Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Rất nhiều điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân

(Thử bình điểm cuốn sách 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân - Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2011)

Đỗ Quyên - 05-01-2012 02:17:04 PM

“Có văn có ích, có văn chơi”

TẢN ĐÀ

 

Nhà thơ Đỗ Quyên

@0

Thiển nghĩ, đây là một tác phẩm văn học, khó và cần; với cái mới và cái lạ nổi rõ, cái hay khi hiện khi ẩn không dễ chỉ ra; cái chưa hay cũng vậy. Tôi đọc từ đầu năm 2009, thi thoảng đáo qua; đọc chậm 4 tháng nay từ khi được tin sách đang in. Mà chưa (và có thể sẽ không) thấu. Vậy, xin viết theo cách tản mạn và bổ sung mỗi khi gặp dịp.[1]

 

@1

Kể từ sau cuốn sách 3.3.3.9 này, chúng tôi đề nghị một khái niệm là tiểu-thuyết-Đặng-Thân trong sáng tác và học thuật của tiếng Việt.

Gần như về mọi mặt: thể loại và phong cách, ngôn ngữ và giọng điệu, cấu trúc và chất liệu, nhân vật và cốt truyện, cảm xúc và chất liệu, v.v… Và trên hầu khắp các lĩnh vực liên quan đến chữ nghĩa: từ văn chương tới văn hóa, từ xã hội đến in ấn, từ văn học sử tới trào lưu nghệ thuật, từ tác giả đến độc giả, từ phàm tục tới triết luận, từ đạo đức đến nữ quyền, từ tư duy tới hành động, v.v… Hai câu hỏi sinh tử và kinh điển trong lý thuyết văn học – “Văn học là gì?”, “Văn học để làm gì?” cùng chuỗi các quan hệ dây chuyền (xã hội và văn học, hiện thực/hư cấu và văn học, hình thức và nội dung, cá biệt và điển hình, dân tộc tính và toàn cầu tính…) – và nhiều nan đề trong lao động nhà văn cũng có dịp được tái thẩm định, với tiểu-thuyết-Đặng-Thân.

Nhưng – chữ “nhưng” đầu mối – Đặng Thân không phải là nhà văn tạo nên các điều đó như một cá nhân. Thời đại công nghệ liên mạng đã mạng hóa toàn nhân loại, và đang hóa thân vào xã hội và văn học Việt Nam tại một nhân mạng tiêu biểu mang tên Đặng Thân. Lại trở về điều sinh tử và kinh điển khác: quan hệ Nhà văn và Thời đại. Không! Phải nói là Thời đại và Nhà văn mới đúng với Đặng Thân, Thời đại và Tác phẩm mới hợp với 3.3.3.9.

 

@2

Cho tới nay, trong tất cả các cái-gọi-là trào lưu/trường phái văn nghệ, dường như hậu hiện đại gây tranh cãi khốc liệt hơn cả; vì đó… không phải là trào lưu/trường phái! Một trào lưu/trường phái ra đời là để thay thế, phủ định, phát triển, hoàn thiện trào lưu/trường phái thuộc về hệ mỹ học và tư tưởng đã qua về thời gian và một phần không gian nào đó. Các chữ “cách tân”, “cách mạng” thường dùng những khi có các thay thế, phủ định, phát triển, hoàn thiện trong dòng chảy liên tục của văn nghệ thế giới. Hậu hiện đại không như thế: phủ định (một số phần), khai triển, biến dạng thì có; nhưng nó chẳng thay thế cái gì khác. Vì không cái gì giống nó, xét về chủng loại, giống loài. Vì trong nó ẩn hiện những yếu tố của tất cả các trào lưu/trường phái đã có và chưa có để phát lộ khi gặp điều kiện. Các sắc thái của nó, từ thuở ban sơ của văn minh loài người – có người Việt trong đó! – ẩn náu trong văn hóa và xã hội, âm ỉ từ các thập niên 20-30 và bùng lên cả về lý thuyết lẫn thực hành vào những thập niên 60-80 của thế kỷ trước ở xã hội và nhất là văn học nghệ thuật trong một số nước tiên tiến châu Âu (khởi đầu là Pháp) và Hoa Kỳ; và hai thập niên gần đây ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong vấn nạn hậu hiện đại, chính tên gọi đã là một trong các lý do của những tranh cãi triền miên và nhuốm màu luận chiến[2]. Chỉ riêng việc gọi tên một sáng tác nào đó thuộc về hoặc mang màu sắc hậu hiện đại hay không đã làm nhiễu tạo loạn không ít các trang báo, các cuộc hội thảo[3].

Nhưng, với 3.3.3.9, tranh luận về danh xưng chắc sẽ không xảy ra, còn ở nội hàm hẳn sẽ có. Hậu hiện đại mà! Lại là hậu hiện đại theo kiểu Đặng Thân đã nổi lên trong văn học Việt gần mươi năm qua ở truyện ngắn, thơ và tiểu luận - phê bình, từ trong ra ngoài nước, cả trong dòng chính ra tới bờ lề…

 

@3

Phụ đề nêu trên gọi tác phẩm này là “cuốn sách”, đúng như tác giả đã định hướng[4]. Không rõ khi in thành sách thì sao, chứ trong bản thảo 3.3.3.9, ở những trang thông lệ – kể cả bìa 1 nơi các tác giả hay các nhà xuất bản phải nêu thể loại – không có các chữ “tiểu thuyết”.

Nếu như mỗi bài thơ – dù thơ cổ điển – là một định nghĩa thơ, thì có thể nói mỗi tiểu thuyết trong cách viết hậu hiện đại là một định nghĩa tiểu thuyết. (Thơ hậu hiện đại là hai lần định nghĩa về thơ; nhưng đó là chuyện khác, ta đang nói về tiểu thuyết, lại là tiểu-thuyết-Đặng-Thân!) Cùng một số sáng tác dài hơi hậu hiện đại của các tác giả khác trong thập niên năm qua[5], quả cân nặng ký nhất từ “trên trời” chính thức ra mắt bằng ấn bản “dưới đất” mang tên 3.3.3.9 đã trình bày một quan niệm khác, một ý niệm lạ trong thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam, và có thể cũng trên thế giới. Chúng tôi nghĩ rằng, khái niệm tiểu-thuyết-Đặng-Thân, qua cuốn sách này, có giá trị lớn nhất là thế. Một cuộc cách tân hoàn toàn về nghệ thuật viết và đọc tiểu thuyết Việt Nam đã được hiển lộ đàng hoàng trên văn đàn qua 3.3.3.9!

Nhưng, cuộc cách mạng của 3.3.3.9 không đ/(th)ể tranh giành “quyền lực”[6]. Ngay cả nếu được dư luận xã hội và văn giới thực sự quan tâm, nó mãi mãi có vị thế đồng hành bên lề, mang tinh thần phản biện và tư cách đối trọng. Ý nghĩa hiện thực của 3.3.3.9 với văn đàn là thế. Giá trị lãng mạn của nó: đang và sẽ làm phần dưới (đất) của không ít các sáng tạo hậu hiện đại, và cả không hậu hiện đại, còn và mãi còn treo trên giời. Đó cũng là đặc tính của sinh hoạt văn nghệ hậu hiện đại: không nhất thiết tất cả những gì đã viết ra thì phải in lại trên “mặt đất”. Hơn bao giờ hết, kỹ thuật công nghệ đa chiều đã làm quan hệ ba chiều Thiên - Địa - Nhân trở nên hài hòa hơn, nhân tính hơn. Về mặt này, xã hội phương Đông hưởng lợi nhiều hơn bên phía Tây (luôn luôn “không có gì lạ”!), do việc coi Người giữa Đất - Trời trọng hơn Người giữa Người.

Đặng Thân, kẻ biết dùng hết nội lực của liên mạng vào văn học – cái “văn học là nhân học”!

 

@4

Cầm cuốn sách trên tay – cũng những con tự đã và đang trên mạng – những ai nặng lòng trong việc viết và nhất là việc in ấn, xuất bản Việt Nam không khỏi mừng vui mà tự hình dung những vất vả khó tránh với tác giả và các nhà biên tập. Khi hay tin cuốn sách đã in xong, tôi lặng đi hồi lâu. Vui cho tác giả, một. Mừng cho văn chương Việt, bội phần. Với bất cứ nền văn học nào, khi một tác phẩm “khó” – chỉ tạm nói về nghệ thuật văn chương – được ra đời, người đọc chịu ơn tác giả 7 phần, còn dành 3 phần cho “bà đỡ” – các biên tập viên. Những câu chúc tụng sách mới ra lò cho các đồng nghiệp từng đầy mười ngón tay, nay chạy ra lại thụt vào. Không chịu rơi xuống phủ lên các con chữ đang chờ nơi bàn phím, như đã từng với nhiều cuốn sách khác. Cuối cùng là những hàng chữ đến lúc này cũng chưa hài lòng: Chúc mừng cuộc hôn phối đẹp duyên và chính thức của văn học Việt Nam, của xuất bản sách Việt Nam với dòng văn chương hậu hiện đại của Việt Nam và thế giới!

Tôi vụng, đành nói đại nói dài vậy. Mời đọc bài giới thiệu từ nhà văn - nhà biên tập Đà Linh; sáng và gọn: “Một niềm vui văn học mới”[7] – ở đó có tóm tắt cơ cấu cuốn sách theo 5 nhân vật[8] với 5 cốt truyện đồng thời, độc lập và xuyên suốt; và liệt kê cả tá đề tài liên hệ của cuốn sách[9]. Với các độc giả không có nhiều thời gian, không thích triết lý, ngại kiến thức và quen với tiểu thuyết “bình thường”, thì chỉ cần đọc 2 mạch truyện của Mộng Hường và của Schditt với cốt truyện, nhân vật, câu chuyện kể có mở có kết trọn vẹn.

 

@5

Lời bạt[10], với câu “Đặng Thân là điển hình của văn chương hậu-Đổi mới” cùng bài giới thiệu mang tựa đề “Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp)”[11] với câu “Nói từ Nguyễn Huy Thiệp đến Đặng Thân là nói từ (chủ nghĩa) hiện đại đến hậu hiện đại”, của nhà lý luận - phê bình Đỗ Lai Thúy mang ý nghĩa “bắt vít đóng đinh” 3.3.3.9 và tác giả của nó lên bảng giá trị của văn học Việt Nam đương đại. Lúc này và trong thời gian tới, chúng tôi không nghĩ đa số giới phê bình và nghiên cứu chịu làm đồng tác giả cùng Đỗ Lai Thúy. Lý do bất đồng không hẳn ở nội dung sắc bén, mà ở tinh thần cổ xúy.

 

Phần chúng tôi, đồng ý về nội dung và tinh thần trong cả hai bài và xin bàn lại vài tiểu tiết về hậu hiện đại; tức là làm tơi ra cho rôm rả mà không hòng kết quả! Bởi cái-gọi-là-chủ-nghĩa/phương-pháp/tinh-thần/tâm-thức/triết-học hậu hiện đại luôn chỉ là những con đường; không là thành Rome. (Xin xem chú thích 39)

Bìa cuốn 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] - Đặng Thân

 

@6

Hai năm trước, khi làm quen 3.3.3.9, chúng tôi phóng “chuột” rằng, liệu đây là Con Voi hay Con Hổ của tiểu thuyết Việt Nam hậu hiện đại? Ngó nhanh hình thức thể hiện và chủ điểm đã thấy đích thị Con Voi rồi. Nay, hiểu thêm nội dung và phong cách, cho được gọi nó cũng là Con Hổ. Có nhiều thứ hổ: cọp, hùm, ông ba mươi, mèo lớn cho đến hổ đá, hổ giấy! Hy vọng các bài nhận xét, phê bình dịp này dần dần cho thấy 3.3.3.9 là hổ nào.

Trường bút và văn phong ở 3.3.3.9 cho thấy thể loại tiểu thuyết mới kham nổi con ngựa bất kham họ Đặng tên Thân. May ra có Từ điển thi x/x loại [chúng sinh] sánh được. Truyện ngắn trong Ma Net như là các bài tập nhỏ cho 3.3.3.9. Dùng lại cách nói khác, Đặng Thân viết tiểu thuyết là “lấy tất cả mình ra làm… diễn đàn”[12]!

Về cơ cấu hình thức và cấu trúc nghệ thuật: 3.3.3.9 hậu hiện đại ở nội thất, mà vẫn hiện đại và tiền hiện đại ở mặt tiền cổng vườn ngõ hậu. Và cổ điển, lãng mạn, hiện thực rải rác khắp nơi. Rõ nhất ở cái kết có hậu của cuộc tình long đong sôi sục rất theo luật trời lệ đời của Mộng Hường. Tức là dù biến hóa kết cấu, vặn vẹo ngôn ngữ, xoay chiều tư duy, cuốn sách vẫn vẹn toàn đầu-mình-tứ chi; rất chuẩn kiểu chương hồi kiếm hiệp lâm ly, phơi-tông nhiều kỳ bài bản thậm chí còn có nhiều hình hài dôi ra. Như người có cái đuôi, cuốn sách này có phần Lời bàn [phím…] của các netizen. Rồi bao nhiêu nữa những “ngón tay thứ sáu”, “ngón chân thứ sáu”, “ruột thừa”, “cục thịt dư”… trong thân thể 3.3.3.9! Nói theo lý luận văn học, Đặng Thân kết hợp hai phạm trù hình thức và nội dung khi kết cấu một tác phẩm hậu hiện đại. Đây là điểm son ít tác giả hậu hiện đại khác làm được. Kết cấu truyền thống (tự sự theo thời gian một chiều, thứ tự trước sau) và kết cấu nghệ thuật (không - thời gian quay đảo, đồng hiện) không còn mâu thuẫn nhau như trong sáng tác hiện đại và tiền hiện đại. Một thú vị nữa, văn bản 3.3.3.9 trộn tạp nhiều hình thức ngôn tự với hai dạng chính là văn chương (kể cả văn vần) và báo chí; nhưng có những khoảng trống, khoảng trắng giữa các thành phần hoàn toàn độc lập. Dùng cách nói của René Char về cấu trúc một bài thơ, thì 3.3.3.9 như là các tiểu khúc “quần đảo”[13].

 

Vẻ ngoài, cấu trúc truyện thì hậu hiện đại hoa mắt ù tai, dễ làm độc giả bình dân nản lòng; nhất là các bác các cụ không quen “dùng meo leo nét lích linh”. Tuy nhiên, nếu bác nào cụ nào bập vào một mạch nhỏ mà mê, sẽ nhận ra: kiểu dàn binh bố trận của 3.3.3.9 vẫn lấy cách kể tuyến tính làm trọng. Các trường đoạn xen ngang sặc mùi xếch-xì hay rậm rì tư liệu về du lịch, Kinh Dịch, khoa học… có thể bỏ qua không cần ngoái lại[14]. Nội dung phụ của 3.3.3.9, song hành cùng các câu chuyện của 2-3 nhân vật tạm gọi là chính, là các vấn đề thời thượng và bổ ích cho những ai ham học hỏi mà lười đọc sách báo. Các ngoại đề của 3.3.3.9 như bách khoa toàn thư, như thư viện các bài báo về 1001 chủ đề của Việt Nam và thế giới cổ kim.

3.3.3.9 rất có hơi văn khí truyện – nhận dạng đầu tiên cho sức thu hút của một tiểu thuyết. Hơi thì quá nồng, khí thì thậm đậm. Nhưng có thế mới là con đẻ của Đặng Thân. Ai thích, nghiện. Ai ghét, liệng.

Riêng về cấu tứ, không biết trong văn chương thế giới có tác phẩm nào tương tự 3.3.3.9? Hình như không. Dù thế nào, với 3.3.3.9 văn học Việt vẫn có thêm một ấn phẩm đáng giá mang ra trường quốc tế. Bề kích – chứ không phải dung lượng – của các sáng tác bằng tiếng Việt đang thực sự sang trang với 3.3.3.9!

Về độ “khủng” – Con Voi – trong cấu tứ truyện, rất có thể 3.3.3.9 là tác phẩm đầu tiên của văn đàn Việt Nam. Nam tiến, và về phía cực tiểu: nhà văn Nhật Chiêu với tập truyện tuyệt ngắn Lời tiên tri của giọt sương – ra cùng dịp và cũng từ lò Nhà xuất bản Hội Nhà văn với cực đại 3.3.3.9 ngoài Bắc – chắc hẳn là Cái Kiến của văn xuôi Việt Nam xưa nay[15]?

Đây là “nghệ thuật sắp đặt” Tạo hóa dành cho văn học Việt Nam thông qua nhánh văn học hậu hiện đại Việt Nam, hay là chủ ý tinh tường của Nhà xuất bản Hội Nhà văn?

Kể trên là về thi pháp học hình thức, 3.3.3.9 mang chất hậu hiện đại ngồn ngột và ngùn ngụt. Còn về thi pháp tư duy nghệ thuật, tiểu-thuyết-Đặng-Thân lại thuộc về các khuynh hướng hiện đại và các hình thái trước đó, trong ý niệm căn bản về Con người nghệ thuật, về Không - Thời gian nghệ thuật, và cả về hình tượng nghệ thuật của Tác giả. Những biến tướng, cách làm lạ, sự đảo lệch với nguyên mẫu của 3.3.3.9 không đòi hỏi độ ẩn dụ mà là thăng hoa từ nghệ thuật mô phỏng của thi pháp kinh điển Platon - Aristote. Thực chất, 3.3.3.9 dễ đọc nhờ thế, sau khi gọt đi bóc hết các lớp ngoài thủ pháp hậu hiện đại[16]. Hình tượng nhân vật hậu hiện đại trong tiểu-thuyết-Đặng-Thân được dựng theo lối ám chỉ của phương pháp truyền thống và hành văn tự truyện, trong khi tiểu thuyết hiện đại dùng ẩn dụ để nghệ thuật hóa hiện thực.

 

Cốt lõi dễ thấy: Nội dung của tiểu-thuyết-Đặng-Thân có thể kể-lại-được; nhất là hai mạch chính về Mộng Hường và Schditt. Hư cấu lẫn phi hư cấu, 3.3.3.9 có hàng trăm lớp lang, nhưng bóc đi gọt ra cùi vỏ, cuối cùng độc giả sẽ gặp nhân – đúng ra là vài cái nhân – của tác phẩm. Tính phi hậu hiện đại này ở văn xuôi Đặng Thân không giống với không ít tác giả văn xuôi hậu hiện đại khác có sáng tác – mang chất thơ, đối tượng bất định – như củ hành: bóc mãi, bóc mãi chả thấy gì ngoài cái… cay mắt[17]; hay mang kịch tính, đối tượng đồng dạng – như con búp bê gỗ Matrioska: mở con này lại ra một con khác, nhỏ hơn.

Đấy là nét quảng đại quan trọng nhất không bị các yếu tố hậu hiện đại phá hủy ở tiểu thuyết 3.3.3.9. Trong khi đó, tính không-kể-lại-được mà phong trào tiểu thuyết dòng ý thức đã từng đẩy đến cao độ hiện nay vẫn còn là phong cách ở không ít sáng tác có tinh thần (hậu) hiện đại ở Việt Nam và trên thế giới. Việc không dùng cách viết dòng ý thức ở 3.3.3.9, có lẽ bởi hai lý do: Nhờ thế tác giả mới cầm gậy chỉ huy được “bản giao hưởng”; Và, cái duy lý ở tiểu thuyết lấy tư liệu, thông tin như nguồn sống không hợp với cái duy cảm mà dòng ý thức chọn làm máu thịt[18]. (Xin xem tiếp @9)

 

@7

Thể loại là một trong các phá vỡ thậm tệ nhất về văn bản của cái-gọi-là hậu hiện đại.

Sẽ “hoài hơi mà đấm bị bông” khi cứ khăng khăng đòi phân loại ra môn ra khoai các sáng tác hậu hiện đại. Ở @3 chúng tôi đã tán đồng việc tác giả “ứ chịu” gọi thẳng cái này là “tiểu thuyết” trên bìa 1 (như ba năm trước từng không thắc mắc nửa lời, khi nhận từ tay tác giả tập truyện ngắn Ma Net – Nxb Văn học 2008 – cũng chẳng có gì gợi nhắc về thể loại trên tất cả các trang-bìa cần có). Đong đưa thế thôi chứ cái của (nợ!) này đúng là thể tiểu thuyết, theo cách hiểu thông thường nhất mà @6 đã phần nào chỉ ra.

 

Nhưng – một chữ “nhưng” đầu mối nữa! – nó là loại tiểu thuyết gì? Tìm hiểu này sẽ đưa tới nhiều hệ quả đẹp, trong đó có việc xác định giá trị mở lối thông đường của 3.3.3.9 trên lộ trình văn học Việt Nam đương đại, mà nhất là văn học hậu hiện đại Việt Nam.

Khó có một cách gọi “chuẩn không cần chỉnh” cho loại tiểu thuyết của 3.3.3.9. Lúc này tốt nhất cứ tạm gọi theo một tiêu chí thi pháp hay thể tài nào đó.

Chính tác giả Đặng Thân, về giọng điệu có lúc coi đây là “tiểu thuyết phúng dụ”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhìn cấu trúc, thấy “nó vừa giống ‘tiểu thuyết tư liệu’ vừa không”[19]. Được biết với nhà thơ - dịch giả Dương Tường thì là “phi thể loại”, với nhà lý luận Trần Ngọc Vương: “tiểu thuyết của học giả”. Các mũ đàn hồi quen thuộc khác như “siêu tiểu thuyết”, “tiểu thuyết thử nghiệm”, “tiểu thuyết mở”, “tiểu thuyết trong tiểu thuyết”, “tiểu thuyết đa sự-thế sự”, “tiểu thuyết tư duy”… cũng thật tiện khi nhiều người đang đội lên đầu 3.3.3.9.

Xung quanh cái siêu, độ thử nghiệm và tính mở, đã có những bài vở, ý kiến, đáng kể là hai bài át chủ nói trên và các lời bình của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung, nhà thơ - nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng, một nhóm các nhà chuyên môn[20], nhà văn Thủy Hướng Dương[21]… và tất nhiên không ít các nhận xét búa bổ từ Lời bàn [phím…] của các netizen[22]. Về tính mở của 3.3.3.9 có thể nói thêm hai điều: Một, với bất cứ chương, đoạn nào – trừ vài chi tiết quyết định số phận nhân vật cụ thể là Schditt và Mộng Hường (à, cả nhân vật Đặng Thân nữa!) tác giả đều có thể viết-thêm-vào, bỏ-bớt-ra mà hầu như không ảnh hưởng hiệu quả nghệ thuật chung; Hai, khả năng để nội dung tác phẩm được độc giả tự mở rộng – một yêu cầu của hậu hiện đại – là rất cao!

Xét về chiều kích và độ đa tạp đề tài, tôi hay gọi đùa: 3.3.3.9tiểu thuyết khủ (ù)ng. Nay có kiểu gọi khác, ra dáng toán học: tiểu thuyết cực đại. Và gợi ý vài tên nữa: tiểu thuyết tìm kiếm, tiểu thuyết đa dạng, và cũng có thể dùng – tất nhiên về hình thức – cách gọi của M. Bakhtin: tiểu thuyết đa thanh/tiểu thuyết phức điệu[23]

 

Trở lại tên gọi “tiểu thuyết phúng dụ” (mang ý: hài hước, u-mặc, châm biếm, hoạt kê, giễu nhại, hóm hỉnh, trào lộng, trào phúng, khôi hài, giễu cợt, v.v…).

Người Việt nổi tiếng “nói nhanh, đi chậm, hay cười”, nhưng mà cười bằng… miệng. Chứ cười bằng chữ thì thua xa thiên hạ. Đó là một điểm yếu của văn học Việt Nam, không ai không nhận ra! Danh sách tác giả thành danh của dòng tiểu thuyết này trong văn học Việt Nam, từ nam chí bắc, từ ngày khai thiên lập địa tới nay chắc chưa vượt quá mười đầu ngón tay: Vũ Trọng Phụng, Đồ Phồn, Vũ Bão, Hồ Anh Thái, Lê Tự, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Minh Tuấn… và nay thêm Đặng Thân[24].

Nếu như tiểu thuyết là trận chiến bằng tư tưởng nhân văn và hình tượng ngôn ngữ, làm phản tỉnh xã hội và thế giới, thì tiểu thuyết phúng dụ/hoạt kê là cuộc chiến không cần vũ khí sát thương. Tiếng cười chẳng làm chết người, lại có thể phục sinh con người và cải tạo thế giới một cách hòa bình nhất. Pho tiểu thuyết đầu tiên của châu Âu và cũng là một trong vài tác phẩm vĩ đại nhất, sống lâu nhất của nhân loại – Đôn Kihôtê – đã lấy tiếng cười làm thi pháp nghệ thuật.

Dân tộc Việt có truyền thống “sống tốt” trong các cuộc chiến dựng nước và giữ nước, nhưng lịch sử cho thấy chúng ta “sống tồi” trong thời bình. Biết bao nhiêu nguyên do, trong đó chẳng lẽ không phải là vì công-nghiệp-văn-học-Việt thiếu vắng các máy-cái-tiểu-thuyết lấy tiếng cười là chủ điệu? Tác phẩm truyện thơ như một tiểu thuyết Việt vĩ đại nhất cho tới nay là Truyện Kiều có thể xem như vắng chất hài hước, thiếu điệu cười có tác dụng thay đổi, vượt thắng cái bi kịch[25]. Thật tiếc: Ngôn ngữ bác học và chính thống của chúng ta đã không ngang tầm với văn hóa dân gian và văn hóa thiền ở cái sự cười[26]!  

 

Được tôn cao đào sâu ở tiểu-thuyết-Đặng-Thân, chất hài trong văn chương Đặng Thân đến từ khá nhiều yếu tố mà giễu nhại hậu hiện đại là nét chủ. Mong sẽ có nhiều nghiên cứu, phê bình về đặc điểm nghệ thuật này của tác giả 3.3.3.9 trong cao vọng chuyển dạng cải hình cho tiểu thuyết Việt Nam, như GS Phong Lê vừa xướng lên tháng trước tại Hội thảo về cuốn “tiểu thuyết biếm họa” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn[27].

Chúng tôi muốn có một gợi ý về cách-nói-trạng, động-thái-cuội của dân gian Việt đã được 3.3.3.9 sử dụng tối đa và hậu hiện đại hóa kỳ cùng. “Quốc hồn quốc túy” đấy! Vũ Trọng Phụng là tác giả đã hiện đại cách-nói-trạng, động-thái-cuội Việt một cách điển hình và quái kiệt trong tiểu thuyết, phóng sự. Tự Lực Văn Đoàn có một hệ hình trạng-cuội rất hiệu quả, và chia đều ở rất nhiều bỉnh bút mà không tác giả nào tạo danh. Phải mất gần nửa thế kỷ sau, một tác giả đương đại là Trần Đăng Khoa, và vài năm mới đây thêm Nguyễn Quang Lập, đã thành tựu ở ký, chân dung, tản văn chính là nhờ giọng-hài-trạng, điệu-tiếu-cuội. Lượng-thông-tin của nghệ thuật Trần Đăng Khoa, nhất là của nghệ thuật Nguyễn Quang Lập, không có trọng lượng thông tin. Nhị vị “thành thần” là do thuật kể mẹo dẫn, trên hết cả là phong thái tự tin chân quê, là tình đắm đuối văn nghệ trong sự thẩm văn độc đáo. Văn chương Đặng Thân có hậu ý triết luận, tình chữ nghĩa tưng tửng, thẩm văn quái lạ, còn trong ý nghĩa thông tin cũng gần như vậy. Nếu không nhờ dòng-máu-phóng-dụ chảy từ đỉnh tóc đến gót chân, thì thân thể 3.3.3.9 chắc chỉ hơn tự điển wikipedia.org đôi chút[28]!

 

@8

3.3.3.9 là một sáng tác có ý đồ văn chương rõ, chức năng thẩm mỹ chắc, độ mỹ văn sắc. Những gì, về hình thức, ngoài văn học (triết thuyết, lịch sử, tôn giáo, du lịch, khoa học…) đã được khu biệt sáng sủa về tư duy và bắt mắt về trình bày, nhằm hỗ trợ cho đích văn học. Khó có thể coi 3.3.3.9 thuộc vào kiểu loại cận-văn-học, hay là văn học mang tính báo chí, hoặc văn học đại chúng, phản-văn-học, v.v…[29].

Gọi đấy là “tiểu thuyết đa văn bản” là chuẩn nhất về văn bản. Với mỗi loại văn bản, tác giả có ngôn ngữ trần thuật khác, bút pháp diễn đạt khác, nhất là điểm nhìn nghệ thuật khác nhưng cùng hướng về một quan niệm về thế giới và con người. Kết cục cái Thiện vẫn còn lại trong mỗi người, người Việt hay người Đức, với thế giới này với nước Việt này luôn phải chao đảo – thông điệp nhân bản quen thuộc đó chính là ngọn hải đăng; nhưng của riêng tác giả. Nó không hẳn lóe lên sau mỗi chương đoạn, khiến độc giả dễ chới với trong đại dương chữ 3.3.3.9. Khác với sáng tác hiện đại, sáng tác hậu hiện đại không nêu ra trực tiếp các câu hỏi của xã hội, của lịch sử; mà là các vấn nạn của nghệ thuật. Với 668 trang sách, phải nói là tác giả đã quăng bạn đọc lên bờ quật độc giả xuống ruộng, với nhiều loại văn bản khác loại trên nhiều chủ điểm xa cách.

 

@9

Nhiều mặt đối lập với tiểu thuyết truyền thống mà không là phản-tiểu-thuyết, tiểu thuyết hậu hiện đại theo kiểu Đặng Thân 3.3.3.9 cũng tỏ ra ngược với các loại “tiểu thuyết dòng ý thức”, “tiểu thuyết mới” là những gì thuộc vào các trường phái văn học mạnh và lớn, sinh ra nhiều kiệt tác và tác gia khổng lồ, nổi lên từ thập niên 20 ở Anh, sau tới Mỹ, Trung Hoa, Nhật, làm mưa làm gió ở Pháp, Đức trong các thập niên 50-60 thế kỷ trước, ảnh hưởng tới các nhà văn miền Nam Việt Nam trước 1975 và còn nhiều dư âm – dù không cực đoan như xưa – tới tận bây giờ ở Việt Nam, cả trong và ngoài nước.

Với tiểu-thuyết-Đặng-Thân: Độc thoại nội tâm thuần túy là xa xỉ; Chống đồ vật là rất rách việc; Tiềm thức ư, có mà dỗi hơi; Giải trung tâm nên giải tán luôn trung tâm ý thức; Hợp lý và khoa học là tư chất của tác giả 3.3.3.9. Phi logic là phi-Đặng-Thân[30]; Có chủ đề: không phải một mà 101; Có cốt chuyện, không chỉ một mà 5; Có nhân vật: 101 mạng chính phụ; Phi văn phong bất thành Đặng Thân; Tình tiết, sự kiện đẻ ra 3.3.3.9; Bảo vệ đến cùng thời gian - không gian vật lý; Thế giới quan của “bọ” là phải có luận tưởng cụ thể, mời “chú” hiện tượng bề mặt đi chỗ khác chơi; Ngôn ngữ “dòng ý thức” (lệch ngữ pháp, loạn ý tứ, không viết hoa, chẳng chấm phảy…) không có đất sống; Cuối cùng, pha trộn thể loại thơ-văn xuôi, tùy bút-tự sự cũng là các trò xa lạ: ở đây thơ là thơ, văn là văn, hòa vào nhau nhưng không tan trong nhau.

 

@10

Trong văn xuôi, rõ nhất ở tiểu thuyết, từ văn bản đến xuất bản, xét cho cùng, tùy quốc gia/dân tộc và văn hóa bản địa, người viết phải vượt qua ba cửa ải ta-bu (cấm/kiêng kỵ): Cửa ải chính quyền/thể chế (các ta-bu chính trị, thời cuộc); Cửa ải xã hội (ta-bu văn hóa, phong tục); Cửa ải độc giả (ta-bu văn chương, ngôn ngữ). Và nhà văn, cũng xét cho cùng, phải có giấy thông hành mà Đất Trời bác mẹ sinh thành ban cho để đi qua ba cửa đó: cái Tâm, cái Tình và cái Tài. Lịch sử văn học Việt Nam và thế giới cổ kim có không biết bao nhiêu tác giả và tác phẩm minh họa cho tam giác nói trên. Ta: Ba người khác và Tô Hoài, Thời của thánh thần và Hoàng Minh Tường, Chuyện kể năm 2000 và Bùi Ngọc Tấn; v.v.. và v.v… Tây: Lolita và V. Nabokov; Những vần thơ của quỷ Satan và S. Rushdie; Một ngày của Ivan Denisovich và A. Solzenisyn; v.v.. và v.v…

Các cửa số 1 và số 2 tưởng khó vượt, bởi đụng tới sinh mạng và danh dự của tác giả và tác phẩm, nhưng nếu Đất Trời bác mẹ ban cho cái Tâm, cái Tình đủ lớn thừa rộng, thì nhà văn vẫn có thể chọn không gian và thời gian mà lách qua. Một lần nữa, lại xét cho cùng: khó lọt nhất vẫn là cửa ải nghệ thuật nơi đòi hỏi nhà văn cái Tài thực[31].

Trong số các tác giả văn xuôi - kịch quan trọng của văn học cách mạng Việt Nam hiện đại và đương đại, có lẽ Tô Hoài là đệ nhất dung hòa ổn thỏa ba cửa ải ta-bu, đưa đến được độc giả một số tác phẩm mang chở nan đề mà vẫn có sự bày biện nghệ thuật cao. Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khải dường như ở hai phía khác, khi phải tự xử lý “giấy thông hành ba chữ T”. Nguyễn Đình Thi vẻ như chẳng khéo dùng cái Tình, khiến những gì đến được độc giả – tiểu thuyết – lại không để đời; cái đáng giá nhất là các vở kịch đã không đến được độc giả khi cần. Ngược lại, Nguyễn Khải rành rẽ cái Tình và cái Tài của mình, mà khu biệt cái Tâm để mãi các năm cuối đời có nó thì phải dùng qua các sáng tác thuộc về thể ký như là các giai phẩm đạt nhất cho đời.

Truyện Kiều là kiệt tác, bất tử trong tâm trí người Việt; tác giả Nguyễn Du đã nâng Tâm-Tình-Tài của mình may mắn có được lên mức thượng thặng qua các hành vi văn học giữa một xã hội nhiều biến động và nhiễu nhương vào loại nhất của lịch sử Việt Nam[32].

Chúng ta còn nhiều thời gian và điều kiện hậu hiện đại để đặt nhân vật chính trong diễn đàn hôm nay lên “tam giác ba chữ T”. Riêng tôi nhận thấy ở anh một người làm văn chương hiểu rõ đất nước và con người Việt Nam – đất nước và con người của anh, của tất cả chúng ta – hay dở trên từng xăng-ti-mét, từ quán cà-phê vỉa hè nhìn ra hồ Giảng Võ đến lề lối xuất bản nơi đầu phố Nguyễn Du. Trong 3.3.3.9, ngay từ bản thảo trên mạng, tôi không thấy có vấn đề ta-bu số 1. Mới đọc thì tưởng tá lả các ta-bu số 2 ở các trang dày đặc ngôn từ tục tằn, lênh láng các màn làm tình, chát chúa các chuyện cửa Phật sân Chúa… Cuối cùng, tôi chỉ còn lo cho ta-bu số 3 là các xử lý nghệ thuật. Và anh đã qua, với cuốn sách đã ra! (Đặng) Thân có dấn… thân không? Dấn! Là một văn sĩ thuần túy và độc lập, cuối cùng vẫn là dấn cái thân chữ cái xác nghĩa để phá ta-bu nghệ thuật viết lách trong khi đưa xã hội và con người lên bàn mổ. Một điểm trùng nhau giữa hai tác giả Đặng Thân và Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Sylvester, người Argentina từng phải sống ngót 20 năm xa xứ, mấy tháng trước đăng đàn một câu “đúng người đúng việc” ở đây[33].

 

@11

Nhận xét gọn về một số ý, phần cụ thể của 3.3.3.9:

+ Việt tính là một nỗi dày vò lớn của cuốn sách. Thực ra là nhân tính được dân tộc hóa, địa phương hóa: từ Mộng Hường, Schditt, Đặng Thân tới hàng loạt nhân vật phụ Phật, Hitler, Trần Huy Bớp…  Lạnh lùng và táo bạo, tác giả bảo vệ Việt tính bằng các ví dụ phản-Việt-tính. Trong chữ nghĩa, Đặng Thân là một người yêu dân tộc, yêu con người đến khổ sở. Một bảo đảm bằng vàng cho 3.3.3.9: quậy phá văn chương dàn trời, câu lời ngổ ngáo ngập đất tiểu-thuyết-Đặng-Thân vẫn là một sản phẩm đứng đắn!

+ Lối dùng các trích dẫn kinh viện, suy diễn ra vẻ khách quan của tác giả về học thuyết, tông giáo là thuật áp đặt không khoan nhượng; nhất biên đảo. Áp đảo bằng sự thông minh và tài bắt bẻ (có phần liến láu), bằng tư duy tinh quái và tốc độ dẫn truyện ào ào hơn thác đổ, bằng kết cấu thiên la địa võng của ngôn từ và văn bản, v.v… Giọng chính của tác phẩm là độc đoán, tác giả là Thượng đế, là kẻ biết tuốt. 3.3.3.9 còn giữ đặc điểm át chủ của phương pháp hiện đại và hiện thực, trong mục đích tải đạo lộ liễu.

+ Ngôn-ngữ-Đặng-Thân xứng đáng cho các khảo cứu nhà nghề. Hóm Bắc kỳ và bạo Nam kỳ; khi sâu sắc lúc nhạt phếch; vừa tri thức vừa cà nhây; khó chịu mà không buông được – tất cả dồn vào mục tiêu thuyết phục, dụ mị độc giả. Điệp từ “Ui mèo![34] của Mộng Hường; “Lâm tiên sinh chỉ được cái tiếu lâm![35] (nói về Lâm Ngữ Đường) là hai giữa trăm ngàn ốc vít, bù loong trong cỗ máy 3.3.3.9. Chất phản biện của tác phẩm cũng hiện rõ trong phản-tu-từ, chơi-xấu-chữ, đảo-điển-tích, v.v... Dưới mỗi con tự của Đặng Thân luôn có một… cái hố!

+ Kỹ thuật gây cười hậu hiện đại dùng giễu nhại văn bản và tu từ vốn rất cực đoan, dễ làm mất cá tính tác giả[36]. Vẻ đồng phục này dễ làm nhờn tác phẩm. Đó cũng là một cản trở cho các độc giả bình thường quen nồng độ pha trò vừa phải[37]. Tiểu-thuyết-Đặng-Thân đã không là ngoại lệ!

+ “Trò chơi làm hại tiểu thuyết hậu hiện đại như thế nào?” nên là câu hỏi đầu tiên cho các nhà sáng tạo hậu hiện đại, qua ví dụ 3.3.3.9. Phần Lời bàn [phím…] của các netizen là một trong các độc đáo; dù nhiều tác giả khác cũng đã làm nhưng không triệt để và dằng dai như Đặng Thân. Trong thủ pháp trò chơi, đây như là phần mạo hiểm nhất, làm hỏng cái duyên của một sáng tạo văn học chăng[38]? Sự chủ quan và độc tôn khiến đa số các ý kiến là khen; các ý chê thường “vuốt mặt nể mũi” và còn bị tác giả phủ định hoặc thanh minh thanh nga bằng các câu thơ/vè rất tếu táo! Cái hóm, cái lanh, mà trên cả là cái thiện, cái tâm của tác giả khiến phần Lời bàn cùng cả tập truyện vẫn trôi vào mắt độc giả. Quan trọng: Các netizen không sắm vai đồng tác giả, chỉ làm bình luận viên.

 

@12

Chúng tôi đang muốn viết tiếp mà e không xuể, vậy xin nêu ra như những gợi ý để chúng ta cùng nghiên cứu tiếp: So sánh vị trí và phong cách viết giữa Đặng Thân với Nguyễn Huy Thiệp (theo Đỗ Lai Thúy[39]); So sánh kỹ thuật viết của Đặng Thân với Phạm Công Thiện, Nhật Chiêu…; Tính văn xuôi; Tính văn hóa đại chúng; Tính trò chơi; Chất hài hước; Chất tôn giáo; Chất “sex”; Ngôn-ngữ-Đặng-Thân trong 3.3.3.9; v.v…

Ôi! Rất nhiều điều về tiểu-thuyết-Đặng-Thân!

 

Vancouver, 2/2009 - 31/12/2011

 

Chú thích:

 


[1] Đọc và viết về cuốn sách này là một cực hình tôi tự hành mình. Chắc ai cũng vậy, trong chuyện viết lách có những cực hình rất khó hiểu. 3.3.3.9 là loại sách tôi biết trước không thể không viết gì về nó. Thực tình chẳng khoái chí đọc và viết về nó, vì mất đi quá nhiều tinh hoa may mắn còn giữ được cho các việc văn. Nhưng lại tức khí nếu bỏ qua, khi thấy có thêm tinh hoa khác. Văn-chương-khó với đại diện 3.3.3.9 là vậy chăng? Loại sách này khen cũng như chê đều không khó. Khó là mổ xẻ nó.

[2] Ai nghĩ ra một tên khác thay “hậu hiện đại”, chắc sẽ được giải Nobel. Không là Nobel văn học, mà Nobel… hòa bình!

[3] Không kể những thảo luận từ trước của một số tác giả khác, ví dụ mới nhất: cho dù “tùy thuộc vào quan niệm của từng nhà nghiên cứu sẽ có những lựa chọn khác nhau”, chúng tôi thực khó san sẻ cùng nhà nghiên cứu – dịch giả Lê Huy Bắc về một vài lập luận và không ít các dẫn chứng ở bài “Văn chương hậu hiện đại Việt Nam” (nguvan.hnue.edu.vn 10/11/2011 & Văn nghệ Quân đội số 738 đầu tháng 12/2011), như: “Về thơ, chủ nghĩa hậu hiện đại khẳng định bản thể từ Lê Đạt, Hoàng Cầm... Xa hơn là nhóm thơ siêu thực Xuân thu nhã tập và có cả trong Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng...”; hay: “(…) Nguyễn Khải là người tiên phong trong lĩnh vực đổi mới văn xuôi từ hiện đại sang hậu hiện đại. Dễ nhận thấy điều này qua việc ông chuyển đổi từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng đời thường. Song hành với quá trình đó là việc chuyển đổi vai trung tâm: từ người lính với cảm hứng ngợi ca lãng mạn cách mạng (…). Năm 2003, Nguyễn Khải đã tiếp cận hơn chân lí hậu hiện đại qua Thượng đế thì cười.” Mà nghiêng về cách nhìn “Bùi Giáng ở những mười năm cuối của cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam, văn học hậu hiện đại. (Đỗ Lai Thúy: “Bùi Giáng, nhà thơ của các nhà thơ”; tiasang.com.vn 19/12/2011). Với Nguyễn Khải, chúng tôi từng nêu ý kiến: “Về học thuật, nhà văn đã vô thức cập nhật vào bút pháp của mình một vài cách biểu hiện của các trường phái khác hiện thực XHCN, khác Marxism.” (“Thơ Mai Văn Phấn trong dòng thơ cần giải thích giá trị”; Kỷ yếu Hội thảo, Nxb Hội Nhà văn 2011 & dangvansinh.blogspot.com 16/5/2011).

Một trong các lý do cũng vừa được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân nêu trong bài “Nguy cơ rối loạn hệ thống lý luận trong nghiên cứu văn học nghệ thuật” (Văn Nghệ Trẻ số 51 - 2011 & vanvn.net 19/12/2011): "(...) vì không xác định được chủ nghĩa hậu hiện đại là gì, nên người ta đã lấy các đặc điểm có sẵn của chủ nghĩa hiện đại để gán cho cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, đi đến chỗ tuyệt đối hoá chủ nghĩa hậu hiện đại mà quên mất chủ nghĩa hiện đại là gì (…)."

[4] “Nếu bạn chẳng chờ đợi gì ở cuốn sách này thì có thể sẽ gặp được cái mình hằng mong đợi”. (Tr. 4; 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần])

[5] Khánh Phương: Suy tưởng, giấc mơ, viết; Phê bình - Tiểu luận, Nxb Hội Nhà văn 2011, tr. 158-175; “Nhìn từ năm 2009, một số căn bệnh văn chương”; Sông Hương số 256, 6/2010 & tapchisonghuong.com.vn (8/7/2010).

[6] Với không ít các sáng tác thử nghiệm, văn chương (hậu) hiện đại Việt Nam đã có những tác phẩm được xã hội cấp “chứng chỉ” sau biết bao nhiêu thời gian, như Bến lạ, Ô mai (Ðặng Ðình Hưng), Mùa sạch, Jờ Joạcx (Trần Dần)… So với tiền bối, riêng mặt này, Đặng Thân sinh dưới vì sao sáng: 4 năm từ khi khởi sự đến ngày trình làng 3.3.3.9. Và 4 năm này là của thời a-còng: Không a-còng đố Thân làm 3.3.3.9 nên thân, chí ít về thao tác văn bản và thực hành xuất bản! Đó cũng là một tính hậu hiện đại: lý thuyết và cây đời vẫn có thể cùng sắc màu, nếu biết hòa màu! Món hậu hiện đại và những gì cùng chủng loại không có tủ lạnh nào chứa đựng với sự lên men của thời gian và công chúng. Tin vừa đăng trên mạng cho hay việc in di cảo của Bùi Giáng phải... 10 năm nữa mới xong, nếu mỗi năm in một cuốn. Còn với Trần Dần, hai tháng trước tại Paris, thân nhân của thi sĩ cũng cho báo giới biết sẽ cố gắng lần lượt đưa hết ra ánh sáng các tác phẩm “phủ bụi”.

[7] Đà Linh: diendan.org (23/11/2011).

[8] “1- Ông Bà/A Bồng, 2- Schditt von deBalle-Kant, 3- Tác giả, 4- Mộng Hường (nhân vật nữ), 5- Lời bàn [phím…] của các Netizen.

[9]Một Câu chuyện lớn (từ lịch sử - văn hóa - truyền thống - hiện đại - nhân loại…) chứa đựng nhiều Câu chuyện nhỏ (gia phả, đạo, âm nhạc, kinh doanh, văn học, dịch thuật, phong tục, nhân vật, du lịch, cửa Phật, ngôn ngữ, thời sự trong nước và thế giới...).” (link đã dẫn)

[10] Tr. 659-662; Sđd

[11] Đỗ Lai Thúy, “Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp)”; Văn Nghệ số 53 (31/12/2011).

[12] Theo GS Hà Minh Đức, tác giả Nguyễn Đình Thi cho rằng thơ là thể loại ông nói được mình nhiều nhất và tự thấy “làm thơ là lấy tất cả mình ra làm cây đàn.”

[13] Đặng Phùng Quân: “Khái luận phê bình lý trí văn chương”, gio-o.com (20/12/2011): "Giữa vô số những hòn đảo quây quần, vẫn cho nhìn thấy biển khơi rộng lớn, và ngược lại vẻ mênh mông bao la đã ở đó từ xa xưa mới làm xuất hiện một vài mỏm đất kỳ dị, lạ thường, vô cùng hứa hẹn. Biển khơi là thơ, quần đảo cũng là thơ."

[14] Trong con mắt hội họa hậu hiện đại, có thể coi 3.3.3.9 như một quảng trường cho các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Còn với tai nhạc hậu hiện đại, việc 3.3.3.9 có các đoạn triết lý Goethe rồi Nietzsche, tôn giáo Mật tông, lịch sử Do Thái chèn giữa chuyện tình mùi mẫm đời thường cũng như sự xuống đường của nghệ sĩ nhạc thính phòng Quang Thọ, của Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Việt Nam biểu diễn ở vỉa hè Lý Thái Tổ với chương trình Luala Concert trong hai tháng 11 và 12/2011. Đặc điểm văn hóa đại chúng của hậu hiện đại trong 3.3.3.9 là vậy!

[15] Tác phẩm hậu hiện đại này của Nhật Chiêu đã nâng thể loại văn xuôi Việt ngắn-nhất tới mức hoàn thiện về bút pháp trong hàng ngũ sách in trên giấy! Tức là Cái Kiến của Nhật Chiêu còn là Con Ong, và hết còn ở dạng “leo lên lưới” như các tác phẩm tương tự của nhiều tác giả có tên tuổi khác.

[16] Mở/thân/kết của một sáng tác hậu hiện đại là các mở “giả”, thân “giả” và kết cũng “giả”! “Giả” này không có nghĩa đối lập với “thật”; mà là cái có-thể-thay-thế. Cấu trúc của tác phẩm tự do đến mức lúc nào cũng có thể làm khởi đầu cho một truyện mới, và vì thế lúc nào cũng có thể kết thúc. Khác phương cách lãng mạn và hiện thực, ở đây tư duy của tác giả và sự điều khiển kỹ thuật viết đã quyết định số phận nhân vật. Làm gì có chuyện Đặng quân, hay bất kỳ tác giả hậu hiện đại nào, ôm mặt hu hu thảm thiết: “Ối làng nước ơi, Mộng Hường bị hiếp/giết/chết rồi! Đang định cho nàng trở thành hoa hậu hoàn cầu cơ mà?”. Tôi cứ tủm tỉm cười khi thấy một số vị bình phẩm với ý khen cái kết có hậu của 3.3.3.9. Nếu muốn, ngày mai họ Đặng sẽ sản xuất một cái kết khác, cũng “có hậu” không kém. Đó là tính đa trị, đa nghiệm của hậu hiện đại – loại văn chương không biểu dương vấn đề, cũng không giải quyết vấn đề, càng không phản ánh vấn đề. Nó phản tư vấn đề. Vì cung cách hậu hiện đại tưởng như “đánh trận giả”, nên một trong các lối gọi thuận tiện là “phong cách thử nghiệm”.

[17] Ý của Octavio Paz.

[18] Thử tưởng tượng, chỉ cần thêm vài chục trang, năm-bảy chương/đoạn tràng giang đại hải không chấm phẩy, khỏi viết hoa, ứ thèm ngữ pháp chuẩn: hỏi còn… ma (net) nào xơi nổi 3.3.3.9? 

[19] Tr. 29; Sđd

[20] Bìa 4; Sđd

[21] Nhà văn Đặng Thân - Người khởi đầu cho một phong cách tiểu thuyết mới?”; phongdiep.net (16/12/2011).

[22] Tự thú, khi mới đọc 3.3.3.9 để viết bài, thấy oải quá tôi thủ sẵn một mẹo: Nếu bí sẽ chỉ đọc mục này, tóm ra các ý kiến mà bình loạn lên, ắt có một tiểu luận không tồi. Như:

- “ben t: Rất lỗi lạc, không nhiều người ưa văn phong, (hồ đồ thế). Ai biết và hiểu sơ sơ sẽ khâm phục, (tin như thế) (…). Đọc những dòng đầu tiên, đã thấy ‘mùi’ của cuộc chiến vùng miền, xung đột của tư tưởng, thách thức của ngôn ngữ, thấp thoáng của triết, tràn lan một thách thức khám phá nội tại…” (tr. 12; Sđd)

- “Khánh Lam: Tiểu thuyết này của anh có thể mang tính dung tục và kinh sợ với ai đó, nhưng em nhìn nó ở 1 góc độ khác và thấy nó rất hay như thường. (…) Thực tế là trên cable đài Mỹ có các kênh dành cho adults only và họ coi đó như là 1 loại xúc tác cho tình nhân hay vợ chồng.” (tr. 160; Sđd)

- “quê choa: He he đọc cứ rối như canh hẹ nhưng mà hiểu được.”

- “loinho: Trời ơi, em phản đối ông nhà văn mang thơ vào miệng nhân vật để tự PR mình he he… Mà chương 7 viết khiếp thế.”

- “Đặng Thân: Công nhận cái ông nhà văn này PR trơ trẽn thật.”

- “TranAnh painter: Văn của bác đọc có vần điệu như thơ (…)”

-Khanh Phuong: He, ông bác cẩn thận kẻo lại rơi vào một giọng thì phí cả công Hậu-hại điện. (tr. 104; Sđd)

- “Trần_X: Nghĩ thương các nhà văn lao động thật kỳ khu và công phu!! Tôi cảm thấy để viết được 1 chương như thế này chắc rằng nhà văn phải chuẩn bị cho nó phải dăm bảy năm chứ không ít.” (tr. 118; Sđd)

[23] Thế nào cũng có bà có cô gọi 3.3.3.9 là “tiểu thuyết lẩu thập cẩm”! Nói nghiêm túc, Đặng Thân vừa mới tuyên ngôn: “Hiện nay tôi đang triển khai một cuốn tạm gọi là tiểu thuyết, nhưng thực ra là phi thể loại, không trường phái, có tên là Factum [a] Cave. Nếu ai cần xác định trường phái cho nó thì tôi xin tạm gọi là ‘chủ nghĩa nguyên thủy’ (có thể hiểu là: originalism/ primitivism/ cave-ism).” (sgtt.vn 24/12/2011). Ba chương của “tiểu thuyết nguyên thủy” này đã được công bố. Vì Factum [a] Cave chưa hoàn thành, nhưng chính là vì để mỗi cái đầu của chúng ta lúc này không bị nổ tung ra, chúng tôi chưa bàn tới việc so sánh thể loại và thi pháp giữa hai cuốn tiểu thuyết 3.3.3.9Factum [a] Cave. Hẹn gặp lại!

[24] Ở đây chỉ tính các tác giả tiểu thuyết; còn một số tác giả văn xuôi khác trong dòng hài hước như Trần Đăng Khoa, Lê Văn Nghĩa, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Quang Lập, v.v…

[25] Chẳng lẽ vì thế đến câu kết, Đại thi hào hạ hai chữ “Mua vui…”- khiêm nhường đấy, chua xót đấy!?

[26] Nếu theo Belinski "tiểu thuyết là sử thi của đời tư", thì ít nhất một trong hai cái của người Việt không chịu… cười: Sử thi? Đời tư? Chắc là lỗi tại cái ông “sử thi” thôi!

[27] Phong Lê: “Thần thánh và bươm bướm’ mấp mé một cái gì rất lớn” - Hội thảo về tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn; nhavantphcm.com.vn (27/11/2011): (…) một hình hài của Đôn Kihôtê của Cervantes, một “Gacgăngchuya và Păngtagruyen" của Rabelais. Những cuốn sách khổng lồ, khác hẳn đi, tạo nên một thời kỳ Phục hưng. (…) Thời đại Phục Hưng khởi động bằng tiếng cười, chứ không phải bằng sầu bi, đời thường đâu. (…) Thời đại mới đòi hỏi một sự khởi động bằng tiếng cười. Tôi hy vọng những cuộc thi tới đây phải có những tác phẩm viết hoàn toàn khác.”

[28] Khi tác giả nói: “Tôi có mong muốn chứng minh âm thầm: viết tiểu thuyết dễ lắm các bạn ạ” trong bài phỏng vấn do Dương Tử Thành thực hiện trên eVăn (21/12/2011), thì cũng dễ hiểu qua cách tổ chức văn bản của anh. Cái kẹt trong hài văn Đặng Thân là “cả (vú) chữ lấp miệng (em) độc giả”, thành ra khó mà “thành thánh” Vũ Trọng Phụng, chưa chắc “thành thần” (đồng) Trần Đăng Khoa. Nếu như Lê-nin từng không có thời gian để ốm do quá bận việc cách mạng, thì độc giả 3.3.3.9 sẽ không có thời gian để cười bởi câu/đoạn/ý nào trong đó cũng phải cười!

[29] Các câu hỏi tiên quyết mà Ban biên tập damau.org (24/9/2010) nêu ra khi trích đăng 3.3.3.9: “Đọc tác phẩm này, người đọc có lẽ sẽ gặp nhiều câu hỏi hơn câu trả lời: Tác giả viết truyện hay viết báo? Tiểu thuyết này phúng dụ cho cái gì? Giá trị văn chương của cuốn sách này nằm ở đâu? v.v…”

Do có nhiều biểu hiện tưởng như phá hủy bản chất văn học ở 3.3.3.9, và ở nhiều sáng tác văn học hậu hiện đại khác, nên 3.3.3.9 cũng là dịp nhìn lại vấn đề cận-văn-học (paraliterature) dù là sáng tác hậu hiện đại hay không. Một ví dụ: Tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách là một hiện tượng rộng lớn, ảnh hưởng lâu dài, nhưng ít được để ý về bản chất văn học và bút pháp sáng tác. Với chúng tôi, đó là một tác phẩm cận văn học; Nếu từ điểm nhìn hậu hiện đại thì nó không có tâm thức hậu hiện đại (phản tư), nhưng lại ánh lên như là một sáng tác hậu hiện đại với các kỹ thuật chính: phi trung tâm, giải đại tự sự, giễu nhại, liên văn bản, trò chơi…

[30]Nếu không thành nhà thơ”, Essenin“đã thành trộm cướp”. Nếu không thành tiểu thuyết gia, ắt Đặng Thân sẽ là một khoa học gia không xoàng!

[31] Nghe nói Cuộc đời hay nhắc Văn sĩ : “Không tài đố mày thành văn!”

[32]Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” (thơ vịnh Truyện Kiều của Phạm Quý Thích)

[33] S. Sylvester: “Trong lĩnh vực của những quan niệm đối lập, sự dấn thân của nghệ thuật nằm ở đâu? Ở ngay chính giữa. Sự dấn thân của nghệ sĩ, kẻ kháng cự lại thời gian, gắn liền với những vấn đề sâu xa nhất của xã hội, mà không đi cùng với các chính sách chính trị.” (“Thi sĩ dấn thân gì?”: Trần Vũ; litviet.com 10/9/2011, dịch từ Le Monde Diplomatique 8/2011)

[34] Ví dụ tr. 68; Sđd

[35] Tr. 210; Sđd

[36] Chúng tôi quan tâm tới nhận định của GS Hoàng Ngọc Hiến in trong tập truyện Ma Net (“Về tính hài hước, Đặng Thân còn vượt cả Nguyễn Huy Thiệp”, talawas 22/5/2008 & Văn nghệ Trẻ số 602, 18/5/2008), xin dành trong dịp bàn lại về so sánh các tác giả hiện đại và hậu hiện đại, nhất là trong cách tạo cười.

[37] Làm sao có sáng tác hậu hiện đại được nếu tuân lệnh vua hề Thời hiện đại C. Chaplin “Trò đùa phải chấm dứt khi nó thành công nhất”; hay theo phương châm cổ điển “Tiếng cười chỉ là muối của cuộc đời”? Không! Hậu hiện đại là đùa cợt, đùa cợt nữa, đùa cợt mãi! Hậu hiện đại là cả một tô canh muối, một dòng sông muối!

[38] Dương Tử Thành, trong phỏng vấn “Đặng Thân tin ‘người trẻ sẽ thay đổi văn hóa đọc’”, eVăn (21/12/2011), hỏi: “Tính tương tác là điểm nổi bật mà tác giả 3.3.3.9 hướng đến, anh nghĩ thế nào về yếu tố này (…)?”; Đáp: “Cực kỳ quan trọng. Trong đời sống văn học hiện nay có quá nhiều cuốn sách không tương tác với bạn đọc và đời sống, việc ấy đẩy sách xa khỏi người. Tương tác thì văn học mới giúp con người sống thăng hoa, con người mới đẩy văn học “lên ngôi”. Ô kê Đặng Thân và 3.3.3.9! Chỉ mong đừng quên: Nhờn với tương tác với bạn đọc”, “tương tác với bạn đọc” liếm… tiểu thuyết!

[39] Phác thảo: Việc so sánh nhị vị này giống thuật vẽ chân dung: đúng mà lại không đúng, không đúng mà lại đúng; Là một tiêu biểu của hậu hiện đại, như một chủng-loại-trên-bờ, văn chương Đặng Thân – dành cho những độc giả không-bình-thường – không bao giờ là dòng chính như văn chương Nguyễn Huy Thiệp; Đặng Thân dùng những gì trong/ngoài/trên/dưới văn học để làm ra một loại văn học đang được định nghĩa và có lẽ không thể định nghĩa nổi, còn Nguyễn Huy Thiệp chỉ dùng cái trong văn học cho một dòng văn đã được định nghĩa có hệ thống; Văn Nguyễn Huy Thiệp thuộc về thời đại ẩn ức đầy ta-bu, không tạo ra một thế-giới-khác dòng văn này đảo lại thế-giới-cũ, còn dòng văn Đặng Thân khác hẳn; Tạm ví với vấn đề đồng tính luyến ái: hậu hiện đại là những cái dị thường trong sự bình thường, việc chối bỏ nó như là cái dị thường độc lập và việc bình thường hóa nó đều sai lầm ngang nhau; Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu… cho đến Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh… rồi tiếp Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái… - về bản chất văn học và mục đích sáng tạo không là loại văn-chương-khó, như Đặng Thân và nhiều tác giả (hậu) hiện đại khác: Xuân thu nhã tập, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Viện... Trước và sau thời Đổi mới, các tác giả đó “khó” là tại con mắt độc giả bị “cái lưng định hướng” che khất mà thôi. Như người dùng giày chật, đau chân tưởng tại con đường gập ghềnh, thậm chí ngộ nhận đôi chân của mình có tật; Văn Nguyễn Huy Thiệp đã vượt thắng chói lọi ta-bu xã hội và văn hóa bằng nhiều vượt thắng lỗi lạc về ta-bu nghệ thuật mà con người Việt ở đấy thuộc về làng-Việt thời hậu chiến. Văn Đặng Thân đang thành công khi đi qua hai ta-bu đó với con người Việt của làng-thế-giới hậu hiện đại. Tất nhiên không phải vì đề tài của Đặng Thân thuộc về thời a-còng, còn của Nguyễn Huy Thiệp thời sắp… còng. Nhân vật của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao, của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam, rồi của Nguyễn Khải (2-3 tác phẩm sau cùng) vẫn thuộc về làng-thế-giới; Cách nhìn Đặng Thân từ Nguyễn Huy Thiệp chỉ đúng khi phân kỳ văn học sử, và “phân biệt văn chương hiện đại (chủ nghĩa) và văn chương hậu hiện đại ở cấp độ thủ pháp là một việc làm rất khó khăn, đôi khi là không thể”. Xin “cọp” lại tác giả Đỗ Lai Thúy: Đặng Thân đang “làm một (tượng) đài quan sát, để, một mặt ngó về văn-học-hậu-hiện-đại-trước-Thân, hay văn-học-hậu-hiện-đại-thời-Thân, mặt khác, quan trọng hơn, phóng chiếu một cái nhìn vào văn-học-hậu-hiện-đại-sau-Thân, tức văn học hậu hiện đại hôm nay và ngày mai với những tác giả chuyên trị hậu hiện đại đã định danh trong dăm qua, nói riêng về văn xuôi, như Nguyễn Viện, Thuận, Lê Thị Thấm Vân, Nhật Chiêu, Lê Anh Hoài…; Về văn chương Nguyễn Huy Thiệp trong tương quan văn hóa và văn học, chúng tôi cũng có dịp bày tỏ: “Nguyễn Huy Thiệp - một dòng văn đã cuồn cuộn chảy, và sẽ còn chảy lâu nữa, trong lòng độc giả. Bình nguyên văn hóa Việt đã làm màu mỡ cho dòng sông Nguyễn Huy Thiệp! Ngay cả ở nơi nào đó trong hay ngoài bình nguyên, để đọc văn chương ấy người ta cũng có thể không cần ngước lên, cúi xuống những ngọn núi, các vực sâu của xã hội, chính trị Việt đương thời. Thi pháp văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp, trên thực tế, đã và đang làm nên giáo trình của một trường-phái-văn-học Việt không-mang-tên Nguyễn Huy Thiệp. Sông văn Nguyễn Huy Thiệp không đổ ra biển được cho đúng vòng luân hồi thiên địa trong Việt Nam (tạm chưa tính ngoài thiên hạ), có lẽ vì thiếu sức đẩy bất tận của chất tiểu thuyết chăng? Tiếc mà không làm gì được. Văn hóa Việt lỡ một cơ hội có tính thế kỷ!” (Sđd, Chú thích 3)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn