Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Băng Sơn ơi, mừng bạn tròn một sự nghiệp

Vân Long - 28-04-2011 04:30:36 PM

VanVN.Net - Tôi nhớ có nhà văn nước ngoài đã viết: Đừng coi thường đề tài nhỏ, một thị trấn nhỏ vẫn có thể nẩy sinh tài năng lớn . Câu đó ít nhiều như có bóng dáng thị trấn Cẩm Giàng, nơi phát tích nhóm nhà văn Tự Lực Văn đoàn. ..

Nhà văn Băng Sơn

Nhà văn Băng Sơn lại chọn nơí ấy để ra đời vào ngày 18 tháng12 năm 1932, tên khai sinh ông là Trần Quang Bốn, bút danh dùng tên hai con Quang Chi, và tên vợ Mai Phương thành Mai Băng Phương rồi Trần Cẩm Giàng, dẫu nguyên quán của ông là Bình Lục – Hà Nam. Ông là hội viên hội nhà văn Việt nam khá muộn, năm 2.000, khi ông đã 68 tuổi. Và chỉ được dự một lần đại hội VII, bởi ngay trước Tết Kỷ Sửu (mới bắt đầu những bước đầu tiên chuẩn bị vào Đại hội nhà văn lần thứ VIII) ông đã ngã bệnh lần cuối, tai biến mạch máu não, rồi tâm phế mãn gì đó…và nằm bất động với chiếc máy trợ thở cho đến lúc ra đi, trở thành nhà văn đầu tiên ra đi sau đại hội này.

Thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương, dường như cái thị trấn nhỏ đẫm không khí văn học này đã thấm vào ông, hình thành tình yêu văn chương trong ông từ thuở ấu thơ. Ông sáng tác và in bài thơ đầu tiên từ năm 17 tuổi khi mới là một học sinh trung học đang học thi tú tài phần I ở một trường tư thục Hà Nội. Rồi từ đó, như một định mệnh, cây bút không rời tay ông trên sáu thập kỷ. Giai đoạn đầu dành cho thơ và kịch bản văn học, sau, dành hẳn cho văn, tùy bút và bút ký, đặc biệt, dành hẳn cho đề tài Hà Nội. Tác phẩm chính của ông đầu đời là Nắng bên sôngThơ hai người, sau là vài chục đầu sách, những Ngàn mùa hoa (tản văn 1993), Con thuyền hoa (1993), Hương sắc bốn mùa (tùy bút 1994), Nước Việt hồn tôi (tùy bút, 1995), Bóng bẩy màu (đoản văn 1996), Cái thú lang thang (tùy bút 1997), Người đã khói sương (tùy bút 2000) Dòng sông Hà Nội (tùy bút 2001, Miếng ngon đất Bắc (tùy bút 2001), Tiếng ru hồn (2006), Món ngon các miền (2006), 100 ngôi nhà nghệ sĩ Hà Nội (2009) Người Việt…từ nhà ra đường (2009)Thú ăn chơi người Hà Nội (tái bản nhiều lần 1975- 2005)…và đóng góp nhiều bài trong Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long. Ông ăn Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam về văn xuôi viết cho thiếu nhi, giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu cho kịch thơ Vào Xuân, giải thưởng báo chí cho phóng sự năm 1982 với bút danh Quang Chi.

Năm 1952, trong vùng Hà Nội tạm chiếm, Băng Sơn là chàng trai hào hoa 20 tuổi, đã có thơ in trên nhiều tờ báo. Anh lại có năng khiếu kịch với giọng ngâm thơ sang sảng, từng đóng vai chính trong vở Con tôi về giữa mùa xuân (kịch bản của Giang Quân) trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội. Chỉ cái tên vở đã toát lên niềm hy vọng, tấm lòng người Hà Nội hướng về kháng chiến. Giống như Bến nước Ngũ Bồ của Hoàng Công Khanh, lòng yêu nước trong hoàn cảnh bị o ép, phải ngụy trang dưới đề tài lịch sử. Anh sáng lập nhóm sáng tác Hoa Phượng. Nhóm cũng mang khuynh hướng viết những gì trong sáng, hướng thiện, không sa vào bi lụy hay hấp dẫn rẻ tiền.

Bước vào năm kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long Hà Nội, chúng ta đặc biệt ghi công và nhớ đến những nhà văn, nhà nghiên cứu đã tập trung tài năng và trí tuệ cho đề tài này, cả ở lĩnh vực sáng tác lẫn phát hiện, tổng kết những nét đặc sắc, đặc điểm về văn hoá ăn, mặc, ở của người Hà nội, mà nhà văn Băng Sơn thường xuyên có mặt trên các giá sách về đề tài này và trên các phương tiện truyền thông giới thiệu nếp sống thanh lịch của người Hà Nội.

Càng đến gần ngày kỷ niệm lớn nghìn năm Thăng Long Hà nội, ta càng không quên cái mốc kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10 tháng 10, ngày Hội của cả nước, nhưng cũng là ngày ghi dấu cuộc vui mừng họp mặt giũa các văn nghệ sĩ ở kháng chiến về và anh em văn nghệ sống trong vùng tạm chiếm Hà Nội vẫn có những đóng góp cho sự trong sáng của tiếng Việt, văn chương Việt, ghi nhận tấm lòng hướng về kháng chiến của bà con sống trong lòng Hà Nội.

Thủa ấy, trong những ngày chộn rộn vui mừng chuẩn bị đón ngày Giải phóng, nhà văn Băng Sơn cùng một số văn nghệ sĩ đã thành lập đoàn kịch Tháng Mười xây dựng tiết mục cho đêm công diễn vở kịch nói mà ông đóng vai chính.

Nhờ trải nghiệm những giai đoạn sống lúc thăng lúc trầm của người Hà Nội trong nhiều giai đoạn mà sau này Băng Sơn tìm hiểu, phục hiện lại cả những hồn xưa trên phố cổ: Ông viết cuốn Trăm ngôi nhà nghệ sĩ Hà Nội với một cảm thức thường trực về lịch sử. Bước chân lên mỗi viên gạch lát đường, ông như nghe được những hồi âm từ quá khứ. Không chỉ là kiến thức! Những ngõ Huy Văn, nơi sinh ông vua thi sĩ Lê Thánh Tôn, dốc Hàng Than, bến Đông Bộ Đầu, những chiếc đấu đong quân bờ sông Tô Lịch…Bao nhiêu cảm xúc bâng khuâng với hồn thiêng lịch sử thấm đẫm những trang viết ấy. Ông nghe được hồi âm từ nhiều thập kỷ: Chỉ 400 mét phố Hàng Than mà ta thấy bao nét thăng trầm Hà Nội qua dấu tích những đình chùa còn lại. Con phố nhỏ Hàng Bè xưa là Hàng Cau chỉ dài 172 mét, ông đã chỉ rạch ròi hàng chục số nhà từng liên quan đến những nhân vật “vang bóng một thời”. Như số 15, nhà cũ của nhà văn Nhất Linh, gia đình này nổi tiếng là một nhà buôn cau phát đạt. Số 24 là nhà làm bánh gai Đan Quế không kém nổi tiếng, số 16 là trường tư thục của hai anh em thày giáo Bùi Hữu Đột..Có những chi tiết đã trượt qua bộ nhớ của ngay những người trong phố, ông cũng khôi phục lại tỷ mỷ, chính xác. Ông có sự cần cù chi chút tư liệu như cụ Nguyễn Văn Uẩn (Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX) nhưng lại được thổi vào đó cảm xúc phóng khoáng của một nghệ sĩ. Hai yếu tố không dễ có trong một nhà nghiên cứu!

Về thơ, một thời gian sau giải phóng thủ đô, ông là một cây bút được chú ý cùng thời với Ngô Văn Phú, Bùi Minh Quốc, Trần Nhật Lam. Bài thơ “Tiếng nước Hưng Yên” được dư luận khen ngợi, sau được chọn vào Tuyển tập thơ Việt Nam Hiện đại (I) (NXB Hội nhà văn) như để ghi nhận có thời ông được coi như nhà thơ chủ lực trong giới trẻ. Những năm chống Mỹ, ông chuyển sang viết kịch, viết báo. Thực ra ông vẫn làm thơ nhưng theo cách riêng, cho riêng ông, khó in báo. Sau đổi mới, dạng thơ ấy mới được ra mắt trong tập Thơ hai người (in chung với Nguyễn Hà). Giai đoạn cuối trước nghỉ hưu ông làm phó ban chính trị cho báo Độc Lập, có những bài viết sắc xảo về Quốc hội, tòa án, chân dung các nhân sĩ trí thức (đối tượng chính của báo Độc Lập) Những năm 60 đến 70 tuổi, ông được coi là một trong 4 nhà báo đang sung sức nhất.

Ông là con người mang phẩm chất Hà Nội thực sự, từ thú chơi đào thế tao nhã trở đi. Tết nào chưa sắm được cành đào ưng ý, coi như chưa có Tết. Có năm chợ hoa chỉ có một cây bạch đào, vị trí cây bạch đào ấy chắc chắn sẽ ở nhà ông! Phẩm chất Hà Nội chủ yếu toát ra trong ứng xử với con cháu, họ hàng, bè bạn. Các con ông được lớn lên một cách thoải mái (bây giờ là các cháu) không bị gò bó gì để phát triển được cá tính trong không khí gia đình đầm ấm vui vẻ, nhưng vẫn có một nền nếp vô hình để con ra con, em ra em, anh ra anh…Có thể nói đó là một gia đình hạnh phúc hài hòa ba thế hệ (nay đã sang thế hệ thứ tư) mà không cần phải có những yếu tố nổi trội như sự sung túc, nhà cửa rộng đẹp, con cái thành đạt…Đó là một gia đình văn hoá Hà Nội khá điển hình! Điều này không thể không có sự góp phần quan trọng từ bà chủ gia đình hiền hậu, từng là một cô gái Hà Nội với đúng nghĩa của nó, là ca sĩ Mai Phương của Hà Nội những năm 50 thế kỷ trước…

Nhà văn Băng Sơn sau hơn sáu thập kỷ miệt mài lao động sáng tạo đã đóng góp cho văn học đề tài Hà Nội một phần rất đáng kể, bởi ăn, mặc, ở cho ra người Hà Nội là những phần hết sức quan trọng của Hà Nội học mà ông tích cực đóng góp trong giai đoạn cuối đời.

Ông ra đi tại tư gia sáng ngày 3 tháng 9 vừa qua. Thế là các độc giả và bạn bè ông từ nay không còn thấy cái dáng lòng khòng một ông già tóc trắng đạp xe quanh khu phố cổ Hà Nội…Chúng ta hãy gặp lại ông trên trang sách hoặc trên màn hình còn lưu trữ hình ông trả lời phỏng vấn những vấn đề về nếp sống thanh lịch người Hà nội!

Với riêng tôi, cùng nhóm Hoa Phượng với ông thuở đầu xanh, lo góp phần tổ chức, tôi chỉ kịp ghi vội vào sổ tang mấy dòng:

Băng Sơn ơi!

Bạn bè suốt sáu mươi năm

Còn trẻ thì bay theo đàn

Lớn lên mỗi phương mỗi đứa

Mừng bạn tròn một sự nghiệp

Đâu như mình còn dở dang…

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...