Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tôi đã viết “Sóng chìm” như thế nào?

Đình Kính - 07-11-2011 08:43:50 AM

VanVN.Net - Năm 1978, khi đang ở trại viết quân đội để chuẩn bị vào học trường viết văn Nguyễn Du (khóa I), tôi “tháp tùng” nhà văn Hồ Phương đi thực tế Hải quân. Chỉ mấy ngày xuống đơn vị “tàu không số”, năm sau, nhà văn Hồ Phương đã có tiểu thuyết  “Biển gọi”. Nhà văn Hồ Phương chỉ loáng nhoáng có mấy hôm mà viết được tiểu thuyết, còn mình, nước mặn ngấm vào từng lỗ chân lông, khá hiểu về biển và những người lính biển, sao không viết nhỉ?

Nghĩ vậy, nên sau khi ra trường, năm 1982, rồi trở lại Hải quân công tác, tôi bắt tay viết về các chiến sỹ đã làm nên con đường vận tải vũ khí trên biển Đông. Năm 1984, bản thảo tiểu thuyết “người của biển” hoàn thành và năm 1985, được nhà xuất bản Quân đội ấn hành với số  lượng 1 vạn hai ngàn cuốn. Vừa xuất bản, tiểu thuyết đó đã được giải thương văn học Hoa Phượng đỏ và năm 1989, được giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng.

 “Người của biển” viết theo lối hùng ca, là xu hướng văn học lúc bấy giờ. Một số chi tiết miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh, những hy sinh mất mát đều bị cục chính trị Hải quân và biên tập viên nhà xuất bản cắt bỏ… (Sau này tôi đã lấy lại những đoạn cắt bỏ ấy mỗi lần tác phẩm được in lại)

Những năm gần đây, không khí văn chương cởi mở hơn, nên mặc dù đã có một cuốn tiểu thuyết về những người làm nên con đường vận chuyển vũ khí trên biển đông khá đầy đặn, tôi vẫn thấy chưa “đã”, vẫn thấy những điều mình viết ra trước đây cứ thiếu thiếu một cái gì đấy, do vậy tôi quyết định viết Sóng chìm. Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, đã có thể bộc lộ những nhận thức về cuộc chiến đấu đó như nó vốn có, đã đến lúc viết về cuộc chiến ấy trung thực hơn, với những hy sinh mất mát, với những tổn thương, khốc liệt, với những éo le nơi thân phận người, với những quan hệ dằng dịt mà nghiệt ngã, với những bi kịch trong chiến tranh, và đã có thể đẩy những vấn đề ấy tới tận cùng, điều mà trước đó, do hoàn cảnh lịch sử, ít làm được. Tôi đã “mượn” câu chuyện “tàu không số” chở vũ khí vào Vũng Rô bằng đường biển để bộc lộ quan điểm đã trình bày ở trên.

Khi viết “Người của biển”, tôi chưa một lần đến các bến bãi mà “tàu không số” chở vũ khí cập vào, trước đó nữa, khi viết “sóng của sông” (xuất bản năm 1976), cuốn sách nói về các chiến sỹ đặc công nước đánh tàu Mỹ ngụy ở cửa Việt, tôi chưa từng đến Cửa Việt, cũng như khi viết “Sóng chìm”, tôi chưa đặt chân đến Vũng Rô. Có chăng là mỗi lần đi qua, dừng lại nơi đèo Cả nhằm ngó xuống vùng đất ấy. (Sau nay, khi cần viết các sự kiện thật đã xẩy ra ở đó, tôi mới có điều kiện đi lại nhiều lần)

Nói vậy để thấy rằng vốn sống của nhà văn không hẳn ở những chuyến đi thực tế (mặc dù điều ấy rất cần). Tôi quan niệm vốn sống của nhà văn là kiến thức (kiến thức được tích lũy từ cuộc đời, từ sự am tường về con người, từ sách vở, từ các phương tiên thông tin, và từ nhiều nguồn khác… cần ăng ten càng nhạy, càng thu lượm được nhiều); và kiến thức là văn hóa. Tư tưởng, văn hóa, sự lịch lãm là yếu tố hàng đầu để tạo nên độ vang xa của tác phẩm… Đi thực tế nhằm có điều kiện nạp thêm kiến thức, cần lắm, nhưng không cẩn thận, nhà văn sẽ vô thức, mặc nhiên biến mình thành một dạng nhà báo. Nói thế không có nghĩa coi văn chương cao hơn báo chí. Mỗi thể loại có những đặc trưng riêng, thế mạnh của báo chí là tính tức thì, là sự phản ánh kịp thời các sự kiện. Còn văn chường lại khác, đó là những giá trị trong quyền năng nuôi dưỡng tâm hồn con người ở tác phẩm của người nghệ sỹ.  Danh họa Picát xô có nói rằng, tôi không vẽ cái tôi nhìn thấy mà vẽ cái tôi cảm thấy. Viết văn chắc cũng vậy. Thông qua sự nhìn thấy để viết cái cảm thấy. Với riêng tôi, chưa một chuyến đi thực tế nào để từ đó đẻ ra tác phẩm văn chương, nếu có chỉ là những bài ký mang tính báo chí có đặc thù văn chương. Văn chương là tài năng của trí tưởng tượng, là tài năng của sự sáng tạo. Văn chương đích thực hình như không chỉ tồn tại trong ý thức công dân, mà quan trọng hơn, nó tồn tại trong sự thăng hoa của ý thức nghệ sĩ. Tôi viết Sóng chìm trong quan điểm ấy. Nhiều người đọc Sóng chim, tưởng rằng tôi đã sống ở cái vùng mà mình thể hiện trong tiểu thuyết nhiều lắm, thậm chí có nhà báo hỏi rằng, anh đã sống ở Vũng Rô bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng. Tôi chỉ cười.

 Trong tiểu thuyết đó, tôi rất thích các nhân vật nữ của mình. Đặc biệt là nhân vật Tư Nhâm và nhân vật Năm Hồng. Tư Nhâm là một phụ nữ xinh đẹp, thùy mỵ, biết hy sinh vì nghĩa cả, biết đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân. Trong chiến tranh, để làm trọn công việc tổ chức phân công, chị đã phải sống khác mình, đã phải đóng vai người khác, thậm chí phải lấy một sỹ quan ngụy (nhưng qua những ngày chung sống, họ yêu nhau thật sự). Sau ngày giải phóng, chồng bỏ tổ quốc, di tản sang Mỹ, chị quyết định ở lại chờ "đàng mình". Nhưng mỗi lần ra đường hay có việc đến chỗ đông người, chị thường bắt gặp những ánh nhìn tò mò, khó chịu, thương hại, thậm chí khinh bỉ. Tình thế đẩy đưa khiến chị phải nhập vai làm diễn viên, sống khác mình để đến lúc này, sự éo le lại xô chị vào trạng huống không còn cái khả năng quay về với chính mình được nữa. Chị đã thành người khác. Ngày ngày cố sắm vai đóng lại chính mình mà nhạt nhoà, không giống. Nhiều lúc hoang mang, chị thẫn thờ tự hỏi mình là ai, nhưng không có câu trả lời. Và cũng không thể trả lời. Đó là bi kịch của người phụ nữ trong chiến tranh. Năm Hồng lại một dạng phụ nữ khác. Chị sống rất bản năng, rất "đực cái", nhưng là một người có tình, rất tốt tính, sẵn sang giúp đỡ mọi người. Chị không phân biệt địch ta. Quan niệm của chị là : sao không lên giường ôm nhau cho sướng lại cứ đi đùng đánh nhau. Chị là mẫu phụ nữ trong chiến tranh mà tôi tâm đắc. Nhiều người cũng khen rằng Năm Hông là nhân vật điển hình của Sóng chim, nhiều công phu và thành công.

Nhà văn Đình Kính (bên trái) thắp hương liệt sĩ tàu không số (Ảnh: Đức Thọ)

 Hai nhân vật đó và nhiều nhân vật khác nữa trong sóng chìm là sự tưởng tượng của tác giả. Nguyên mẫu có chăng, chỉ phảng phát chút chút  mà thôi. Tôi là nhà văn sáng tác theo thiên hướng của sự tưởng tượng, ít phụ thuộc vào nguyên mẫu… Có lẽ vì vậy mà khi sóng chìm ra đời, đã có người cho rằng tôi đã không trung thực với sự thật lịch sử. Thậm chí có người đã phê rằng viết về chiến tranh Việt Nam mà không thấy bóng dáng lính Mỹ đâu cả. Về vấn đề này, tôi đã nhiều lân nói rằng, trung thực hay không trung thưc với lịch sử trong tiểu thuyết khác với trung thực hay không trung thực trong viết sách lịch sử. Trung thực với lịch sử trong viết sách lịch sử là phải trung thực với các sự kiện và chi tiết lịch sử đã xẩy ra. Còn trung thực trong tiểu thuyết là trung thực với bản chất của vấn đề, trung thực với thân phận nhân vật và ý nghĩa của nó phía sau lịch sử, trong tính nhân văn. Trong đó trung thực với số phận nhân vật mang dấu ấn lịch sử quan trọng hàng đầu.

Đâu phải ngẫu nhiên mà nhân loại chọn tác phẩm Đôn- ky- hô- tê của xéc- van- téc là tác phẩm để đời, mặc dù tác phẩm ấy không mô tả một cuộc cách mạng nào, một cuộc chiến tranh nào, một cuộc cải cách nào; không hề viết về một sự kiện nào. Tác phẩm hoàn toàn chỉ là trí tưởng tượng tuyệt vời và uyên thâm của nhà văn.

 Viết văn chạy theo sự kiện, tác phẩm viết ra, mặc dù vẫn phô là tác phẩm văn chương lại rất dễ trở thành một bài báo kéo dài .

 Những người đã kinh qua chiến tranh thuộc thế hệ các “nhà văn trung úy” như chúng tôi có thế mạnh là tường tận các sự kiện của chiến tranh, nhiều hiểu biết về chiến tranh… Nhưng đấy là con dao hai lưỡi, nếu tham lam, không biết điều tiết, để các sự kiện lấn át nhân vật, thành ra viết văn mà  như thể một dạng thức của báo. Còn thế hệ không qua chiến tranh, lớn lên trong hòa bình, lại ở thế mạnh là đã có độ lùi của thời gian để bình tĩnh chiêm nghiệp và lý giải mọi điều một cách thấu đáo, không bị ngợp trước các sự kiện, nên viết có thể sâu hơn, khái quát hơn. Hãy lấy cuốn tiểu thuyết "Thiếu nữ đánh cờ vây" của Sơn Táp làm ví dụ. Sơn Táp sinh năm 1972 tại Bắc Kinh sau đó sang paris học rồi định cư ở Pháp. Khi Sơn Táp viết cuốn "Thiếu nữ đánh cờ vây", cuối năm 2001, cô mới 29 tuổi. Cuốn sách lấy bối cảnh là một đô thị hẻo lánh vùng Mãn Châu trong cuộc chiến tranh Trung Nhật những năm 1930. Một cô gái sinh ra trong thời bình, cuộc chiến mà cô viết đã lùi xa gần một thế kỷ (cụ thể là 70 năm). Nhưng đây lại là một cuốn sách viết về chiến tranh rất hay, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được bốn giải văn học lớn của Pháp, được giải thưởng văn hoc Goncourt dành cho giới trẻ. Đọc cuốn tiểu thuyết ấy, tôi không thấy bóng dáng những người lính Nhật, cũng chẳng thấy bóng dáng những người lính Trung Quốc đâu cả. Chỉ thấy những khám phá tuyệt vời về các mối quan hệ của con người với con người trong chiến tranh mà thôi.

 Bởi vậy, là người đã qua chiến tranh và đã viết về chiến tranh, tôi muốn nói điều cuối cùng này, mọi thế hệ đều có thể viết về chiến tranh, dù cuộc chiến tranh đó đã đi vào lịch sử. Duyma nói đại ý: lịch sử là cái mắc áo để tôi treo cái áo của mình lên đấy. Đây là ý kiến chuẩn xác để các bạn trẻ tham khảo khi viết về lịch sử và chiến tranh. Với sóng chìm, tôi lấy sự kiện “tàu không số” chở vũ khí vào Vũng Rô làm cái “mắc áo” để “treo” những điều mình giãi bày về chiến tranh lên đó.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn