Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Ranh giới nào cho lý luận và phê bình văn học

Ngô Hương Giang - 19-10-2011 12:05:47 PM

VanVN.Net - Nhiều năm nay, ở Việt Nam, cụm từ “Lý luận - Phê bình văn học” được đặt cạnh nhau một cách nghiễm nhiên không cần suy tư  hay phán xét về sự bất ổn của nó. Trong hầu hết các sách lý luận văn học hay trên các trang bìa của tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng, lý luận và phê bình văn học thường được đặt ngang hàng thông qua một dấu gạch ngang thầm lặng “lý luận – phê bình”, thậm chí có chỗ còn ngây thơ bác luôn cả dấu gạch ngang thành “lý luận phê bình”.

 

Đó không còn là câu chuyện “viết nhầm” hay thầm “quy ước” nữa, mà nó là quá trình “nhận thức” sai lệch về vị trí, chức năng và tầm ảnh hưởng của hai lĩnh vực trong khoa học văn học. Điều ấy phản ánh tư duy thiếu logic của người nghiên cứu. Theo thời gian, sự nhầm lẫn trên đã trở thành hiệu ứng domino, chạy theo tâm thức đám đông về quan niệm. Và tất yếu, sự thiếu xót này sẽ kéo theo hệ quả lầm lẫn tai hại từ nó.

 Sự nhập nhằng giữa các khái niệm

Lý luận văn học (literary theory) có nhiệm vụ đi tìm câu trả lời cho nghi vấn: Văn học là gì? Phê bình văn học (literary criticism) đi tìm câu trả lời cho nghi vấn: Tác phẩm văn học được biểu hiện như thế nào? Lý luận văn học quan tâm đến cấp độ tư duy phạm trù, đặt nền tảng nhận thức luận vào đặc trưng lí tính trừu tượng, khám phá và giải quyết các quy luật văn học. Do đó, lý luận văn học cần được nhận thức như là quá trình tìm kiếm trong thế giới tinh thần những điểm nối kết và kế thừa, mà di sản nhận thức hiện tại của văn học là kết quả thông điệp của hệ thống tri thức quá khứ. Nó cần được diễn giả khai mở và sáng tạo. Quá trình ấy là quá trình không ngừng vận động của nhận thức xuyên hiện thực, mà mỗi quy luật sáng tạo và thẩm định văn học là một mắt xích quan yếu trong tiến trình nhận thức chung của văn học thế giới. Theo đó, phê bình văn học muốn tồn tại cần phải nương nhờ lý luận văn học  để xây dựng đặc trưng quan niệm logic về tác phẩm hoặc một trào lưu, nền văn học cụ thể.

Giữa lý luận văn học và phê bình văn học có quan hệ biện chứng với nhau, nhưng điều ấy không có nghĩa chúng hòa tan làm một. Vì đối tượng nghiên cứu của hai phân môn vốn độc lập và có ranh giới rõ ràng, dẫn đến đặc trưng phương pháp luận cũng khác biệt. Lý luận văn học lấy nền tảng là logic triết học. Còn nền tảng của phê bình văn học là từ logic xúc cảm (thiên về kinh nghiệm cảm thụ văn học của cá nhân) và logic lý tính được tạo dựng và chỉ dẫn bởi hệ thống lý thuyết văn học. Nói rõ ra, phê bình văn học là sự cụ thể hóa của lý luận văn học, còn lý luận văn học là sự chỉ đạo và dẫn nhập phê bình văn học đi đúng quy luật văn chương. Dó đó, người làm lý luận văn học hoàn toàn có thể trở thành một nhà phê bình văn học, song, một người phê bình văn học thuần túy chưa hẳn có thể đảm đương công việc của một nhà lý luận văn học. Nhà phê bình văn học có thể không được đào tạo bài bản qua trường lớp (hoặc tự nghiên cứu) nhưng họ vẫn có thể giải mã được các lớp nghĩa của văn bản văn học. Song, một người làm lý luận văn học phải là người có bề dày tri thức nhất định và được đào tạo bài bản. Tất nhiên vẫn không loại trừ trường hợp một số người làm lý luận văn học, vì một lí do nào đó, ít có cơ hội được kinh qua môi trường đào luyện sư phạm mà chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu. Quá trình ấy chỉ giúp họ diễn giải hay hệ thống hóa các lý thuyết có sẵn chứ khó có thể đưa họ trở thành một nhà lập thuyết trong văn học. Ở các nước phương Tây thì việc phân ra người làm lý thuyết và người làm phê bình ứng dụng dường như không phổ biến, thường thì nhà lý luận kiêm luôn trong mình vai trò của người phê bình. Vì vậy, sau mỗi lần xuất hiện một lý thuyết mới thường thấy kèm theo đó là sự phê phán ngược trở lại của những nhà lý luận với nhau. Tất yếu của quá trình này là sự phủ nhận giữa các lý thuyết. Nhưng sau mỗi lần phủ nhận lẫn nhau đó thì một hệ hình lý thuyết mới lại ra đời. Ở Việt Nam, tình hình trên khó hơn. Chúng ta thiếu nền tảng đủ vững về triết học để có thể xác lập hệ hình lý thuyết cho riêng mình. Việc tìm kiếm nhà lập thuyết ở Việt Nam là hy hữu. Tuy nhiên, tính kép trong nghiên cứu lý thuyết văn học, và ứng dụng lý thuyết trong phê bình văn học cũng chỉ dừng lại ở con số hiếm hoi, có thể đơn cử một số trường hợp như Đỗ Lai Thúy, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Trần Huyền Sâm…, trong khi đó, thì tính phân lập rõ rệt giữa người làm lý thuyết và người làm phê bình văn học lại tương đối rõ ràng. Ví dụ: Trương Đăng Dung, Phương Lựu, Trịnh Bá Đĩnh, Phạm Vĩnh Cư… là những nhà nghiên cứu lý thuyết nhiều hơn là nhà lý luận kiêm nhà phê bình văn học. Trong khi đó, lực lượng làm phê bình văn học - ứng dụng ở ta (thường dựa vào những thành tựu nghiên cứu, hoặc giới thiệu lý thuyết của các nhà lý luận văn học) lại khá đông. Tuy nhiên, thật khó tìm kiếm trong số những nhà phê bình-ứng dụng ấy tính phê phán ngược trở lại lý thuyết từ quá trình trải nghiệm thực tiễn của chính - lý thuyết, để từ đó tìm ra lý thuyết riêng cho mình. Tính chuyên môn hóa ấy ở Việt Nam càng cho phép ta phân tách rạch ròi giữa lý luận và phê bình văn học. Do đó, việc đặt cạnh nhau trong sự tương kính giữa lý luận và phê bình văn học cần được ngăn cách bởi liên từ “và” hơn là dấu gạch ngang qua loa và lối cào bằng dễ dãi. Sự thiếu minh bạch trên, thực tế đã kéo theo nhiều sai lầm về nhận thức luận văn học.

  Hệ quả của những nhận thức sai lầm

 Từ chỗ người làm phê bình văn học không phân biệt rạch ròi, dứt khoát ranh giới giữa lý luận và phê bình, dẫn tới quy chụp nhà lý luận vào làm một với nhà phê bình văn học. Tôi xin đơn cử hai trường hợp rõ nét nhất trong thời gian gần đây. Trường hợp thứ nhất:  Một nhà phê bình trẻ trong một đoạn của bản tham luận đọc tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII có viết “Người phê bình trẻ nhiều lúc quá ôm đồm, đọc nhiều, biết rộng nhưng chưa mấy người lựa chọn cho mình một lĩnh vực để chuyên sâu, tạo dựng được thương hiệu theo kiểu các nhà phê bình thế hệ trước, ví dụ Trần Đăng Khoa với phê bình chân dung, Đỗ Lai Thúy với phê bình phân tâm”, thoạt tiên, mới đọc qua tưởng trừng như nhận định có phần hùng hồn trên hợp lý, nhưng bình tĩnh mà ngẫm lại thì anh bộc lộ những lỗi sai căn bản về logic nhận thức. “Thế hệ trước” hay “thế hệ đi trước”? Nếu nói Trần Đăng Khoa và Đỗ Lai Thúy là “thế hệ trước” thì đó là sự phủ định tính chất đương đại trong lối phê bình văn học của họ. Vì “thế hệ trước” là cụm từ chỉ sự kết thúc của một giai đoạn tư tưởng, điều ấy không thể đúng với trường hợp của hai tác giả trên. Mặt khác, tác giả lại khẳng định như đinh đóng cột “Đỗ Lai Thúy với phê bình phân tâm” thì điều ấy lại càng chứng tỏ nhận thức luận văn học của tác giả có vấn đề. Đỗ Lai Thúy được biết đến như một nhà phê bình văn học từ sự tham chiếu của lý thuyết phân tâm học (hoặc phê bình văn học theo phương pháp phân tâm học) , chứ không phải là một nhà “phê bình phân tâm học”. Điều ấy sẽ dẫn đến hai hệ quả: một là quy chụp vai trò, nhiệm vụ của người làm phê bình văn học vào vị trí của một người làm phê bình lý thuyết (phê bình của phê bình); thứ hai, đánh giá không đúng bản chất hoạt động phê bình của tác giả, từ đó hiểu sai giá trị học thuật của họ. Vì khi anh nói “Đỗ Lai Thúy với phê bình phân tâm” thì điều ấy nghiễm nhiêm anh đã xếp Đỗ Lai Thúy vào vị trí của một nhà phân tâm học (có tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu về phân tâm học, hoặc là nhà lập thuyết phân tâm học được giới phân tâm học thừa nhận) đang đứng trên lập trường của một trường phái hoặc một nhánh của lý thuyết phân tâm học để phê bình lại lập trường và nhánh lý thuyết phân tâm học khác, giống như A. Adler và C. Jung đã từng phê phán lý thuyết phân tâm học của Freud hoặc như trường hợp của J.Lacan, E. Fromm…cũng vậy . Và tất yếu của quá trình phê bình lý thuyết của lý thuyết ấy sẽ làm nảy sinh một hệ hình lý thuyết mới trên nền của hệ hình lý thuyết cũ, như A. Adler với lý thuyết phân tâm học “về nhân tính”, C. Jung với lý thuyết về “vô thức tập thể”, J. Lacan với “phân tâm học văn bản”, E. Fromm với phân tâm học về “sự quên lãng của ngôn ngữ”…Trong khi đó, Đỗ Lai Thúy được ghi nhận như là một người dịch thuật, biên khảo và giới thiệu các lý thuyết phân tâm học vào Việt Nam hơn là người làm lý thuyết thuần túy về phân tâm học. Bằng chứng là, nếu nói như tác giả của “Đỗ Lai Thúy với phê bình phân tâm” thì hẳn rằng, Đỗ Lai Thúy phải xây dựng cho mình một lý thuyết riêng về phân tâm học? Từ logic nhận thức sai ấy của tác giả dẫn đến hệ quả phủ nhận giá trị phê bình văn học của Đỗ Lai Thúy từ sự tham chiếu của lý thuyết phân tâm học, đánh tráo các giá trị mà người phê bình văn học đáng lẽ xứng đáng được ghi nhận.

 Trường hợp thứ hai, tôi muốn nói đến cũng rơi vào một đại biểu trẻ đang tập đá banh từ sân chơi thơ sang sân chơi phê bình nhiều khốc liệt. Trong một bài phỏng vấn, anh nói một cách đầy tự tin rằng: “Môi trường lý luận đang tràn lan lý thuyết nhưng thiếu tính ứng dụng: sau những quy nạp, chưa sáng tạo được một biến thể nào vừa vặn với không gian văn học Việt đương đại, để thay thế cho những công cụ lý thuyết đã thuộc về hôm qua. Còn phê bình vốn có tính chất vừa là kẻ đến sau, vừa là người dẫn trước, trong thực trạng hiện nay, khi phê bình là kẻ đến sau thì… không có việc làm, do văn học đương đại chưa kịp có nhiều sáng tạo độc đáo để “rủ” người viết phê bình hứng thú nhập cuộc, mổ xẻ. Còn khi phê bình là người dẫn trước thì nó cũng chưa làm được đầy đủ trách nhiệm khai mở, soi sáng, đưa lối cho người sáng tác. Ngoài ra, giọng văn của một số người trẻ viết phê bình đang thừa tính hàn lâm nhưng lại thiếu cảm xúc, “lên gân” quá, khiến cho người đọc đôi khi bị… hoảng. Có thể nói, những nhà phê bình trẻ chỉ mới cặm cụi trên nương rẫy khoa học phê bình chứ chưa chịu bay nhảy qua mảnh vườn hoa trái của nghệ thuật phê bình, chưa đẩy phê bình tới tầm mức văn chương”, có hai điều cần thưa trong một lập luận mâu thuẫn và thiếu logic.

 Thứ nhất, tác giả nói “Môi trường lý luận đang tràn lan lý thuyết nhưng thiếu tính ứng dụng: sau những quy nạp, chưa sáng tạo được một biến thể nào vừa vặn với không gian văn học Việt đương đại, để thay thế cho những công cụ lý thuyết đã thuộc về hôm qua”, cho thấy, logic nhận thức không những mâu thuẫn mà còn thiếu nền tảng lý luận cơ bản. “những quy nạp” là phạm trù thuộc phương pháp suy luận “tìm những định luật để cắt nghĩa các hiện tượng” (Trần Văn Hiến Minh), trong khi đó, ý anh nói lại thuộc phương pháp thống kê, phân loại theo hệ thống, thiên về thao tác thực hành tư duy hơn là logic phán đoán. Anh lại nói “chưa sáng tạo được một biến thể nào vừa vặn với không gian văn học Việt đương đại”, có hai điều nhỏ cần thưa: Một, biến thể là quá trình biến đổi tự thân của một sự vật hiện tượng (gồm biến thể một phần hoặc toàn phần; trong Thần học, biến thể (transubstantiation) thường có tính biến đổi toàn bộ trong bản thể học) khi môi trường ôm chứa sự vật ấy tiến tới những giới hạn, không còn phù hợp nữa thì có sự biến đổi nội tại sang một thể khác phù hợp hơn. Khi một lý thuyết tồn tại trong một môi trường học thuật, mà môi trường ấy không phù hợp thì hoặc nó sẽ tự đào thải hoặc nó rẽ nhánh sang hướng khác, nhưng vẫn nằm trong hệ thống của lý thuyết đó. Ví dụ, trong lý thuyết phân tâm học, ban đầu khởi thuyết của nó là một bộ môn thuộc khoa học phân tích tâm lý thực nghiệm đứng đầu là Freud với trung tâm thuyết “tính dục”, nhưng sau đó, những giới hạn của lý thuyết Freud buộc phân tâm học có sự biến đổi nội tại sang hướng khác: Từ Phân tâm học được Jung phát triển theo hướng phân tích “cổ mẫu”, cho tới Lacan, Bachelard, Fromm …là sự cách xa với lý thuyết phân tâm học do Freud đề xuất. Do đó, mặc dù có những chứng cớ làm thay đổi nhiều nhận định từ lý thuyết của Freud, nhưng ông vẫn được đề cao và xem như là cha đẻ của Tâm lý học hiện đại. Tất nhiên, biến thể của một lý thuyết thì không thể thay thế cho một lý thuyết khác đến bên ngoài và độc lập với nó.

    Thứ hai, anh nói “lý thuyết đầy tràn” nhưng “thiếu tính ứng dụng” thì rõ ràng nó “chưa làm được đầy đủ trách nhiệm khai mở, soi sáng, đưa lối cho người sáng tác” rồi! Song khi nêu lên nhận định đó, anh lại không đi chứng minh vấn đề “lý thuyết đầy tràn” mà “thiếu tính ứng dụng” thể hiện ở chỗ nào? Vì sao lại có hiện tượng đó? Có phải nhất thiết lý thuyết nào vào Việt Nam cũng phải ứng dụng trong thực tiễn hay còn phụ thuộc vào sự tương thích giữa cá nhân phê bình với lý thuyết được đưa vào?  Tôi thì cho rằng, một lý thuyết ngoài vai trò soi sáng thực tiễn, thì nó còn đảm đương nhiệm vụ tham chiếu với các lí thuyết khác đã, đang tồn tại để thấy được điểm mạnh, yếu trong khi ứng dụng. Đó là sự kết nối của tri thức trong tính dung nạp lẫn nhau. Ý cuối của nhận định anh cho rằng “Có thể nói, những nhà phê bình trẻ chỉ mới cặm cụi trên nương rẫy khoa học phê bình chứ chưa chịu bay nhảy qua mảnh vườn hoa trái của nghệ thuật phê bình, chưa đẩy phê bình tới tầm mức văn chương”, thực tình, tôi không hiểu cụm từ “Khoa học phê bình” anh dùng theo nghĩa nào? Nếu anh dùng theo nghĩa là một khoa học chuyên biệt chuyên nghiên cứu về các trào lưu, khuynh hướng phê bình văn học, lấy đối tượng là chính là “phê bình văn học” (??), thì điều anh nói lại thuộc về khoa học văn học chứ không phải là phê bình văn học - ứng dụng (thuật ngữ do chúng tôi sử dụng). Và đã gọi là khoa học văn học thì nó phải có nhiệm vụ đi nghiên cứu bản chất cácphân môn của nó để rút ra quy luật vận động của văn học, thì sao nó có thể “nhảy qua mảnh vườn hoa trái của nghệ thuật phê bình” được. Đó là nguyên tắc chính- danh trong nghiên cứu văn học. Tôi không rõ anh đã thực hiện một cuộc điều tra nghiêm túc về thực tiễn “khoa học phê bình” (như anh nói) như thế nào? Nhưng tôi thì không đủ tự tin để khẳng định chắc như đinh đóng cột về lực lượng làm “khoa học phê bình” văn học như anh đề cập tới “những nhà phê bình trẻ”. Ở ta, lực lượng làm phê bình -ứng dụng đông đảo và vượt trội hẳn so với lực lượng làm lý thuyết phê bình thuần túy (khoa học văn học về phê bình văn học); trong các buổi điểm danh lực lượng phê bình, thì đối tượng thứ hai được nhắc tới như một nguyên cớ hơn là nguyên nhân chính để thúc đẩy sự phát triển của một nền phê bình văn học đúng nghĩa . Điều anh gọi là“vườn hoa trái của nghệ thuật phê bình”, nó phải phụ thuộc vào tài năng và kinh nghiệm của người làm phê bình - ứng dụng, lấy tác phẩm văn học là trung tâm diễn giải, chứ không còn là nhiệm vụ chuyên biệt của nhà nghiên cứu về phê bình văn học. Hơn nữa muốn làm được một nghệ sĩ phê bình đạt đến trình độ nghệ thuật, thì anh ta phải là người tìm hiểu và nghiên cứu có hệ thống các lý thuyết văn học. Mà nghiên cứu lý thuyết văn học thì anh phải chấp nhận lối suy tư “khô” “khó” “khổ”, thì anh mới biến nó thành nghệ thuật khi ứng dụng được. Một khi anh chưa thực hiện điều tra đến nơi đến chốn tận gốc rễ lý thuyết mà anh định đem nó tham chiếu vào tác phẩm văn học cụ thể, thì nghệ thuật phê bình có được cũng chỉ là những mô tả thuần túy kinh nghiệm chứ không phải là phê bình học thuật. Điều này lại kéo theo những giới hạn của nghệ thuật phê bình, vì thật khó để có một nghệ thuật phê bình nếu như nhà phê bình chỉ thuần túy dựa vào cảm giác mà thiếu đi căn bản tri thức phục vụ cho việc giải mã văn bản. Với tốc độ thông tin chóng mặt như hiện nay, nếu nhà phê bình không có đủ sức bền và bề dày văn hóa, tri thức phục vụ cho lối viết thì anh ta khó có thể phê bình đúng, trúng giá trị văn bản được.
  Việc xác định ranh giới một cách dứt khoát giữa lý luận văn học và phê bình văn học là căn bản nhận thức cho việc nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất các hiện tượng văn học, rộng hơn là một trào lưu, một khuynh hướng, một giai đoạn văn học cụ thể. Nó đòi hỏi sự nhọc công và phối kết hợp từ hai phía: người làm lý luận và người làm phê bình văn học. Quan hệ biện chứng ấy phản ánh quá trình tri thức văn học nương nhờ tri thức khoa học, là đặc trưng “vắt dòng tri thức” liên ngành. Tuy nhiên điều ấy không đồng nghĩa với việc đánh đồng vai trò, tính chất, vị trí và chức năng của lý luận văn học với phê bình văn học làm một.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn