Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Một cách giảm tải môn văn

Lê Thảo Trang - 06-12-2011 05:38:23 PM

VanVN.Net - Thay vì “nghiêng thúng” thì ghé vai đó là cách mà báo Thiếu Niên Tiền Phong và công ty TNHH Thế giới túi xách đã làm khi cùng tổ chức cuộc thi viết truyện, bắt đầu từ một tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình ngữ văn trung học cơ sở.

Ông Lê Kiên (áo sẫm) và 3 tác giả đoạt giải cao nhất cuộc thi

1. Liên tục nhiều năm nay, công ty Thế giới túi xách cùng báo Thiếu niên tiền phong đã tổ chức để thiếu niên cả nước cùng sáng tạo trong việc vẽ và viết về nhân vật con dế của những năm đầu thế kỉ 21 có tên là Tomi Happy. Một con dế quảng giao, nghĩa hiệp, ưa phiêu lưu mạo hiểm, con dế của thời hội nhập. Cuộc thi viết năm 2010 có chủ đề “Tomi Happy khám phá thành phố sôi động” còn năm nay là “Tomi Happy và hành trình vạn dặm trên biển”. Cuộc thi năm nay nhằm hướng các em ra Biển Đông, hướng tới một đề tài nóng. Thể lệ cuộc thi nêu rõ, mỗi người tham dự sẽ kể về hải trình của Tomi Happy khi chú dế này, bị sóng thần cuốn ra đại dương từ một làng quê Nhật Bản. Chú dế lênh đênh trên một chiếc tủ lạnh. Chú ăn ngủ ra sao, trôi dạt tới đâu, là tưởng tượng của mỗi người dự thi. Với cách ra đề có định hướng như thế, ban tổ chức tạo điều kiện để người viết có thể đưa vào tác phẩm dự thi tính thời sự từ các góc nhìn địa lí, lích sử, công nghệ, chính trị và… khi các em vừa chơi vừa học môn ngữ văn.

Ngay từ khi mới phát động cuộc thi, ban tổ chức luôn lưu ý người tham gia, Tomi Happy là hậu duệ nhiều đời của nhân vật Dế Mèn mà nhà văn Tô Hoài đã khai sinh trong tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí”, một tác phẩm nối tiếng, từ lâu đã có mặt trong sách giáo khoa văn học của học sinh Việt Nam. Mối quan  hệ này tạo ra sự gắn bó giữa việc học tập trong nhà trường với việc thực hành những điều học được trong sáng tạo văn chương. Đây chính là cách phát huy di sản văn học dân tộc. Là cách giảm tải tích cực, không “nghiêng thúng” đổ bớt kiến thức mà “ghé vai” cùng gánh vác. Chính vì thế, nhà văn Tô Hoài đồng tình và ủng hộ cuộc thi. Khi bút phê vào thư ngỏ xin phép “xây dựng hình tượng dế mèn Tomi Happy hậu duệ” nhà văn Tô Hoài ghi rõ “rất hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến của công ty TNHH Thế Giới Túi Xách…”.

Trao đổi với ông Lê Kiên, Tổng giám đốc Thế Giới Túi xách chúng tôi được biết, ngoài việc góp sức kéo dài đời sống một nhân vật văn học như đã làm với Dế mèn phiêu lưu ký Công ty còn lấy cảm hứng từ bài thơ Tiểu đội xe không kính  của nhà thơ Phạm Tiến Duật để tạo mẫu ba lô du lịch 559 - tên sư đoàn bộ đội Trường Sơn, mà trên hai túi cóc có in rõ ca từ “Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn”. Thiết nghĩ, chiếc ba lô ấy, cũng là cách một doanh nghiệp “san tải” với ngàng giáo dục chúng ta

Các "tân khoa" trong khu di tích Côn Sơn (Hải Dương) có đền thờ nhà thơ Nguyễn Trãi

2. Là người đã hai năm liền chấm chung khảo cuộc thi này, trả lời phỏng vấn bên lề lễ trao giải cuộc thi viết truyện “Dế mèn Tomi Happy và hành trình vạn dăm trên biển” tổ chức tại  trường THCS chuyên Lê Quý Đôn TP. Hải Dương sáng 7/11/2011 nhà văn Trần Quốc Toàn cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên trước sức bút của các cây viết nhí. Những truyện viết ra với hàng vạn từ là không hiếm trong cuộc thi này. Nhiều truyện đã là một cuốn sách hoàn chỉnh, tư tưởng chủ đề rõ, bố cục chặt chẽ. Tuy cùng chung một đề tài sáng tác, cũng là phiêu lưu kí, nhưng có truyện là đồng thoại với sự nhân cách hóa được phép, lại có truyện là cổ tích với sự xuất hiện của các vị thần, có truyện thật sự là một truyện ngắn tả thực với sự đan xen chuyện của loài vật với chuyện của loài người.

Truyện giải nhất “Người mang mặt trời từ đáy biển” của Võ Thu Hà, bút danh Võ Dương Hải Minh (tỉnh Tuy Hoà) là một huyền thoại, với sự xuất hiện của thần mặt trời ngay từ những trang đầu tiên. Tác giả đã “phù phép” để chú dế Tomi có hình hài một bé trai. Cùng bạn gái Sun của mình, Tomi dẫn bạn đọc vào một nên văn minh được mở ra cho riêng truyện này-nền văn minh Tubar.

Trong truyện giải nhì “Một cuộc hải trình cam go” của Vũ Phương Thảo (Thái Nguyên), Tomi cũng hóa thành người sau khi dùng một thứ thức ăn đặc biệt, nhưng lại hóa thành… bé gái. Dế gái can trường thâm nhập một cốt truyện mang tính huyền ảo, trước khi trở lại làm trai. Tác giả tự tin xếp truyện của mình vào danh sách tiếp theo những tác phẩm đã thành kinh điển của nền văn học này như Naruto, Harry Potter, Người sói...

Truyện giải nhì “Vượt sóng thần ra biển lớn” của Nguyễn Minh Châu (Hải Dương) là một đồng thoại. Cho tới cuối truyện, dế Tomi vẫn là dế, vì thế  Tomi của Minh Châu mang nhiều cốt cách của cụ tổ 18 đời nhà mình Dế Mèn – hiệp sĩ dế của nhà văn Tô Hoài. Chỉ khác, nếu cụ tổ nhà mình phiêu lưu trên rừng, nhân vật dế của Minh Châu phiêu lưu dưới biển cùng cá, sứa, mòng biển… giữa các rạn san hô… như là cách làm những việc mà người đi trước chưa kịp làm. Và Minh Châu đã làm việc này ngắn gọn nhưng kĩ lưỡng, văn phong chững chạc. Phát triển hợp lý nhờ các luận cứ sinh vật học”.

Nhận xét chung về các sân chơi văn học dành cho thiếu nhi nhà văn Trần Quốc Toàn nhấn mạnh “đấy là cơ hội, là điều kiện để các em tôn vinh tiếng mẹ đẻ của mình. Trong trào lưu hội nhập mà biểu hiện hòa đồng ngôn ngữ đang ngày một rõ hơn, chính những cuộc thi như thế này, giúp các em tìm ra bản sắc tiếng Việt và cùng nhau bảo vệ bản sắc ấy”. Được hỏi, dế Tomi đã khám phá thành phố sôi động, đã vượt biển xa, nếu năm nay lại “tái xuất giang hồ” Tomi nên đi đâu? Nhà văn Trần Quốc Toàn hóm hỉnh: “Nên tới dự một đại hội dế toàn quốc tổ chức trên non Tản, kiểu  đại hội cháu ngoan Bác Hồ, mỗi dũng sĩ dế sẽ mang tới một câu chuyện diễn ra ngay trên quê hương mình, trên mảnh đất sinh ra mình”.

(Tài Hoa Trẻ 735)

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn