Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Bâng khuâng bút tích

Xuân Ba - 27-01-2014 08:55:13 AM

VanVN.Net - ...Còn nhiều những bút tích này khác của các đấng  các ông anh bạn bè và cả những em! Bâng khuâng. Buồn. Nhớ... tất nhiên khi ngó lại hay cảo thơm lật giở các bút tích. Và cứ rờn rợn thế nào?

Nhà văn Nguyễn Khải

Về cơ quan, chị thường trực đưa cho cái phong bì trong có một mẩu giấy kẻ caro nham nhở xé ra từ cuốn sổ nào đó. Thì ra ông Nguyễn Khải.

Xuân Ba ơi

Khải đã ra 1 tuần, muốn gặp bạn cố tri quá. Tối nay nếu XBa rảnh rỗi lại 4 Lý Nam Đế ngồi nhìn nhau một lát cho đỡ nhớ.

Nguyễn Khải (tối nay tức là tối thứ 5)

Loáng nhanh những lần cùng ghé xứ Thanh về quê làng Bồng Vĩnh Tân. Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo. Câu ấy trong Chèo Quan Âm thị Kính nói về một vùng đất có tiếng rèn giũa, cảm hóa người. Họ Nguyễn của nhà văn Nguyễn Khải nguyên ủy ở làng Bồng Trung, Vĩnh Lộc quê ông Tống Duy Tân đây, di ra Nam Định là đời thứ 34. Ông bảo tôi thế.  Hình như sau chuyến đi ấy, Nguyễn Khải có Hào kiệt xứ Thanh. Rồi những lần ghé Gia Miêu Ngoại trang nơi phát tích nhà Nguyễn. Những đầu đông cuối xuân dạt về Thành Nhà Hồ, Kinh Bắc. Dạo ông Lê Huy Ngọ mất chức Bộ trưởng, ông bảo tôi liên lạc với ông Ngọ để ông sắm sanh một cái gì, mà ông bộc bạch cho nó tươm tươm chứ không tướp như Tầm nhìn xa. Chả là ông Ngọ thuở tráng niên là nguyên mẫu cho ông Nguyễn Khải dựng nên nhân vật Tuy Kiền.

Vô Sài Gòn, cùng đám viết lách lần nào cũng ghé Khánh Hội chỗ nhà ông.

Rồi những đêm lạnh năm ấy, ông trong Sài Gòn ra. Những đấng bậc, những anh chị thằng con này khác xúm xít quanh đống lửa ở chỗ nhà sàn Láng Hạ của điêu khắc gia Khúc Quốc Ân. Ông không kén người ngồi chuyện. Lắm bữa cung cách như là ngang hàng cá mè một lứa cả với những dạng như tôi, cỡ đi theo hóng hớt điếu đóm. Một đêm say ở nhà sàn như thế mà dám đèo ông Nguyễn Khải về Hội Nhà văn chỗ Nguyễn Du may mà trót lọt. Nghĩ cứ kinh mãi. Mà sao ông lại dám ngồi cho tôi đèo?

... Không hiểu sao coi khắp một lượt mẩu giấy kẻ caro, như đã nói, thì có quen có thân nhưng mẩu giấy kiêm bút tích choán một âm hưởng chi đó hơi là lạ? Như có chút da diết lẫn bi bi? Có vẻ như tự dưng ông như nâng cấp mối quan hệ vốn bình thường tằng tằng của anh em chúng tôi với một người viết lớn?

Ít lâu sau lần ra Bắc ấy, nhà văn Nguyễn Khải trở bệnh nặng rồi ra đi.

 

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn

Một quý nhân nữa ở Quy Nhơn là nhà nghiên cứu cao niên Vũ Ngọc Liễn. Năm rồi, ở tuổi cửu thập, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về các công trình nghiên cứu Đào Tấn.

Có thể gọi mà không sợ sái rằng, ông Vũ Ngọc Liễn là người có duyên và cả tài trong việc coi sóc di sản của Đào Tấn.

Ngồi với ông lâu lâu, câu nói của Gamzatov cứ bon bon ập về trí nhớ rằng, khi tài năng đến cứ trú ở một người, nó không cần tìm hiểu xem anh ta thuộc dân tộc lớn hay bé, anh ta ở thành phố đông hay ít người! Tài năng là tài năng, thế thôi.

Trưa 26-11-2013 điện thoại đổ chuông... Chỉ nghe loáng thoáng Quy Nhơn Bình Định đây Vũ Ngọc Liễn đây... Đúng chất giọng khao khao quen thuộc của Giamaham (già mà ham- luôn ham công tiếc việc- biệt hiệu nhà thơ Thanh Thảo tặng nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn) Vũ tiên sinh rồi. Nhưng chắc lỗi nhà mạng hay sóng mà những chuỗi âm thanh cứ ríu vào nhau.

Rồi máy chuyển. Một giọng khác rành rọt rằng, cụ Vũ Ngọc Liễn có viết tặng tôi 4 chữ. Cụ hỏi chính xác địa chỉ của tôi để gởi theo đường bưu điện.

Lối 13 giờ hơn ngày 28-11, nhà thơ Thanh Thảo choang choác từ Quảng Ngãi, biết tin chi chưa? Cụ Vũ Ngọc Liễn mất lúc 12 giờ trưa nay rồi.

Đến chiều tối hôm ấy thì quà của Vũ Ngọc Liễn tiên sinh đến tôi. Mở ra là bức thư pháp chĩnh chiện bay bướm 4 chữ tiêu dao ký giả. Kèm theo bút tích với tuồng chữ phóng khoáng của ông già 90.

Liễn gửi tặng Xuân Ba 4 chữ

Tiêu dao ký giả

(nhà báo thảnh thơi thoát khỏi mọi ràng buộc) ba chữ nhỏ bên góc phải là Quý Tỵ đông

Chín chữ nhỏ bên góc trái gồm 2 hàng

Vũ Ngọc Liễn đề tặng Xuân Ba

Lưu niệm

Bút tích cùng chữ nghĩa là đây mà cố nhân đã biệt?

Thảnh thơi cùng ràng buộc? Cụ nhắc cùng răn khéo rằng, chả ai ràng lẫn buộc cả! Chỉ giống tham sân si là mới tự nguyện đút đầu vô những rọ này đó khác?

 

Nhà thơ Đồng Đức Bốn

Với lục bát, Đồng Đức Bốn đã làm cho cái bình bình của thơ nước nhà và mặt bằng lục bát nói riêng gồ hẳn lên một cái lĩnh (người xưa có dặn, nếu chưa đủ tiêu chí là đỉnh thì phải gọi bằng lĩnh) Những chăn trâu đốt lửa những trở về với mẹ ta thôi những chuông chùa kêu trong mưa... năm hay sáu tập chi đó tôi không nhớ hết của các nhà xuất bản Văn học, Hội Nhà văn...

Đồng Đức Bốn lúc ồn ã lúc lặng thinh dọn cho mình một vuông chiếu riêng như thế bất biết những âm thanh lúc chói gắt lúc sắc lạnh của trường văn trận bút có cái thói hễ thấy cái chi lạ, thứ gì ngồ ngộ nói tóm lại không giống mình (hoặc nhỉnh hơn mình) thường ngay lập tức làm việc!

May là Bốn, nói như thế nào nhỉ, gọi là đứng về phía số đông thì chả phải mà lục bát của Bốn kén người. Kén và găm vào người ta những câu đại loại cầm lòng bán cái vàng đi/ để mua lắm thứ nhiều khi không vàng hoặc Cánh hoa sắc một lưỡi dao/ vì yêu tôi cứ cầm vào như không hay… Thế rồi lại đến mùa thu/ gió như Phật lại ngồi tu bên giời/… Đừng buông giọt mắt xuống sông/ anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm vv... và vv... Tóm lại bao nhiêu thứ vu vơ ngớ ngẩn lẫn dài dại ma mãnh, Đồng Đức Bốn đã đủ sức thân mật bá vai  mà bạn bè, mà tri âm với nhiều, nhiều người lắm!

Bốn giao du hình như với đủ thứ hạng người? Có người đặt cho Bốn biệt hiệu Bốn lù! Bốn có vẻ khoái cái tên ấy là tự dưng lù lù xuất hiện lù lù làm phiền làm nhiễu người khác ấy mà... Nhưng có lúc Bốn lại nhệch ra cái cười ma mãnh nà chúng ló bố nếu bố náo gọi chại đi ấy mà! Rồi Bốn lại ngân nga mang câu lục bát ra tiêu / tôi mang về được chín chiều bão giông...

Viết điếu văn cho mình. Viết hẳn hoi ra giấy cho người thân kể cả tin buồn đăng trên tivi cho việc hậu sự thì nhiều người làm thế rồi. Nhưng Đồng Đức Bốn, điện thoại oang oác cho mọi người báo tin mình bị ung thư phổi! Nhất tướng nhị thanh. Tướng ấy thanh ấy thì Đồng Đức Bốn dính làm sao cái thứ khốn nạn ấy được? Mà tính tình đôi lúc chất chưởng là vậy? Khối người chả tin. Chỉ lúc gặp riêng ông bác sĩ ngoài hành lang thì mới hay đúng vậy và đã là giai đoạn cuối.

Thấy mà như không thấy cái kiểu hí húi mỗi khi Bốn viết. Hình như nặng nhọc hơn mọi khi trên góc một tập giấy khổ A4 hiện ra những dòng này: Tặng Xuân Ba 20 bài thơ viết trên giường bệnh. Hy vọng đây không phải là bài thơ cuối cùng...

Một chủ nhật mưa, mấy anh em rủ nhau ghé Bốn. Cái xóm ngoại thành nhà Bốn có cái tên đến là lam lũ lê lác

Ngay cổng, chĩnh chiện tấm chân dung chủ nhà ngồi kề bên nhà thơ Tố Hữu vào kèm bút tích của Tố Hữu: Đồng Đức Bốn, một tiếng đờn đồng điệu ngọt ngào và chua xót. Thân mến, Tố Hữu.

Ngọt ngào thì rõ. Thế còn chua xót? Sao thế nhỉ? Bức ảnh này Đồng Đức Bốn chụp với Tố Hữu đâu như năm 2000. Bút tích này, điềm triệu chi đây? Mà thôi, trước cái hồi chưa phát lộ bệnh, chính Đồng Đức Bốn đã từng thản nhiên  Trở về với mẹ ta thôi/ lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ/… Bây giờ con chẳng có gì/ cúi đầu lạy mẹ con đi về trời/… Tôi giờ về với trăng sao/ Xin trời một trận mưa rào đón tôi vv...

Nhà đang có khách... Tôi nhận ra ông bà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đi công tác tiện ghé thăm...

Lần ấy Bốn thò ra cái bút tích của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi đó đương là Ủy viên Bộ Chính trị, trên một tấm giấy A4. Lại bút tích!

Bạn chừ đóng gạch nơi nao/ Văn chương lấm láp vêu vao mặt người... Lòng yêu yêu đến trong ngần/ Đường xa thương vết chân trần bạn tôi/ Mong sao bạn bớt bùi ngùi/ Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau...

Mong sao bạn bớt bùi ngùi. Bùi ngùi? Lại một điềm gơ gở chi đây?

Nhà thơ Bế Kiến Quốc

... Ngồi giữa anh em đồng nghiệp, trong âm thanh rù rù vo vo bánh xe lăn ngược về Hà Thành mà thi thoảng tôi cứ giật thột khi tâm trí cứ ngược về một ngày mưa dai ấy của năm hai ngàn. Năm ấy, chúng tôi đi với ngành chè, ngược mãi vào giữa điệp trùng núi non Nghĩa Lộ. Cũng cái lòng xe na ná như xe này, bên tôi một bên là Bế Kiến Quốc và một bên là Đồng Đức Bốn. Giờ một người đã đi, một người sắp khuất! Hơi điều hoà hay gió mà thốt nhiên lạnh cả hai vai?

... Bây giờ, trên kệ sách kia đậu trĩu 8 năm rồi một cuốn thơ khủng có trọng lượng gần 4 ký, khổ lớn 16X24cm, 1107 trang. Sách ấy bìa màu xanh vàng. Trước tác của Đồng Đức Bốn. Chim mỏ vàng và hoa cô độc- tác phẩm và dư luận đã được tuyển chọn do chính Đồng Đức Bốn trình bày. Trang ruột run run những dòng lưu bút màu xanh của tác giả thân tặng nhà văn Xuân Ba và gia đình. 26-1-2006.

Một tuần sau thì Đồng Đức Bốn trở về với mẹ ta thôi.

 

Một ông thuở sinh thời, vóc dáng cũng trụng trượng, ăn to nói lớn na ná như Đồng Đức Bốn lại cùng tuổi Tý, ấy là Trịnh Thanh Sơn.

Lần đầu, năm đã rất xa ấy, tôi đụng rồi quen Trịnh Thanh Sơn ở nhà cụ Hữu Loan làng Vân Hoàn Nga Sơn. Làng Vân Hoàn cách Nga Thủy quê Trịnh Thanh Sơn mỗi thôi đường ngắn.

Cánh viết lách, xứ Thanh hay Hà Nội mỗi khi tụ bạ ở nhà cụ Hữu Loan thường cứ là nem nép. Nhưng vuông chiếu thềm nhà và khoảng vườn kế sân của cụ Hữu Loan là thứ quảng trường là địa hạt mà ông thi sĩ họ Trịnh này độc chiếm. Oang oang cái chất giọng cố hữu. Thân mật và cả chút suồng sã tếu đùa nhưng không quá trớn. Sơn gọi cụ Hữu Loan bằng anh thân gần ngọt xớt... Sơn sang sảng tấu lên  các cung bậc của việc ứng tác hôm ấy mà đến giờ tôi vẫn hằn trong trí nhớ Khúc sắn lùi nhắm với rượu quê/ Anh về với những vui buồn dân dã/ Ngày đi thồ đá/ Đêm dịch Đường thi/ Đau thật lòng anh đã khóc thật lòng/ và tiếng khóc biến anh thành thi sĩ/ Rũ bỏ hết những tín điều mộng mị/ Vân Hoàn xưa mây trắng đón anh về...

Bảo thơ Trịnh Thanh Sơn hay là cách nói khái niệm. Mà phải chi tiết, được nhất là khi do chính tác giả trình bày! Na ná cung cách như thi sĩ Phùng Quán, thơ Phùng Quán thấm nhất là khi ông trực tiếp đọc. Có những thi sĩ, lạ, phải kiếm phải sắm cho họ một thứ quảng trường, một không khí... Quảng trường của Trịnh Thanh Sơn những năm ấy, những liên tu bất tận là khoảng con con chỗ quán rượu quán nước ở một xó xỉnh Hà Thành, xung quang dứt khoát phải có những gã sù xì râu tóc ngang ngạnh bặm trợn như câu chữ của họ hay đơn giản hơn những em bập vào việc viết lách nhưng thùy mị ngơ ngác mắt nai... Thế là Sơn ta như lên đồng, thoắt khoát hoạt cùng là hoành tráng...

... Nhưng đâu rồi những trụng trượng khoát hoạt thương mến ấy? Trịnh Thanh Sơn kia,  không phải đang ngồi rót biển vào chai mà  phủ phục, nặng nhọc thở và ai gàn cũng không nghe, đương dùng chút sức tàn dồn lên ngọn bút bi nắn nót ghi tặng bạn bè tập thơ Vàng gieo đáy nước...

Khi ấy và dằng dặc những năm sau, ngó dòng bút tích đề tặng tăm tắp của thi sĩ Trịnh Thanh Sơn ai dám ngỡ, dám bảo chỉ hơn tuần sau, ông mất...

... Nhiều, còn nhiều những bút tích này khác của các đấng  các ông anh bạn bè và cả những em!

 Bâng khuâng. Buồn. Nhớ... tất nhiên khi ngó lại hay cảo thơm lật giở các bút tích.

Và cứ rờn rợn thế nào?

 

(Nguồn: Văn nghệ số 4-5-6/2014)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...