kinh tế - xã hội cụ thể, không phải là không có những độ vênh nhất định. Không ai nói ra, nhưng có một thời rõ ràng là trí thức chưa được tin dùng, chưa được đãi ngộ công bằng (vì được coi là lao động gián tiếp, nên thời bao cấp tem phiếu của trí thức bao giờ cũng thấp hơn lao động chân tay), bằng chứng là trí thức rất khó vào Đảng, rất khó được sắp xếp ở những vị trí quan trọng. Sau này khi quan niệm đã cởi mở, thông thoáng hơn thì lại đến lượt trí thức ngại vào Đảng, vì sợ cá tính sáng tạo, tư duy độc lập trong khoa học của mình bị hạn chế. Do vậy cho đến  thời điểm hiện tại, tỷ lệ trí thức – đặc biệt là những trí thức hàng đầu ở trong Đảng chưa cao.

Tại sao lại có tình trạng này? Từ trước đến nay, không ít người cho rằng chúng ta chưa qui tụ và tận dụng được chất xám của đội ngũ trí thức là do chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng. Đây là một sự hiểu lầm tai hại. Vật chất chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là đủ để trí thức cống hiến. Điều mà trí thức cần nhất là môi trường làm việc, một chân trời tự do, cá tính và tư duy sáng tạo của họ được phát huy đến mức tối đa. Điều ấu trĩ của một thời là sau khi xác định được mục đích cuối cùng, chúng ta lại xác định một cách giáo điều, cả con đường, bước đi, biện pháp... để đi đến mục đích ấy và coi đó là duy nhất đúng. Trí thức – nhất là các nhà khoa học xã hội, chỉ có việc tìm dẫn chứng để minh họa cho đường lối, chính sách, để nhất trí hơn với Trung ương. Công tác nghiên cứu khoa học trong không ít trường trở nên vô bổ, đáng lẽ phải đi trước, phải cảnh báo, phải phản biện (trong đó có phản bác) thì lẽo đẽo theo sau, do vậy ở những bước ngoặt quan trọng của đất nước, những khủng hoảng xã hội, vai trò và tiếng nói của trí thức tỏ ra mờ nhạt, ít giá trị.

Càng ngày chúng ta càng vỡ lẽ ra rằng, trên cơ sở mục tiêu của cách mạng là không thay đổi: Xây dựng một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, mỗi người, mỗi trí thức, mỗi nhà khoa học được tự do tìm kiếm con đường để dân tộc đi tới nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và trong quá trình “trăm hoa đua nở” ấy, xã hội sẽ chọn lọc, điều chỉnh, tập hợp được những biện pháp tối ưu nhất để đi đến mục đích cuối cùng.

Những người trí thức chân chính chỉ mong muốn được nhà nước giao cho cái quyền ấy để phục vụ đất nước mình, nhân dân mình. Và việc trọng đãi, tạo điều kiện cho trí thức làm việc là trọng đãi cho sự phát triển của đất nước chứ không phải vì trí thức, như có người đến nay vẫn còn quan niệm như vậy. Sở dĩ chúng tôi nói điều này vì cách đây ít năm nhà nước có chủ trương giữ các nhà khoa học có học hàm học vị công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học đến 65 tuổi mới nghỉ hưu. Đây là chủ trương đúng để tận dụng chất xám của những nhà khoa học đang vào độ chín nhưng không ít nơi lại coi đó là ân huệ, họ bắt các nhà khoa học phải làm đơn xin ở lại (và mỗi năm làm lại một lần). Thế là chủ trương trọng đãi trở thành một sự ban ơn. Một điều nổi cộm nữa, không biết đến này đã được giải quyết chưa, ấy là các nhà khoa học muốn được hưởng lương chuyên viên cao cấp phải có bằng chính trị cao cấp của trường Nguyễn ái Quốc. Rất nhiều nhà khoa học đầu ngành không được hưởng chế độ này, vì đơn giản họ không phải là đảng viên làm sao có thể đi học chính trị cao cấp ở trường Nguyễn ái Quốc được. Không nên lầm lẫn và cào bằng tiêu chuẩn chuyên môn và tiêu chuẩn chính trị cứng nhắc như thế khi giải quyết chế độ chính sách – đặc biệt là với trí thức.

Đất nước ta đang tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rồi sau này là nền kinh tế trí thức, vai trò của đội ngũ trí thức ngày càng quan trọng và có tính chất quyết định. Nhà nước cần có chính sách để người trí thức có điều kiện phục vụ tốt hơn, tránh dư luận vẫn còn dai dẳng đến giờ là trí thức được dùng, nhưng chưa được tin.

(Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ

VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...

Thư giãn  

Truyện ngắn: "Vừa bắt đầu đã kết thúc"

VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...

Nhà văn đọc sách  

Những cuộc dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng”

VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...