Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Triệu Xuân - Bút pháp của quẻ tiệm

Nguyễn Nguyên Bảy - 01-10-2011 04:05:56 PM

VanVN.Net - Triệu Xuân tên khai sinh Triệu Xuân Điến, sinh năm 1952. Quê quán: An Đức, Ninh Giang, Hải Dương. Hiện thường trú tại: Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm chính đã được xuất bản: Tiểu thuyết: Những người mở đất (1983), Giấy trắng (1985), Nổi chìm trong dòng xoáy (1987), Đâu là lời phán xét cuối cùng (1987), Trả giá (1988), Bụi đời (1990), Sóng lừng (1991), Cõi mê (2004), và một số sách sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu. Giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học về đề tài công nhân của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (tiểu thuyết Trả giá) 1985-1990.

Nhà văn Triệu Xuân

Xin có hai ghi chú cùng bạn đọc:

Nguyễn Nguyên Bảy cứ nhất thiết gọi các bài tiểu luận phê bình của mình là “đò đưa”; ông đang chuẩn bị cho ra đời cả một cuốn sách có tên là “Đò đưa...” Chúng tôi tôn trọng cá tính của tác giả.

Kinh Dịch thời Tần Thủy Hoàng được coi là sách bói toán, không đốt. Nhưng càng ngày nó càng được nhiều người hơn thừa nhận là một môn khoa học về phép chuyển động của vũ trụ, quả đất và con người. Nhà văn Xuân Cang đã dùng Dịch để cắt nghĩa khá thú vị về những nét lớn mà từng nhà văn quan tâm; bây giờ chúng ta có thêm Nguyễn Nguyên Bảy. Âu cũng là một thể nghiệm tiếp cận nhà văn và tác phẩm từ một hướng khác. Xin ghi chú trước khi giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Thức hưởng lợi. Tôi nhớ không chính xác, nhưng có lẽ là năm 1985, tôi vớ được cuốn tiểu thuyết Giấy trắng của Triệu Xuân, tôi ngốn vội và ngốn xong chạy vội tới ông Phạm Quang Hưng, Tổng giám đốc Liksin - nguyên mẫu nhân vật chính của tiểu thuyết bàn với ông đưa Giấy trắng lên truyền hình. Ông Hưng OK và qua ông tôi gặp Triệu Xuân, để thông báo việc tôi viết kịch bản phim truyền hình với tên gọi Người mở đường. Trong suốt thời gian (ngắn) làm phim Người mở đường, được Giấy trắng hướng dẫn, tôi gần như đã thuộc nằm lòng bối cảnh và con người miêu tả trong đó, và thu hoạch hưởng lợi đầu tiên từ tiểu thuyết này là tôi đã viết được hẳn một cuốn tiểu thuyết 300 trang tựa đề Ma trận tình, tôi có đưa cho nhà văn Nguyễn Văn Đồng hỏi ý kiến, Đồng bảo tôi không in được vì chưa đúng điểm rơi và anh khuyên tôi nên viết như Giấy trắng, bán chạy lắm. (Đồng nhấn mạnh chữ bán chạy lắm). Lúc ấy, đang thời mở cửa, sách được in và bán chạy thì người viết văn nào chẳng mừng. Tôi lập tức cắm rễ nơi bàn viết của mình, trước mặt đặt trân trọng cuốn tiểu thuyết Giấy trắng làm tượng đài, và bắt đầu mổ cò máy chữ. Mổ suốt ngày đêm, lúc nghỉ tay lại cầm Giấy trắng của Triệu Xuân mở xòe một đôi trang như cầu xin chữ nghĩa bay sang mình.

2. Hai mươi sáu năm sau, năm 2011, nhân việc tôi in sách tại NXB Văn học Hà Nội (không phải chi nhánh NXB Văn học ở Sài Gòn nơi Triệu Xuân làm giám đốc), tôi và Triệu Xuân mới thực sự gặp lại nhau. Tôi tặng Xuân sách thơ mới in và Xuân tặng tôi cuốn tiểu thuyết Trả giá, tái bản lần thứ 10, NXB Văn học, năm 2009, và ít ngày sau tặng thêm tiểu thuyết Cõi mê, NXB Hội Nhà văn, in lần thứ tư, còn thơm mùi mực.

Vợ chồng nhà văn Triệu Xuân (Bên trái) và vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy (Bên phải)

Tôi có thói quen không thể trì hoãn cái sướng đọc sách của bạn tặng, nhất là với Triệu Xuân, người tôi đã nói những lời hưởng lợi ở trên. Nhưng vì là người đang trị bệnh dữ tôi biết mình không thể dành một hơi thời gian cho nó, nhưng lại thích đọc nó một hơi, nên tôi đành xin bác sĩ một mũi moóc, và tôi đã không hối hận vì quyết định ấy của mình sau 6 giờ đồng hồ ăn chậm nhai kỹ 460 trang Trả giá. Khi tôi vừa gấp sách thả hồn theo “ Chiếc vỏ lãi lao vun vút xuyên rừng đước” (chữ trong thuyết của TX) , tôi bỗng như nghe vu vang tiếng dòng sông hỏi: Cảm tưởng thế nào? Tôi đáp: Thích. Sông hỏi thêm: Triệu Xuân thế nào? Tôi buột miệng: Đáng yêu... rồi hình như cả tôi và dòng sông đều chìm vào giấc ngủ; khi tỉnh lại chỉ còn nhớ từ thích và hai chữ đáng yêu bèn ghi ngay vào sổ thu hoạch quẻ dịch Phong trên/ Sơn dưới là quẻ Tiệm. Ngẫm nghĩ quẻ dịch quá hay, quá ứng với con đường văn chương của Triệu Xuân, con đường dịch biến, thức thời, tả xung hữu phá.

Về quẻ Tiệm: Tiệm là tiến dần dần tương nghĩa với hai từ tiệm tiến? Nghĩa đen, Phong trên thuộc quẻ Tốn, hình là gió, tượng là cây. Sơn dưới thuộc quẻ Cấn, tượng là núi hay còn gọi là thổ nhỏ.

Quẻ Tiệm hào 1: Hồng tiệm vu can (Chim hồng  tiến đến bờ nước). Không là khập khiễng nếu ví Triệu Xuân là con chim hồng non thơ kỳ lạ ấy, anh đã chọn nghiệp văn chương ngay từ thời chăn trâu cắt cỏ, trốn mẹ vùi mình vào cây rơm đọc sách, rồi nhất quyết theo vào đại học văn chương, rồi đi B tay súng tay bút. Con chim hồng non thơ ấy khao khát văn chương và chỉ nguyện dâng mình cho văn chương, cái nghiệp gian nan ấy nhiều chướng lắm, nhưng lòng Triệu Xuân khẳm đức tự tin. Năm 1983, Xuân in Những người mở đất, có thể nói đây là cuốn sách đầu tay đúng nghĩa con chim hồng mới ra bờ nước còn non dại.

Quẻ Tiệm hào 2: Hồng tiệm vu bàn (Chim hồng tiến đến phiến đá lớn). Nếu hào 1, chỉ mới nói cái chí cái muốn của chim hồng, thì hào 2, tức là chim hồng đã từ bờ nước đến được phiến đá lớn, vẫy cánh ba lần rũ sạch nước và nhởn nhơ hong cánh, nhấm nháp hạt mầm và ca hót. Sau năm 1975, đất nước thanh bình, người có bằng cấp, có công trạng như Triệu Xuân, ngồi “oách” một chiếc ghế địa vị nào đó và cứ thế mà thăng tiến thì thực cũng chẳng có gì đáng trách. Nhưng anh đã không thế, anh vẫn chọn văn chương làm nghiệp của mình. Tiểu thuyết Giấy trắng đã ra đời trong giai đoạn này. Đây là cuốn tiểu thuyết khá nổi trong chùm chùm các tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới, có bề dày của trang viết, có cấu trúc của tiểu thuyết, có chữ nghĩa của người được đào tạo bài bản, có trải nghiệm hỉ nộ của  đời sống. Với cây bút tuổi đời mới vừa ba chục mà đã dụng được chữ ngàn cân thì thực không thể đòi hòi gì hơn trước tài hoa trẻ.

Quẻ Tiệm hào 3: Hồng tiệm vu lục (Chim hồng tiến đến đất bằng). Đất bằng tất nhiên lớn rộng hơn phiến đá? Con thuyền hái hoa, cắt rau muống trong hồ làm sao nói chuyện sóng gió với con thuyền trên sông, con tàu trên biển cả? Hào ba quẻ Tiệm dương cương, muốn tiến lên nữa, nhưng sát phía trên là hào 4 âm nhu, nó muốn kết thân, muốn phá phách như ngoại tình. Đó cũng chính là bối cảnh văn đàn Việt những năm nửa tám mươi chín mươi. Một số nhà văn vừa “đổi mới” thành công với đôi ba tiểu thuyết đã vội rẽ sang phim đàn, video đàn, đôi phần muốn nhanh nổi tiếng, nhiều phần muốn sướng ấm tấm thân. Số nhà văn khác thấy “đổi mới” này chưa là đổi mới, muốn phủ nhận, thậm chí xóa sạch, tìm một đổi mới cho là đích thực, nhưng tiếc thay 90% trong số này chỉ nói, chẳng thấy làm gì, thật tiếc! ở nơi văn đàn đất bằng ấy, lung lạc là chuyện thường tình, chẳng biết nhà văn Triệu Xuân đã bao giờ lung lạc?

Tác phẩm của Triệu Xuân cho ra lò và liên tục tái bản đã thay câu trả lời:

Tôi hứa với Triệu Xuân sẽ đọc hết tám cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ký chọn lọc này của anh, nghĩ đến số lượng thời gian đọc chúng, tôi thực sự lo lắng về quỹ thời gian của mình, nhưng dù sao tôi cũng đã hứa. Để làm gì? Có bạn đọc hỏi thế. Trộm nghĩ, muốn vững tin đi vào tương lai, ắt phải đọc lại hôm qua mà tìm bài học, khối lượng “khủng” tiểu thuyết của Triệu Xuân đầy ắp hiện thực và sự kiện, hẳn là kho tư liệu quí báu? Đọc một trang viết, nhanh là một phút, chậm là năm phút, nhưng hoàn thành một trang viết nhanh nhất cũng phải nửa giờ, còn trang văn có lẽ phải mất cả ngày. Vậy mà Triệu Xuân đã viết một hơi hơn bốn ngàn trang sách, bằng say mê, kiên trì, bền bỉ, liên tục, thực là một lao động đáng nể trọng. Nể trọng tôi có căn cứ. Tám cuốn tiểu tuyết của Triệu Xuân, ngoại trừ ba cuốn   tái bản hai lần, những cuốn còn lại, cuốn nào cũng tái bản nhiều lần. Điều này chứng tỏ tiểu thuyết của Triệu Xuân có bạn đọc, nếu không muốn nói là có nhu cầu tìm đọc. Trong bối cảnh văn hóa đọc văn học Việt đang xuống thấp đến mức không thể thấp hơn, mà tiểu thuyết của Xuân vẫn được tái bản, quả là một lạ mừng, lạ mừng ấy chính là những ban thưởng của bạn đọc, những đánh giá xứng đáng, công bằng của đồng nghiệp. Vượt qua hào 3, chim hồng đến nơi đất bằng, không ngả nghiêng lung lạc, trung thành với con đường đi tới của mình. Bạn đọc tôn trọng lòng trung thành ấy của Triệu Xuân.

Quẻ Tiệm hào 4: Hồng tiệm vu mộc (Chim hồng nhảy lên cây). Từ đất bằng (hào 3) chim hồng nhảy lên cây.

Nhấn mạnh 1: Chim hồng là loại chim sở trường bơi giỏi, bay cừ, nhưng đậu lại là sở đoản, vì vậy lời quẻ bảo là nhảy lên cây không phải bay lên cây, tất nhiên là để đậu, may mà gặp cành thẳng nên chim hồng đậu yên mà không có lỗi.

Nhấn mạnh 2: Nói hào 4 (cũng là hào 1 của ngoại quái) là quẻ đã sang ngoại quái. Ngoại quái Tốn thuộc mộc âm, cây cái, gió mềm, bản tính nhu thuận, phục tùng. May thay hào 4 cũng âm nhu, tuy ở trên hào 3 dương cương, chịu áp lực ganh ghét đố kỵ, nhưng biết thuận theo thời, thời đây là cành thẳng, nên mọi việc được cát lợi.

Có thể đọc được Triệu Xuân đã ứng xử thế nào với hào hai nhấn mạnh này. Trước hết, đó là đức trung thành, chỉ thẳng chứ không cong, có nghĩa là nhà văn đã không viết, hoặc viết thoáng qua rồi tránh né, hoặc tránh né toàn phần khi đụng chạm tới  cái “đậu”, là sở đoản của mình, dù cái sở đoản ấy là “huyệt” của danh vọng, khiến anh có thể nổi tiếng nhanh hơn, vĩ đại hơn theo cách nhìn nhận đánh giá nào đó, hay theo nhu cầu thời thượng của người đọc. Nói theo dịch học thì đó là giải pháp phản sinh hay phản khắc, nghịch ngược để thành tựu. Triệu Xuân đã không làm thế, anh vẫn chọn một cành thẳng để đậu, để viết, viết với một ý thức trách nhiệm cao, với lý tưởng viết mà anh trung thành, đó là văn cách Hiện thực XHCN, dù có gắn thêm cái đuôi Hồng Chuyên, hay Đổi Mới, hay Phê Phán thì tựu trung cũng văn cách Triệu Xuân cả thôi.

Và thế đã sao? Tôi tin là Triệu Xuân đã hơn một lần hỏi mình như thế, và tôi nghe trong âm thanh câu hỏi ấy có tiếng hát. Tiếng hát ấy chính là sự nhu thuận, tự tin mà nhu thuận, tự tin mà vượt qua mọi ganh ghét tỵ hiềm, tự tin mà cần mẫn đổ mồ hôi cày bừa trên cánh đồng văn học.

Quẻ Tiệm hào 5: Hồng tiệm vu lăng (Chim hồng lên gò cao hay chim hồng đã lên tới miệng vực). Hào này ở ngôi cao, hào 5, là hào Vương lại dương cương, đắc trung đắc chính.

Lên đến hào 5, nhà văn Triệu Xuân đã thành tựu, thành tựu không thể phản bác, thành tựu được thừa nhận với sự ra đời bền bỉ, liên tục, thành tựu sau cao hơn thành tựu trước của 8 pho tiểu thuyết dẫn ở trên. Và theo tôi hai cuốn Trả giá và Cõi mê là đỉnh cao hơn cả của Triệu Xuân.

Và đó cũng chính là sự trung chính không mệt mỏi của Triệu Xuân với văn cách hiện thực dù là thuần túy hồng chuyên, hay đổi mới, hay phê phán. Triệu Xuân có vẻ thích được đánh giá và xếp định tiểu thuyết của mình vào dòng Hiện Thực Phê Phán. Anh thích vậy thì là vậy, chắc cũng chẳng ai bận tâm tranh cãi, nhưng thành thực mà nói, văn anh chỉ mới bước đến lằn ranh giữa đổi mới và phê phán. Đặc tính phê phán của Triệu Xuân chỉ mới dừng lại ở ngoài da, chưa vào thẳng lục phủ ngũ tạng, mổ xẻ những ung nhọt. Các nhân vật dù Đước, hay Phái, hay Bẩy Tụ (Trả giá) tốt xấu thế nào như đã có khuôn với bàn tay tài khéo của tác giả mà nên hình nên bóng. Nên các nhân vật chưa thật, tức là còn giả, còn do người viết sinh nở, chứ thực ra hiếm có ngoài đời. Một nhân vật như Bảy Tụ vừa chào sách đã được gọi ngay là “mụ”, thì người đọc biết tỏng nhân vật này phản diện, cái hứng thú của đọc vì thế giảm đi phần đáng kể. Dẫn chứng trên chỉ mang tính chi tiết, tính bắt bẻ và sự mong đợi của người đọc. Nói cách khác chỉ là để bài đò đưa đầy đủ khen chê. Vì vậy, xin không dẫn thêm.

Viết văn thời nào cũng khó!  Nhà văn Triệu Xuân đã không bị chìm vào bị kịch của khó ấy. Bởi anh là một nhà văn “tư duy tích cực” (chữ của Trần Đình Hoành) tức là anh biết thể tất cái khó của cai trị và cái nhẫn tài của bị trị để dung hòa mà viết. Đó là bản lĩnh của chân tài. Tôi biết Triệu Xuân không ngừng đi, sống, học, tích lũy vốn sống, làm giàu tri thức, đam mê học hỏi nhằm đạt tới sự sâu sắc, lịch lãm, thông tuệ. Triệu Xuân luôn thực hiện phương châm: Phải biết mười để chỉ viết một!”.

Quẻ Tiệm hào 6: Hồng tiệm vu qui (học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là chim Hồng bay bổng ở đường mây)

Trong 64 quẻ dịch, hầu như không có hào 6 nào tàng ẩn sự cát lợi tam tài (phúc, lộc, thọ), mà chỉ hàm cái ý tu thân hưu nhàn của thời khắc tuổi quẻ (60 tuổi) xế chiều. Duy có quẻ Tiệm, hào 6, cho ta một cảm giác bay bổng thăng hoa, một cái gì đó thoát tục nhưng không phải ở ẩn. Nghe nói tháng 9 năm 2012, nhà văn Triệu Xuân nghỉ hưu, nghĩa là anh bước vào thời kỳ của hào 6 quẻ Tiệm. Những tác phẩm sẽ ra đời sau 8 pho tiểu thuyết nói trên, hẳn sẽ như chim hồng bay vút trời xanh?

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ

VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...

Thư giãn  

Truyện ngắn: "Vừa bắt đầu đã kết thúc"

VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...

Nhà văn đọc sách  

Những cuộc dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng”

VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...