Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Màu rêu lục bát – Một cái “tôi” trắc ẩn

Nguyễn Mậu Hùng Kiệt - 07-11-2011 11:24:36 AM

VanVN.Net - Trong bài Trích dẫn rêu xuân – cũng là lời tựa bằng thơ cho tập sách - tác giả viết: “Phố nhỏ đang rêu màu lục bát – nghiệm thu mình, tôi chợt hóa phù vân”. Không biết trong quá trình thẩm định, đánh giá để “nghiệm thu mình”, tác giả có nghiêm khắc hay lại nương tay cho cái “thằng tôi” giàu lòng trắc ẩn.

Vâng! Một cái “tôi” trắc ẩn là điều tôi cảm nhận được từ tập thơ Màu rêu lục bát của anh Nguyễn Tấn Sĩ. Mượn thể thơ đã nhuốm màu thời gian để “nghiệm thu mình”, tôi nghĩ có vẻ hợp với tạng người Nguyễn Tấn Sĩ – người “mau miệng” và hay bông phèn bằng thơ (dĩ nhiên là thơ lục bát).

Màu rêu lục bát à ơi

Nhớ thì hát để tơi bời, ru nhau

                                                (Màu rêu lục bát)

Anh cứ tưng tửng, cợt đùa trên những dòng thơ thả trôi lênh đênh, vô định kiểu: “mỗi khi nhớ lại xức dầu – con đường trở lạnh không đâu ấy mà… mỗi khi lạnh lại xức dầu – nhớ đôi con mắt đi đâu cũng về” (Ngoảnh lại, trông theo) hay “buồn thăm thẳm mấy cuộc chơi – xét trên toàn diện là tơi tả mình… chân đi để lại con đường – và em để lại… Chưa mường tượng ra” (Điều anh chưa biết). Thế nhưng, nói như Nguyễn Duy “đừng chê anh khoái bụi đời – bụi nhân sinh ấy bụi người đấy em” (Cơm bụi ca). Có lẽ chút “bụi đời” trong thơ Nguyễn Tấn Sĩ cũng là chút “bụi nhân sinh” trong cõi trần gian thất thường mưa nắng.

Đọc thơ anh, tôi có cảm giác thơ anh là thơ của một thân phận “Sống một nơi – Nhớ một nơi – Suốt đời tìm suốt đời rơi – Để tìm” (Rơi và tìm). Nếu nói Lời hát khẽ – tập thơ thứ hai của anh - là “cuộc quay về để tìm kiếm một sự hiện diện có ý nghĩa cho chính tháng ngày sống của đời mình” (*) thì Màu rêu lục bát là sự tự ý thức thân phận với những được – mất trong cảm thức thời gian của một người nghệ sĩ.

“Nhìn lại mình đời đã xanh rêu”, không ai trong chúng ta lại không thấy hối tiếc. Nguyễn Tấn sĩ cũng không ngoại lệ. Anh đau đớn nhận ra “đã xanh rêu những phố phường – nghe mùa hạ chết vô thường hơi thu” (Màu rêu lục bát), “tường vôi rêu đã cuống cuồng – phù du chẳng biết yêu suông là gì” (Không khí lạnh), “em về rêu đã xanh thêm – tường vôi ai đã hom hem muốn chiều” (Nghe lá mầm). Dường như, anh đánh rơi hay để tuột mất một cái gì đó thật có ý nghĩa để rồi suốt đời trăn trở, day dứt trong nỗi buồn nhớ không nguôi.

Ẩn hiện hay lẫn khuất đâu đó trên những dòng thơ lục bát của anh là bóng thời gian, bóng người, sự vật, sự việc như mới vừa qua: “như vừa tỉnh giấc đêm mưa – lay bay sợ nhỏ xuân vừa thoáng qua” (Xuân ở Tam Kỳ), “mênh mông đồng trống gió lùa – tháng năm thơ ấu như vừa qua đây” (Lắng nghe sông gọi), “anh về nhả khói trong mưa – mù trời một thuở ai vừa đi qua” (Phố chiều xưa)… Với anh, nhiều thứ đã trở thành “ngày xưa”, “tình xưa”, “vườn xưa”, “mắt xưa” đong đầy kỉ niệm dấu yêu và cũng rất nhiều thứ vừa mới qua trong sự nhỡ nhàng, tiếc nuối. Cái còn lại là một “thằng tôi” nặng lòng trắc ẩn!

“Nhỡ tay cuộn chỉ rối bời – Một người ngồi gỡ một đời không ra”. Không biết có  phải “nhỡ tay”  đánh rơi để rồi suốt đời kiếm tìm: tìm em, tìm tôi trong cuống cuồng, đau đớn. Và “nhỡ tay” làm cuộn chỉ đời mình rối bời nên “mãi vòng vo, mãi lần quần” gỡ rối trong cuộc tồn sinh. Có lẽ, cuộc chơi chưa kết thúc “Tôi và thơ nợ cuộc chơi – Em và thơ cứ tơi bời gọi xuân” (Hanh nắng vàng) nên Nguyễn Tấn Sĩ chấp nhận làm “kẻ dại đánh rơi để tìm”. Vẫn biết: “Tìm vầng trăng – Mọc chân cầu – Để vầng trăng ở trên đầu – Lẻ loi” (Rơi và tìm) thế nhưng anh vẫn không thôi “tìm tôi” ở “tháng năm vừa đi qua” hay “giữa mênh mông cõi người”. Và… biết đâu trong một không gian, thời gian nào đó anh lại tìm thấy. Ví như Đêm ở Trà Tân chẳng hạn: “Đêm Trà Tân cơn mưa dầm – cháy lên bao ngọn lửa ngầm trong ta – nhói đau dấu vết trên da – ta tìm ra được ta là ta xưa”.

Anh mượn “màu rêu lục bát” để níu giữ chân quê, níu giữ vẻ đẹp của một thời bởi còn đó “vẫn xanh rêu chuyện chùa cầu – vẫn con phố hẹp nhuốm màu thời gian” (Ngẫu hứng tò he), “vẫn còn một nhánh sông quê – vẫn còn một chỗ đi về lênh đênh” (Lắng nghe sông gọi)… Ám ảnh trong “câu chữ trần truồng” thơ anh là cái đẹp ảo ảnh mong manh, sương khói của tình yêu (hiểu theo nghĩa rộng) được hình tượng hóa thành một khái niệm trừu tượng “xuân”: mùa xuân, ngày xuân, chiều xuân,  gió xuân, xuân vàng, xuân rơi, xuân sang, xuân về, xuân đi, xuân xa…

Là xuân.

             Dấu chấm sang dòng

bẻ đôi nỗi nhớ uốn cong nỗi buồn.

 

là em thuở gió mưa cuồng

dòng sông cô độc cánh buồm chao nghiêng

 

còn bờ cát trắng cõi riêng

con chim vỗ cánh về miền xuân xa

                                                (Bản thảo)

“Gã đàn ông thấm mệt” ôm “giấc mộng chiều xuân” cô độc trong cõi riêng “cứ thăm thẳm nhớ cứ cuồng điên đau”, “đã lênh đênh nhớ rồi lênh đênh buồn”. Và cứ thế, con thuyền thơ anh lênh đênh trên dòng sông cô độc của phận người nổi nênh mà ca hát và “gửi cho người tiếng tôi”.

Có thể nói, Màu rêu lục bát là “một mầm rêu lạ lẫm”. Không “lạ lẫm” trong cách cấu tứ, cách tổ chức ngôn từ của thể thơ truyền thống mà “lạ lẫm” ở chất giọng bông lơn, hóm hỉnh mà day dứt, đớn đau; vừa buông thả, nổi trôi vừa nắm níu, neo giữ. Cái kiểu “thật thà/ lúc lắc/ đong đưa/ thật thà” rất đời của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn đã được Nguyễn Tấn Sĩ phát huy mà làm lạ hóa, làm mới những câu thơ lục bát:

Một câu thơ

              Chỉ một câu

Một câu ở lại nát nhàu cả xuân

Màu rêu lục bát phù vân

Dắt thơ qua cõi dương trần để rơi

 

Một câu ở lại tơi bời…

(Ai đưa lục bát)

Giá như… chỉ giá như thôi, tác giả Màu rêu lục bát đừng quá buông tuồng, tránh “gặp lại mình” ở những chỗ không cần thiết và dày công hơn trong cách vắt dòng để tạo ra những điểm nhấn thì thơ anh sẽ đẹp hơn. Nói là thế nhưng không phải ai trong chúng ta cũng để lại được “dấu dằm” trên dòng sông lục bát như anh Nguyễn Tấn Sĩ. Thành thật chúc mừng!

---------

(*) Câu văn của Tần Hoài Dạ Vũ

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Huyền thoại tàu không số - một tác phẩm phi hư cấu đậm chất tiểu thuyết

VanVN.Net - Trong cuộc họp báo ra mắt cuốn sách, nhà văn Đình Kính xúc động nói về những nhân vật trong tập ký của mình: "Một con đường huyền thoại nhưng chỉ có  chưa đầy chục người được phong anh ...