Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Nhà văn Văn Giá: “Bản thân giới khoa học xã hội & nhân văn cần phải tìm lại hình ảnh của mình”

Vân Anh (thực hiện) - 09-07-2011 12:59:04 AM

VanVN.Net - Các sĩ tử khối C, D đang hồi hộp đếm từng giờ trước thời khắc vượt vũ môn. Theo nhận định chung, lượng sĩ tử đăng ký dự tuyển khối C những năm gần đây chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn và giảm một cách “choáng váng” trong tổng số hồ sơ dự tuyển của kỳ thi tuyển sinh đại học. Trong cuộc trao đổi với VanVN.Net, PGS.Văn Giá, trưởng khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình Văn học (trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đã chia sẻ một vài nhận định riêng về vấn đề này…

PGS.TS Văn Giá

PV: Thưa ông, sau khi chuyển đổi hình thức thi từ khối thi năng khiếu R3 lấy sáng tác là trọng tâm sang khối C, D đại trà với mục đích đào tạo chuyên ngành Viết báo Văn hóa -Văn nghệ cho tới nay, xin ông cho biết số lượng thí sinh dự tuyển thời điểm hiện tại như thế nào?

PGS.TS Văn Giá: Theo thông tin từ phòng đào tạo cho biết thì hiện nay số lượng thí sinh dự tuyển vào Khoa khoảng hơn 100 hồ sơ, với bình quân tỉ lệ chọi là ¼. Nếu dựa vào tiêu chí số lượng mà nói thì cũng đã tương đối thành công. Với chuyên ngành Viết văn, từ khóa 11 trở lại trước, số lượng hồ sơ cũng sêm sêm như thế, nhưng K12 – K13 trở lại đây thì ít hơn, do số lượng thí sinh dự thi ít, trong khi đó Khoa lại tuyệt đối không nhân nhượng về mặt chất lượng nên số lượng tuyển vào được rất ít.

Vì vậy, nếu cứ duy trì Viết văn theo hướng một năm tuyển sinh một lần chắc chắn sẽ thất bại. Lý do là, thứ nhất năng khiếu lấy đâu ra mà nhiều thế; thứ nữa theo cái đà chung của xã hội, các ngành KHXH &NV đang trở nên kém giá. Bởi thế, Khoa buộc phải đứng trước một lựa chọn, nên đã quyết định tạm dừng lại, không tuyển mỗi năm một khóa nữa mà chuyển về chế độ tuyển sinh của Trường Viết văn Nguyễn Du cũ là 3 năm một khóa, tức là đến năm 2013 sẽ tuyển sinh khóa 14 ngành Viết văn. Còn năm nay là tuyển sinh lớp Viết báo Văn hóa – Văn nghệ khóa 1.

PV: Có một vài ý kiến cho rằng chuyển đổi như vậy sẽ làm giảm cái uy của khoa Viết văn, một vài ý kiến khác lại nghĩ nó mang tính chất như một sự vớt vát, ông suy nghĩ như thế nào về những ý kiến đó, thưa ông?

PGS.TS Văn Giá: Tuyệt đối không phải thế. Cách đây 2 năm Khoa đã xây dựng đề án phát triển trong tương lai và được nhà trường, cũng như Bộ Văn hóa, TT và DL nhất trí thông qua. Trong một diện mạo hoàn chỉnh nhất, Khoa Viết văn sẽ đào tạo những chuyên ngành như sau:  Sáng tác, Lý luận – Phê bình, Viết báo Văn hóa – Văn nghệ, Biên kịch điện ảnh, và Dịch thuật Văn học. Có điều kiện tới đâu sẽ tiến hành mở các chuyên ngành đó trước. Vậy nên, thứ nhất là kế hoạch tuyển sinh chuyên ngành Viết báo Văn hóa văn nghệ đã nằm trong đề án từ trước; thứ hai là nhận thấy những dấu hiệu không mong muốn từ các kỳ tuyển sinh Viết văn một vài năm gần đây nên chúng tôi tạm thời dừng tuyển chuyên ngành này.

Phải nhấn mạnh rằng chúng tôi mở thêm chuyên ngành chứ chúng tôi không để mất chuyên ngành chủ lực là Viết văn. Vả lại tôi cũng đã tham khảo mô hình đào tạo của Trường Viết văn M.Gorki (Nga) và một số gợi ý của các giáo sư đến từ khoa Viết văn của các trường Đại học ở Mỹ. Tại đó, ngoài mở các lớp đào tạo kỹ năng sáng tác văn học, họ còn mở rất nhiều chuyên ngành khác.

Như Trường Viết văn M.Gorki họ mở cả  chuyên ngành Sáng tác văn học thiếu nhi, rồi Thơ, Văn xuôi, Biên kịch điện ảnh, mở cả hệ Cao học và NCS về văn chương nữa. Vậy xu hướng  đa dạng hóa các chuyên ngành đào tạo là xu hướng chung của thế giới chứ không phải của riêng ta. Miễn là phải thực làm, thực học, và đào tạo có hiệu quả.

PV: Như vậy, từ năm nay chuyên ngành Viết báo Văn hóa – Văn nghệ trở thành một chuyên ngành chính thức của khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình Văn học, song hành cùng chuyên ngành Sáng tác của những năm trước. Ông gửi gắm những kỳ vọng gì vào chuyên ngành mới mẻ này?

PGS.TS Văn Giá: Tôi rất hi vọng sẽ mở ra được một loại hình đào tạo mới. Ở chỗ thế này, nếu như làm tốt thì tức là đã bắt được trúng cái nhu cầu của xã hội. Những năm gần đây, kể cả Hội nhà báo, Hội nhà văn rồi các Hội khác chuyên ngành nghệ thuật đều kêu ca về mảng báo chí viết về văn hóa, văn nghệ. Tình trạng viết nông, viết ẩu, viết sai đã trở thành một vấn đề đáng báo động. Việc xuất hiện chuyên ngành này hi vọng đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn báo chí ngày hôm nay. Như vậy thì Khoa năm nào cũng sẽ có sinh viên, rất tưng bừng. Nếu như chỉ tuyển Viết văn, mà 3 năm một lần thì không cẩn thận nó trở thành “ngôi chùa bà Đanh”, một ngôi trường thiếu sinh khí.

Năm nay khoa tổ chức tuyển sinh hai khối là khối C và khối D. Theo nhận định của công tác chấm đại học của nhiều năm gần đây, khối C thường đem đến cho thí sinh cái ảo tưởng là rất dễ, thành ra người dự thi thì đông, mà mặt bằng chất lượng thì không cao. Tuy nhiên ở khối này có sự phân loại rất cao. Hoặc là xuất sắc thì vượt trội hẳn lên, hoặc kém thì sẽ kém hẳn, mà đám kém hẳn khá đông. Khối D mặt bằng chung khá, nhưng rất khó tìm những cá nhân xuất sắc về văn chương. Tìm 10 văn ở khối D khó lắm, nhưng lại có 10 điểm văn ở khối C. Khoa tiến hành tuyển sinh cả hai khối với mong muốn họ có thể bù đắp cho nhau, tạo ra một mặt bằng chung tốt.

PV: Được biết khóa 10 là khóa mới nhất của khoa vừa tốt nghiệp cách đây ít hôm, ông có thể chia sẻ một số kết quả được coi là thành công và có triển vọng của khóa này?

PGS.TS Văn Giá: Tôi là người trực tiếp tuyển sinh khóa này, có thể nói khóa 10 là một trong những khóa đồng hành cùng tôi từ khi tôi “đầu quân” về đây. Phải nói ngay là đầu vào được tuyển tương đối tốt, chất lượng của lớp cũng tương đối khá. Sau 4 năm đào tạo tại khoa đã thể hiện được những bước vượt trội, có những cây bút đã nhập được vào đời sống văn học trẻ đương đại như Hoàng Chiến Thắng, Lữ Thị Mai, Khúc Hồng Thiện, Võ Thị Hà. T

Trong những ngày cuối cùng xuất hiện thêm 2 gương mặt mới cũng được dư luận chú ý là Trương Hồng Tú và Du Nguyên. Lớp có thành tựu, ngay cả những người chưa trở thành gương mặt tiêu biểu thì họ cũng viết báo và làm truyền thông khá vững vàng. Có thể nói đây là một khóa đào tạo khá thành công, không thật sự tạo ra những tài năng chói sáng, nhưng đủ để hi vọng, để tin tưởng và để ấm lòng.

PV: Thưa ông, mặt bằng chung của các thi sinh dự thi khối C trong những năm gần đây được đánh giá là thấp nhất trong tất cả các khối, kể cả các ngành vốn được ưa thích như luật hay báo chí. Dường như thí sinh không còn mặn mà với khối C nữa. Là một người làm công tác đào tạo và giảng dạy lâu năm, ông có thể chia sẻ một số nhận định của mình về nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó?

PGS.TS Văn Giá: Những trường có truyền thống như Sư phạm trong những năm gần đây vẫn giữ được sự ổn định, còn đúng là hầu hết các trường khác đều gặp phải sự sa sút về số lượng cũng như chất lượng tuyển sinh đối với khối C. Có một nhận định chung là xã hội hôm nay là xã hội của cơ chế thị trường, của văn hóa tiêu dùng, của tính lợi ích và thiết thực. Trong cái môi trường khốc liệt này, con người phải lo cho cái gọi là tồn tại tối thiểu.

Mà Khoa học tự nhiên – kỹ thuật là cái có thể giúp người ta lo được cái  nhu cầu thiết yếu về tồn tại đó nhanh hơn là Khoa học xã hội & nhân văn. Thứ hai, một nhận định có vẻ hơi bi quan chăng, ngày nay trong cái thời đại mà đồng tiền và sự thực dụng lên ngôi, nó tràn vào và được xem là những giá trị, làm cho cách nghĩ của giới trẻ mà cụ thể ở đây là các thí sinh trở nên lệch lạc. Trong một số trường hợp lỗi tại người lớn chứ không phải tại thí sinh, thậm chí một số bậc phụ huynh còn dè bỉu khối C và quyết liệt hướng con cái của họ vào các khối Khoa học tự nhiên – kỹ thuật.

Có một thực trạng là hiện nay trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả các bậc phụ huynh đã vô hình chung tạo ra những đánh giá không công bằng đối với khối C và các ngành Khoa học xã hội & nhân văn.

PV: Điều này liệu có gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội hiện nay hay không, thưa ông?

 PGS.TS Văn Giá: Là một mối nguy chứ! Mà nhiều người cũng đã nói về vần đề này rồi. Theo tôi, một xã hội hài hòa là một xã hội quan niệm hai khối ngành Khoa học tự nhiên – kỹ thuật và Khoa học xã hội & nhân văn phải không được lệch. Điểm gặp gỡ cuối cùng của bất cứ  ngành nào cũng sẽ là gắn bó với vận mệnh của tổ quốc, thực trạng xã hội và số phận con người. Bởi vậy nếu mình không có một chỉnh đốn như thế nào đó thì cái gốc nhân văn sẽ nhanh chóng bị lung lay, rồi thì sẽ chỉ biết đến đồng tiền, tạo tiền đề cho sự xuống cấp, sự thoái hóa về văn hóa. Đây thật sự là một mối lo chung của xã hội.

PV: Ông có đề xuất gì nhằm hướng tới sự  thay đối được tình trạng này trong nay mai?

PGS.TS Văn Giá: Chắc chắn là phải có can thiệp từ phía Nhà nước. Phải nâng cao đầu tư toàn diện cho các khối ngành Xã hội & nhân văn. Để xã hội thấy rằng đây là một khối ngành không bị lép vế, thua thiệt. Chuyện thứ hai, cũng quan trọng không kém đó là bản thân giới Khoa học xã hội & nhân văn cũng phải tìm lại hình ảnh của chính mình.

Hiện nay xuất hiện rất nhiều hiện tượng tiêu cực như đạo văn, chạy bằng chạy cấp, làm khoa học giả... Tự bản thân họ tạo ra những hình ảnh rất méo mó trong cái nhìn của xã hội. Như vậy, ngoài việc nhà nước và xã hội quan tâm thì bản thân những người hoạt động trong giới cần phải xây dựng lại hình ảnh của mình.

Riêng công tác đào tạo tại Khoa Viết văn, lâu nay chúng tôi luôn mời những nhà văn tên tuổi, những giáo sư đầu ngành tới giảng dạy chuyên môn tại Khoa. Từ đó tạo ra tình yêu văn chương và niềm tự hào đối với mỗi học viên. Đây là nỗ lực thường xuyên, không mệt mỏi tại khoa. Bên cạnh đó, bản thân mỗi giảng viên trong khoa đều cố gắng ở mức cao nhất trở thành những tham khảo tốt về đời sống và đời viết đối với sinh viên. Tuy điều này không phải ai cũng làm được nhưng bản thân mỗi người đều cố gắng theo cái phương châm và tinh thần ấy.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn